Trường Trung Học PCT Lúc Ban Ðầu - Updated 05/14/22

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

  Trường Trung Học Phan Châu Trinh Lúc Ban Ðầu

Tác giả

Thành phố Đànẵng năm 1952. 

Vào năm nầy, tôi đã bò lên được lớp Nhứt  tại Trường Nam Tiểu Học Đànẵng. Lúc đó, tôi còn nhớ tên cũ của Trường nầy là: Ecole Franco Vietnamiene de Tourane. Tại trường Nam Tiểu Học nầy, có ba lớp Nhứt - Lớp Nhứt A do thầy Bàn dạy. Ông thầy nầy quá dữ, hễ học trò nam không thuộc bài là bị roi quất vào mông. Lớp Nhứt B do thầy Hy dạy và lớp Nhứt C do cô Nhạn dạy. Ngoài Trường nầy ra, thì trên Chợ Mới có 2 lớp Nhứt. Trường Tư thục Hải châu do thầy Thể sáng lập, có 2 lớp Nhứt; và các Trường Tư Thục khác, ít nhất cũng có thêm 3 lớp Nhứt nữa. Như vậy, tại thành phố Đànẵng lúc bấy giờ, ta có tổng số Lớp Nhứt là 10 lớp. Mỗi lớp trung bình 50 học sinh, thành ra ta có khoảng 500HS. Vì lý do hoàn cảnh, thời cuộc và gia đình lúc bấy giờ, cò thể có khoảng 200 hs không thể tiếp tục lên bậc trung học Đệ nhất cấp tại thành phố Đànẵng. Còn 300 học sinh sẵn sàng lên Trung học, vào lớp Đệ thất (bây giờ gọi là lớp 6). Như vậy, ở Đànẵng, nếu là Trường công – như Trung Học Phan Châu Trinh thì lúc nầy cần phải có: 300 chia cho 50 = 6 lớp Đệ thất… Nếu đặt lại câu hỏi - Trường TH/PCT/ĐN đã có đủ số lớp ấy chưa? Thưa: Chưa

Lớp Đệ Thất đầu tiên

Nghe thầy Nguyễn Hữu Thứ kể lại, khi thầy được bổ nhiệm vào làm việc tại phố Đànẵng, thầy thấy thành phố nầy tương đối lớn, có khả năng sầm uất… thì thầy bỗng ngạc nhiên cho nền giáo dục ở đây kém phát triển. Thầy Thứ bèn liên lạc với ông Thị trưởng Đànẵng, tên là Bảo Toàn, đề nghị cho mở một lớp Đệ Thất  (bậc Trung học) nằm tạm trong Trường Nam Tiểu học (Ecole Franco Vietnamiene de Tourane). Như trên, ta đã thấy tổng số khoảng 300 học sinh tại thành phố Đànẵng để thi concour vào lớp Đệ thất, PCT chỉ lấy khoảng 60 tên là cùng. Như vậy, ai đậu vào PCT lúc bấy giờ là may mắn lắm, và tôi cũng là một trong số 60 tên may mắn đó. Còn  240hs thi hỏng vào trường công, đành ra về, lo làm ăn giúp gia đình hoặc phải ghi danh học trường Tư Thục trong thành phố. Đây là một lớp Đệ Thất đầu tiên của Trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, niên khóa 1952 – 1953, do thầy Giai kiêm luôn Hiệu trưởng,

Lớp Đệ Lục năm thứ hai

Qua niên khóa 1953 – 1954, lớp Đệ thất năm ngoái được lên Đệ Lục (lớp 7). PCT tuyển thêm một lớp Đệ Thất khác, Như vậy hai lớp Đệ Thất và Đệ Lục đều cùng nằm tạm trong Trường Nam Tiểu Học nầy. Nhưng lần nầy thì hai lớp nằm kề bên vách của nhà máy Nhà Đèn (tức nhà máy Điện), tha hồ nghe tiếng máy chạy ồn ào suốt ngày. Học sinh như tụi tôi thì không sao, chỉ tôi cho các cô giáo cố giảng cho to giọng, cho học sinh nghe và hiểu thì cũng đủ khan cổ. Tôi còn nhớ, tội nhất là Cô Hường, người Bắc… Ngoài ra, tôi còn nhớ: Giáo sư bên Trường Nam Tiểu học (chưa qua Trường PCT mới):

Thầy Nguyễn Hữu Thứ dạy Pháp văn

Thầy Võ Văn Sum dạy Vật Lý                                                                         

Thầy Nguyễn Văn Lượng dạy Hóa

Thầy Bửu Thiết dạy Toán

Thầy  Nguyễn Ngọc Quế dạy Việt Văn

Thầy Lê Trọng Nguyễn dạy Nhạc

Cô Nguyễn Thị Hường dạy Sử

Còn nhiều Cô Thây nữa mà tôi quên tên. 

