ThanksGiving 2002...Họp Mặt tại tư gia Thầy Cô Nguyễn Đăng Ngọc

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

ThanksGiving 2022 sắp đến ...  gợi nhớ lại một ngày cuối tuần của ThanksGiving 2002

NhaThayNguyenDangNgoc 1954EHình HM chụp tại nhà thầy Ngọc tối thứ bảy Nov 30/2002

Cùng với một số đông các anh chị cựu học sinh Phan Châu Trinh , chúng tôi đến thăm Thầy Cô Nguyễn Đăng Ngọc tại nhà ở San Diego.

Hai mươi năm qua nhanh, Thầy Hiệu  trưởng và một số học trò của Thầy nay đã vĩnh viễn ra đi.

Nhân mùa Lễ Tạ Ơn năm nay, xin  thành kính tưởng niệm Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc, và tưởng nhớ các anh chị, các bạn cựu PCT cùng thân hữu sau đây, mà chúng tôi được hội ngộ  hoặc được nghe nhắc đến trong buổi họp mặt, 20 năm trước  :

Sư Tịnh Đức Tôn Thất Toản, các chị Trần thị Ngọc Trai ,Trương thị Phi Ánh, và các anh Trần Huỳnh Châu, Trần Hữu Hội,Tôn Thất Tuấn, Nguyễn Thu Giao, Nguyễn Văn Bé, Trương Văn Thương, Huỳnh Phước Toàn...

ThanksGiving 2002...Họp Mặt tại tư gia Thầy Cô Nguyễn Đăng Ngọc

Ngày Họp Mặt Phan Châu Trinh năm nay, 2002,đặc biệt “ Kỷ niệm  50 năm thành lập của Trường”, nên tự nhủ thế nào cũng phải đi một lần để gặp lại Thầy Cô xưa cùng bằng hữu cũ. Và chúng tôi về Cali với mong ước rộn ràng đó .

Đêm Đại hội, tối 29 tháng 11, 2002 cũng như các buổi Họp mặt khác đã được Thầy Tạ Quốc Bảo nói đến trong một bài tường thuật với đầy đủ chi tiết. Vì thế bài viết nhỏ này, do sự nhắc nhở của người bạn trong “ Một Thời Phan Châu Trinh “, là những giòng ghi vội, về buổi Họp Mặt tại tư gia của Thầy Cô Nguyễn Đăng Ngọc ở San Diego, hôm 30 tháng 11, 2002 – một thứ bảy của cuối tuần Lễ “ Tạ Ơn “ làm buổi Hội ngộ giữa Thầy trò thêm ý nghĩa.

Thứ bảy 30/11/2002 , Tôn Nữ Lệ Ba diễn ngâm Kiều ở Viện Việt Học , Westminster, Cali. Trong phần giới thiệu về nữ nghệ sĩ đến từ Toronto này, Thầy Nguyễn Đăng Ngọc có nói đôi lời. Chen chúc trong đám đông khán giả hôm đó, với rất nhiều cựu học sinh Phan Châu Trinh, cho cảm tưởng như vừa được thấy lại người Thầy học cũ trên bục giảng .

Buổi chiều ở viện Việt Học ra, đang còn lâng lâng với hai câu ngâm Kiều ( “ Thiện căn ở tại lòng ta / Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài “ ) , Liên Hương và chúng tôi vội vàng về nhà sắp xếp các thức để “ đi xa “.

Từ nhà anh chị Trần Huỳnh Châu và Liên Hương đến San Diego mất khoảng hai giờ. Trên đường đi đến buổi Họp Mặt mà trong xe thì được anh Trần Huỳnh Châu cho nghe lại những bài hát quen thuộc, rất hay và đầy gợi nhớ của thập niên 60’s, nên càng nao nức. Thầy Nguyễn Đăng Ngọc là một trong những Thầy Cô ở Trường xưa mà chúng tôi mong mỏi được gặp lại nhất.

Khi chúng tôi đến nơi thì gần như đông đủ và đã có Sư Tịnh Đức Tôn Thất Toản từ Dallas  vừa  mới đến Anaheim lúc 5 giờ chiều, kịp xuống họp mặt. Mới bước vào nhà Thầy Cô Ngọc đã nghe những tiếng cười nói xôn xao, rộn ràng. Các bạn học cũ được gặp Thầy trước , tất cả đều cho biết Thầy còn mạnh, nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên và mừng thấy Thầy chẳng những khỏe mà còn rất phong độ ,không khác gì nhiều hình ảnh Thầy Hiệu trưởng ngày xưa ở Trường, dù nay Thầy ở tuổi đã cao. Cô Ngọc cũng thế, thêm vẻ cởi mở của Cô  làm cho buổi họp  mặt càng vui hơn .

