thayTranTruu 000

Người ta thường nói:
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
Chỉ có người hèn, chứ không có nghề hèn.

Tôi đã qua nhiều nghề trong suốt cuộc đời: làm ruộng, dạy học, công chức, kinh doanh, luật sư, công nhân. Mỗi nghề đều có cái vinh, cái nhục của nó, và nghề nào cũng có những vui buồn riêng.

Những năm trong nghề giáo, lúc ở trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng, đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Những chuyện buồn vui đó, dẫu đã hơn 40 năm qua, tôi vẫn nhớ hoài. Những gì tôi sắp kể ra đây, trong tâm trạng hoài niệm, chỉ không ngoài ý muốn như chia sẻ với các cựu học sinh Phan Chu Trinh vài kỷ niệm đã có nơi trường xưa. Mong rằng những học sinh cũ mà tôi nhắc đến, liên quan trong những kỷ niệm của tôi, dù không ghi rõ tên thật, nếu nhận được chính là mình thời ấy, thì cũng đừng giận hờn. Ai cũng biết, ngày còn đi học, lúc tuổi trẻ vô tư, phần đông sao tránh khỏi những nghịch ngợm vì “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” mà ! 

GIỜ DẠY CHỮ HÁN

Tôi được Sự vụ lệnh của Bộ Quốc Gia Giáo Dục cử vào dạy tại trường Trung học Phan chu Trinh, Đà Nẵng năm 1960, ngày mới 24 tuổi.( Hai năm trước đó, 1958 đến 1960, tôi đã dạy Toán lớp Đệ Tứ cho hai trường Trung học Bình Minh và Mê Linh ở Huế )
Dù tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành Toán, nhưng lúc vào nhận việc ở trường Phan chu Trinh, vì thiếu giáo sư, trường chỉ phân phối tôi phụ trách môn Toán hai lớp Đệ Ngũ, số giờ còn lại phải dạy Việt văn một lớp Đệ Lục và môn Công Dân cho 4 lớp đệ Ngũ.
Thời đó, môn Việt văn vẫn còn kèm theo môn chữ Hán mỗi tuần một giờ. Tôi thật bàng hoàng vì thấy rằng mình chưa qua một ngày Sư phạm ngành văn ,và nhất là Hán văn thì chỉ biết năm ba chữ ! Lúc còn nhỏ tôi có học vỏn vẹn mấy tháng chữ Hán ở làng (1944) sau đó không học thêm nữa .Hơn 16 năm qua, tôi hình như quên bẵng hết !
Đã thế, khi biết ở trường Phan chu Trinh có một số học sinh con của người Hoa, dĩ nhiên khá giỏi chữ Hán, làm sao tôi không lo cho được !
Lại nữa nghe tiếng đồn học sinh Quảng Nam hay cãi, thường hỏi những lời thầy giảng.

Một đồng nghiệp tôi, dạy Việt văn lớp Đệ Tam của trường, giảng hai câu trong Chinh phụ ngâm:
Ngoài đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.
như sau : “Nước trong như lọc có nghĩa là nước trong suốt không có bụi bặm, rong rêu giống như nước trong các bình nước lọc”.
Một nam học sinh đứng dậy:
-Thưa thầy, nước trong như lọc có nghĩa là nước trong suốt như bánh bột lọc, vì rằng thời xưa đâu có bình lọc nước mà thầy bảo trong giống như nước trong các bình lọc.
 
Một bạn đồng nghiệp khác dạy Công dân Đệ tứ, khi giảng về các chính thể. Chính thể Cộng hòa thì anh đánh bóng toàn những cái hay, cái đẹp. Đến khi giảng về chính thể Cọng sản, anh kể nào là độc tài, đảng trị, khát máu, giết người v.v.
Một nam học sinh dong tay hỏi: Thưa thầy! Tại sao Cọng sản xấu xa, tồi bại như vậy mà trên thế giới cả hàng triệu người theo. Ngay ở Việt nam, cũng biết bao nhiêu người theo Cọng sản.
 
Nghe những câu chuyện vậy, tôi cảm thấy lo. Nếu dạy chữ Hán, gặp học sinh hỏi thì biết làm sao trả lời?
Giờ chữ Hán đầu tiên, tôi đã soạn bài rất kỹ và giảng cho học sinh:
“Chữ Hán là loại chữ có rất nhiều nét, chữ ít nhất có 1 nét, chữ nhiều nhất có 36 nét”.
Đúng như điều tôi lo, mới giảng đến đó. một nam học sinh, tên Nguyễn văn N., dong tay: -Thưa thầy, xin thầy viết cho cả lớp biết chữ Hán 36 nét.
Tôi sửng sốt khi nghe trò N. hỏi như vậy. Làm sao tôi biết được, ngay cả nhìn trong sách có chữ đó, rồi viết lại cũng không viết được nữa là!
Cuối cùng, tôi giữ được bình tĩnh, vận dụng hết cái khôn khéo của mình để trả lời N.:
-Trò muốn biết chữ Hán 36 nét để làm gì? Trình độ trò học năm nay chỉ cần biết những chữ Hán có một vài nét. Sang năm học thêm chữ Hán có nhiều nét hơn. Ít nhất học thêm nhiều năm nữa, trò mới cần biết cái chữ Hán có 36 nét.
Cả lớp ngồi im phăng phắc, không có ai hỏi thêm gì.
Cũng may N. là một trong số ít học trò nghịch ngợm nhất lớp. N. ở tận Nam Ô, thường hay đi trễ và cả lớp cũng ít có thiện cảm với N.