Niên khóa 1954 – 1955. Trường TH PHAN CHÂU TRINH xây cất trên khu đất mới.

Sau cuộc nghỉ hè, hai lớp Đệ Thất và Đệ Lục bên Trường Nam Tiểu Học nay lên Đệ Lục và Đệ Ngũ và được dời qua Trường mới với cái tên huy hoàng hãnh diện là Trường Trung Học Phan Châu Trinh, được xây trên bãi cát trắng, trước Bệnh viện đường Lê Lợi.

Qua Trường mới nầy, chúng tôi thấy mọi sự đều đổi mới. Trước tiên, chúng tôi thấy thầy Trần Tấn (đã chết), giáo sư ra quyển sách Toán là Hiệu trưởng của nhà trường. Sau đó, chúng tôi thấy có nhiều Cô Thầy mới. Cả thầy lẫn trò, ai ai cũng vui mừng và hãnh diện như được dạy hoặc được học dưới mái trường nầy, đó là ngôi trường mang tên một nhà Cách mạng lừng danh của đất Quảng.

Cây Me gần Trường Phan Châu Trinh

Trường Nữ Trung học Hồng Đức được xây trên khu đất mà trước kia, đó là khu đất Nghĩa trang của người Pháp thì phải. Bên cạnh hàng rào của Nghĩa trang giáp với đường Lê Lợi, có hai cây Me - rất là tuyệt vời đối với nam học sinh PCT.

Vì, hai cây Me đó, khi mùa trái của nó thì đám học sinh thích leo trèo như tôi chẳng hạn, đi học rất sơm, tới đó, trèo lên cây Me tha hồ hái trái Me non, đem vào trường, chia cho bạn bè, kể cả nữ sinh, chấm muối ớt ăn thì tuyệt vời… Tôi bảo đảm, các anh, các chị đã từng ăn Me của khu Nghĩa trang đó, chắc khó quên một thời học sinh Phan Châu Trinh của khu trường mới…

Đội Bóng đá của Trường Phan Châu Trinh

Ngay từ thuở ban sơ - chỉ mới có hai lớp, Trường PCT đã có đội bóng đá không ai chỉ huy. Tôi nhớ lúc Đệ Thất, Đệ Lục, chúng tôi – đội bóng đá gồm có  các anh Thiện, Tú, Mau và Bang (ở VN), Cử (đã chết trong tù cải tạo), Khởi, Tình và một số tên anh khác nữa, mà tôi đã quên…

Khi qua Trường mới, đội bóng PCT được lựa chọn và bổ sung, cho nên đội bóng nầy đã gây nhiều chiến thắng đối với các Trường Phan Thanh Giản, Tây Hồ,Sao  Mai, Nguyễn Công Trứ và Blaise Pascal taị thành phố Đànẵng.

Sở dĩ đội bóng đá PCT gây nhiều thành tích chiến thắng là do nhà trường tọa lạc gần Sân vận động Chi Lăng, cho nên chiều nào học sinh cũng ghé sân vận động chơi đá banh, nên đá giỏi, chạy dai sức và có kinh nghiệm.

Kết luận

Cố gắng ghi lại hình ảnh thuở xưa của Mái Trường thân yêu, với mục đích để chia xẻ với các anh chị em cựu học sinh PCT và để nhớ các Thầy, các Cô đã dạy dỗ chúng ta nên người trí thức và đạo đức qua hình ảnh nhà Cách mang Phan Châu Trinh.

Vô Tình

Cựu học sinh PCT niên khoa 1952 – 1956

(Lúc nầy chưa có lớp Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất)

( ĐS Kỷ niệm 55 năm thành lập Trung Học Phan Châu trinh, Đà Nẵng, Hải ngoại 2007 )

 

PCT Bongda1

 Đội Bóng tròn của Trường Phan Châu Trinh,
có nhiều trang WEB đăng hình này và ghi là Đội Bóng Rổ PCT là không đúng.