Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 Kieu9

Thầ̀y Nguyễn Đăng Ngọc trong phần giới thiệu buổi Diễn Ngâm Kiều của nghệ sĩ Lệ Ba.

Trong phần giới thiệu buổi “ Diễn Ngâm Kiều “ của nữ nghệ sĩ  Tôn Nữ Lệ Ba ,tại Viện Việt Học, Westminster,Cali vào chiều Thứ Bảy ngày 30 tháng 11,2002, Giáo sư Nguyễn Đăng Ngọc có nói đôi lời .

Sau đây là phần ghi lại giới thiệu của Thầy hôm đó . 

“ Xin hãy giữ lại cho chúng tôi Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du nếu phải đốt hết tác phẩm văn chương Việt Nam “. Tôi xin được bắt chước độc giả người Anh để nói lên lời khẩn cầu trên vì họ đã xin giữ lại Shakespeare trong trường hợp phải thiêu hủy hết văn chương Anh .

Từ lúc ra đời cho đến nay gần đúng hai thế kỷ, trải qua bao nhiêu thăng trầm , truyện Kiều vẫn có một sức sống mãnh liệt làm say mê biết bao  lòng người . Mô tả sức sống của truyện Kiều, một nhà Nho đã viết : “ Chữ muốn múa mà bút muốn bay ...”, và Phạm Quỳnh , một học giả đầu thế kỷ 20  đã gắn liền sức sống của Truyện Kiều với sức sống của dân tộc  : “ Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì dân ta còn . “

Không đủ cái uyên thâm của Nhà Nho, không có cái học rộng rãi của Phạm Quỳnh, nhưng chị Lệ Ba , một kẻ “ ăn sau chạy dọi “ trong lĩnh vực văn chương, qua một buổi điện đàm và trong một bức thư viết cho chúng tôi đã nói lên cái sức sống của Truyện Kiều bằng một ngữ từ mà tôi rất thích thú : “ Sỡ dĩ truyện Kiều làm say mê chúng ta vì nó đã chuyên chở được cái “ tâm thức “  Việt Nam .

Quả thất vậy, tôi đã đọc đi đọc lại Kiều nhiều lần  và mỗi lần đều cảm thức một cái gì mới mẻ, riêng tư Việt Nam mà lần đọc trước chưa thấy được .

Cốt truyện mượn, điển tích mượn, bao nhiêu cái mượn nhưng : “ Kho trời chung mà vô tận của mình riêng “ .

Điểm tuyệt diệu là ở đó , cho nên có thể nói Truyện Kiều là riêng của Việt Nam . Cảm xúc trong Kiều là cảm xúc Việt Nam. Phong cách anh hùng, lề lối ghen tuông, tín ngưỡng ...thảy đều là Việt Nam . Ngay cả thiên nhiên , gió trăng trong Kiều cũng là trăng, gió riêng của Việt Nam .

Vì thì giờ hạn chế tôi chỉ xin được phép nói sơ lược qua về một đôi điểm thiển nghĩ khá đặc biệt như Gió, Trăng  và cung cách Ghen tuông trong Kiều .

Gió tất nhiên là một hiện tượng tự nhiên nhưng trong Kiều đó là một cách biểu lộ tình cảm , sâu sắc và tế nhị theo lối cảm xúc riêng của người mình. Chú ý đến chúng ta sẽ thấy bao nhiêu tâm biến, xót đau của Kiều là bấy nhiêu cơn gió thoảng  qua :

KieuGapMoDamTien

Cơn gió bàng hoàng đượm nét sầu bi khi Kiều gặp Đạm Tiên, một con người tài hoa mà như có, như không :

           Một vùng cỏ áy, bóng tà

           Gió hiu hiu thổi một và bông lau...

Cơn gió bạo tàn đưa Kiều theo Mã Giám Sinh về Lâm Chuy :

           Đùng đùng gió giục, mây vần

           Một xe trong cõi hồng trần như bay ...