Tôi trông mau hết giờ dạy chữ Hán. Nghe kiểng đánh đổi giờ, tôi nhẹ nhõm người bước ra khỏi phòng! Gặp chị Như Hà, một đồng nghiệp ở hành lang, tôi kể cho chị nghe chuyện vừa rồi, Chị cũng thở dài, kể cho nghe:
Hôm đó cũng giờ dạy chữ Hán. Chị soạn 10 chữ viết cho học trò chép. Chị đã viết đi, viết lại nhiều lần ở nhà, thế mà khi đến lớp, chép lại trên bảng, không biết vì sao có một chữ bị trật.
Một học sinh tên Nguyễn ngọc Ch. dong tay nói:
– Thưa Cô! Cô viết chữ đó trật rồi.
Và khi trò Ch. lên bảng sửa lại chữ trật đó, Chị đỏ mặt, nhưng đành phải ngậm miệng!

Lần sau, mỗi lần giờ chữ Hán, chị nhờ trò Ch. lên bảng viết mấy chữ mà chị sắp dạy, vì trò Ch. là người Hoa.
Thật là một kỹ niệm nhớ hoài. Cũng may, hai niên khóa sau đó trường hết phân phối tôi dạy Quốc văn, mà chỉ còn phụ trách môn Toán. Từ đây, tôi không còn mối lo sợ của những giờ dạy chữ Hán nữa ! Nhất là niên khóa 1962 – 1963, thầy Bùi Tấn lên làm Giám học, nên tất cả các lớp Đệ Tứ đều do tôi dạy Toán. Môn Toán là môn sở trường của tôi, nên học sinh có thắc mắc, hỏi han điều gì, tôi cũng sẵn sàng giải đáp. Ngay cả lúc nhiều trò đem những bài toán đố, tôi cũng vui vẻ chỉ dẫn.

Sau khi thuyên chuyển về trường Đại học Luật Khoa Huế, tôi gặp lại một vài học sinh cũ Phan chu Trinh cùng lớp với Nguyễn văn N. ra học Luật cho biết N. đã theo Cọng sản từ Tết Mậu Thân. Sau ngày 30.4.1975, cũng theo tin vài học trò cũ ở Phan chu Trinh cho hay là khi Việt Cọng chiếm Đà Nẵng, Nguyễn văn N. trở về tiếp quản Đà Nẵng với Quân hàm Đại úy Công an Việt Cọng. Đến nay, nếu còn trong ngành Công an, có lẽ ít nhất trò N. cũng lên đến Trung tá hay Đại tá.

Tết vừa qua, 2001, trở về thăm quê hương, sau một thời gian dài xa cách. Tôi ghé Đà Nẵng thăm lại thành phố mà tôi đã ở mấy năm, thăm lại hai ngôi trường Phan chu Trinh và Sao Mai (nay đổi tên Trần Phú) mà tôi đã dạy học. Cũng may tôi không gặp lại Nguyễn văn N. Nếu gặp, chẳng hiểu N. có còn nhớ lần yêu cầu tôi viết chữ Hán 36 nét không? Hay bây giờ với cấp bậc lớn của ngành Công an, trò còn hỏi tôi nhiều điều khác nữa, thì tôi biết làm sao trả lời? 

CẬU ẤM R. 

Khi có Sự vụ lệnh vào dạy học trường Phan chu Trinh, Đà nẵng, buổi sáng đến trình diện trường xong, chiều đó hai vợ chồng tôi đến thăm O Tham Đ., Hiệu trưởng trường Nữ Tiểu học Đà nẵng, là người bà con cùng làng. Lúc chưa lấy chồng, O tên là Ng., dạy học, nên trong làng gọi O là O trợ Ng. Ở nhà quê ít ai gọi bằng Cô mà chỉ gọi bằng O, có vẻ thân thương và gần gũi hơn. Sau này O lấy người chồng tên là Trần Đ, Tham sự Công Chánh, nên ai cũng gọi O là O Tham Đ. O không những là người cùng làng mà còn là người cùng họ Phan đình với mẹ tôi.

