Người Anh Xấu Số

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Ðó là anh thứ Năm của tôi: Ông TRẦN NGỌC QUẾ, nguyên là Giáo sư Trung học Phan Châu Trinh Ðà Nẵng.  

Tiểu sử : Anh sinh ngày 30.8.1923 (Quý Hợi) tại Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam . Năm 1926, Cha tôi – lúc đó là Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học Tam Kỳ - tổ chức lễ Truy Ðiệu cụ Phan Châu Trinh nên bị chính quyền Pháp đổi đi xa trong 16 năm, do đó thời thơ ấu Anh sống tại các tỉnh miền Nam Trung Kỳ như Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Ðịnh. Khi hết bậc tiểu học, Anh học tại Collège Qui Nhơn. Tốt nghiệp bằng Thành Chung xong, Anh đi Huế học thêm một thời gian. Ðến năm 1944, Anh tình nguyện đi dạy học tại vùng Cao Nguyên Komtum, được xếp ngạch Giáo Học. Thời Nhật và thời VM cướp chính quyền, Anh được cử làm Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Komtum, thay thế viên Ðốc Học người Pháp Antoine. Năm 1946, Pháp tái chiếm Komtum, Anh chay về Quảng Nam , được bổ nhiệm lại ngành giáo dục. Ðầu năm 1947, Anh cùng gia đình tản cư về quê mẹ, làm Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học Trung Phước. Năm 1949, được đề bạt dạy tại Trường Trung Học Phan Chau Trinh Cẩm Khê (thuộc huyện Tam Kỳ). Năm 1951 “nhảy đồn” về vùng quốc gia, được hồi ngạch và dạy tại Trường Trung Học Phan Châu Trinh Ðà Nẵng. Tháng 6/1973 thăng Thanh Tra Trung Học, tòng sự tại Sở Học Chánh Ðà Nẵng. Cùng năm ấy, Anh được Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa ân thưởng Văn Hóa Giáo Dục Bội Tinh Ðệ Nhị Hạng.

Tháng 3/1975, Bắc Việt tiến chiếm Miền Nam . Anh chạy vào Sài Gòn, sau đó bị đưa đi cải tạo tại Hoàng Liên Sơn (Bắc Việt), rồi chuyển về trại cải tạo Vĩnh Phú. Ngày 4.9.1978, Anh qua đời tại trại nầy, hưởng dương 55 tuổi. Năm 1987, gia đình đưa hài cốt Anh về Quảng Nam , cải táng tại Chùa Chúc Thánh - Hội An.

