Trường Tôi Mến Thương

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

PMH26

Gió xuân khẽ ru đám lá xanh non cây phượng tím vườn sau, tôi sẽ nhớ mặc áo len dày. Hôm nay lòng chợt phơi phới vui khi nhìn thấy hoa nắng rắt trước sân nhà, những giọt trong veo thêu hoa lung linh trên thảm cỏ mướt xanh.

Nắng tháng Tư khi trời Cali lộng gió đem giá lạnh phương Bắc về. Tôi rét run những chiều loanh quanh xóm nhỏ mong cho cơ thể mạnh mẽ trong những bước chân líu ríu vội vã. Buổi tối mở máy thong dong tìm nguồn cảm hứng cho loạt bài viết về trường xưa kỷ niệm 60 tuổi. Ôi thời gian ! Thoáng đó mình đã già nua lúc nào.

Đã cuối mùa chay thánh, lễ Phục Sinh bao giờ cũng nở ra trong loang loáng đợt nắng reo mừng kỷ niệm Chúa sống lại. Cùng lúc mở trang Một thời Phan Châu Trinh chợt ngó thấy thiên hạ kêu gọi góp mươi dòng thương nhớ trường tôi  thương mến ...

Bao giờ quay về thăm quê nội tôi sao có thể quên được không ghé vào thăm xứ Quảng . Vì Đà Nẵng là quê hương thứ hai khi tôi đang tuổi trưởng thành, lăm le mộng đời chất ngất lý tưởng nghề “ Godautre “ . Sáng nay, một cậu đồng nghiệp đàn em của trường Áo Xanh, từ bên kia bờ biển Thái Bình Dương hăng hái gởi cho tôi qua điện thư, hằng nửa trăm hình ảnh học trò con gái “ aó trắng đơn sơ mộng trắng trong “. Họ đang đến trường và tan trường. Lúc này trường Phan Châu Trinh đã hội tụ nam sinh  chung  học với nữ sinh như nửa thế kỷ về trước . Và sau đó phân chia rạch rõi. Nam sinh ở lại và Nữ sinh hoá thành học trò Nữ Trung học Hồng Đức . Ngôi trường dành cho con gái tọa lạc trên đường Thống Nhất đầy bóng cây sao cao vút. Tôi ở bên này với bọn húi cua, vẫn thích ngắm đàn bướm trắng dễ thương như hình ảnh lúc mình còn là học trò Đồng Khánh.

Tôi thường đến Đà Nẵng nhằm lúc học sinh nghỉ học vì thế chỉ thấy trường xưa vàng úa buồn hiu. Tôi thích chụp hình nơi tượng cụ Phan Châu Trinh . Núp sau tượng, đứng trước tượng, làm như  thế tôi cảm thấy còn quanh quẩn sống với trường xưa. Rồi một mình lang thang trong sân trường hoang vắng. Chỉ thấy tiếc thương tháng ngày cũ. Ngẫng mặt nhìn lên để ngậm ngùi . Hành lang dài hun hút trên tầng cao, mơ hồ bóng dáng học trò giờ ra chơi xôn xao cười nói. Những khung cửa lớp im lìm , không còn nghe vẳng lời thầy cô giảng bài. Hàng cây trong sân trường giờ đã là cổ thụ, vẫn tỏa bóng mát êm đềm. Chạnh thương qúa vạt nắng đổ lung linh. Sân trường và hoa nắng có bao giờ mình nguôi quên ...

Đau lòng nhất khi nhìn thấy phía sau trường, một dãy tường lớp rêu phong, loang lổ màu thời gian xấu xí thảm hại...Vậy mà tôi cứ mải mê tìm lối đi con đường nhỏ đàng sau trường  ? Con đường ấy tên là chi ? Tôi đã quên mất ...Tôi hay tìm thăm “ quán “ bán hàng quà trước cổng lớn. Mấy chị con cháu bác cai đã nhận ra người xưa, khi  tôi hỏi thăm vài lời thương mến.

Lặng ngắm vuông bàn gỗ tạp treo bày lỏng chỏng mớ kẹo chanh, những vuông bánh xốp màu vàng nhạt, bánh cốm trắng ngon hiền. Chị quán gói cho khách bao nhiêu là quà, túi ô mai, chục trái me chua chua ngọt ngọt , quả cốc dầm vàng hươm. Chị nói “ Em tặng, cô đừng trả tiền”, có lẽ chị ấy muốn cho tôi nhấm nháp chút hương vị kỷ niệm ngày xưa thấm thía hơn.

 

PMH9

Tôi vẫn cảm thấy khó chịu mỗi lúc gió trật qua bên kia đại lộ Lê Lợi. Đối diện trường tôi thương mến bên ni. Nơi đó là khuôn viên PCT mới, dãy thành mới của trường mới, lạ hoắc lạnh lùng. Hồi trước vốn là Nam Tiểu học. Đó cũng là cái nôi đào tạo nhiều thế hệ học sinh PCT tương lai ngày ấy. Hàng hàng lớp lớp tuổi trẻ tài giỏi đã lớn lên, họ được ươm mầm cho quê hương xứ Quảng từ ngôi trường tiểu học ưu tú này. Tôi làm sao quên được qua Nam Tiểu học ăn bánh bèo chén với chị Nguyễn Khoa Diệu Trà. Hai chị em rình khi có giờ nghỉ, thường bất chợt xảy ra lúc lớp mình phụ trách trống giờ học . Quán bánh bèo nô nức khách lui tới. Học trò và cả thầy cô thích rủ nhau từng nhóm qua đây .

