Những Người Năm Cũ Ở Đâu Bây Giờ?

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Vi Hồng NK 56-63

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

(thơ VĐL)

Tinhoctro 01

Tôi không sinh ra tại Đà Nẵng nhưng lớn lên từ trường Phan Châu Trinh với tình thương yêu đùm bọc của gia đình người cô ruột mà lúc nào tôi cũng xem như cha mẹ đẻ thứ hai của tôi, cọng thêm với tình bạn mà tôi có được với bạn bè tại đây.

Tôi luôn nhớ về gia đình đó và ngôi trường Phan Châu Trinh thân yêu, cho dù xa đã quá lâu với những hơn hai phần ba đời người trong thăng trầm của mình và những biến động của cả đất nước, cộng thêm với việc chính tôi đã rời xa Đà Nẵng ngay sau khi đậu Tú Tài toàn phần để trở  về quê hương chính của mình, rồi đi lính. Về sau, đã có trở lại về thành, với những lần về phép hay công tác nhưng chỉ gần gửi với gia đình và một số bạn bè cũ nhưng khác lớp khác trường, và đến cuối năm 1972, tôi trở về lại Đà Nẵng để lập gia đình, cưới xong tôi “dông”, đã không có lần nào trở lại cho đến năm 2007, thì cảnh đã khác mà người thì càng khác hơn ( thanh hải biến vi tang điền). Tình cảm vẫn còn sâu đậm nhưng ký ức thì rất mập mờ.

Cũng để nói thêm, đây chỉ là hồi tưởng, mà hồi tưởng là nhớ lại những gì đã xảy ra, cho dù là những kỷ niệm vui buồn, nhiều lúc cứ nghĩ là không bao giờ quên, thật ra là nhớ không đúng. Nghĩ đến trường đến bạn, qua thời gian đã bị phai mờ đi rất nhiều. Nay muốn ghi xuống với giấy trắng mực đen, thì thực khó để bày tỏ hết cả nỗi  lòng của mình. Nếu cho rằng đời một người có nhiều ngăn, hộc chất chứa quá khứ với những kỷ niệm riêng biệt, thi ngăn tủ của ba  năm đệ nhị cấp thật ít ỏi, đơn sơ, còn thua ngăn tủ của thời con nít, không tranh giành, không đụng chạm ngoại trừ khi cùng đi theo sau một người đẹp nào đó.

Trường Phan Châu Trinh, thời đó là trường trung học công lập đệ nhị cấp, nằm trên đường Lê Lợi, phía bên kia đường là trường Nam Tiểu học, với những dãy lớp học mái ngói âm dương, sân trường hình như thấp hơn mặt đường, nhưng đầy bóng mát với những cây bàng, cây phượng to lớn, bao bọc quanh trường với hàng cây cổ thụ xanh tươi rậm rạp.

Trường tôi thì sân trường không rộng bằng, lại trải sạn cát lơ thơ vài cây bàng và phuợng mới trồng, còn bao bọc với những cột gỗ ngay chính giữa sân, đứng trang trọng với cột cờ cao, suốt năm tháng tung bay cờ quốc gia. Chính ở sân trường, mỗi sáng thứ hai, học sinh xếp hàng theo từng lớp, mặc đồng phục, nam sinh thì quần tây xanh áo sơ mi trắng, nữ sinh thì áo dài trắng thướt tha. Các giáo sư đứng trên bậc tam cấp. Tất cả thầy cô và học sinh làm lễ chào cờ và đều đồng thanh cất giọng hát bài quốc ca, âm thanh vang vọng trùm cả một vùng.

Cơ ngơi thì thật bề thế, mới mẻ, trần cao và thoáng mát với hai dãy lớp học và khu văn phòng. Dãy chính cao hơn sân trường trên một thước với ban-công thật rộng nhìn ra đường Lê Lợi. Lối lên bậc tam cấp, đối diện với cổng trường khi ấy còn rất thô sơ, với tấm bảng bằng tôn khung gỗ, ghi tên trường được dựng trên trụ xi măng vuông khá lớn.

Dãy lầu phía tay phải thấp hơn dãy chính chừng nửa thước, có lan can.  Dãy trệt bên trái là phòng Hiệu trưởng, văn phòng và một phòng lớp, có cổng phụ đưa vào văn phòng. Ba khu phòng lớp nầy đều lợp mái ngói cong màu đỏ. Có lối đi bên cạnh tới sân bóng rổ và phòng thí nghiệm. Đi quá nữa thì đến nhà riêng của thầy hiệu trưởng. Bên hông của dãy lớp chính có chỗ để xe đạp, sát phía sau là nhà vệ sinh, mái tôn, cửa tôn thấp lẻ tè. Quanh khuôn viên trường là hàng rào kẽm gai không dày lắm có thể chui qua được.