ÐÔI DÒNG VỀ CUỘC ÐỜI ANH

 Picturec10

Tình yêu : Có thể nói, suốt cuộc đời anh đi tìm tình yêu, nhưng có lẽ Anh sinh ra dưới một ngôi sao xấu nên các cuộc tình, cuối cùng đều dang dỡ! Ðầu tiên, khi Anh vừa bước vào đời, Anh đã gặp được một mối tình đầy thơ mộng, trong sạch và đứng đắn. Năm ấy (1944), viên Quản Ðạo Komtum (Quản Ðạo là chức quan đầu tỉnh tại miền Cao Nguyên bên Nam Triều) là người làng Bảo An, Quảng Nam , nên Anh thuờng lui tới thăm viếng. Ông Quản Ðạo có một cô con gái xinh đẹp đang theo học tại Trường Ðồng Khánh Huế. Hè đến, cô ấy – tên là T.Y. - về thăm nhà, thế là hai người quen nhau. Ðôi nam nữ trí thức, lãng mạng, lại cùng quê quán … đã mau chóng yêu nhau. Anh viết thư về nhà thưa chuyện, Cha Mẹ tôi bằng lòng và nhờ người mai mối: ông bà Quản Ðạo cũng bằng lòng gả. Việc hôn nhân đang tiến hành thì tình hình thay đổi dồn dập: Nhật đảo chính Pháp; Việt Minh cướp chính quyền; rồi Pháp đưa quân chiếm lại Komtum. Anh chạy băng rừng về Quảng Nam ; ông Quản Ðạo cũng chạy thoát về quê nhà Bảo An (Gò Nổi). Anh và chị T.Y. lại gặp nhau nhưng lúc đó chị T.Y., gia nhập Hội Phụ Nữ Cứu Quốc, giao du với nhiều thanh niên trí thức nguyên là sinh viên trường Thuốc, trường Luật từ Hà Nội về. Cha mẹ tôi lại cậy người xin tiến hành cuộc cưới hỏi, nhưng lần nầy nhà gái có vẻ lơ là. Ông Quản Ðạo nói với người mai: “Nó đi phụ nữ cứu quốc cứu quyết gì đó, ít khi về nhà…”  Cha Mẹ tôi chán ngán; còn Anh thì có vẻ hờn giận. Thế rồi chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ; gia đình tôi tản cư lên Trung Phước, còn gia đình chị T.Y. thì chạy vào Bồng Sơn (Bình Ðịnh); cuộc tình tạm ngưng. Ðến năm 1948, chị T.Y. về thăm một người bà con đang tản cư tại làng Ðại Bình (bên kia sông Trung Phước), Anh và chị lại tiếp tục, đi chơi với nhau. Mẹ tôi biết, bảo Anh tiến hành việc hôn nhân trở lại, nhưng anh chần chờ rồi cuối cùng Anh nói với Mẹ tôi là thôi! Gia đình không rõ vì sao, nhưng về sau tôi có đọc được một bài thơ anh viết trong nhật ký ( bỏ lại khi Anh  nhảy đồn về vùng Quốc Gia) có những đoạn như sau:

      Nàng và Tôi

     Tôi lại gặp nàng trong một đêm mưa,

     Tình khơi mặn mà,

     Con thuyền trở lại bến sông đưa,

     Nàng cho tôi biết:

     Con chim trời vẫn tung cánh như xưa!

     Nhưng Nàng ngày nay đâu phải Nàng ngày trước?

     Tình dâng mấy lượt!

     Bụi đời hoen ố má hồng say!

     Tôi vẫn yêu Nàng, tôi vẫn mơ màng

     Tình ơi! tủi tủi

     …

     Nàng và Tôi, Tôi và Nàng

     Hai trời cách biệt,

     Nàng Sâm Thương xa vạn kiếp

     Xa tuyệt vời, vằng vặc sáng, muôn thu!

     Ðôi ta đôi cảnh trời mù

     Sương rơi lả chả. Chiều du du buồn!

Từ đó, Anh lại đi tìm tình yêu. Những ngày tản cư lên vùng thượng nguồn Bình Kiều: khi dạy tại trường Trung Học Kháng Chiến Cẩm Khê và nhất là trong những tháng năm dạy tại Trường Trung Học Phan Châu Trinh Ðà Nẵng, lúc nào anh cũng chạy theo tình yêu, nhưng thường không được lâu dài và hay kết thúc đổ vỡ. Anh có làm một tập “Hai Mươi Năm Tình Sử” viết lại những mối tình của Anh. Anh cũng có viết một truyện dài lấy tên là “Dòng Sông Cô Ðơn” gói ghém tâm sự của anh. Rất tiếc khi chạy vào Sài Gòn, Chị tôi ở Ðà Nẵng đã chở hết sách vở của Anh về nhà, rồi lúc chính quyền Cộng Sản “truy quét văn hóa Nguỵ” Chị đã đốt sạch, trong đó có cả hai bản thảo truyện dài của Anh.

