Con người thường tiếc nhớ những gì đã qua, gọi là dĩ vãng. Hoàn cảnh đất nước đẩy hàng triệu người Việt rời bỏ quê hương, thân phận lênh đênh còn hơn người Do Thái thuở trước. Nhưng cho dù nơi nào đến định cư, người Việt vẫn cố giữ cái linh hồn dân tộc thể hiện qua việc cố gắng bảo tồn truyền thống văn hóa tổ tiên, họ tìm cách gần gũi, tập họp thành những hội đoàn. Hội đồng hương được thành lập cũng trong những mục đích ấy. Tại Atlanta, thành phố được coi như “New York của miền Ðông Nam Hoa Kỳ”, không hiểu cơ duyên nào lại tập trung một số rất đông người Quảng Nam, nhiều người đã ổn định được cuộc sống nơi xứ người, lại có những người thành công lớn trên thương trường cũng như  trên đường học vấn. Người Quảng Nam vẫn hãnh diện về quê hương mình, đất Ngũ Phụng Tề Phi, họ tạo cơ hội gặp gỡ nhau trong tình đồng hương. Hội đồng hương Quảng Nam ra đời đã hơn một năm, những hoạt động tương trợ phát triễn tốt. Tôi như một ngưoừi có cảm tình với hội. Lý do, ngoài sự quen biết với một số các anh trong hội như anh hội trưởng Nguyễn Ninh, con người nghi lễ, làm việc cẩn trọng và nhiệt tình, anh Trịnh Tấn Khuê, mối quan hệ mật thiết trong năm năm làm việc chung tại Tổng Y Viện Duy Tân Ða øNẵng. Năm 1979, khi đang bị giam trong các trại tù cọng sản tại miền Bắc, toán tù chíng trị chuyển từ trại Phù Yên, Sơn La về trại Tân Lập, Vĩnh Phú, tôi lại gặp anh ở đấy và có thời gian ở chung đội với anh.. Năm 1963, gia đìng tôi sang Mỹ, định cư tại Atlanta . Hai năm sau, gia đình anh cũng đến nơi nầy, chúng tôi vẫn gắn bó trong một cái hội nhỏ nhoi gọi là hội Văn Nghệ, cũng nhằm mục đích đóng góp một phần khiêm tốn  vào việc bảo tồn văn hóa Việt. Còn phải kể thêm anh Ðỗ Tiến Hóa, cựu dân biểu Quảng Nam, người tôi cũng gặp tại K5, Tân Lập, Vĩnh Phú, anh mê cờ tướng và là một cao thủ. Thỉnh thoảng tôi đụng độ với anh vài ván cờ nhưng không thể chịu nổi lối tấn công “tàn bạo” của anh với cặp xe pháo. Hội ngộ tại đây, nỗi vui vỡ òa, bao niêu kỷ niệm lênh đênh trôi về… vào cuộc sống. Ðến nay tóc đã ngã màu, bao dâu bể tang thương, hiểu thêm câu thế sự, hiểu thêm nghĩa du du. Gươm kiếm một thời gãy nát, làm sao có cảnh “kỷ độ long tuyền…”