Với lũ học  trò chúng tôi, Ngã Năm là trung tâm sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng, vì là nơi chúng tôi thường lui tới, khi có được vài đồng, rủ bạn bè đến đây. Ở đó, có những tiệm chè đậu xanh, đậu đỏ, sâm bổ lường nổi tiếng. Có cả đu đủ bào bò khô, mì Hải Nam, cao lầu , kem Diệp Hải Dung, rạp cinê Lido, mà ngày cũng như đêm ồn ào, tấp nập. 

Trong khi đó, trường Phan Châu Trinh là trung tâm giáo dục, vì có trường Phan Thanh Giản, Nguyễn Công Trứ quanh năm học sinh rất đông đúc, sáng chiều khi vào lớp hoặc khi tan học, tiếng nói cười còn chưa vỡ giọng. Sau lưng là đường Duy Tân cũng cây dài bóng mát, trại Nguyễn Trưởng Tộ (Công binh kiến tạo) đối diện, bên kia đường, tuy là trại lính nhưng không ồn ào làm động tới các lớp học. 

Sát bên phía trường là đường Thống Nhất thật dài, chạy từ bờ sông Bạch Đằng cho tới Ngã Ba Cây Lang. Đâm thẳng vô trường nhưng bị cắt cụt là đường Nguyễn Hoàng, nhưng chạy về phía bên kia đến Ga Đà Nẵng, đi ngang qua Nem Mụ Đệ, cuối đường là nhà của Lê Mậu Thăng. Lại còn có đường Lê Thánh Tôn ngắn ngũi nối liền Nguyễn Thị Giang và Lê Lợi. Kế bên đường Lê Thánh Tôn là đường Quang Trung, chạy về hướng Tam Toà. Qua khỏi đường Ống Ích Khiêm, đường Quang Trung thành đường Trần Cao Vân, ngang qua Thạch Thang có ngôi nhà tranh vách đất của bạn Nguyễn Văn Báu.

Có ai nhớ không,  xéo ngã tư là khu Mả Tây nằm  trên đồi, dưới chân là tư dinh của bác si Trần Đình Nam, với bác y tá trưởng hai buổi sáng chiều  đón chào học sinh với nụ cười rộng mở, đối diện là nhà của Lê Trung Đình, quá lên thêm là trường dạy đánh máy, lái xe và nhà của người đẹp Phước Khánh, trước nhà mọc lên những cây si lớn (thầy) nhỏ (trò), nghe đâu sau nầy bị chặt trụi hết!

Nhớ về trường Phan Châu Trinh thôi đó mà không có nghĩ

về thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc thì vô cùng thiếu sót, như nhớ về ngôi nhà của chính mình mà không nhớ cha mình. Ví von như vậy không có gì quá đáng, vì khi ấy, thầy đã hơn bốn mươi, còn học sinh thì chắc không mấy ai trên hai mươi. Thầy rất nghiêm, ít khi thấy thầy cười mà cũng không thấy thầy nhăn. Các giáo sư đều tôn trọng và kính nễ thầy, còn học sinh thì kính sợ thầy, nhưng hồi đó, chúng tôi thì thầm với nhau là thầy có phần nễ trọng cô Bội Hoàn hơn các thầy cô khác, vì có một lần chúng tôi thấy thầy đứng ở bậc tam cấp, còn cô thì đứng ở trên lối chính khi nói chuyện.

Trong giờ học hoặc giờ ra chơi, thầy thường đi trên hành  lang của hai dãy lớp học, mà các thầy thì như giảng bài  một cách thật tận tụy, còn học sinh thì như ra vẻ chăm chú, yên lặng và thông hiểu lời thầy cô đang giảng. Giờ ra chơi, không ai dám quậy phá hay ồn ào khi thấy thầy Ngọc từ xa. Thầy rời trường khi chúng tôi đang học Đệ Nhất. Hồi ấy có tin đồn thầy bị “thất sũng”. Thầy đã trải qua những ngày đêm Tết Mậu Thân ở Huế, và sống qua hơn mười năm dưới chế độ “mới”. Ba bốn năm gần đây, chúng tôi đều thăm viếng và chúc Tết, chúc thọ Thầy và Cô..

Có đến nhà Thầy mới thấy được học sinh bày tỏ lòng biết ơn Thầy qua các tấm liễn, tranh thêu và hình kỷ niệm. Mấy năm trước đó, khi thầy Ngọc còn khỏe mạnh, chúng tôi thường mời thầy đến dự những bữa tiệc tại nhà bạn Phùng Ngọc Thọ. Khi thì bạn Trương Văn Thương , khi thì con của thầy, là Trúc đưa từ San Diego lên, đường xa cả hơn hai trăm cây số, lúc nào bạn bè của lớp chúng tôi cũng có mặt đông hơn các lớp khác.

