Trần Đình Quân sống dậy từ âm nhạc và con người

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 TruongSonDuyKhanhCD uonDauXanh 01
TruongSonDuyKhanhCD uonDauXanh 00

Trường Sơn Duy Khánh CD 008 - VA - Vườn Dâu Xanh (Ca Khúc Trần Đình Quân)

QUẬN  CAM

Khi được anh Ngọc Chánh cho biết là tối thứ sáu 28 tháng 6/1996 là ngày tiện lợi nhất cho một họp mặt dành cho Trần Đình Quân thì chúng tôi nhận ngay dù ngày thực hiện chẳng còn bao nhiêu. Chúng tôi biết mình cũng không có bao nhiêu ngày giờ nữa để chờ đợi.

Trần Đình Quân , đi giữa trái tim muôn người nhưng không hẳn là tất cả mọi người biết mặt. Nhưng không sao, nói như Nhật Ngân, anh ta có hàng ngàn , hàng ngàn người ngưỡng mộ anh, những bạn học cùng với anh, những người cùng đi dạy với anh và những người học trò hiện nay đang ở khắp các nẻo đường, không ngừng nhớ tới anh. Anh có hàng trăm bản nhạc, hàng chục thể loại, nơi nào cũng thành công, anh sẽ được chào đón .

Nhưng câu chuyện chỉ trở nên dễ dàng khi tôi, Cơ, Nhật Ngân đi gặp ông thầy Thiêng. Ông thầy Thiêng, cái tên như đã  bị Khánh Ly gắn chết từ hàng chục năm nay, cái người bạn tri kỷ dài dòng với ông nhạc sĩ giáo học họ Trần kể trên không thể thiếu trong ban Tổ chức kỳ này được. Gặp nhau, chưa mở lời thăm hỏi anh phang cho một câu : “ mấy ông chờ đến giờ này mới tổ chức là nghĩa làm sao, bạn bè gì mà chậm chạp thế, sao không chờ vài năm nữa “.

Có lẽ không ai hiểu cái buồn vương của một người hoạt động giờ đây đang gần mất hết năng lực kiểu Trần Đình Quân trong cơn bịnh Alzheimer bằng Trầm Tử Thiêng, bằng Nhật Ngân khiến cho nên câu trách của anh được mọi người đón nhận một cách thoải mái và hể hả. Khi ta thiếu sót một điều gì , được người khác nhắc nhở thì nhận tội cũng là một điều khoái chí chứ có gì phật lòng.

Và không kể thêm ra đây , những nổ lực của Trầm Tử Thiêng sau đó không làm anh em chúng tôi vừa kinh ngạc vừa yêu mến. Trần Đình Quân thành một gánh vác thúc anh lên đường chuẩn bị từng chút một, từng câu hát, từng giòng nhạc mà theo anh cho biết, anh phải soạn cho giàn nhạc và các ca sĩ cho đến tận...trước ngày khai diễn.

Về phía mấy anh em còn lại, chúng tôi tung tăng trên các ngõ ngách khác. Nhật Ngân liên lạc các nơi, sắp đặt chuyện vé bán tung đi các nơi quảng cáo, N.T.Cơ nhận những chuyện chuyên môn, Ngô Mạnh Thu lo chuyện trên đài và một nữ tướng nhảy vào gánh phần lớn những điều mà mọi người không ai lo nổi : Nguyễn D.L. Hương, gọi hết những Phan Châu Trinh và những Quảng Đà vào cuộc.

GIỜ PHÚT CHỜ ĐỢI, NỤ CƯỜI VÀ NƯỚC MẮT :

Đúng 10 giờ 15, ánh đèn trên sân khấu của Ritz mờ dần đến tắt, từ phía dàn nhạc bỗng tung lên một cung nhạc mềm như sóng nước, tiếng đàn bầu của Nguyễn Văn Châu nổi lên từ một câu nhạc trong bài hát chính đêm nay  “Khúc Tình Ca Xứ Huế “ , khúc hát đã đi vào lòng tất cả những người ở Huế, yêu Huế, thương Huế. Khúc hát đã tràn vào khắp miền Nam, qua chặng thời gian  dài trên 30 năm
.
Khuc tinh ca xu Hue Tran Dinh Quan 2R2
Diệu Hoàng , lại một giọng hát rất Huế  hiện nay đang đi vào  những câu mở đầu cho khúc hát này , và rồi đèn lên , Nam Lộc xuất hiện chính thức  lên tiếng giới thiệu đêm nhạc, chính thức mời mọi người đi vào cái toàn bộ của “ Khúc Tình Ca Xứ Huế “ với Diệu Hoàng.

TranDinhQuan02 NguyenDieuLienR

Ngọn sóng đầu tiên khiến mọi người có mặt hoàn toàn nhập vào hẳn một không khí của Trần Đình Quân, không khí của đồng quê miền Trung , của những chiều buồn sông Hương, núi Ngự văng vẳng tiếng Nam Giao .

Nam Lộc và Lê Tín Hương trong một lần hoà nhịp cùng giới thiệu Trần Đình Quân , đã sẵn sàng tất cả các lời gọn gàng và ý nhị nhất cho người viết nhạc họ Trần .

Rồi một nhịp lướt qua toàn bộ những ca khúc của Trần đình Quân,mà tôi giới thiệu vài nét chính trong âm nhạc của anh.

