Những người lính đi qua thành phố Huế

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 LinhNamTrieu01B

Thế hệ chúng tôi bước vào tuổi trưởng thành khi đất nước chuyển qua một giai đoạn lịch sử mới : Việt Minh thay thế chế độ thực dân và quân chủ. Trong thời gian chưa trọn 20 năm, từ lúc chào đời đến năm 1945, bao nhiêu thay đổi. Thử điểm qua vài sự kiện quan trọng từ cuối những năm 30 : Pháp thua, Nhật vào, nhà Nguyễn chấm dứt, Tàu đến, Tây trở lại...Mỗi biến động đem đến một thứ lính mới trên đất Huế mộng và thơ. Cảnh đèn kéo quân nhiều màu nhiều vẻ cứ cuồn cuộn trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi .

Đành rằng việc lính này đi, lính kia tới cuối những năm 30 cho đến 45 không xẩy ra riêng chi Huế mà khắp trên toàn quốc. Nhưng Huế là kinh đô, nơi còn có triều đình nhà Nguyễn nên cuộc diễu binh ở đây đã phơi bày ra nhiều sắc thái hơn những nơi khác. Vả lại vừa hết bậc trung học, thế giới chúng tôi chỉ thu hẹp vào Huế nên câu chuyện lính đến năm 45 của chúng tôi , chỉ quanh quẩn vào Huế.

Lính bao giờ cũng là một thiểu số đối với dân chúng. Và muôn đời lính là công cụ của một thế lực chính trị có nhiều quyền năng hơn. Lính luôn luôn ở địa vị thứ yếu. Tồn tại hay tan rã hệ lụy vào chính quyền đổi thay. Lính vì thế ít được chú  ý hơn các ngành hoạt động khác.

Lính lại sinh hoạt riêng rẻ. Phong cách lính khác và thường trái ngược với thường dân ( civil ). Lính và dân ngày xưa ở trong hai lãnh vực gần như biệt lập. Đi lính, ít nhất vào thời chúng tôi, lại không bắt buộc nên dân chúng thờ ơ đến độ coi thường lính tráng.

Tuy nhiên trực tiếp hay gián tiếp, lính và dân quan hệ với nhau về nhiều mặt. Lính là mặt nổi của một thể chế, là cánh tay bảo vệ thể chế. Đối tượng của lính bất kỳ ở thời đại nào cũng là dân : hoặc để bảo vệ hoặc để đàn áp dân. Sinh hoạt, hành động của lính do đó ảnh hưởng đến dân không ít.

Lính là kính chiếu yêu, có thể soi rõ lòng dạ xấu tốt của những người “ dân chi phụ mẫu “. Lính khuôn dạng nên lòng hận thù hay cảm tình đối với thể chế. Lính góp phần tạo nên tâm tình của một xã hội và riêng của Huế nhiều hơn người ta nghĩ. Nhiều nỗi vui buồn, nhiều niềm tự hào hay sầu muộn của Huế và vận hội chúng tôi thay đổi theo cảnh kéo quân từ cuối những năm 30 trở đi.

Viết về những người lính từng đi qua thành phố Huế đến năm 45 chúng tôi hi vọng ghi lại ít nhiều kỷ niệm Huế xa xưa, vẽ lại một khía cạnh trầm buồn trong tâm hồn của Huế mà nếu lãng quên đi chỉ thấy Huế đẹp và mộng mơ. Chúng ta yêu mến Huế không chỉ vì Huế đẹp nhưng vì Huế còn có lúc khóc thầm tủi hổ vì sự có mặt của những người lính nọ kia. Cũng vì sự hiện diện của lính mà trong lòng chúng tôi nhen nhúm lên một lý tưởng, một đường hướng sống đặc trưng cho một thế hệ .

Khi vừa lớn lên thì ở Huế, trước mắt chúng tôi có hai hạng lính rõ rệt, một là lính Nam triều hay của Vua quan ta và đằng khác là lính thuộc chính quyền bảo hộ hay của Pháp .

Lính Nam triều gồm những kẻ hầu hạ trong các phủ ông hoàng, bà chúa, lăng tẩm các tiên đế, phục vụ nhà vua hoặc làm việc tại các phủ bộ và để bảo vệ triều đình và đất nước  ( ! ).

Theo sử liệu thì lính thuộc triều đình nhà Nguyễn, tính riêng ở Huế, có lúc lên qúa 2 vạn người. Lính đóng trong thành nội, ở hữu ngạn sông Hương và ở nhiều nơi khác. Từ bịnh viện Trung ương đến phía nhà “ ga “ bây giờ, có hơn 15 cơ đội thuộc nhiều binh chủng. Đồn trại liên tiếp : Dinh cơ, Dinh thuyền, Trường súng, chuồng voi, chuồng ngựa...

Dinh cơ rồi đến Dinh thuyền,

Hai bên Trường súng, Trường tiền ngang nhau

đó là câu ca dao vẽ lại một phần địa đồ của Huế ngày xưa.

Đội quân đông đúc gồm có Túc vệ, Võ lâm, Cấm binh...thống nhất dưới quyền chi huy của những Đô Thống Phủ Chưởng Phủ Sự. Đô Thống, Thống Chế, Cháng Quản Vệ...Đến thời chúng tôi đoàn quân đó chẳng còn gì cả hay đúng hơn chỉ còn một nhúm tí teo, hoa hòe  hoa sói nhằm hầu hạ một triều đình đã mất hết thực quyền. Không có con số chính thức nào ghi rõ nhưng theo ước tính của một số người hiểu biết thì lính Nam triều  còn lại chỉ chừng trên dưới một ngàn. Cũng còn  lại những chức vụ Đô Thống, Thống Chế...nhưng những vị này giỏi về nghệ thuật giải trí như đá gà, hát bội...hơn nghệ thuật điều binh khiển tướng. Tôi được biết một vị Đô Thống ở phía cầu Đông Ba vốn là thân phụ của một người bạn, vị này cầm binh như thế nào tôi không rõ nhưng cầm chầu hát bội kể như thuộc vào hàng thứ nhất ở Huế. Theo tổ chức và danh xưng cũ cũng còn Sơn lăng thủ hộ ( garde des mausolées royaux ), Thượng Thiện ( Cusine du Roi    ),Thượng Tứ ( Palefreniers royaux )…nhưng thật ít ỏi và chỉ hình thức. Sau đây chúng tôi xin mô tả lại hình dáng và hoạt động của một số lính Nam triều còn thấy được cho đến năm 45 , vào lúc Việt Minh lên nắm chính quyền :

- Lính hầu hạ tại các phủ ông hoàng bà chúa :

Tuy mất hết thực quyền nhưng ở các phủ vẫn còn một số lính hầu hạ mà công việc chủ yếu là làm vườn, và coi việc hương khói ở các nhà thờ các phủ. Những người lính không đồng phục này gọi là giám thủ và tự phu. Xưa kia họ thuộc về ty Tư Tế và ty Tài thọ nhưng nay đều là những người tình nguyện, không lương, được nhận vào hầu hạ tại các phủ nhờ quen biết hay chạy chọt. Mục đích của họ là sau thời gian phục vụ kiếm được chút phẩm hàm, tòng cửu phẩm hay chánh cửu phẩm. Không làm lính có khi mất đến hàng trăm bạc chưa mua được.

- Lính hầu hạ các tiên đế và nhà vua đang tại vị :

Lính hầu hạ các tiên đế tại các lăng tẩm được gọi theo danh xưng cũ là Sơn lăng thủ hộ hay gọn lại là lính hộ lăng. Lính hộ lăng ngày xưa khá đông. Ở những lăng quan trọng như Thiên lăng ( Lăng vua Gia Long ), Xương lăng ( vua Thiệu Trị ), Hiếu lăng ( vua Minh Mạng ) số lính lên quá 100 người nhưng về sau giảm đi rất nhiều, còn lại chừng mươi người bên cạnh một số thị nữ hay phi tần và một số nữ quan già nua. Lính hộ lăng ở luôn trong phạm vi lăng, thuộc quyền chỉ huy của các chánh, phó sứ và tá lý hộ lăng được chọn trong hàng hoàng tộc. Lính hộ lăng có lương bổng , nhưng không đáng gì. Họ sống nhờ vào những nghề phụ làm thêm lúc rãnh rỗi như đan lát hay trồng trọt thu hoa lợi trên các mảnh đất được phép canh tác trong lăng. Ước mơ của họ cũng giống tự phu và giám thủ là sau thời gian phục dịch nhận lãnh được chút phấn vua để “ y cẩm hồi hương “.