Giờ đây thầy hoà nhã, thăm hỏi từng bạn thật nồng hậu. Có lần sau khi nghe bạn Nguyễn Phương Minh chúc Tết, Trúc cảm động đến khóc tức tưởi, không nói được hết lời cám ơn. Tình thầy trò rất vô cùng quý mến, mong rằng ở nơi nào đó cũng có nhiều ông hiệu trưởng như thầy Ngọc và có nhóm học sinh như chúng tôi.

Nay thầy Ngọc đã hơn 80 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn đánh tennis và thường dự các buổi lễ chính của trường.

Riêng tôi có một kỷ niệm với thầy mà không chắc có mấy ai có, tuy không còn nhớ rõ khi nào, có thể đang năm Đệ Nhi. Lớp học là phòng cuối dưới  đường Lê Lợi. Tôi ngồi bàn thứ hai phía bên phải, gần cửa ra vào. Bàn tôi ngồi có tấm  ván kệ không đóng đinh mà tôi vẫn thường dộng rầm rầm. Giờ ra chơi tôi đang phá bàn thì Thầy đi ngang bất thình lình nên không ai báo động kịp. Thầy kêu ra, vặn tai. Tôi sợ quá quên đau luôn. Thầy la “pha hạ!, pha hạ! rồi bỏ đi. Tôi không bị Thầy đuổi ra cổng hay bảo trình diện thầy Tổng Giám Thị Trần Hữu Duận. Tôi chạy vô lớp cứ y như mèo bị  xẻo tai.

Tôi có nhiều bạn thân học cùng lớp, chẳng biết có còn nhớ đến nhau không, bởi vì “vật đổi sao dời”. Dù sao đi nữa, chúng tôi là học sinh của một thời kỳ đặc biệt. Lớp tôi là lớp lớn nhất trường luôn hai năm, lại thêm là học sính đã thi Tú   tài Bán phần đầu tiên tại Đà Nẵng và ngay tại ngôi trường của mình, rồi năm sau đó là thi Tú tài Toàn phần cuối cùng có thi vấn đáp tại Huế.

Đó là những học sinh các lớp ĐỆ TAM B2, ĐỆ NHỊ B2 và ĐỆ NHẤT B2.

Cũng nên bắt  đầu với năm 1960, lớp Đệ Tam B2, một năm rất đặc biệt vì bắt đầu cả một chuỗi dài đầy biến động cho đến… ngày nay. B2 là Khoa học Toán với sinh ngữ chính là Anh Văn. Môn mới là Hình học Không gian, lại thêm Lượng giác. Cả bọn học trò chúng tôi ai cũng thấy mình lớn hẳn lên , quan trọng cả lên, vì ta đây bây giờ là Đệ Nhị Cấp lận. Rồi lại cho tự chính mình nghỉ xả hơi cho cả năm Đệ Tam này vì vừa tốt nghiệp bằng Đíp lôm.

Bốn lớp Đệ Tứ trở thành bốn lớp Đệ Tam: A, B1, B2 và C. Lúc nầy trường có nhận thêm một số học sinh trường tư vào. Phan Thanh Giản có Phạm Sĩ Liêm, Quách Thưởng, Nguyễn Văn Báu và Nguyễn Phu (tự Phúc cầu thủ đá banh nổi tiếng);  Nguyễn Công Trứ có Đặng Thị Diệu Cầm, Lê Tự  Cam, Lê Văn Thanh và Nguyễn Vạn Hồng. Sao Mai thì vừa mới mở, chưa có Đệ Tứ. Chị Trần Thị Hoài từ Tây Hồ, nhưng sau đó chuyển qua ban C. Đó chỉ là những học sinh vào lớp Đệ Tam B2 thôi, chứ B1 và C thì cũng có nhiều, ban A thì riêng học sinh PCT từ Đệ Tứ lên cũng đã đầy cả lớp rồi, không nhận ở ngoài vào, nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ.

Lớp B2 chúng tôi có tới bảy (7) người là những nhà nữ toán học, nữ khoa học gia tương lai, hơn hẳn lớp B1, chỉ có một nữ lưu thôi. Các nữ tướng nầy rất đoan trang, thuỳ mị, chăm chỉ học hành, tuy nhiên không có ai là nổi tiếng về sắc về tài toàn trường hay Đà Nẵng. (Tôi nhớ là có 7 nữ sinh vì tôi ngồi bàn thứ hai với hai nữ sinh).