 Cái lý do thừ hai làm tôi nhớ Quảng Nam, cả một quảng đời niên thiếu và cả lúc trưởng thành tôi sống ở đâý, biết bao nhiêu kỷ niệm và bạn bè vây bọc cuộc đời, đó như  thảm cỏ tuổi thơ xanh mướt, mượt mà nuôi dưỡng con người lớn dậy từ những suy tư nẫy mầm hạt giống đầu đời. Ðó là những trái đắng tôi phải cố nuốt vào trước những nỗi đau nghiệt ngã, những biến cố tô đen Ðà Nẵng của thời kỳ 65, khi những nguời lính viễn chinh Mỹ đổ bộ vào Ðà Nẵng, thành phố tuổi thơ biến thành hậu cần to lớn của cuộc chiến, tiếng máy bay phản lực xé trời ngày đêm, nhầy nhụa những hạng người như loài ký sinh về đây hốt những đồng đô la xanh đỏ…Mười năm sống ở nơi nầy, dài hơn cuộc đoạn trường Thuý Kiều, dài gấp hơn ba lần thời gian tôi được sống ở quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn. Ðó là một làng ven sông Mã, giòng sông mênh mông xanh màu ngọc ôm tròn huyện Vĩnh Lộc. tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây vua nhà Hồ là Quý Ly đã chọn làm kinh đô từ thế kỷ 14. Tổ phụ và nhiều thế hệ gia đình lập nghiệp nơi nầy. Ðến đời ông tôi, đầu năm 1950, cả một đại gia đình phải bỏ quê hương tản cư ra Bắc trước sự đe dọa trầm trọng của chính quyền Việt Minh. Rời bỏ cơ nghiệp một đời lao nhọc xây dựng, ông tôi buồn nát ruột, vẫn chưa yên, năm 1954, lại một lần bỏ đất Bắc di cư vào Nam, nhìn lá cờ máu có ngôi sao vàng, ông càng thêm uất hận. Lá cờ ấy đến đâu, thảm kịch theo đến đấy. Thảm kịch đói khổ, chia lìa, của những người bị bức tử, bị tù đày, những cảm tình bị bôi xóa, đời sông tâm linh bị tước đoạt, truyền thống gãy đổ, những niền tin dãy chết… Oâng tôi mất năm 66 tại Ðà Nẵng, nếu ông còn sống đến tháng Tư năm 1975, nỗi đau càng to lớn khi lá cờ tai họa ấy lại một lần xuất hiện trên cả nước.

 Gia đình tôi di cư đến Ðà Nẵng vào cuối năm 54, tôi tiếp tục học lớp nhất tại trường tiểu học Thanh Bình, giáo viên là thầy Nguyễn Cần, thầy là tín đồ Thiên Chúa giáo, ngoan đạo và hiếu học. Sau nầy thầy về Sài Gòn tiếp tục học đậu cử nhân luật và làm thẩm phán. Thầy thường viết những bài tham khảo về luật pháp và lịch sử có giá trị.. Ðậu xong bằng tiểu học, tôi thi đậu vào trường Phan Châu Trinh, mài đũng quần ở ghế nhà trường cho đến hết niên khóa 62-63, sau khi thi đậu tú tài. Trường lúc ấy vừa xây dựng thêm dãy lầu ngang khoảng 10 phòng. Có bốn lớp đệ thất, mỗi lớp khoảng 40 học sinh. Tôi học lớp đệ thất 2. Thầy hiệu trưởng là Nguyễn Ðăng Ngọc, trông thầy nghiêm khắc, học sinh đứa nào cũng sợ thầy. Những người thầy khả kính lũ chúng tôi nhớ nhiều nhất, kể cả đến giờ, dù xa trường kể hàng 30 năm… Cô Trần Ngọc Liễn dạy Pháp văn, cô nói tiếng Pháp như một bà đầm  chính hiệu, cô yêu học trò như con, nhất là những đứa bé nhất lớp. Thầy Nguyễn Mậu dạy vẽ, con người nghệ sĩ tài ba, cô Lê Khắc Ngọc Quỳnh dạy Việt văn năm chúng tôi học đệ lục, nhờ nhiệt tình của cô khuyến khích, chúng tôi đã đọc hầu hết tác phẩm của những nhà văn Tự Lực Văn Ðàn. Năm lên đệ tứ, thầy Trần Ngọc Quế, chúng tôi thường gọi đùa là “Quế móm” dạy Việt văn, thầy nói tiếng Quảng, nhưng trong đời, tôi chưa thấy ai giảng truyện Kiều hay hơn thầy. Thầy thường kể về danh nhân  Quảng Nam, cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh người Tam Kỳ, cụ từ quan đề xướng phong trào Duy Tân, chủ trương đổi mới, nâng cao dân trí. Cụ nghiêm khắc lên án chủ nghĩa thưc dân tàn bạo, hà khắc với người Việt, được ca tụng như “Tứ Kiệt Quảng Nam” gồm các cụ Nguyễn Ðình Hiến, Nguyễn Mậu Hoán người Quế Sơn, cụ Võ Vỹ người Thăng Bình. Cụ Trần Cao Vân người Ðiện Bàn, suốt đời tù ngục vì mưu toan chống Pháp, mưu đồ khởi nghĩa phò vua Duy Tân không thành, cụ bị người Pháp xử tử hình cùng với cụ Thái Phiên. Cụ Trần Quý Cáp người Bát Nhị bị xử chém ngang lưng tại Khánh Hòa. Nghe tin dữ, cụ Huỳnh Thúc Kháng làm bài thơ khóc bạn: “Bồng đảo xuân phong huyền viễn mộng – Nha Trang thu thảo khấp anh hồn…”. Cụ Phan Khôi thủ lãnh phong trào Nhân Văn Giai Phẩm tại miền Bắc vào những năm 56, 57. Danh sĩ Quảng Nam dám ngang nhiên ví Hồ Chí Minh như loài “cỏ đuôi chó” của thời đại, như một thứ sâu bọ hèn mạt, gian trá… Thầy muốn chúng tôi biết sống sĩ khí, biết yêu quê hương, đừng làm hổ mặt tiền nhân. Những năm cuối ở trường, một số thầy trẻ mà chúng tôi coi như những người anh: thầy Trần Ðình Hoàn, Trần Ðình Quân, Nguyễn Văn Ðức, cô Kim Thành…Ðặc biệt thầy nào cũng sính thơ văn, riêng thầy Quân  còn là nhạc sĩ. Có lẽ vì thế, sau nầy nhiều học sinh Phan Châu Trinh trở thành những nhà văn, nhà thơ?

