Tâm Tình Người Huế

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

KimLuon thieu nu hue va mua xuan8

( Gởi Mai Thạch, người bạn quí từ thuở còn thơ  )

          Người Huế, “ con trai Huế ”,”con gái Huế ”,” nón Huế “, ”mè xửng Huế “, “ đặc sệt Huế “...Những từ, những tiếng ấy đã xác nhận Huế có một đặc tính riêng, một phong thái , một cảm nghĩ, một tâm tình riêng.

          Tôi cũng đồng ý là “ Huế mình “ có một nét gì khác biệt trong cộng đông chung của dân tộc. Nhưng xin đừng bảo tôi .dù tôi đã sinh ra và lớn lên ở Huế, nêu rõ cái khác, cái riêng biệt của người Huế mình. “ Khó cho tui lắm, biết nói răng cho ra bây chừ “.

          Cũng từng ấy màu sắc, xanh,đỏ, tím, vàng...màu chính và màu phụ, nhưng người nghệ sĩ tài hoa đã tạo  dựng nên một màu sắc độc đáo cho bức tranh của mình, không làm sao cắt nghĩa được. Người Huế cũng vậy, cũng với từng ấy thất tình và lục dục, nhưng Tạo Hóa đã pha chế, nhào lộn, hoà hợp, vắt ra cho người Huế một tâm thái riêng.

          Bảo người Huế buồn cũng không đúng, vui cũng không đúng. Bảo người Huế lạnh lùng ? – Không, người Huế tha thiết,nồng nàn lắm ! Bảo người Huế nghiêm trang ? Cũng không đúng nữa. Nghiêm trang sao mà có thể “ liều “ cả ngai vàng cho một “o “ con gái diễm kiều :

Kim Luông có gái mỹ miều

Trẩm thương, trẩm nhớ,trẩm liều, trẩm đi

          Ngày tháng ở Huế thật kỳ lạ, có những tháng dầm dề suốt mấy mươi ngày không thấy một chút “ nắng doi “. Có những ngày nóng bỏng, gió Nam hun hút. Nhưng đặc biệt là có những cơn “ mưa nắng “, vừa nắng lại vừa mưa hay vừa mưa lại vừa nắng. Thế thì bảo là mưa hay nắng ? Trông “ rứa “ mà không phải “ rứa “; không phải “ rứa “ nhưng là “ rứa “. Đó là Huế.

          Ngày xưa còn nhỏ, ở Huế,tôi thường nghe hát :

Ngó lên hòn núi Thiên Thai

Thấy đôi chim quạ ăn xoài trên cây

          Không biết Thiên Thai là chốn thần tiên nào, nhưng đối với tuổi thơ của tôi thì Thiên Thai là đỉnh Thiên Thai ấy,hòn núi nằm bên cạnh Ngự Bình. Mơ đến chốn thần tiên tôi thường nhìn lên đỉnh núi. Trên đỉnh có cây thật,có đôi chim quạ bay qua bay lại và có cả những ông tiên đánh cờ. Lớn lên ít tuổi,14, 15, may mắn chưa mất trí tưởng tượng của tuổi thơ, tôi thích thú trèo lên đỉnh Thiên Thai, nhất là những ngày có mưa thật nhẹ, với gió lạnh phơn phớt và thui thủi một mình. Lên đỉnh núi ,chẳng thấy cây xoài đâu cả, cũng chẳng có đôi chim quạ, chỉ thấy mấy gốc thông đìu hiu trước gió. Trở về nhà, lại đứng nhìn lên đỉnh núi. Bỗng dưng “ thấy đôi chim quạ ăn xoài trên cây “.Không biết có chủ quan không, nhưng tôi tin rằng “ Huế mình “ là như rứa đó.

          Ai không tin, tôi xin đưa ra chứng cớ rõ ràng. Huế là xứ của hò mái nhì và mái đẩy. Nhà nằm ngay bên bờ sông Đông Ba, nên đêm khuya thường nghe văng vẳng :

Thuyền về Đại Lược

Đò ngược Kim Luông

Đến đây là chỗ rẻ của lòng...