Đa số thầy cô dạy ở Đệ Tứ, vì còn thương nhớ chúng tôi nên lên theo chúng tôi mà dạy tiếp, như  thầy Tòng, thầy Viên, thầy Hoàn, cô Kim Đính…, chỉ có thầy Hậu, cô Bá Diệp là  mới. Qua năm Đệ Nhị có thầy Trần Đại Tăng, thầy Đặng Như Đức, thầy Tôn Thất Lan, thầy Lê Quang Mai, thầy Đặng Xuân Nhi, cô Bội Hoàn… Lên Đệ Nhất, cô Gia Lai, thầy Trương Đình Thiện, thầy Nguyễn Ngọc Kỳ. Tôi nghĩ là tôi không nhớ rõ lắm!

Tôi phải nói rõ là tôi không có tài thánh nào mà nhớ hết hay gần hết các bạn bè học cùng lớp. Có được danh sách nầy là nhờ vào tấm hình cả lớp chụp vào ngày 30/3/1961 do bạn Lê Quý Phương còn lưu giữ và sao tặng cho các bạn học. Tôi tin là rất quý vì là kỷ niệm của hơn 40 năm về trước. Nhờ vào tấm hình nầy do bạn Phạm Ngọc Lâm gửi qua,  bạn Đặng Văn Vững tặng lại tôi. Từ đó ở bên này được bạn Phùng Ngọc Thọ sang thành nhiều tấm khổ lớn cỡ 30x40, và cũng nhờ bạn Phạm Ngọc Lâm và nhiều bạn khác đã tốn công nhận diện và đăng trong tập Kỷ Yếu của liên lớp, công của các bạn này thật vô cùng lớn, vì tới cái tuổi này, khi mà con cái của chúng tôi đều lớn hơn bọn chúng tôi lúc đó, thậm chí có bạn có cháu nội ngoại hơn hẳn tuổi của nhiều chú bác khi ấy, thì quên cũng thường tình thôi.

Bên nữ: Kim Hằng, Bích Yên, Đặng Thị Diệu Cầm, Kim Phụng, Đặng Thị Yến (thiếu hai nữ sinh, thiếu Nguyệt Nga?)

Bên nam: Đỗ Bá, Nguyễn Văn Báu, Phan Văn Báu, Bùi Khắc Bé, Nguyễn Văn Bửu, Lê Tự Cam, Tống Văn Chân, Dương Phú Chung, Võ Công, Nguyễn Dân, Trần Văn Đệ, Lê Trung Đình, Phan Độ, Trần Đình Đồng, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Văn Hồng, Hoàng Văn Huấn, Đỗ Mạnh Hùng, Ngô Ngọc Huynh, Nguyễn Văn Khiết, Nguyễn Kiểm, Phạm Ngọc Lâm, Phạm Sĩ Liêm, Đỗ  Văn Liễu, Nguyễn Văn Lý, Hồ Dương Mình, Nguyễn Phương Minh, Nguyễn Nam, Tô Tiến Nam, Ngô Văn Nhạn, Phan Đình Ngọc, Ngô Duy Phan, Nguyễn Văn Phước, Lê Quý Phương, Phạm Phú Quý, Trần Quốc Sứ, Lê Văn Thành, Nguyễn Xuân Thao, Lê Mậu Thăng, Nguyễn Ngọc Thất, Phùng Ngọc Thọ, Trương Văn Thương, Quách Thưởng, Lê Khoa Toàn, Huynh Phước Toàn, Nguyễn Tuấn.

Các bạn: Nguyễn Văn Ca, Bửu Hoài, Lê Văn Lân, Võ Văn Thông và Nguyễn Ngọc Trai,  Vũ Đức Ái không có mặt trong tấm hình này. Theo học bạ mà bạn Phương còn cất giữ, thì tổng số học sinh Tam B2 là 61, như vậy vẫn còn thiếu đến bốn bạn nữa.

Đa số chúng tôi đều học lên năm Đệ Nhị, có Trương Văn Thương vào Sài Gòn, thêm một số bạn mới vào như Lê Văn Thẩm, hoặc học lại như Trần Xê, Đặng Văn Vững, Nguyễn Đăng Hoa… Chúng tôi đậu Tú Tài Bán khá đông, học tiếp lên Đệ Nhất, có Nguyễn Phương Minh vào Sài Gòn, cũng có nhận thêm một số từ trường tư như Kim Thoa, Liên, Lộc, Coại… Những năm học này là những năm bình yên nhất của đất nước. Tuy bị chia cắt, nhưng miền Nam vẫn là một quốc gia độc lập như các nước Âu Mỹ. Pháp không còn ảnh hưởng, ngoại trừ về văn hoá, giáo dục. Hoa Kỳ thì giúp đỡ tài vật tái thiết đất nước sau chiến tranh. Dân chúng không quá đói khổ. Khi ấy, Đà Nẵng có nhiều gia đình giàu, nhưng không thiếu những gia đình nghèo. Tuy khổ cực cha mẹ vẫn cố gắng cho con cái đến trường, vì tất cả đều thấy rằng học vấn là bước thang dẫn đến danh vọng.

