Nỗi Buồn Mộ Chí

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 truong lang day ky niem

Tôi theo học những năm đầu tiên của tuổi thơ tại ngôi trường được cất trên một khu đất khá bằng phẳng, ở bìa làng . Bên hông và đàng sau khu đất ấy là gò đất đỏ có cái tên rất khô khan buồn bã : Gò Cốc. Không giống như vùng cao nguyên hay miền Đông Nam Phần , đất đỏ miền Trung quê tôi chẳng làm gì được ngoài việc dùng để chôn cất người trong làng sau khi họ “ nghỉ chơi “ trên cõi đời buồn nhiều hơn vui này .

Mồ mã có lẽ đã có trên Gò Cốc đã từ lâu lắm rồi , trước cả lúc Ba tôi bỏ quê, một thôn làng ven sông, Ái Nghĩa ở Đại Lộc, phiêu lưu ra miền biển gặp người ông yêu thương và ông đã chọn nơi đây làm quê hương  của Mẹ tôi. Khi tôi đến học ngôi trường làng, Gò Cốc chẳng bao lâu đã biến thành hang ổ nghịch ngợm của tôi  và lũ bạn ôn dịch. Chúng tôi thường đến trường vào buổi đứng trưa để chuẩn bị cho giờ học buổi chiều. Cả một thời gian dài từ trưa đến xế , không nói ai cũng biết chắc mẩm rằng chúng tôi làm gì ở đây .

Những ngôi mộ làm bằng xi măng là nơi chúng tôi hay lui tới để bày bàn “ cờ gánh “ hay “ cờ chém “. Tôi không biết trên thế giới này còn loại cờ nào dễ chơi như hai thứ cờ này hay không , chớ rõ ràng nó đơn giản quá sức, dù với đầu óc thơ dại non nớt của lũ con nít chúng tôi . chỉ cần một mẫu phấn nhỏ , một cục gạch hay ngói vỡ , chúng tôi có thể vẽ ngay bàn cờ trên nền xi măng trơn láng của ngôi mộ. Những quân cờ là gạch ngói vỡ nhỏ bằng đầu ngón tay út hay đá sỏi . Một bên toàn là gạch ngói vỡ, một bên toàn là đá sỏi . Cứ như thế hai đối thủ có thể ngồi đánh buổi trưa mải mê đến độ quên luôn giờ học buổi chiều . Chậm chạp và kém nhạy bén như tôi chỉ có nước bị đối thủ “ gánh “ hay “ chém “ cho tơi bời không còn lấy một quân cờ. Năm khi mười họa, vì sự hiếu chiến ngông nghênh, hống hách  và thiếu tinh thần “ hữu nghị “ của đối phương, tôi quơ cái cặp nặng trịch sách vở để nhẹ vào mặt người bạn thân mến cùng chơi cờ. Thường thì ít khi chúng tôi dừng lại ở đó , cũng phải vài cú đá, ba bốn cái thoi và rượt nhau thí mạng xuống tận sân trường. Chúng tôi tái lập hoà bình ngay vào giờ tập viết, lúc người bạn nhờ tôi viết mấy câu đại loại như tiên học lễ, hậu học văn với ngòi bút lá tre nhà nghề và bàn tay nắn nót của tôi. Chúng tôi nhìn nhau mà không nín được cười bởi vì hai đứa vừa “ tiên học võ “ trên Gò Cốc và bây giờ mới “ hậu học văn “, đi hơi trật với con đường nghiêm túc của sách vở thánh hiền .

Ngoài môn cờ gánh và cờ chém , chúng tôi còn bày binh bố trận đánh giặc...giả. Đám ôn dịch của chúng tôi tự chia làm hai phe , một phe Tây và một phe Ta. Để cho giống Tây, ông nội nhóc tỳ ìlén đào một mớ đậu phụng của người trồng nơi vạt đất gần trường , bóc hột ăn sống tại chỗ, phần còn lại lá và rễ đậu bùi nhùi tua tủa được kết làm râu quai nón . Vũ khí của chúng tôi là những viên sỏi nhỏ hay những cục đất đỏ cứng chắc. Đôi lúc hết đạn, chúng tôi nhặt đại những viên sỏi hơi lớn xác . Chắc chắn sau đó có thằng bị u đầu la lối ầm ĩ, phản kháng về việc vi phạm qui ước hạn chế hạt ...sỏi.