Vừa đến nhà O ở đường Cô Giang, kín cổng cao tường, vợ chồng tôi gặp một cậu bé khoản 13, 14 tuổi, mặt mày trắng trẻo, trông đẹp trai, đang bỏ hai tay vào túi quần, đứng ngay trước cổng. Vợ chồng tôi hỏi thăm:
-Xin lỗi cậu có O Tham Đ. ở nhà không, cho phép chúng tôi vào thăm O.
-Đi vắng rồi. Bữa khác đến.
Sau câu trả lời cụt ngũn, cậu bé ngoảnh mặt đi vào nhà.
Vợ chồng tôi vừa định quay về bỗng thấy một người đàn bà mở cửa bước ra.

Tôi nhìn vào thấy đúng là O Tham Đ., nên không đi về nữa mà bước vô. Vừa thấy vợ chồng tôi, O Tham Đ. đã vui vẻ mời vào nhà, cậu bé thấy vậy mặt có vẻ hằm hằm giận!
O Tham Đ. ân cần hỏi thăm sức khoẻ của cha mẹ tôi, và tôi cho O hay thân phụ tôi về mở tiệm thuốc bắc ở Cầu Hai, mẹ tôi vẫn ở Huế, còn tôi vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm và buổi sáng nay đến trình diện trường, buổi chiều cùng người vợ mới cưới (đã dạy ở trường Hoà vang một năm rồi) đến thăm O rồi sau đó, nay mai, đi thăm mấy người làng hiện ở đây, như chú Cà phê Xương ở Chợ Cồn, anh Thầm làm việc trên Ga tàu hoả v..v..

Chuyện trò xong, trước khi về tôi hỏi O xem anh con trai vừa rồi là con thứ mấy của O, thì O cho hay không có con và đó là “thằng R., con của cậu Ấm Tr., thấy nó mồ côi cha mẹ nên O đem về nuôi cho ăn học”.

Tôi nhớ lại Bác Ấm Tr. trước đây làm Tỉnh Trưởng Thừa thiên. Bác chết vì tai nạn xe . Còn bác gái thì bị Việt Minh bắn lầm. Việt Minh vào ám sát bác trai, trong lúc hai bác đang ngồi đánh bài với mấy người bạn. Đạn không trúng bác trai, mà lại nhầm bác gái.
Lúc ra về, vợ tôi nói : Mới có mấy tuổi mà trông cái cậu vợ chồng mình gặp trong nhà O Tham Đ. có vẻ hống hách, xấc láo. Cho nên người ta thường bảo con của những vị làm quan to là cậu Ấm!

Hồi nãy nghe O Tham Đ. nói cậu bé tên là R., nên vợ chồng tôi đặt ngay cậu là”cậu Ấm R”.
Ngày đầu tiên vào Phan chu Trinh, giờ đầu của tôi ở lớp Đệ Ngũ 2, dạy môn Công dân. Bước vào lớp, học trò đứng dậy chào. Tôi đưa tay ra dấu cho học sinh ngồi, xong tôi đi từ trên lớp xuống cuối lớp để quan sát học trò. Lúc đến bàn cuối cùng, thấy một trò hình như tôi đã gặp. Cố nhìn kỹ để xem, thì đúng thật là “ cậu Ấm R.” cậu bé mà vợ chồng tôi gặp tại cổng nhà O Tham Đ.

R. hình như ngượng khi thấy tôi. Tôi vẫn tỉnh bơ coi như chưa quen.
Suốt cả năm học, đến giờ tôi dạy,” cậu ấm R.” không bao giờ làm ồn hay hỏi han điều gì. Tôi đối xử với cậu đồng đều như các học sinh khác, nhưng không bao giờ tôi nói chuyện hay hỏi han gì về cậu. Nhưng theo mấy bạn đồng nghiệp cùng dạy lớp Ngũ 2 cho biết, ”cậu ấm R”. đã học dở mà còn lại là người phá phách, hoang nghịch nhất lớp nữa!

Cuối năm trong phiên họp Giáo sư, sau khi nghe Giáo sư Hướng dẫn lớp Ngũ 2 trình bày một số học sinh trong lớp ngỗ nghịch đáng trừng phạt. Hội đồng Giáo Sư đã quyết định đuổi hẳn mấy trò, trong số đó có “cậu ấm R”. (Tôi không có ý kiến, vì trong giờ tôi dạy, không thấy có học sinh nào phá phách cả, và đặc biệt R.trong giờ của tôi lại ngồi im ru ). Thế là “cậu ấm R.” bị đuổi hẳn ra khỏi trường Phan chu Trinh.

Vài tuần sau, một người anh con cậu của tôi ở Huế vào thăm kể chuyện anh có ghé thăm O Tham Đ. nghe O giận lắm và trách tôi thậm tệ bởi lẽ tôi “ là giáo sư ở Phan Chu Trinh, dạy cả lớp thằng R. nữa mà đành làm lơ để nhà trường đuổi R.”
Ông anh cho tôi biết như vậy, rồi chính anh cũng trách tôi:
-Chú dạy trong trường mà lại dạy lớp R., sao chú không can thiệp để người ta đuổi R ra khỏi trường.
Dù sao mình và R. cũng là người bà con cùng làng với nhau.