Học sinh chúng tôi đều kỳ vọng vào “y, dược, kỹ, sư, hành” tức bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, sư phạm và hành chánh. Biết như thế, nhưng bọn học trò chúng tôi thì ham vui hơn ham học, cho nên sau này nhìn lại, không thấy có mấy ai thành danh.

Ngay năm sau khi rời trường, đã có một số bạn đậu vào các trường chuyên môn, hoặc học lên đại học. Một số tình nguyện vào trường quân sự, và những năm sau thì cũng lần lượt nhập ngũ, mà đa số là vào Thủ Đức vi đáo hạn tuổi. Đặc biệt có Nguyễn Kiểm đi Không Quân, Lê Phú Chung đi Đà Lạt ngay khi đang học Đệ Nhất. 

Lớp chúng tôi đã có nhiều bạn hy sinh trong cuộc chiến. Giờ đây nghĩ nhớ lại thấy lòng mình chùng xuống, vì cũng một thế hệ, cùng chí hướng mà nay kẻ còn sống thì xót xa cho linh hồn những người đã mất, nay vất vưởng về đâu trong đất nước họ đã được sinh ra nay không chấp nhận họ.

Tôi chỉ là một học sinh tầm thường, lẫn lộn giữ đám đông, nên chẳng có nhiều kỷ niệm với các thầy cô, nhưng vẫn còn nhớ là khi thi Tú Tài bán phần, vào vấn đáp môn Vạn Vật, được cô Phùng Khánh cho chọn đề , thi tới ba lần mới thấy mình thuộc sơ sơ để trả lời. Cô có thể cho điểm an ủi. Cũng lại vào vấn đáp Pháp văn Tú Tài toàn phần, gặp thầy Việt. Thầy  nhận ra học sinh PCT, liền liền cho đủ điểm để được đậu.

Còn khi học Triết với cô Gia Lai, cô giáo thật trẻ này dạy lớp Triết đầu tiên ở trường tôi. Khi giảng bài hay khi nói chuyện với học sính, cô xưng cô và gọi chúng tôi là em và các em thật ngọt xótt. Một lần cô cho chúng tôi viết bài luận lý trong lớp, tôi nhờ có sưu tầm những câu danh ngôn, nên tôi dùng một câu nói của Descartes là “ không có phương pháp thì người tài cũng lạc lối và nếu có phương pháp thì người bình thường cũng làm được những việc phi thường “, viết đến hai trang giấy . Tuần sau cô lấy bài luận của tôi đọc cho cả lớp, mà trong đó có hơn hai mươi chữ “cũng như”. Càng nghĩ lại thì càng nhớ Thầy Cô và bạn bè.

Bạn cùng lớp đông nhiều như thế, nhưng thân với nhau lại thành từ nhóm nhỏ. Nhiều bạn tôi thân với tôi, lại thay đổi theo năm học, vì ngồi chung bàn, vì hợp tính. Bây giờ nhớ lại, không còn nhớ mình thân với ai khi nào. Chỉ nhớ là ở lớp Đệ Tam B2, thân với Trần Quốc Sứ (hỗn danh: “Ống Nhổ”). Tôi thường hay tới nhà chơi, nhà bạn ở trong khu Chateau D’eau, nằm gần sân vận động, thường tụ tập vừa học vừa chơi với vài bạn học từ các trường khác, như Nguyễn Thanh, Trần Ngọc Tùng, Hồ Ngọc Phố, Lê Văn Tiến, các bạn này của tôi không có học Phan Châu Trinh.

Sứ có người anh học trên tôi một lớp , và em gái cũng học cùng trường, nhưng sau ba lớp. Khi đến nhà chơi với bạn, thấy bạn có nhiều sách truyện, không để ý lắm, sau này mới biết là các nhà sách tặng. Trương Văn Thương , khi gặp bạn bè vẫn thường kể chuyện đấu võ với Sứ, hình như hồi còn học Đệ Ngũ, Đệ Tứ.