Những năm trung học trôi qua êm đềm trong thành phố tuổi thơ tuyệt vời. Ðà Nẵng có bãi biển Thanh Bình, Tiên Sa, Mỹ Khê, Non Nước, biển mênh mông xanh ngát tuổi thơ hồn nhiên. Con sông Hàn lặng lẽ chảy qua phố chợ, những cánh buồm căng đón gió biển khơi. Ðà Nẵng có năm ngụm núi Ngũ Hành, có động Huyền Không… Buổi tan trường đạp xe theo những tà áo trắng. Ðường Quang Trung thẳng tắp, hai hàng cây kiền kiền có những cánh bướm xòe như cánh quạt chập chờn trong gió, sà xuống lòng đường. Ðường Lê Lợi đỏ thắm màu phượng vĩ mỗi độ hè về, loài hoa của học trò, rực rỡ nhưng cũng có khi buồn vời vợi.

dnxua 11 1

Những năm đầu thập niên 60, hạt giống chiến tranh bắt đầu nẩy mầm ác độc chấm dứt vài năm thái bình ngắn ngủi. Con người nhân danh chủ nghĩa, mặc cho nó lớp áo lòe loẹït bằng đủ mọi thứ mỹ từ bao bọc, hãy lật nó ra, sẽ thấy trên thân mình từng lỗ chân lông thấm máu, máu anh em, máu đồng bào, người Việt hai miền bơi lội mệt nhoài trong biển máu. Nhân danh mỹ từ, con người cho phép mình tha hồ gây tội ác. 