Tôi trả lời với người anh, tôi biết can thiệp như thế nào. Ngay trò Bửu Ch. học sinh lớp Đệ Nhị, em ruột của một giáo sư ở trường, và trò Trần Đ., học sinh lớp đệ Tam, con của một người cũng ở trong ngành Giáo Dục ở Đà Nẵng, vừa cũng là bà con cô cậu ruột với một nữ giáo sư khác của trường, cũng bị Hội đồng Giáo sư đề nghị đuổi vì lý do kỹ luật, thì làm sao tôi can thiệp cho R được?. O Tham Đ. có trách hay oán giận, tôi cũng đành chịu thôi.
Từ đấy, tôi không bao giờ dám gặp mặt O tham Đ. nữa. Mấy lần đi coi thi tuyển vào đệ thất, thấy O đầu xa là tôi đã tránh đi chỗ khác!
 
Nhưng rồi ít lâu sau, một người bà con khác cùng làng, bấy giờ cũng ở Đà nẵng, kể cho nghe chuyện “cậu ấm R.” Câu chuyện không biết có đúng sự thật không là O Tham Đ. chẳng còn nuôi R. nữa, mà đã gởi trả cậu về Huế. Lý do “cậu ấm R.” đã rèn được cái chìa khóa tủ đựng tiền của vợ chồng O, và lấy cắp số tiền để dành trong tủ. Nếu tin có thật, thì việc nhà trường đuổi R là đúng quá rồi.

Đã hơn 40 năm kể từ ngày “cậu ấm R.” bị đuổi cho đến nay, tôi không bao giờ gặp mặt R. nên không biết sau này cậu làm gì, ở đâu. Tôi cũng không còn dạy học ở Đà Nẵng, mà đã thuyên chuyển về Huế, rồi vào Saigon, và qua Canada gần 10 năm nay, nên cũng không biết giờ này O Tham Đ còn sống hay đã qua đời, vì O nay cũng quá 90 tuổi rồi.
Dù còn hay mất, tôi cũng xin O đừng oán trách và giận tôi nữa về việc tôi có dạy trong trường mà để R. bị đuổi.
Tôi cũng rất tiếc cho R. thuộc con nhà tử tế, trong họ toàn là những người học hành đỗ đạt và có địa vị cao trong xã hội, sao” cậu ấm R” đã không noi gương tốt mà lại ham chơi, học hành dở, hoang nghịch đến nỗi phải bị nhà trường trục xuất.
Thật đúng với câu người ta thường nói: Cây ngọt sinh trái đắng

“TRÒ X. CỦA LỚP ĐỆ NGŨ 4”

Niên khoá 1960 – 1961, năm đầu tiên dạy học ở trường Phan chu Trinh, Đà nẵng, tôi được cử làm giáo sư hướng dẫn lớp Đệ Ngũ 4. Mỗi tuần, phụ trách 3 giờ rưỡi Toán và hai giờ công dân, cọng thêm một giờ hiệu đoàn, nên học sinh lớp Ngũ 4, ai học giỏi, học kém, trò nào ngoan trò nào phá phách trong lớp tôi đều biết rất rõ
Nói chung học sinh lớp đệ ngũ 4 năm đó rất chăm chỉ học hành và đều ngoan, ngoại trừ trò X. (hình như là Trịnh văn X, lâu ngày nên tôi không còn nhớ rõ họ ), học đã dở, lại hoang nghịch nhất lớp. Khổ người to con, X có nước da đen, đã thế lại ăn nói cộc cằn. Vài học sinh trong lớp cho biết, không ai dám đụng tới X. Khi giận, X. chỉ cần đánh cùi chỏ là bạn bè cũng sợ khiếp vía !

Vào đầu niên học, Trường yêu cầu các Giáo sư hướng dẫn lớp đi thăm gia đình học sinh, tối thiểu là hai gia đình.
Với lớp Ngũ 4, tôi chọn thăm gia đình Bạch thế Th., một học sinh giỏi nhất , tánh tình rất dễ thương, và gia đình X., người học kém nhất lớp, lại hay phá phách, đùa nghịch, như đã nói ở trên.

Có đi thăm gia đình học sinh, tôi mới biết tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình mà học sinh bị ảnh hưởng rất nhiều.
Bạch thế Th. may mắn có cha mẹ thuộc thành phần trí thức.Lúc tôi đến thăm gia đình Bạch thế Th., chỉ gặp bà mẹ. Dù mới gặp, Bà tiếp tôi ân cần với cách nói năng rất hoà nhã.Qua vài câu chuyện đủ cho tôi biết bà là một người mẹ hiền, rất chú ý đến sự chăm sóc và giáo dục con cái. Trong khi gia đình của X, kém may mắn hơn cha mẹ làm ăn lam lũ, và có thể vì quá bận lo việc sinh kế nên ít để ý đến việc học của con cũng như lơ là trong sự dạy dỗ.