          “ Ai “ hò đó, xin cho biết là buồn hay vui ? Vui gặp gỡ trong phút chốc mà buồn thì mênh mang như ngã Ba Sinh, phá Tam Giang, rười rượi như tiếng gọi đò nơi bến Ca Cút. Vui mà buồn, buồn mà vui. Và đây nữa :

Mãn mùa tót rạ rơm khô

Bạn về quê bạn biết mô mà tìm

          Tiếng “ bạn “ thật dễ thương. Bạn không chỉ có nghĩa là “ ami “, là “ camarade “, “ amigo”, “ friend “, “ follow “,” péngyou “...; “ bạn “ở đây, có nghĩa là những người trai trẻ ( trai bạn ), cần cù, dễ thương, hiền lành, đến làm thuê, gặt giúp, đổi công, lúc ở quê mình, ngày mùa chưa đến, hay đã qua rồi. Bao nhiêu mối tình thầm kín giữa trai gái đã chớm nở trong cuộc “ di cư “ tạm thời đó. Rồi mộng mơ, chờ đợi cho đến năm tới, để không biết có gặp lại người “ bạn “ đã đi qua đời mình hay không.

          Những năm còn trên ghế nhà trường, chỉ biết bạn là bạn học, và cũng có những mối tình thơ dại, nên cũng bắt chước theo, mỗi lúc hè đến :

Mãn mùa rôi, giấy hết mực khô

Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm.

Dù ngày mai, ngày mốt , có khi gặp mặt hàng ngày.

          Xin cho phép tôi nêu lên một bằng chứng khác. Tôi không có diễm phúc được mẹ bồng trên tay để ru ngủ vì mẹ tôi đã mất sớm. Nhưng may mắn tôi còn bà nội và bà nội tôi cũng thường ru tôi hay em tôi ngủ. Một bài hát ru tôi thường được nghe là :

Ru em cho thét cho muồi

Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mở đầu xong, bà nội cho  tôi đi một vòng chân trời trong tỉnh, thăm thú nhiều làng mạc với những sản phẩm đặc trưng :

Mua vôi chợ Qúan, chợ Cầu

Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh

Chợ Dinh bán áo con trai

Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim

Tự nhiên chuyển ý, bà tôi cho tôi đi xa hơn, nhờ nàng Kim Liên đẩy xe đưa đến miền Hà Khê:

 Kim Liên ơi hỡi Kim Liên

 Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê

Không rõ đây là nàng Kim Liên nào, không biết có phải là nàng Kim Liên trong Lục Vân Tiên không. Nhưng như tất cả mấy đứa con nít khác cứ lên xe là ngủ, tôi cũng thiu thiu rồi lạc lối vào giữa miền Hà Khê chập chùng :

Hà Khê vừa núi vừa non

Tôi “thét “ một giấc thật muồi, tâm tư vời vợi những hình ảnh núi non, cây cối, chim muông diệu kỳ. Cứ lấy bất kỳ một câu hò, câu hát nào của Huế chúng ta đều thấy những tình cảm trái ngược quyện lấy với nhau, nội tâm và ngoại cảnh hoà hợp làm một. Nuôi dưỡng trong cái buồn vui lẫn lộn như “ sông An Cựu nắng đục mưa trong ; như “ Ngự Bình trước tròn sau méo “, tâm tính người Huế thường trầm tĩnh nhưng cương nghị lạ lùng.

Nhưng lúc trưởng thành rồi, tôi tự hỏi có phải chăng chỉ vì từng ấy mà khiến cho con người Huế trầm tĩnh, cương nghị ?

          Trong một thóang bất ngờ, tôi chợt thấy không phải chỉ có từng ấy. Điều quan trọng là con người Huế đã sống trong dòng ý thức miên trường của tiến trình lịch sử. [ Xin phân biệt ý thức về lịch sử  ( la conscience de l’histoire ) và ý thức về tiến trình lịch sử ( la conscience de l’historicité ) }. Ý thức về tiến trình lịch sử, nói khác đi là lịch sử sống trong tiềm thức hay vô thức, như cái đà sống (élan vital ) đưa đẩy chúng ta đi, như cội rễ gắn cây vào lòng đất

          Những nhà văn Siêu Thực (Surréalistes  )đã có một nhận định sâu sắc  : Cuộc sống ý thức thật nghèo nàn so sánh với cuộc sống vô thức hay tiềm thức. Cảm xúc và điều chúng ta gọi là tư tưởng luôn luôn trào không ngừng nghỉ theo dòng sống nhiệm kỳ như lúc ngủ mộng đến một thế giới aỏ huyền. Sự thực không nằm trong tư duy theo hệ thống nhưng ở trong siêu thức. Theo siêu thứcnhững nhà siêu thực đã có những giòng văn tự động ( écriture automatique ), chảy trôi theo mạch sống, thành thật, tự nhiên. Mà cuộc sống của “ Huế mình “ thì như đắm vào trong giòng tiến trình lịch sử, tiềm thức lịch sử.

