Bạn Cũ 50 năm gặp lại

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

50namgaplai

Thân gởi Ái, Long & Loan, Siêu, Tảo

Kính mến gởi Thẩy Tịnh Đức

Lần đầu tiên chúng tôi đến Houston, Texas mà không bịhơi nóng như lửa tạt vào mặt, buổi chiều cuối tháng 10 thật mát mẻ dễ chịu. Tưởng được trời đãi vì hai vợ chồng có công lêtấm thân già từ xứ lạnh qua tới xứ cao-bổi với công tác từ thiện, nào dè buổi chiều vừa đến trời đẹp là thế nhưng check-in vào hotel xong là bắt đầu nghe báo động thời tiết.Ngày mai sắp có mưa bão từ Mexico thổi qua.

Trước khi đi tôi đãliên lạc với Ái, côbạn cùng lớp, cùng bàn, hơn 50 năm chưa gặp lại nhau, mừng vìÁi sẽ có mặt ở Houston thời gian tôi đến nhưng lại lo vìÁi cho biết, nhà con gái ở ngoại ô rất xa, con đi làm cả ngày, Ái không có phương tiện để xuống Bellaire gặp bạn.  Vậy là hai đứa cùng ới Long, cũng là bạn đồng lớp và hiêp sĩ Long đã vui vẻ đồng ý làm tài xế cho hai bà bạn già gặp nhau. 

Long cho biết sẽ đến đón từ sáng sớm để đưa lên nhà Ái rồi sẽ gặp thêm vài bạn nữa cùng đi ăn trưa, xong lại đưa trở về khách sạn lúc 4 giờ chiều để chúng tôi kịp có một cái hẹn khác.  Nói chuyện với chị Loan – bà xã của Long - mới biết Long đi làm về rất khuya, có lẽ chỉ chợp mắt được một tí là phải thức dậy đi đón bạn.  Con đường từ khách sạn ở khu Bellaire lên nhà Ái xa tít, xe chạycả tiếng đồng hồ mới tới vùng Ái ở, giữa đường lát lát lại nghe tiếng một người gọi phone vào:

-          “Alô, Long đó hả?  đang ở mô rồi?  rứa hả?  răng chừ tới đây?  rứahả?”

-          “Alô, Long đó hả?  sắp tới chưa để tui gọi Siêu?  rứa hả?  tới nhà Ái sẽ gọi lại hả?  ừ, rứa hả” . 

Vậy thì  biết đây cũng  là một bạn chung lớp nhưng ôn mô ri hè, nói chuyện thật chậm rãi, thong thả, từ tốn, từng chữ một, cứ ừ ừ à à, rứa hả rứa hả như một điệp khúc cho câu chuyện. Chưa kịp hỏi thì Long nóitrước “Tảo đó, MC nhớ không, chẳng biết khi hắn chữa cho bệnh nhân có từ từ tà tà như vậy không?”  A, thì ra đây là Trần Duyệt Tảo, nhớ ra rồi, hồi đó Tảo nước da ngăm ngăm, gương mặt tròn, mắt sáng, lanh lẹ, Tảo có nhân dáng ngược lại với Nguyễn Hữu Lân, hai người đều học giỏi và chăm nhưng Lân người gầy, da trắng xanh, hiền lành, ít nói, ngồi ở bàn đầu của lớp.  Cách đây hơn một năm qua email tôi có hứa sẽ qua Quận Cam thăm Lân, nhưng lời hẹn không thành vì Lân đã đột ngột bỏ đi xa, còn Tảo không hề hẹn mà sắp được gặp, một trong những người bạn lớp đệ nhất A, niên khoá 63 – 64 Phan Châu Trinh đã trên 50 năm chưa hề gặp lại.