Gần cuối năm, Trường tổ chức dạy riêng một lớp đặc biệt, gồm những học sinh các lớp học dở, hay phá phách, mục đích giúp cho các trò này ôn lại những kỷ luật học đường, đồng thời được chỉ dẫn thêm về đạo đức căn bản.Trò X. của lớp đệ ngũ 4 cũng được theo học lớp này.
Cuối niên học, sau buổi họp của Hội đồng Giáo sư, và theo lời đề nghị của Giáo sư hướng dẫn mỗi lớp, nhà Trường đã quyết định đuổi một số học sinh học dở lại ngỗ nghịch, bất trị. Đa số những họcsinh bị trục xuất đều ở trong cái lớp “đặc biệt” trên.
Riêng lớp đệ ngũ 4, mặc dù cũng có vài trò theo học lớp đó, nhưng tôi đề nghị Hội đồng Giáo Sư xét lại để khỏi bị đuổi, mong rằng khi cái tuổi “ương gàn” qua đi, các em có thể tự sửa đổi chăng? X. là một trong những người đó.Trong khi ba lớp đệ ngũ khác, một số học sinh bị đuổi hẳn ra khỏi trường, như Nguyễn Đ., R.(tức”cậu ấm R.”) của lớp Ngũ 2 v..v..

Hai niên khóa kế tiếp, tôi không dạy lớp của X. nữa, nên không hiểu sau đó trò học hành như thế nào, có thay đổi tiến bộ gì không ?
Giữa năm 1963, tôi rời Phan Chu Trinh và thuyên chuyển về Viện Đại học Huế, làm việc ở đây bốn năm rồi lại đổi vào Nha Học Bổng và Du học thuộc Bộ Giáo Dục Saigon hai năm kế tiếp, rồi lại qua một thời gian ra ngoài kinh doanh….. .
Cuộc đời đưa đẩy,đến năm 1971, sau khi nhận được giấy từ dịch của Bộ Giáo Dục, tôi xin vào tập sự Luật sư.
Khoảng cuối 1972, cũng gần 10 năm sau khi rời khỏi nghề giáo, một hôm dự phiên tòa ở Tòa Saigon, tôi vào phòng các Luật sư ngồi và lúc tôi đang coi lại hồ sơ trước khi ra Toà cãi thì bỗng có một Luật sư trẻ đến chào, mừng rỡ và hỏi tôi có nhớ anh ta không.
Tôi nhìn kỹ người Luật sư trẻ, có nước da ngăm đen đó, thấy như đã gặp ở đâu và tôi liên tưởng tới X. Có phải người Luật sư trẻ đang đứng trước mặt tôi là X.,người học trò năm xưa ở Phan Chu Trinh, ham nghịch phá hơn là ham học ? Với một chút ngờ vực trí nhớ của mình, tôi trả lời:
– Trông anh giống một người học trò mà tôi dạy cách đây hơn 10 năm ?
Người Luật sư trẻ tươi cười đáp:
-Em là thằng X., học sinh đệ Ngũ 4, trường Phan chu Trinh, Đà nẵng, năm đó Thầy làm Giáo sư hướng dẫn.
Tôi chưa kịp hỏi thêm, thì X. tiếp ngay:
– Hồi đó em có tiếng là thằng học dở và phá phách trong lớp. Em đã bị đưa vào học lớp đặc biệt, toàn những đứa hoang nghịch nhất trường. Đáng lý cuối năm đó, em bị nhà trường đuổi học, như thằng Đ., thằng R. lớp Ngũ 2 và mấy thằng bạn trong băng em ở mấy lớp Đệ Ngũ khác, nhưng vì có Thầy đó !
Rồi X. lại vui vẻ tâm sự :
-Hồi đó nhờ Thầy nên em được ở lại. Thầy biết cảnh gia đình em , nếu bị đuổi ra khỏi trường , nhà nghèo em lấy tiền đâu mà học trường tư ? Nhất là cha em, tánh ông nóng kinh khủng, ông sẽ không tha thứ cho em khi em bị đuổi học. Chắc em phải trốn khỏi nhà, bỏ học theo nhóm bụi đời để kiếm ăn sinh sống quá !
-Nhờ Thầy đã đề nghị cho em khỏi bị đuổi. Sau ngày đó, em mới biết nghĩ thương ông bà già cực khổ lo cho mình nên em sửa đổi tánh nết và chịu khó học hành từ đây. Đến năm 1965, em đậu Tú tài 2 xong thì vào Sài Gòn tiếp tục học Luật. Mỗi năm em lấy được một chứng chỉ, đến năm 1969 thì em hoàn tất Cử nhân Luật, và được Luật Sư Phan Thanh Hy chấp nhận cho vào tập sự Luật sư. 