Đánh giặc nhiều có lúc phải thua, và đó là lúc tôi ngồi trên Gò Cốc buồn bã nhìn trận địa, lòng sôi lên ý nghĩ phục thù. Cũng vào lúc nầy tôi mới có dịp quan sát  kỹ chiến trường ngổn ngang mồ mã. Dầu không có dấu hiệu nào chứng tỏ là một mầm non của thiên tài triết học , tôi đã nhận xét thô thiển rằng vào sinh thời mỗi người có một cuộc sống riêng tư cá biệt mà lúc chết đi  vẫn cứ giữ cứng bên mình . Nhìn mồ mã đủ loại, đủ kiểu và nằm tứ phương tám hương, lộn xộn kiểu này thì biết ngay . Có cái xây bằng vôi , xi măng có rào thành xung quanh phần mộ. Mộ sang hơn có mái cong cong che, nấm mộ tránh được mưa gió phủ phàng . Có mộ đấp hoàn toàn bằng đất đỏ tròn trịa như cái thúng úp. Về bia cũng thế , cái lớn cái bé , cái đầy những hàng chữ Nho chi chít , cái chỉ vài hàng khiêm nhường  chơn chất . Vị trí của các ngôi mộ làm một người không mấy ngăn nắp đàng hoàng như tôi cũng phải nêu lên thắc mắc  : Tại sao không nằm ngay hàng thẳng lối cho chúng tôi dễ dàng tiến binh hay lui quân , để cho chúng tôi phải đôi lần tấn thối lưỡng nan ?

Một hôm tôi dồn hết can đảm  “ đặt vấn đề “ với Ba tôi. Tôi đau đớn nhận một cú trên đầu và được giải thích như sau : Mỗi người có một tuổi và mạng riêng biệt theo ngũ hành : kim, mộc, thủy, hoả, thổ . Lúc lâm chung, tùy theo tuổi và mạng đó, thầy địa lý tính toán người chết sẽ nằm như thế nào cho con cháu được hưởng nhiều phúc đức . Ba tôi chẳng ngần ngại lấy thí dụ nơi chính bản thân ông.

- Như Ba tuổi dần, mạng mộc, về sau chết đi chắc chắn sẽ nằm quay đầu về núi . Như vậy vừa hợp lý vừa hợp tình, bởi Ba lúc nào cũng hướng về quê hương .

Thú thật vào lúc ấy, mồ mã chỉ có ý nghĩa thuần túy “ Quân Sự “ đối với tôi hơn là một ý nghĩa tinh thần nào đó . Ý nghĩa tinh thần thiêng liêng nầy chỉ đến khi tôi sửa soạn đi thi vào đệ thất của một trường Trung học công lập độc nhất ở thành phố. Đi dự một kỳ thi tuyển , tên học trò lười học và ham chơi như tôi chỉ nắm phần rớt chắc như là cua gạch. Cũng may trong đám bạn bè ôn dịch đã có đứa thức tỉnh và gợi ý  :

- “ Tao thấy mấy bà đi chợ về mỗi chiều đều ghé lại chỗ “ mộ chiến sĩ “ thắp nhang khấn vái . Tụi mình đến đó cúng đi, may ra “ chiến sĩ “ cho đậu .

Khi chới với trước cuộc đời lắm phiền toái  và rắc rối này , người ta thường tìm đến một chỗ tựa nào đó, dù rất xa xôi hư ảo vô hình. Đám học trò ham chơi như chúng tôi cũng không còn chỗ nào khác hơn ba ngôi “ mộ chiến sĩ “  nằm ngay trước trường . Ba ngôi mộ đấp bằng đất nhưng to gấp rưởi nấm mộ thường, nằm ngang hàng và không có bia. Tôi được kể cho nghe đây là nơi yên nghỉ của những chiến sĩ chống Pháp. Không có ai trong làng biết được tên tuổi của ba chiến sĩ này , chỉ nói với nhau đó là “ mộ chiến sĩ “. Từ xưa đến nay người ta thường cho rằng những người chết bất đắc kỳ tử, chết uất chết ức, chết không kịp nhắm mắt và nhất là bởi kẻ thù vì chiến đấu cho quê hương đất nước thì linh thiêng ghê lắm. Do đó rấy dễ hiểu khi thấy ba ngôi mộ của chiến sĩ vô danh lúc nào cũng hương khói nghi ngút . Hầu hết mấy bà mấy cô đi làm ăn buôn bán ngày nào cũng ghé mộ chiến sĩ một lần để thắp nhang khấn vái cầu xin được ăn nên làm ra, buôn may bán đắt . Đi buôn thì có bữa lỗ bữa lời, năm ăn năm thua nên mấy bà khấn cho nhiều để được năm ăn năm huề chắc như chuyện và cơm vào miệng .