Trong lớp học tôi ngồi cùng bàn với Bửu Hoài, Nguyễn Tuấn, sau một thời gian thì đổi chỗ, sang ngồi bàn thứ hai sau các nữ sinh. Trong suốt ba năm học, tôi cũng khá thân với Nguyễn Tuấn. Sau khi rời trường, Tuấn học Dược ở trong Sài Gòn. Tôi thường lui tới khi bạn ấy ở trọ chung với vài sinh viên khác ở trong ngõ hẽm xéo trước chợ Phú Nhuận. Có một lần tôi về lại Đà Nẵng, tình cờ đi ngang qua một pharmacy trên đường Nguyễn Hoàng, thấy tên dược sĩ Nguyễn Tuấn. Cứ tưởng bạn mình có ở đó nên ghé vào thăm, thì mới biết là bạn chỉ đứng tên ở tiệm thuốc tây đó thôi, mà bạn thì lúc đó đang ở trong bệnh viện Quân y trong Quảng Ngãi.

Thời đi học, bạn ta si tình người đẹp tròn trịa, trắng trẻo, có đôi mắt nai. Có lần Tuấn  và tôi đi uống cà phê, sau đó Tuấn chở tôi đến nhà một người nói là nhờ gởi thư về Đà Nẵng, đến nơi thì tôi gặp lại cố nhân của tôi, sau hơn bao năm xa cách, (chuyện ngày xưa, xem qua xin bỏ ngoài tai).

Một bạn thân khác là Phạm Sĩ Liêm, một người rất thông minh, chăm học, tính tình rất tốt, rất đàng hoàng  đúng đắn, không phá phách, không “nổi” trong lớp, thật đúng là bạn “học” của tôi, vì tôi thường đến nhà anh ở trọ trước trường Nguyễn Công Trứ để học và làm bài chung. Tôi ngồi cùng bàn với anh Nguyễn Văn Báu, có một dịp anh rủ tôi về quê anh ở Nam Ô chơi cuối tuần vào mùa hè. Gió thật mát và nồng thơm biển cả. Trăng thật thanh và sáng hơn nhờ thả bóng trên đại dương. Khi ra Huế, cùng ở trọ một chỗ dự thi Tú Tài 2, Liêm thi đậu Bình thứ, còn tôi thì rớt. Nếu trong lớp có nhiều bạn học giỏi nổi tiếng, như Đỗ Bá, Phan Độ, Lê Tự Cam, Lê Văn Thanh…, thì bạn Liêm của tôi là người học thật giỏi… nhưng không nổi tiếng. Tôi tin là với môn Toán, Liêm B2 và Hanh B1, kẻ tám lạng người nửa cân!

Thực tình mà  nói, số bạn cùng lớp tôi gặp lại bên này còn nhiều hơn các bạn đã gặp trước đó sau khi rời trường. Đọc qua danh sách, nhìn kỹ từng khuôn mặt, tôi không nghĩ là mình nhận ra được một nửa, nửa số còn lại thì may ra còn nhớ tên, và một phần tư thì hoàn toàn không biết tới. Xin các bạn cùng lớp thông cảm cho kẻ bạc tình này! Hơn chín năm tù, tôi chỉ gặp có DP Chung ở Xuân Lộc và thầy Trương Đình Thiện ở Vĩnh Quang (Vĩnh Phú).

Người bạn của tôi thân nhất là Trần Xê, anh lớn hơn tôi nhiều tuổi, học lại lớp Đệ Nhị B2, cùng với Đặng Văn Vững và Nguyễn Đăng Hoa. Anh thật hiền lành, đứng đắn nhưng vui vẻ, hoà nhã, thân thiện. Anh là một hướng đạo sinh kỷ cựu.

Không nhớ là tình bạn bắt đầu từ lúc nào, có lẽ khi đi học anh đi ngang nhà, cùng chào hỏi vậy làm quen. Trong lớp anh ngồi bàn sau cùng với Vững, Hoa và cả Nguyễn Văn Bửu nữa, gọi là “xóm nhà lá”. Cũng như Trần Quốc Sứ, anh nhận mấy người bạn của tôi thành bạn anh luôn. Tôi thường đến ở lại đêm để học bài và cùng ăn bánh mì nóng dòn mới ra lò. Hai bác thương tôi như con cháu trong nhà. Chị Thời và Vân xem tôi như anh em, rất nhiều khi ăn uống với gia đình.

Có một mùa hè, anh về quê tôi (xa lắm) chơi cả hai tuần. Đêm thì đốt đuốc mù chai cuộn lá dừa khô, lội nước bùn đi soi bắt ghẹ, đem về luộc ăn với cơm nguội. Ngày thì uống nước dừa xiêm và ăn xoài mới chín đỏ dạ, với nước mắm sệt đường và ớt.

