Trở Lại Vườn Dâu

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

TLVD1

Cô Phan Thanh Gia Lai và lớp Đệ Ngũ 3 PCT NK 67-68

Đó là năm 1968, tôi đang học lớp đệ ngũ Phan Châu Trinh thì được dọn qua ngôi trường vừa mới xây kế bên là Trường Nữ Trung Học Hồng Đức Đà Nẵng. Tất cả nữ sinh các lớp thất, lục, ngũ, tứ của Phan Châu Trinh đều qua Trường Nữ Trung Học.

Các chị lớp đệ Tam, Nhị, Nhất còn ở lại Phan Châu Trinh. Sau đó mỗi năm chúng tôi lên lớp thì trường cũng mở thêm cho đến năm 1970, trường có đủ các lớp từ lớp 6 đến lớp 12 (lúc nầy người ta không gọi tên lớp theo lối cũ: thất, lúc, ngũ, tứ… nữa. Bà Hiệu Trưởng đầu tiên và duy nhất của chúng tôi là bà Nguyễn Khoa Diệu Liễu. Các giáo sư phần lớn từ Phan Châu Trinh qua như cô Đặng Thị Liệu, cô An Hà Châu, cô Tôn Nữ Mỹ Hà, cô Điểu, thầy Nguyễn Đình Cẩm, và một số từ các nơi khác chuyển về như thầy Hoàng Ngân Hà, thầy Lê Văn Nhạc, cô Trần Thị Ngọc Thanh. Ngày khánh thành trường Nữ Trung Học được tồ chức rất trang trọng với sự hiện diện của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Trường Nữ Trung Học Đà Nẵng được xây dựng trên khu đất Mả Tây cũ, nằm trên đường Thống Nhất rợp bóng mát, nhìn qua hông trường Nam Tiểu Học và nhìn chéo góc trường Phan Châu Trinh. Ngày ấy sân trường Nữ chỉ có những cây bạc hà mới trồng còn non cành thưa lá, trường cũng không có xây hàng rào, nên các chàng trai Phan Châu Trinh từ ban công của dãy lầu mới xây , hay từ ngoài đường, có thể nhìn ngắm bóng dáng thướt tha của các người đẹp Nữ Trung Học trong các giờ đầu buổi học hay giờ ra chơi.

Thứ 2, ngày chào cờ đầu tuần, sân trường ngập màu áo thiên thanh. Ngày thường thì sáng một màu áo trắng. Từ bên sân trường Nữ có thể nghe được tiếng trống đổi giờ học bên Phan Châu Trinh và ngược lại. Nhất là đối với những chàng trai hay cô gái đang ngồi học mà tâm hồn thì một nửa gởi trong sách vở, một nửa gởi qua bên trường ấy. Để rồi chờ khi tan trường, vội vả trao lá thư đã ép sẵn trong sách vở, hay cùng nhau đi về nhà, nếu đi song song thì cũng dám đi xa xa, còn phần lớn đều là “em tan trường về anh theo Ngọ về “… Có một người đẹp của Nữ Trung Học Đà Nẵng được nhiều chàng trai PCT đi theo nhất, mà giờ đây người nào tóc cũng điểm sương, không biết có còn nhớ tới . Đó là cô bạn cùng lớp với tôi, lớp đệ ngũ 3 PCT, sau này là hoa khôi trường Nữ Trung Học: Thuỳ Trâm. Dĩ nhiên, ngoài cô bạn yêu kiều ấy, tôi nghĩ rằng , tôi nghĩ rằng thuở ấy, có rất nhiều chàng trai PCT khác đều ôm ấp trong lòng hình bóng một cô hoa khôi hay một cô Hoàng Thị Ngọ bên Nữ Trung Học của riêng mình. Cách đây không lâu , trong một buổi hội ngộ giữa hai trưởng Phan Châu Trinh và Nữ Trung Học ban tổ chức có nhã ý mời lên sân khấu và tặng một đóa hoa hồng cho những cặp vợ chồng cùng học PCT hoặc PCT và Nữ Trung Học. Sân khấu hôm ấy chật cứng người. Và có tôi trong đó.

 

R4ec35399eba4d4b45b9a9318dd5552e0

Vâng, tôi có một mối tình, với một người ở Phan Châu Trinh.