          Nhiều thế hệ của Huế đã hãnh diện với Quốc Học và Đồng Khánh. “ Học Đồng Khánh như được ân thưởng một tước vị quý tộc “, chị Tố Tâm đã nhắc lại lời bà Hiệu trưởng Martin, trong tập Tiếng Sông Hương năm 1991.  Nhưng Quốc Học là Dinh Cơ, Đồng Khánh là Dinh Thuyền, đã có một thời vàng son :

Dinh Cơ rồi đến Dinh Thuyền

Hai bên Trường Súng, Trường Tiền bằng nhau

Bây giờ Dinh Cơ, nơi lo việc xe, và Dinh Thuyền, nơi lo việc thuyền, cho quê hương đất nước, tồn tại ở đâu ? – Nếu không ở trong tiềm thức chúng ta.

          Đối với phần đông  người Huế, Huế là chợ Đông Ba rộn rịp đò dọc, đò ngang, là cầu Tràng Tiền , màu bạc nên thơ trên giòng nước biếc, huyền ảo trong sương mù. Chợ Đông Ba đã dời chỗ, cầu Tràng Tiền đã xây lại với vật liệu mới :

Chợ Đông ba đem ra ngoài giại

Cầu Tràng Tiền đúc lại xi-mon

Nhưng những đổi thay kia cũng là một tiếng gọi thầm kín, thiết tha của đất nước :

Hỡi người lỡ vận chồng con

Về đây gá nghĩa vuông tròn cùng  ta

Kẻ mất nước cũng như “ người lỡ vận chồng con “ không còn có người để gắn bó thương yêu “ gá nghĩa vuông tròn “ cũng như xây lại hạnh phúc lứa đôi, thuận vợ thuận chồng để xây lại mối tình thiết tha giữa con người và xứ sở.

          Cảnh Huế thật đẹp, đẹp nhất đối với tôi là con đường từ Thượng Tứ, đúng hơn là từ Thương Bạc hay trường Paul Bert đi lên phía Ngọ Môn. Đường chia ra hai lối thênh thang, giữa là một giải đất nhỏ ngăn đôi. Hai bên và ở giải đất giữa đường, trồng cây phượng vĩ. Những đêm trăng sáng, ánh trăng xuyên qua lá, bóng lá rung rinh in lên mặt đường. Đi trên đường như bước vào một thế giới huyền ảo. Đến Phu Văn Lâu ngồi lại, nhìn giòng sông lặng lẽ. Có thể quên đi tất cả theo cảnh vật, nhưng người Huế mình nặng lòng vì non nước làm sao mà quên được; nhìn bên kia sông bỗng thấy “ chạnh lòng “ :

Đèn ai thấp thoáng bên sông

Nghe câu mái đẩy ,chạnh lòng nước non

“ Bên sông “ là bên kia sông, là “ quartier francais” . Nhìn đèn bên kia sông, nghĩ tới thân phận mình. Nhiều sinh hoạt của Huế cũng hoà theo nhịp lịch sở. Ngày 23 tháng 5 Âm lịch, ngày Thất thủ Kinh đô, không ai bảo ai, mà nhà nào cũng cúng kiến. Có vào Thành nội, qua vùng Âm hồn, đi vào Cầu Đất, Tây Lộc, trở lại cửa Nhà Đồ hoặc chịu khó đi xa hơn chút nữa, lên đến Ba Đồn, nhìn sự cúng kiến thành khẩn mới thấy tâm hồn người Huế gắn liền với lịch sử. Nhân tiện xin nhắc đến mấy tiếng Ba Đồn. Ba Đồn là vùng đất nằm gần Ngự Bình, bên đường đi vào núi Thiên Thai. Đồn là nơi binh lính đóng trại, nhưng binh lính ở đây không phải là những người lính còn sống, nhưng lại là những người đã khuất bóng, hy sinh trong trận Pháp tấn công vào kinh đô Huế. Ba Đồn thành ra ba nấm mồ tập thể, hay ba mãnh đất bằng phẳng ở cạnh liền nhau, mỗi mãnh rộng chừng một sào ta, với ba bộ hương án bằng vôi, trên mỗi bệ có một bát hương tập thể. Ai đi qua đó mà không thấy bùi ngùi !  