Gió lạc lõng khi Kiều bước cao. bước thấp theo Sở Khanh:

           Đêm khuya khắc lậu, canh tàn

           Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm sương

Gió phảng phất , âm thầm và kín đáo như hồn phách của Kiều trở về tìm lại mối tình đầu tan vỡ.

            Trông ra ngọn cỏ lá cây

            Thấy hiu hiu thổi thì hay chị về

Trăng cũng như Gió. Trăng trong Kiều không chỉ có vẻ đẹp sáng ngời của đêm trung thu mà bồi hồi theo tâm trạng mỗi lúc . Trăng bâng khuâng, mời mọc đưa vào cõi mộng :

          Gương nga chênh chếch dòm song

Trăng ảm đạm, hãi hùng như lúc Kiều rơi vào tay Ưng, Khuyển :

          Một vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời

Trăng nhớ nhung, lo lắng khi Thúc Sinh từ giả Kiều về thăm quê :

          Vầng trăng ai xẻ làm đôi

          Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

Đến cái lối ghen tuông trong Kiều cũng thật Việt Nam, tiêu biểu dòng ghen Á Đông . Trong vở bi kịch Andromaque, nhà viết kịch trứ danh Pháp, Racine có mô tả đến cái ghen của Hermione cũng đặc biệt, sai tình địch giết người yêu để rồi tức tưởi trên xác người yêu. Nhưng theo tôi nghĩ, cái lối ghen tương của Hoạn Thư còn đặc biệt hơn nhiều, khác xa lối ghen tương Tây phương của Hermione. Hoạn Thư không giết chóc, lại có vẻ phước đức mà làm cho tình địch “ cất đầu chẳng lên “. Cái ghen của Hoạn Thư chủ yếu là tước đoạt hết căn cước ( identity ) cùng tài nghệ và nhân phẩm của Kiều . Đổi họ, đổi tên Kiều, đưa Kiều xuống hàng nô lệ, coi rẻ tài nghệ của nàng và sâu sắc hơn hết, theo tôi nghĩ, là đã biến hoá Kiều thành ra một ni cô  :

          Sẵn Quan Âm các vườn ta

          ..............................................

          Cho nàng ra đó, giữ chùa tụng kinh.

Đã “ giữ chùa tụng kinh “ thì không còn yêu đương được nữa , mà tiếp tục yêu đương là do Kiều tự rước họa vào thân . Một thái độ thủ tiêu, cầm tù con người mà lại rất “nhân đạo” vì Hoạn Thư đã “ đoán ( ! ) ý trong tờ “ mà cho “ nàng xuất gia “ ( ! ). Đúng là ghen mà “ ở ăn thì nết cũng hay “ theo như nề nếp con nhà của ta ngày trước .

Tôi xin lỗi quí vị đã dựa vào một ý của chị Lệ Ba để nói vòng vo quá nhiều. Xin tạm ngưng lại nơi đây để trở lại với chủ đích , cũng là của Lệ Ba, trong buổi diễn ngâm hôm nay . Cảm thông với cái hay, cái đẹp , cái tâm thức Việt Nam trong Kiều, Lệ Ba đã trích dẫn một số đọan trong những đoạn tiêu biểu  nhất của Kiều . Lệ Ba trích ra những đoạn ấy để cố gắng , như đã viết trong thư cho chúng tôi, “truyền lại cái tâm thức Việt Nam “ mà “ nếu như mất đi thì thật là đau xót “. Và Lệ Ba đã cố gắng làm điều này một cách khá đặc biệt, không phải bằng nghiên cứu, khảo luận hay minh họa bằng tranh mà bằng cách diễn ngâm những đoạn ấy qua các điệu hát dân gian . Trong vòng hơn ba năm trời, Lệ Ba đã tham khảo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc như giáo sư Trần Văn Khê..., nhiều nhà văn như Võ Phiến ...về trình diễn và trích đoạn. Chị cũng đã để nhiều thì giờ để học hỏi các điệu dân ca từ Bắc đến Nam, từ bồng mạc , sa mạc, quan họ ở Bắc qua hát dặm Nghệ Tĩnh đến hò Huế và hò miền Nam và cũng không quên cả hát bộ.

