Về Đà Nẵng Lần Cuối

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

26.Ditan

Sau hiệp định Paris  26/1/ 1973, Hoa Kỳ hạn chế viện trợ cho Việt Nam Cọng Hoà. Sự sụp đổ của miền Nam chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tôi thường cọng tác ở các quân khu và các tỉnh nên thấy rõ điều này. Các cấp chỉ huy quân sự cao cấp thấy mình bị bó tay trong khi quân chính quy của Cọng sản Bắc Việt xâm nhập ào ạt qua đường Trường Sơn. Nhưng tôi không ngờ được sự sụp đổ của miền Nam quá nhanh sau khi thất thủ Ban Mê Thuộc và quyết định rút quân đoàn 2 ra khỏi Pleiku.

Quảng Trị, Huế di tản, Quảng Ngãi, Quảng Tín bỏ ngõ theo...Chuyến công tác thường xuyên về vùng I chiến thuật vào ngày  25/3/1975 xem ra không còn cần thiết. Chúng tôi đoán rằng dù còn trong tay một lực lượng quân sự đông đủ, Trung tướng Ngô Quang Trưởng khó mà giữ nổi thành phố Đà Nẵng, nhất là khi hỗn loạn bùng nổ. Nhưng dù sao tôi vẫn muốn về với Đà Nẵng trong những ngày bấp bênh và sôi động này. Tôi không muốn sự tiên đoán của tôi sẽ trở thành sự thật. Vô cùng xót xa khi nghĩ thành phố Đà Nẵng thân thương của tôi sẽ lọt vào tay quân Cọng sản Bắc Việt . Tôi không dám nghĩ tiếp rằng một khi bị mất cả Cao nguyên và Vùng I Chiến thuật thì cả miền Nam Việt Nam cũng sẽ đổ theo. Không một người lãnh đạo nào . Không một tướng lãnh nào có thể giữ được một phần đất nào đó cho Việt Nam Cọng Hoà một khi Cao nguyên và Vùng I lọt vào tay Cọng Sản .

Chuyến bay về Đà Nẵng chiều 25/3/1975 thật buồn, hơn một nửa số ghế của chiếc DC 6B bỏ trống. Lòng tàu yên lặng, lạnh lẽo. Ai nấy đăm chiêu, thất thần, tuyệt vọng. Cả các cô tiếp viên hàng không xinh đẹp cũng không nhếch được nụ cười gượng nhẹ cho nghề nghiệp.

Tôi quyết định chỉ ở lại Đà Nẵng một hay hai ngày mà thôi. Không chừng chuyến về sẽ rất gay...Tôi nghĩ đến việc phải tìm cách liên lạc với bạn bè ở Hải khu để nếu trường hợp đường hàng không bế tắc thì phải nhờ phương tiện của Hải quân.

Hành khách của chuyến trở về Sài Gòn tràn lan ra bãi đậu của phi cơ để chờ lên tàu. Không ai còn kiên nhẫn ngồi trong nhà khách. Không có tiếng nói ồn ào náo nhiệt như thường lệ. Bầu không khí yên lặng nặng nề của sự lo âu và sợ hãi hoà trong không gian ảm đạm của buổi hoàng hôn. Đa số hành khách là thân nhân và gia đình của các sĩ quan cao cấp ở Bộ Tư Lệnh quân đoàn I và viên chức các cơ quan ở thành phố.

Đại tá Phạm Cao Đông, vị chỉ huy cũ, nói với tôi : “mọi người đều tính chuyện đi vào, cậu lại đi ra, liệu công việc mà vào cho sớm “. Cám ơn lời nhắc của Đại tá Pham Cao Đông, chào gia đình ông và gia đình các vị quen khác, tôi vào ngay phòng giấy của chi cuộc hàng không Đà Nẵng ghi vé trở về.