Cuối năm học 1962, thế hệ học sinh Phan Châu Trinh đầu tiên lên đường ngập ngũ, những người trẻ đi tiên phong có Hồ Công Lộ, Trần Tiễn Thành, Trần Văn Dũng, Nguyễn Văn Nam, Phan Nhật Nam… Ðêm văn nghệ năm ấy, đánh dấu ngày từ giã mái trường thân yêu, Phan Nhật Nam viết vở kịch “Bỏ Trường Mà Ði”, chính Nam đóng một vai, vở kịch chấm dứt khi màn nhung vừa hạ, tâm trạng thầy trò luống những ngậm ngùi… nhất là chúng tôi, chỉ còn ở lại trường một năm nữa. Cái tuổi trẻ hồn nhiên như bước vội nhường chỗ cho những ưu tư, như đám mây đen phủ mờ dĩ vãng. Cuối niên khóa 63, số bạn bè bước vào quân trường càng đông hơn, những Quách Thưởng, Phan Ðộ, Ðỗ Bá, Nguyễn Văn Lý, Nghiêm Trung, Vũ Ðức Aùi, Hồ Dưong Minh, Dương Phú Chung… Số còn lại tiếp tục học ở Huế, Sài Gòn. Một số vì hoàn cảnh tập tễnh, bước chân vào cuộc mưu sinh vội vã.

Tôi ra Huế đúng vào ngày lễ Phật Ðản, ngày mồng tám tháng năm sáu ba, mong được nhìn sông Hương trong đêm lễ Phật bềnh bồng những lồng đèn hình  hoa sen, nhất là khu cầu Trường Tiền. Nhưng ngay buổi chiều ngày hôm ấy, Huế nhốn nháo, Huế phẫn nộ. Người ta đồn chính quyền ra lệnh triệt hạ cờ Phật Giáo. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi đang ngồi bên quán cà phê Lạc Sơn, bỗng nghe có tiếng nổ bên đài phát thanh, biết có biến, cả bọn chạy ngược sang cầu Trường Tiền, quang cảnh hỗn loạn, vài chiếc chiến xa bao quanh, hơi lựu đạn cay, tiếng la hét, người ta chạy dày xéo lên nhau, máu đã đổ thật sự, có người bị thương, có người chết… Những ngày sau, Phật tử Huế xuống đường hoan hô, đả đảo. Cuộc đấu tranh Phật giáo bắt đầu báo hiệu sự sụp đổ của nền Ðệ Nhất Cộïng Hòa. Chính trị đi vào khuôn viên đại học, nhiều phe phái.Năm sau, linh mục viện trưởng Cao Văn Luận buộc phải ra đi. Trong hoàn cảnh như thế, làm sao chúng tôi còn đủ tâm trí theo đuổi việc học?

Tôi trở về Ðà Nẵng, chứng kiến cảnh hỗn loạn. Tháng 11 năm 63, chế độ ông Diệm cáo chung. Sân khấu chính trị miền Nam có lắm trò hề, ông tướng lãnh đạo bất tài, nhu nhược, ông tướng râu dê mưu bá đồ vương, sinh viên xuống đường phản đối Hiến Chương Vũng Tàu… Tình hình nát bét. Tôi xa Ðà Nẵng, cuộc đời binh nghiệp khởi sự từ đây.

