Chân Dung Người Lữ Hành
Màn trình diễn y phục đầy màu sắc của phái đẹp trong vùng Á Châu, do các nữ sinh hóa trang theo y phục tiêu biểu của các nước Đại Hàn, Trung Hoa, Phi Luật Tân, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam nhận được sự vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt của khán giả, đã kết thúc Đêm văn nghệ giao thừa cuối năm 1967 do toàn ban văn nghệ trường Phan Châu Trinh trình diễn tại hội trường, với sự tham dự của một lượng khán giả đông đảo trong giới phụ huynh học sinh.
Sau lời cảm tạ và chúc mừng năm mới 1968 của trưởng ban văn nghệ toàn trường, khán giả lần lượt ra về. Bên trong hậu trường sân khấu, các học sinh nam nữ tham gia trình diễn trong chương trình đều tỏ vẻ hân hoan, vừa nói cười bàn tán vui vẻ, vừa thu gom đồ đạc cá nhân. Ban nhạc với năm học sinh đệ nhị cấp sử dụng những nhạc cụ như: Phương lead guitar, Khoái accord guitar, Tường bass, Duy Anh mandoline và tay trống Nguyễn Văn Đôn cũng tuơi cười nhẹ nhỏm sau những ngày dài tận tụy tập dượt đã đạt được một buổi trình diễn toại nguyện. Dư âm của đêm văn nghệ thành công xuất sắc tiếp tục là đề tài bàn tán sau giờ học của đa số học sinh các lớp. Không lâu sau đó, những hình ảnh chụp được từ các tiết mục văn nghệ đã được phổ biến trong nhóm học sinh đệ nhị cấp. Hình ảnh của ban nhạc với năm học sinh “nhạc công già” nhất trường, cũng đã được chuyền tay và đón nhận bình phẩm khen chê. Không khí sinh hoạt trong ngôi trường trung học công lập thành phố biển như đang hưởng được một luồng gió mát.
Trong số năm tay đàn góp mặt trong ban nhạc học trò, ngoài Phương, Khoái và Duy Anh là ba tay đàn có căn bản khá nhất. Tường và Đôn chỉ biết chơi nhạc xoàng mà vì nhu cầu, không thể tìm được ai hơn, đành phải được chọn đứng chung cho đủ tay.
Với Đôn, ngoài nhiệm vụ tham gia ban nhạc để giữ nhịp, anh còn biểu diễn một màn đánh trống chầu cổ truyền rất đặc sắc trong chương trình. Tường thì ngón đàn không hay, nhưng được cái là căn bản nhạc lý rất vững vàng. Anh chàng nầy ham thích âm nhạc từ khi được bắt đầu tiếp thu các bài học căn bản nhạc lý ở lớp đệ thất. Lại nữa, Tường có giọng hát tương đối tốt, thích hát những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông như Chiều mưa biên giới, Mấy dặm sơn khê, Sắc hoa màu nhớ , Hải ngoại thương ca, Cung thương ngày cũ…
Trong chương trình văn nghệ lần nầy, Tường cũng được sắp xếp một màn đơn ca với bài Hải ngoại thương ca. Tường rất thích lời của bài hát mà anh đã thuộc làu không biết tự bao giờ, thí dụ như câu mở đầu: “Một mùa thương kết muôn hoa lòng. Người về đây nối câu tâm đồng. Về cho thấy xuân hồng áo em, cho tình xưa thôi cách xa, về chung mái nhà lá…” Lời ca chân tình mộc mạc được chuyển tải bằng những giai điệu đằm thắm tươi tắn đã thấm đậm vào tâm hồn son trẻ của một học sinh trung học như Tường.
Đôn và Tường cùng đang học năm cuối trung học. Đôn học bạn A, khoa học. Tường theo Ban C, triết học. Cuối năm học đó, Tường thi đậu tú tài toàn phần, hạng bình thứ. Vào trường Đại học Văn khoa Huế trong niên học kế tiếp.
Đầu thu, chia tay thành phố Đà Nẵng, vượt đèo Hải Vân, Tường ra Huế để vào đại học, giữa lúc không khí chiến tranh còn đang đe dọa khắp vùng đất thần kinh.
Trận tấn công của quân Cộng sản Bắc Việt vào cố đô Huế trong những ngày đầu Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn lưu lại nỗi ám ảnh kinh hoàng hiện rõ trong sinh hoạt đời sống thường ngày. Những cảnh đổ nát hoang tàn trong khu vực hoàng thành. Những dấu vết bom đạn để lại trên đường phố sau các cuộc giao tranh ác liệt còn nguyên vẹn. Những xác người không toàn thây, rửa nát trộn lẫn với bùn đất nhầy nhụa được đào bới lên từ các hố chôn tập thể rải rác trên nhiều vùng thuộc nội thành Huế.