Chi cuộc hàng không Việt Nam tại Đà Nẵng đã bán vé cho các chuyến đi Sài Gòn vào tháng 6/1975. Nhờ là hành khách quen thường xuyên đi tuyến Sài Gòn – Đà Nẵng , và là đi công tác nên tôi được ghi vào danh sách chuyến đi sớm nhất cho tôi chiều ngày 27/3/1975.

Thành phố Đà Nẵng tràn ngập những người và người . Đông hơn mùa Hè 1972  bội phần. Năm 1972 chỉ có dân di tản từ Quảng Trị và Huế chạy vào Đà Nẵng . Lần này cả dân Huế, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín , Quảng Ngãi và các đơn vị quân đội tan hàng.

Hồi trước, khi chạy được đến Đà Nẵng, người ta an tâm chờ ngày trở về quê cũ . Lần này người ta nghĩ đến một chuyến đi xa hơn vào miền Nam. Di tản vào Nam hay ở lại, di tản bằng cách nào, đó là câu hỏi của nhiều người.

Có người nói đến một giải pháp chính trị như là quân đội VNCH sẽ giữ Đà Nẵng một thời gian ít ra là 6 tháng để nếu ai muốn có thể có thì giờ di cư.

Đa số dân chúng Đà Nẵng thì rất hoang mang, gần như tuyệt vọng. Hàng triệu người chỉ biết chạy quanh không chủ đích như đàn kiến bò trên miệng cái chảo mỗi lúc một nóng hơn.

Nhiều người quen biết hỏi tôi là họ nên đi hay ở lại và đi bằng cách nào . Tôi nghĩ tình thế đã quá cấp bách nên chỉ biết khuyên họ nếu tính đi thì phải đi càng sớm càng tốt và nên tìm phương tiện bằng đường thủy. Đường hàng không sẽ không kịp di tản trước khi Đà Nẵng sụp đổ, lại nữa đường hàng không rất dễ bị tê liệt khi có tình trạng hỗn loạn.

Gia đình ba mẹ và các em tôi đã được đi theo chuyến vận chuyển của hàng không quân sự chiều ngày 26/3/1975 . Tôi có phần an tâm .

Các cơ quan chính quyền và quân đội Việt Nam Cọng Hoà hầu như không còn làm việc. Các văn phòng vẫn mở cửa, công chức, quân nhân vẫn đến nhiệm sở hầu như chỉ để tiếp nhận và ghi tên những nhân viên ở các tỉnh khác chạy về. Vấn đề chính cho mọi người là làm sao tìm phương tiện để di tản vào Sài Gòn.

Dân Đà Nẵng cũng tràn ra đường phố. Không ai còn an tâm ở lại trong nhà. Hầu như không còn ai tự tin, bình tĩnh và sáng suốt để tự mình giải quyết công việc của chính bản thân và gia đình mình . Người ta tìm đến nhau để tìm một lời khuyên hay sự an ủi của những người đồng cảnh. Hoang mang, lo sợ và hầu như tuyệt vọng. Các sĩ quan quân đội và cảnh sát cũng tràn ra đường. Các xe jeep trang bị máy truyền tin , cần câu, binh sĩ áo giáp, mũ sắt, súng đạn đầy đủ chen chúc với dân chúng, chạy khắp các đườngtrong thành phố, như là đang thi hành nhiệm vụ gìn giữ an ninh trật tự, nhưng thực tế họ cũng không làm gì cả. Chạy tới, chạy lui để có cảm giác an tâm hơn là phải án binh bất động tại chỗ.
31.Ditan
Tình trạng ổn định mong manh, tạm thời và rất biểu kiến. Nỗi lo sợ đè nặng lên mọi người. Cả kẻ xấu cũng không dám có hành động cướp bóc. Tình trạng này sẽ kéo dài cho đến khi nào có một sự bùng nổ nào đó nó sẽ trở thành hỗn loạn, và lúc đó thì không còn ai có thể kiểm soát và ngăn chận được .