Công trình biết mấy mươi !

Ngâm và hát đủ điệu dân ca không phải là dễ, cần phải có tài mà cũng cần phải có sức khỏe nữa. Thật cảm động khi nghe Lệ Ba kể lại là sau khi hát bộ chị đã mệt lả đi vì đã phải hát theo bát độ . Cũng trong vòng ba năm trường với phương tiện phần nhiều “ cây nhà lá vườn “ chị đã thực hiện mấy đĩa C.D. ngâm Kiều có giá trị lớn . Lúc đặt vào máy nghe Lệ Ba ngâm và hát bộ Kiều, tôi bỗng bâng khuâng , luyến tiếc : Giá như ngày trước có được những C.D. này thì chắc tôi chẳng cần giảng giải gì về Kiều cho học sinh cả . ( Xin thưa tôi vốn làm nghề “ godautre”  ) . Bình văn , giảng văn là nhằm làm cho học sinh thông cảm được cái hay, cái đẹp trong văn. Nghe ngâm và hát về Kiều như chị Lệ Ba ngâm và hát, tôi chắc chắn học sinh sẽ thông cảm Kiều nhiều hơn và cũng có hứng thú nhiều hơn . Thế thì còn giảng làm gì ?

Với lòng yêu mến Kiều của Lệ Ba, với nhiệt tâm và cần mẫn làm việc, với tài năng của chị,  tôi chắc chắn Lệ Ba sẽ đạt được mộng ước của mình, truyền “ cái tâm thức Việt Nam trong Kiều “ qua dân ca  đến rộng rãi thính giả và đặc biệt là đến với thính giả thuộc lớp trẻ, ít được nghe nói về Kiều.

Chúc Lệ Ba thành công.

Kính mong được sự hưởng ứng của quí vị đối với công việc vì nghệ thuật và bảo tôn văn học Việt Nam của chị Lệ Ba.

Nguyễn Đăng Ngọc

Cali, tháng 11,2002
NgheSi LEBA02

( Nghệ sĩ Lệ Ba, hay Nha sĩ Tôn Nữ Lệ Ba, đã xuất gia, nay là Ni cô Phổ Như Hạnh Viên tại British Columbia, Canada )

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 ThayNguyenDangNgocR

Đổi thay và truyền thống là một đề tài đã đã được đề cập từ xa xưa. Tuy nhiên vấn đề luôn luôn có tính cách mới mẻ. Bất kỳ tại đâu, ở vào thời đại nào, chuyện đổi mới và bảo tồn truyền thống, giữ gìn quốc hồn, quốc túy chống lại ảnh hưởng ngọai lai, cũng được đặt ra và gây nhiều tranh cải.

Ở Pháp chẳng hạn, trước kia, trong văn đàn có cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai phái Tân và Cựu  ( La querelle des Anciens et des Modernes ) . Sau đệ nhất thế chiến phong trào Dada, một chủ trương văn hóa chống lại văn hóa ( counterculture) ,cho rằng tất cả các truyền thống đều không có giá trị. Ngày nay thì một số người Pháp than phiền giới trẻ đã Mỹ hoá qúa nhiều.

Trong lịch sử Á đông, từ thế kỷ 18 trở đi, tại Trung quốc, Nhật Bản và ở nước ta vấn đề bế quan tỏa cảng hay mở cửa du nhập văn minh nước ngoài là vấn đề sống còn. Vì bị trị, thế hệ cha ông chúng ta đầu thế kỷ  20 rất nhạy cảm về thể diện dân tộc nên có những đổi thay rất tầm thường lại gây ra một cuộc đấu tranh gay go giữa nhiều phe, ví như việc cắt tóc ngắn. Trước lúc chịu ảnh hưởng của phương Tây, cha ông chúng ta để tóc dài và búi lên như một số phụ nữ ngày nay. Cắt tóc ngắn hay giữ cái búi tó một thời đã tạo nên một “ cuộc chiến “ sôi động. Phe đổi mới xem búi tó là dấu hiệu của mê muội, lạc hậu, cắt bỏ đi mới mong tiến bộ :