Mộ chiến sĩ từ lâu đã có quí thân chủ là mấy bà mấy cô, nay có thêm mấy cậu – Đám học trò ôn dịch chúng tôi đến khấn vái nhờ “ chiến sĩ “ cho thi đỗ . Hơn ai hết mẹ tôi là người ủng hộ việc làm chính đáng và nghiêm chỉnh nầy trước đó bà chưa hề thấy nơi tôi. Mẹ tôi đi chợ mua một nải chuối tiêu thật tốt, năm cái bánh đậu xanh cùng nhang đèn để tôi “ đi lễ “. Tôi rủ thêm một thằng bạn cho nó ké lễ vật. Đợi mặt trời vừa lặn hai đứa hăng hái dắt nhau đến mộ “ Chiến sĩ “. Dầu ráng tập trung tư tưởng để có tác phong chững chạc đàng hoàng, giữa bầu không khí thơm nồng mùi khói nhang đầy vẻ linh thiêng kỳ ảo, tôi vẫn không nhịn được cười khi liếc sang thằng bạn , thấy miệng nó lâm râm khấn vái nhưng cặp mắt cứ dán chặt nơi nải chuối tiêu với trái thon thon bụ bẩm và mấy cái bánh đậu xanh lồ lộ hấp dẫn nằm dưới lớp giấy gương trong suốt .

Chưa tàn một phần mười cây nhang là chúng tôi đã cho “ lễ tất “ , khệ nệ bưng lễ vật ra và hưởng lộc ngay trước mộ. Giữa cảnh hoàng hôn mờ nhạt, hai cậu học trò ngồi bên mộ chí ăn cho hết nải chuối tiêu, năm cái bánh đậu xanh bỗng cảm thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản , giống như đã có các “ Chiến sĩ “ đang đứng bên mình sẵn sàng đưa tay mầu nhiệm ra giúp sức khi cần .

Có vẻ cảm động trước lòng thành của chúng tôi, các “ chiến sĩ “ đã dẫn dắt tôi tránh né ngon lành cả đống vỏ chuối vất bừa bải ở cổng trường trung học. Tôi đã thi đậu vào lớp Đệ thất của trường Trung học lớn nhất thành phố, trở thành người học sinh trường  “Phan Châu Trinh, người chiến sĩ quốc gia luôn đấu tranh cho nước nhà độc lập ...” một bài hát mà tôi phải ráng gân cổ ra học thuộc vì quá sợ ông thầy dạy Nhạc khó tánh và nóng nảy .

Để nhớ ơn giúp đỡ phò trợ của các “ chiến sĩ “ mỗi năm đến mùa chạp mã  ( Thanh Minh ) , tôi lại kéo thêm vài người bạn vác cuốc đến mộ “ chiến sĩ “ giẫy cỏ và làm vệ sinh sạch sẽ quanh phần mộ. Trong suốt thời gian niên thiếu có lẽ tôi thích nhất mùa chạp mả . Vào tháng ba, tháng tư âm lịch, tiết trời ấm áp , mọi người nhóm họp ở ngôi nhà thờ của dòng họ mình để làm lễ cúng tổ tiên và đi thăm mộ ông bà. Những ngôi mộ trong dịp nầy được dọn dẹp sạch sẽ, cuốc xới hết những cây cỏ hoang  mọc um tùm trong suốt năm qua . Nếu nấm mộ đắp bằng đất người ta sẽ đắp lại , thường thì lớn hơn một chút phòng hờ mưa lũ soi mòn. Tôi thường nghe Ba tôi nói “ sống cái nhà, thác cái mồ “ nên chẳng cần “ đặt vấn đề ‘ khi thấy những ngôi mộ được dọn dẹp sửa sang quá kỹ.