Tối nay cũng có gần hết các con của Thầy Cô : Nguyễn Đăng Yên Trúc, Nguyễn Đăng Khoa, Minh Tâm, Ngọc Châu, Ngọc Anh, anh Thành, rễ của Thầy Cô . ( Ngọc Quỳnh và Ngọc Bích cùng gia đình hiện ở Úc ) , và nghe Thầy Cô đã có đến những  20 cháu nội, ngoại.

Phía học trò thì ngoài  Sư  Tịnh Đức-Tôn Thất Toản , Nguyễn Ngọc Ái, Nguyễn Văn Mót, Nguyễn Tuấn, Võ thị Thanh Tâm, Phan thị Thu Liên, Phan thị Thu Hà... Còn lại hầu hết đều là các anh chị trước một hay nhiều niên khóa. Các chị Võ thị Thương, Nguyễn Diệu Liên Hương..., các anh Trần Ngọc Hội ( hay Trần Hữu Hội , theo nhắc nhở của anh Toàn ), Phan Nhật Nam, Nguyễn Thu Giao, Phan Bái (và chị Phi Ánh, một đàn chị trong nghề nghiệp ), Trần Gia Phụng ( và chị Nguyễn Thị Thường ,)Nguyễn Văn Bé,Huỳnh Tấn Hoàng, Huỳnh Phước Toàn , Trương Văn Thương...và nhiều anh chị khác nữa ...Ngày xưa ở trường, có thể không quen nhưng cũng đã biết, nay gặp lại sau mấy chục năm xa Trường, và ở  nơi quê người, tình thân Phan Châu Trinh vẫn khiến cho tất cả chuyện trò vui và thân mật.

Chị Võ Thị Thương, hồi nào đã nghe tiếng chị học giỏi, hôm nay được chị cho hay năm rồi chị được chọn là “ người immigrant đóng góp nhiều nhất cho Quebec “, một tiểu bang ở Canada nơi chị hiện cư ngụ. Tin vui của chị cũng là một hãnh diện chung cho cựu học sinh Phan Châu Trinh chúng ta. Như muà Hè 2002 vừa qua, các anh Nguyễn Chí Thiệp ( tác giả “ Trại Kiên Giam “ và “ Việt Nam khát vọng dân chủ tự do “ ) và Trần Gia Phụng đã mang lại vinh dự cho Trường khi đoạt giải thưởng văn học của Hội Y sĩ Việt Nam trên toàn thế giới.

Nguyễn Diệu Liên Hương, một trong những cựu học sinh Phan Châu Trinh sốt sắng trong việc tương trợ bằng hữu , và cũng là người bạn hiếu khách với chân tình cởi mở.

Anh Trần Hữu Hội ,( thuộc thế hệ Phan Châu Trinh đầu tiên ), đã rời Trường khi chúng tôi vào học, nhưng vừa gặp anh là nhận ra ngay ! “ Anh Hội-bây giờ “ không khác chi nhiều “ Anh Hội- Mùa hè ly biệt “, với nét thật vui trong tấm ảnh 6x9 nơi tập ảnh bạn bè “ Kỷ Niệm Lưu Bút Ngày Xanh , PCT 1954 “ của một người bạn học cùng lớp với anh ngày xưa, Chị Trần thị Ngọc Trai, mà tôi có dịp được xem gần đây, trước ngày qua Cali họp mặt.

Anh Phan Nhật Nam, nghe tiếng từ lâu rồi “ , ngày ở Phan Châu Trinh anh nghịch nhất lớp ( theo lời anh Trương Công Nghệ, trong tờ Nội San Kỷ niệm 50 năm thành lập trường PCT ở Cali  ). Bây giờ xem chừng anh vẫn vui và nghịch như hồi còn đi học ! . Vừa gặp Sư Tịnh Đức Tôn Thất Toản, tác giả “ Mùa Hè Đỏ Lửa “  đã thân tặng ngay biệt danh “ Bồ tát Bạt tai “ !

Anh Nguyễn Thu Giao , cũng là đàn anh trong nghề nghiệp, nay mới được biết thêm nhà in “ Tương Lai “ ở đường Võ Tánh xưa, đối diện nhà chúng tôi, là Toà soạn của Tờ báo anh từng cọng tác ngày ở Sài Gòn.

Anh Trương Văn Thương, nghe kể hồi ở trường cũng “ nghịch có hạng “, nhưng chẳng hiểu sao có một năm anh lại được bạn bè trong lớp bầu lên làm ...trưởng ban trật tự ! ( cả lớp năm đó dễ thở  ?! ). Anh Thương chắc hẳn còn nhớ “ bài thơ ( nhại )” của vua Lê Thánh Tôn  ?

“Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương

Miếu ai như miếu vợ...thằng Thương ( ! )

Ngọn đèn dầu tắt ......................!!! ( * )

 ( * : theo nguyên văn nhắc nhở của hai bạn cùng lớp với anh Thương là Huỳnh Phước Toàn và Nguyễn Diệu Liên Hương )   

Gặp anh Nguyễn Văn Bé, liên tưởng đến anh Nguyễn Văn Nam, anh của anh Bé, đã mất ở trại “ cải tạo “.