                          Phen này cắt tóc đi tu

                         Tụng kinh độc lập ở chùa duy tân

Phe đối lập, không phải không yêu nước, không phải không mong đất nước văn minh, nhưng coi búi tóc là quốc túy quốc hồn, cần giữ lại. Tiêu biểu nhóm sau này có cụ Nguyễn văn Tố, một nhà Nho tân tiến, một học giả uyên thâm, hội viên Hội Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Cụ cương quyết giữ lại cái búi tóc cho đến mãn cuộc đời.

Nghĩ cho kỷ đổi thay cũng đúng vì không thể không đổi thay. Nhưng  gìn giữ  truyền  thống ,gìn giữ bản sắc riêng của mình không phải không có lý do. Sự vật

đổi dời nhưng chẳng lẽ không gìn giữ lại một chút gì, cứ buông xuôi mặc cho đổi thay để một ngày kia soi gương nắm mặt mình, chẳng nhận ra mình nữa. Thật tiếu lâm như anh chàng nông dân kia một hôm ra đình làng ngủ trưa. Gió hiu hiu mát, anh ngủ một giấc say sưa đến nỗi có người nghịch ngợm hớt đi một mảng tóc, cắt bớt một chòm râu mà chẳng biết. Đến khi tỉnh dậy trở về nhà, con chó trong nhà thấy lạ cất tiếng sủa. Ngở ngàng sờ lên đầu lên mặt, thấy râu tóc không còn như xưa, bèn nhất quyết tự cho mình không phải là mình nữa, là người khác lạ rồi bỏ nhà đi luôn.

Không qúa ngớ ngẩn như người nông phu kia nhưng thay đổi mà không biết mình đã đổi thay, không biết mình còn lại những gì của mình, không nhận ra bản lai diện mục của mình nữa thì tình trạng cũng có phần nào giống anh nông phu kia.

Thưa quí vị,

“ Truyền thống và Đổi thay “ mênh mông và phức tạp, là vấn đề của nhiều quốc gia,nhiều cộng đồng, không riêng gì của một ai. Nhưng vấn đề đã trở nên quan yếu, cấp bách, tạo ra một cuộc khủng hoảng gây nhiều thao thức cho chúng ta. Một sớm một chiều chúng ta đã rơi vào trong một nền văn hóa xa lạ, có lúc trái với truyền thống dân tộc. Một sớm một chiều chúng ta là một phần cơ thể đang sống bị cắt bỏ ra ngoài cơ thể. Chúng ta cảm thấy lạc lõng, lo lắng cho chúng ta, cho con em chúng ta một ngày nào đó còn là người Việt nữa không. Trước kia khi chúng ta còn là một khối, có chính phủ độc lập, có nhiều phương tiện trong tay, tự do hoạch định đường lối văn hoá giáo dục, việc bảo tồn truyền thống, bản sắc dân tộc đã khó khăn. Nay chỉ là một thiểu số nhỏ, thiếu phương tiện, thiếu thế lực thì việc cân bằng giưã cái mới, khác lạ của người khác với bản sắc riêng của mình lại càng muôn vàn khó khăn hơn. Nhưng khó mà chẳng lẽ không cố gắng ? Đáp lại câu hỏi này tôi xin trích ý kiến của Ông Nguyễn văn Trường, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hoà, trong một bức thư viết cho bạn hữu : “...với đông đảo con em chúng ta sinh trưởng ở ngọai quốc, chúng ta có trách nhiệm hướng dẫn tốt các em trong việc trở về nguồn. Chúng ta là những người Việt Nam duy

nhất và sau cùng gần gủi con em mình, và là nơi văn hoá Việt Nam giao lưu với nhiều nền văn hóa khác. Trách nhiệm truyền lại cái di sản ngàn đời của tiền nhân trong bối cảnh lịch sử này nặng hơn bất cứ lúc nào từ trước đến nay.”

