Đạo Của Thơ

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 YoyForEver

Đọc một bài thơ hay , ta được cái khoái cảm gần như niềm hỉ lạc của đạo vị . Johns Keats nói : “ A thing of beauty is a joy forever “ ( cái gì đẹp là nguồn vui muôn thuở ), nhất là khi cái đẹp ấy là một bài thơ.

Thi sĩ may mắn hơn họa sĩ chính ở điểm này , là trong khi một bức danh họa có thể bị thời gian tàn phá, thì một bài thơ đẹp trái lại sẽ tồn tại vĩnh viễn qua sự truyền tụng của con người. Có thể nói bao giờ còn người là còn thơ. Và thơ chính là tinh hoa được kết tụ của tâm hồn con người muôn thuở.

Thơ như vậy tất nhiên là có cái đạo của nó. Chúng ta hãy thử rút tỉa một vài yếu tố trong đạo thơ nhờ đó mà thơ được gọi là Thơ, là một nguồn vui bất tận ( a joy forever ).

Trrước tiên là yếu tố vô dục. Thơ phải thoát ra ngoài tình lụy “ ái dâm sầu oán đạo dục tăng bi “. Điều này nghe qua có vẻ mâu thuẫn với quan niệm thông thường cho người thơ là con người rạt rào tình cảm, nếu không có “ thất tình “ thì làm sao “ ra “ thơ được ?  Nhưng nghĩ vậy là hạ thấp giá trị của thơ, biến nó thành một phương tiện bộc lộ tình cảm vụn vặt riêng tư hạn cuộc. Sớm muộn loại thơ này sẽ bị thời gian đào thải, kiểu những bài thơ lãng mạng sướt mướt vang bóng một thời.

Tình cảm trong thơ phải là thứ tình cảm đã được “ bốc hơi ‘ để trở thành tình cảm của con người phổ quát . Hãy nghe câu thơ :

In lên ngọn nước bốn muà

Núi phơ phất tuyết cổng chùa tịch liêu

Hai hàng phượng đỏ dấn liều

Từng cơn quạnh quẽ nắng chiều rĩ hoen

( Bùi Giáng, Mưa Nguồn )

Ta có cảm tưởng đang ngắm một bức tranh thủy mạc, trong đó quang cảnh tịch liêu của ngôi chùa núi như đang len lõi vào tâm hồn người xem.

Yếu tố thứ hai là, thơ phải nói lên được tình người muôn thuở. Thử nghe bốn câu sau :

Em chết bên bờ lúa

để lại trên đường mòn

một dấu chân bé của

một bàn chân bé con

(  Bùi Giáng, Mưa Nguồn )

Bằng một hình ảnh cá biệt đặc thù, với bốn câu đơn giản , thi nhân đã nói lên được nỗi khổ tử biệt sinh ly.

Yếu tố thứ ba là vô ngã. Thi nhân chân thật là người thắp sáng một thế giới , rồi lẳng lặng chui vào bóng tối để cho thơ tự nói ( Emily Dickinson ).

Yếu tố thứ tư là gợi cảm hứng và sáng tạo nơi người đọc, biến người đọc thành thi sĩ. Emerson cho rằng điều hay ho nhất mà thi nhân đem lại cho ta chính là họ đã dạy ta khinh bỉ tất cả những gì họ sáng tác để vượt qua họ. Câu này phải được hiểu như thiền ngữ Trung Hoa “phùng Phật sát Phật, phùng Tổ, sát Tổ “ hoặc câu ngạn ngữ Việt Nam “ Con hơn cha nhà có phúc “. Quả vậy, nếu thơ chỉ để diễn tả tình cảm lâm ly thống thiết của riêng tác giả, thi dù điêu luyện  cách mấy cũng chỉ sống được một thời gian cùng với tác giả, hoặc chết trước tác giả. Chỉ có loại thơ gợi được cảm hứng và sáng tạo nơi người đọc mới sống mãi với thời gian nhờ yếu tố phổ quát của nó.

Truyến Kiều của Việt Nam là một điển hình : mỗi khi trích dẫn một câu Kiều, ta tưởng chừng như ta vừa sáng tác nó vậy : Ta có cái niềm hãnh diện của một tác giả ( do đó người ta ưa “ tập Kiều “, nghĩa là ghép những câu lục bát cách xa nhau trong truyện Kiều để làm thành một bài mới, diễn đạt một ý mới  ).