May mắn là các đơn vị tác chiến của quân đoàn đang dần co cụm lại và họ còn giữ được vòng đai từ đèo Hải Vân  đến Đại Lộc, Đức Dục, Duy Xuyên đến Hội An ra biển. Các đơn vị chính quy của Bắc Việt còn ở xa, chưa bắt kịp đà rút quân nhanh chóng của quân đội Việt Nam Cọng Hoà . Nếu lúc này Việc Cọng pháo kích, hoặc tấn công bằng đặc công thì sự bùng nổ sẽ xảy ra  và tai hại sẽ không tính được. May mắn là các diễn biến xảy ra quá nhanh, không những quân dân miền Nam thảng thốt mà các cấp chỉ huy của Cọng Sản Bắc Việt cũng bất ngờ.

Tôi có hơn một ngày để đi loanh quanh khắp nơi trong thành phố. Đi để nhìn lại lần cuối cùng nơi tôi đã sống, đã lớn lên và đã từng đi qua. Đi để nhìn thấy những gì đang diễn ra mà tôi nghĩ là sẽ không bao giờ có dịp tái diễn.

70.Ditan QuocLo1 Danang

Ở đâu cũng chỉ thấy người và người, nhưng tôi vẫn thấy thật hoang vắng và cô đơn. Tôi rời thành phố ra đi rất sớm nhưng hay trở về nên thành phố vẫn rất thân quen, dù hơn 20 năm chiến tranh nó thay đổi thật nhiều. Bạn bè quen cũ không còn lại bao nhiêu . Thuở nhỏ chúng tôi thường ra các bãi biển để nằm ngắm sao trời ban đêm , hoặc đến sân “ ga ‘ để nghe tiếng còi của nhưng chuyến tàu suốt và mơ ước những chuyến đi xa. Nhưng đại dương và giòng tàu đã không mang lại chúng tôi những chuyến đi mong ước. Thực tế chiến tranh đã tung chúng tôi đến những nơi không chọn lựa ở khắp các vùng chiến thuật.

Nhìn những giòng người chen chúc xuôi ngược trên các đường phố, nhìn những ghe thuyền tất tả chuẩn bị cho những chuyến di cư , không biết chỉ đến ngày mai thành phố sẽ ra sao. Cá nhân tôi ra sao trong ngày mai, tôi cũng không biết được . Đà Nẵng sụp đổ là điều chắc chắn. Đó là sự thật . Không muốn tin cũng không được. Nhớ đến những nhóm từ “ di tản chiến thuật” mà đau thắt cả ruột gan .

Bao nhiêu kỷ niệm thời niên thiếu còn rõ ràng mồn một. Những con đường Hùng Vương, Đông King Nghĩa Thục, Pasteur, Thống Nhất, Phan Châu Trinh, Lê Lợi quen thuộc ngày hai buổi đưa đón bước chân chim. Chỉ mới ngày nào đây thôi, gần lắm , nhưng sắp phải muôn trùng xa cách. Làm sao có ngày trở lại ? Những hàng phượng già hai bên đường dường như ủ rủ tiễn chân tôi . Nhớ ngày nào bị Thầy Ngọc xách tai vì vô ý đứng chạm vào mấy cây phượng con mới trồng ở sân trường. Giờ đây bóng những cây phượng toả sum sê đang vươn ra che mát cho những gia đình tị nạn chiến tranh. Trường Phan Châu Trinh đang là nơi cư trú tạm thời của những người chạy giặc . Họ che lều ở tràn ra cả sân trường .

Chào Đà Nẵng của tuổi học trò, chào trường học Phan Châu Trinh, thầy xưa bạn cũ . Chào bóng dáng thân thương trên con đường đi học. Chào quê hương nơi sinh trưởng. Chào kỷ niệm . Tôi ra đi lòng đau như muối xát .

Chiếc xe bus của Chi cuộc hàng không bị chận lại ở trạm gác của Không quân ở đầu cư xá sĩ quan Thanh Lịch , mọi người phải đi bộ vào trạm đợi chờ. Qua trạm gác mỗi hành khách phải đóng cho mỗi người lính gác 500 đồng. Tình thế mỗi ngày mỗi thay đổi, không còn trật tự, không còn chỉ huy thì ai có súng người đó có quyền, kể cả quyền sách nhiễu người khác.