Phục dịch vua tại vị, hoàng hậu, hoàng tử...đại loại có mấy thứ lính chính sau đây : lính hộ thành, lính khố vàng và thị vệ .

Không kể những phường xã chung quanh, Huế chính thức gồm có ba vòng thành. Vòng thành ngoài là Kinh thành, vòng thành thứ hai là Hoàng thành và vòng thành thứ ba là Tử Cấm thành.

Phần đất giữa Kinh thành và Hoàng thành thuộc trách nhiệm của lính hộ thành, cũng gọi là lính tuần sát. Đó là những lính thuộc đội võ lâm ngày trước nhưng nay có nhiệm vụ giống như “ bu-lít “ ở ngoại thành nên có tên là tuần sát hộ thành ( police de la Citadelle ).  Họ ở dưới quyền chỉ huy của một vị Đề đốc hộ thành hay nôm na là Cụ Đề hộ thành. Trụ sở Hộ thành nằm trên đường từ Thượng Tứ chạy thẳng vào Hồ Tịnh Tâm, không xa hồ bao nhiêu. Trụ sở gồm có một ngôi nhà trệt rộng, vừa là công thất vừa là tư thất cho Cụ Đề. Hai bên nhà chính có hai dãy nhà phụ chứa xe cộ linh tinh và đồ chữa cháy. Phía sau trụ sở, cách một khoảng sân rộng có mấy dãy nhà giam ẩm thấp, dùng để tạm giam những tội phạm trước khi giải qua Phủ Thừa xét xử. Lính hộ thành hay tuần sát mặc đồng phục ka-ki vàng trong những ngày thường và trắng trong những ngày lễ. Họ đi chân đất, quấn xà cạp đỏ, đội nón dấu tình thuẩn, có chóp đồng nhọn. Lúc làm nhiệm vụ tuần sát hay canh gác các cửa thành, đặc biệt các cửa thành chính Thượng Tứ và Đông Ba, họ mang súng remington cũ ( loại súng mổ cò từng phát một ) với chừng hai băng đạn, có từ 6 đến 12 viên. Ngoài việc canh gác, gìn giữ trật tự, đóng mở các cửa thành ( trừ cửa Thượng Tứ mở suốt ngày đêm ) họ còn có những nhiệm vụ khác : treo đại kỳ nơi Cột cờ, nổ súng ( phát lệnh ) sáng trưa và tối . Trong nhiệm vụ nổ súng không thấy họ mặc đồ lính. Lúc bé tôi đã có lần tò mò đi xem nổ súng ban trưa và leo lên cột cờ nhìn lính buộc lá cờ to tướng ở kỳ đài. Nổ súng thật hấp dẫn với tuổi thơ, chẳng khác gì đốt pháo lệnh vào ngày Tết. Súng là một ống đồng có thành dày, hình hơi giống cái be ruợu, bầu to, miệng nhỏ, cao chừng 40 đến 50cm, chế theo nguyên tắc hoả mai. Súng được nhồi rơm và thuốc súng theo cân lượng định sẵn rồi châm ngòi. Sau khi nổ, nùi rơm bay bổng lên cao chừng 10 đến 12 thước. Tiếng nổ khá lớn, nghe được trong vòng bán kính  2,3 cây số. Dân chúng ở Huế theo tiếng súng nổ canh chừng giờ giấc, ngoài tiếng chuông Thiên Mụ, Diệu Đế và các nhà thờ công giáo.

Tuy giữ nhiệm vụ cảnh sát nhưng ít khi thấy lính tuần sát bắt bớ ai. Cuộc sống trong thành nội hình như tự nhiên mà yên ổn. Đánh lộn hay đâm chém là một sự kiện lớn lao. Sự hiện diện của lính tuần sát nói chung có tính cách tượng trưng.

Trong kinh thành còn có một số lính khác thường không đồng phục, đó là các lính giữ ngựa và voi. Lính này xưa kia thuộc về ban Thượng tứ và Kinh tượng nhưng sau này không rõ phụ thuộc về cơ quan nào . Chuồng voi và chuồng ngựa ở gần sở canh nông bên đường Mã Khái. Ngựa dùng cho lính kỵ mã của nhà vua trong các đám rước : “ “...Đám rước này (lễ tấn phong Đông cung Thái tử cho Hoàng tử Vĩnh Thụy ) ngoài các hoàng tử và các quan còn có lính kỵ mã của Hoàng đế ...” ( “ Con Rồng Việt Nam “- Bảo Đại ) . Đến  năm 45 không còn thấy đội kỵ mã đâu nữa, chỉ còn thấy sót lại con ngựa Caroline hiền lành mà nhiều học sinh Quốc học, lúc trường dời vào Đại nội, đùa nghịch cởi dạo quanh quẩn các sân cỏ.

Voi dùng trong nghi lễ tiết tế Nam Giao. “...Thoạt đầu là một hàng voi choàng đầy phẩm phục rất lộng lẫy, có một người quản tượng và một vị quan ngồi, có lọng che ...”  Đó cũng là một câu văn trích từ quyển “ Con Rồng Việt Nam “, mô tả đám rước lễ Nam Giao hay lễ Tế trời – Đất của nhà vua. Ngoài lễ Nam Giao tiến hành ba năm một lần, voi chỉ “ ngồi chơi xơi cỏ “ . Các lính quản tượng tức các ông nài, thường dẫn voi ra các miền phụ cận Huế để kiếm lá cây hay thân chuối cho voi ăn. Trong cuộc sống trầm lặng, hầu như không có thú giải trí, voi đến đâu cũng làm dân chúng nô nức. Con nít tụ năm tụ bảy, đứng xa xa thì thầm chỉ trỏ, không dám la hét múa may vì sợ thần dũng của các “ ông “. Những phụ nữ có “ nhớp “ ( kinh nguyệt ) thì bị đuổi đi xa, cấm không được lại gần vì sợ các “ ngài “ nổi giận. Nhưng các bà mẹ có con xanh xao, ốm yếu , có lẽ vì thiếu dinh dưỡng, thường xin các ông nài giúp bồng con luồn qua dưới bụng voi, nhờ các “ ngài” giúp đuổi các thần sài đẹn hay “ thần quan sát “ làm con họ bụng ỏng, tay khèo, mắt hốc hác ...Trong đám đông có cả những người đứng tuổi. Họ thường gạ gẫm xin ông nài chiếc lông voi ở đuôi để xỉa răng cho bớt sâu (!).

Mấy con voi lẽ loi còn sót gợi lại một thời xa xưa khi voi còn đắc dụng trong chiến trận và cảnh chiều chiều voi tấp nập kéo ra tắm nước nơi Bến Tượng ở sông Đông Ba, phía trước cửa thành cùng tên.

Lính trong Hoàng thành :

Phần đất giữa Hoàng thành và Tử Cấm thành thuộc trách nhiệm lính khố vàng. Đó là lính nhằm bảo vệ nhà vua nên người Pháp gọi là vệ binh hoàng triều ( garde impériale ). Quân số chừng hơn một đại đội, đồn trú ở dãy lầu một tầng phía bên trong cửa Hiển Nhơn. Nhiệm vụ của lính khố vàng là phần nhiệm của cấm binh vệ ngày xưa tức là bảo vệ trực tiếp hoàng triều, canh gác các cung điện, dàn chào danh dự trong các buổi lễ, lúc vua ngự đến các điện hay tiếp kiến các phái đoàn. Gọi lính khố vàng vì họ mang xà cạp vàng, và nịt bụng bằng một tấm khăn nĩ vàng, màu của nhà vua.