Nghe chuyện, tôi thật ngạc nhiên chen lẫn thích thú khi vụt nhớ lại một trò X. phá phách của lớp đệ ngũ 4 năm xưa, và vừa mừng cho X. khi được biết anh ta may mắn được tập sự ở văn phòng của Luật Sư Phan Thanh Hy, một Luật Sư có tiếng ở Sài Gòn. Và mừng hơn cho X khi biết anh đã xong tập sự, lại vừa tốt nghiệp Luật Sư thực thụ sau kỳ thi tháng sáu vừa rồi, và đã về miền Tây mở văn phòng riêng.
Vô cùng hân hoan trước thành đạt của người học trò cũ, tôi bắt tay X. để khen ngợi và thành thật chúc mừng.
Tới giờ dự phiên toà, chúng tôi tạm chia tay, hẹn một dịp khác hàn huyên lâu hơn.
Hôm ấy, trên đường trở về nhà, tôi nghĩ đến X. cùng lần gặp gỡ buổi sáng, lòng tôi tự nhiên dâng lên một niềm vui khó tả. Hồi tưởng đến những ngày còn dạy học ở Phan Chu Trinh, lớp đệ ngũ 4 và trò X., một trò X. ngỗ nghịch và biếng học năm xưa đó đã thay đổi, một sự thay đổi kỳ diệu để ngày nay cho tôi gặp lại một X. thành đạt.
Nhiều người thường nói, nghề giáo cũng là một nghề bạt bẽo nhất.

Nhưng riêng tôi, có lẽ điều làm tôi vui hơn hết trong cuộc đời đi dạy là những khi tình cờ gặp lại những người học trò cũ mừng rỡ lại thăm hỏi vẫn trong tình thân thầy trò năm xưa, tôi như được chung vui với thành đạt ngày nay của họ. Niềm vui đó lại càng nhiều hơn đối với sự thành công của những học sinh như X. chẳng hạn, vì cái vui đó chen lẫn một ngạc nhiên thích thú. Thế mới biết, nhiều trò ngày nhỏ phá phách, và biếng học, nhưng một khi cái giai đoạn nghịch ngợm qua đi, và biết thay đổi kịp, thì những con người đứng thứ ba sau ma, quỷ đó lại là những người thành công lúc ra đời.
Nhiều khi thấy được học trò thành đạt hơn mình, thiết tưởng cũng là một cái vui của người đi dạy.

Một chuyến xe Lam
Cuối niên học 1960 – 1961, sau buổi họp, Hội Đồng Giáo Sư quyết định trục xuất hẳn một số học sinh vì lý do kỹ luật. Các trò này không những phá phách và ương ngạnh mà cũng thường là những người học dở nhất trong lớp.
Tiếp theo phiên họp của Hội Đồng Giáo sư là nghỉ Hè. Học sinh các lớp đến xem thông cáo của trường niêm yết trong ngày hôm sau, để biết ai bị đuổi hoặc phải thi lên lớp.
Một số học sinh Đệ Ngũ, có tên ở “bảng phong thần”, chẳng hiểu có họp nhau bàn tán gì không, mà ngay chiều hôm sau, khi tôi đang ngồi nhà đọc sách, Bùi ngọc L. của lớp đệ ngũ 4 đột ngột gõ cửa “để báo một tin liên hệ đến Thầy”.
Nhìn vẻ mặt hốt hoảng của L., tôi lấy làm lạ hỏi:
-Có chuyện gì quan trọng liên can đến tôi thì em cứ bình tĩnh nói cho tôi biết.
Vừa thở hổn hển, L.vừa kể:
-Em mới ở dưới trường xem thông cáo niêm yết danh sách những học sinh bị đuổi. Mấy trò đệ Ngũ đó xúm nhau lại có vẻ giận Thầy lắm. Họ bảo bị đuổi ra khỏi trường là do

Thầy đề nghị, vì Thầy làm trưởng khối Giáo sư lớp Đệ Ngũ. Đặc biệt Nguyễn Đ., lớp Ngũ 2, nói với mấy trò kia là sẽ tìm Thầy để “thanh toán”(!). Nghe như vậy, nên em liền chạy đến tin Thầy biết mà đề phòng.

Nghe xong chuyện, dù hết sức ngạc nhiên, nhưng trước mặt trò L. tôi cũng bình tĩnh để cám ơn cho hay tin và nói “các trò bị đuổi đang lúc tức giận có thể phát biểu bậy bạ. Tôi chắc sau đó họ sẽ suy nghĩ lại và không có hành động nông nổi đâu”.
L. là một học sinh bản tính thật thà, nhà nghèo, người Bắc di cư. Thỉnh thoảng lên thăm Cha Sở nhà thờ Hòa Vang, tôi thường gặp L. giúp lễ cho Cha. Dạo đó tôi thuê nhà ở đường Phan chu Trinh, mỗi ngày lúc L. đi học hay trên đường về nhà thường đi bộ ngang nhà tôi. Mỗi lần gặp, trò đều lễ phép chào hỏi, và khi nào cũng nhăn răng cười vui vẻ.

