Mấy Kỷ Niệm Với Nữ Danh Ca Thanh Thúy

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 thanh thuy 1

Thưở ấy vào năm 1964, nhân dịp nghỉ học tại Đại Học Luật Khoa ở Huế, tôi vào Đà Nẵng để thăm nhà. Khi đi ngang qua trường tiểu học Tin Lành ở đường Thống Nhất, gần ngã tư Thống Nhất và đường Khải Định, tôi chợt thấy anh Nguyễn Phụng, người bạn cùng ở xóm Tân Ninh, xã Thạc Gián với tôi, anh ta đang theo học tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ở Sài Gòn, từ đâu cũng đi ngang qua đây. Khi thấy tôi, anh Nguyễn Phụng nói ngay:

- Điền, chiều nay Lê Văn Thành tổ chức tiệc cưới tại nhà Hiên Chi, đến tham dự cho vui nghe.

Tôi nhạc nhiên hỏi anh Phụng:

- Uả, vậy hả?

Anh Phụng trả lời:

- Ừ, chiều nhớ đến cho vui nghe.

Tôi trả lời ngay:

- Tưởng ai xa lạ chứ Lê Văn Thành và Hiên Chi thì tôi sẽ đến ngay.

Sở dĩ tôi nói với anh Nguyễn Phụng rằng tôi sẽ đến ngay vì anh Thành và cô Hiên Chi cũng là người ở trong xóm Tân Ninh với chúng tôi luôn. Đã thế cô Hiên Chi là em gái của Phan Chí, bạn thân của tôi. Chúng tôi cùng học chung với nhau tại trường trung học Phan Thanh Giản, rồi trường công lập Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng.

Phan Chí và cô Hiên Chi là con của ông bà Phan Phước. Khoảng năm 1958-60, ông bà Phan văn Phước là nhà thầu khoán nổi tiếng ở Đà Nẵng, rồi làm chủ cây xăng ở đường Thống Nhất và mấy năm sau làm chủ pharmacy ở ngã tư đường Hùng Vương và Khải Định. Vào khoảng năm 1970-74, ông bà Phan Phước là chủ nhân khách sạn Trung Việt ở đường Phan Chu Trinh tại Đà Nẵng và cũng là chủ nhân khách sạn Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn. 

Thế là chiều hôm ấy tôi đến nhà Phan Chí để tham dự tiệc cưới em gái Chí là cô Hiên Chi.

Trong số những người tham dự tiệc cưới chiều hôm ấy vì quá lâu ngày nên tôi chẳng nhớ gồm những ai, ngoại trừ những người trong gia đình Phan Chí và cô Hiên Chi tôi đều quen hết. Tuy nhiên cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ một vài người đặc biệt đã tham dự tiệc cưới chiều hôm ấy. Đó là anh Ái (tục gọi là Ái đen, cựu học sinh trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng). Sở dĩ tôi vẫn còn nhớ anh Ái vì trong bữa tiệc cưới chiều hôm ấy, anh Ái đã kể một câu chuyện tiếu lâm về một “Ông thượng sĩ ngồi chơi quên đóng cửa lại”. Người thứ hai tôi còn nhớ là cô Hà Thị Tiểu Hương, hình như là em ruột của ông Hà Xuân Trừng, cựu bộ trưởng tài chánh trẻ tuổi nhất Việt Nam, lúc mới 28 tuổi, dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Sở dĩ tôi nhớ có cô Hà Thị Tiểu Hương vì lúc bấy giờ cô Tiểu Hương cũng là một trong những nữ sinh dễ thương và đẹp nổi bật của trường trung học  Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng. Cô Tiểu Hương học sau tôi khoảng ba hay bốn lớp gì đó thôi. Cuối cùng hai nguời mà tôi nhớ rõ nhất là anh Ôn Văn Tài và nữ danh ca Thanh Thuý.