Thường chẳng mấy khi thấy họ quấn tấm khăn vàng, chỉ thấy một vuông vải vàng lớn hơn bàn tay thòng ở thắt lưng, phía trước bụng. Ngoài xà cạp vàng và thắt bụng vàng, họ ăn mặc như lính tuần sát. Trừ cấp chỉ huy có giày, lính đều đi chân đất và cũng đội nón dấu hình thuẩn , một thứ nón hình dáng kỳ quặc vì nghe đâu nhà thầu từ bên Tây không hình dung ra nổi cái “ chapeau conique “ và đã làm cái nón của lính tuần sát, khố vàng và khố xanh, theo mẫu vẽ chiếc nón lá trông nghiêng ( chapeau conique vu de profil ). Tuy quân số chẳng bao nhiêu nhưng cũng là một lực lượng có võ trang nên lính khố vàng được Tây để mắt trông chừng kỷ lưỡng. Vào quảng năm 40 trở đi, sau khi Tây thua trận bên Tây, lính khố vàng ở dưới quyền chỉ huy trực tiếp của một viên quan hầu người Pháp, tên Lebon ( ? ), đặt ngay bên cạnh vua. Tiếng gọi là hầu vua nhưng rõ ràng để kiểm soát. Sau đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 45, lính Nhật cũng thay thế lính khố vàng  canh gác hoàng cung .

Lính trong Cấm Thành :

Lính trong Cấm Thành gồm những kẻ hầu hạ cho vua, hoàng hậu, hoàng tử và công chúa...hợp chung thành thị vệ xứ. Theo Đại Nam Thống Nhất Chí thì  “Thị vệ xứ ở phía tả viện Tập hiền , xây về hướng Tây. Dựng năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).đặt viên chưởng lảnh, dùng văn võ đại thần sung vào thống quản ngũ đẳng thị vệ xứ, chủ coi các sở Trực lư…, cung cấp, nội tạo và cẩn đến ty lệ thuộc...Các sở Thượng thiện ( lo việc ăn cho vua ), Thượng trà (lo việc trà ), Thái y ( lo thuốc men trị bịnh )...đều liên quan vào xứ này.”

Nhiệm vụ của Thị vệ xứ như vậy là giữ gìn an ninh ngay bên mình nhà vua, lo nghi tiết khi vua vi hành, lo việc nội dịch : ăn uống, giải trí...Số lính thị vệ gồm có năm đẳng từ ngủ đẳng đến nhất đẳng, có đến 4,5 trăm người cho đến đời Tự Đức. Số thị vệ giảm dần, thời vua Bảo Đại chỉ còn chừng 30 người. Lính thị vệ mặc áo dấu  ( áo nậu ) đỏ, đội nón dấu hoặc aó dài đen, chít khăn đóng. Trừ một số ở đẳng cấp cao có giày dép, phần lớn đi chân đất.

Lính ở các bộ và ở phủ thừa :

Dưới quyền nhà Vua, chính phủ Nam triều gồm có lục bộ : bộ Lại ( nội vụ ), bộ Học (giáo dục), bộ Công ( kiến thiết , bộ Lễ (nghi lễ ), bộ Hộ ( tài chánh ), và bộ Hình ( tư pháp). Trụ sở Lục bộ ở đường Lục Bộ cách cửa Thượng Tứ 3 con đường ( 3 bloc ). Khác với các tỉnh ở Bắc và Trung, Thừa Thiên không có Tổng đốc hay Tuần vũ đứng đầu tỉnh. Quan đầu tỉnh của Thừa Thiên gọi là Phủ Doãn và Phủ Thừa, lo việc hành chánh và tư pháp. Cơ quan của phủ doãn và phủ thừa gọi chung là thừa phủ đóng ở phía hữu ngạn sông Hương, đội diện với Phu Văn Lâu.

Lính phục vụ ở các bộ và thừa phủ là lính giản và lính lệ. Lính giản làm việc ở các công đường như tùy phái và lao công. Lính lệ thì lo phục dịch hầu hạ các quan ở công đường và ở nhà riêng, lo trà nước, điếu đóm, kéo xe...Công việc lính giản có phần nhẹ nhàng, có lúc “ ăn cơm chúa múa tối ngày “, nhưng công việc lính lệ thì khó khăn và mệt nhọc. Lệ không những chỉ phục vụ quan ông, quan bà ,các cậu ấm cô chiêu. Hằng ngày lệ phải kéo xe đưa quan đến bộ hay phủ, đưa một số quan bà đi đùm đám, đưa các cô, cậu đi học và có lúc lại đưa các cô sen đi chợ. Những ngày nghỉ, ngày lễ hoặc sau giờ làm việc có khi quan đi thăm bè bạn, đánh kiệu, tài bàn...Có quan đơn giản nhưng cũng có quan bệ vệ, rình ràng. Có lính kéo xe đã đành mà còn có lính điếu đóm , trầu cau, mặc áo dấu xanh, cuốn xà cạp đen nhạt, chít khăn đóng, chạy bộ theo xe. Đời sống của lính lệ nói chung khá khổ sở nhưng không rõ các quan có mấy người cảm thông được. Cũng như các thứ lính khác, lính lệ và lính giản hi vọng sau thời gian phục dịch nhận được chút phẩm hàm . Óc quan lại tạo ra và nuôi dưỡng óc quan lại là thế.

Không quyền thế, lương bổng ít ỏi, lính Nam triều là những chiếc bóng mờ trong xã hội Huế đương thời. Giữa một thành phố đầy rẩy những quan  lại lớn nhỏ, những công chức và học sinh, không mấy ai chú ý đến lính Nam triều. Trừ một số ít đã leo lên được hàm đội, quả...lính Nam triều không khá gì hơn những dân lao động bình thường. Những cái bóng đó nhạt nhòa đi theo thời gian, không còn thấy cảnh cậu cai bảnh bao :

Cậu cai nón dấu lông gà

Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai

Họ nhạt nhoà đi vì các ông chủ của họ cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Đọc ý kiến của một người Pháp nhận định về quan lại Nam triều được giáo sư Nguyễn Thế Anh trích lại trong quyển “ Việt Nam  thời Đô hộ Pháp “ thì thấy ngay điều đó : “Sự thật thì các quan viên mất tất cả quyền hành ; chính phủ bảo hộ cố ý loại bỏ những người có khả năng và bản lĩnh ...Những người còn giữ lại thường là những kẻ vô tài và chỉ được coi là những “ hộp thư “hành chánh.” * V.N.T.Đ.H.P Tr.162 ).

Lính bảo hộ :

Bên cạnh lính Nam triều phần lớn gồm những kẻ hầu người hạ, mang tính cách khoa trương thì lính bảo hộ đông đảo và năng nổ hơn, thực sự là lực lượng người Pháp dựa vào để duy trì nền đô hộ.

Lính bảo hộ gồm nhiều binh chủng chăm lo đủ các mặt quân sự, chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại...Không kể lính kiểm lâm và lính đoan lo về súc gỗ, tranh tra, rượu, thuốc phiện, muối...ở những vùng xa, lính bảo hộ trong thành phố có mấy loại quan trọng sau đây : lính khố xanh, lính khố đỏ, lính cảnh sát, lính mật thám.

          Lính khố xanh : Lính khố xanh gồm người bản xứ nên người Pháp gọi là vệ binh bản xứ ( garde indigène). Có lúc lại được gọi là vệ binh Đông dương ( garde indochinoise ) vì ngoài người Việt còn có những sắc tộc khác như người Chàm., Miên, Lào. Dân chúng có khi gọi là lính tập ( tập kích ? ) hay theo màu xà cạp mà gọi là lính khố xanh. Phần lớn đi chân đất, đội nón dấu hình thuẩn như lính khố vàng hay tuần sát nhưng phía sau nón nhiều lúc có gắn thêm miếng vải xanh cùng màu với xà cạp để che nắng. Lính khố xanh đông hơn lính khố vàng nhiều . Hai đồn khố xanh chính ở Huế nằm ở góc đường Lê Lợi và Nam Giao, Lê Lợi và Đội Cung. Hai đồn này vể sau được sửa sang lại, một làm trụ sở Đai Học Luật khoa và một thuộc về Trung học Kiểu Mẫu ( ? ). Ngoài hai đồn chính, còn có một đồn dành cho ban nhạc khố xanh thường gọi là đội kèn nằm trong khu vực khách sạn Hương Giang ngày nay. Ban nhạc này  mỗi chiều chủ nhật trình tấu những bài nhạc Tây ở nhà dù ( kiosque ) trong vườn hoa toà Khâm sứ, phía cầu Trường Tiền.

