Niềm Vinh Hạnh, Tự Hào Vể Truyền Thống Hiếu Học

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

HoiDongGiaoSuNam1954H

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, với tư cách cựu học sinh của trường từ niên khoá đầu tiên, được qúy thầy, qúy cô giáo trang bị cho một kiến thức rất cần thiết để vào đời. Sự kiện này đã khắc sâu vào tâm khảm tôi , và cũng từ đấy , tôi ý thức công ơn của qúy thầy, qúy cô giáo – đối với tôi – là công ơn trời biển .

Giờ đây, tuổi đời đã cao, ngồi ôn lại những kỷ niệm của ngày còn đi học thời ấy , lòng xúc động khôn tả !

Bởi vậy, trong muôn một bày tỏ lòng biết ơn của chính mình đối với qúy thầy, quý cô giáo trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, tôi xin trân trọng dâng lên qúy thầy, quý cô một phần trong công trình sưu tầm biên soạn của tôi về truyền thống hiếu học của tiền nhân Quảng Nam, đồng thời cũng xin được gởi đến quý bạn cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, qua nhiều thế hệ, hiện đang sống trong và ngoài nước biết rõ hơn về lịch sử của danh xưng tôn quý mà nhân dân ta ưu ái dành cho quê hương ta – trên bình diện văn học –từ một thế kỷ nay.

LopHocDauTien PCT1952 1954R

Lớp học đầu tiên của trường Trung học Phan Châu Trinh (1952-1954) tại trường Nam tiểu học Đà Nẵng
 

Quảng Nam - Quê Hương Ngũ  Phụng Tề Phi

I/ Nguồn gốc 4 chữ “ NGŨ PHỤNG TỀ PHI “ :

Đời nhà Thanh bên Tàu có một khoa thi, khảo quan chấm 5 người đỗ Tiến sĩ . Cả 5 đều sinh quán tại một làng . Nhân đó vua Thanh ban cho  4 chữ “ NGŨ PHỤNG TỀ PHI “ ( năm con chim phụng cùng bay ).

Tại Việt Nam, dưới triều Thành Thái năm thứ 10 ( 1898 ), riêng tại tỉnh Quảng Nam – cùng khoa Mậu Tuất – đỗ 3 Tiến sĩ , 2 Phó bảng. Bấy giờ Tổng Đốc Nam Ngãi là cụ Đào Tấn và Đốc Học Quảng Nam Trần Đình Phong  ( Cụ Tấn người Bình Định, cụ Phong là thân sinh Bác sĩ Trần Đình Nam người Nghệ An ) cũng như các bậc túc nho, lão nho ở địa phương cho rằng thành quả đó là do tú khí của núi sông sở tại , nhưng cũng còn nhờ cái “ đức “ của Tổng Đốc  và Đốc Học tại vị. Rồi cụ Tấn và cụ Phong nhất trí lấy tích đời Thanh nói trên đem ban cho năm vị Tân Khoa Đại Khoa  “ năm con phụng Quảng Nam “ .( Theo tư liệu của cụ Cả Liêu, một vị đồ Nho viết liễn rất đẹp của tỉnh Quảng Nam trước những thập niên 40 tại Hội An . Cụ sinh  năm 1879, qua đời năm 1943 . Lúc xảy ra đám rước Ngũ Phụng, cụ đã được 19, 20 tuổi và cụ cùng với một số nho sinh Hội An lên Vĩnh Điện xem đám rước nên biết rõ cuộc rước này , cũng như sự tích cụ Tổng Đốc  và Đốc Học mừng năm vị Đại khoa hồi ấy  ) .

Từ đó, khoa thi Mậu Tuất 1898 ,được người địa phương ưu ái gọi là “ KHOA NGŨ PHỤNG QUẢNG NAM “.

Năm con chim phụng được thêu trên một tấm thục , đặt tại dinh Tổng Đốc Điện Bàn, gồm :

- Ba con chim ở tư thế đang bay, tượng trưng cho ba Tiến sĩ

- Hai con chim ở tư thế xếp cánh, tượng trưng cho hai Phó bảng.