Cưới vợ: Năm Anh 47 tuổi, bị gia đình hối thúc, Anh quyết tâm lập gia đình. Trong dịp Tết, Anh gặp chị H. tại nhà một người bà con ở Hội An. Chị ấy là Giáo sư Trường Trần Cao Vân Tam Kỳ, nhỏ hơn Anh 12 tuổi. Anh thích chị ấy ngay và nhờ tôi mai mối. Lúc đó tôi dạy tại Trường Nữ Trung Học Quảng Tín nên rất dễ liên lạc với Chị. Hai bên trao đổi thư từ quà tặng và chẳng bao lâu hai bên gia đình tiến hành cưới hỏi. Vậy là Anh có vợ. Nhưng cuộc hôn nhân đã mau chóng đổ vỡ, Nhiều người hỏi tại sao? Anh chỉ mỉm cười nói “Sống để bụng, chết mang theo”. Có người thêu dệt nầy nọ, nhưng theo tôi, có lẽ cũng chẳng có gì trầm trọng. Anh chỉ lãng mạng, không thực tế, ưa thích trẻ đẹp, nhí nhảnh của các nữ sinh; còn chị thì quá nghiêm trang, đứng đắn của một cô giáo nên không hợp, thế thôi! Tội nghiệp Chị ấy, sau khi ly dị, Chị đã bỏ Tam Kỳ, Hội An xin đổi vào Miền Nam (Mỹ Tho) để tránh những lời dị nghị mà Chị không thích.

Tham gia chính trị: Thời thanh niên, Anh cũng mang nhiều nhiệt huyết và lý tưởng. Khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào ngày 19.12.1946, Anh theo Kháng Chiến, chỉ huy một đội tiếp tế gồm toàn thanh niên. Sau mấy tháng, Pháp có thêm viện binh nên mở rộng chiến sự, các cơ quan phần lớn tan rả, chạy loạn. Anh trở về với gia đình rồi tản cư lên vùng Trung Phước. Thời gian 1947, 1948, Trung Phước rất phồn thịnh vì đồng bào từ các nơi như Ðà Nẵng, Hội An, Bảo An, Bến Ðền, Hòa Vang, Ðại Lộc v.v… tản cư về. Trung Phước cũng là đường giao liên Bắc Nam của chính phủ Kháng Chiến nữa, nên cán bộ, bộ đội hàng ngày qua lại. Ban ngày còn vắng vẻ vì phi cơ Pháp thường bắn phá, oanh tạc (hồi đó có câu nhất Tam Kỳ, nhì Trung Phước); nhưng khi trời vừa nhá nhem tối là quán xá mở cửa, đèn đuốc sáng trưng, trên bến dưới thuyền người đi tấp nập. Thời đó, chính quyền còn để dân đi tự do, chỉ kêu gọi bằng những khẩu hiệu như: “Nơi sao lại ăn chơi rã rích, mà nơi sao rên xiết ngày đêm” hoặc “Nơi sao đàn điếm ăn chơi, nơi sao thịt nát máu rơi não nùng”. Lúc ấy Anh là Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học Trung Phước. Anh thường tổ chức các đêm văn nghệ, lấy tiền giúp đỡ cho học sinh tản cư nghèo. Anh nhờ chị tôi - Trần Thị Lệ Khánh – đem MúaTiên từ Hội An tập cho các em trình diễn v.v… Anh sáng tác nhạc như bài Tiếng Quê; Những Bức Thư Tình (phổ thơ Huỳnh Lý) v.v… Vẽ tranh, rồi gởi bán tại các quán giải khát như quán Ngừng Chân, quán Song Muội (hai em) do các cô tản cư trẻ đẹp làm chủ. Qua năm 1951, nhận thấy chính quyề bắt đầu thực hiện chính sách áp chế người Quốc Gia. Anh đã mạnh dạn cùng người em là Trần Huỳnh Hội tổ chức vượt tuyến về thành (lúc đó gọi là nhảy đồn). Hai Anh Quế, Hội là những người tiên phong trong phong trào nhảy đồn những năm 1951, 1952 tại Quảng Nam, trước các anh Tạ Ký, Nguyễn Sum, Vương Quốc Quả v.v… Năm 1963, Anh hoạt động chống đối đàn áp Phật Giáo của chính quyền Ngô Ðình Diệm, nên bị Mật Vụ Miền Trung bắt giam 21 ngày. Cách Mạng 1.11 thành công, Anh được mời vào Hội Ðồng Cứu Quốc Ðà Nẵng. Anh cộng tác với tờ Lập Trường của Phật Giáo (do ông Tôn Thất Hanh chủ nhiệm; Cao Huy Thuần tổng thư ký). Nhưng dần dần anh thấy phong trào nầy cũng không đem thanh bình lại cho đất nước trong lúc chiến tranh Quốc Cộng ngày càng khốc liệt, nên Anh ngưng tham gia rồi cùng với một số anh em thành lập “Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc” - Mặt trận nầy do các ông, bà Trần Văn Ðôn, Tôn Thất Ðính, Nguyễn Phước Ðại …  thành lập tại Sài Gòn - Tại Ðà Nẵng, Anh là Chủ Tịch Mặt Trận. Ðược vài năm thì Mặt Trận tàn lụi dần trong im lặng! Khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thành lập đảng Dân Chủ, Anh có tham gia và nằm trong Biệt Ðoàn Giáo Chức Ðà Nẵng. Các năm cuối trước 1975, Anh không hoạt động chính trị nữa mà chỉ viết cho tờ báo Chính Nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng Miền Trung mà thôi.