Lập ra lính khố xanh Pháp đã thi hành chính sách dùng người Việt để kiềm chế người Việt. Lính khố xanh được tổ chức và huấn luyện theo cung cách một đội quân chiến đấu thực sự. Trang bị đầy đủ và tiến bộ hơn lính khố vàng. Vũ khí có cả móc-chê, súng phóng lựu, tiểu liên, trung liên, lựu đạn và cá nhân thì có súng trường Nga ( fusil russe ) hay ” mousqueton “. Hạ sĩ quan của lính khố xanh bếp, đội, quản là người Việt nhưng chỉ huy trưởng bao giờ cũng là người Pháp. Lính khố xanh được dùng để canh gác các cơ sở quan trọng của Bảo hộ và Nam triều như toà khâm, kho bạc ( ngân khố ), thừa phủ, nhà lao, dẫn tù đi tạp dịch...Cũng dùng để ứng chiến, đàn áp tức thời những cuộc nội loạn. Dập tan những cuộc nổi dậy như của Vua Duy Tân và lùng bắt những người “ làm chính trị “ là một phần vụ của lính khố xanh. Vì chỉ huy bên trên là người Pháp nên người lính vốn là nông dân không mấy chữ nghĩa, ít khi được tiếp xúc trực tiếp. Cấp trung gian, tầng lớp hạ sĩ quan vỏ vẻ tiếng Pháp, trở nên quan trọng, thường hống hách, luồn trên ép dưới. Trong lính khố xanh không phải không có người có ý thức nòi giống như ông Đội Cung, nhưng phần đông chỉ biết tuân phục ngoan ngoãn. Nhiều chuyện nịnh hót có tính cách tiếu lâm như chuyện “ vịt hai vhân “, “ cái rấm thơm “, chuyện “ en avant, chưn lá chuối, marche “ ( đằng trước, chưn bó lá chuối. bước ) được kể lại trong dân chúng phần lớn phát xuất từ hàng ngũ lính khố xanh. ( Người lính vốn là nông dân ngây ngô, không phân biệt trái, phải – gauche, droite, nên lấy lá chuối buộc vào chân để nhớ bên nào phải, bên nào trái ).

            Lính khố đỏ : Đội quân viễn chinh chính thức của Pháp là lính khố đỏ, cũng gọi là lính Tẩy ( biến thể của chữ Tây ), lính sơn đá ( đọc trại từ soldat ) hay lính chào mào vì đội nón vải ( calot  ) giống hình chóp lông trên đầu chim chào mào. Gọi là lính khố đỏ nhưng xà cạp của họ là những dung vải dài bằng dạ ( nỉ ) màu phân ngựa ; chỉ có tấm vải băng bụng là màu đỏ, màu của bộ binh, nếu tôi không lầm. Gọi là lính tây vì chủ chốt là tây : tây Pháp, tây da đen ở các thuộc địa châu Phi : Maroc, Tunisie, Algérie, Congo...tây Ấn Độ hay người Ấn ở các đô thị thuộc Pháp : Mahé, Karical...và Tây ở nhiều nước châu Âu trong đội lính đánh thuê lê dương ( légionnaire ).Trong lính khố đỏ có một số khá đông người Việt ; những người này cũng được gọi là lính Tây vì họ đầu quân cho Tây, do đó từ đi lính Tây cũng có nghĩa là gia nhập lính khố đỏ .

Tại Huế lính khố đỏ đóng tại hai đồn chính đã có từ lâu đời : De Courcy và Mang Cá. Đồn De Courcy cùng với Toà Khâm sứ tọa lạc trên mãnh đất thuộc xã Thủy Trường ( góc Lê Lợi và Tự Đức, phía bên kia Morin Frères ). Mãnh đất này đã được vua Tự Đức dành cho Pháp đóng phái bộ vào năm 1876. Đặt tên De Courcy để kỷ niệm viên Đại tướng cùng tên đã đem hơn một ngàn quân Pháp đủ loại trấn đóng Huế năm 1885. Mang Cá nằm trong thành nội cũng đã bị Pháp chiếm đóng từ năm 1884. Lính khố đỏ là lực lượng chính để duy trì nền đô hộ Pháp chống lại những cuộc nổi dậy lớn của người dân trong nước và sự đe dọa bên ngoài nếu có. Mỗi năm vào ngày 14 tháng 7 ( Huế gọi là Cách-tóc rui -dết ) có cuộc duyệt binh dương oai diễn võ trước Phu Văn Lâu.

Ngày trước người ta thường nói đến cuộc hôn nhân giữa ngòi bút sắt và bút lông hay là ảnh hưởng của văn hóa Pháp đối với văn hóa Việt Nam, sự hoà nhập giữa hai nền văn hoá. Nói như thế là nói về mặt văn chương, sách vở, trong thực tế thì cuộc tiếp xúc của đoàn quân viễn chinh Pháp với dân chúng mới biểu hiện rõ ràng cuộc pha trộn và va chạm giữa hai nền văn hóa, tạo ra nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Lính khố đỏ hay sơn đá hay lính tẩy, tôi muốn nói những người lính Tây thực thụ, giao tiếp với người dân Huế từ lâu nhưng mãi đến thập niên 40 đã không gây được chút cảm tình nào. Từ “ lính tẩy “ hay “ sơn đá “ mang một ý nghĩa xấu ( péjoratif ). Người Huế thường dùng những từ ấy để chỉ những kẻ ngạo ngược, vô lễ, không biết tôn ti trật tự. Thỉnh thoảng có nghe đến từ chú lính khố xanh, khố vàng, tuần sát nhưng chưa từng nghe từ chú lính tẩy hay chú lính sơn đá. Vì tính kỳ thị tự nhiên của người bị chinh phục đối với kẻ xâm lăng, người Huế thường gọi “ lính tẩy “ là “ thằng lính sơn đá “, “ thằng lính tẩy “, “ thằng lính lê dương “. Đối với lính Tây da màu, thì đó là “ thằng lính mọi “ hay “ thằng lính cột nhà cháy “.

Người Huế không muốn đụng chạm với lính Tẩy, nhưng làm sao né tránh được và cuộc tiếp xúc dù muốn dù không đã đưa lại nhiều thay đổi trong nếp sinh hoạt. Ít thấy người mua bán trực tiếp với lính Pháp nhưng những chiếc áo bành tô màu phân ngựa con cháu trong hàng ngũ lính biếu tặng hay mua lại ở chợ trời , những đôi giày da phế thải cắt ra làm da guốc...rất được ưa chuộng. Dân chúng biết đến văn minh Pháp qua những thứ tầm thường ấy.

Nhưng ảnh hưởng nhiều hơn là những mối tình Việt Pháp dưới mọi hình thức. Sau những ngày bị cầm chân trong đồn, đến cuối tuần được phép rời khỏ trại, lính Tây, như chó thoát khỏi cũi, sục sạo khắp nơi ; trên đường phố, ở những xóm làng. Mục đích có thể vì tò mò muốn hiểu biết sinh hoạt, phong tục của người bản xứ nhưng ý hướng chính, giống như lính ở khắp nơi, là “ chị em ta “ . Thời bấy giờ ma –cô, ma cạo không nhiều và nghề điếm chưa công khai, chúng phải tự đi săn lấy. Cuộc lùng kiếm đã tạo ra nhiều giai thoại.

Đàn ông Huế cũng như đàn ông trên toàn quốc ngày xưa, búi tóc và mặc áo dài. Với lối trang phục đó, lính ngoại quốc trông gà hóa cuốc, lầm thanh niên với phụ nữ.Mấy chàng lính Tây ban đầu chòng ghẹo lung tung. Một số  thanh niên bị xúc phạm tố cáo lên cấp trên. Vở lẽ ra mới biết nhiều anh Tây bé cái lầm . Chuyện chòng ghẹo bậy bạ cọng với một vài sự việc cụ thể, tạo nên dư luận lính Tây thích đồng tình luyến ái và thường bắt con nít và thanh niên để làm tình. Vì dư luận ấy mà mà các gia đình ở những nơi lính Tây thường qua lại, gìn giữ cửa ngõ rất cẩn mật vào những ngày cuối tuần hay lúc bắt đầu chuyển về đêm. Thanh niên, thanh nữ mỗi lần thấy bóng dáng lính Tây đều lãng tránh để khỏi bị phiền hà. Tuy nhiên cũng có một ít thanh niên hùng mạnh, loại như anh Trần quốc N., học sinh trường Quốc Học đồng thời cũng là võ sĩ quyền Anh sẵn sàng đương đầu nếu bị đụng chạm.

