Một vài kỷ niệm về Thầy Nguyễn Huy Bảo

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 
quoc hoc hue century old high school 10

Lúc đang dạy tại trường Quốc Học,Thầy Nguyễn Huy Bảo đã làm cố vấn hướng dẫn toán hướng đạo tráng sinh Vạn Kiếp chúng tôi vào những năm 1943 cho đến trước 1945.  Toán Vạn Kiếp  cùng nhiều toán khác như Vân Đồn , Tây Kết...thuộc về tráng đoàn Bạch Đằng do các trưởng Trần Điền rồi Nguyễn Thúc Toản điều khiển. Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa rõ do sáng kiến từ đâu và của ai để mỗi toán sinh chúng tôi lúc bấy giờ được một cố vấn là một vị trí thức hay nhân sĩ trợ giúp. Nhờ sáng kiến này chúng tôi đã may mắn được tiếp xúc với Thầy Bảo nhiều và cũng nhờ đó có những kỷ niệm riêng tư về Thầy ngoài những kỷ niệm ở trường học.

Bấy giờ toán tráng sinh chúng tôi cứ cuối tuần, trừ những tuần đi cắm trại, thường họp toán tại nhà đậu xe ( garage ) của trưởng Niedrish gần trường Thiên Hựu. Trong cuộc họp , ngoài việc thảo luận về sinh hoạt toán, học tập chuyên môn hướng đạo, chúng tôi còn nêu ra những vấn đề về đạo đức tư cách...để thảo luận với nhau.

Thầy Bảo đến họp với chúng tôi rất đều đặn và tham gia ý kiến như một người anh cả. . Trong hăng say và thẳng thắn của tuổi trẻ, chúng tôi nhiều lúc đã đưa ra những ý kiến trái ngược với Thầy nhưng chẳng bao giờ thấy Thầy tỏ vẻ khó chịu hay bất bình. Thầy còn khuyến khích chúng tôi mạnh dạn phát biểu và thường đặt ra thêm nhiều vấn đề cho chúng tôi thảo luận.

Tôi còn nhớ đến một vấn đề  Thầy thường nói đến là hạnh phúc ở đời. Sống như thế nào gọi là hạnh phúc ? Theo đuổi một lý tưởng ? Kiếm ra thật nhiều tiền để thỏa mãn tất cả ước mong  của mình ? Sống tu hành như các tu sĩ Công gíáo hay Phật giáo có phải là sống hạnh phúc không ? Không nên thảo luận suông  chỉ biết dựa trên cảm giác riêng tư của mình. Cần tiếp xúc với thực tế, trực tiếp nói chuyện để tìm ra những giải đáp thành thật. Nếu nhớ rõ và hiểu không lầm thì đó là cách Thầy đã hướng dẫn chúng tôi đi tìm ra lẽ sống.

Có lẽ để mở rộng tầm mắt chúng tôi và đề cao tầm quan trọng của việc phát triển các đoàn thể thanh niên , trong số có đoàn hướng đạo, trong thời kỳ chiến tranh,đen trắng không rõ ràng, Thầy đã hướng dẫn chúng tôi , bấy giờ là toán trưởng, đi gặp một số nhân vật có ảnh hưởng hay có uy tín ở Huế.

Dưới sự hướng dẫn của Thầy, chúng tôi đã được gặp Đức Khâm Mạng tòa thánh Vatican ( Monseigneur Drapier ? ) tại nhà thờ Phú Cam  vào một buổi tối. Trong cuộc gặp gỡ này, tôi còn nhớ đến câu nói bằng tiếng Pháp của Đức Khâm Mạng : “ Le bras gauche doit aider le bras droit “( Cánh tay trái phải hổ trợ cánh tay mặt ). Tuy bấy giờ đã học ban tú tài  nhưng thú thật tôi chẳng hiểu câu ấy có ý nghĩa gì. Cái gì là cánh tay trái, cái gì là cánh tay phải ? Nghĩ không ra tôi đành sống cuộc đời bình thường “ cơm cha, aó mẹ, chữ thầy “.