Lúc vừa ngồi vào bàn tiệc, tình cờ tôi lại ngồi đối diện với chị Thanh Thuý. Lúc ấy tôi nghe mấy người ngồi gần tôi nói chồng chị Thanh Thuý là anh Ôn Văn Tài đang ngồi ở đầu kia gần cửa ra vào. Không biết lúc bấy giờ anh Ôn Văn Tài và chị Thanh Thuý đã thành vợ thành chồng chưa tôi cũng không rõ lắm. Và tôi cũng không hiểu tại sao hai anh chị ấy lại quen với chú rể và cô dâu Lê Văn Thành và Hiên Chi. Sau này khi gặp cô Bích Lâm, em gái của Phan Chí và cô Hiên chi, tôi hỏi cô ta mới biết là chị Thanh Thuý bà con bên mẹ của cô Bích Lâm và cô Hiên Chi nên đã mời anh Ôn Văn Tài và chị Thanh Thuý tham dự tiệc cưới chiều hôm ấy.

Trong bữa tiệc cưới chiều hôm ấy, sau khi một vài người kể chuyện vui cho anh chị em nghe, tôi liền đứng dậy trước mặt chị Thanh Thuý rồi nói:

- Thưa tất cả các anh chị em, hôm nay có chị Thanh Thuý đến tham dự, vậy tôi xin đề nghị chị Thanh Thuý hát một bản nhạc giúp vui, anh chị em bằng lòng không?

Tôi vừa nói xong thì anh chị em trong bàn tiệc đều vỗ tay hoan nghênh ngay.

Để đáp lại sự hâm mộ nhiệt tình của tất cả các anh chị em, chị Thanh Thuý bằng lòng ngay. Thế là chị Thanh Thuý ngồi ngay tại chỗ và cất tiếng hát bài “Giọt mưa thu” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong sau khi chị ấy đã giới thiệu nhan đề của bản nhạc chị sẽ hát.

Sau khi chị Thanh Thuý hát xong, anh chị em trong bàn tiệc vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Anh chị em vừa vỗ tay vừ la lớn:

- Bis… Bis… Bis!

Thế là chị Thanh Thuý lại hát tiếp một bài nữa để đáp lại tấm thịnh tình của anh chị em chiều hôm ấy. Sau khi nở một nụ cười thật duyên dáng trên môi, chị Thanh Thuý bắt đầu hát tiếp một bản nhạc mang tựa đề “Con thuyền không bến” cũng của nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Giọng chị Thanh Thuý thật ấm thật buồn, khi trầm khi bỗng, khi thì não nuột khi thì lâm ly. Thảo nào thi sĩ Trúc Ly sau này đã rung cảm tâm hồn khi nghe nữ danh ca Thanh Thuý hát rồi sáng tác nên bốn câu thơ lục bát thật xúc động đến rã rời:

“Từ em tiếng hát lên trời

  Tay xoa giòng tóc tay mời âm thanh

   Sợi buồn nhỏ xuống tim anh

   Lắng nghe da thịt tan thành khói sương”.

Vì vậy mà thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan đã không ngần ngại hạ bút viết vài dòng để diễn tả đôi lời về mấy câu thơ của Trúc Ly rằng, giọng ca của Thanh Thuý đã đột nhập rồi luân lưu trong huyết quản của nhà thơ như sau: “Âm thanh của giọng hát Thanh Thuý, bằng con đường riêng huyền hoặc, xâm nhập cùng khắp linh hồn và thân thể nhà thơ, cuối cùng đến những đáy sâu thẳm nhất của linh hồn và thân xác anh, những vi ti huyết quản, những tế bào óc não, và rồi tới đó. Tới trái tim của nhà thơ. Trái tim tan ra thành mảnh nhỏ, cùng với huyết quản vi ti, với thế bào trong khu óc não lãng đãng trôi”. Chính nhà thơ Duy Tâm khi nghe nữ danh ca Thanh Thuý “nức nở” bản nhạc Phố buồn của Phạm Duy cũng đã xúc động rồi cầm bút viết ngay bài thơ “Thanh Thuý Phố Buồn” như sau:

Phố buồn đô thị đêm mưa

Ngõ quen chưa tối mà lưa thưa người

Quanh co những mái tả tơi

Mưa tuôn dưới vách tiếng người ho hen

Dừng chân trước cửa nhà em

Chợt nghe tiếng hát bên đèn dầu hao

Mưa đêm rơi rớt thềm cao

Tiếng trầm ai oán rót vào hồn ta.