Trước một vấn đề lớn lao, trọng đại, chúng tôi không dám đưa ra những ý kiến  gọi là để luận giải hay giải quyết. Một vài nhận định lẻ tẻ dưới đây giới hạn vào một khía cạnh cụ thể, dựa vào kinh nghiệm bản thân hay vào việc mạn đàm với một số bạn bè lúc rảnh rỗi. Chúng tôi nêu ra với mong ước được học hỏi thêm.

Thái độ gìn giữ truyền thống và tiếp nhận đổi thay khác biệt nhau tuỳ theo nhiều yếu tố : tuổi tác,trình độ học vấn, khả năng hoạt động,hoàn cảnh gia đình...Không có một yếu tố quyết định đơn thuần , thường là những yếu tố hổ trợ hay bài trừ lẫn nhau, Nói chung có một số người từ chối cái mới, cương quyết không chấp nhận đổi thay. Họ đã sống cô đơn  ( sequestered ) hoặc quay trở lại Việt Nam, thiêú tiện nghi nhưng quen thuộc hơn. Một số chấp nhận đổi thay như một tiến trình của cuộc sống, không có gì đáng chú ý. Ở đâu cũng làm ăn sinh sống, thắc mắc làm gì. Một số khác ý thức về việc đổi thay  và hoạt động để giữ lại bản sắc dân tộc. Một số khác nữa, phần đông là lớp trẻ, hoặc qua đây từ lúc còn rất ít tuổi, hoặc sinh trưởng tại đây, đã coi xã hội này là xã hội đương nhiên của minh. Không biết hay chưa từng thấy Việt Nam, một số không thừa nhận mình là người Việt Nam.

Dù có thái độ nào, dù chấp nhận mình là người Việt hay không, điều chắc chắn vẫn có cái gì đó rất Việt Nam trong mỗi một chúng ta. Có sống đến tuổi ông Bành tổ trên đất nước này chúng ta không bao giờ là Mỹ hoàn toàn. Nước sông Hồng, sông Cửu và gió núi Trường Sơn đã taọ nên không những da,thịt và dòng máu chảy trong huyết qủan chúng ta mà cả những nếp suy nghĩ,những cách cảm xúc, đối đáp, một tâm thức đặc biệt của người Việt. Muôn đời chúng ta là Việt Nam vì gốc bản chúng ta là Việt Nam, đã mang những truyền thống Việt. Chúng ta cần gìn giữ và phát huy những truyền thống đó để xác định bản sắc và tìm chỗ đứng cho mình.

Tuy nhiên không nên nhầm lẫn việc gìn giữ truyền thống với thái độ hoài cổ hay đúng hơn là nệ cổ, tồn cổ. Tồn cổ hay nệ cổ là một thái độ độc đoán, cứng nhắc, chỉ thấy qúa khứ là hay là đẹp. Những người nệ cổ nhớ tới một dĩ vãng vàng son xa xưa, thường là quyền thế và sang giàu và thường than thở : “ tuyết trắng năm Xưa nay ở đâu ? “ ( Où sont les neiges d’antan ? ).  Tinh thần nệ cổ là tinh thần cố chấp “ xưa bày nay làm “ , hay tinh thần :

                             Ta về ta tắm ao ta

                            Dù trong, dù đục , ao nhà đã quen.

Nhưng không nghĩ ao đục, bị ô nhiễm có thể làm cho loét mắt, sinh ra kiết lỵ, thương hàn và trăm thứ bịnh khác.