          Có những sự mất mát tưởng chừng như có thể quên đi với thời gian, nhưng dìu dịu và lặng lẽ, chúng đã lắng chìm trong tiềm thức, thay đổi toàn bộ tâm tư chúng ta mà đâu chúng ta có ngờ tới.

          Trong lịch sử mất nước, chúng ta đã dần dần mất Đà Nẵng, Lục tỉnh Nam Kỳ, Hà Nội...như mất đi những phần của chính cơ thể chúng ta, nhưng cái mất mát thật sự, nhói vào tim, là việc thất thủ Huế. Nhìn lại Huế, không phải là “ Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo “ như bà Huyện Thanh Quan nhìn lại Thăng Long, nhưng là một sự tan vỡ, một sự mất mát không có gì đền bù lại được, một nỗi buồn phủ lên lòng chúng ta từ đó.

         Thú thật, từ nhỏ tôi có một ước mong tha thiết là dân chúng được hưởng một nền dân chủ chân chính, do đó chẳng mấy thích thú chế độ quan liêu. Nhưng tháng 8 năm 1945, đứng dựa vào lan can ven hồ sen trước Ngọ Môn, nhìn vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận...bỗng thấy não nề. Linh tính báo cho biết những ngày hết sức u tối sẽ đến với đất nước. Rồi khủng bố trắng, khủng bố đỏ của năm 1945 còn lại và sau đó. Rôi chiến tranh, rồi Tây trở lại, rồi Mỹ qua, rồi Mậu Thân, rồi 75...Biết bao nhiêu đau khổ đổ vào đầu người Huế mình, Huế luôn luôn chịu đòn hằn sâu sắc hơn ai. Và hiện nay, dân “ Huế mình “ sống ra sao ? – Dù luôn luôn ở trong một tâm lý bị cưỡng chế, ưu uất và mất mát ( anxious and frustrated ), nhưng Huế bao giờ cũng vững vàng như cành “ Mai “ trước gió kiên gan như hòn “ Thạch “ với tháng năm.” Tĩnh tọa “ trước những đổi thay, để bền bỉ tranh đấu, xây dựng và phát triển những giá trị tốt đẹp đã bị cướp mất đi. Tâm tình của Huế mình là thế đó, “ trầm tĩnh và cương nghị “.

          Cũng vì tâm tình ấy cho nên xa Huế muôn ngàn  vạn dặm, dù ở nơi đău người Huế cũng nhớ đến Huế tha thiết. Những lớp trẻ tha hương , dù chưa biết đến Huế  nhiều, có khi chưa thấy Huế nữa, nhưng nghe nói mình là gốc Huế, vẫn thấy tự hào và nhớ nhung tới Huế, chứ đâu phải là hàng “ thất thập cổ lai “ đường chiều xế bóng như chúng tôi.

          Huế mến yêu ! Nhớ Huế, không phải là nhớ tới một thời vàng son đã qua, nhớ nơi đã chứng kiến mối tình thơ ngây ban đầu, nhớ tuổi trẻ đã trôi chảy, nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có làng Dưỡng Mông thân yêu bé nhỏ của tôi. Nhớ tới Huế như nhớ nỗi niềm chung của đất nước. Trong một thời gian khá dài Huế tượng trưng cho đất nước, đã chịu những đòn hằn đau đớn nhất trong lịch sử. Xin nhớ đến Huế và cảm ơn Huế đã tạo cho chúng ta một cá tính làm giàu đẹp thêm cho dòng Việt.  

KimLuon thieu nu hue va mua xuan17

Nguyễn Đăng Ngọc – Hoàng Các
San Diego – Mùa Đông 93