Chúng tôi tìm tới một góc quán cho kín đáo để cùng thi đua xếp chén cho cao lên. Ăn hôm nay nhớ hoài ngày còn đi học ở Đồng Khánh . Dốc Nam Giao dâng cao vời vợi, rẻ vào chân núi Ngự Bình, những quán nhỏ lợp tranh thơ mộng luôn đón chờ và chúng tôi nhặt khoan chèo bánh bèo, húp nước mắm ngọt dịu ...Nam Tiểu Học thiệt dễ thương với tôi vì thế.

PMH10

Để rồi sáng nay qua những trang hình ảo, tôi đã tìm được niềm vui . Chợt thấy hiện ra cảnh dập dìu hàng trăm cánh bướm trắng tươi xinh tỏa ra khắp nẻo đường thành phố Đà Nẵng . trái tim rộn ràng theo những tà aó trắng trong ấy . Bởi khi nào thế hệ trẻ lại chẳng ươm mùa nắng thơm ?

PMH29

Tuy nhiên tôi đã bật cười một mình. Hãy nhìn kìa, các cô thiếu nữ coi bộ lực sĩ gớm. Vai nở, cánh tay khỏe đưa lên, chân dài mau bước. Aó dài các cô gái toàn may hàng lụa bóng, trên quần dài lụa bóng . Gót hài diện đủ kiểu .

Dép thấp quai chéo cho em lướt đi nhẹ nhàng, giày gót cao nâng thân hình em thanh mảnh yểu điệu hơn . Tay aó ngắn ngang cùi chỏ. Lắm cô bé mặc áo đưa hông cao và quần chịu chơi trể quá rốn ! A, các em không bị chế độ “ quản chế “chặt chẽ thì phải . Những tóc thề đen mượt óng ả, những kiểu tóc túm đuôi ngựa tinh nghich, có em  tóc cắt  cao nhí nhảnh .

Tôi chỉ thoáng vui, khi nhìn thấy một cô học trò tóc thề, ôm chiếc cặp da màu cốm non, cô bé đứng lẻ loi tựa lưng vào vách tường, đôi mắt ngơ nhác nhìn tôi ...

Dăm nữ sinh phóng xe đạp, có người đeo khẩu trang, ba lô mang sau lưng. Bên hè phố gần trước cổng trường, các cô aó trắng chen chân quanh chiếc xe bán hàng quà sang. Bọn nam sinh ngó vẫn ra vẻ trẻ con như học trò tôi ngày ấy, aó trắng quần xanh , vai mang cặp vải đơn giản . Họ cười  nói tíu tít chờ giờ vào lớp .

Rồi tôi mất công tìm kiếm chiếc cặp sách vở thân thương thuở nào . Tuyệt nhiên không hề thấy. Qua bao mùa mưa nắng . Qua bao thế hệ học trò . Chiếc cặp da dễ thương ngày xưa ấy, là bạn thân thiết ủ ấp mớ sách vở rheo em đến lớp, giúp em dồi maì kinh sử. Chiếc cặp da màu nâu đen đơn sơ không quên chứa chất dăm vị đời hồn nhiên thiếu nữ. Gói muối ớt dầm với túi nhỏ cốc, me chua...thôi rồi nay biến mất .

Như hoạt cảnh trình diễn trên sân khấu thời trang. Áo trắng thướt tha vũ lượn, bên vai các nàng trẻ trung liền thay đổi. Đong đưa chiếc ví lớn hàng nhung nâu gạc nai, cô đeo túi màu xanh lục, cô diện túi vàng rực màu hoa mimosa hay khiêm tốn cũng là túi vuông rằn ri dệt bằng sợi ni-lông rực rỡ. Tôi thầm nghĩ nữ sinh hiện đại đến trường đẹp kiêu sa, diện túi hàng “ hiệu “ mắc tiền ! Rồi tôi vu vơ nghĩ ngợi chuyện đời ...

Các em thanh xuân này là học trò trường “ chuyên “. Có vẻ là con nhà khá giả. Nói theo ngôn từ quá quắt, các em xuất thân từ hàng “ đại gia “. E rằng không là nền nếp nho phong vì sang trọng thế kia cảnh nhà hàn vi làm sao vói tới . Giọng lưỡi tôi sao cực đoan thế. Nữ sinh đâu phải ai cũng có bố mẹ quyền cao chức trọng và các em chỉ biết ích kỷ học hành ?

Nhưng ...thực tế trên các miền đất nước số con cái thất học, nghèo nàn và ngu dốt nhan nhãn. Thiếu nữ con nhà nghèo khó, nhất là từ các vùng thôn quê thật chịu lắm cảnh đau lòng. Nửa chừng việc học, các em phải lao đao kiếm sống và quanh quất đầy dẫy những bọn ác ma côn đồ sẵn sàng dụ dỗ “ bán thân trinh trắng “ các em, hòng kiếm lợi cho chúng, đã mở lối cho hàng trăm em tìm đến xứ Hàn, xứ Mã...đầy quyến rũ mật ngọt.

Ôi, việc đời sai buồn thế, nên tôi không sao viết nổi thêm một dòng nào khi nhớ về “ Trường tôi mến thương “

PMH4

 

Phan Mộng Hoàn

 ( Tháng Tư buồn )

nguồn : ĐS 60 năm PCT 

nu Copy

Giáo Sư Phan Mộng Hoàn (11-7-1942 – 19-8-2020)

R8df2ac7ecb6e3bcf7f8e03a35d6b5bcf

 

Rea56be15d32a4887aebd14895e8dbf97