Truyền thống không phải là một cây hoa nở sẵn, cứ bứng vào chậu đem trưng ở trong nhà là được. Truyền thống là “ một tiến trình biến hóa và tái thỏa hiệp sinh động “ ( a living  process of  modification  and renegociation ) như nhà văn Thomas Schapsott đã viết. Cho nên cứ áp dụng nguyên vẹn những truyền thống tốt đẹp của chúng ta ví như tình thương gia đình, sự vâng lời và lòng hiếu thảo của con cái đối với mẹ cha như xưa kia lúc còn ở Việt Nam, chúng ta sẽ gặp phải nhiều sự thất bại bất ngờ có khi chua xót. Đã có biết bao gương đỗ vở trong cộng đồng chúng ta vì cha mẹ qúa cố chấp. Tôi biết một cặp vợ chồng rất dễ thương, tận tụy với con cái nên đứa con nào cũng học giỏi. Nhưng một hôm trong một cuộc thảo luận về tương lai, có đứa bỗng bảo : “ Ba mẹ đừng có đào tạo bọn con theo hình ảnh của Ba mẹ “. Anh bạn tôi sửng  sốt, nhưng suy nghĩ lại, chẳng phải đứa con không yêu thương cha mẹ. Trong xã hội Mỹ này thanh niên muốn tự lập hơn và đây cũng là điều hay, hay hơn sự áp đặt từ phía cha mẹ. Cho nên theo thiết nghĩ thay vì than phiền xã hội đổi thay xóa mất những truyền thống tốt đẹp của chúng ta, nên quan niệm đây là một cơ hội để nhìn lại, một cơ hội đem truyền thống dân tộc ra thử thách để tin tưởng mạnh mẽ thêm vào những truyền thống ấy. Một điều không thể chối cải  được là nhờ vào truyền thống cần cù và hiếu học

trong vòng hơn 20 năm qua con em chúng ta trong những hoàn cảnh mới, đã đạt rất nhiều thành tích khích lệ. Số tài năng thành tựu trong hơn 2 thập kỷ đã vượt hẳn các thế hệ trước  và phần lớn tài năng đó đang phục vụ cho chúng ta. Nhớ lại thời xưa thản hoặc mới có  5,7 ông bác sĩ hay kỷ sư từ nước ngoài trở về nước nhà làm việc.

Cũng trong chiều hướng quan niệm truyền thống như một tiến trình sinh động, Goethe ( 1749-1832 ) nhà văn vĩ đại của Đức đã viết : “ Những điều ta thừa kế từ tổ tiên,phải tự làm ra lấy để sở đắc “ “ ( That which you inherit from your fathers, you must earn in order to possess ).  Thật vậy trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước tổ tiên ta đã đào tạo ra bao nhiêu truyền thống tốt đẹp, truyền thống thương dân, chuộng công lý nhân aí của vua Lý Thánh Tông cách ta gần một nghìn năm ( 1054-1072 ) : “ Ta ở trong cung ,sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, ta rất thương xót “ ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ) .

Truyền thống hào hùng và bao dung của vua Trần Nhân Tông cởi aó ngự đắp lên xác Toa Đô, một viên tướng thuộc đội  quân Nguyên xâm lược. Truyền thống của Nguyễn Trãi, của Lê Lợi mười năm nằm gai nếm mật để trừ bạo,yên dân. Truyền thống của Quang Trung anh dũng, của Phan đình Phùng, Phan bội Châu, Nguyễn đình Chiểu, Bùi hữu Nghĩa...bất khuất. Được nuôi dưỡng và trưởng thành trong cái không khí lịch sử đầy gian khó nhưng nhiều phen oanh liệt, những truyền thống đẹp đẻ đã ươm sẵn mầm mống trong lòng mỗi một chúng ta. Nhưng không phải tự nhiên cái mầm mống truyền thống tốt đẹp đâm hoa ,kết trái. Điều quan trọng trước tiên là phải học hỏi các truyền thống ấy rồi tùy công lao luyện tập, tài năng khuôn đúc, tâm thành hành sử thì truyền thộng Việt mới nẩy nở, phát huy.

Con đường đi đến tất yếu của cộng đồng chúng ta sẽ không thể không hoà đồng vào trong tập thể đông đảo trên 250 triệu, nhưng giữ được truyền thống  chúng ta  mới có một chỗ đứng riêng, không bị lẫn chìm và lãng quên . Phát huy được

những truyền thống Việt thì thế hệ trẻ hôm nay cũng như mai sau nhất định vẫn giữ được  bản sắc của dân tộc, làm vinh dự cho cộng đồng và dân tộc.