Năm 1970. Khai giảng đã một tuần rồi mà lớp 11C chúng tôi vẫn chưa có giáo sư Việt Văn. Bữa đó trên đường tan trường về, đường Hoàng Diệu, tôi đi bộ với Mình Khai, cô bạn có người anh trai là anh Dương đang học bên Phan Châu Trinh, Minh Khai nói với tôi: “Tau biết ai sẽ dạy Việt Văn cho mình rồi. Ông thầy Quân đó. Anh tau nói ổng dạy hay nhưng khó lắm. Ổng có biệt danh là lãnh diện nhân đó mi.” Giây phút đó tôi chỉ tò mò muốn biết về một người thầy sẽ dạy bộ môn mà mình yêu thích nhất. Có ai ngờ đó là giây phút định mệnh của cuộc đời. Ngày đầu tiên thầy Q. bước vào lớp 11C chúng tôi với bài giảng về một nền chính trị lý tưởng gọi là chính trị lễ nhạc, lớp học chúng tôi gần 50 đứa ngồi im phăng phắc. Một phần vì bài giảng hấp dẫn mới lạ, phần khác vì thái độ quá nghiêm nghị lạnh lùng của thầy. Tôi thầm nghĩ: đúng là lãnh diện nhân. Những buổi học sau đó, với những đề luận, những bài giảng, thầy như mở ra cho chúng tôi một chân trời trí thức mới với những cảm quan về văn học, xã hội , con người và đất nước. Tôi còn nhớ đầu bài luận đầu tiên thầy cho là: Một nhà vua đã nói với một thi sĩ “ Hãy choàng cho nó một vòng hoa và đuổi nó ra khỏi thành phố.” Anh chị nghĩ sao. Tụi tôi chưa hết điên đầu về đề luận quái ác nầy thì thầy lại đưa ra một đề luận thứ hai: “Một quyển tiểu thuyết là một tấm gương đi chơi trên con đường cái.” Anh chị nghĩ sao về nhận định nầy? Đối với tôi thật nhức đầu nhưng cũng thật lý thú. Có cô bạn thân của tôi thì kêu lên. “Tau thù ông thầy Q.” Chẳng qua cả hai lần trả bài, bạn tôi đều “chống gậy”. Nhưng khi thầy trả bài và giải đáp thật là tuyệt. Tôi nghĩ rằng tới hôm nay chắc cũng còn một số bạn nhớ về bài thơ của Phùng Quán mà thầy từng dạy:

Yêu ai cứ bảo là yêu 

Ghét ai cứ bảo là ghét 

Dù ai ngon ngọt nuông chiều 

Cũng không nói yêu thành ghét 

Dù ai cầm dao dọa giết 

Cũng không nói ghét thành yêu 

Tới khoảng gần cuối năm học , từ kính phục, tôi đá yêu thầy lúc nào không biết. Một tình yêu tràn đầy mộng mơ của tuổi học trò mà không hề nghĩ đến kết quả vì giữa chúng tôi có sự cách biệt quá xa về tuổi tác và địa vị. Ai ngờ, cũng trong những tháng cuối cùng của năm học 11C, thầy đã bắt đầu viết thư tình cho tôi, hằng ngày, hằng ngày, đầy biết bao nhiêu trang vở. Những lá thư tình chưa gởi. Thầy đã chờ cho tới ngày cuối cùng của năm học 11C, ngày phát phần thưởng, ngày mà theo lời thầy ghi trong nhật ký:” chấm dứt quan hệ thầy trò để mở ra một quan hệ khác, gần gủi hơn, sâu đậm hơn.” Ngày ấy thầy đã chở tôi về trên chiếc xe Honda của thầy trước cặp mắt của bà Hiệu Trường, các thầy cô và các bạn tôi như một sự công bố mối quan hệ mới của chúng tôi, mở ra một mùa hè tràn ngập yêu đương, nồng ấm. Sang niên khoá 71-72, tôi học 12C Nữ Trung Học thì thầy không còn dạy Nữ Trung Học nữa. Nhưng thời khoá biểu của Q. bên Phan Châu Trinh thì tôi biết rõ. Không biết trong các bạn đây có ai thời gian ấy đang học Phan Châu Trinh mà có người yêu bên Nữ Trung Học? Có ai thời ấy học ở phòng 21 trên dãy lầu mới xây của Phan Châu Trinh. Riêng tôi cứ đến ngày thứ sáu là tôi hay nhìn lên của sổ phòng 21 để thấy bóng dáng người yêu. Còn Q. thì khỏi nói , luôn luôn là…

Dù cách nhau 14 tuổi, cách nhau địa vị thầy trò, mối tình Q. dành cho tôi đôi khi còn sôi nổi lãng mạn hơn tôi dành cho chàng.

