Tù Đày Cọng Sản - Duy Trác kể lại

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 Duy Trac
Duy Trac 2

Trọng Kim: Hồi 30-4-75, tại sao anh kẹt lại

Duy Trác: Tôi bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bắt với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền" (?) và được chính quyền Trần Văn Hương trả tự do vào ngày 27-4-75. Ra đến bên ngoài, nhìn thấy cả một thành phố đang xôn xao, hoang mang về vấn đề đi ở. Đúng ra, tôi còn dịp tìm được phương tiện ra đi nhưng không may có đứa con út mới được 17 tháng, đang bị đau nặng. Ngày 28-4, Bác sĩ Nguyễn Thế Minh, bạn tôi hiện ở Canada, khuyên tôi nên cho cháu vào bệnh viện ngay vì loại bịnh của cháu có thể có những biến chứng không lường được. Nghĩ rằng cháu sẽ không chịu đựng nổi cuộc hành trình dài trên biển, tôi và gia đình quyết định ở lại và như thế, tôi bắt đầu bước vào một đoạn đời gian khổ.

Trọng Kim: Được biết anh đã bị giam giữ nhiều năm trong các trại tù cải tạo, sáu năm trong đợt đầu và sau lại bị bắt tù thêm 4 năm qua vụ án "biệt kich văn nghệ". Anh không những quen biết nhiều trong giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật, báo chí mà còn cả các nhân vật chính trị miền Nam trước đây, xin anh kể lại những ngày trong lao tù cộng sản sau 75, những kỷ niệm khó quên và nhất là những nhân vật mà anh đã gặp qua các trại tù này.

Duy Trác: Ngày 14-6-75, tôi trình diện với tư cách sỉ quan biệt phái tại trường Tabert, sau khi đóng 10 ngày tiền ăn. Bây giờ nghĩ lại thấy cũng tức cười. Ai đời tình nguyện đóng tiền để đi tù. Tại đây tôi có gặp anh Lê Quang Uyển, Thống đốc Ngân hàng và Tiến sĩ Võ Thế Hào, giáo sư trường Bách Khoa Phú Thọ. Hai ngày sau, họ di chuyển chúng tôi vào ban đêm, bằng xe Molotova. Tôi cứ nghĩ họ sẽ đưa chúng tôi vào rừng, nhưng cuối cùng họ đưa chúng tôi đến căn cứ Trảng Lớn (Tây Ninh). Đây là căn cứ của Bộ Tư lệnh Tiền phương Sư đoàn 25. Trong những ngày đầu đã có nhiều vụ tự tử. Đặc biệt có trường hợp nhạc sĩ Minh Kỳ, đang ngồi ở trong trại thì có một trái lựu đạn ném vào bị tử thương. Cho đến bây giờ vẫn không rõ trái lựu đạn này do ai ném.

Ở trại Trảng Lớn, ngoài anh Võ Thế Hào, tôi còn gặp anh Đào Đức Kỳ, cựu giám đốc đài Truyền hình, Bác sĩ Bùi Duy Tâm, cựu Khoa trưởng Trường Y khoa Minh Đức.

Trong thời kỳ đầu, có anh Ngô Nghĩa, thiếu úy, trốn trại và đã bị cộng sản xử bắn, pháp trường dựng tại phi trường Tây Ninh.

Khoảng tháng Mười 1975, Việt Cộng cho phép gửi thư về nhà và cho phép gia đình gửi quà vào dịp Noel mỗi gói quà không quá 700 gram. Có những anh em đã tự tử hoặc đã chết vì bệnh nhưng quà vẫn gửi lên chứng tỏ Việt Cộng đã không thông báo cái chết cho gia đình. Chúng tôi có chị bạn thân, chị Bích Huyền hiện làm báo ở Orange County. Được những người bạn cùng cải tạo với chồng chị ở ngoài Bắc cho biết anh đã chết ở trong trại. Chị lặn lội ra Bắc để hỏi về cái chết của chồng. Bọn Việt Cộng nhất định chối về cái chết của anh. Cuối cùng sau khi làm dữ và nằm ăn vạ mấy ngày, chúng mới chịu chi mộ của anh. Chị thuê người đào lên và gói hài cốt của anh vào một bao nylong, mang về Saigon hỏa thiêu. Tôi chợt nghĩ đến Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy. Ôi những bà mẹ, những người vợ Việt Nam!

Viết thư về cho gia đình cũng phải đạt ba yêu cầu:

- Ca tụng chính sách khoan hồng của đảng.