Việc giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc trong một xã hội đổi thay gắn liền với giáo dục, một nền giáo dục đặc biệt mà mỗi gia đình, mỗi đoàn thể là một trường học, một vị thầy và mỗi một người là một học sinh. Không có một môi trường nào truyền thống được gìn giữ nguyên vẹn và phát triển tốt đẹp hơn trong khung cảnh gia đình. Cũng không có một môi trường nào mà chúng ta được gần gủi nhau , có dịp ôn lại và nhắc nhở cho nhau những truyền thống tốt đẹp hơn là các buổi sinh hoạt đoàn thể. Riêng về mặt cá  nhân cũng cần luôn luôn học hỏi. Có những điểm xưa kia chúng ta cho là tự nhiên, tất yếu nay cần phải nghiên cứu, xem xét lại, đối chiếu với cái hay cái dở trong xã hội trước mắt để thay đổi, gìn giữ hay xóa bỏ. Công việc học và tập đó không dễ dàng. Thật khó khăn để điều hoà cái căn cước “ tên trước họ sau “ ( Mỹ ) với cái bản chất cố hữu “ họ trước tên sau”   ( Việt ).

Hội Phụ huynh và Giáo chức San Diego ý thức rõ những điểm này nên đã ghi vào bảng điều lệ của Hội là Hội có nhiệm vụ “ phát huy sự hiểu biết và tôn trọng văn hoá Việt Nam”, “vận động để các cơ quan giáo dục địa phương công nhận nhu cầu giáo dục, ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam “ cũng như “ giúp phụ huynh hiểu biết về văn hóa và cơ cấu xã hội Mỹ “ và kêu gọi “ tôn trọng giá trị gia đình”. Qua qúa trình hoạt động  Hội đã có những kết qủa khích lệ. Với đường hướng đi sát với đông đảo quần chúng  và nhắm đến hứng thú của giới trẻ nhiều hơn tôi tin tưởng Hội đạt nhiều thành tích hơn nữa.

Tôi xin cám ơn Hội Phụ huynh và Giáo chức San Diego đã cho phép tôi được nói một đôi lời trong buổi họp hôm nay. Chúng tôi cũng xin lỗi quí vị, đã làm phiền qúi vị trong quảng 15  phút qua. Và trước khi dứt lời tôi xin được bày tỏ một niềm tin :

Dù xã hội Mỹ có khác lạ và đổi thay nhanh chóng chúng tôi tin tưởng truyền thống Việt Nam sẽ vẫn tồn tại và chúng ta mãi mãi hãnh diện giữ được bản sắc Việt Nam

nơi xa quê hương.

Kính chào quí vị.

San Diego ngày 15 tháng 11 năm 1998

( Bài nói chuyện nhân buổi Đại hội Phụ huynh và Giáo chức  )

Thầy Nguyễn Đăng Ngọc

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 XeDoDanangl

Khoảng năm 1981-1982, đời sống giáo viên cực kỳ khó khăn. Tôi quyết định đi xe đạp thồ để có tiền mua sữa cho con. Chiếc xe đạp để đi dạy hàng ngày được bổ sung thêm cái giỏ phía trước và cái yên nệm mút phía sau poóc ba-ga cho khách ngồi… êm đít!

Mỗi sáng cứ 5h là tôi ra đứng trước kiệt 7 Hoàng Diệu (Đà Nẵng) để chờ khách. Khi trời bắt đầu sáng thì bỏ đường Hoàng Diệu - nơi gần trường đang dạy, rất dễ gặp học trò - chạy xuống đường Lý Tự Trọng hoặc Trần Cao Vân đứng đón khách. Có khách hay không thì 10h30 phải quay về nấu cơm ăn để chiều… lên lớp.