Cuối năm 1973, ngày 6 tháng 12, chúng tôi làm đám cưới. Tình sư phụ Nữ Trung Học, Phan Châu Trinh đã thành tình chồng vợ với 2 đứa con lần lượt ra đời. Rồi cũng với vận nước nổi trôi, rồi qua bao dâu bể, gia đình tôi đã được định cư trên mảnh đất tự do nầy. Nhưng người thầy,người yêu,người chồng của tôi đã sớm ra đi. Ngày đám tang anh, tôi cũng được an ủi vì có rất đông thầy cô, các học trò cũ của Phan Châu Trinh, Nữ Trung Học đứng ra lo liệu. Sau đó, tất cả hình ảnh, thư từ, nhật ký của anh tôi đều cất kỹ, không dám mở ra xem. Cho đến một hôm dọn nhà tình cờ giở một trang nhật ký của anh ra, tôi đã bàng hoàng rơi lệ. Số là khi tôi đang học lớp 11C, tôi có, viết một truyện ngắn “VDX” đăng trong báo lớp với nhân vật nam tên Vũ, nhân vật nữ tên Như An. Khi ấy anh đang là giáo sư Việt Văn, nên anh đã trao giải cho tôi. Nhưng khi yêu nhau thì anh ấy cứ chọc ghẹo tôi, bảo truyện chưa đọc , và đòi tôi viết một truyện khác. Tôi cứ ầm ừm rồi cho qua luôn. Tuy vậy lâu lâu anh lại gọi tôi Như An và tự xưng là Vũ. Sau nầy anh đã ký bút hiệu là “Vũ của Như An” trong một loạt bài đăng báo Người Việt như là một bí mật chỉ có hai chúng tôi biết. Và tập nhạc duy nhất của anh lấy tên “VDX” như là một kỷ niệm mối tình của chúng tôi. Bây giờ đọc lại nhật ký của anh tôi mới nhớ ra trong truyện ngắn VDX tôi đã cho ông Vũ chết trong đoạn kết. Và trong bao nhiêu trang nhật ký liên tục, anh cứ nằng nặc đòi sửa lại kết cuộc vì theo anh.

Đọc tới câu này tôi cứ khóc hoài khóc mãi. Có lẽ nào không?? Chỉ là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên thôi chứ đâu lẽ nạo nếu hồi đo tôi chịu sửa lại kết cuộc thì anh đã không sớm ra đi.

TLVD

3 mẹ con: Hương - Trần Đình Duy An vả Mai Phương 

Giờ đây, mỗi lần thắp nhân trên bàn thờ anh hay nghĩ đến anh đang nằm sâu trong đất lạnh là tôi lại đầm đìa nước mắt, đau nhổ tâm can. Vẫn biết sinh, lão, bệnh, bệnh, tử là điều không ai tránh khỏi. Vẫn biết có hợp thì phải có tan. Vẫn biết cái chết là một phần của cuộc sống. Tôi đá nghiền ngẫm Hàn ngàn trang sách về luật sinh diệt của đất trời , về lẽ vô thường. của con người về buông xả, về an trú trong hiện tại, về tâm an lạc. Nhưng thiệt tệ quá. Tôi cứ tu hai bước thì lùi lai một bước 

Chín. Nỗi đau từ biệt vẫn canh cánh trong lòng. Cho nên, các bạn ơi, những người bạn Phan Châu Trinh, Nữ Trung Học mà tôi đã từng quen hay chưa hề quen biết, nếu các bạn đang may mắn sống bên ngoài yêu thương xin hãy cảm tạ ơn phước bạn đang có và trân quý nó. Theo thiển yếu của tôi, không gì quý bằng được sống với người mình yêu và yêu minh

từ thuở học trò cho tới lúc răng long đầu bạc. Xin hãy ngồi bên nhau, xin hãy cầm tay hậu,xin hãy nói với nhau những lời âu yếm nhất. Nếu không, mai đây , khi nghiệp duyên đã tận, muốn nói thêm một lời thương yêu với người bạn đời cũng là chuyện bất khả thi. Xin chúc phúc cho các bạn. Xin hãy đem hết tình thương yêu mà sống với nhau họ đến cuối cuộc đời.
 

Vũ Như An

 

nguồn : do Trần Đình Thắng chuyển đến