- Xác định an tâm cải tạo.

- Động viên gia đình chấp hành đường lối chính sách của đảng.

Ngoài ra không được xin sỏ gì ở gia đình vì đảng và nhà nước đã lo đầy đủ (sic!)

Có một bức thư của một chàng Thiếu úy Phi Công viết về cho vợ, được Việt Cộng biểu dương là đã có ý chí phấn đấu cải tạo và tư tưởng tiến bộ. Bức thư thế này:

"Em yêu dấu,

... Trước kia anh thường thích ăn thịt kho hay chà bông và uống cà phê thì phải có đường trắng. Nhưng vào đây, được đảng giáo dục tự nhiên anh chỉ thích ăn muối mè, cá khô và đường cục, mà anh thấy hương vị đậm đà tình dân tộc, và nhờ đó anh mới nhìn thấy giá trị lao động của giai cấp công nông. Bây giờ anh chỉ thích đọc sách. Em hãy gửi cho anh sách, và chỉ sách mà thôi..."

Tái bút: Tuy nhiên sách thì còn có người cho mượn chứ lạp xưởng thì không ai cho mượn cả.

Sau khi nhận được thư của người chồng tiến bộ, "Em yêu dấu" bèn gửi lên toàn là chà bông, thịt kho, đường trắng và lạp xưởng.

Ngày 24 Tết (năm 1975) một số người trong đó có tôi được Việt cộng thông báo là "vì học tập cải tạo" tốt nên được trao trả về ban quân quản Saigon. Mọi người hò hét vang trời, tin chắc là được thả. Còn bao nhiêu tiền bạc, đồ ăn, quần áo đều để lại cho các anh em ở lại. Hồi đó đến 95% anh em đều tin thời gian cải tạo là 15 ngày (cấp tá trở lên) và 10 ngày ( cấp ủy). Riêng tôi khi nghe kêu tên, tôi vội vã đi xin một cái gầu múc nước và một cuộn giây vì chỉ nhìn vào thành phần có tên toàn là ngành an ninh tình báo và biệt phái, tôi biết rằng cuộc phiêu lưu gian khổ bắt đầu.

Sau 30-4-75 sau khi đã đọc Lenine và những biện pháp áp dụng sau một cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, tôi đã chuẩn bị khá kỹ khi đi trình diện. Tôi mang theo nhiều quần áo ấm, hơn 1000 viên thuốc như trụ sinh, thuốc sốt rét, thuốc kiết lỵ, tiêu chảy, thuốc phù thủng và thuốc ghẻ cùng hơn 10 cây xà bông. Sự chuẩn bị của tôi không thừa vì chỉ đến Trảng Lớn độ hai tháng đã có nhiều anh em bị bại liệt nên chúng tôi gọi là "chân không người lái". Có người bị biến chứng vào tim đã bị chết.

Khi tôi đi trình diện, mẹ tôi nghĩ rằng 10 ngày thì tôi về. Tôi nói với vợ tôi là từ 6 tháng đến 1 năm cho vợ tôi yên tâm. Nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ rằng thời hạn mất tự do là 5 năm. Vào đến trại, tôi mới biết rằng tôi lạc quan tếu, khi nghe lời tuyên bố sắt máu của ông Trường Chinh: "Sau năm 1954, chúng ta đã không có một chính sách cải tạo đúng mức khiến cuộc chiến tranh đáng lẽ đã kết thúc sớm hơn thay vì phải đợi đến năm 1975". Đọc báo thấy tướng Lư Hán ở Trung Quốc bị cải tạo 26 năm và qua tin tức được biết ở ngoài Bắc có một số người đi cải tạo từ năm 1954 mà đến năm 1975 vẫn chưa được thả, tôi mới biết rằng tôi chưa biết gì về cộng sản cả.