Nhưng dư luận là dư luận , thực tế dần dà đã xẩy ra nhiều cuộc nhân duyên Tây Việt. Dân chúng không thích và trọng nễ những cuộc nhân duyên này, nhưng về một vài phương diện những cuộc tình duyên ấy giúp họ biết rõ Tây hơn. Lấy vợ Việt, sống giữa người Việt, Tây không còn quá kinh hãi và xa lạ. Tây cũng bị mấy bà vợ mắng mỏ, cũng ăn bún bò, mắm ruốc...Tây ăn mắm ruốc là chuyện động trời vì mấy ông Tây thực dân thường bảo dân Mít là dân ăn đồ thúi ( manger de la pourriture ), và mắm và nước mắm đối với họ là đồ thúi.

Có những cuộc nhân duyên phù du lãng mạng khiến cô nàng sớm lẽ loi, bóng chiếc,phải mượn những bức thư nửa Tây nửa Việt lâm li than ngắn thở dài :

“ J’écris một bức tình thư

J’envoie thăm hỏi me-xừ le commandant

Kể từ ngày vous quittez, moi seule

Mes larmes chảy xuống hai hàng như mưa ...”

Nhưng cũng có những cuộc nhân duyên chung thủy vượt qua cả Thái Bình Dương. Trước đây có ông thạc sĩ mẹo mê mẫu quốc, viết nên cuốn “ De Hanoi à la Courtine “, ai cũng lấy làm lạ nhưng lạ hơn là việc có bà đầm mê trai quê Việt Nam, vượt nghìn trùng để tìm chồng.

Đệ nhất thế chiến đã đưa một số lính khố đỏ Việt sang chiến đấu ở Pháp. Chiến tranh chấm dứt, có người lập gia đình ở lại luôn bên ấy. Nhưng có người sau một thời gian đâm ra nhớ quê hương , đã chính thức hay lén lút bỏ vợ con, trở lại quê nhà.

Vào thập niên 20 truyền miệng một chuyện kỳ thú về một phụ nữ Pháp lặn lội sang Việt Nam để tìm chồng. Thấm nhuần tinh thần dân chủ tại bản quốc bà ta đã xông xáo đến mọi cơ quan đòi tìm cho ra tin tức. Trước đòi hỏi cương quyết Toà Khâm đã chỉ thị cho tỉnh, tỉnh chỉ thị phủ, huyện , phủ huyện cho làng, xã...Cuộc tìm kiếm đã làm dân chúng xôn xao, khen gái trời Tây mà chung thủy. Kết thúc đã tìm ra ông chồng quí hóa, nhưng thuyết giảng gì cũng không lay nổi quyết tâm ở lại sau lũy tre xanh với cái cảnh đầu tôm nấu với ruột bầu của anh nông dân.

Những cuộc tình duyên “ sơn đá” cũng đã đưa người Việt, đặc biệt người phụ nữ Việt, ra khắp năm châu bốn bể rất sớm, trước biến cố 75 nhiều. Tôi có người bà con làm việc ở ngành ngoại giao trước đây, kể cho nghe câu chuyện hi hữu. Trong một lần đi du thuyết ở Phi châu giải thích lập trường chính trị của Nam Việt Nam để tranh thủ dân chúng và kiều bào ta ở các nước ấy, có một phụ nữ Việt Nam đã đứng tuổi, đường đột đến gặp anh ta và hỏi thẳng thừng : “ Có phải cậu là cậu “ H. anh” ở bên cạnh cầu Đông Ba không ? “. Đột nhiên bị gọi tên cúng cơm và phơi bày lý lịch, anh ta vô cùng ngạc nhiên. Hỏi ra mới biết bà ấy vốn giúp việc trong gia đình và bồng bế mình lúc còn nhỏ. Theo tiếng gọi con tim, trái lịnh cha mẹ, bà ta đã trốn theo một anh lính da đen xê-nê-ga-le đầu thập niên 30 và biệt tăm từ đó. Một anh bạn khác kể chuyện vào đầu thập kỷ 50 từng gặp một phụ nữ Việt Nam xấu xí như ma lem ở một làng khỉ ho cò gáy tại Ba Lan. Nguyên do là một thanh niên Ba Lan hờn giận vợ ngoại tình, đã đầu quân vào đoàn Lê dương Pháp. Đến Việt nam, nghe đồn phụ nữ Á châu chung thủy, anh đã kết hôn với người đàn bà vừa nói. Hỏi đến cuộc sống gia đình, anh cho biết là rất hạnh phúc nhưng “ sợ lắm “. Bà vợ mắn đẻ, đụng tới là có con.

Còn biết bao nhiêu chuyện tình lâm ly khác khiến phụ nữ Việt có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Góp nhặt lại chắc có lắm điều hay.

Vào năm 1938-39 lại còn một thứ lính đầu quân sang Pháp để chống lại Đức  quốc xã gọi là lính thợ (O.N.S : ouvrier non spécialisé ). Lính này có người sang đến Pháp , có người đi nửa đường được tin Pháp bại trận thì trở về lại nước.

Hình ảnh cuối cùng của người lính Tẩy tôi thấy được vào năm 45 là lá cờ trắng dương lên ở đồn De Courcy vào đêm mùng 9 tháng 3 năm 1945. Đêm ấy anh Hoàng Liên , một người bạn khác và tôi, trên đường về nhà, đã bị lính Nhật giữ lại tại Bưu Điện Huế, ngay ở phía trước đồn. Vào quảng 3 giờ sáng tiếng súng từ đồn bắn ra chấm dứt và lá cờ trắng đầu hàng được kéo lên.

Sau cuộc đảo chánh Nhật ngày 9 tháng3 năm 45 hay “ trận giặc kẹo gừng “ như người Huế thường gọi, ( kẹo gừng là kẹo pha gừng hình giống chiếc bánh ú nhỏ, được bán rất nhiều lúc bấy giờ ), một số lính khố đỏ theo đường rừng trốn lên Lào, một số đầu hàng Nhật và một số bị bắt đày đến các lao xá xa xôi như Lao Bảo, Khe Sanh...Bóng dáng người lính khố đỏ ấy mãi cho đến năm 46 mới tái xuất.

Thuộc về lính bảo hộ còn có lính bu-lít ( police ), cảnh sát. Trụ sở chính cũng gọi là bót cò trung ương, tọa lạc trên cánh đồng An Cựu, bên đường từ cầu Trường Tiền chạy thẳng xuống. Ngoài bót chánh còn có nhiều bót cò phụ ở nhiều nơi trong thành phố : Gia hội, Chợ Đông Ba, Nhà ga…Cảnh sát bấy giờ thường mặc đồ soọc kaki trắng hay màu vàng đất, đội nón cối, mang tù huýt và dùi cui ( matraque ) bên lưng. Nhiệm vụ của bu-lít là gìn giữ trật tự, ngăn ngừa trộm cắp, điều hành lưu tthông...Phải thừa nhận nhờ có bu-lít nên đời sống trong thành phố được yên ổn, sạch sẽ, gọn gàng hơn...Nhưng người dân thường hay ghét cảnh sát vì “ một tên thượng sĩ quèn (nào ) của Pháp cũng được cử làm “ ông cò “ ,”ông cẩm”, cũng có thể làm oai bắt nạt bất cứ Annammite indigène nào già, trẻ, giàu, nghèo, lớn, bé, nhất là quê mùa dốt nát” ( BS Nguyễn Lưu Viên- Cựu phó thủ tướng VNCH ). Hơn nữa họ chỉ nhìn cảnh sát qua các vụ bắt phạt : phạt xe đạp đi đêm không đèn, phạt đèo người đàng trước xe, phạt việc đưa thùng rác ra vĩa hè và cất đi không đúng giờ ấn định, phạt ỉa, đái bậy bạ, phạt trẻ con đá banh trên đường lộ...

Xưa Tú Xương đã châm biếm chua cay ông Cò Nam Định :

Ngớ ngẩn đi xia mày vớ được

Phen này ắt hẳn kiếm ăn to.