Yếu tố thứ năm là tiên tri . Thơ phải báo trước một thời đại , hồn thi nhân phải là tinh hoa của thời không, do đó mà thi nhân chân chính được xem như là những con người linh thiêng. Đạo của thơ ở điểm này quả thật là siêu tuyệt, thi nhân hội được điều kiện này chính là đạo sĩ, là nhà tiên tri của thế gian. Thi nhân do đó phải có “ tấm lòng nghĩ thấu ngàn đời, con mắt trông khắp ba cõi”. T.S Eliot bảo rằng thi nhân phải là người thông suốt tất cả nền văn hóa Đông Tây kim cổ của nhân loại ( tiểu luận “ Truyền thống và tài nghệ cá nhân “ – Tradition and Individual Talents ).

Cuối cùng, thơ phải mở cho ta một chân trời tươi sáng. Muốn thế, nhà thơ phải thoát ly bản ngã nhỏ hẹp và những khung cảnh hạn cuộc của hiện tượng giới phù du, cái mà Paulo Freire gọi là “ những hoàn cảnh giới hạn “ giam nhốt cái nhìn cao rộng của ta. Sau đây là một ví dụ :

Ngày trở về

đường tôi đi thênh thang rộng mở

ánh nắng chan hoà

muà xuân tươi sáng

và đầy vườn hoa nở chim ca

gió thổi vi vu ngàn khúc nhạc hoà

qua những hàng cây sum sê trải dài bóng mát

 

thoang thoảng không gian

một mùi thơm ngát

của hương trời lá thắm cỏ non

 

...Những năm dài áp bức bạo tàn

đã vĩnh viễn chôn vùi trong dĩ vãng

đất nước hôm nay muôn màu rực sáng

đời tự do hoa nở thắm tươi

...

bởi đặt cả hồn tôi

trong hằng hà sương nhỏ xuống

đêm đêm về đồng nội ướp hương.

Đây là một cái nhìn rất thơ đối với nước : thi nhân cho ta cảm tưởng ta uống vào cả trời đất vũ trụ trong một ngụm nước giếng, vì nó “ chứa đầy mây trắng chim xanh “, nó kết tụ tinh hoa của trời và đất từ vạn kỷ : hằng hà giọt sương nhỏ xuống ướp thương của ngàn cây nội cỏ để kết thành mạch nước giếng sâu như trái quả của lòng đất.

Thi hào Wordsworth nhìn một đám hoa trường thọ mọc hoang bên bờ hồ mà niềm hỉ lạc len lõi vào cả giấc chiêm bao. Cảnh đám hoa vàng nhảy múa bên làn nước biếc đem lại cho thi nhân một nguồn vui vô tận, thức tỉnh ông trở về với sự sống hồn nhiên , đơn giản như loài hoa : dù chỉ sống có một ngày ngắn ngủi, hoa vẫn bất chấp cuộc đời phù du của mình, vẫn hát lên lời ca bất tuyệt ; nên nó trở thành một hình ảnh bất diệt trong hồn thi nhân. Chúng ta phải hổ thẹn khi nhìn lại chính mình : quả thật ta tham lam quá độ so với loài hoa kia. Chúng ta sở hữu quá nhiều, ham muốn quá nhiều, nên bao giờ cũng thấy thiếu thốn đau khổ.

Cái Đạo của thơ là như vậy, vừa rất đơn giản vừa vô cùng khó khăn. Ta có thể ví nó như sự hít thở không khí : ai cũng thở, nhưng không mấy ai biết rõ hơi thở của mình, trừ người tu phép chánh niệm về hơi thở. Và ta nhớ đến câu thơ bất hủ của Paul Valéry :

Tout homme crée sans le savoir

mais l’artiste se sent créer

son acte engage tout son être

et la souffrance le fortifie

( mọi người đều sáng tạo, mà nào ai tự biết

những nghệ sĩ thấy mình sáng tạo từng giây

sống hết mình cho mỗi hành vi

và đau khổ chính là nguồn nghị lực )

Trí Hải

Công Huyền Tôn Nữ Phùng Khánh  

(  “ Tuyển tập Nhớ Huế 1997 ” )