"Diễn Ngâm Kiều" - Phần giới thiệu - GS Nguyễn Đăng Ngọc

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 Kieu9

Thầ̀y Nguyễn Đăng Ngọc trong phần giới thiệu buổi Diễn Ngâm Kiều của nghệ sĩ Lệ Ba.

Trong phần giới thiệu buổi “ Diễn Ngâm Kiều “ của nữ nghệ sĩ  Tôn Nữ Lệ Ba ,tại Viện Việt Học, Westminster,Cali vào chiều Thứ Bảy ngày 30 tháng 11,2002, Giáo sư Nguyễn Đăng Ngọc có nói đôi lời .

Sau đây là phần ghi lại giới thiệu của Thầy hôm đó . 

“ Xin hãy giữ lại cho chúng tôi Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du nếu phải đốt hết tác phẩm văn chương Việt Nam “. Tôi xin được bắt chước độc giả người Anh để nói lên lời khẩn cầu trên vì họ đã xin giữ lại Shakespeare trong trường hợp phải thiêu hủy hết văn chương Anh .

Từ lúc ra đời cho đến nay gần đúng hai thế kỷ, trải qua bao nhiêu thăng trầm , truyện Kiều vẫn có một sức sống mãnh liệt làm say mê biết bao  lòng người . Mô tả sức sống của truyện Kiều, một nhà Nho đã viết : “ Chữ muốn múa mà bút muốn bay ...”, và Phạm Quỳnh , một học giả đầu thế kỷ 20  đã gắn liền sức sống của Truyện Kiều với sức sống của dân tộc  : “ Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì dân ta còn . “

Không đủ cái uyên thâm của Nhà Nho, không có cái học rộng rãi của Phạm Quỳnh, nhưng chị Lệ Ba , một kẻ “ ăn sau chạy dọi “ trong lĩnh vực văn chương, qua một buổi điện đàm và trong một bức thư viết cho chúng tôi đã nói lên cái sức sống của Truyện Kiều bằng một ngữ từ mà tôi rất thích thú : “ Sỡ dĩ truyện Kiều làm say mê chúng ta vì nó đã chuyên chở được cái “ tâm thức “  Việt Nam .

Quả thất vậy, tôi đã đọc đi đọc lại Kiều nhiều lần  và mỗi lần đều cảm thức một cái gì mới mẻ, riêng tư Việt Nam mà lần đọc trước chưa thấy được .

Cốt truyện mượn, điển tích mượn, bao nhiêu cái mượn nhưng : “ Kho trời chung mà vô tận của mình riêng “ .

Điểm tuyệt diệu là ở đó , cho nên có thể nói Truyện Kiều là riêng của Việt Nam . Cảm xúc trong Kiều là cảm xúc Việt Nam. Phong cách anh hùng, lề lối ghen tuông, tín ngưỡng ...thảy đều là Việt Nam . Ngay cả thiên nhiên , gió trăng trong Kiều cũng là trăng, gió riêng của Việt Nam .

Vì thì giờ hạn chế tôi chỉ xin được phép nói sơ lược qua về một đôi điểm thiển nghĩ khá đặc biệt như Gió, Trăng  và cung cách Ghen tuông trong Kiều .

Gió tất nhiên là một hiện tượng tự nhiên nhưng trong Kiều đó là một cách biểu lộ tình cảm , sâu sắc và tế nhị theo lối cảm xúc riêng của người mình. Chú ý đến chúng ta sẽ thấy bao nhiêu tâm biến, xót đau của Kiều là bấy nhiêu cơn gió thoảng  qua :

KieuGapMoDamTien

Cơn gió bàng hoàng đượm nét sầu bi khi Kiều gặp Đạm Tiên, một con người tài hoa mà như có, như không :

           Một vùng cỏ áy, bóng tà

           Gió hiu hiu thổi một và bông lau...

Cơn gió bạo tàn đưa Kiều theo Mã Giám Sinh về Lâm Chuy :

           Đùng đùng gió giục, mây vần

           Một xe trong cõi hồng trần như bay ...

Gió lạc lõng khi Kiều bước cao. bước thấp theo Sở Khanh:

           Đêm khuya khắc lậu, canh tàn

           Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm sương

Gió phảng phất , âm thầm và kín đáo như hồn phách của Kiều trở về tìm lại mối tình đầu tan vỡ.

            Trông ra ngọn cỏ lá cây

            Thấy hiu hiu thổi thì hay chị về

Trăng cũng như Gió. Trăng trong Kiều không chỉ có vẻ đẹp sáng ngời của đêm trung thu mà bồi hồi theo tâm trạng mỗi lúc . Trăng bâng khuâng, mời mọc đưa vào cõi mộng :

          Gương nga chênh chếch dòm song

Trăng ảm đạm, hãi hùng như lúc Kiều rơi vào tay Ưng, Khuyển :

          Một vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời

Trăng nhớ nhung, lo lắng khi Thúc Sinh từ giả Kiều về thăm quê :

