Về Thăm Trường Cũ

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

      

hs08

 

Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa
Cận lai nhân sự bán tiêu ma
Duy hữu môn tiền Kinh Hồ thủy
Xuân phong bất cải cựu thời ba

離別家鄉歲月多,
近來人事半消磨。
惟有門前鏡湖水,
春風不改舊時波。

Hạ Tri Chương

 

Ly hương tính đã nhiều năm
Bạn bè chừ điểm còn dăm ba người
Ngoài song Hồ Kinh mười mươi
Gió xuân y thuở, sông chừ y xưa

Laiquangnam dịch

                                           

Mới đó mà đã 45 năm kể từ ngày rời xa trường này. Thời gian trôi qua mau thật !. Năm 1960, lần đầu tiên tôi bước vào cổng trường Phan Châu Trinh với bộ đồng phục quần xanh aó trắng , phía trên áo , bên trái, có thêu tên trường và tên chính mình.

Sau 7 năm ra vào cổng trường này, thanh thản bỏ trường mà đi biền biệt. Rồi sau gần thập niên nghiệt ngã, lại bỏ xứ ra đi kể từ ngày mất nước. Mấy chục năm trôi dạt nơi xứ người. Nay nghỉ hưu, về thăm quê nhà và ghé nhìn lại ngôi trường xưa, mong nhớ được chút gì của “ ngày xưa mới lớn “.

Đứng dưới tượng bán thân cụ Phan , chụp nhanh vài tấm hình. Phải làm nhanh kẻo mai kia sẽ không còn kịp nữa. Có thể chỗ này sẽ bị san bằng và tượng sẽ được dời đến một nơi nào đó. Cũng có thể với tuổi đời 65 hiện tại, tương lai biết còn có dịp trở lại nơi đây ? Nhớ ngày xưa, cũng chỗ này đây, dưới bức tượng này, cả lớp chúng tôi , Đệ Nhất B 1,chụp hình kỷ niệm với thầy Cao Huy Hóa, giáo sư hướng dẫn lớp, cùng với thầy Nhuận. Đó là buổi liên hoan Tết Đinh Mùi 1967. Sau đó là chuẩn bị cho mùa thi Tú tài 2. Và đến cuối niên học là đàn chim rả đám bay xa. Đất nước trong thời chiến mà ! Có những con chim bị gãy cánh nửa chừng, trong đó có Nguyên, người bạn thân tình cùng lớp và cùng xóm. Hôm nay ví mình như con chim già, bay về mong đậu lại cành xưa. Tiếc rằng cành xưa đã gãy nhánh tự ngày nào !

Ngôi trường sao tàn tạ và hoang vắng, Nghe nói người ta sẽ phá hủy và xây dựng một công trình khác, phục vụ cho nhu cầu về tài chánh hơn là về văn hóa. Trường Phan Châu Trinh mới , đã được xây trên mãnh đất của Trường Nam Tiểu học ngày trước, đối diện bên kia đường. Tò mò tôi qua bên cổng trường mới nhìn vào, bắt gặp những khuôn mặt trẻ lại nhìn ra, làm nhớ đến câu thơ của nhà thư cổ Trung Hoa :

 

hh6

 

“ Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiểu vấn khách tòng : hà xứ lai ? “

 兒童相見不相識,
笑問客從何處來。

Trường Nam Tiểu học đã biến mất, cũng như ngôi trường Phan Châu Trinh xưa sẽ biến mất nay mai. Thời tiểu học, tôi học trừơng Hoà Vang khu Chợ Mới  Đà Nẵng, với thầy hiệu trưởng Thái Văn Tình và các thầy Trại, thầy Chính, các cô giáo Hường, cô giáo Mùi, thầy Minh. Tôi đã có duyên được ngồi hai lần tại trường Nam Tiểu học  với cái sân trường rộng mênh mông này : lần thứ nhất ngồi làm bài thi vào Đệ thất  trường Phan Châu Trinh, lần thứ hai là những ngày thi Tú Tài I. Cả hai lần đều có ý nghĩa trọng đại đối với tôi, vì nếu không đậu thì không biết cuộc đời mình sẽ chuyển hướng  như thế nào ? Chắc chắn sẽ khác xa ngày hôm nay.

Trở lại trường Phan Châu Trinh cũ, chụp vội thêm vài tấm hình những nơi mà suốt cuộc đời không thể nào xóa mờ được trong ký ức. Dãy phòng học chính, nhin ra đường Lê Lợi, ngày xưa chỉ là một tầng trệt ( sau này không biết xây lên lầu từ hồi nào ? ) với hành lang dài thăm thẳm trong ánh mắt của một anh học trò nhỏ thuở nào. Vào ngày trực, mặc bộ đồng phục áo trắng quần trắng, nhóm anh ta có nhiệm vụ đem sổ sách, văn thư đến tận tay các giáo sư đang dạy khắp lớp học, đọc và ký tên, sau đó mang về lại cho văn phòng, ở dãy nhà ngang, phía đường Nguyễn Hoàng, gần sân bóng rổ.  Các lớp đàn anh sao mà yên lặng và trang nghiêm quá, làm thêm rụt rè mỗi khi bước vào lớp trình sổ cho thầy cô.