Óc hài hước của người Huế không kém . Thử nghe họ mô tả anh bu-lít đứng trên chiếc bục gỗ đặt ở ngã tư đường để điều khiển giao thông :

Lừng lựng mà đứng giữa trời

Tay hoa, miệng huýt,cặc thòi bên lưng

Giới thường chòng ghẹo bu-lít là hoc sinh. Học sinh hay “ leo “ cây, đi xe đạp không có bản thuế, không đèn về đêm và chở bạn bè trước tay lái ...Một vài anh học sinh nổi tiếng phá phách bu- lít là các anh Trần Quốc Ng. Ở xóm Kẻ trài và anh Trần Văn S. ở cầu Thanh Long.

Anh Ng. người cao khỏng, có chiếc xe đạp hiệu Sterling rất tốt, đạp xe đạp rất giỏi. Buổi trưa nào, lúc tạm nghỉ học, anh cũng tìm cách trêu ghẹo bu-lít để bu-lít rượt đuổi. Anh có thể thoát đi dễ dàng nhưng luôn luôn biết giữ một khoảng cách vừa phải giữa anh và bu-lít để bu-lít ráng đuổi theo. Chờ lúc đến cửa thành, anh phóng tuốt vào thành nội. Dừng xe lại từ phía trong thành nhìn ra, anh cười huề với bu-lít. Mặc dầu tức giận, anh cảnh sát chẳng làm gì hơn là nuốt nỗi ấm ức vì thành nội thuộc lãnh vực trách nhiệm của tuần sát.

Anh S. học trường giòng Pellerin trêu ghẹo bu-lít một lối khác. Thường những nơi đông đúc như trường học lúc nào cũng có cảnh sát canh giữ. Chờ lúc anh cảnh sát sơ ý, anh S. Hoặc đấm vào lưng hoặc hất tung cái nón của cảnh sát rồi chạy lẫn và trong đám đông. Có lần cảnh sát xông xáo vào trường tố cáo với ông hiệu trưởng nhưng làm sao tìm cho ra hung thủ khi học sinh đồng tình che dấu . “ Ghét của nào  trời trao của ấy “, anh S. thời đệ nhật và đệ nhị Cọng hoà trở thành một ông Cò nổi tiếng ở Sài Gòn. Không biết anh ta có bị học sinh chòng ghẹo không ?

Ngoài cảnh sát có đồng phục mặt nổi, còn có cảnh sát không đồng phục mặt chìm. Đó là lính mật thám, không thuộc về bót cò nhưng thuộc về sở liêm phóng hay Sureté, tọa lạc phía sau Toà Khâm. Lính kín hay lính mật thám có mặt ở mọi nơi : trong dân chúng, trong trường hoc, công sở, đoàn thể..., một hình thức nằm vùng có trước thời cọng sản. Lính mật thám gồm có những chỉ điểm viên cung cấp tin tức cho sở liêm phóng về chính trị, kinh tế...như tin tức về các cuộc nhóm họp đông người, về rượu, thuốc phiện lậu... Ngoài ra còn có những người đi khiêu khích ( agent provocateur ), gợi lên những vấn đề thời sự có tính cách nghiêm trọng để dò la ý tứ của người đối thoại. Trong “ Tiếng Sông Hương “ số 1996  Thầy Nguyễn Huy Bảo có kể việc mình bị tố là cọng sản với Khâm sứ. Có thể xem đó là một ví dụ hoạt động điển hình của lính mật thám. Cuộc khởi nghĩa của Vua Duy Tân thất bại trong trứng nước là do chỉ điểm viên Trần Quang Trứ hay phán Trứ.

Điểm qua một vài nét sơ lược về hoạt động của mật thám chúng ta có thể hình dung ra cái không khí nghi hoặc, ngột ngạt đè nặng lên người dân nhất là thanh niên và học sinh. Ngoài những lực lượng quân sự sẵn sàng đàn áp còn có những bóng dáng ẩn ẩn, hiện hiện vây bọc lấy mình. Do cái không khí nặng nề ấy chúng ta hiểu được vì sao tinh thần yêu nước lên rất cao vào cuối 1945. Tiếc thay một vận hội tốt đã trôi qua !

Năm 1939 Pháp thất trận. Năm ấy Nhật bắt đầu đưa quân vào Đông Dương và chúng đã có mặt ở Huế vào quảng 1940 – 41. Tiếng còi báo động rú lên vì máy bay đồng minh tìm oanh tạc quân đội Nhật xảy ra vào ngày 1 tháng 11 năm 1941. Bốn con số một trong ngày, tháng, năm ấy làm tôi nhớ rõ. Nhờ hành quân kín đáo, chỉ đóng ở vùng đồi núi và quân số còn ít nên ban đầu chẳng mấy ai biết đến. Về sau quân số càng ngày càng đông, lính Nhật lang thang khắp nơi trong thành phố, không nhìn cũng thấy. Đồn binh chính của Nhật là trường tư thục Hồ Đắc Hàm ở đường Lê Lợi ( Jules Ferry ), ngoài ra còn một nhà chiêu đãi ( điếm cho lính Nhật ) ở ngay đường Trần Hưng Đạo ( Paul Bert ). Người dân Huế không có mấy thiện cảm với lính Nhật vì vẻ lầm lì của họ. Đứng gác lúc nào cầm ngang khẩu súng, chỉ thẳng vào bụng khách qua đường. Ngoài ra việc đối xử khắc nghiệt với phu phen làm công cho họ và những tin đồn không rõ thiệt hư về việc tống tiền một số nhà giàu trong thành phố làm cho người ta xa lánh. Tuy nhiên đối với chủ mới bao giờ cũng có những tên đầy tớ mới. Những người làm cho Nhật dựa vào thế chủ thường tỏ ra kiêu ngạo hống hách khiến dân chúng càng thêm ghét.

Sau cuộc đảo chánh ngày 9 tháng 3 năm 45, Nhật trao trả độc lập, trên danh nghĩa cho Việt Nam. Ông Trần Trọng Kim được vua Bảo Đại ủy nhiệm đứng ra lập chính phủ. Trong chính phủ có đủ tất cả các bộ duy chỉ thiếu bộ quốc phòng. Nói cách khác tình thế chẳng khác gì thời Pháp. Việt Nam được che chở rồi, chẳng phải lo gì về quân sự !

Bù vào sự thiếu sót bất đắc dĩ ấy, chính phủ Trần Trọng Kim đã đi một đường vòng vo, lập ra đoàn Thanh Nhiên Tiền Tuyến , tuyển mộ một số thanh niên có học, có thiện chí để huấn luyện thành những sĩ quan tương lai. Những thanh niên tiền tuyến ấy thường được gọi là lính tiền tuyến. Phần đông cao ráo, ăn mặc bảnh bao theo kiểu nhà binh, họ đã làm cho thanh niên Huế ao ước hùng dũng một thời. Nhưng lính tiền tuyến tồn tại chẳng được bao lâu. Sau tháng 8 năm  45 một số trở thành những sĩ quan đắc lực cho bộ đội Cọng sản như C.V.K hay Đ.V.V; một số khác không theo Cọng, trở về cuộc sống bình thường và về sau đó có người trở thành những sĩ qua chỉ huy trong quân đội miền Nam.

Sau lúc Nhật đầu hàng Đồng minh, Trung Hoa, theo thỏa ước quốc tế, đưa quân sang để giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến thứ 16 ( Đà Nẵng ) trở lên. Họ tràn vào Việt Nam bắt đầu từ ngày 9 tháng 9 năm 1945. Những toán quân đầu tiên là quân của Long Vân , một tướng lãnh cát cử ở vùng Vân Nam . Sau khi tướng Long Vân bị chính phủ Tưởng Giới Thạch buộc về Trùng Khánh đợi lịnh thì quân của Long Vân được dần dần thay thế bởi quân đội trung ương. Chuyện lính Tàu vàng ( quân của Long Vân ) và lính Tàu xanh (quân trung ương ) do đó mà ra.