Chúng tôi đến Newport, thấy bến cảng sáng rực với mấy chục ngọn đèn pha, hàng trăm binh sĩ được trang bị đến tận răng với lưỡi lê tuốt trần, và mấy chục con chó Berger quân khuyển dàn ở hai bên lối đi. Lần đầu tiên nhìn thấy một cái tầu há mồm, tôi không ngờ nó có một vẻ khủng khiếp đến như thế: cái miệng toác hoác đen sì như là cửa địa ngục. Hai ngàn người được nhét vào hầm tầu của chiếc dương vận hạm H.Q. 501. Khởi đầu một chuyến đi địa ngục. Hai ngàn người chen chúc, ngồi bó gối không chỗ nhúc nhích, đại và tiểu tiện tại chỗ. Sang ngày thứ hai, cứt đái, đồ nôn mửa (do say sóng) và nước biển đã trộn lẫn thành một thứ nước dơ bẩn, hội thối ngập đến mắt cá chân. Sang ngày thứ ba, đang lênh đênh trên biển tự nhiên tầu tắt máy. Các quạt gió dưới hầm tầu đều ngưng lại. Bị ngạt thở nên hàng trăm người ngất xỉu. Lúc đó chúng tôi đều nghĩ là bọn Việt Cộng sắp sửa thủ tiêu chúng tôi. Số người ngạt thở, ngất xỉu càng nhiều. Chúng tôi âm thầm chờ đợi một luồng hơi ngạt hay những trái lựu đạn ném vào hầm tầu. May mắn điều đó không xẩy ra, và sáng ngày 27 Tết chúng tôi đến Phú Quốc và được nhốt vào các trại trước kia giam giữ tù binh Cộng sản.

Tôi ở Phú Quốc được hai tháng thì bọn Khmer đỏ đánh đảo Thổ Châu. Việt cộng lo sợ vấn đề an ninh, nên mấy tháng sau (1976) chúng tôi lại được đưa về đất liền, giam ở căn cứ Black Horse cuả Trung đoàn 48 cũ ở Long Giao (Long Khánh). Cùng bị giam giữ ở khu vực này có Dương Hùng Cường, Đỗ Tiến Đức, Đào Đức Kỳ, Dương Phục, Võ Thế Hào. Dương Phục trốn trại tại Long Giao và sau đó sang được Hoa Kỳ.

Sang giữa năm 1977, các sĩ quan quân đội thuần túy được đưa lên Phước Long. Các sĩ quan và hạ sĩ quan cảnh sát cùng với sĩ quan biệt phái chúng tôi được chuyển giao sang Công an. Trước khi lên đường, bọn cán bộ Quân đội nói nhỏ với chúng tôi "Ở với bọn tôi còn đỡ chứ sang với bọn "bò vàng" (công an) đời các anh coi như tiêu". Lời cảnh cáo khá đúng, vì ở trại Z 30D (Hàm Tân - Phan Thiết) chúng tôi gặp một bọn cai tù chuyên nghiệp với cách quản lý thiếu hẳn nhân tính.

Trại Z 30D khá lớn. Chúng tôi ở trại A gồm khoảng 1700 người, trại B hơn 1000 và trước khi tôi di chuyển đi trại A 20 (Phú Khánh), trại C đang được xây cất. Ở trại này, tôi gặp khá nhiều nhân vật tên tuổi của chế độ cũ: các nghị sĩ La Thành Nghệ, Phan Văn Hạo, Trịnh Quang Quỹ, các Dân biểu Trần Ngọc Châu, Lâm Văn Ca, Tổng trưởng Sắc tộc Paul Nur, nguyên cục trưởng Trung ương Tình báo Trương Kim Cang, nguyên giám đốc cảnh sát Đô thành Trần Văn Tư, Viện trưởng Viện Hóa Đạo (Việt Nam Quốc Tự) Thượng tọa Kim Sang, cụ Nguyễn Văn Hướng (thân phụ tướng Nguyễn Văn Hiếu), Tổng thư ký Liên Minh Á châu Chống Cộng, cụ Vũ Huy Chân 83 tuổi (hồi đó) đồng chí của lãnh tụ Nguyễn Thái Học, cụ Lê Văn Thụ, Chánh nhất Tòa Phá án, Lê Quang Uyển, Thống đốc Ngân hàng, Linh mục Công phó viện trưởng Đại học Minh Đức.

Trại Z 30D còn giam giữ hơn 100 nữ, đại đa số là các nữ sinh viên phục quốc. Trong số pham nhân nữ có các dân biểu Nguyễn Thị Lý, Trần Thị Hoa tự Phấn (vợ lớn của ông Ba Cụt), nữ chánh án Nguyễn Thị Vệ, Giám đốc Báo chí phủ Tổng thống Cao Thị Liễu, các Đại tá Hương, đại tá Vệ cùng một số sĩ quan nữ quân nhân, Thiếu tá Thủy đoàn trưởng đoàn nữ tình báo Thiên Nga, cùng một số nữ sĩ quan cảnh sát. Khoảng cuối năm 1977, các ông La Thành Nghệ, Trần Ngọc Châu và Trần Văn Tư được chia đi nơi khác. Sau tôi nghe nói các ông Nghệ, Châu được thả rất sớm.