Ngày đó lớp Đệ thất I Pháp văn của chúng tôi là phòng đầu tiên , ở trên lầu của dãy phòng học hai tầng, nằm song song với đường Thống Nhất, phía dưới là sân bóng chuyền. Dọc theo đường Thống Nhất là dãy nhà để xe. Góc ngã tư kế bên là nhà của gia đình thầy Duận, tổng giám thị, cũng nằm trong khuôn viên trường.

Ngày đó hiệu trưởng là thầy Nguyễn Đăng Ngọc, vị thầy năng động. Ngoài việc điều khiển trường có nề nếp trong việc học hành của học sinh, thầy còn lo tổ chức chu đáo trong các lãnh vực thể thao, văn nghệ, và cả việc học nghề nữa. Tôi có tham gia vào lớp học đánh máy chữ ( ngày đó rất thích thú với “ la méthode des dix doigts “ đã học được ), mỗi tuần 2 giờ tại phòng học kế bên gia đình thầy Ngọc trú ngụ. Người dạy là nhân viên của trường dạy đánh máy chữ tư thục, cũng nằm trên đường Lê Lợi gần đó.

Các thầy cô của lớp Đệ thất chúng tôi thuở ấy là thầy Mỹ, thầy Quế, thầy Kiểm, thầy Trừu, thầy Hậu, cô Như Hà, cô Liễng, thây Khánh, thầy Sơn...

Học trò chúng tôi có nhiều nhóm. Bọn tôi thuộc “ nhóm lớn “, bởi lẽ lúc trước đa số gia đình chúng tôi sống trong vùng Việt Minh tạm chiếm. Sau chúng tôi về thành phố trễ, nên đi học trễ, thường ngồi ở những dãy bàn cuối lớp. Trong nhóm “ đám Chợ Mới “có tôi, Nguyên ( người bạn thân đã ngã xuống trong cuộc chiến sớm nhất ), Đông, Vũ, Kiện, Hiếm, Hiên, Đạo...” Nhóm Cẩm Lệ “ có Xương, Ba, Lữ...” Nhóm Nại Hiên “ có Tịnh, Ninh ( hai ông bạn nối khố ), Hoa...” Nhóm Thạc Gián “ có Hồ ( thủ khoa ), Đài, Đỗ Tấn Sĩ ( bọn tôi thường chọc là mầy đã đỗ tấn sĩ rồi mà vào học Đệ thất ! )...” Nhóm trường Tàu “ có Thái, Dậu...” Nhóm Ngã Năm “ có Thuận, Hoà...Còn lại là nhóm học trò “ nhỏ “ có Trung Nguyên, Chí Nghị, Diệu Minh, Dương Nguyên, Tâm, Lân,Tăng ,Khôn, Được, Hân ...

unnamed3

Có một điều lý thú là về lần này , tôi đã được duyên may gặp lại một số anh em trong liên lớp 60-67, trong đó có cả anh chàng Đỗ Tấn Sĩ nữa. Anh khoe mới đỗ được bằng lái xe ! Anh em ở Đà Nẵng đã thành lập nhóm cựu học sinh trường Phan Châu Trinh liên lớp khóa  60-67 để tương trợ và họp mặt mỗi năm một lần. Nhìn những người bạn đồng môn, nay con cháu đầy đàn, trong nét mặt già nua vẫn còn ẩn chút tinh nghịch của ngày nào. Có những bạn bỏ học nửa chừng, “ lặn “ vô núi rừng hoạt động, trở về làm quan to, và ngược lại, có những bạn ngày xưa làm quan to bên “ phe ta “ , nay trở về trong tù tội, sống tạm  cho qua kiếp đời. Tuy vậy họ gặp nhau vẫn mày tau mi tớ, xem “ đời “ là chuyện nhỏ, tình đồng môn mới là đại sự. Cám ơn các anh Kiện , anh Chất, anh Đài và nhiều anh em trường Phan Châu Trinh 60-67 đã giữ được truyền thống đáng quí của trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng.

Chụp vội sân trường, nơi mỗi sáng đứng chào quốc kỳ trước khi vào lớp học  . Ngày đó vào mỗi năm học mới, vị trí các lớp xếp hàng ở sân trường mỗi chỗ khác nhau. Quanh quẩn đứng trong sân trường này bảy năm, thời gian khá dài so với tuổi trẻ lúc ấy, nhưng khá ngắn so với tuổi già bây chừ .

Nghe từ lòng đất từng hơi thở
Của học trò xưa thuở mến trường

( Thơ Trần Hoan Trinh )

Bảy năm tại ngôi trường với bao nhiêu là kỷ niệm .  Nhớ lại từng  khuôn mặt của bạn đồng môn . “ Thương điền tang hải “ ! Người ta không thể ích kỷ, ngồi đó để nuối tiếc “ dòng sông xưa với con đò bến cũ “, mà quên đi rằng cuộc đời phải thăng hoa cho các thế hệ nối tiếp. Mong rằng sự thăng hoa này đúng theo tư tưởng và đường lối tranh đấu của cụ Phan Châu Trinh đã để lại .

Giã từ ngôi trường cũ thân yêu ! Người nằm đó, trong thành phố này, thân xác đã rã rời, nhưng hồn người ở đâu ? Thật ra ta đã mất người kể từ ngày ta mất nước. Người với ta ai buồn hơn ai ?

Stuttgart, tháng 4 – 2012

Hoàng Bá Nhứt  ( PCT 1960 – 67 )

 

( nguồn : trích từ ĐS 60 năm  PCT )