Chút Ký Ức Lan Man Về Chốn Cũ

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Phường Thanh Bình thuộc thành phố Đà Nẵng là trú quán thứ hai của tôi , sau Huế, từ khi gia đinh tôi di cư vào Nam. Đó là một xóm gồm hầu hết giáo dân miền Bắc di cư 1954 và người miền Trung như tôi là thiểu số, chỉ dăm ba gia đình là cùng.

Đầu thập niên 60  của thế kỷ trước, nhà tôi lúc đó ở kiệt gần đường Khải Định ( nay là Ông Ích Khiêm ) và phía sau nhà là mãnh đất ruộng khá rộng, toàn trồng rau muống và rau đay, vốn là hai thứ rau “ khoái khẩu “ của dân Bắc. Họ trồng vừa để ăn vừa để bán. Mãnh đất rộng này chạy dài ra tận đường Đống Đa . Còn phía trước nhà là đường kiệt dẫn vào chuồng bò và đôi khi có cả dê, nhưng người ta quen gọi là kiệt Chuồng Bò.

Chuồng trại nuôi bò
Chính vì tên này mà mới đầu, tôi đã “ bé cái lầm “, tưởng là kiệt Chương Bộ ( chứ sao lại Chuồng Bò nghe không những nhà quê mà còn mất vệ sinh quá ). Lý do cũng chỉ vì Ba tôi gửi thư cho tôi khi tôi đang học nội trú xa nhà, nhưng ông đánh máy chữ không dấu nên tôi mới phải ...lao động trí óc hầu đoán mò ra cái tên văn vẻ kể trên . Nghĩ cũng buồn cười thật, tôi còn trẻ mà đã sợ “ nôm na là cha mách qué “, nên đã ...sai một ly đi một dặm như thế !

Lúc đó, chỗ sau này là cư xá Cao Thắng còn là chuồng bò, thành ra mỗi lần người ta dẫn bò hay dê đi về mỗi buổi sáng hay chiều trên đường kiệt trước nhà tôi, là bụi bay mù mịt khiến cửa sổ bằng kiến nhà tôi bị bụi bám đầy đặc, báo hại cô giúp việc luôn có việc để làm !

Khu nhà cửa xây dợng cho sĩ quan và công chức gọi là cư xá Cao Thắng, gọi theo tên đường Cao Thắng, chứ không gọi theo tên đường Khải Định. Đó là chủ ý đáng khen ngợi của nhà chức trách địa phương vì Cao Thắng , người “ chiến sĩ kỹ sư “ , nghe hợp thời và sang cả hơn cư xá Khải Định, tên của một vị vua không mấy danh giá của nhà Nguyễn .

Điều mà tôi nhớ nhất về chốn cũ này là vì có khá nhiều vị giáo sư (trung học) chọn làm chỗ ngụ cư hay thuê tạm trú. Những ông thầy giáo đến ở sớm nhất là thầy Trần Minh Thiện, dạy Việt văn trường Sao Mai mà tôi theo học và thầy Vĩnh Linh dạy toán lớp tôi. Thầy Thiện có nhà ở đây, nhưng thời gian cư trú của thầy Linh không lâu lắm, chỉ nửa năm là cùng. Tôi không học thầy Thiện một giờ nào cả. Sau này, khi thầy qua đời, tôi mới biết thầy từng sống ở Úc, nhưng khác tiểu bang với tôi .

Còn thầy Vĩnh Linh dạy Toán lớp tôi. Tôi về Đà Nẵng mấy lần vì có chút việc gia đình riêng tư và tôi đến thăm thầy hai lần. Sỡ dĩ thế vì tôi tò mò, chứ tôi không ở trong số học trò ngưỡng mộ thầy. Thời dạy học ở Sao Mai, thầy chưa có bất kỳ cái gì chứng tỏ thầy thiên tả thân cộng như sau này. Lần đầu tới thăm thầy, tôi đi cùng một người bạn, vốn là học trò “ cưng “ của thầy. Sau vài câu chuyện thăm hỏi xã giao, không biết sao khi nói chuyện về chính trị, tôi đã hơi lên giọng nhằm cố ý phản đối thầy. Mỗi khi tôi lên giọng thì thầy có vẻ không thoải mái lắm vì người con trai thầy đi vào phòng khách và thầy đợi đến lúc anh ta ra ngoài, thầy nói nhỏ giọng lại. Hình như thây xem ra cũng hơi ân hận thì phải, khi thầy bày tỏ sự bất mãn về một số chuyện thực tế, mà thầy mới biết sau này .