Tôi đi chuyến tàu đầu tiên trong ngày 27/3/1975 , nhà đợi của phi trường dân sự đầy cả người. Mặt mày ai nấy nặng như chì, bạn bè, người quen không ai còn buồn đáp lại lời chào hỏi . Cả ngàn người đều muốn được lên chiếc DC 4 đang đứng đợi trên khu hành khách lên xuống.

Chuyến bay dành riêng chuyên chở gia đình và nhân viên các chi cuộc hàng không vùng I Chiến thuật. Phi cơ chỉ còn 40 chỗ cho hành khách. Đám đông ai cũng muốn được lên phi cơ nên không ai lên được. Các giấy lên tàu trở thành vô giá trị, vì cả ngàn người đều có thẻ lên tàu cùng màu tím giống nhau. Ai được đi và ai phải ở lại chờ chuyến khác, không ai giải quyết được, kể cả phó Tổng giám đốc Hàng không Việt Nam mới được tăng cường ra Đà Nẵng buổi trưa hôm đó. Người mỗi lúc mỗi đông hơn.

Bất ngờ, một Đại tá cầm khẩu tiểu liên bắn một tràng chỉ thiên, đám đông giạt ra, hắn ta đã dẫn thân nhân gia đình 24  người lên phi cơ. Một Đại tá khác, chửi thề một tiếng, rồi cũng bắn một tràng tiểu liên lên nóc phòng đợi, rồi dẫn thân nhân gia đình 17 người lên phi cơ. Tôi biết hai đại tá này. Một người là Chỉ huy trưởng Trung tâm 1 tuyển mộ nhập ngũ . Giờ phút ấy, ai có lính và có súng thì có quyền. Sự ổn định tạm thời đã bị phá vỡ, chiếc DC 6 mới chạy vào bãi đậu đã bị đám đông tràn ngập. Nhân viên phi hành không mở cửa phi cơ. Nhiều người đã đẩy các thang ra và leo lên đứng, ngồi đầy hai bên cánh. Đám đông đã quyết định hoặc mọi người đều được đi , hoặc không ai được đi. Nếu tất cả phi cơ của Hàng không Việt Nam đều đến phi trường cũng không  có thể chuyên chở hết hành khách. Khu vực Hàng không dân sự hoàn toàn bị tê liệt. Hai khu vực Hàng không quân sự và đưa người tị nạn theo chường trình khẩn hoang lập ấp còn tiếp tục hoạt động.

Thành phố Đà Nẵng vẫn yên tĩnh, nhưng tôi vẫn có cảm giác lạnh lẽo và vô cùng bất an. Cầu Trời đừng có biến cố gì xảy ra... Sự yên tĩnh chỉ là một màng mỏng tạm thời che cho tình trạng sôi sục sẵn sàng bùng nổ.

Mặt trời dần dần xuống thấp, gió chiều thổi mạnh, ở trong đám đông mà cảm thấy lạnh. Có lẽ tại vì buồn, lo và sợ.

Đám đông đã tràn ngập đường băng phụ dùng cho phi cơ di chuyển ra phi đạo. Khu phi cơ quân sự và khu đưa người tị nạn khẩn hoang lập ấp cũng bị tràn ngập.

Các phi cơ World Airway chở người tị nạn khẩn hoang lập ấp bay vòng thấp xuống quanh phi trường rồi quay trở về Nam. Có chiếc đáp xuống phi đạo rồi cất cánh trở lại. Mọi người không biết làm gì hơn là chen chúc phóng ra phi đạo và chờ đợi .

Tôi muốn quay sang Hải khu như dự tính mà không có phương tiện để đi. Song cho dù có xe chưa chắc đã đi được với giòng người đông đúc đang kéo vào phi trường.

Tôi nghĩ lúc đó nếu Việt Cọng pháp kích vào chắc máu sẽ chảy thành sông và đám đông sẽ đạp lên nhau mà chết.