Sắp rẽ vào khu nhà Ái Long gọi phone báo trước. Tiếng Ái trả lời trong trẻo “Long há, tới mô rồi, sắp tới cửa nhà tui rồi há, thôi chết để tui chạy lên thay quần áo”.  Chị Loan và tôi nghe mà cười muốn chết, vậy chớ nãy giờ bận đồ chi mà chừ lật đật chạy đi thay rứa Ái hè ??Khu nhà của con gái Ái thật êm tĩnh, có con kênh đào nho nhỏ đầy nước chạy vòng quanh xóm, nhà nào cũng cây cối vườn tược xanh tươi mát rượi, trái với khu trung tâm thành phố xi măng cốt sắt, building chọc trời. xe cộ đầy ứ…  Gặp nhau hai đứa mừng tíutít, may quá nhìn ra nhau liền, không thay đổi tới độ “ngó lạ hoắc lạ huơ”, năm điều ba chuyện xong là đến màn chớp hình, chụp thêm bô nữa, rồi bô nữa, chụp nhiều nhiều mới lựa được tấm hình ít xấu, đừng chụp gần quá nghe, chụp gần mặt nhăn như khỉ … Vừa chụp hình vừa cười nói đã đời.  Ái cảm động khi thấy món quà lá vàng lá đỏ từ Canada đem qua còn tươi rói, công đi hái lá từ trên cây, ép thẳng thớm trong bao ni-lông, thu dấu giữa những lớp quần áo, đúng là “của không đồng mà công mấy nén”.  Nhớ khi Ái còn ở VN hai mụ Vịt nận là Bích Quân và tôi thường nhặt lá mùa thu gởi về cho cô nàng thi sĩ có cảm hứng làm thơ, đủ biết Ái mê mùa thu và lá vàng biết mấy.

Bạn Long hẹn với hai anh Siêu và Tảo ở quán cà phêLee ‘s Sandwich, gần khu Việt Nam.  Ở đây cũng không khác chi Phước Lộc Thọ của Little Saigon, Quận Cam, toàn là những gương mặt VN, tiếng Việt vang vang từ đầu tới cuối tiệm, ngồi bên cạnh nhau mà phải nói thật to mới nghe lọt.  Tảo thì Ái đã gặp rồi nên không lạ, tôi cũng nhận ra Tảo ngay, riêng Siêu không nhớ chúng tôi là ai, Ái xí gạt Siêu “tui là Minh-Châu” - rồi chỉ tôi “còn đây là Ái”  Siêu ngần ngừ một chút rồi cũng gật gật bắt tay Ái : “MC mới từ Canada qua chơi hả?”  Ái cười cười “tui từ VN qua” ….  Vậy là Siêu biết ngay “A, rưá là Ái, biết không tui rất muốn gặp Ái đểđọc cho Ái nghe những câu thơ mà tui ái mộ từ xưa” nói xong Siêu đọc liền một mạch bài thơ mà tác giả làÁi đã quên mất tiêu làm Ái cảm động muốn khóc, chưa hết Siêu còn bồi thêm một chưởng: “Hình như hồi đó tui cũng có mê Ái một chút”  ai nấy cười lăn, muốn hỏi Siêu “rứa chừ còn mê Ái không?”  chuyện 50 năm trước thì dễ nói, chuyện bây giờ e khó nói hơn chăng !!!

 

tcs2

Trương Công Siêu 

Trước khi mọi người ra xe bỗng dưng Tảo kéo tôi lại một góc để nói nhỏ: “Nửa thế kỷ mới có dịp gặp nhau, tui muốn mua một món quà tặng MC làm kỷ niệm mà gấp quá không mua kịp, vậy thì cho tui gởi chút tiền MC mua giùm tui, không được từ chối tui buồn lắm nghe”, rồi Tảo dúi vào tay tôi một phong bì dán kín, Tảo làm tôi vừa sững sờ vừa cảm động trước sự thành thật lạlùng của bạn.  Không cách chi trả lại được, cứ người dúi qua kẻ dúi lại lòng vòng hoài cũng kỳnên tôi phải cầm khư khư phong bì trong tay cho đến khi tới tiệm Nam Giao, quán Huế mà các bạn muốn đãi chúng tôi ăn trưa vì Ái và tôi cũng nhưông xã tôi đều là dân Huế.  Tới đây năn nỉ cách mấy cũng không trả lại được thì thôi phải “bạch hoá” món quà của Tảo cho rồi.  Xin phép Tảo cho mở phong bao lì xì trước mặt các bạn và thật ngạc nhiên khi thấy “món quà chút xíu”của Tảo là 500 đô Mỹ, trời đất, số tiền này ở VN người ta sống được cả tháng chớ giỡn sao !!! Nghĩ vậy tôi trình bày với Tảo và các bạn làở thành phố Toronto nơi chúng tôi đang cư ngụ có một nhóm thiện nguyện gọi là Hoa Tình Thương, mỗi năm vẫn tổ chức gây quỹ để giúp đỡ anh em Thương Phế binh VNCH, món tiền này tôi xin Tảo tặng lại cho nhóm Hoa Tình Thương để gởi về VN cho anh em thương phế binh của mình.  May quá, Tảo và các bạn có mặt đều vui vẻ hoan nghênh cách giải quyết này, đỡ cái nạn phải thấy hai người bạn già rượt nhau lòng vòng trả lui trả tới. Với tôi, đây là món quà tinh thần quý giá nhất, xin được viết ra để cảm ơn tấm chân tình của người bạn cùng lớp năm xưa.