II/ Tôn danh những vị đại khoa Quảng Nam có tên trong “ NGŨ PHỤNG TỀ PHI “ :

Ba Tiến sĩ là  :

( Tại Bảng giáp niêm yết danh sách Đệ Tam Giáp  đồng Tiến sĩ xuất thân )

1/ Phạm Liệu : Vị thứ 1 /7  Tiến sĩ, Xã Trừng Giang Tổng Đa Hòa Thượng , huyện Diên Phước , phủ Điện Bàn , tỉnh Quảng Nam. Đỗ đầu đệ tam giáp và là đỗ thứ hai trong toàn khoá thi năm đó ( đứng sau cụ Đào Nguyên Phổ đỗ Hoàng giáp )

2/ Phan Quang :  Vị thứ  2/7 Tiến sĩ, Xã Phước Sơn Thượng, tổng Xuân Phú Trung, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình tỉnh Quảng Nam.

3/ Phạm Tuấn :  Vị thứ  5/7 Tiến sĩ , Thôn Xuân Đài, Tổng Phú Khương Thượng , huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn , tỉnh Quảng Nam.

Hai vị Phó bảng là :

(  Tại Bảng ất niêm yết danh sách Phó bảng )

1/ Ngô Chuân : ( Tức Ngô Trân hay Ngô Lý )  Vị thứ  1/9 Phó bảng, xã Cẩm Lậu , huyện Diên Phước , phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

2/ Dương Hiển Tiến :  Vị thứ 3/9 Phó bảng , xã Cẩm Lậu, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

III / Cảnh đón rước Ngũ Phụng trong ngày vinh quy :

Khi Tổng Đốc Đào Tấn  nhận được tin Quảng Nam có 5 vị đỗ đại khoa, thì cùng lúc đó  “ ....Có một vị lão thành biết được, liền loan truyền cho mọi người hay và nhân dân Quảng Nam trong niềm hãnh diện chung đã lũ lượt đi từ Vĩnh Điện đến chân Hải Vân Quan để chào mừng 5 vị Tân khoa NGŨ PHỤNG TỀ PHI...” ( Theo “ Đây Quảng Nam “ của Vũ Lang  NXB Thời Mới, Đà Nẵng 1973 ) .

Dọc hai bên đường từ đỉnh đèo Hải Vân đến Vĩnh Điện, hương lý sức dân quét dọn sạch sẽ. Mỗi làng đều có đặt một bàn hương án bên vệ đường ( trong địa bàn làng mình , nơi các Tân khoa đi ngang qua ) . Vị chức sắc cao nhất trong làng , trang phục chỉnh tề, aó rộng khăn đóng , cùng thân hào nhân sĩ  trong làng chuẩn bị sẵn sàng để nghinh đón .

Các vị Tân khoa đi ngựa ngay sau 4 chữ  ÂN TỨ VINH QUY của vua ban  ( nhà thờ cụ Phan Quang ở Quế Sơn hiện còn giữ qúy vật này ). Mỗi lần đến nơi có bàn hương án thì xuống ngựa, đón nhận sự vái chào và chào trả lễ của hương chức sở tại. Xong, được mời ăn  một miếng trầu , cau hoặc hút một điếu thuốc , uống một chén rượu mừng ...Đôi bên bày tỏ niềm hân hoan về kết quả kỳ thi...rồi lại lên ngựa, từ từ tiến về Vĩnh Điện  ( theo tư liệu của cụ Phạm Phú Hưu )

IV/  Những vị nào trong “ Ngũ Phụng “ đã dự bữa tiệc khoán đãi của Tổng Đốc và Đốc Học Quảng Nam hồi ấy ?

Thời bấy giờ chưa có cầu Vĩnh Điện. Đám rước được nhân dân đưa qua sông bằng ghe. Lúc lên bờ – phía Vĩnh Điện – một trong năm con Phụng, cụ Ngô Chuân, nguyên nhà rất nghèo, ngụ cư tại Cẩm Sa. Cụ xúc động mạnh trước cuộc đón rước quá long trọng của nhân dân trong tỉnh dành cho cụ và các bạn đồng khoa, mà cụ không sao dám mơ tưởng đến ! Lúc lên bờ , không hiểu sao, cụ rời đám rước , một mạch chạy bộ về Cẩm Sa ! Do đó, tại bữa tiệc trong dinh Tổng Đốc Quảng Nam vắng mặt cụ Chuân  !