Tình hình thay đổi nhanh chóng . Sự sụp đổ của thành phố đến nhanh hơn dự đoán .

Một chiếc World Airway đáp xuống phi đạo hướng Tây của  phi trường. Phi công không cất cánh trở lên như những chiếc trước. Phi cơ đang di chuyển chậm chậm vào đường băng thứ hai. Không kịp xách cái va- ly hành lý nhỏ để bên chân, tôi vội chạy băng qua phi trường về hướng phi cơ. Một số người chạy theo tôi . Khi chúng tôi chạy đến gần phi cơ thì cửa phi cơ mở đón chúng tôi.

Thật may mắn, phi hành đoàn muốn đón người chạy nạn mà không dám cho phi cơ vào bãi đậu. Đám đông chạy ào ra, phi công cho phi cơ chạy tránh đám đông và dừng lại chỗ nào có ít người đón đầy cho một chuyến bay.

Nhìn lại thành phố đã có vài đám cháy nhỏ và những tiếng nổ nổi lên đây đó. Tôi e rằng thành phố không đứng vững trong một vài ngày nữa. Cổ khô cứng, bụng tôi nóng cồn cào và nước mắt tuông ra...

Ngày 28/3/1975 Đại diện Bộ Nội vụ dự phiên họp Ủy ban liên bộ khẩn hoang lập ấp ở phủ Phó Thủ tướng của Bác sĩ Phan Quang Đáng . Tôi trình bày tình trạng quá tải của thành phố và nêu ý kiến rằng không còn có thể làm gì cho chương trình khẩn hoang lập ấp hoặc bất cứ chương trình gì của chính phủ. Vấn đề duy nhất và rất khó khăn  là có giữ được thành phố khi Cọng quân tấn công hay không ?

Sau khi hội ý bằng điến thoại với Thủ tướng Chính phủ, Bác sĩ Phan Quang Đáng cho chúng tôi biết lệnh của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm là ông Thứ trưởng Bộ Công Chánh làm Trưởng phái đoàn liên bộ tức thời đi ngay ra Đà Nẵng để giúp Quân Khu I và thành phố giải quyết các vấn đề cần thiết.

Chúng tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất . Không có phi cơ. Ba chiếc phi cơ của Hàng không Việt Nam đang bị đám đông tràn ngập ở phi trường Đà Nẵng . Không chiếc nào có thể cất cánh trở về.

Tình thế thay đổi cực nhanh, chiều hôm đó Việt Cộng đã pháo kích vào thành phố. Đà Nẵng hỗn loạn . Từ đỉnh đèo Hải Vân, Cộng quân pháo kích vào Cảng Sơn Chà, Hải khu Đà Nẵng nơi binh sĩ và dân chúng tìm cách xuống tàu chạy trốn vào Nam.

58.Ditan BaiBien Danang

Người chết không kể xiết, phần tranh nhau xuống tàu đạp lên nhau chết, phần chết vì đạn pháo của Việc Cộng. Mỹ Khê, Sơn Chà, Nam Thọ, Mân Quang nhuộm máu.

19.DitanDeoHaiVani
Tại phi trường, có người ôm càng bánh xe phi cơ, có người rúc vào hầm các bánh xe phi cơ. Phi cơ lên cao , kẻ rớt xuống đất, người bị bánh xe ép chết. Có người bị nghẹt thở trong phòng chứa hàng hoá mà chết. Cuộc di tản hãi hùng và bi thảm ra khỏi thành phố Đà Nẵng , báo chí và các hãng truyền thông ngoại quốc đều có loan tin.

10 giờ sáng ngày 29/3/1975 , một người bạn làm ở hãng Esso Đà Nẵng điện thoại cho tôi : xe tăng của Cộng sản Bắc Việt đã vào thành phố !  Hai đầu gối tôi bỗng nhũn ra, đứng không còn vững, tim tôi thắt đau và nước mắt tuôn trào.

Nguyễn Chí Thiệp

Houston, tháng 3/2002