Đường về hotel mưa mù mịt, tội nghiệp Long chở bạn chạy đi chạy về trong mưa bão trắng xoá tầm tã, có khi không thấy rõ xe trước mặt, may nhờ có chị Loan ngồi bên ông xã thay cho máy chỉ đường GPS.  Nghe nói ngày mai trời cũng sẽ tiếp tục mưa gió bão bùng  nhưng Long và chị Loan vẫn hăng hái rủ Ái ở lại đểcùng đến hotel đón chúng tôi về nhà ăn thịt bò steak do đầu bếp Long tự tay chế biến để đãi khách phương xa.  Miếng thịt bò Texasking size dù rất mềm mại và thật ngon nhưng Ái và tôi chỉ có thể tiêu thụ mỗi đứa một phần tư miếng với một dĩa xà lách cũng đã đầy bụng.  Giờ vui bao giờ cũng qua mau, đã đến lúc phải từ giã ngôi nhà có nhiều bức tranh rất đẹp,có chiếc ghế xoay tự động (là meo thon theo lời quảng cáo của Long) tò mò leo lên ngồi thử thì bị nó xoay một cái suýt văng ra khỏi ghế. Ngôi nhà còn có cây quất trái thật ngọt và cái patio đằng sau với những chậu kiểng lá xanh mơn mởn dưới bàn tay chăm sóc của chịLoan.  Mọi người hứa với nhau lần gặp kế tiếp sẽ vào một mùa thu nào đóở Canada.,  Ái không dám đi một mình nhưng nếu có Long Loan thì chắc chắn sẽ đi theo. Nhớ giữ lời hứa nghe các bạn, ráng làm một chuyến CàNá du sớm sớm đểcòn đủ sức đưa nhau đi ngắm cảnh rừng phong lá vàng láđỏ của xứ lạnh, già thêm chút nữa e càng khó gặp nhau.

Hôm sau bạn bè đi làm thì chúng tôi may mắn có được một ngày đẹp trời, nắng ráo, ban tổ chức Học Viện Công Dân đưa khách đi thăm thành phố San Antonio, cách Houston gần 3 giờ lái xe, một thành phốnhỏ nhắn xinh đẹp với cổ thành Alamo ghi dấu tích chiến đấu giữa người Mỹ và Mễ Tây Cơ, với con sông đào uốn lượn quanh những ngôi nhà cổ kính, hàng quán, khách sạn, phòng triển lãm tranh ảnh.  Chúng tôi được đi một tour trên du thuyển từ đầu đến cuối con sông, qua những chiếc cầu nho nhỏ bắt ngang gợi nhớ thành phố Venice thơ mộng của nước Ý.  Và trên con đường River Walk bên bờ sông đảo của San Antonio lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức những món ăn truyền thống của Mexico đầy màu sắc, nhiều rau trái rất đẹp mắt, lại còn cónhững chàng nhạc sĩ râu mép tỉa tót, đầu đội mũ cao bồi,ôm đàn ghi ta trình diễn để chào đón thực khách.