Mãn khóa, tôi lại xin về phục vụ tại Quảng Nam , làm việc tại trung đội Quân Y đồn trú tại Hội An, ngay cạnh trại Biệt Kích Tây Hồ ở cuối đường Phan Bội Châu. Tình hình chính trị ngày càng tồi tệ. Những tháng đầu năm 1966, đại tá Ðàm Quang Yêu, Tư lệnh biệt khu Quảng Ðà và một số thuộc cấp ngã hẵn về phía Phật Giáo đấu tranh, tuyên bố ly khai, bất phục tùng chính quyền trung ương Sài Gòn. Huế, Ðà Nẵng trong tình trạng vô chính phủ. Tôi không theo phe tranh đấu, bỏ đơn vị về Ðà Nẵng. Ðà Nẵng u uất nặng nề như lựu đạn đã rút chốt, nhiều nơi kẽm gai giăng mắc, biểu ngữ chống chính phủ treo trên đường phố, nhất là đường Khải Ðịnh, Oâng Ích Khiêm dẫn đến chùa Tỉnh Hội. Ðà Nẵng chìm trong bất trắc, ngờ vực. Tôi đi trên đường Thống Nhất, qua Cầu Vồng, sân vận động Chi Lăng có lính trong ấy. Ðến ngã tư Thống Nhất, Lê Lợi, nghĩa địa Pháp thấp thoáng bóng những người lính nhảy dù. Phan Nhật Nam có trong đoàn quân. Nhìn sang phía tay trái là trường cũ, lặng im, trống vắng. Hoa phượng nở ngập tràn, màu hoa học trò sao bỗng thấy thê lương. Cánh quân của Nam, một trong những cánh quân được lệnh đánh chiếm chùa Tỉnh Hội, tiến qua đường rầy xe lửa trên đường Oâng Ích Khiêm, một thanh niên dẫn đầu nhóm chống đối tiến lên cản đường, tiếng hò hét, tiếng đả đảo. Chỉ huy ra lệnh bắt sống, toán quân của Nam ra lệnh tiến, súng cầm tay, đạn lên nòng. Nam choáng váng không còn tin ở mắt mình. Ðích thực rồi, thanh niên ấy chẳng còn ai xa lạ, một người rất gần, rất thân. Ðó chính là Phan Chánh Dinh, làm thơ dưới bút hiệu Phan Duy Nhân, cựu học sinh Phan Châu Trinh Ðà Nẵng. Oâi! Cái cuộc chiến oan nghiệt đã đẩy bạn bè sang hai chiến tuyến đối nghịch, sẵn sàng lăm le giết lẫn nhau. Cụ Phan ơi! Cụ hẳn rất đau lòng.

Tình hình rồi cũng ổn định, đám quân nhân ly khai trở về đơn vị. Tôi bỗng nhận giấy phạt, kèm lệnh thuyên chuyển đi cao nguyên chỉ vì tội danh vô kỷ luật, tự ý rời đơn vị. Là lính chỉ biết thi hành trước, khiếu nại sau. Hai năm sau, tôi được rời xứ gió lạnh mưa mù, về lại Ðà Nẵng, tôi xem đó như một cuộc hồi hương… Về thăm chốn cũ vườn xưa. Cỏ cây xanh lá cũng vừa tóc em…

Ðà Nẵng tháng sáu sáu chín. Không khí chiến tranh bao trùm thành phố, phi trường thành căn cứ quân sự lớn, tiếng phản lực ngày đêm xé trời, bóng đêm đồng nghĩa với hãi hùng, chết chóc. Hỏa tiển của cộng quân bắn bừa bãi vào thành phố, nhất là những vùng quanh phi trường, khu vực Phước Tường, Chợ Mới, Hòa Cường… nhiều người chết thảm, đa số là thường dân. Người Ðà Nẵng làm hầm trú ẩn ngay trong nhà. Thế nhưng sinh hoạt lại xô bồ, vội vã, nhiều cao ốc xây dựng bừa bãi cho lính Mỹ thuê, gái giang hồ nhiều nơi tụ về, nhiều thanh niên thiếu nữ sống hip-pi, nhiều người trở thành tỷ phú… Con quái vật chiến tranh, hóa ra béo bở với một số người, trong khi cuộc chiến leo thang không ngừng… bạn bè nhiều người tử trận, những Ðộ, Lý, Bá, Trung, Dũng… còn nhiều, còn nhiều nữa nếu cuộc chiến tranh ở mức độ như thế.