Lần thứ hai, tôi đến thăm thầy là khi thầy bị bịnh về gan. Tôi không nói gì nhiều ngoài chứng bịnh của thầy. Thầy đã từ trần cách đây ba hay bốn năm gì đó, nếu tôi nhớ không lầm. Khi tổ chức tang lễ, vợ thầy vốn là một đảng viên cọng sản , đã ngăn chận việc đưa xác thầy  vào nhà thờ làm lễ an táng . Buồn là thầy qua đời mà người ta vẫn không cho hồn thầy được tự do như thế đó !

Những thầy tiếp theo lục tục đến ở phường Thanh Bình là thầy Hồ Sĩ Hùng, dạy tôi môn Toán đại số và Phạm Xuân Hương, dạy tôi môn Vạn vật. Đặc biệt hai thầy là sinh viên miền Bắc vượt tuyến vào Nam năm 1957, chứ không phải di cư và học lại ở Đại học Huế. Đặc biệt nữa là  vợ hai thầy đều có bà con với nữ họa sĩ  Maria Mộng Hoa, nổi tiếng từ hồi tôi học tiểu học ở Huế. Nhớ thầy nhất là sau năm 1975, mỗi lần đi qua ngã tư Lý Thường Kiệt – Trần Quốc Toản, là tôi đều trông thấy thầy ngồi trên yên xe Honda chờ ai thì phải ?

Số là năm 1980, tôi mới trốn vào Sài Gòn và đang lang thang tìm đường vượt biên. Trông thấy thầy trong bộ aó quần lao động, tôi cảm thấy ái ngại cho thầy vì thời dạy học, thầy ăn mặc bảnh bao nhất và môi thầy còn tô son, theo lời vài bạn cho biết chi tiết cuối cùng này, chứ tôi lúc đó thì bán tín bán nghi ! (Tự nhiên nhớ luôn cả thầy dạy Vạn vật khác ở trường Phan Châu Trinh là thầy Nguyễn Thanh Trầm. Tôi có gặp hết sức tình cờ trong nhà người quen biết với thầy thì thầy không nhận mình là thầy giáo, tôi hơi buồn dù nghĩ lại là thầy từ chối như vậy cũng có lý và có tình.)

Tiếp theo là thầy Nguyễn Văn Kính, dạy tôi Vật lý ở trường Phan Châu Trinh mà lúc này tôi mới vào học ở đó. Không biết thầy đến ở đâu khi nào . Hiện nay, thầy vẫn mạnh khỏe đến nỗi còn mở lớp dạy kèm ở tư gia .Tôi nhớ thầy có lần chê trách tôi trước mặt học sinh trong lớp, vì thầy đọc chữ tôi viết không ra, nên thầy bắt đọc bài cho thầy nghe mà chính tôi cũng còn không tài nào đọc cho xuôi do tôi viết chữ theo kiểu ...”rồng bay phượng múa” quá. Thầy còn bực mình vì quyển vở tôi gấp lại do tôi đút túi, chứ không  phẳng phiu như các bạn cùng lớp . Tôi mấy lần dự tính thăm thầy nhưng có lẽ không có duyên,  vì lúc nào thầy cũng bận dạy học sinh ở nhà.

Vị thầy cuối cùng là Trần Đại Tăng dạy Toán. Tôi chưa hề học thầy một giờ nào, dù thầy từng dạy trường công lẫn tư thục mà tôi đều theo học. Tôi chỉ học một năm Đệ Nhất A trường Phan Châu Trinh. Do đó, thú thực tôi chưa biết mặt thầy mà chỉ nghe danh thầy là một nhà thơ qua bài viết trên mạng của PXS. Vài lần về nước, tôi thường trông thấy một người đàn ông hơi bạc tóc, với quần áo tề chỉnh và cái mũ xám, chậm rãi tản bộ đi qua quán cà phê đầu đường Khải Định . Tôi hỏi người bạn cùng ngồi quán thì tôi mới biết mặt thầy từ đó. Thấy khuôn mặt thầy trầm tư và phong thái vừa của nghệ sĩ vừa của đạo sĩ, tôi tự nhiên có thiện cảm nên đã đến thăm thầy hai lần vì nhà thầy rất gần với nhà mấy em tôi. Tiếc là tôi gặp thầy hơi trễ và cũng tiếc thầy nay yếu đi nhiều. Hai lần đến thăm thầy, tôi mới nhận ra điều đó. Tiện dịp, tôi đã cho thầy biết ở Úc có nhà văn nữ Lệ Hằng, vốn học trò cũ của thầy ở trường Phan Châu Trinh. Thầy tỏ vẻ rất vui . Tôi cũng đã kể cho chị Lệ Hằng về thầy, thế nhưng chị lại buồn vì những ngày xưa thân ái đã trôi qua quá nhanh. Nghe chị nói, tôi bất chợt nhớ lại tác phẩm “ Ngày Vui Qua Mau “  của nhà văn Tuấn Huy, một thời dễ thương qúa đổi.

