Hôm Ấy ... Tôi Ði Dạy

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

  

 Đọc Tiếng chim ngoài cửa lớp của nhà thơ Trần Hoan Trinh tức giáo sư Trần Đại Tăng, bỗng chập chờn một thuở Phan Châu Trinh – Đà Nẵng. Tôi đến trường trung học Phan Châu Trinh trước anh một năm: 1957, cũng tháng chín, mùa tựu trường nhè nhẹ sương thu… Năm mươi năm qua sao mà rõ ràng quá đỗi: nhớ về ngày xưa, tôi như em bé được mẹ nắm tay ngày tựu trường năm ấy; Thanh Tịnh bảo: “Hôm nay tôi đi học”.

Trên chuyến tàu tốc hành Huế-Đà Nẵng, mẹ tôi nắm chặt tay tôi khi tàu chui qua hầm Sen tối mò vì biết tôi sợ, nhất là lòng đang lo lắng cho đoạn rẽ cuộc đời, bâng khuâng vừa rời xa những ngày áo trắng. Mẹ thì thầm bên tai “ngày mai con thành người lớn”.

Ngày mai, 7-10-1957, mẹ nắm tay tôi dẫn đi từ nhà dì tôi đường Hoàng Diệu để đến nhận việc tại trường Trung học Phan Châu trinh. Hôm nay… Tôi đi dạy! Và sau đó nhiều lần nữa tôi vẫn trẻ thơ bên mẹ dù đã vào đời. Mỗi lần nhớ, lại cảm động đến buồn cười. Những ngày sau đó đi chấm thi ở các tỉnh xa vẫn được mẹ “dẫn đi”.

Lần chấm thi Trung học đệ nhất cấp tại trường Tran Quốc Tuấn, Quảng Ngãi, hai giáo sư nhận nhiệm vụ, giáo sư Nguyễn Trung Hối và tôi. Trong toa tàu hầu như toàn cả thí sinh, tôi được mẹ đặc biệt chăm chút. Thí sinh nhìn tôi như một người bạn đồng cảnh lều chỏng may mắn. Hôm sau vào phòng thi, các cậu thấy “cô bé” là giám thị, rụt cổ lắc đầu.

Tôi rụt rè bước vào phòng Hiệu trưởng. Thầy Nguyễn Đăng Ngọc nhìn tôi trong áo lụa trắng học trò, tóc dài mượt đen được làm gọn đằng sau bằng chiếc kẹp đồi mồi màu nâu. Thầy hiền từ cho phép tôi ngồi chiếc ghế trước bàn Hiệu trưởng. Hơi mỉm cười, thầy bảo:

-Cô giáo trẻ quá!

Không nhìn thấy sự lo lắng của tôi, thầy tiếp:

-Học trò ở đây từ các vùng mới tiếp thu …nên học chậm, lớn lắm, dạn dĩ, nghịch ngợm, sợ cô giáo trẻ không điều khiển nổi. Cô N. N trước đây khóc đó!

Sợ ông Hiệu trưởng nghi ngờ khả năng, tôi bối rối tìm cách bênh vực quyết định của mình. Ong hiệu trưỏng còn trẻ như các thầy tôi nhưng tôi không xưng “con” như ở trường mà làm cho mình “lớn” hơn một chút, tôi lễ phép thưa:

-Thưa ông cho cháu dạy thử, quả thực không được thì…

Thầy Ngọc nhìn sự vụ lệnh bổ nhiệm của Nha Giáo dục và hồ sơ của tôi trước mặt. Thầy ôn tồn bảo:
-Có cách chi …Cô phải có bề ngoài người lớn hơn một chút nữa.

Nhìn thấy sự ngạc nhiên trong mắt tôi, thầy tiếp:

-Ví dụ như cô đừng để tóc kẹp …học trò quá, trẻ quá không được.

Biết “khuyết điểm” vì dáng dấp học trò của mình, tôi vẫn quả quyết:

-Cháu sẽ cố gắng, xin ông cho cháu dạy thử. Cháu tin là có thể dạy được.