Vui buồn với Ðà Nẵng, năm 1974, tôi nhận lệnh thuyên chuyển về Nam . Buổi chia tay bạn bè đưa tiễn. Chiếc bán phản lực C-130 rời phi đạo, chao nghiêng ra phía biển, qua khung cửa, tôi thấy năm ngọn Ngũ Hành phía dưới chơ vơ. Giã từ Ðà Nẵng, chuyến đi rồi sẽ đưa cuộc đời sâu vào vũng lầy tăm tối. Cuối tháng ba bảy lăm, Ðà Nẵng thất thủ, từ  Sài Gòn nghe không biết bao thê lương, bao thảm cảnh trên thành phố tuổi thơ. Rồi đến lượt Sài Gòn đổi chủ. Cuộc chiến thế là chấm dứt, miền Nam thương khó quy hàng mở đầu cho những năm tháng oan nghiệt tội đồ, chúng tôi bị lưu đày trên chính quê hương. Vào tù, lại gặp bạn bè, gặp Phan Nhật Nam ở Long Giao, gặp Quách Thưởng ở miền Bắc, nghe tin thầy dạy Việt văn Trần Ngọc Quế đã chết trong tù. Tất cả chỉ còn nỗi đau, tang thương cây cỏ, cơn khổ luỵ đằng đẵng trên cả Việt Nam héo hon cắt xé ruột gan, chứng kiến cách giết người câm lặng, những mưu đồ hiểm độc, lọc lừa.

Rồi cũng qua đi mọi chuyện trên đời, qua cơn tăm tối, kẻ trước người sau lên đường rời xa quê hương, biết bao giờ trở lại vẫy chào năm cụm núi Ngũ Hành… Sang Hoa Kỳ, nghe tin Nguyên Vũ, Nguyễn Chí Thiệp, Nguyễn Bá Trạc, Bùi Ngọc Tô… muốn tổ chức cuộc hội ngộ cựu học sinh Phan Châu Trinh vào năm 2000, khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba. Nên lắm các bạn, tôi đề nghị địa điểm phải là trường cũ. Nỗi ước mơ… Bao nhiêu năm, nay một cuộc  tương phùng.

Năm 1995, tôi gặp lại Phan Nhật Nam tại Atlanta . Tháng bảy trời nóng, cái nóng nực không chịu tan theo bóng đêm. Gặp nhau ở cái tuổi ngoại ngũ tuần, thôi đừng thắc mắc, chúng ta cứ ca hát, rượu chè. Bao tâm sự vơi đầy, về cuộc đời, về bạn bè, ngôi trường cũ như sợi dây ràng buộc, thắt chặt chúng tôi trong tình bằng hữu lâu dài. Ðã quá nửa đêm không ai đề nghị ngưng cuộc. Nam khoe sắp có thêm nhiều tác phẩm… Nào “Bức Tường Ánh Sáng”, nào “Ðoạn Trường Thất Thanh”. Sao lại thất thanh? Thất thanh vì nói chẳng nên lời. Thất thanh tiếng ấy  vô hồi. Quá đau nên phải mượn lời viết thôi… Bạn ta cao hứng, sang sãng ngâm thơ. Rồi bỗng lặng yên, tôi nhìn chan chứa khuôn mặt bạn chứa nhiều u uẩn. Bỗng như trầm lại:

-Bác có nhớ một loài chim ở Ðà Nẵng. Nó bay trong bờ trong bụi, nó nhỏ bé… Nó kêu đứt giọng nghe thê thảm. Khi tôi đi tù về, trong vườn cây ở Lái Thiêu, tôi lại nghe nó hót, tôi nhận ra ngay tiếng chim ngày nào. Nó kêu khắc khoải, tít tít, tịt tịt… mà tôi nghe ra “Père, Mère, Frère… Tout est perdue”. Phải rồi, chúng ta mất hết… Bác cũng như tôi, mất cha, mất mẹ, anh em ly tán, chia lìa… Cả cuộc đời còn lại bỗng nhớ một cánh chim:

Quê hương tôi có loài chim mồ côi
Mẹ chết, mất cha, anh em phiêu tán
Lắng âm tiếng hiểu dần nên nguồn cội 
Chim với người cùng thấm khổ đau thôi

Tôi thầm thì như hơi thở… ừ nhỉ, một cánh chim, một phận người… Chim và người cùng thấm khổ đau thôi! 

Atlanta, 04.1997
Ðỗ Hùng