QuocHoc 1958R

Cũng theo sự hướng dẫn của Thầy, chúng tôi có gặp ông bà Ngô Đình Nhu tại tư thất bên bờ sông An Cựu, gần cung An Định. Ông Nhu bấy giờ ở Pháp mới về, giữ chức vụ Giám đốc Cổ Viện Khải Định đặt taị Di Luân Đường  (sau này là nơi đặt trường trung học Hàm Nghi ). Ngoài ra hình như ông còn giữ chức vụ Giám đốc Thư Viện Bảo Đại cạnh đó và phụ trách cả về phòng lưu trữ công văn tài liệu (Bureau des Archives ) tại toà Khâm sứ Pháp . Bà Nhu theo chỗ chúng tôi nhận xét còn rất trẻ so với ông. Lanh lợi hoạt bát, nói tiếng Pháp rất lưu loát. Hình như bà cũng rất đảm đang. Tôi còn nhớ đến những chiếc  gối thêu hình các con bài cơ, rô, chuồn, bích đặt trên mấy chiếc ghế salon. Đường thêu rất đẹp. Bà đã nói với  Thầy Bảo là bà đã tự tay thêu lấy.

Thầy Bảo và ông bà Nhu nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp có vẻ rất tương đắc. Hình như  Thầy và ông bà Nhu đã quen biết nhau từ bên Pháp. Vì nhút nhát và cũng vì giữ lễ độ chúng tôi chỉ biết ngồi nghe những  câu chuyện qua lại. Những chuyện từ bên Pháp, đời sống đắt đỏ và tình hình Pháp Nhật lúc bấy giờ. Trên đường về, Thầy Bảo có ngỏ ý cho tôi biết ông Nhu là một người am hiểu chính trị và có nhiều khả năng làm chính trị. Nghe  Thầy nói tôi cũng vâng dạ mà chẳng có ý kiến gì.

Thầy còn hướng dẫn chúng tôi đi gặp một số người khác trong giới công chức và thương nghiệp không mấy quan trọng. Việc giao thiệp rộng rãi và dễ dàng của Thầy đối với các giới khác nhau trong xã hội chứng tỏ Thầy không phải là một nhà trí thức sống trong tháp ngà. Thầy hòa đồng vào đời sống xã hội, chia sẻ trách nhiệm với xã hội mình đang sống.

Rồi “ cách mạng mùa thu “, vua Bảo Đại thoái vị, Việt Minh nắm chính quyền. Phần đông dân chúng lo âu : lo cho đời sống, cho số phận và địa vị riêng tư, cho tương lai, nội chiến, lo Pháp trở lại ...Một không khí hãi hùng phủ lên trên bầu trời Huế khi chiếc xe màu xanh của sở Công An Trung Bộ ngày đêm chạy khắp nơi để bắt các cựu quan lại, cựu công chức tai mắt hay các nhà trí thức và đảng viên các đảng phái chính trị bị kết tội phản động, thân đế quốc..

Thỉnh thoảng gặp Thầy trên các đường phố, tôi thấy Thầy vẫn bình thản. Với chiếc xe đạp Saint Etienne cũ kỹ, với lối đạp xe khác thường, hai chân bành ra hai bên, chủ nhân chiếc xe đạp đi chậm rãi, lơ đãng nhìn trời đất. Có lần tôi gặp Thầy trước cổng trường cũ giữa mấy môn sinh xưa, trò chuyện vui vẻ. Có anh đã nghịch ngợm táo bạo hỏi Thầy : “ Thầy đã gặp cô Bội Lan, thảo luận với cô ấy về Mác – xít chưa ? “. Câu hỏi có ý tinh nghịch nhưng cũng ngụ ý lo lắng cho Thầy. Thầy vẫn bình tĩnh, vui vẻ trả lời : “ Tôi sẵn sàng tiếp nếu cô ấy muốn đến  “ ( * ).

Từ cuối 1946 tôi chẳng có dịp nào gặp lại Thầy cho mãi đến năm 1955. Sau Hiệp định Genève, khi trường Cao Đẳng Sư  Phạm từ Hà Nội dời vài Sà Gòn, tôi có đến thăm Thầy tại trường. Phần bận rộn  lo sắp xếp gia đình, phần lo tổ chức tại trường và có lẽ vì tình hình rất xấu lúc bấy giờ, quân đội Bảy Viễn còn lảng vảng vùng Chợ Lớn, trông Thầy già đi nhiều.