Thầy Ngọc nhìn tôi, hiền từ mỉm cười cho quyết định:

-Chị chuẩn bị, mùa tựu trường năm nay chị trở lại nhận việc. Tôi sẽ gởi thời khóa biẻu về sau. Chị dạy Anh, Pháp văn và Việt văn đều được phải không?

Tôi mừng rỡ cám ơn và chạy vội ra cửa báo tin cho mẹ.

Để trở thành giáo sư trường Trung học Phan Châu Trinh năm ấy, tôi phải hy sinh mái tóc dài, uốn ngắn cho thành “người lớn”. Bạn bè tôi tiếc nuối dùm tôi. Bạn T.Đ.Q học sau tôi một năm nhưng cùng sinh hoạt báo chí và văn nghệ ở trường, lúc đạp xe ngược chiều gặp tôi giữa cầuTràng Tiền đã đưa hai tay lên trời la lớn:

-Trời ơi, răng rứa?

Sau năm năm thành lập, trường trung học Phan Châu Trinh vẫn còn trống trải lắm. Sân trường nắng chang chang. Vài cây phượng vỹ mới trồng nhỏ xíu như không có, thèm một bóng mát. Bước vào cổng là một sân cát vàng và khô. Cát cứ bám vào chân mỗi lần xuống xe đạp, đẩy xe vào và nhắc xe lên ba bốn bực cấp, dựng xe trước phòng giám thị. Năm ấy thầy Diêu là Tổng giám thị; bà Chín vừa là giáo sư Nữ công vừa là giám thị. Tôi còn nhớ em Trần Đình Thanh Lam, con trai của bà, bắt đầu vào Lycée Đà Nẵng thì phải? Nhớ bà Chín tôi còn nhớ bác sĩ Trần Đình Nam có ngôi nhà đầy hoa, nhất là hoa lan mà các chị Kim Đính, An Hà Châu và tôi ngưỡng mộ …Cô Lệ An cũng là một giáo sư Nữ công lâu năm của trường … Tôi đang nhớ quá nhiều đây. Có lẽ vào măm ấy tôi là cô giáo trẻ nhất nên được sự thương yêu và chăm sóc của tất cả nữ giáo sư đương thời: chị Liệu dạy Anh văn; chị An Hà Châu dạy Việt văn và Sử địa; chị Kim Đính dạy Vạn vật, cùng ở Huế nên chúng tôi thường có những chuyến đi về Huế- Đà Nẵng cùng nhau. Những lần tàu qua hầm Sen, tôi cũng được chị nắm tay để khỏi sợ bóng tối … Có thể nói, lúc đó 90% giáo sư Phan Châu Trinh là dân Huế nên những ngày cuối tuần bến xe An Lợi tấp nập thầy cô tìm một vé xe trở về Huế sớm nhất.

Cùng dạy môn Văn, tôi biết anh Quế, giáo sư kỳ cựu, kinh nghiệm; anh Hối, anh Đáo…Anh Am, anh Hào dạy Anh văn; anh Tăng dạy Toán, anh Tòng dạy Toán và Vạn vật, anh vào trường Phan Châu Trinh trước tôi; anh Nhân gầy, cao … Trong tất cả các bạn cùng dạy những năm ấy, có lẽ cùng đường đi về dạy học, lại có biết từ ngày ở Quốc Học, nên anh Đặng Minh Trai là giáo sư tôi được dịp trò chuyện nhiều nhất. Chúng tôi bàn chuyện dạy, chuyện báo chí, sách vở và nhớ có lần lạm bàn về một nữ sinh có bút hiệu là Mai Trinh. Nhớ có lần phải cầu cứu anh xuống xe đạp, đi bộ với tôi một đoạn đường, vì các học sinh trường Bán Công cứ nghịch ngợm đi theo lải nhải “my English teacher”…Rồi tôi rời trường Phan Châu Trinh vào Nam, mất liên lạc. Sau đó lưu lạc xứ người, tôi được tin buồn anh không còn nữa…thương tiếc một người bạn hiền lành…

