Đà Nẵng yêu thương

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

DONGTAN

Đà Nẵng hai tiếng gọi rất trìu mến  mỗi lần nghĩ tới hay mơ về. Vì tôi có với Đà Nẵng một thời mới lớn và một thời trưởng thành , nên Đà Nẵng đối với tôi là cái gì thân thương nhất và nồng ấm nhất. Vì Đà Nẵng đã cho tôi khoảng trời xanh để bay nhảy, để ước mơ, và cũng chính Đà Nẵng đã cho tôi tình yêu dù là tình yêu đơn phương , không trọn vẹn .

Nói về tuổi mới lớn của tôi cũng chỉ là những buổi cắp sách đến trường Phan Thanh Giản, rồi đến Phan Châu Trinh.

Nói về ngôi trường Phan Thanh Giản, tôi nhớ đến thầy Lê Chí Vịnh, hiệu trưởng rồi đến những người thầy đã từng dạy dỗ tôi. Thầy Thông dạy Toán. Chính thầy đã dạy cho tôi biết rằng môn Toán không phải là cái gì quá khó để tiếp thu. Thầy Nguyễn Văn Xuân là một nhà văn với tác phẩm nổi tiếng một thời “ Nhớ Rừng “ , do đó chúng ta không lạ gì thầy dạy môn Việt văn rất hay. Thầy Lê Trung Hối dạy tôi môn Vạn vật. Đặc biệt thầy có giọng nói rất êm nhẹ như hơi thở và nét chữ, nét vẽ trên bảng rất đẹp.

THAYNVXUANThầy Nguyễn Văn Xuân

Nói về ngôi trường Phan Châu Trinh, tôi cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Nhớ nhất là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc. Rồi nhớ đến thầy Trần Đại Tăng, dạy môn Toán. Phải công nhận thầy Tăng dạy rất giỏi. Cách dạy của thầy rất thích hợp với các học trò “ cưng “ của thầy như các bạn : “ Hùng, Hỷ, Hải, Tuấn, Nghệ, Minh...” Muốn chạy theo cách dạy ( toán chạy ) của thầy thì phải học chăm, học gạo, học nhóm thì mới theo thầy nổi. Còn đa số chúng tôi muốn theo thầy cũng bở hơi tai. Nên chuyện tụt hậu là chuyện thường tình.

Nhớ cô Bội Hoàng dạy tôi môn Pháp Văn rất hấp dẫn. Với giọng đầm, giảng văn chương Pháp rất hay, chúng tôi nghe say mê luôn. Cô cũng có nét rất sang và đẹp. Tụi tôi thường gọi cô là Andromaque và chồng của cô là Pyrus. Tính cô rất thẳng , trị thẳng tay nếu ai làm cô phật ý mặc dù cô rất thương chúng tôi.

Nhớ cô Lữ Bá Diệp , dạy tôi môn Anh Văn. Chúng tôi thường đùa với nhau “ Bá Diệp là trăm lá, nói lái là tra lắm “. Chúng tôi biết nếu cô nghe được thì cô chửi chết vì lúc dạy tôi cô còn độc  thân.

Còn nhớ cô Kim Đính, dạy chúng tôi môn Vạ n Vật. Cô Đính tính tình rất hoà nhã nên được nam nữ học sinh thương mến. Cô có dáng quý phái, yểu điệu thục nữ và còn độc thân.

Cũng  nhớ cô An Hà Châu  vừa mới ra trường, được phân phối về dạy tại Phan Châu Trinh. Cô Châu cũng rất xinh, tính tình cũng rất nhu mì nữa.

Rồi nhớ đến những người con gái đẹp cùng trang lứa có tên Kim Phước, Thạch Trúc, Kim Phượng. Rồi tiếp theo nhớ đến Thu Liên, Thu Hà, Thái Thu...là những tên gọi trong ước mơ mà thôi, và biết rằng không thể nào trở thành hiện thực được , nhưng vẫn cứ mơ, cứ yêu dù tình yêu đơn phương.

Nhớ những ngày trường tổ chức cắm trại ở Mỹ Thị rất vui. Vui nhất là đốt lửa trại, chơi trò chơi lớn. Tối đến một nhóm con trai qua bên con gái chơi mặc dù có lệnh ngăn cấm “ nam nữ thọ thọ bất thân “ của ban tổ chức.

Nhớ đêm rước đèn Trung Thu, đi giữa phố phường Đà Nẵng. Thay vì lồng đen đề tên lớp Nhị B thì chúng tôi làm hai chữ BB, lấy tên một cô đào sexy nổi tiếng thời đó là Brigitte Bardot. Nhà trường biết nhưng cũng làm ngơ vì lạ gì tính tinh nghịch của tuổi học trò chúng tôi.

Những khuôn mặt bạn bè thân quen một thời mới lớn theo học Tam B rồi Nhị B như Phan Nhật Nam, khuôn mặt hao hao giống James Dean, rất xuất thần với vở kịch “ Bỏ Trường Mà Đi “  với câu bất hủ mà tôi còn nhớ hoài “Hắn đi xuống cuộc đời... “.