Vào mỗi mùa chạp mả, tôi lon ton theo đoàn người lớn đi thăm mộ và giữ một nhiệm vụ khá nhẹ nhàng nhưng vô cìng quan trọng : ôm những bó nhang tới mộ, chờ người ta chỉnh trang phần mộ xong là tôi thắp nhang cắm nơi đầu mỗi phần mộ. Khi làm việc nầy tôi đều cắm nhang luôn ở phần mộ “ bạn “. Tôi nghĩ lúc sống người ta có họ hàng láng giềng , khi chết đi cũng vậy, cũng có bạn bè gần gủi cho đỡ buồn . Hơn nữa người xưa có câu “bà con xa không bằngláng giềng gần “, vậy sao tôi hà tiện những nắm nhang rẻ rề này cho vui vẻ cả làng . Bên cạnh mộ ông nội tôi là mộ ông Nguyễn Văn Quít hay bà Trần thị Đào nào đó cũng là đổng bào đồng hương cả . Tôi làm việc nầy biết đâu ông nội tôi nắm tay người bạn láng giềng mà cười ầm ở dưới đó .

Lễ chạp mả thường chấm dứt bằng một bữa ăn ngon lành  đầy thịt bò hay heo quay cùng xôi nếp dẻo thơm sực nức mà tôi gần như lúc nào cũng được ưu tiên “ xực “ trước. Gia đình tôi một cảnh hai quê . Quê nội tôi ở mãi tận vùng sông Ái Nghĩa nên mỗi lần về chạp mả là được hưởng ưu tiên của kẻ ở xa, từ thành phố về được ăn trước để còn kịp xe đò .Còn mả chạp ở nơi gia đình tôi đang sống thì khỏi nói, rõ ràng tôi thuộc “ bên ngoại “ nên cứ ung dung ngồi ăn trước, nhìn mấy nhóc tỳ “ bên nội “ chạy tới chạy lui bưng xách dọn dẹp tôi cảm thấy khoái trong bụng. Bữa ăn vốn đã ngon còn ngon hơn chút xíu .

Niềm vui thứ hai của tuổi thơ là đi thăm mộ vào mỗi sáng mùng một Tết . Năm nào cũng vậy, tôi dậy thật sớm vào buổi sáng mùng một, diện quần áo mới vào đợi ba mẹ anh chị tôi “ lì xì “ xong tôi ăn nửa đòn bánh tét, hốt một bụm mứt gừng dấu kỷ trong túi áo rồi theo Mẹ đi thăm mộ. Trên đường đi thăm mộ tôi gặp hầu hết “ bạn bè thân hữu “, đám ôn con nghịch ngợm xúng xính trong quần áo mới kít líu ríu hiền lành đi bên cha mẹ . Tôi nhận thấy niềm vui tràn đầy trên gương mặt người lớn , điều này dường như tôi rất hiếm thấy trong năm . Mọi người gặp nhau cười rộng miệng, chào hỏi vồn  vã và chúc tụng nhau túi bụi. Đứng trên Gò Cốc nhìn người ta lăng xăng lo thắp nhang thăm mộ, khói hương bay mờ mịt thơm ngát một góc trời, tiếng chào hỏi chen lẫn tiếng pháo nổ đèn đẹt làm tâm hồn tôi ngập lụt một niềm vui thơ dại và tôi mong sao ba tháng lại có cái Tết vui vẻ thế này .

Vào cuối năm bậc trung học, tôi cảm nhận , niềm đau khổ mất mát lớn đầu tiên trong đời . Ba tôi mất sau cơn bạo bịnh . Đúng như lời ông nói khi còn sống , mộ ba tôi được chôn trên Gò Cốc và quay đầu về núi , hướng chỉ về quê hương ông . Chắc chắn hương hồn ba tôi sẽ mãn nguyện vô cùng vì ước mơ “ hợp lý lại hợp tình “ của ông đã được thực hiện .