          Vầng trăng ai xẻ làm đôi

          Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

Đến cái lối ghen tuông trong Kiều cũng thật Việt Nam, tiêu biểu dòng ghen Á Đông . Trong vở bi kịch Andromaque, nhà viết kịch trứ danh Pháp, Racine có mô tả đến cái ghen của Hermione cũng đặc biệt, sai tình địch giết người yêu để rồi tức tưởi trên xác người yêu. Nhưng theo tôi nghĩ, cái lối ghen tương của Hoạn Thư còn đặc biệt hơn nhiều, khác xa lối ghen tương Tây phương của Hermione. Hoạn Thư không giết chóc, lại có vẻ phước đức mà làm cho tình địch “ cất đầu chẳng lên “. Cái ghen của Hoạn Thư chủ yếu là tước đoạt hết căn cước ( identity ) cùng tài nghệ và nhân phẩm của Kiều . Đổi họ, đổi tên Kiều, đưa Kiều xuống hàng nô lệ, coi rẻ tài nghệ của nàng và sâu sắc hơn hết, theo tôi nghĩ, là đã biến hoá Kiều thành ra một ni cô  :

          Sẵn Quan Âm các vườn ta

          ..............................................

          Cho nàng ra đó, giữ chùa tụng kinh.

Đã “ giữ chùa tụng kinh “ thì không còn yêu đương được nữa , mà tiếp tục yêu đương là do Kiều tự rước họa vào thân . Một thái độ thủ tiêu, cầm tù con người mà lại rất “nhân đạo” vì Hoạn Thư đã “ đoán ( ! ) ý trong tờ “ mà cho “ nàng xuất gia “ ( ! ). Đúng là ghen mà “ ở ăn thì nết cũng hay “ theo như nề nếp con nhà của ta ngày trước .

Tôi xin lỗi quí vị đã dựa vào một ý của chị Lệ Ba để nói vòng vo quá nhiều. Xin tạm ngưng lại nơi đây để trở lại với chủ đích , cũng là của Lệ Ba, trong buổi diễn ngâm hôm nay . Cảm thông với cái hay, cái đẹp , cái tâm thức Việt Nam trong Kiều, Lệ Ba đã trích dẫn một số đọan trong những đoạn tiêu biểu  nhất của Kiều . Lệ Ba trích ra những đoạn ấy để cố gắng , như đã viết trong thư cho chúng tôi, “truyền lại cái tâm thức Việt Nam “ mà “ nếu như mất đi thì thật là đau xót “. Và Lệ Ba đã cố gắng làm điều này một cách khá đặc biệt, không phải bằng nghiên cứu, khảo luận hay minh họa bằng tranh mà bằng cách diễn ngâm những đoạn ấy qua các điệu hát dân gian . Trong vòng hơn ba năm trời, Lệ Ba đã tham khảo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc như giáo sư Trần Văn Khê..., nhiều nhà văn như Võ Phiến ...về trình diễn và trích đoạn. Chị cũng đã để nhiều thì giờ để học hỏi các điệu dân ca từ Bắc đến Nam, từ bồng mạc , sa mạc, quan họ ở Bắc qua hát dặm Nghệ Tĩnh đến hò Huế và hò miền Nam và cũng không quên cả hát bộ.

Công trình biết mấy mươi !

Ngâm và hát đủ điệu dân ca không phải là dễ, cần phải có tài mà cũng cần phải có sức khỏe nữa. Thật cảm động khi nghe Lệ Ba kể lại là sau khi hát bộ chị đã mệt lả đi vì đã phải hát theo bát độ . Cũng trong vòng ba năm trường với phương tiện phần nhiều “ cây nhà lá vườn “ chị đã thực hiện mấy đĩa C.D. ngâm Kiều có giá trị lớn . Lúc đặt vào máy nghe Lệ Ba ngâm và hát bộ Kiều, tôi bỗng bâng khuâng , luyến tiếc : Giá như ngày trước có được những C.D. này thì chắc tôi chẳng cần giảng giải gì về Kiều cho học sinh cả . ( Xin thưa tôi vốn làm nghề “ godautre”  ) . Bình văn , giảng văn là nhằm làm cho học sinh thông cảm được cái hay, cái đẹp trong văn. Nghe ngâm và hát về Kiều như chị Lệ Ba ngâm và hát, tôi chắc chắn học sinh sẽ thông cảm Kiều nhiều hơn và cũng có hứng thú nhiều hơn . Thế thì còn giảng làm gì ?

Với lòng yêu mến Kiều của Lệ Ba, với nhiệt tâm và cần mẫn làm việc, với tài năng của chị,  tôi chắc chắn Lệ Ba sẽ đạt được mộng ước của mình, truyền “ cái tâm thức Việt Nam trong Kiều “ qua dân ca  đến rộng rãi thính giả và đặc biệt là đến với thính giả thuộc lớp trẻ, ít được nghe nói về Kiều.

Chúc Lệ Ba thành công.

Kính mong được sự hưởng ứng của quí vị đối với công việc vì nghệ thuật và bảo tôn văn học Việt Nam của chị Lệ Ba.

Nguyễn Đăng Ngọc

Cali, tháng 11,2002
NgheSi LEBA02

( Nghệ sĩ Lệ Ba, hay Nha sĩ Tôn Nữ Lệ Ba, đã xuất gia, nay là Ni cô Phổ Như Hạnh Viên tại British Columbia, Canada )