 

PNNAMphía trái : Phan Nhật Nam 

Rồi nhớ đến những khuôn mặt Hồ Công Lộ, Vĩnh Lai, Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Trác Diễm, Võ ý, Nguyễn Viết Tính, Mai Chánh Trí, Đặng Ngọc Khiết...Rồi những khuôn mặt học giỏi nhất lớp như Lê Tự Hỷ, Nguyễn Hữu Hùng, Tôn Thất Hải, Tôn Thất Tuấn, Trương Công Nghệ, Nguyễn Văn Minh...

Rồi nhớ đến 5 “ bông hoa lạc giữa rừng gươm “  của lớp Nhị B như Võ thị Thương, Phan thị Xuân Nguyệt, Phan thị Đoan Trang, Phan thị Kiều Nữ, Mộng Hiển..

Rồi nhớ đến những người đẹp tên Đông, Xuân của Phan Thanh Giản, Xuân Yến của Nguyễn Công Trứ, Kim Uyên của Sao Mai, Lạc Giao của Tây Hồ...

Nhớ rất nhiều những tên của những con đường Độc Lập, Lê Lợi, Duy Tân, Nguyễn Hoàng với những người đẹp Diệu Lan, Quỳnh Chi, Quỳnh Cư. Đặc biệt có Thánh Thất Cao Đài , Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản với người đẹp tên Ánh Tuyết. Quang Trung, Hùng Vương, Ông Ích Khiêm với chùa Tỉnh Hội...

Nhớ nhà ga xe lửa với người đẹp tên Nguyệt Thu. Nhớ Bến Bạch Đằng với người đẹp tên Lạc Giao. Nhớ Sông Hàn, Chợ Cồn, Ngã ba Cây Lan, nhớ Trẹm, nhớ Thanh Bồ, Đức Lợi với người đẹp tên Xuân Yến, nhớ Tam Toà với người đẹp tên Phú.

Nhớ Cầu Vồng. Nhớ Sân Vận Động Chi Lăng với những buổi đi xem bóng đá giữa hội nhà với các đội tuyển nổi tiếng từ Sài Gòn ra.

Nhớ cầu De Lattre, nhớ bãi biển Mỹ Khê, bãi biển Sơn Chà, nhớ Chùa Non Nước, Nhớ núi đá Ngũ Hoành Sơn với động thạch nhũ với nhiều huyền thoại thêu dệt.

 

CẦu DELATTRE

Cầu Thống chế De Lattre De Tassigny (Dài 520m), xây dựng năm 1951 bởi Hãng EIFFEL băng qua eo biển Tourane.

Khi Pháp rút về nước cầu được đổi tên là cầu Trịnh Minh Thế.

Nhớ nhà sách Sông Đà, nơi tụ hội của những người yêu chuộng văn học.

Nhớ phô tô Tân Mỹ, nơi tụ hội của nhóm bạn Phan Châu Trinh để nhìn ngắm dòng người đi qua đi lại trên đường phố mỗi chiều thứ bảy.

Nhớ phở Tân Tiến ngon tuyệt cú mèo, đặc biệt có món phở ăn với rau húng. Nhớ những lần đến quán Diệp Hải Dung để ăn kem.

 Nhớ Musée Chàm với nhiều di tích lịch sử văn hóa Champa.

 

MUSEECHAM

Nhớ những cuộc tình mà bản thân biết rằng ngoài tầm tay với nhưng vẫn cứ yêu, vẫn cứ mộng mơ..

Nhớ những ngày trở lại thành phố Đà Nẵng lần thứ hai. Ngoài việc tập sự Ban Cao Học Quốc Gia Hành Chánh, tôi được anh rễ của tôi nhường cho mấy giờ dạy Anh Văn ở trường Phan Thanh Giản. Có dịp gặp gỡ thầy trò trong những buổi sinh hoạt cuối tuần, không khí rất vui nhộn.

Trong thời gian này tôi có dịp gặp gỡ lại hay làm quen những người đẹp của Đà Nẵng. Tình cảm chúng tôi dành cho nhau rất thân thiết và đầm ấm . Để khi về lại sài Gòn đã để lại niềm thương nỗi nhớ mênh mang.

Thôi hãy để cho những nỗi nhớ dâng trào.

Thôi hãy để cho những lớp sóng Mỹ Khê, Sơn Trà tiếp tục  vỗ về biển cát êm ru những chiều mùa hạ.

Thôi hãy để cho hàng dương Mỹ Thị  ru mãi những khúc tình ca nồng nàn.

Thôi cứ để mưa nắng đi về trên thành phố cũ.

Thôi hãy để gió vẫn về với Ngũ Hoành Sơn .

Biết bao giờ trở lại quê hương  để có dịp ghé thăm lại Đà Nẵng , thăm phố xưa, thăm người tình cũ, không biết bây giờ còn hay mất ...

San Diego, CA. Hè 2005

Uyên Nguyên