Tiễn trò L. ra về xong, tôi trở vào nhà ngồi suy nghĩ. Tôi tin chuyện L. nói là có thật. Lòng nặng buồn phiền, tôi tự hỏi sao việc trục xuất những học sinh học dở và hoang nghịch là do quyết định của cả Hội Đồng Giáo Sư, nhưng những học sinh bị đuổi đó lại chỉ oán trách mình tôi? Tuy nhiên tôi cũng nghĩ, vì bị đuổi, các trò đó trong một phút tức giận, tuổi trẻ bồng bột, đã phát ngôn bừa bãi, chứ thực tế chắc không dám hành động. Việc học sinh bị đuổi tìm cách “thanh toán” Thầy dạy mình để trả thù thì hình như chưa xảy ra trường hợp nào ở tất cả các trường học miền Trung, nhất là ở thời buổi bấy giờ, ở xã hội Việt Nam lúc đó, nếu quan niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” của thuở xưa không còn thì dẫu sao nghĩa Thầy Trò cũng vẫn được tôn trọng ít nhiều. Ở Huế, Thầy Nguyễn văn H., thời làm Hiệu trưởng trường Quốc Học, có tiếng vô cùng nghiêm khắc và hay đuổi học trò, nhưng có trò nào sau đó hăm dọa, hay tệ hơn, “thanh toán” Thầy đâu.

Hơn nữa, những đề nghị của tôi trong buổi họp của Hội Đồng Giáo Sư đều trung thực và từ tinh thần xây dựng, ở vai trò của người dạy học, nên tôi tin tưởng sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Tuy vậy, tôi vẫn “đề cao cảnh giác”, nhất là với trò Nguyễn Đ. lớp Ngũ 2, nổi tiếng hoang nghịch và phá phách nhất lớp.
Đ. khổ người gầy, tóc quăn, hình như trò có cái sẹo lớn ở màng tang, nên mái tóc quăn thường phủ xuống che kín cái sẹo. Nhà trò ở cùng phố nên hằng ngày thường đi ngang qua nhà tôi.

Để cho vợ tôi yên tâm, tuần lễ kế đó, tôi không ra khỏi nhà. Thời gian này vợ tôi lại nghỉ hè, nên hằng ngày tôi khỏi đưa đón bà đi dạy học. Vợ tôi còn dặn người giúp việc, ban ngày đóng cửa chính ra vào, chỉ mở cửa sổ và có học sinh nào đến” thăm hỏi” thì trả lời là tôi về Huế cả tuần nay rồi!
Nằm ở nhà một tuần, tôi cảm thấy nản và buồn cho cái nghề dạy học, một nghề được coi là cao quý .Và ngày chọn nó để theo đuổi, tôi đã mảy may không hề nghĩ đến có lúc phải va chạm với học trò, dẫu rằng chính tôi cũng đã qua một thời cắp sách, và còn nhớ trong lớp học của tôi ngày trước cũng có vài bạn hoang nghịch, phá phách .Có lẽ

chuyện học sinh hoang nghịch, phá phách trong lớp xảy ra trong các lớp ở mọi thế hệ, mọi nơi chốn khác.
Một tuần lễ và rồi một tháng qua không thấy có gì đáng tiếc xảy ra. Lúc đó tôi mới đi xuống trường, hay thỉnh thoảng chở vợ tôi đi phố. Đời sống chúng tôi trở lại bình thường, và chuyện qua không còn làm tôi bận trí nữa.
Hai niên khóa kế tiếp ở Phan Chu Trinh, cũng trôi qua nhanh. Có lẽ một số học sinh hoang nghịch đã bị trục xuất, nên tương đối trong hai năm này, học sinh các lớp phần đông đều ngoan ngoãn chăm học. Và trong suốt giai đoạn này tôi không gặp các học sinh lớp Đệ Ngũ bị đuổi cũng như chẳng còn thấy trò Nguyễn Đ, lớp Ngũ 2 đi qua lại trước nhà tôi nữa.

