Đà Nẵng, Một Thời vang bóng - Updated 07/03/2023

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

 vung bo da nang

Từ thế kỷ 18  thành phố Đà Nẵng  thay thế Hội An  giữ vai trò quan trọng, là cửa ngõ giao thông về ngoại thương, phát triển kinh tế của miền Trung. Những thương thuyền ngoại quốc, từ các nước Âu Châu, Mỹ hay các quốc gia Á Châu như Trung Hoa, Nhật, Ấn Độ, Macau, Singapore, Manila...từng lui tới cảng Đà Nẵng  qua nhiều giai đoạn khác nhau. Về địa danh Đà Nẵng theo nhà văn Trần Gia Phụng và nhà văn Võ Văn Dật, có nhiều danh xưng Hàn Cảng, Hiện Cảng...Nhưng nhiều người thường gọi là : Hàn, Tourane, và Đà Nẵng.

French ships at Danang 1858

Năm 1847 vì nhu cầu bành trướng thế lực ở Viễn Đông , và là điểm  khởi đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Trung tá Rigault de Genouilly tới bắn phá Đà Nẵng. Thực dân Pháp chiếm Việt Nam là tham vọng thực dân đế quếc. Nhiều tài liệu cho rằng vấn đề truyền giáo, cấm đạo gây đến việc bế môn toả cảng của vua chúa nhà Nguyễn chỉ là một cái cớ để Pháp xâm lăng từ năm 1817 bọn thực dân Pháp từ bỏ bang giao bằng ngôn ngữ, thay thế bằng vũ lực là tàu đồng, súng đại bác với đoàn quân Viễn chinh thiện chiến. Với thảm kịch giám mục người Tây Ban Nha bị tử hình, nên Pháp lôi kéo được liên quân Tây Ban Nha tham chiến tại Việt Nam. Năm 1859 mở đầu những trang sử đau buồn cho dân tộc Việt Nam kéo dài gần một thế kỷ.

Đà Nẵng cũng là địa danh góp mặt với đầy đủ vẻ bi hùng trong lịch sử, từ thương mãi đến ngoại giao, đã biến thành chiến trường đầu tiên máu lửa. Đà Nẵng bị 66 năm làm nhượng địa, giao trọn quyền cho thực dân Pháp ( 1888 – 1950 ). Ngày 11 tháng 3 năm 1945, vua Bảo Đại tuyên bố chế độ bảo hộ và thuộc địa của Pháp cáo chung. Hoà ước 1884 vô giá trị, cho đến ngày 20. 7. 1945 Nhật long trọng trao trả các thành phố nhượng địa mà họ đã chiếm lại của người Pháp, từ đó danh từ Đà Nẵng chính thức thay thế tên gọi Tourane dưới thời thuộc địa.

Đệ nhị thế chiến đã làm thay đổi lịch sử thế giới và Việt Nam. Năm 1948 giải pháp Bảo Đại được đưa ra để giải quyết bàn cờ chính trị. Ngày 08. 03. 1948 tại điện Élysée ( Paris ), tổng thống Vincent Auriol và quốc trưởng Bảo Đại ký hiệp định trao  trả độc lập cho Việt Nam ( triều đại nhà Nguyễn 1802-1945 chấm dứt sau 143 năm ). Hai năm sau chính phủ Pháp chính thức trao trả Đà Nẵng vào ngày 03. 01.1950. Từ năm 1950 Đà Nẵng thuộc về Việt Nam. Một năm sau tôi ra đời tại thung lũng Quế Sơn và trưởng thành ở Hội An, Đà Nẵng. Dù sinh ra và lớn lên ở đâu, tất cả hình ảnh đẹp quyến rũ của quê mẹ không bao giờ xóa mờ trong tôi. Ba mươi năm cuộc đời viễn xứ, biết chúng ta là mây bay ngàn đời trên trời tha phương, nhưng trong tim vẫn còn vang vọng tiếng quê hương.

Thời ở Đà Nẵng, phần lớn thế hệ chúng tôi đi học, nếu có giờ rảnh thích rong chơi tắm biển, xem ciné, ít chú ý đến biến cố địa danh, lịch sử  của quân dân Việt Nam chống Tây. Kiến thức về lịch sử, địa lý rất hạn hẹp vì chỉ học những giờ Sử Đia ở trường mà thôi. Những thập niên qua với tinh thần tìm hiểu quá khúc của đồng hương Xứ Quảng, phát hành Đặc san xuân, hàng năm Đại hội liên Trường, ngày giỗ cụ Phan Châu Trinh do Hội ái hữu cựu học sinh THPCT ĐN tổ chức, và liên lạc được khá nhiều bạn một thời Phan Châu Trinh khắp nơi trên thế giới, đã làm cho tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm về Quảng Nam Đà Nẵng, về mái trường xưa không ít.