Tôi trường thành theo năm tháng , học hành đỗ đạt rồi ra trường làm việc, lo phụ giúp mẹ tôi nuôi đàn em nhỏ dại . Niềm ao ước nhỏ nhoi của tôi là tu bổ xây dựng lại ngôi mộ của ba tôi . Ước mơ vẫn còn lẩn quẩn trong đầu thì tai ương lại đến . Gần tới ngày chạp mả hằng năm, bọn cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm lấy quê tôi. Không giống hồi còn nhỏ sau mấy lần thất trận buồn bã ngồi nhìn trận địa để nghe lòng sôi lên ý chí phục thù, tôi bị hốt ngay và đem nhốt ở một nơi có cái tên nghe cực kỳ huê dạng nhưng cực kỳ tàn bạo “ trại học tập cải tạo “ . Dù bằng cấp tôi không nhiều như ai nhưng cũng tương đối dư xài thế mà bọn đầu trâu mặt ngựa cứ đè tôi nhốt, bắt học tập dài dài, học kỷ, học mút mùa lệ thủy, và học theo kiểu Liên Xô nầy thì chuyện “ nghỉ chơi “ của anh em đồng đội tôi là chuyện rất bình thường . Lai rai cứ năm ba tháng lại có người “ ra đi “nằm an nghỉ trên cái đồi trọc gần lò vôi của trại . Chúng tôi lại có những mộ “ chiến sĩ “ hữu danh nằm giữa rừng núi xa xôi Thượng Đức. Tôi không biết phải mô tả cảm giác của mình như thế nào cho chính xác khi chứng kiến đám tang của một tù nhân trong trại . Tối hôm trước tôi nghe tiếng la lớn  : “Báo cáo cán bộ, phòng năm có người bịnh nặng “ là sáng hôm sau tôi đã thấy đám tù thợ mộc lui cui đóng ghép bốn tấm ván dài cùng hai miếng ngắn . “ “ Bốn dài hai ngắn “ coi như đời đi đong . Toán chung sự của tổ tù hình sự lại có dịp nghỉ lao động ở nhà lo chôn cất . Nhìn toán chung sự khiêng hòm chạy rần rật trên con đường núi gồ ghề, loang lổ hang hốc, nghe tiếng cười hồn nhiên của họ tôi nghĩ người nằm trong quan tài chắc cũng vui lây . Thôi cũng xong một kiếp người , để đau thương ở lại cho những người thân yêu còn phải sống với loài dã thú mà vẫn cứ được gọi là người. Mai mốt đây , người vợ hiền hay mẹ già lặn lội lên thăm sẽ được chỉ nơi ngọn đồi kia cũng không xa mấy với ngôi nhà thăm nuôi của trại .

Ngày xưa tôi thích mấy câu thơ trong bài thơ Màu Tím Hoa Sim của nhà thơ Hữu Loan :

...Tôi về không gặp nàng

Mẹ tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối

Chiếc bình hoa ngày cưới

Nay thành chiếc bình hương tàn lạnh vây quanh ...

Hình ảnh ấy thật quả là quá buồn nhưng chắc chắn không buồn bằng cảnh người mẹ già, người vợ trẻ đang ngồi gục đầu nức nở bên ngôi mộ “ chiến sĩ “ vừa mới đắp. Vào tháng tư năm 1979 , bốn cựu Đại uý quân lực VNCH  tổ chức vượt trại, các anh đã đi được hai ngày đường, gần biên giới Lào Việt thì bị bọn Thựơng cộng  phát hiện. Trong lúc chống trả kẻ thù, anh Lập cựu sĩ quan phi công đã bị bắn chết . Anh Huệ chạy thoát, còn hai anh bị bắt đưa về trại. Trước khi chết anh Lập đã biểu diễn màn “ Đồ Long Đao “ chém gục tên Thượng cộng bằng cái rựa chặt cây làm rẫy hằng ngày . Tôi không quen anh Lập nhưng tôi biết anh là anh của vài người học cùng trường Trung học với tôi thuở trước, Thu Phong, Thu Đà , hai tiếng hát khá nổi tiếng của trường .

Hai ngày sau anh Ngọc, một trong hai người bị bắt, cắn lưỡi tự sát trong lúc bị cùm trong phòng biệt giam . Toàn trại như bao trùm trong không khí tang tóc thê lương . Hằng đêm tôi lại nghe tiếng trở mình ,trằn trọc khó ngủ cùng với tiếng thở dài não lòng ở đâu đó trong phòng .