Nuối tiếc:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,

Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên!

Khoảng năm 1973, Anh rủ tôi đi Pleiku thăm người Chị có chồng là quân nhân ở đó. Hai anh em mượn xe của người anh rể đi Komtum một ngày. Anh dẫn tôi viếng lại cảnh cũ như Trường Tiểu Học, dinh Quản Ðạo; các nơi Anh và Chi T.Y. thường hẹn hò v.v…Chiều lại, tôi thấy anh ít nói, buồn buồn. Có lẽ cảnh cũ đã làm Anh nhớ lại người xưa chăng! Qua hôm sau, hai anh em về lại Ðà Nẵng. Khi máy bay lên cao, Anh đăm chiêu nhìn qua cửa sổ như muốn tìm lại hình ảnh của thời trai trẻ với mối tình đầu thơ mộng mà chiến tranh và sự cố chấp của anh đã làm tan vỡ. Hôm ấy đã sang thu, nhìn qua cửa sổ máy bay, chỉ thấy mây trắng mênh mông trời biển bạc!

Những ngày cuối cùng: Tháng 3/1975, chiến sự dồn dập, Chính Phủ Sài Gòn mất dần đất đai. Ðà Nẵng lâm nguy, đồng bào ào ạt chạy vào Sài Gòn. Ðêm ấy tôi đang ở tại nhà Anh thì anh Trương Duy Hy đập  cửa hối Anh ra xe để qua Tiên Sa lên tàu chạy vào Sài Gòn. Anh bỏ lại tất cả đồ đạc, chỉ xách theo một cartable, rồi hốt hoảng lên xe, cùng với vợ chồng anh Hy đi ra bến tàu. Anh đi rồi, tôi lại bàn giấy thì thấy một lá thư từ biệt của Anh gởi Cha tôi, lời lẽ rất cảm động. Không ngờ đó là lá thư Vĩnh Biệt và từ đó, tôi không còn gặp Anh nữa.

Chuyến đi hốt mộ: Anh mất 4.9.1978 (tức ngày Mồng 3 tháng 8 năm Mậu Ngọ) tại trại Vĩnh Phú, thuộc xã Phú Xuân, huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú. Theo văn thư của trại gởi về thì Anh mất vì bệnh kiết lỵ.

