Bài viết về Thầy Hoàng Bích Sơn

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

 
thayHBSon
 
Thầy Hoàng Bích Sơn 
  
Tôi và Thầy Hoàng Bích Sơn gặp nhau là chuyện đương nhiên, lẽ thông thường của trời và đất và người. Chúng tôi đều say mê âm nhạc, tuy sở thích chuyên biệt khác nhau. Thầy Sơn chuyên nghiên cứu, lý luận; tôi chỉ thực hành, sáng tác. Nhưng trong số những bài viết của Thầy Sơn có một bài thật hay để nhớ đời. Đó là hành khúc Phan Châu Trinh.

Khi vừa được bổ nhiệm về trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng, tôi được gặp gỡ với nhiều thầy cô đang dạy ở đây, trong đó có thầy Hoàng Bích Sơn. Tôi được giới thiệu ngay sáng tác này và “kết” ngay. Và tôi là người hát nhiều hơn (và hay hơn) thầy Sơn (xin lỗi thầy!). Tôi tập cho học sinh hát và điều khiển một lớp trình bày bài hát vào buổi chào cờ sáng thứ hai. Về sau tôi truyền lại cho học sinh Phú Chí Phát điều khiển và tôi đệm theo bằng kèn trompethe. Nghe và thấy cũng được lắm. Theo tôi, bài đoàn ca này rất hay, rất thích hợp, hội đủ các yếu tố cần thiết cho một bài đoàn ca. Bài hát là một nhắc nhở về tầm cỡ, tiếng tăm của nhân vật trường mang tên, nhịp điệu hành khúc đầy sức lôi cuốn hào hứng tạo hứng khởi, kiêu hãnh cho học sinh. Bài ca không quá ngắn, mang tính gượng gạo mà tròn đầy trước sau “Là học sinh Phan Châu Trinh ta quyết tiến bước theo chân người giữ vững nhân quyền…”. Bài ca đã thuyết phục được người nghe, truyền đạt được ý chí tự cường đến thanh niên nhiều thế hệ.
 Cho đến bây giờ, nhất là ở Sài Gòn, nơi tôi đang sinh sống, trong những buổi họp mặt, thầy cô và học sinh (cũ) trường Phan Châu Trinh đều say sưa hào hứng “Phan Châu Trinh người chiến sĩ quốc gia…”.

Tôi về trường Phan Châu Trinh năm 1961, lúc tôi mới 21 tuổi, mỗi khi đến Tết, tôi tham gia buổi văn nghệ tất niên của trường cùng với thầy giáo đa tài Trần Đình Hoàn, có bút danh Trần Nhất Hoan (mà có người đọc lại là Hoan – Nhất Trường!). Thầy Hoan tập cho ban đồng ca của trường một trường ca của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, tôi thì tập trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương. Ngoài ra tôi còn có màn độc tấu mandolin bài Espoirs Perdus (Hết hy vọng), rất được hoan nghênh, phần lớn do có loa đàn khuyết đại âm thanh do thầy Sơn giới thiệu và cho mượn. Thế mà sau khi được hoan hô, bước xuống sân khấu tôi đã quên cái “loa đầy ân sủng này”. Hôm sau, thầy Sơn gặp tôi tại hành lang, thầy cầm cái loa và nói: “Đàn xong rồi vứt loa đâu chẳng biết. Không có tôi là mất rồi nghe!”. Tôi giật mình và rối rít xin lỗi. Thầy Sơn vẫn cười.
Khi được giới thiệu với thầy Sơn, tôi liền có sẵn ý đồ: học thêm về Nhạc. Sau đó tôi ngỏ lời, và thầy Sơn nghiêm nhiên trở thành “sư phụ” của tôi. Tôi vẫn quan niệm trong nghệ thuật, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, của bậc đàn anh vẫn hay hơn, thiết thực hơn đường lối sách vở. Và sau đó, sư phụ đã tận tình chỉ vẻ tôi những cách thức, kỹ năng viết một ca khúc về nhiều loại.

Sau giải phóng, anh Sơn không đi dạy nữa và thành nghệ sĩ lang bait. Chế xà phòng, làm ray trồng sắn. Có lần tôi đã gặp anh Sơn đạp xe từ rẫy sắn về Đà Nẵng chở theo một bao sắn khoảng 8 đến 10 củ! Ít thôi mà chất lượng!  Anh Hoàng Bích Sơn là thế đấy, có tài, biết rộng, luôn tìm hiểu, nghiên cứu nhưng sống thầm lặng, dè chừng và thiết thực điều độ cho dù gặp phải điều không may trong cuộc đời. Chắc anh Hoàng Bích Sơn quan niệm cái gì rồi cũng thế, cũng chỉ là một giấc mơ – mơ vàng, mơ bạc hay mơ chì thì cũng vậy, tùy mức độ thụ hưởng của từng người – cũng như chiếc xe gắn máy của anh, trước sau chạy hay dừng chỉ một số mà thôi. Xe vẫn giữ nguyên số đó, départ bằng cách, người sử dụng đạp nổ, xe vọt lên, rồi cũng số đó chạy nhanh hay chậm “tùy tay ga”, và rồi cũng số đó, xe đứng lại khi người sử dụng nhấn thắng, hết chạy, dù xe Honda của thầy cũng có 4 số bình thường!

Tôi vẫn nhớ đến anh Sơn bằng mối “thâm tình” đó, chân tình và thầm lặng. Và chắc rằng anh Sơn nhớ đến tôi cũng bằng thâm tình đó – thầm lặng chân tình.

Tôn Thất Lan
Giáo sư Trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng (1961-1975)