Hàng vạn tiếng kêu gào than khóc thảm thương phát ra từ những đoàn người với tang phục khăn sô trắng, chậm bước theo sau không biết cơ man nào là cổ quan tài trong các đám tang, liên tiếp diễn ra đây đó trên đường phố dưới bầu trời u ám của mùa mưa bắt đầu, đã bao phủ một không gian tang tóc ảm đạm trước mắt người sinh viên xứ Quảng mới đến cố đô nhập học, là Tường.
Bởi vì người dân hiền hoà xứ Huế vừa bị nhận lãnh một bài học chiến tranh quá mức thảm khốc do đoàn quân hiếu chiến Cộng sản gây ra, nên nhu cầu phòng vệ đã được ban hành để kịp thời đối phó cộng quân khi tình thế đòi hỏi. Tất cả sinh viên các phân khoa thuộc Viện Đại Học Huế đều được sắp xếp tổ chức thành đội ngũ và phải tham gia vào chương trình quân sự học đường, để được huấn luyện sử dụng vũ khí tự vệ và kỹ năng chiến đấu căn bản, do các sĩ quan quân đội nhà nghề hướng dẫn hàng tuần.
Mỗi sáng thứ Bảy, Tưởng cũng như tất cả sinh viên khác ăn mặc chỉnh tề trong bộ đồng phục kaki vàng với chiếc mũ ca lô trên đầu, tập trung trước điện Thái Hoà trong khu vực Hoàng cung Đại nội để học hỏi những bài quân sự đầu tiên cần thiết cho một người dân trưởng thành , chia sẻ trách nhiệm với tình hình an ninh của địa phương. Tiếp theo sau đó là những đêm ôm súng canh gác chung quanh khu vực dân cư nơi Tường cư ngụ, theo lịch ứng chiến đã được phân công.
Tại giảng đường của trường Văn khoa, chương trình học chứng chỉ Văn chương Việt Nam được bắt đầu với nhiều môn học và kiến thức mới mẻ được truyền đạt bởi các vị giáo sư tên tuổi từ Sài Gòn ra, cộng với những bài giảng bổ ích từ các vị thầy trọng tuổi tại Huế, dày dạn kinh nghiệm, uyên bác về hai nền văn minh Việt Nam và Trung Hoa, đã kích thích thêm sự đam mê văn chương vốn có từ thuở thiếu thời của Tường. Bài học đầu tiên như một dấu ấn đậm nét mang lại cho Tường cảm giác sung sướng hãnh diện khi cụ giáo sư học giả Linh mục Nguyễn Văn Thích trên bục giảng đã giải nghĩa thật sâu rộng hai chữ Đại Học. Với giọng nói tiếng Huế nhẹ nhàng thoát ra từ bộ áo chùng đen của một nhà tu, tay cầm phấn trắng, cụ say sưa thuyết giảng về Đại Học chi đạo. Con đường của Đại Học khởi đầu từ một ý nghĩa thực tiễn, đó là Đại Nhân Chi Học, cái học của con người trưởng thành, “học” để làm một con “người lớn” chân chính.
Hàng trăm sinh viên ngồi kín cả giảng đường lặng yên chăm chú nghe lời giảng của thầy, Tường như bị thu hút, lôi cuốn mạnh mẽ bởi Con Đường của Đại Học. “Đại Học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chi ư chí thiện”.
Khung trời đại học mở ra trước mắt Tường cùng hàng trăm sinh viên ngồi chung giảng đường những viễn ảnh đầy hứa hẹn cho bản thân và cho quê hương. Những bài học mới mẻ thực tiễn dưới mái trường đối chứng vào hoàn cảnh lửa đạn bi thảm của đất nước và nỗi thống khổ của người dân ngoài xã hội, đã củng cố trong anh và nhóm bạn cùng trang lứa một xác quyết rằng không có chọn lựa nào hữu ích hơn đối với tuổi trẻ trưởng thành là ngày ngày hăng say tiếp nhận hành trang tư tưởng thật vững vàng, chuẩn bị cho bước khởi hành dấn thân vào đời, chứng minh rõ chân giá trị của “đại học chi đạo”.
Lưu Thiên Lý (PCT 1968)