Trước hết nó rất Huế , ở những cung điệu mà không ai không ghi lại được chân thành như anh, qua lời ca, những  điểm hẹn của địa dư đã luôn luôn được anh nhắc nhở. Anh còn có một loạt ghi ký cho tuổi trẻ, khúc buồn có, khúc vui có, cuối cùng vẫn là tràn trề ước vọng và thứ ba là dòng nhạc quê hương. Tiếng nhạc này vô cùng vạm vỡ khi anh bước chân tới bến bờ tự do. Những ca khúc anh viết trên đảo tị nạn là những tuyệt phẩm . Ngày tổ chức nghe nhạc anh không biết có ai nhớ cũng là ngày kết thúc phần đời trên các đảo tị nạn chăng, một sự trùng hợp nào đó để người có lòng sẽ nhớ đến tiếng nhạc câu hát Trần Đình Quân.

Trong phần nói về con người Trần Đình Quân, ông Nguyễn Đăng Ngọc đã vượt đường từ San Diego về nói. Với tư cách người thầy của Trần Đình Quân từ thời ở Quốc Học, một đồng nghiệp cùng anh ở trường Phan Châu Trinh, ông Ngọc kể thật gọn và thật nhẹ những gì mà cậu học trò này đã làm cho hai mái trường xưa ấy. Anh đem lại những hoạt động lớn lao và quý báu cho biết bao người trong suốt thời kỳ đó và đem về vinh dự .

Qua tiếng hát của Anh Dũng và Hoài Nam ngay sau đó, có nhiều người bạn thấy rằng mình chưa có dịp để đón nhận những ca khúc của Trần Đình Quân đầy đủ và tròn trịa đến như vậy.

Trầm Tử Thiêng có lần đã nói : “nhạc tên này cứ nghe cho kỹ mới thấm tới nơi, khó có người so sánh “ . Qua Anh Dũng và Hoài Nam những câu nhạc và lời hát của họ Trần quả thực đi tới cái phần bề sâu mà anh chất chứa trong đó.

Chính từ những khua động mạnh từ giòng nhạc của mình, Trần Đình Quân cùng với Hương, người vợ hiền của anh, đã tiến lên bục gỗ để đón nhận không biết bao lời thăm hỏi chúc tụng xúc động nhất. Có những người học trò từ Pháp đến, có người là bạn đồng trường, có những bó hoa vui mừng, có những giọt lệ rưng rưng đã tràn ra vô cớ. Mối cảm tình từ ba mươi mấy năm trời với biết bao nhiêu con người được dịp bừng nở. Ai cũng có dịp được nhìn thấy anh hôm nay, đã bước đi trong chậm chạp, đã trả lời khó khăn , nhiều phần trí nhớ đang bị thử thách , miếng ăn miếng uống cũng không dễ dàng.

Và đó là màn đặc biệt ngoài dự tính, tất cả buông lơi theo cảm xúc. Hơn 300 người bạn anh hoà lẫn trong đám đông 500 người của đêm hôm ấy cùng xúc động như nhau.

Cho đến khi Nam Lộc và Lê Tín Hương nhắc nhở rằng tiếng hát Duy Khánh sẽ thay anh cảm tạ mọi người trong bài “ Xin Cảm Ơn “ thì mọi người mới lấy lại bình tĩnh. Tiếng hát của người bạn lớn trong làng ca hát này quả thực đã kết cho anh lời cám ơn mà hôm nay anh không nói ra được . “Xin cám ơn người cùng hát với tôi, xin cám ơn người cùng sống với tôi...”

Duy Khánh đã hát trong băng nhạc “ Vườn Dâu Xanh “  và đã phổ biến nó trong mấy năm vừa qua, và cho rằng chính anh cũng muốn có dịp nói lên lời cám ơn người bạn nhạc Trần Đình Quân , và anh cũng hoà nhập trong lời chân tình của bài “ Xin Cảm Ơn “ này.

TranDinhQuan01 DuyKhanhR

Khánh Ly, trong một chuyến đi Canada đột xuất vào buổi sáng, đã không quên nhờ Nguyễn Hoàng Đoan đến dự và tìm cách tỏ bày đã tiếc không dự được. Hương Lan đã trách yêu vì cho tới giờ chót chẳng thấy một mãnh giấy nào , còn tất cả bạn bè ca hát khác không thiếu một ai ngồi chật phía sau sân khấu và chương trình thì rất giới hạn. Nhưng mọi người rất hân hoan đến với Trần Đình Quân, từ Tuấn Đạt, Thanh Mai. Xuân Sơn, Lucie Kim Chi cho đến những nghệ sĩ thường trực của Ritz.

CHƯA DỨT

Thật là khó xử cho bạn bè khi tiến ra tới phía trước của hội trường, khoảng 4,5 nhóm đã dừng lại để xiết tay người bạn họ trìu mến , tỏ lòng thương cảm, tiếc chương trình chưa đủ dài lâu. Lòng thương mến đó dài hơn cả tiếng đồng hồ.

Về phía ban tổ chức, lại càng bối rối vì không biết nói sao cho hết những lời cám ơn về tất cả những gì mà buổi tổ chức nhận được.Lời cám ơn sẽ gởi đến đâu ?

Anh Ngọc Chánh vừa được chào đã xua tay thôi thôi, mình còn gặp nhau nhiều, các anh em ban nhạc, hai vị MC Lê Tín Hương, Nam Lộc, gánh gồng công việc với tất cả hăng hái, những bạn bè ca hát không ai phàn nàn đến đóng góp hay chỉ ngồi xem mà vẫn vui lòng.

Nhưng ban tổ chức cũng không quên được nhiều nhóm bạn như Hội Ái hữu Phan Châu Trinh, Hội Quảng Đà, Hội Cộng Đồng và cả nhóm bạn bè của chị Hương tại công ty Baker.

Trong câu cám ơn nói trên đài phát thanh VNCR, anh Trần Đình Quân đã “ cám ơn tất cả bạn bè và bằng hữu “... 

Viễn Đông Los Angeles - Số 180 – Thứ Sáu 05 tháng 7, 1996