Gặp Nguyễn Văn Mót , nhớ lại bao lần cùng bạn hồi hộp đứng đợi kết quả vấn đáp, ngày chung một phân khoa ở Sài Gòn.

Gặp anh Phan Bái, biết anh hát hay ( qua Thầy Tạ Quốc Bảo ) nhưng tiếc chưa được nghe, tuy đã được thưởng thức những ca khúc trong CD “Những dòng Thơ Nhạc Hoàng Thi “ của anh.

Gặp anh Huỳnh Phước Toàn , biết chị Trần Thị Mai, hiền thê của anh, một thời “ người đẹp Nha Trang “. Tiếc chưa gặp “ ngũ long công chúa “.

Ngoài ra còn được gặp nhiều anh ,chị khác...Một anh lớn ( xin lỗi anh, không biết hết được tên   ), nhắc đến anh Tôn Thất Tuấn, một người bạn cũ của anh ở Trường xưa. Tiếc không có dịp nói chuyện với anh sau đó, nhưng nhắc nhở tình cờ của anh đã gợi cho tôi nhớ lại Trại Hè của  trường Phan Châu Trinh ,cuối niên khóa 1959-60 ở đồi thông Mỹ Thị, và hình ảnh người Hướng đạo hồn nhiên, tươi cười trong trò chơi tập thể của toàn trường hôm đó .

Vài kỷ niệm nhớ về các Thầy Cô, bằng hữu cũ, vài mẫu chuyện ngày xưa, những ai “ nghịch” nhất , ai “phá” nhất trường,  ai nổi tiếng “ học giỏi “... , cũng như được nghe nhắc đến  “những tiếng hát hay ” của trường, gợi nhớ những đêm Liên hoan Tất niên PCT rộn ràng  xa xưa  ... Và thật vui được nghe kể lại ngày ở trường có lần được giúp gỡ hộ vạt áo dài kẹt ở “ sên “ xe đạp ...( Nhân đây nhờ anh chuyển lời cám ơn ân nhân tử tế đó ... )

Các em con của Thầy Cô lẫn trong đám học trò cũ của Thầy, không khí ấm cúng tựa như một buổi Họp Mặt gia đình. Sau bữa ăn tối ( với nhiều món Huế, đặc biệt nồi bún bò thật lớn nóng hổi và hấp dẫn, nghe do chính Nguyễn Đăng Khoa  nấu ), tất cả ngồi ở bàn , bao quanh Thầy Cô và được Thầy kể chuyện ngày xưa : Cô Ngọc chính là “Cô Láng Giềng” của Thầy...Mỗi người thêm vào một câu và Thầy Cô vui vẻ sẵn sàng giải đáp  “ thắc mắc “của đám học trò cũ tò mò !

Ôi chao là vui , không thể nào tưởng tượng có ngày được nghe Thầy Hiệu trưởng nói chuyện cởi mở như thế ! Và rồi cũng không khỏi nhớ lại thuở còn ở Trường, mỗi lần gặp Thầy, chào Thầy xong là tôi cúi đầu im lặng, chân bước như một cái máy. Thầy đi qua khỏi, tôi thấy nhẹ hẳn người ! Ngày đi học chẳng phá nghịch chi để bị để ý, nhưng không hiểu sao tôi rất sợ Thầy, như tất cả các học sinh khác trong trường thuở đó đều sợ Thầy “ hơn sợ cọp “ ( chữ của anh Trương Công Nghệ ). Chắc Thầy có một oai phong nghiêm riêng khiến mọi người phải nễ sợ ! Ngoài ra, ngày ở trường, bạn bè thường bảo nhỏ với nhau là Thầy còn như biết rõ từng người học trò một !

Mấy chục năm qua nhanh, nhưng điều mà có lẽ tất cả các học  sinh còn ghi nhớ mãi là trong thời gian làm Hiệu trưởng, Thầy đã cho những thế hệ PCT chúng tôi những niên học khó quên, trong một quy cũ học đường đúng nghĩa, trật tự tôn nghiêm mà vẫn vô cùng êm đềm.

Xin cầu chúc Thầy được luôn sức mạnh để Thầy bao giờ cũng còn như cái tâm cho học trò Phan Châu Trinh xưa về vây quanh.

Buổi tối Họp mặt nơi nhà Thầy Cô Nguyễn Đăng Ngọc, cũng như những lần họp mặt khác và Đêm Hội Ngộ vừa qua là một kỷ niệm khó quên, một dịp quý cho Thầy trò và bạn hữu  gặp lại nhau để thấy rằng, trong tâm hồn chúng ta , những ngày tháng ở Phan Châu Trinh xưa kia không bao giờ cũ ... 

Thi Vân

Canada, mùa đông 2002