Nhìn lại thời thuộc địa, người Pháp không thực sự muốn khai hóa dân tộc Việt Nam, giới hạn phát triển các trường Trung và Đại học. Suốt thời gian bị nhượng địa cho Pháp, Đà Nẵng chỉ có các trường tiểu học dành cho Pháp gọi là École Francaise  và hai trường cho Nam  ( École des Garcons ) và Nữ  ( École des Filles ). Tỉnh Quảng Nam đông dân nhất miền Trung không có trường trung học, những thế hệ trước phải ra học ở Huế hay Hà Nội.

Sau khi Đà Nẵng được trao trả “ độc lập “, do đề nghị của chính phủ Đà Nẵng, ông Bửu Đài thị trưởng và ông Giám đốc Nha học chánh Trung Việt, ngày  7. 8. 1952 Thủ hiến Trung Việt ông Lê Quang Thiết, ký công văn  số 3214-VP-SV cho phép mở lớp Đệ thất ( lớp 6 ) đầu tiên, khai giảng 15.9.1952  cho niên học ( 1952- 1953 ), 50 học sinh tạm thời học chung ở trường Nam tiểu học. Niên khóa ( 1953-1954 ) số lớp tăng lên gồm 3 lớp đệ thất và  2 lớp đệ lục, tất cả khoảng 300 học sinh.

Ngày 06.05.1954 quyền tổng trưởng bộ Quốc Gia Giáo Dục và Thanh Niên ban hành nghị định số  95 GD-NĐ, thành lập các trường trung học công lập đầu tiên miền Trung như : TH Đào Duy Từ ( Đồng Hới ), TH Nguyễn Hoàng ( Quảng Trị ), TH Trần Qúy Cáp ( Hội An ),TH Võ Tánh ( Nha Trang ), TH Duy Tân ( Phan Rang) , TH Phan Bội Châu ( Phan Thiết ), TH Phan Châu Trinh ( Đà Nẵng ), theo cách thức tổ chức giống như các trường Quốc Học Huế, Chu Văn An Hà Nội, Pétrus Ký Sài Gòn.

Khi thành lập trường trung học công lập đầu tiên tại Đà Nẵng, cố gíao sư Bùi Tấn đã đề nghị tên trường là một trong ba danh nhân : Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân, Thái Phiên và Hội Đông giáo sư đa số chọn là Phan Châu Trinh ( niên khóa 1954-1955 ). Mỗi năm số lượng lớp học tăng, phải xây trường mới. Đó là khu đất đối diện trường Nam tiểu học, vốn là một vũng sình lầy, nằm trong phạm vi của bốn đoạn đường Lê Lợi song song với Duy Tân, đường Nguyễn Hoàng song song với đường Thống Nhất.

Ngày 19.05.1961 Bộ trưởng Quốc Gia Gíao Dục Trần Hữu Thế ký nghị định số 768-GD/PC/ND chính thức mở rộng các trường trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp. Niên khóa 1958 – 1959 là năm đầu tiên trường Phan Châu Trinh có thêm lớp đệ tam ( lớp 10 ) gồm đủ các ban A-B-C; ( A  khoa học thực nghiệm, B Toán Lý, C văn chương và sinh ngữ ) học đến lớp đệ nhị thi tú tài phần I, phải ra Huế học tiếp thi tú tài toàn phần.

Ngày 11.9.1962, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Nguyễn Quang Trình ký nghị định số  1448-GD/PC/NĐ chấp nhận các trường trung học dệ nhất cấp thành đệ nhị cấp trong đó có trường trung học Phan Châu Trinh. Bản nhạc Phan Châu Trinh hành khúc được giáo sư Hoàng Bích Sơn  sáng tác. Năm 1966 giáo sư Đoàn Văn Toàn dạy vẽ, dựng cốt và tạc tượng cụ Phan Châu Trinh tại số  5 Đống Đa  Đà Nẵng. Do học sinh đóng góp phế liệu bằng đồng, bà Châu Liên con gái cụ Phan và nhà văn Nguyễn Văn Xuân góp ý sửa chửa, đến hoàn thành kinh phí  37,000 theo thời giá trả cho thợ đúc đồng. Ngày 24. 3. 1966 tượng được khánh thành và dựng trước cột cờ sân trường. Đó cũng là húy nhật thứ 40  cụ Phan Châu Trinh.