Trong thời gian ở trai Z 30D, chúng tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên: một cuộc nổi loạn không đổ máu vào sáng 1 Tết (năm 1978). Theo chương trình của Trại giam, sáng 1 Tết, sau khi bọn cán bộ quân quản vào chúc Tết, chúng tôi chỉ được ra sân coi một trận đấu bóng chuyền là lại bị nhốt vào phòng. Chúng tôi quyết định tự tổ chức một cái Tết thật vui và thật có ý nghĩa, nói lên tinh thần bất khuất cuả anh em. Chiều 29 Tết, chúng tôi tổ chức một chiến dịch đánh "antenne" trong toàn trại (danh từ này chỉ một số nhỏ anh em vì sợ hãi, ngu dốt hay mất phẩm chất chịu làm tay sai cho bọn cai tù, báo cáo các hoạt động hoặc lời nói của anh em).

Đêm 30 Tết chúng tôi ra chỉ tiêu cho mỗi phòng giam phải bắt 20 con chuột (toàn trại có 15 phòng giam). Thế là anh em chúng tôi thức trắng đêm để rình bắt chuột.

Sáng 1 Tết, cha Công làm lễ cầu an cho các anh em ngay ở sân trại. Trong khi đó, mấy người trong ban tổ chức lên chúc Tết ban chỉ huy trại mang theo mấy trăm con chuột được sâu vào dây kẽm gai, máu chảy ròng ròng được coi là quà Tết. Tất cả anh em chúng tôi tràn hết cả ra sân. Một ban hợp ca khoảng 20 người hát những bản nhạc "chính huấn", những bài ca chống Cộng trước năm 1975, thường được hát trong chương trình "Chính huấn" phát hình trên TV. Tôi không còn nhớ tên những bản hát này, nhưng tôi nhớ lời trong một bản nhạc như sau: "Giặc từ Bắc vô đây, bàn tay nhuốm máu anh em." Hơn 1000 anh em đứng ở chung quanh, người thuộc lời thì hát theo, không thuộc thì vỗ tay theo nhạc. Sau gần 3 năm Cộng sản chiếm miền Nam, đây là lần đầu tiên chúng tôi công khai hát, hát thật to, hát những bài ca chống Cộng trước mũi súng của kẻ thù (Bọn cai tù đã bao vây trại và súng đều chỉa vào trong. Đến gần trưa chúng tăng cường cả xe tăng).

Và giữa 1700 anh em, gầy ốm và quần áo xác xơ và dưới ánh nắng dịu của ngày đầu Xuân, người ca sĩ "cấm cung” Duy Trác lần đầu tiên hát trước thính giả đông như thế mà không cần Mico. Tôi đã hát với anh em và tôi hát cho anh em bằng tình chiến hữu ngọt ngào và bằng trái tim rừng rực căm thù. Nước mắt anh em và nước mắt tôi chảy dài theo bài hát, những giọt nước mắt hòa trộn tình yêu và nỗi căm hờn. Tôi đã hát bài "Ly Rượu Mừng" của Phạm Đình Chương và bài "Saigon chỉ vui khi các anh về" mà tôi mới viết trong nhà tù mấy ngày trước.

Tôi vẫn ấp ủ một dự định là nếu có một ngày nào sang được Mỹ, tôi sẽ gặp và kể cho anh Phạm Đình Chương về các kỷ niệm này, về bài hát của anh, bài hát đã gắn liền với cái Tết của mọi gia đình, bài hát ấy đã được chúng tôi hát lên từ giữa lòng địa ngục, trước xe tăng và súng ống của bạo lực. Tôi cũng sẽ cám ơn anh về những dòng nhạc ngọt ngào, đầy lòng nhân ái của anh đã sưởi ấm chúng tôi, rót vào lòng chúng tôi biết bao kỷ niệm và sức sống. Không may là anh Phạm Đình Chương đã từ trần trước khi tôi đến được nước Mỹ.