Thời gian sau đổi về Huế, rồi vào Saigon, tôi không còn theo đuổi nghề giáo, nên hết trực tiếp liên lạc với học sinh. Những chuyện xảy ra trong những năm dạy học, hình như quên lãng vào quá khứ, mặc dù tôi vẫn còn nhớ mặt hoặc nhớ tên gần hết các học sinh cũ.
Nhiều năm sau, vào một buổi sáng ở Saigon, tôi xuống thăm vợ chồng cô em ruột nhà nơi đường Bạch Đằng, Gia định, gần chợ Bà Chiểu. Lúc trở về, đứng đợi xe Lam Saigon-Thị Nghè-Bà Chiểu. Khi xe ngừng lại, bước lên xe và vừa ngồi xuống, nhìn qua băng ghế đối diện, tôi bỗng thấy trò Nguyễn Đ. Một cảm giác khó chịu bất chợt đến, tôi định bảo người tài xế ngừng xe để xuống. Nhưng chưa kịp nói, thì Đ. đã lên tiếng chào:
– “Thưa Thầy! Lâu quá mới gặp Thầy. Thầy còn nhớ em không?”
Làm sao tôi quên được, nhưng vẫn hỏi:
– “Có phải là Nguyễn Đ. học sinh lớp Ngũ 2 trường Phan chu Trinh Đà nẵng, hồi 1960 – 1961 không?”
Đ. hồn nhiên tiếp lời tôi :
– “Dạ đúng. Trí nhớ Thầy tốt quá. Em ngày xưa là thằng phá phách nhất lớp Ngũ 2 mà!”

Rồi câu chuyện qua lại bỗng thân mật tự nhiên như bất cứ cặp Thầy trò cũ nào tình cờ hội ngộ sau một thời gian lâu rời trường .Đ. còn vui vẻ cho tôi hay đã vào Sài Gòn làm ăn mấy năm nay và hiện có “kiosque” bán hàng ở đường Nguyễn Huệ, trước mặt Ngân Hàng Nam Hải.
Chuyện trò đến đây thì xe Lam chạy gần đến chợ Thị Nghè, Đ. nói cần ghé để mua hàng. Trước khi xuống xe, Đ. xin phép được trả tiền xe Lam cho tôi, lễ phép chào cũng như không quên ân cần mời tôi có dịp đi qua đường Nguyễn Huệ, ghé thăm cửa hàng.
Tôi từ giả Đ, với lời hứa “Thế nào tôi cũng ghé thăm nay mai”.

Xe tiếp tục chạy, ngồi trên xe tôi nhớ lại chuyện năm xưa và bàng hoàng trước sự thay đổi của một người học trò cũ. Thật không ngờ, vì Nguyễn Đ. ngày hôm nay và trò Đ. thuở trước của lớp đệ ngũ 2, một thời “vua” phá làng xóm ở Phan Chu Trinh, là hai con người khác hẳn. Trước nhận xét của tôi bây giờ Nguyễn Đ. là một người lịch sự, nhã nhặn. Những định kiến về một trò Đ. phá phách, hoang nghịch đã vụt biến khỏi trong tâm trí tôi.
Sau đó, một hôm đi qua đường Nguyễn Huệ, tôi ghé thăm chỗ mua bán của Đ. Mừng thấy công việc làm ăn của Đ. tương đối khá, vì đường Nguyễn Huệ là con đường nổi tiếng của Saigon, kiếm được một chỗ ở đó để mở cửa hàng không phải là chuyện dễ.
Những năm sau 1975, thời cuộc đảo lộn tất cả, và bận rộn vì mãi lo chuyện vượt biên, tôi ít có dịp ra đường Nguyễn Huệ, nên không biết Nguyễn Đ. còn buôn bán ở đó nữa hay không, và cũng không hề gặp Đ. ở Saigon, nên chẳng hiểu Đ. có còn ở Việt nam?

Gần đây khi vào xem Web Site “Một thời Phan Chu Trinh, Đà Nẵng”, mục Links, xem trong danh sách học sinh lớp đệ Nhất lứa 64 – 65, có ghi: Nguyễn Đ., USA, như vậy là trò Đ. hiện đã ở California rồi. Tôi cảm thấy vui vui khi nghĩ, một ngày rất gần đây, có dịp qua Cali thăm gia đình hai cô em ruột, tôi có thể gặp lại Đ. Lần này chắc tôi không còn ngỡ ngàng khó chịu như kỳ gặp Đ. trên xe Lam Saigon-Thị Nghè-Bà Chiểu năm xưa nữa. Thầy Trò bây giờ có lẽ cả hai tóc đều đã bạc, sẽ rủ nhau ra tiệm ngồi nhấm nhi ly cà phê, để ôn lại những gì đã xảy ra hơn 40 năm qua ở trường cũ Phan chu Trinh, Đà Nẵng, để nhớ lại những năm sống lăn lộn, vất vả ở Saigon, nhất là nhớ lại hôm tình cờ gặp nhau trên chuyến xe Lam Saigon-Thị Nghè-Bà Chiểu. Chính nhờ lần gặp gỡ đó, bao nhiêu ý nghĩ xấu về Nguyễn Đ. đã được xoá hết trong ký ức của tôi. Và đối với riêng tôi, đó là một là điều vui và cũng là một niềm an ủi mỗi khi tôi nhớ lại mấy năm còn trong nghề giáo ở trường Phan Chu Trinh, một quãng đời với những vui buồn khó quên.  

Uyên Minh