Trường Phan Châu Trinh có cả nam và nữ. Riêng lớp chúng tôi không có nữ sinh. Sau này trường nữ Hồng Đức mở ra, thì trường Phan Châu Trinh vắng bóng hồng, dù phượng vĩ còn nở đỏ ở sân trường. Những hiệu trưởng của trường theo thứ tự từ  1952 đến tháng 3 năm 1975 : Lê Khắc Giai, Trương Cảnh Ngôn, Bùi Tấn, Huỳnh Văn Gi, Nguyễn Đăng Ngọc, Ngô Văn Chương,Châu Trọng Ngô,Đặng Ngọc Tuấn, Trần Vinh Anh, Thái Doãn Ngà, Huỳnh Mai Trác. Học sinh Phan Châu trinh mỗi sáng thứ hai phải mặc đồng phục  ( ngày thường quần xanh áo trắng ,mang giày không được phép mang dép ).

Đà Nẵng một thời vang bóng. Do càng ngày càng phát triển, thành phố càng ngày càng đông dân hơn. Nhiều trường trung học công được thành lập : Thanh Khê, Đông Giang, Nguyễn Trường Tộ, Quốc Gia Nghĩa Tử, Nữ trung học Hồng Đức, Văn Hóa Quân Đội, Kỹ Thuật. Ngoài ra còn có nhiều trường trung,tiểu học tư thục như Bồ Đề, Sao Mai,Thánh Tâm,Phan Thanh Giản, Tây Hồ,Bán Công,Nguyễn Công Trứ, Pascal, Thọ Nhơn...Nhờ sự vận động nhiều năm của các vị nhân sĩ Đà Nẵng, muà xuân năm 1974, Viện Đại Học Cộng Đồng được thành lập ( chương trình học như của Hoa Kỳ ).

Trường Phan Châu Trinh không ngừng phát triển, từ nhà trệt những năm sau xây thêm lầu, có thư viện, phòng thí nghiệm, thính đường sinh hoạt văn hóa, sân bóng rổ. Trường trở nên đồ sộ, có uy tín lớn, đào tạo nhiều nhân tài hữu ích cho quốc gia và xã hội. Tính đến ngày 29. 3. 1975 trường Phan Châu Trinh có  68 lớp gồm 42  lớp đệ nhất cấp và  26 lớp đệ nhị cấp.

Học sinh xuất thân từ trường xưa dù trong nước hay ở phương trời nào không thể quên hành khúc “Phan Châu Trinh người chiến sĩ quốc gia bất diệt...cùng phá xích xiềng giành lấy nhân quyền...Là học sinh Phan Châu Trinh ta tiến bước theo chân người, giữ vững dân quyền....” Ngày nay, ở trong nước, học sinh hiện đang học trường PCT có còn hát hành khúc này không ?

dnxua 7 1

Đà Nẵng thành phố bên Sông Hàn, gần biển xinh đẹp thơ mộng nằm giữa vùng kế cận ba di sản văn hóa thế giới : cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Chính vị trí này đã làm nổi rõ vai trò quan trọng. Đà Nẵng trải qua 703 năm ( 1306 – 2009 ) gắn liền với các thời kỳ lịch sử. Ngày nay về thăm Đà Nẵng chắc chắn chúng ta phải ngỡ ngàng trước nhiều đổi thay. Những con đường xưa bị đổi tên, nhiều dinh thự khu nghỉ mát dành cho những giai cấp mới tư bản đỏ sau  1975. Trong khi lịch sử Đà Nẵng cùng với lịch sử Việt Nam thay đổi, may mắn thay tên trường Phan Châu Trinh vẫn trường tồn với thời gian. Xin ơn trên ban phước lành cho tất cả cựu giáo sư và học sinh Phan Châu Trinh có lòng với quê hương, luôn vững niềm tin và sức khỏe để làm những việc có ý nghĩa cho quê hương và dân tộc…

Nguyễn Qúy Đại  ( Germany )

( “  ĐS Kỷ niệm Trường xưa. Santa Ana , Cali 2009 “ )