Không biết trên thế giới có một đội quân nào bê bết hơn quân của Long Vân không, nhưng quân của Long Vân thật bê bết hết chỗ nói. Quân phục họ màu dưa cải úa, may bằng vải xấu nên trông nhàu nhèo, bẩn thỉu. Xà cạp cùng màu nhưng có điều khác lạ là rất dài và ống chân được bó lại trên dưới bằng nhau, trông như một khúc gỗ tròn lớn hay một đòn bánh tét bự. Khổ người và tuổi tác cũng lạ : có người già khuỵu, có người non nớt như chưa rời vú mẹ. Có người lỏng khỏng, người lùn tịt, phần đông trông có vẻ thiếu ăn, ốm yếu. Đi đứng không có hàng ngũ, chẳng biết hàng năm hay hàng bảy. Đoàn người đông đúc cứ như tràn tới ; có người gánh gồng, có người xách ôm, có người dẫn xe đạp hay dắt ngựa, những con  ngựa không lớn hơn chó bẹc-giê. Súng ống người có, người không, phần nhiều là loại súng trường Nga ( Fusil russe )lòng thòng. Một vài khẩu súng cối, năm bảy cặp đạn. Lính Tàu vàng cũng gọi là Tàu phù đóng khắp nơi trong thành phố, trong Mang Cá, nơi các trường học : Quốc Học, Bình Linh, Thuận Hoá, ở đồn khố xanh gần Nhà Ga...Ít thấy họ luyện tập quân sự nhưng thường thấy tập đi xe đạp, mua sắm đủ thứ hàng hoá và ăn quà. Có tin đồn là nhiều người ăn quá nhiều đã bị “ chết no “. Buổi sáng hay buổi trưa đi qua bịnh viện trung ương Huế, thường thấy họ la cà bên các gánh bún, gánh cháo trước cổng. Ăn xong họ còn mua cho bạn bè đau ốm không đi được. Thiếu đồ đựng thức ăn, có người dùng luôn đến cái bô tráng men dành cho việc vệ sinh ở các buồng bịnh. Có lần tôi đứng phía ngoài vòng thành nhìn vào trong trường Quốc Học, ngôi trường đẹp đẻ trông ra rất tiều tuỵ. Bẩn không thể tả được : giấy vụn, bông, băng rải rác đầy sân. Từ các cửa sổ những chiếc xà cạp tròng tréo, lòng thòng xuống tận mặt đất và rêu mọc xanh đen theo những giòng nước rỉ rả không ngừng từ trên tường cao. Lính Tàu vàng mang đến cho Huế hai thứ bịnh : bịnh ghẻ Tàu phù và tiêu chảy. Tôi có vị thầy dạy Toán người Pháp ở trường Bình Linh, sư huynh Clémentien, đã chết vì tiêu chảy lúc lính Tàu chiếm đóng trường. Một tai họa khác cho dân Huế là tiền quan kim. Sẵn quan kim lính Tàu gặp gì cũng mua, làm hàng hoá tăng giá rất mau. Rồi tin đồn đồng bạc Đông Dương mất giá khiến nhiều người đem tiền cũ đổi ra quan kim. Về sau quan kim tràn ngập, giá trị như giấy báo, nhiều nhà giàu đã gánh quan kim đổ xuống sông Hương.

Vào quảng tháng 10 năm 45 thì lính Tàu trung ương, cũng gọi là lính Tàu xanh vì quân phục màu xanh, bắt đầu thay thế lính Tàu vàng. Lính Tàu xanh phần lớn gồm người Hoa Bắc nên cao lớn hơn. Họ có kỷ luật, luyện tập chu đáo và trang bị đầy đủ hơn lính Tàu vàng nhiều. Nhưng không bao lâu thì từ từ rút đi, một phần vào củng cố quân cảng Đà Nẵng, phần đi tăng cường các đơn vị ở miền Bắc nhằm dành quyền lợi và đương đầu tình hình căng thẳng với quân đội Pháp. Sau một thời gian áp lực mạnh đối với Việt Minh cũng như đối với quân đội thực dân Pháp ở Hải Phòng và Hà Nội , đoàn quân Trung Hoa cuối cùng rút khỏi Việt Nam ngày 18 tháng 9  năm 1946.

Hai tiếng Việt Minh được nghe nói đến rất chậm ở Huế. Phần lớn người Huế chẳng biết Việt Minh là gì cho mãi đến lúc Vua Bảo Đại thoái vị, ngày 24 tháng 8 năm 45. Ngay chiều hôm ấy xuất hiện ở Huế trung đội du kích Việt Minh đầu tiên. Có tin đồn trung đội ấy do một nhà trí thức từng làm việc cho Nhật và về sau này giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ đệ nhất cọng hoà chỉ huy. Họ xuất phát từ Bao Vinh, biểu dương qua đường Hàng Bè rồi theo cửa Đông Ba đi vào thành nội. Lực lượng sơ sài, chẳng có vẻ gì oai hùng, mạnh mẽ. Gồm chừng hơn ba mươi người : 2/3 là phụ nữ, cọng thêm một số thanh niên nông dân. Họ mặc áo cộc, quần đen hay nâu xắn lên nửa gối hoặc bó lại sát bắp chân. Có người chít khăn, đàn bà thì mỏ quạ, đàn ông thắt lại trước trán. Vũ khí hầu như là gậy gộc, mả tấu và “ phạng “ tức là loại dao chặt cỏ dọc theo giường ruộng. Chẳng thấy một khẩu súng nào.

Sau lúc trung đội gọi là du kích nhân dân xuất hiện, một không khí hoang mang ngở ngàng lan tràn trong thành phố. Dân chúng như chờ đợi tìnhtrạng rõ ràng để trở lại cuộc sống bình thường . Nhưng cuộc sống đã đổi khác, không còn là cuộc sống bình thường nữa. Chiếc xe công an màu xanh của sở mật thám cũ hoạt động gần như 24 giờ trên 24, mạnh nhất là về đêm. Một số quan lại, công chức cũ, nhiều người thuộc các đảng phái quốc gia đối lập bị lùng bắt. Trong không khí phập phồng đè nặng lên thành phố, lực lượng vũ trang nhân dân được tổ chức gấp rút. Thanh niên thanh nữ tự vệ ra đời. Đã diễn ra những cảnh chưa hề thấy : tảng sáng và chiều tối, thanh niên, thanh nữ đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp đua nhau tập múa kiếm, múa gậy trên các bãi đất trống ở công viên hay trường học. Một vài nữ giáo sư trường Đồng Khánh có mặt trong hàng ngũ. Rất nhiều nữ sinh, có người có lẽ chưa từng sờ đến con dao trong nhà, đã tham gia. Tất cả hăng say bước theo nhịp đếm quân sự : 1,2,3,4. Có người ngượng nghịu, nhưng phần đông hăng hái . Không phải vì sợ hay muốn ủng hộ Việt Minh nhưng ai cũng cảm thấy đất nước bị đe doạ, cần có một một lực lượng vũ trang để đối phó tình thế.

Tinh thần yêu nước, chống Pháp càng rõ ràng và bồng bột về phía thanh niên. Học sinh tất cả một lòng “ xếp bút nghiên “,tình nguyện trở thành “ Vệ quốc quân “. Có người gầy khỏng, sợ “ indice pignet “ quá cao (con số biểu lộ sức khỏe một người, bằng cách lấy chiều cao trừ đi số đo của vòng ngực cọng với trọng lượng ), không trúng tuyển, bỏ sõi đá vào túi áo cho thêm sức nặng. Những học sinh ít tuổi tình nguyện làm liên lạc, giao thông. Trong Vệ quốc quân có cả những sinh viên đại học, những công chức, tri huyện, tri phủ cũ và cả những người vốn là lính khố xanh, khố vàng, khố đỏ. Đoàn quân trẻ trung và đầy tinh thần này thật sự được dân chúng ủng hộ một thời. Nhiều bà đứng tuổi, nhiều chị phụ nữ tình nguyện đi nấu ăn, làm cứu thương săn sóc cho Vệ quốc quân. Quân phục phần lớn tự túc, chỉ cần cái huy hiệu tròn sao vàng trên nền đỏ là ra người lính. Vũ khí lấy được từ Pháp và Nhật không có mấy, nhưng tinh thần chiến đấu rất cao. Nhiều đơn vị xung phong lên đường vào Nam hay lên Nam Lào chống Pháp sau khi được huấn luyện sơ sài. Hậu quả, nhiều thanh niên đã hy sinh oan uổng ở mặt trận miền Nam và hạ Lào.