Một thoáng nhớ buồn cười trở về ký ức: suốt ba niên học ở trường Phan Châu Trinh, tôi dành hết thì giờ cho học sinh, yêu mến, tâm sự, sinh hoạt ngoại khóa, đạp xe lên đồi xuống dốc với các lớp của T.N. Tuý, N.D.L. Hương, P.N. Lâm …cắm trại bên dòng sông Thu Bồn … Tôi đã nói hết với học sinh tôi ngày ấy. Làm sao tôi quên được những ngày tập văn nghệ cho các em: vở kịch “Bến nước Ngũ Bồ” với Kim Long, Lê Thị Phú, Liệu… Với các em, tôi nhiều lời là thế mà sao với các nam đồng nghiệp tôi lại quá ít nói năng, có nhiều bạn trong ba năm dạy học đã không một lần trò chuyện. Năm 2001, anh Nguyễn Trung Hối đến Toronto tham dự Ngày Hội Huế chúng tôi tổ chức, nhắc lại những ngày ở trường Phan Châu Trinh, tôi phải xin lỗi mãi vì cái “nhút nhát kỳ cục” của cô giáo trẻ người Huế ngày ấy.

Thời khóa biểu của nhà trường thay đổi hằng năm. Có năm tôi dạy cả Anh văn và Công dân. Tôi gặp hầu hết các lớp của trường những năm ấy, lứa học trò đầu đời dạy học, tôi nhớ mãi hoài…

Sau bao năm rời xa trường, tôi “người lớn” đã lâu, con cái đùm đề, bỗng một hôm có một quân nhân tìn đến thăm tôi giữa giờ giảng dạy ở trường T.V Sài Gòn: Em Di đã làm tôi cảm động đến sửng sốt, cũng như hôm tôi gặp em N. P. Minh sau ngày em ở trại cải tạo về. Lần tôi nhận được thư của Trịnh Thái Cơ, nước mắt tôi đã làm nhòe dòng thư “Nhớ cô, em chọn nghề dạy học, em đang ở Gò Công…” Sau biến cố năm 1975, tôi nhìn ra em Kim Long, mặt buồn xo đang đứng đợi mua gạo ở phường Đakao, sau ngày đi cải tạo về … Tôi dừng xe đạp, bước xuống gọi, Long ngơ ngác, đưa tay sửa kính cận, nheo mắt hỏi
-Xin lỗi, chị là ai?

Biết ra tôi, cô trò đều khóc, Trưóc mắt tôi lúc nầy còn như đang nhìn thấy một em trưởng lớp cao lêu nghêu Cao Ngọc Trãn. Lớp tôi là giáo sư chính thì em Huỳnh Ngọc Lạc, một trưởng lớp nhỏ con, hiền lành, các bạn nói gì cũng cười…

Những ngày xa xứ, gặp lại một số học sinh trường Phan Châu Trinh, may mắn chúng tôi còn tìm lại được những ngày xưa thân ái: T. N. Tuý, N. D. L. Hương, Thu Liên, Thu Hà, Trần Ngọc Yến, Lê Bạch Nga, Huỳnh Thị Thương + anh Tuyến (tôi không gặp anh Tuyến trong lớp học ngày ấy thì phải?) nhưng dù sao cũng là những người Phan Châu Trinh để còn được nhắc đến những ngày xưa… Có một ngày nghe Thượng Tọa Thích Tịnh Đức thuyết pháp, để vui mừng biết đó là em T. T. Toản, học sinh của trường Phan Châu Trinh ngày nào… Những điểm son của nghề dạy học, tôi trân quý mãi hoài … Cho nên trường Phan Châu Trinh dù chỉ còn là hoài niệm, hoài niệm êm ái của đời tôi!

Xin được xin lỗi anh Trần Đại Tăng, vị giáo sư đã cùng tôi hai niên khóa ở trường Phan Chau Trinh mà không một lần trò chuyện. Cám ơn nhà thơ Trần Hoan Trinh với Tiếng chim ngoài cửa lớp đầy vơi tâm sự của người thầy bên bục giảng, nhất là bục giảng của trường Trung học PHAN CHÂU TRINH ĐÀ NẴNG đã cho tôi một tìm về trọn vẹn thương yêu.

Bài Viết Của YLA Lê Khác Ngọc Quỳnh  

Canada, chớm thu năm 2002

( bản nguyên tác của người viết )