V / Ba bài thơ “ tứ tuyệt “ cụ Đào Tấn ứng khẩu giữa buổi tiệc đãi các vị Đại khoa Mậu Tuất 1898 tại dinh Tổng Đốc Quảng Nam để tặng ai ?

Quan niệm của những vị  Nho học ngày trước thì thi cử đạt học vị cao, xã hội phải kính nể, trọng vọng . Mà thật vậy, những vị đỗ từ đệ tam giáp trở lên  “ ...Được vua ban áo mão, cỡi ngựa xem hoa trong vườn Ngự Uyển  và dự Yến  ( các vị Phó bảng chỉ được áo mão chứ không được dự Yến và cỡi ngựa xem hoa, để ngắm những tà áo tím của cung phi mỹ nữ yêu kiều ... ). Tiến sĩ họ Đào , hình dung ba Tiến sĩ tốt số như ba tiên ông đang ngự du nguyệt điện, chuyện vãn với Hằng Nga, ngâm thơ chuốc rượu , còn hai Phó bảng không được nhập điện thì như hai chú Tiểu đồng, đứng ngoài trông vào, thèm thuồng tham muốn , trộm lấy bút mực vẽ  bóng chị Hằng Nga để khuây lòng hoài vọng . Ông tặng hai Phó bảng một bài thơ hài hước ...” (  theo Giai thoại văn chương trang  21 – Trần Gia Thoại – Nhà in Kim Ngọc Sài Gòn 1957 ) .

Có lẽ cụ Đào cũng nghĩ như thế, nên cụ xuất khẩu ba bài thơ “ Tứ tuyệt “

Bài thứ nhất tặng cụ Phạm Liệu  :

Nguyên Tác

Chiết quế nhơn tùng nguyệt điện lai

Đình bôi vị vấn thiếu niên tài

Khán ba mã qua song kiều lộ

Thùy thị Nam chi đệ nhất mai

BẢN DỊCH  (  của Cụ Trầ n Gia Thoại )

Bẻ quế cung trăng ấy mới tài

Nâng ly thử hỏi khách là ai ?

Xem hoa cỡi ngựa qua cầu kép

Là cánh hoa Nam đệ nhất mai

Bài thứ hai tặng cụ Phan Quang và Phạm Tuấn 

Nguyên Tác

Vận hội tuần hoàn ngũ thập niên

Tưởng ban tương kế xuất danh hiền

TRÚC BA nhơn khứ HÀ BA tại

Nhụy bảng do truyền Giáp Ất niên

Bản Dịch ( của Cụ Trần Gia Thoại )

Cơ trời mấy chục năm qua

Cõi nam liên tiếp sinh hoa ngạt ngào

TRÚC tàn HÀ nở thơm sao

Bảng đề Giáp Ất ai nào dám tranh .

Bài thứ ba tặng cụ Ngô Chuân và Dương Hiển Tiến

Nguyên Tác

Giang sơn thanh tục dị tài ba

Tam quế tề khai nhất dạng ba

Cánh hữu Quảng Hàn cung đợi khách

Du tương thể bút tả Hằng Nga

Bản Dịch ( của Cụ Trần Gia Thoại )

Non sông hun đúc lắm tài hoa

Một loạt ba bông nĩ đậm đà

Cung Quảng ngoài hiên còn khách đợi

Trộm đem bút mực vẽ Hằng Nga

 

( Chú thích của Cụ Trần Gia Thoại trong sách đã dẫn  :

- Song Kiều lộ : Cầu Đông Ba

- Nam Chi : Cành Mai Quảng Nam được chiếm giải nhất. Ý nói ông Phạm Liệu là thiếu niên thực tài đã đỗ đầu

- Thứ bang : Bang ấy, tác giả muốn nói tỉnh Quảng Nam

- Trúc Ba nhơn khứ Hà ba tại : Ông Phạm Phú Thứ hiệu TRÚC ĐƯỜNG , ông  Nguyễn Thuật hiệu HÀ ĐÌNH đều là người cùng tỉnh Quảng Nam

- Giáp Ất niên : Ông Phạm Phú Thứ đỗ Tiến sĩ năm Giáp còn ông Nguyễn Thuật đỗ Phó bảng năm Ất, nhưng cả hai đều được gọi là Đại khoa cả )