Nhớ nhất là anh vào Sài Gòn thăm tôi khi tôi ra tù, đãi tôi và xếp cũ của anh (là bạn tù và cũng là cột chèo của tôi) một bữa thịnh soạn tại nhà hàng Tàu trong Chợ Lớn. Vợ anh là em gái của Hồ Dương Minh. Chị mất cách nay vài  năm. Về thăm anh lần vừa qua, thấy anh nay đã già đi nhiều và mang nhiều nét trầm buồn xa xăm không còn tính hồn nhiên của ngày nào.

Một người bạn học khác rất đặc biệt, nhân dịp này tôi rất muốn nói chuyện với anh. Nhưng trước khi dài dòng với anh, tôi muốn kể chuyện một người bạn viết về một người bạn học cùng niên khoá. 

Anh viết như sau: “Trong phái đoàn trao trả tù binh ở bờ sông Thạch Hãn, anh xuất hiện với quân hàm sĩ quan Quân Cảnh, và anh đã quyết định theo đoàn tù tự do hành quân thẳng về Bắc Việt. Một sự kiện khá độc đáo trong cuộc chiến.”

Sao anh không viết thêm để chúng tôi biết, là sau tháng Tư 75, anh bạn kia về lại Đà Nẵng sinh sống như thế nào? Có kể cho ai nghe về những ngày tháng anh ấy sống ở miền Bắc “thiên đường mộng tưởng” của anh ấy, đã được đối xử như thế nào?

Không biết anh bạn có hay biết gì về chuyện tàu Việt Nam Thương Tín chở những người trở về lại sau khi đã chạy qua đảo Guam không? Hay đã biết đó chỉ là “bọn ngụy (ngụy quân, ngụy quyền và dân ngụy) được CIA đưa về lại  để chống phá cách mạng”,  nên phải bị trừng trị. Tôi thì tin rằng đó là “quá” độc đáo và không chê trách anh bạn ấy vì có khi, nếu được ai đó tuyên truyền xúi giục, thì có thể cũng làm như vậy, nay thì chắc là anh ấy đang “ngậm ngùi nơi chín suối “.

Anh bạn học này, tính tình và học vấn rất đáng được khâm phục. Anh học xong đại học còn tôi thì thành người lính chưa có lần nào gặp lại nhau. Sau biến cố lịch sử đó, tôi ở tù”trong” và chắc anh không nhận là ở tù “ngoài”, nhưng có lẽ hai chúng tôi đều cùng học mười bài cải tạo căn bản, cũng ăn bo bo và bột mì theo tiêu chuẩn. Anh được tiếp tục làm công việc của anh, các con anh được học hành. Còn gia đình tôi thì chạy vào Sài Gòn, tôi theo lệnh trình diện “học tập cải tạo “để được sự khoan hồng của cách mạng”. Vợ tôi bồng bế hai con về lại, khi thì quê nội khi thì quê ngoại, để gởi gấm hai cháu mà chạy ngược xuôi đắp đổi kiếm miếng ăn cho hai con còn nhỏ. Lúc nào kiếm được thêm thì lo mua sắm lặn lội ra tận trại giam ngoài miền Bắc để tiếp tế cho chồng.

Nghĩ lại tôi thấy vợ tôi cũng như hàng trăm người đàn bà khác, chịu trăm ngàn lần cực khổ tủi nhục hơn các ông chồng ở trong tù. Đến khi hai con tới tuổi đi học, thì dắt díu nhau vào lại Sài Gòn, sống chui rúc, gởi hai cháu cho các Sơ nuôi, ngày thì học, đêm thì tìm chỗ cho các cháu ngủ, nhiều khi bị ruồng xét, thì các Sơ dẫn cháu núp trốn, chỉ vì không có “hộ khẩu”.

Trời ơi, tôi quá căm tức với tiếng này. Hộ khẩu, như cái miệng ăn, đợi bố thí, phân phát. Gia đình, tình đùm bọc của ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô chú bác, cậu dì. Hộ khẩu là duy vật, phi nhân. Gia đình là duy tâm, nhân bản. Nhiều người cho rằng  Việt Cọng đem cải tạo tất cả quân cán chính nhiều năm nhiều tháng mà không có kết quả gì, vì kẻ cướp thì chỉ biết có cướp của, giết người, giam hãm, trù dọa, chứ làm sao mà dạy dỗ, chẳng lẽ dạy cho nạn nhân của chúng thanh bọn cướp cả sao. Một bọn thổ phỉ cướp nhà, đuổi cả gia đình rồi lại kêu gọi “hoà giải hoà hợp”, chỉ theo điều kiện của chúng.