THTrinhvaBanBe
Chốn cũ của ngày xưa thân ái hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, toàn là người Bắc di cư thì bây giờ đa số là dân miền Trung, nhất là người Huế và Quảng Nam. Sống ở đây suốt thời trung học, tôi đã trải qua những tháng ngày vui buồn lẫn lộn . Nhiều đêm , tôi phải đi canh gác với tư cách nhân dân tự vệ để đề phòng bọn khủng bố Việt Cộng xâm nhập khu phố. Nhờ đó, phường này cũng như những phường kế cận rất an ninh. Thậm chí, có lúc giả vờ đóng kịch khi bắt được kẻ lạ mặt khả nghi, xuất hiện trong phường vào đêm tối. Đóng kịch nghĩa là giả đò kêu điện thoại liên lạc lung tung đủ mọi cơ quan quân sự, để rồi bắt làm giấy cam kết không xâm nhập vào đây nữa .

Ấy thế mà cũng có hiệu quả đến mức biến thành tin đồn , khiến nhiều bạn tôi cứ tưởng phường tôi chuyên kiểm soát việc dân ra vô, không khác gì Việt Cộng kềm kẹp dân chúng! Thật là một sự hiểu lầm dễ dãi và tai hại !

Kỷ niệm đau buồn nhất vì sợ hãi là thời biến động miền Trung 1966 , lực lượng nổi loạn hình như ở trại Quân Cụ, đã dùng súng phóng lựu nã bừa bải nhiều lần hàng loạt vào phường Thanh Bình, nhằm mục đích khủng bố tinh thần dân chúng ở đây, khiến họ hoang mang cực độ. Đó không phải là chuyện tình cờ mà là có chủ đích , hòng gây phân hóa hàng ngũ chống Cộng, vào giai đoạn ngày càng khốc liệt của chiến tranh Việt Nam leo thang ở thời điểm ấy .

Trở về chốn cũ, tôi không coi như một sự kiếm lại hay tìm về sống với kỷ niệm . Chẳng thơ mộng gì toàn cảnh hôm nay để tôi làm kẻ lãng mạng lỗi thời . Tôi tự nhiên nhớ tới những người bạn từng có thời lớn lên và chơi đùa với nhau ở chốn cũ này . Người Trung kẻ Bắc từng gặp nhau ở đây và chừ đã tứ tán khắp bốn phương trời, từ Âu qua Mỹ đến Úc vì vận nước ta nghiệt ngả không thể nào ngờ nỗi.

Bạn tôi của chốn cũ này có người đang làm giáo sư y khoa ở Mỹ, có người đã là bác sĩ ở Việt Nam, nhưng qua Mỹ quá trễ nên chỉ làm người bán xăng, có người là nhạc sĩ vẫn đang sống lây lất ở tận Bà Rịa, có nhiều người là sĩ quan Cộng Hoà, trong đó có kẻ vẫn còn đạp xích lô , người đã về với cát bụi ( vì cải tạo, vượt biên... ), nếu may mắn thì đang lưu lạc trên đất khách quê người.

Nhớ nhất và ngậm ngùi đến phát khóc là tất cả những người lính chiến của một quá khứ đau thương “ huynh đệ tương tàn “ mà dân tộc Việt Nam ta, tiếc và uổng thay, phải trả một giá máu quá cao !

Phạm Đình Dương

( Úc, tháng 3/2012 )

(ĐS Kỷ Niệm 60 năm thành lập trường Trung học PCT, Cali 7/2012)