Hai anh Lập, Ngọc được chôn ở Lò Vôi. Đám “ mộ chiến sĩ “ lại có thêm đồng đội “ nghỉ chơi “ nằm cạnh bên mình. Ngày ngày chúng tôi đi làm rẫy ngang qua mộ chiến sĩ, dù không được phép dừng lại nhưng ai cũng đều nhìn mộ các anh bùi ngùi thương tiếc. Như hồi nhỏ, tôi lại lâm râm khấn vái xin các anh phò trợ để sớm thoát khỏi ngục tù, và tôi cứ đinh ninh nghĩ rằng bạn bè đồng đội của các anh ở nước ngoài đang làm một cái gì đó ghê gớm lắm để khỏi tủi vong hồn các anh .

Một buổi trưa, giữa nắng hè chói chang và gió Lào khô hốc khó thở, chúng tôi đang làm cỏ sắn trên ngọn đồi sau nhà thăm nuôi, chợt thấy một người đàn bà và một bé gái tay xách tay đùm vào nhà thăm nuôi . Một anh bạn cho biết đó là vợ con anh Ngọc từ Tuyên Đức. Đà Lạt ra thăm . Hơn hai năm rồi chị mới có đủ tiền đi thăm chồng. Anh bạn nói lúc còn sống anh Ngọc không hề trách gia đình thiếu vắng thăm viếng vì đã quá rõ hoàn cảnh khó khăn của người vợ. Nhà thăm nuôi giờ này trống trải chẳng có ai, thường thì người ta thăm vào ngày chúa nhật thôi, chỉ có ngươì ở xa đến mới vào thăm vào ngày thường như thế này. Trong lúc chờ đợi tên công an phụ trách thăm nuôi ra làm thủ thục thăm viếng, chị Ngọc ngồi thong thả chải tóc cho con. Hình ảnh hai mẹ con ngồi chải tóc giữa trưa hè sao hạnh phúc êm đềm quá đổi , làm sao đám tù nhân chúng tôi, bạn bè đồng đội của chồng chị khó có thể mở miệng ra được để nói cho chị biết rằng anh Ngọc đã chết và đang nằm trên ngọn đồi gần chỗ chị đang ngồi . Cái cuốc trên tay tôi trở nên nặng nề quá sức, cứ xới mãi vẫn chưa xong một đám cỏ tranh hãy còn non yếu . Dù đang phơi giữa nắng, mồ hôi nhễ nhãi ướt gần hết cái lưng áo vá chằm nhiều lớp tôi vẫn có cảm gíac rùng mình lạnh gáy khi nghĩ đến lát nữa đây tên công an sẽ nói cái gì đó về người chồng thân yêu của chị . Hai mẹ con chị Ngọc sẽ phản ứng như thế nào ? Tôi không muốn nghĩ tiếp nữa, tay cuốc mạnh xuống đất làm bật rễ một gốc sắn vừa lú nhú dăm ba ngọn lá.

Sau năm năm trời “ học tập “, tôi “ tốt nghiệp “ trở về mới hay rằng mộ ba tôi đã được “ qui hoạch “. Vùng qui hoạch có cái tên nghe cũng khô khan buồn bã không kém gì Gò Cốc, đó là khu “ nghĩa địa qui hoạch Gò Cà “. Sáng mùng một Tết của năm thứ nhất được tự do, tôi lại dẫn em và các cháu đi Gò Cà thăm mộ.

Hoàn toàn khác hẳn những sáng mùng một Tết của thuở ấu thơ, khu nghĩa trang Gò Cà rất lác đác lưa thưa người thăm mộ. Chuyện đó cũng đơn giản dễ hiểu như chân lý sáng ngời “ không có gì quý, kể cả mạng người “ của Bác và Đảng . Khu nghĩa trang qui hoạch ở cách xa thành phố hơn hai chục cây số, người dân không đủ tiền đong gạo lấy đâu mua vé xe đò đi thăm mộ . Thôi cứ chơi tỉnh lờ cho chắc ...bụng . Có lẽ ông bà cũng thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của xã hội đang tiến ào ào lên xã hội chủ nghĩa . Thế nhưng điều đó không đáng buồn bằng chuyện mộ ba tôi đã nằm trật hướng  hơi xa. Nhà nước thực hiện chính sách  chỉ huy, hoạch định cứng rắn nên mẹ tôi đâu có tí quyền gì để cho mộ ba tôi được quay đầu về núi, về hướng quê hương của ông . Mộ ba tôi bây giờ  nằm chênh chếch quay về phía sông Tuý Loan . Như vậy là chỉ về ngã Phong Thử, Điện Bàn  chớ đâu còn hướng về sông Ái Nghĩa , làm mất công ba tôi phải cuốc bộ vài chục cây số nếu ông muốn về tắm mát nơi dòng sông quen thuộc ở quê ông . Lòng tôi bỗng chùng xuống cảm thấy hết sức buồn khi ước mơ đơn giản cuối cùng của ba tôi cũng bị “ cải tạo “ . Tôi đứng trên Gò Cà mà nhớ quay quắt những sáng mùng một Tết trên Gò Cốc năm xưa ...