Năm 1960 Thầy ra Huế làm chánh chủ khảo kỳ thi Tú tài II taị trường Quốc Học ( 2 ), tôi may mắn  được gặp lại Thầy nhờ có chân trong hội đồng. Trông Thầy lại vui vẻ, “ triết lý “ như xưa .

Huế về hè nóng nực, oi bức. Có những nam giám khảo trẻ, trong số tôi nhớ có anh H.T. H từ Đà Lạt mát mẻ về, đã cởi bỏ áo sơ mi, chỉ mặc chiếc áo thun lúc chấm bài. Có vị giám khảo cho vậy là thiếu đứng đắn vì trong ban có cả các nữ giám khảo nên đã nói lại với Thầy. Hình như  Thầy đã biết qua, thấy tình trạng không có gì là quá đáng Thầy đã vui vẻ nói huề cả làng : “ Thôi bỏ qua đi ! Les femmes parfois sont plus décolletées que les hommes “.

Lại có một vị giám khảo nổi tiếng khó khăn ở Huế trách Thầy độc đoán vì không đưa vấn đề quyết định điểm vớt thí sinh ra thảo luận trước với hội đồng thi. Thầy đã nghiêm túc trả lời : “ Tôi nghĩ rằng tôi đã giữ đúng nguyên tắc dân chủ vì trước lúc quyết định tôi đã hỏi ý kiến của quí vị “. Mà thật vậy tuy không thảo luận ở hội đồng nhưng trước lúc đó Thầy đã hỏi ý kiến nhiều giám khảo...

Sau lúc chấm thi tôi có mời Thầy vào thăm Đà Nẵng vì lúc bấy giờ tôi đang dạy ở trường Phan Châu Trinh. Cùng đi với Thầy  có giáo sư Nguyễn Văn Kính và một vị giáo sư khác ở miền Nam, rất tiếc vì đã lâu ngày tôi không còn nhớ tên. Giáo sư Kính nguyên là hiệu trưởng  trường Trung học Cần Thơ từ thời còn Pháp và bây giờ là Thanh tra Trung học. Ngoài cương vị trong giáo dục, giáo sư Kính là một kiện tướng tennis đã từng đứng đôi với Chim hoặc Giao để tranh giải quần vợt quốc tế. Ông cũng là một nhà thơ có tiếng ở miền Nam với bút hiệu Bảo Kính; lại còn có biệt tài nhiếp ảnh. Tôi đã đưa Thầy, giáo sư Kính cùng anh bạn đồng nghiệp ở miền Nam đi thăm Ngũ Hành Sơn cùng nhiều thắng cảnh khác ở Đà Nẵng như Cổ Viện Chàm, bãi biển Sơn Chà v..v...Trong lúc thăm viếng các nơi, giáo sư Kính đã chụp nhiều bức ảnh rất đẹp nhưng tiếc đến ngày nay tôi không còn giữ được vì biến cố 75.

Sau lúc đi thăm các nơi, tôi có mời Thầy cùng giáo sư Kính và anh bạn đổng nghiệp miền Nam dùng cơm tại nhà. Trong buổi cơm đạm bạc, tôi biết thêm một điều ngộ nghĩnh là món chả cuốn, phổ biến cả ở Bắc , Nam, Trung lại có những tên gọi khác nhau theo từng miền : Ở Bắc theo Thầy Bảo thì gọi là nem Sài Gòn, theo giáo sư Kính  thì gọi là chả rán Hà Nội. Trước cuộc trao đổi ý kiến sôi nổi, tôi đã nói đùa xin các vị khách bớt nói chuyện và ăn nhiều hơn nếu không chủ nhà lợi dụng cơ hội ăn hết phần khách. Thầy vui vẻ và hình như đã cảm động trước sự thành thật của chúng tôi. Thầy đã nói lên ý nghĩ  mà sau này Thầy đã nói lại trong buổi họp mặt cựu học sinh Quốc Học  Đồng Khánh năm 1996  tại San Jose : “...Chỉ có học sinh miền Trung mới nhớ đến thầy nhiều. Những năm dạy tại Quốc Học là những năm vui vẻ nhất trong cuộc đời giáo dục của tôi “. Tôi không nghĩ cảm tưởng của thầy đúng hoàn toàn nhưng khi nói lên điều ấy Thầy đã xúc động thành thật.