Trở lại chuyện nữ danh ca Thanh Thuý hát bài “Con thuyền không bến” ở trên, ai cũng cảm nhận rằng giai điệu của cả hai bài đều u buồn man mác, đúng là những điệp khúc tình sầu.

Khi chị Thanh Thuý vừa hát xong, anh chị em một lần nữa lại vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Tôi liền đứng dậy lấy cây viết và cuốn sổ tay trong túi áo veston ra rồi trao cho chị Thanh Thuý và nói:

- Chị cho tôi xin chữ ký để làm kỷ niệm.

Chị Thanh Thuý vừa cười vừa nói:

- Anh xin chữ ký tôi để anh vất vào sọt rác hả?

Tôi trả lời ngay:

- Tôi hâm mộ giọng ca của chị thật sự tôi mới xin chữ ký đấy chị ạ.

Thế là chị Thanh Thuý lấy cây viết tôi trao cho chị ấy rồi ký chữ ký vào cuốn sổ tay của tôi. Sau khi chị Thanh Thuý ký xong, tôi liền cúi xuống lấy cây viết và cuốn sổ tay để cất vào túi áo. Trong lúc tôi đang cúi xuống để chuẩn bị lấy cuốn sổ tay lên thì anh chị em trong bàn tiệc bỗng vừa cười vừa la lên:

- Ô kìa, anh ấy! ô kìa, anh ơi! Xem kìa!

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe anh chị em trong bàn tiệc la lên như vậy. Thế là tôi nhìn theo tay anh chị em chỉ vào cái cà vạt của tôi. Cúi xuống nhìn cái cà vạt đang đeo nơi cổ, tôi suýt la lên vì phần cuối của chiếc cà vạt tôi đang nằm gọn trong chén nước mắm trên bàn!

Thế là tôi phải đứng dậy ra sau nhà giặt sơ phần cuối của cái cà vạt cho đỡ hôi mùi nước mắm!

Sau đó, không biết ai đề nghị tôi quên mất vì quá lâu ngày, nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ anh bạn tôi là Phan Chí hay những người trong gia đình anh Chí biết tôi cũng hay ca hát nên đã đề nghị tôi hát một bài. Thế là tôi cũng hát một bài mang tựa đề “Chiều thương đô thị” của hai nhạc sĩ Hoài Linh và Song Ngọc. Vì ngồi đối diện với một nữ danh ca làm sao có thể dám múa rìu qua mắt thợ được nên tôi cũng hồi hộp. Nhưng nghĩ rằng hát để giúp vui trong tiệc cưới thôi ai mà bắt bẻ làm gì nên tôi liền cất giọng hát ngay, không suy nghĩ gì nữa: “…Ta đi trong lòng phố vắng. Tâm tư qua làn khói trắng. Mưa rơi ướt hai mái đầu. Chuyện mình ai biết mai sau. Để hôm nay ngồi đây...”.

Tôi vừa hát xong thì anh chị em trong bàn tiệc vỗ tay như bắp rang. Không biết họ vỗ tay chỉ để vỗ tay hay họ vỗ tay để tán thưởng tôi hát hay? Chỉ có trời biết!

Không hiểu tại sao một câu chuyện quá tầm thường không có gì đặc sắc như thế mà mãi đến 44 năm sau tôi vẫn còn nhớ! Phải chăng vì chiếc cà vạt của tôi nhúng vào trong chén nước mắm là một việc hi hữu làm cho tôi nhớ suốt đời hay là sự kiện độc đáo này lại xảy ra trước mặt một nữ danh ca tiếng nổi như sóng cồn vào thưở xa xửa xa xưa ấy làm tôi nhớ mãi không quên?