Sáng mùng một Tết Ất Sửu nhằm ngày thứ tư, 20 tháng 2 năm 1985, ở một thành phố trên đất nước lạnh lẽo xa lạ, tôi “ đành “ nghỉ một ngày không lương để dẫn mấy đứa cháu đi thăm mộ anh tôi . Định mệnh đã an bài thì khó làm cho nó thay đổi , nhưng định mệnh oan nghiệt không ngờ lại đến với anh tôi . Cùng với tôi vượt biên rồi cùng định cư chưa tròn ba tháng, anh tôi lại “ nghỉ chơi “ .

Vẫn còn băn khoăn lo nghĩ trước cuộc sống mới, nhất là chưa được thấy anh em đồng đội ở nước ngoài làm một cái gì ghê gớm đối với vong hồn của bao nhiêu chiến sĩ đã nằm xuống trên cả ngàn trại tù  khắp đất nước tôi, thì anh tôi, người thượng sĩ già quân báo của binh chủng Không Quân , lại nằm xuống đơn độc trơ trọi giữa những người xa lạ, trên đất nước xa lạ .

Như thói quen còn nhỏ, tôi mang laị một bó nhang thật lớn đi thăm anh tôi. Mộ nằm trong nghĩa trang của một nhà thờ công giáo, hầu hết người nằm ở đó là người Ý. Mộ không có nấm , bằng phẳng trơn trụi . Người chỉ nhận ra được nấm mồ nhờ tấm bia . Tuyết đóng một lớp đầy che kín một phần bia nên chẳng có gì cần dọn dẹp sửa sang như những lần thăm mộ ở quê nhà. Bên trái mộ anh tôi là ông Martini nào đó, bên phải là bà Sophia và đằng trước là thanh niên có tên Rossi . Mấy đứa cháu tôi đốt nhang cắm lên phần mộ, tôi định bảo chúng , cắm luôn mấy phần mộ bên cạnh  nhưng chạnh nghĩ chắc gì quí vị nầy chịu được muì nhang nên thôi. Nhìn mấy đứa cháu lấy tay phủi những cục tuyết trắng xóa bám trên bia mộ, lòng tôi trĩu nặng ưu phiền .

Tôi vừa đọc đâu đó “ Khi tôi chết mang tôi ra biển “ của thi sĩ Du Tử Lê. Nhà thơ ước mong thân xác cũng như linh hồn mình sau khi chết được trôi dạt về bờ biển phương đông có hình chữ S ngàn đời thân thương đó, để được gần gủi với anh em bạn bè đồng đội mình đã nằm xuống trong cuộc chiến vừa qua và còn đang tiếp tục nằm xuống vì chiến đấu cho lý tưởng tự do. Nghe chơi cho vui vậy chớ tui chắc mẫm rằng thân nhân nhà thơ sẽ chôn cất ông trang trọng đàng hoàng trong một nghĩa trang thành phố . Nhà thơ sẽ được nằm cạnh ông Bob, chị Jane nào đó . Ôi buồn qúa phải không ?

Tự nhiên tôi có niềm ước mong “ hơi kỳ “ và “ hơi xa “ thi sĩ Du Tử Lê một tí, được trở về nằm cạnh một ven làng nào đó, dù âm thầm vô danh nhưng sẽ có những chú bé con giống như tôi hai mươi mấy năm về trước đến lâm râm khấn vái để được phù hộ cho thi đỗ kỳ nầy .

Bài viết của Đỗ Phan Xuân 

Đ.S PCT Cali 2015