Một vài năm sau, anh Hồ Văn Lê và tôi cùng vào chấm thi tại Sàigòn. Chẳng rõ qua trung gian nào Thầy biết được và cả hai anh em chúng tôi đã được Thầy cho phép đến dùng cơm tại nhà Thầy ở khu vực gần bệnh viện Bình Dân. Thầy đã cho xe hơi riêng đến đón chúng tôi từ nhà trọ của Bộ Giáo Dục tại  đường Cá Hấp. Trong buổi cơm có Thầy Phạm Đình Ái và Thầy Nguyễn Vỹ. Ở nơi riêng tư Thầy Aí và Thầy Vỹ nói chuyện vui rất phóng túng. Thầy Bảo không tham dự trực tiếp nhưng thỉnh thoảng cũng chen vào ít lời bình luận dí dỏm.

Trong cuộc nói chuyện qua lại lúc dùng cơm, tôi có hỏi đến chiếc xe hơi của Thầy. Không ngờ nhờ câu hỏi bâng quơ đó lại được biết thêm về tư cách và đôi chút về thái độ chính trị của Thầy. “ Anh có biết không- Thầy nói - , tôi đã mua chiếc xe ấy với 20 đồng “ . Rồi  Thầy kể ra câu chuyện may mắn phát tài. Nguyên bấy giờ Phong trào Cách Mạng Quốc Gia ( một tổ chức ngoại biên của Đảng Cần Lao ) thường  hay tổ chức các cuộc xổ số tombola để gây quỹ và cũng thường  vào tận các gia đình để bán vé. Hôm ấy gặp anh bán vé dai dẳng, từ chối mãi chẳng được, Thầy đành bỏ ra 20 đồng để “ đuổi “ anh ta đi. Một trong hai chiếc vé bất đắc dĩ  phải mua là vé độc đắc đã đem lại cho Thầy chiếc xe Ford Falcon.

Nhân tiện chuyện Phong trào Cách Mạng Quốc Gia tôi lại hỏi Thầy có lần nào gặp lại ông Ngô Đình Nhu không . Thầy cho biết chẳng khi nào gặp lại dù ông Ngô Đình Nhu có nhắn hỏi. Cái luật “ thấy sang bắt quàng làm họ “ kể ra cũng có biệt lệ !

Năm 1996 khi cựu giáo sư và cựu học sinh Quốc Học và Đồng Khánh họp mặt tại San Jose tôi vì công việc gia đình không tham dự được. Anh Hồ Văn Lê, sau đại hội cho tôi biết Thầy còn nhớ đến người học trò năm xưa đã từng có mặt ở nhà Thầy và nhắn lời thăm hỏi.

Ngày nay vị thầy khả kính không còn nữa nhưng hình ảnh Thầy chắc chắn còn khắc sâu trong lòng của nhiều lớp học sinh cũ của Thầy. Riêng chúng tôi, tự nghĩ ngày gặp Thầy cũng không còn xa lắm ; nhưng tâm hồn cởi mở, phóng khoáng, dân chủ của Thầy đã ảnh hưởng đến tâm tư chúng tôi rất nhiều cho đến hôm nay.

Xin biết ơn thầy,

Nguyễn Đăng Ngọc

 Ghi chú :

  ( * ) : Nguyễn Khoa Bội Lan là một đảng viên Cộng Sản nổi tiếng ở Huế sau tháng 8 năm 45. Bấy giờ các đảng phái Quốc Gia đang còn hoạt động mạnh nên thẳng hoặc cũng có cuộc thảo  luận chính trị giữa các đảng phái với Việt Minh. Tôi nhớ có đi “ coi” buổi tranh luận ở Hội quán Quảng Trị vào cuối năm 1945.