Về bài "Saigon chỉ vui khi các anh về", tôi cũng có những kỷ niệm khó quên. Một hôm, chúng tôi phải đi đắp một con đường từ quốc lộ I đi vào trại Z 30D. Đang lao động, chúng tôi thấy một thiếu nữ khoảng trên dưới 20 tuổi, đeo ba lô và xách rổ đi vào về phía trại giam. Chúng tôi hỏi thăm thì cô cho biết là đi thăm bố và anh. Gặp các thân nhân đi thăm nuôi, chúng tôi thường tìm cách hỏi dò tin tức. Nhưng vì vướng tên công an đứng gần đó, nên chúng tôi chỉ hỏi "Saigon có gì vui không?" thì cô nhỏ trả lời "Saigon chỉ vui khi các anh về". Xúc động vì câu trả lời, xúc động vì tấm lòng của cô gái, của người Saigon tôi đã viết bản nhạc này.

Hôm đó, ngoài tiết mục ca hát, chúng tôi còn tổ chức các trò chơi như nhẩy "nối vòng tay lớn", đấu bò rừng, và nhiều trò chơi khác nữa. Chúng tôi hoàn toàn làm chủ nội vi trại giam và chỉ trở về phòng sau khi đã vui chơi thoải mái trong 8 tiếng đồng hồ.

Sau vụ này, tôi bị còng chân hàng năm trời và bị Bộ Nội Vụ xuống điều tra. Tôi được viên thiếu tá Công an cho biết "chúng tôi sẽ áp dụng phương án II, đưa anh đến một nơi mà anh không bao giờ còn gặp mặt vợ con nữa." Vào đầu tháng Chín năm 1979, nửa đêm tôi bị đưa lên xe tới trại A 20 ở Xuân Phước - Phú Khánh. Đây là "Trại giam cải tạo cao cấp" dành cho những người có án từ 15 năm trở lên và những cải tạo viên chống đối tại các trại ở miền Nam. Tại trại này tôi gặp một số khuôn mặt có tên tuổi như các ông Võ Văn Hải, nguyên Chánh văn phòng của Tổng thống Diệm; Bác sĩ Nguyễn Tấn Chức, Chủ tịch Pax Romana; Bùi Lượng, chủ tịch Tổng Công đoàn Tự do; Lê Sáng, chưởng môn Vô Vi Nam; Huỳnh Thành Vị, cựu dân biểu; Huỳnh Cự, Trung tá Việt cộng Hồi chánh; Luật sư Nguyễn Khắc Chính, (chồng dân biểu Phương Lan) vụ nhà thờ Vinh Sơn; Trần Quý Phong, cựu dân biểu; Lương Thiện, giáo sư đại học Vạn Hạnh. Ngoài ra còn có một số linh mục, mục sư, tu sĩ Phật giáo và mấy ông vua Tầu: vua điện ảnh Trương Vũ Nhiên, vua sắt Lý Sen và vua máy cày tôi quên mất tên.

Đây là một trại giam nổi tiếng của Việt cộng ở miền Miền Nam được xây cất sâu trong rừng một vùng Việt Cộng đã chiếm từ năm 1968. Trại nổi tiếng vì chính sách quản lý hà khắc, được coi như trại kiểu mẫu, năm nào cũng được thưởng Lẵng hoa cuả Tôn Đức Thắng và cờ luân lưu của Phạm Văn Đồng. Ngoài thành phần cải tạo trại có hai đội có án tù chung thân và hai đội có án từ 15 đến 20 năm tù. Thức ăn duy nhất là Bã cá sau khi đã dùng làm nước mắm. Họ mua từng thùng lớn, dùng cho cả năm. Nhưng chỉ độ hai tháng là thùng này đầy ròi, đắng ngắt. Mỗi bữa nhà bếp xúc độ mấy thau đổ vào chảo nước sôi quậy lên. Sau khi lọc ròi sơ qua, họ phát cho chúng tôi mỗi người độ hai muỗng. Lãnh xong chúng tôi phải lọc ròi lần nữa mới ăn được. Và chỉ một món duy nhất này chúng tôi ăn từ năm này sang năm khác. Cơm thì mỗi bữa được một chén đá (chén bán chè ở chợ) và độ 4, 5 miếng khoai mi khô luộc. Trại không chấp nhận cho nghỉ lao động vì bệnh. Khai bịnh, dù có bệnh thật cũng không được nghỉ và phải ăn cháo phạt (một chén cháo loãng toàn nước).