Cao trào yêu nước của dân chúng đã bị lèo lái theo đường hướng cọng sản. Những danh từ Vệ quốc quân, Tự vệ chiến đấu...là những chiếc bẩy để lôi cuốn và kiểm soát thanh niên . Nắm được chính quyền trong tay, Việt Minh đặt những phần tử trung kiên vào những vai trò quan trọng trong các tổ chức, sớm nhất là trong các lực lượng vũ trang. Một số cán bộ nông dân từ Quảng Nam, Quảng Ngãi được thổi phồng là chiến sĩ du kích ở chiến khu Ba –Tơ, điều khiển việc huấn luyện đao kiếm, gậy gộc cho nam, nữ thanh niên tự vệ. Đồng thời Việt minh mở lớp huấn luyện cấp tốc, gọi là lớp quân chính vừa để tuyên truyền chủ nghĩa Cọng sản, vừa để tuyển chọn những thành phần có thể có lợi cho chúng nhằm chỉ huy về mặt chính trị những đơn vị quân sự vừa thành lập. Lớp Quân chính đầu tiên khai giảng trong Hoàng thành, tại trụ sở đồn lính Khố vàng trước kia. Hai cán bộ miền Bắc có tên Lưu và Tri ( tôi không nhớ họ ) ,hai anh chàng i-tờ, được giới thiệu là cán bộ trung ương từ chiến khu Việt Bắc đến, phụ trách lớp. Những buổi học buồn tẻ, chẳng kém gì các buổi học trong traị “ cải tạo “ sau này. Những người , gọi là giảng viên , sao đi lặp lại một số bài bản chẳng hề thay đổi từ đấy cho mãi đến sau 75 : thế giới chia làm hai phe, tư bản đào hố chôn mình, xã hội chủ nghĩa là con đường tất yếu của lịch sử ...

Nghĩ rằng ngăn chận thực dân Pháp chiếm đất nước lần thứ hai là nhiệm vụ trước mắt, thanh niên và dân chúng , dù không ưa gì Cọng sản, không đặt nặng vấn đề chống cọng. Cuộc chiến dành độc lập dần dà trở thành cuộc chiến để thiết lập chế độ xã hội chuyên chế. Khẩu hiệu “ Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa “, lộn sòng tổ quốc với Cọng sản bắt đầu thực hiện từ đó.

Cuối năm 45 và cho đến tháng 12 năm 46 lính Pháp theo chân đồng minh thay thế quân Anh ở miền Nam rồi quân Tàu ở miền Bắc. Những người lính Pháp này cũng như lính khố đỏ ngày trước có nhiệm vụ đánh tan cuộc kháng chiến của toàn dân và tái lập nền đô hộ. Nhưng sự hiện diện của họ thuộc về một giai đoạn lịc sử khác của Huế, cũng như cả nước. Xin không nói  đến trong bài này.

Ngoài các thứ lính vừa kể, tưởng cũng nên nhắc tới một loại lính khác ở Huế xa xưa mà ai có chú ý mới biết, ấy là các âm binh. Lính này thật lạ vì không thấy ai tuyển mộ cả, nhưng kể ra cũng khá đông. Những người lính như tự động xưng làm lính để phục vụ các vua chúa siêu nhiên ngự ở các cây đa, cây đề, ở các am lớn nhở rải rác khắp nơi trong thành phố. Không có một khu phố nào, một con đường nào mà không có đền  hay am thờ các Mẫu, các ông Mán, ông Mường, các Chúa thượng ngàn ...: Am ở cầu Gia Hội, Đò Cồn , Ô hồ, “ xẹc “ ( cercle sportif ), ở vườn bông trước cửa Nhà Đồ, Cầu Lòn, Bầu Vá...và xa hơn là Điện Hòn Chén. Lính âm binh có thể là các bà quan lớn, những nữ thương gia giàu có, cũng có thể là nhữnh anh phu xe, người chèo đò, chị buôn thúng bán bưng được các Ngài ở thế giới vô hình “ bắt “. Tiếng gọi là “ bị bắt lính “ nhưng không ai trốn tránh như nhiều thanh niên lúc nhận được lệnh động viên. Trái lại những người bị bắt biểu lộ tinh thần tự nguyện rất cao, giữ đúng kỷ luật và trung thành với những kẻ đã bắt mình. Đúng ngày rằm hay ngày vía, lính âm binh tự động đi hầu các ngài ở các đền. Tiếng kèn, tiếng nhị, tiếng sanh kéo dài tới sáng. Cũng có khi không phải ngày vía nhưng trong dạ thấy bồn chồn, nóng nảy thì người bị bắt lính phải bỏ ngay công việc để đi hầu. Kẻ được bắt làm lính cảm thấy vui vẻ vì theo họ, nhờ được làm lính các Ngài mà sức khỏe và công việc làm ăn trở nên khấm khá tuy cũng có lúc bị các Ngài trừng phạt. Lúc còn học ở trường tiểu học Đông Ba, sau đổi là Gia hội, tôi đã ngỡ ngàng đến kinh hoàng thấy cảnh một người lính âm binh bị Ngài phạt. Vào một nuổi trưa, một người đàn bà đứng tuổi quàng triêng gióng, tất tả từ chợ Đông Ba chạy về chiếc am ở đường kiệt bên hông trường. Đến nơi bà ta lăn lộn trên mặt đất, lấy những mãnh vở chai vứt rải rác quanh am, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, rồm rộm như nhai đường phèn. Giữa lúc nửa tỉnh, nửa mê bà ta cho biết đã bị Ngài phạt vì mải buôn bán , quên mất buổi hầu.

Điểm qua các thứ lính ở Huế phục vụ cho các lực lượng chính trị và cho thế lực siêu nhiên, tôi không có tham vọng viết một bài nghiên cứu quân sự. Chỉ mong, qua một vài cảnh sinh hoạt của lính, nêu lên được ít nét đặc thù của Huế ngày xưa.

Huế đẹp. Huế thơ, Huế có sông Hương xanh biếc , núi Ngự thông reo, “ có hàng tôn nữ cười trong nắng “...Bao nhiêu cảnh “ non xanh nước biếc như tranh họa đồ “ đã un đúc nên tâm hồn phong phú của người Huế. Nhưng sự hiện diện của từng ấy thứ lính ở Huế thì sao ?

- Không thể bảo lính không vang vọng gì đến người Huế cả. Ảnh hưởng của lính đối với cuộc sống dân chúng ở Huế có thể là một vấn đề nghiên cứu lý thú về mặt xã hội học. Tôi lấy làm tiếc không phải là một nhà chuyên môn để đi sâu vào chi tiết. Nhưng trong tổng quát, trực tiếp hay gián tiếp , thảm trạng của lính Nam triều, tính cách bạo ngược và hung hản của những đoàn quân bảo hộ và các đoàn quân xâm lược khác đem lại cho người Huế một tâm trạng ức chế, cảm giác bị đàn áp, kiềm tỏa , vây bọc trong một không khí ngột ngạt. Cảm giác ấy lắng xuống chiều sâu, đi vào tiềm thức, nhưng không bao giờ mất.

Sự tàn tạ của quân Nam triều trên triền dốc xuôi của một chế độ lôi cuốn theo sự mất mát một niềm tin. Những đoàn quân xâm lược đủ loại Pháp, Nhật ,Tàu...hùng hổ và bạo ngược, là những lằn roi quất lên mặt nước sông Hương. Đoàn âm binh đông đúc có thể hiểu như sự chờ mong một phép linh thiêng . Nhưng :

“ Đồng thiêng sao chẳng ra giúp nước “

Cảnh đồng bóng làm con người suy nghĩ thêm ngán ngao.

Người ta thường bảo người Huế có một tâm tính riêng vì phong cảnh mỹ miều, nếp sống kiêu sa, địa linh nhân kiệt của Huế...Điều đó đúng, nhưng tôi nghĩ sự đàn áp của lính tráng ngoại bang, cái bệ rạc tiêu điều của quan lại và lính tráng Nam triều không phải không có ảnh hưởng đến tinh thần trầm tỉnh nhưng sẵn sàng quật khởi của người Huế .

Nguyễn Đăng Ngọc