Năm 1982, sau khi cải tạo về, tôi cùng người Chị Cả là Bà Trần Thị Huệ, đi Vĩnh Phú thăm mộ Anh và dựng một tấm bia để khỏi thất lạc. Ðến năm 1987, tôi cùng người anh họ là Ông Trần Ngọc Chúc và cháu là Trần Thanh Kiều Diệp đi hốt mộ cho Anh. Tôi nhờ người Anh thứ 8 T. H. Kỳ đang ở Hà Nội (hưu trí) sắp xếp lo liệu các việc cần thiết. Anh ấy thuê một chuyên viên hốt mộ của công ty nghĩa trang Hà Nội, xin giấy phép di chuyển hài cốt của Bộ Y Tế; chuẩn bị cho mỗi người một xe đạp v.v… Ba chúng tôi đến Hà Nội vài ngày rồi cùng anh Kỳ và chuyên viên hốt mộ đi Vĩnh Phú. Chúng tôi lên xe lửa tuyến đường Hà Nội – Yên Bái từ chạng vạng tối, gần sáng thì đến ga huyện Ấm Thượng (cách Yên Bái 30 km). Chúng tôi xuống xe, vào chợ huyện Ấm Thượng ăn sáng. Năm 1982, tôi đã đến đây, nay 1987, tôi thấy chợ huyện nầy vẫn nghèo nàn như vậy: đôi ba quán tranh bán cơm, phở và một số sạp bằng tre bày bán các đồ tạp hóa. Ăn xong, chúng tôi đi đò qua sông Hồng rồi đạp xe vào trại.

Ðoạn đường từ Ấm Thượng đến trại khoảng 19 km. Chúng tôi gặp Ban Giám thị để xin đem hài cốt Anh Quế về quê nhà. Ban Giám thị đồng ý và cho 3 tù hình sự mang cuốc xẻng đi giúp chúng tôi. Nghĩa trang của trại tù không tập trung một chỗ mà chia ra thành nhiều vùng, mỗi vùng chỉ 5, 6 mộ, vì vậy rất khó tìm. Có 2 công an mang bản đồ theo, tìm mãi mới đến được vùng mộ của anh. Năm ấy phần lớn tù chính trị đã dời vào Miền Nam nên trại vắng vẻ, núi đồi cây cỏ mọc lên rậm rạp. Chúng tôi tìm rất lâu vẫn không thấy mộ anh. Mặt trời đã xuống núi. Tôi lo lắng vì nếu không tìm ra mộ Anh thì rất khó tổ chức đi hốt mộ lần thứ hai. Tôi thắp hương khấn vái: “Nếu anh linh thiêng thì xin chỉ ngay ngôi mộ kẻo trời tối thì rất khổ”. Vái xong chỉ vài phút thì một tù hình sự reo lên: “Phải tên là Trần Ngọc Quế không? Tìm thấy rồi!” Chúng tôi chạy đến, vạch cỏ thì thấy ngay chính tấm bia có khắc tên Anh mà tôi đã dựng hồi năm 1982. Toán tù hình sự cùng chuyên viên hốt mộ đào lên. Hài cốt Anh được bọc trong miếng áo mưa bằng nhựa. Chúng tôi gỡ hết đất, rễ cây rồi đem xuống suối rửa sạch bằng nước, bằng rượu, xịt nước thơm, rồi đặt vào một va-ly. Xong việc thì trời đã tối hẳn. Chúng tôi về trại nghỉ đêm, sáng sớm hôm sau lại đạp xe về Ấm Thượng chờ tàu về Hà Nội. Chúng tôi gởi chiếc va-ly đựng hài cốt tại công ty nghĩa trang để ngày về Hà Nội mới ghé lấy. Chuyến về rất suông sẻ, chẳng ai hỏi han gì. Ðến Hội An, chúng tôi chở thẳng ra Chùa Chúc Thánh rồi nhờ người tẩm liệm, chôn cất, xây mộ và nhờ Chùa làm lễ cầu siêu cho Anh.

Khi hay tin hài cốt của Anh đã dời vể Hội An, vợ chồng anh Hy có vào thăm. Chị Thảo (vợ anh Hy) ngâm thơ khóc Anh; anh Hy sut sùi nhỏ lệ rất thương cảm! Ðó là hai người học trò duy nhất đã không sợ “liên luỵ’ đến viếng Anh sau ngày “giải phóng”!