Thành phần chống đối, bướng bỉnh như trường hợp tôi thì được liệt vào loại "xấu" không được cho thăm nuôi (nhận quà và gặp gia đình), không được nhận quà gửi qua Bưu điện, khẩu phần ăn là 12 ký thay vì 15 ký. Hồi mới tới trại này, tôi và một vài anh em được tên trại trưởng yêu cầu đứng lên cho hắn coi mặt. Sau đó hắn gặp chúng tôi cho biết là ra đến trại của hắn thì mọt gông đừng hòng về. Thực ra hắn không có quyền cho tôi về sớm hay muộn nhưng hắn có quyền hành hạ như kể trên và cho còng chân, cho ăn đói, chịu khát và lạnh.

Vì bị hành hạ, cho ăn uống thiếu thốn và khổ như trên, 1/4 số trại viên đã bị lao, phải tập trung vào một nhà. Tôi nghĩ rằng nếu có phương tiện khám nghiệm hiện đại hơn thì số trại viên bị lao có thể tới 3/4, tôi còn nhớ năm 1975 hồi mới tới Trảng Lớn, tôi bị gãy hai xương sườn. Tên y tá đến khám cho tôi và cho tôi một toa thuốc miệng "Đúng rồi anh bị gãy xương. Bây giờ chủ yếu anh bôi dầu cù là, cơ bản anh chườm nước nóng." Nhờ ơn trên, tôi theo toa thuốc này mấy tháng xương cũng lành. Năm 1979 ở trại Z 30D, tôi bị gãy hai xương sườn bên kia. Tôi lại theo toa cũ, chữa bằng "chủ yếu" và "cơ bản" và xương cũng lành.

Ở trại A 20, tôi có một kỷ niệm vui. Nhiều lần tôi được anh em ghi tên vào ban văn nghệ nhưng tôi từ chối. Vào ban văn nghệ, so với các anh em khác có thể coi là được hưởng nhiều ưu đãi. Mỗi ngày hát hỏng khoảng độ hai tiếng, còn dư thì giờ thi đọc sách hay kiếm rau cỏ nấu canh hoặc nấu nướng đồ ăn cho nóng. Trái lại ở các đội khác anh em phải dầm mưa dãi nắng, cầy cuốc suốt 8 tiếng. Nhiều người đã phải chạy tiền để vào ban văn nghệ. Một hôm, một tên cán bộ gọi tôi lên, y cho tôi biết là tôi đã bị gia tăng thời gian cải tạo thêm ba năm. Nghỉ rằng sự kiện này đủ để dằn mặt, y đề nghị tôi vào ban văn nghệ. Tôi từ chối với lý do là tôi đã già yếu và lòng không vui, không muốn vào ban văn nghệ. Y đe dọa là nếu tôi không vào ban văn nghệ, y sẽ cho còng chân tôi. Tôi cười và y đã cho còng chân tôi hai ngày. Có lẽ thấy làm như vậy hơi kỳ cục nên y thả tôi và tuyên bố là y chỉ định tôi vào ban văn nghệ. Tôi trả lời là nếu chỉ định thì tôi vào còn đề nghị hay hỏi ý kiến thì tôi từ chối.

Vào ban văn nghệ được mấy ngày, bọn an ninh gọi tôi lên hỏi tại sao vào ban văn nghệ mà không thấy tôi cười. Tôi trả lời là tôi đã báo trước trong lòng tôi không vui, làm sao tôi cười được. Vả lại không có bản văn luật pháp nào bắt tôi phải cười cả. Một hôm một tên cán bộ phụ trách văn nghệ chỉ định tôi hát bài Bên lăng bác. Tôi từ chối, viện cớ rằng bài này không hợp với giọng hát của tôi và tôi không thể học thuộc lời. Ra sân khấu tôi hát sai hay nhầm lời thì ai chịu trách nhiệm. Chán quá, mấy ngày sau, bọn cán bộ tập họp toàn trại, tuyên bố tôi hát sai giọng, sai nhịp nên trại đưa tôi ra khỏi ban văn nghệ. Từ đó anh em diễu tôi là ca sĩ "hát sai nhịp, sai điệu", một cái tên sau tên "ca sĩ cấm cung".

Một số anh em đã chết ở trong trại này vì bị đối xử khắc nghiệt và bệnh hoạn như ông Võ Văn Hải, Bùi Lượng, Lê Sáng, Lương Thiện, Quách Văn Trung (trước là luật sư sau gia nhập ngành cảnh sát với cấp bậc Trung tá). Anh Trung là cháu ruột ông Nguyễn Hữu Thọ. Anh đi cải tạo độ mấy tháng thì được tha về do sự can thiệp của ông Thọ. Năm 1977 anh bị gom lại và chết trong trại.

Tôi được trả tự do năm 1981.