Xong công tác ở Houston đoạn đường kếtiếpcủa chúng tôi là lấy xe bus lên Dallas Fortworth để thăm Thầy Tịnh Đức và một gia đình người bạn mà cả hai vợ chồng đều đã yếu phải vào sống trong nursing home.  Dallas cũng đang bị ảnh hưởng mưa và lạnh từ Mexico nhưng chúng tôi thật ấm lòng với sự tiếp đón nồng hậu của những người bạn  Đồng Khánh cũ. Trời mưa thì mặc trời mưa, chúng tôi được bạn đưa đi thăm những ngưòi mà chúng tôi muốn thăm.  Và thật may khi tìm thấy địa chỉ ngôi nhà dưỡng lão lại nằm đối diện với chùa Đạo Quang.  Chúng tôi vào nhàgià  thăm bạn trước khi đến giờ hẹn thăm Thầy. 

Bạn mừng và cảm động vì thấy chúng tôi vượt đuờng sá xa xôi đến thăm đãđành mà chúng tôi cũng thật xúc động khi nhìn những dấu ấn của thời gian in hằn lên đời sống của bạn, những câu thơ còn nhớ lỏm bỏm về một ngôi nhà dưỡng lão ởxứ lạnh và những người sống trong đó như đang gõ từng tiếng trong tôi với những hình ảnh ràng ràng ngay trước mắt,

Họ ngồi đó

nhăn nheo, tóc bạc trắng,

họ ngồi đó

trên những chiếc xe lăn,

bên ngoài kia tuyết rơi trắng xoá.

 

Họ ngồi đó,

lắc lư hay cúi gục,

không nói, không cười,

chỉmới hôm qua thôi,

họ là những người

công hầu khanh tướng,

giai nhân ….

Mới năm nào đó thôi, hai người bạn chúng tôi cũng là những người khoẻ mạnh, đẹp đẽ, sung túc, quyền quý, nhưng thời gian trôi qua đã lấy đi gần hết, tuổi trẻ, sức khoẻ, danh vọng, nhà cửa, bây giờ vợ ngồi xe lăn, chồng gầy gò đẩy lui đẩy tới, cả gia tài giờ gom lại trong diện tích nhỏ bé của một căn phòng, bạn bè chung quanh là những người Mỹ, người Hoa, người Mễ … không ai biết họ và họ cũng chẳng biết ai, sống như thế cho đến hết đoạn cuối cuộc đời.  Cười nói với nhau mà muốn rơi nước mắt.Chia tay mà bịn rịn chẳng rời.  Bởi ai cũng biết khó thể có một lần gặp lại.

Trời vẫn mưa lâm râm khi chúng tôi băng qua đuờng vào chùa Đạo Quang.  Đã mấy năm mới gặp lại Thầy, mừng thấy Thầy Tịnh Đức vẫn mạnh khoẻ, ung dung, thơ vẫn thuộc làu làu chứng tỏ đầu óc Thầy rất minh mẫn và tinh thần thưthái đúng con đường Thiền đạo.  Thầy vui vẻđãi phái đoàn vừa ĐK vừa PCTrinh trà mạn sen, mứt gừng, bánh ngọt và bánh bột lọc – không có nước mắm để chấm - mọi thứ đều do Phật tửcúng dường mà chúng tôi có duyên được hưởng ké.  Chỉ tiếc các bạn Ái, Long Loan, Siêu và Tảo không cùng lên được để tha hồ nhắc chuyện PCT ngày xưa với Thầy.

us daoquang16

 

Chuyện vui nói hoài không hết nhưng trời đã xế chiều, Phật tử gọi điện thoại cho Thầy liên miên nên chúng tôi phải xin kiếu để Thầy còn lo nhiều Phật sự.Tiễn ra tận cửa chùa Thầy còn đọc cho nghe thêm vài đoạn thơ, có những câu làm bâng khuâng buồn nhớ cảnh cũ người xưa, cũng có câu thơ vui làm mọi người cười rộ.Chúng tôi chia tay Thầy để ngày mai bay về lại Toronto trong cảm giác bùi ngùi của một chuyến đi cuối thu.  Mùa thu của đất trời mà cũng là mùa thu của cuộc đời.  Vàở thời điểm mùa thucủa đời mình, khi tóc đã bạc và da đã mồimà có cơ duyên được gặp lại nhiều bạn bè, người thân, với tình cảm ấm áp nồng nàn dùđã hơn nửa thế kỷ trôi qua chưa từng liên lạc thì thật đúng là “tha hương ngộ cố tri”. Những giây phút sẽ làm thành kỷ niệm rất đẹp cho cuộc sống.

Minh-Châu

Toronto