Riêng tôi, thì tôi học được sự căm thù. Trước năm 1975, tôi không có chút gì là căm thù, chống nhau vì ở hai chuyến tuyến, có chết chóc, có thắng bại. Sau tháng Tư tôi trình diện để đi tù vì thơ ngây nghĩ rằng hết chiến tranh thì buông súng, chịu khó cải tạo thì được về sinh sống bình thường. Thành ra ở tù hơn chín năm, cũng  đáng cho cái tội “ngu”.

Nói vậy, chớ ngay cả một vị thầy dạy của tôi đội mũ cối vào trại tù thăm người học trò mà ông thường và giúp đỡ nhất, đã khuyên rằng “học tập tốt mà về sớm”. Sau đó, chính thầy lại nói thầy” không ngờ  cái bọn đó  dã man tàn ác quá” khi anh bạn của tôi đến thăm lại thầy sau khi ra tù. 

Việt Cọng căm thù chúng tôi vì chúng cho rằng chúng tôi là phản động, là phản cách mạng, kẻ thù của giai cấp, cần phải trừng trị thích đáng. Còn tôi thù Việt Cọng vì Việt Cọng đã và  đang hủy diệt dân tộc: sinh linh, đạo đức, xã hội, tài nguyên của đất nước, không căm thù riêng người này kẻ nọ mà là cả bọn.

Tôi không nghĩ là chỉ tâm sự với anh mà cả những người khác nữa. Lần trở lại Đà Nẵng, đi thăm mộ một người bạn, thấy hình ảnh trên mộ bia, mặc quân phục mà hai mắt bị đục khoét. Nỗi giận dữ trong tôi như sùng sục, vì nhận ra rằng Việt Cọng còn căm thù cả những người đã chết!

Giờ đây, gia đình tôi ở nơi quê hương thứ hai này, tôi vẫn còn làm việc nặng nhọc để có đủ sống , hai cháu lớn sinh trước 75 đã có việc làm cũng đủ tự lo cho gia đình riêng. Cháu út được 14 tuổi, sanh ở bên này. Nếu chẳng thoát được, thi số phận của cả gia đình tôi cũng chẳng khác gì của số đông các bạn học còn kẹt lại.

Còn anh thì sao? Anh được trọng vọng và trọng dụng trong cả hai xã hội cũ và mới. Trước thì khá giả nay thì giàu sụ. Nhà cao cửa rộng, vì anh là một chủ nhân ông của một đại công ty với mấy trăm thợ, con của anh, một cháu là kỹ sư trưởng đang xây cất một toà lầu mười mấy tầng, cháu thứ hai thì tốt nghiệp tiến sĩ, đang sinh sống tại đất nước Hoa Kỳ này.

Tại sao anh thành công đến như vậy khi mà các bạn của anh dở sống dở chết! Tôi tin là anh đã đi qua lại Hoa Kỳ như đi chợ nhưng không biết có đủ cho anh thầy được nếp sống của người Mỹ không? Họ có quá tự do như có tỷ lệ phá thai, tỷ lệ li dị cao nhất thế giới, không có nạn ấu dâm, không có phụ nữ làm vợ hay tôi mọi cho các đàn ông xứ khác, không thanh thiếu niên dưới 18 tuổi uống rượu, hút thuốc, cờ bạc thả giàn và công khai, không có đút lót, hối lộ, bóc lột như anh và  thợ của anh. Hay anh chỉ thấy toàn là trụy lạc, sa đọa với hút sách, cướp của giết người, đồng tính, kỳ thị, các quyền làm người căn bản bị chà đạp!

Có nước nào trong thế giới này mà bọn lãnh đạo lấy máu xương của dân lành để gây nội chiến, đấu tố những người có tiền của, vơ vét tài nguyên đất nước, trả thù tàn tệ những ai không theo chúng, nhượng đất nhượng biển cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, mà luôn miệng cho là mình không bao giờ sai. Có được mấy nước khoe trương “nhân dân làm chủ, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý”.

Anh là một trí thức, một người có học. Tôi tin là anh đã thấy những gì đã và đang xảy ra, anh cũng muốn thầy đổi, nhưng với những đặc quyền đặc lợi mà anh và gia đình anh đang hưởng, cùng với những người giống như anh, đã và đang nhắm mắt làm ngơ và cho là có thể có thay đổi, rồi sẽ chỉ xảy ra ở những đời sau!

Với tâm tư nặng trĩu, tôi mượn bốn câu thơ sau, trong một truyện ngắn của Y Uyên (trước 75) để kết thúc:

     “Ta yêu người cầm như đã chết

     Nên làm sao thấy được nụ cười 

     Ta đã nguyện ngồi làm bia đá

     Bia đá mòn nhưng tình không nguôi”

Vi Hồng NK 56-63

(Do Trần Đình Thắng gởi tới)