TRẦN HUỲNH MÍNH

California , Thu 2002

Viết để tưởng niệm 80 năm ngày sinh của Anh.  

                                                         

     Các bài thơ khóc thương Anh Trần Ngọc Quế

     Mười mấy năm qua vĩnh biệt Thầy

     Ân tình khắc dạ chẳng hề lay

     Ngọt bùi chung hưởng bao năm tháng

     Cay đắng riêng mang chỉ mấy ngày!

     Nhớ thuở lâm hành ôm chí cả

     Thương ngày vận khứ phải khoanh tay

     “Tâm hư tiết thực” ngàn thu tỏ

     Mãi nhớ ơn xưa … Kính lạy Thầy

     Kính bái: Trương Duy Hy

                

                          ***

     Run run thắp nén hương cầu nguyện

     Anh hồn Thầy cưỡi hạc non Tiên

     Những tưởng tài trai tròn mộng ước

     Nào hay hóa lão chữa toàn niên

     Xưa hương huynh đệ còn thơm ngát

     Nay nghĩa chi lan đã trọn tình

     Ơi hỡi! hồn linh về chứng giám

     Chút lòng thành kính mãi nguyên trinh

     Kính bái: Thanh Thảo (Bà Duy Hy)

                    

                           ****

  Ngậm ngùi nhớ em

     Trời mây rộng, nhìn về nơi cố quốc,

     Bâng khuâng buồn nhớ lại thuở xa xưa

     Tính đến nay hai mươi mấy năm thừa,

     Cảnh tượng cũ vẫn còn chưa phai nhạt

     Năm bảy lăm nước nhà nhiều bi đát

     Dân quê mình, chạy loạn rất đau thương!

     Sĩ quan, công chức chịu cảnh đoạn trường

     Phải cải tạo biết bao điều khổ nhục!

     Tù cải tạo suốt năm kia tháng nọ

     Lao động nhọc nhằn nơi chốn rừng sâu

     Thiếu ăn, thiếu thuốc bệnh tật phủ đầu

     Người yếu sức khó mong cầu toàn mạng

     Trần Ngọc Quế là giáo sư trung học

     Trường Phan Châu Trinh Ðà Nẵng lúc xưa

     Những năm tù lao động giữa gió mưa

     Lại đói rét nên sức cùng lực kiệt

     Quế nhắm mắt giữa trại tù Bắc Việt

     Chết cô đơn trong lạnh lẽo tủi hờn

     Một nấm mồ quạnh quẻ chốn hoang san

     Sau mới được thân nhân ra cải táng

     Tội nghiệp Quế bao năm tìm phương án

     Giảng dạy học trò đâu kể công lao

     Phút cuối đời bạc mệnh đến thế sao?

     Người thân ái chẳng có ai vuốt mặt

     Nhớ đến Quế chị ngậm ngùi thương xót

     Rưng rưng buồn nước mắt ướt bờ mi

     Có ngờ đâu lúc khăn gói ra đi

     Em vĩnh biệt, chia ly không trở lại:

     Ngày giỗ Quế thắp nén hương tưởng niệm

     Trên bàn thờ hoa quả cúng trang nghiêm

     Tiếng chuông ngân phảng phất giọng dịu hiền

     Của Ðức Phật dạy lời khuyên: “diệt khổ”

     Chúc Quế đuợc an vui cùng phận số

     Thần thức em tốc xả bỏ mê đồ

     Biết tìm về nơi Tịnh Ðộ siêu sanh

     Thuyền Bát Nhã đang đến gần em đó

     Về cõi Phật an lành, thân tự tại,

     Cảnh sanh già bệnh chết chẳng còn đâu

     Suốt ngày nghe Pháp Phật rất nhiệm mầu

     Em giải thoát, hãy nguyện cầu Phật độ.

Boston , 16 tháng 9 – 2002

Trần Thị Thanh Liễu (82 tuổi)

(Chị ruột của Anh Trần Ngọc Quế)