Một buổi sáng đang bon bon trên đường Trần Cao Vân trước chợ Lầu Đèn, chạy về nhà chuẩn bị đi dạy, thì có một bà cụ dáng rất nhà quê đón xe. Vừa mừng vừa lo. Mừng vì được một cuốc xe có thêm tiền. Lo vì sợ khách đi xa không về ăn cơm kịp để 12h30 vào dạy tiết 1. Tôi phanh xe và hỏi:

- Cụ đi mô.

Bà cụ nói:

- Đây xuống bến xe Vĩnh Trung mi lấy mấy?

Thấy tuyến đường trùng với lộ trình về nhà của mình nên tôi nói:

- Đúng giá là một đồng rưỡi. Còn chừ cụ cho mấy cũng được, cụ không có tiền thì con chở giúp cụ một đoạn, con đang trên đường về.

Bà cụ cười giơ hàm răng toàn… lợi và nói:

- Thằng ni đi thồ mà nói nghe vui hỉ!

Nói xong bà cụ cúi xuống cầm đôi dép lào đã mòn lín. Hai cái gót đã thủng hai lỗ lớn bằng đồng bạc cào lưng. Cụ bỏ đôi dép vào giỏ xe của tôi và nói:

- Xuống bến xe mi nhớ nhắc tau lấy đôi dép ni chớ không phải mi đợi tau quên rồi lấy luôn nghe chưa!
Tôi cười bảo:

- Cụ yên tâm. Con không mang dép bằng tay nên không lấy đôi dép ni mô!

Lên xe chuyện qua chuyện lại mới biết bà ở Thanh Quýt (Điện Bàn) ra thăm, mang cho con trai đang làm công nhân ở cảng một ang gạo vì nghe nói gạo mua tiêu chuẩn ăn không đủ, bữa nào cũng chỉ lưng bụng mà đi làm. Còn bà thì biết tôi là thầy giáo cấp 3 đi xe thồ thêm ngoài giờ để mua sữa cho con. Nghe hoàn cảnh của nhau, cả hai bà cháu đều im lặng. Một chặp tôi nghe bà ngồi sau chép miệng rồi nói:

- Răng ai cũng khổ hết trơn ri hè!

Đến bến xe Vĩnh Trung, tôi quay lại dặn:

- Cụ ngồi im, đừng lo, để con tìm xe Vĩnh Điện cho cụ đi. Bến xe đông sợ cụ tìm không ra.

Tìm được xe đi Vĩnh Điện, tôi phanh xe đạp và nói với cụ:

- Cụ nhớ lấy đôi dép. Con chở hộ cụ một đoạn thôi không lấy tiền.

Bà trả lời:

- Thằng ni nói nghe được. Tau không trả tiền xe nhưng chờ tau một xí.

Vừa nói cụ vừa lật lớp áo ngoài rồi mở cây ghim túi áo trong và lấy ra 3 đồng, đưa cho tôi.
Tôi nói:

- Con nói rồi. Con chở giùm không lấy tiền xe.

Cụ bảo:

- Tau cũng không trả tiền xe. Tau cũng không cho mi. Mi có chưn có tay, có sức dài vai rộng mi làm mi ăn. Tiền ni tau gửi mi đem về mua sữa cho cháu tau. Mi không lấy tau la làng là mi móc túi của tau. Răng? Nhận đi con, cho bà vui.

Nói xong cụ nhét tiền vào túi áo của tôi rồi cắp nách đôi dép lào đã mòn gót leo lên xe.

Lần đó tôi đứng khóc một mình giữa bến xe Vĩnh Trung cho đến khi chuyến xe đò rời bến… chạy khuất!
Bà ơi. Bà đang ở cõi nào?

Nay con có thể viết những bài báo nhận nhuận bút. Đứa cháu nhỏ thời đó nay đã là tiến sĩ làm giảng viên của một trường đại học danh tiếng. Nhưng có lẽ, cho đến lúc chia tay cuộc đời này con vẫn còn nợ bà… một hộp sữa!

Thí Lê