VI / Ý kiến của Cụ Huỳnh Thúc Kháng về khoa thi Mậu Tuất Thành Thái 10-1898-tức khoa “ Ngũ Phụng Tề Phi Quảng Nam “

Khi làm báo Tiếng Dân tại Huế ( báo này được tồn tại từ năm 1927 đến 1943 do Cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ trương ) . Theo tư liệu Cụ Nguyễn Xương Thái, thư ký báo Tiếng Dân hồi đó, có lần viết bài báo phàn nàn về sự bất công của khảo quan trong khoa thi Mậu Tuất ( 1898 ) với nội dung như sau :

“...Khoa Mậu Tuất 1898 ( tức khoa Ngũ Phụng ) có 10 danh nho, quan của triều đình sung vào Hội Đồng Giám Khảo. Trong số đó , hết 8 vị là người Quảng Nam. Lúc ráp phách, Hội Đồng ngạc nhiên thấy 5 sĩ tử đạt điểm tiêu chuẩn Tiến sĩ đều là sĩ tử từ Quảng Nam ! Bấy giờ Cụ Hà Đình Nguyễn Thuật quê Hà Lam thuộc phủ Thăng Bình tỉnh Quảng Nam là một thành viên của Hội Đồng có đề nghị : chỉ nên lấy ba Tiến sĩ, hai Phó bảng chứ không nên cho đỗ một lúc 5  Tiến sĩ như thế, vì cho sĩ tử Quảng Nam đỗ nhiều tất không tránh tai tiếng với người trong nước rằng, khoa này , đa số là người Quảng Nam chấm thi, nên đã chấm nới tay cho học trò Quảng Nam đỗ cao và đỗ nhiều ! Ấy vậy mà Hội Đồng cũng nghe theo.

Nếu công bình mà xét thì hồi đó Quảng Nam tất có 5 vị Tiến sĩ...

Kết hợp với sự kiện Cụ Tổng Đốc và Đốc Học Quảng Nam khen tặng cho 5 vị tân khoa Mậu Tuất của Quảng Nam lúc bấy giờ là “ NGŨ PHỤNG TỀ PHI “ thì rõ ràng cả hai cụ Đào – Trần cũng đã xác nhận, đó là 5 con Phụng hoàng của Quảng Nam, tức cả 5 phải là Tiến sĩ.

Niềm hân hoan và hãnh diện của “ Ngũ Phụng “ và nhân dân Quảng Nam trước thành tựu khoa cử là ở cái đất địa linh này quả đã sinh được nhân kiệt, nhưng cũng theo nhận xét của Cụ Huỳnh , chỉ tiếc một điều là năm con Phụng Hoàng Quảng Nam – về mặt văn học – không lưu lại cho hậu thế một công trình nào cao qúy, ngoài cảnh huy hoàng nhất thời !

Nhận xét này của Cụ Huỳnh được thể hiện cụ thể trong câu đối phúng điếu Cụ Phạm Liệu , ngày Cụ Liệu qua đời, mà nay còn được lưu truyền :

“ Văn tự quả hữu túc duyên da, ấu nhi tỉnh tường nghệ chiến , lão nhi kinh đệ minh đàm , trừ trung gian quốc sự dịch kỳ trần lộ sâm thương dư nẫm tải .

Hà sơn do thụy giai khí giả, cựu tắc Hán học thạnh  tinh, tân tắc Âu khoa ngược trỉ, thưng văn tấn châu binh nguyệt đán khẩu bi danh tánh mỗi song đề “ ( * )

(*) Diễn ý : Văn chương chữ nghĩa có đầy duyên từ trước vậy ( da : vậy ). Lúc nhỏ  học ở tỉnh, ganh đua nghiệp văn. Khi già ở nhà khách tại kinh đô đàm luận , Ngoài việc biến đổi quốc sự, thì đường trần ai ( tôi và ông )xa cách nhau hơn 20 năm.

Sông núi do tú khí tạo nên. Hán học tinh thông.Tây học còn non yếu. Mỗi tháng cùng bạn văn chương bình thời sự. Danh tánh đều được bia đá bia miệng lưu truyền .

 

Thy Hảo Trương Duy Hy

Cựu học sinh Phan Châu Trinh , niên khóa 1952- 1956.                       

 ( Đặc San 45 năm PCT- ĐN, 1997 )