Và mãi cho đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao trong bữa tiệc cưới vui như ngày hội chiều hôm ấy, chị Thanh Thuý lại hát hai bản nhạc mà bản nhạc nào cũng buồn vời vợi sau khi nghe chị ấy giải thích trong DVD “75 năm âm nhạc Việt Nam”.

Trên đây là một kỷ niệm tôi tạm gọi là tình cờ với nữ danh ca Thanh Thuý. Sau đây tôi cũng xin kể lại một kỷ niệm tình cờ khác với nữ danh ca này.

Số là chiều hôm ấy, mới cách đây một hai năm gì đó thôi, một buổi văn nghệ do Phật giáo tổ chức với mục đích quyên tiền giúp đỡ những người tàn tật và những người cùi tại quê nhà. Trong buổi văn nghệ này, nữ danh ca Thanh Thuý đã hát một bản nhạc để giúp vui. Sau khi chị hát xong, khán giả vừa vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt vừa la lớn ba lần bis… bis… bis… Chị Thanh Thuý liền ngỏ lời cám ơn khán giả và trong lúc chị Thanh Thuý đang suy nghĩ để tìm một bản nhạc khác hát tiếp, người thì nói tên bản nhạc này, kẻ thì đề nghị bản nhạc khác. Tôi đang ngồi xem ở dưới sân khấu bèn nói thật lớn:

- NỬA ĐÊM NGOÀI PHỐ!

Không hiểu sao chị Thanh Thuý bỗng trả lời ngay:

- Vâng, NỬA ĐÊM NGOÀI PHỐ! Hát để nhớ lại những đường phố ở Việt Nam.

Thế rồi chị cất giọng hát ngay: “Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Đường phố vắng đêm nào quen một người, mà yêu thương trót trao nhau nụ cười…”

Vừa nghe nữ danh ca Thanh Thuý cất tiếng hát bài “NỬA ĐÊM NGOÀI PHỐ”, tim tôi bỗng xúc động thật mạnh. Tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao lại có hiện tượng kỳ lạ này. Phải chăng nữ danh ca Thanh Thuý đã làm cho tôi trở về với thuở học trò lúc đang còn theo học bậc trung học: cái thuở học trò thường lang thang trên hè phố giữa đêm khuya thanh vắng cho dù lắm lúc trời rất lạnh lẽo hay những đêm trăng đẹp tuyệt trần nên đã làm cho tôi xúc động?

Phải chăng hiện tượng xúc động này là biểu tượng của tình yêu vì nữ danh ca Thanh Thuý đã chiều theo ý tôi mà hát bài tôi đã đề nghị? Lúc bấy giờ ánh sáng trong phòng đang trong vị thế mờ ảo làm sao nữ danh ca Thanh Thuý biết chính tôi đã đề nghị mà làm cho tôi vừa lòng? Nhưng cho dù lúc bấy giờ hệ thống ánh sáng đang ở trong vị thế như ban ngày và tôi có đứng trước mặt nữ danh ca Thanh Thuý đi nữa thì nữ danh ca Thanh Thuý cũng chẳng biết tôi là ai vì tôi chỉ là một khán giả như hằng trăm khán giả khác đang ngồi xem mà thôi. Nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ mãi nghĩ hoài tôi vẫn chưa tìm ra được câu trả lời là tại sao khi nghe nữ danh ca Thanh Thuý hát bài “NỬA ĐÊM NGOÀI PHỐ” do tôi đề nghị, tim tôi bỗng xúc động thật mạnh. Phải chăng nữ danh ca Thanh Thuý chỉ còn thuộc có một bài duy nhất nên khi nghe tôi đề nghị, nữ danh ca Thanh Thuý liền hát bài đó ngay? Không, nếu tôi không lầm thì nữ danh ca Thanh Thuý thuộc lòng hằng trăm bài trong cuộc đời ca hát của chị ấy. Phải chăng vì nữ danh ca Thanh Thuý đã hát chiều theo những đề nghị của các khán, thính giả nên mới hát bài do khán giả đề nghị là tôi?

Nếu thế thì tại sao cũng có một số khán giả khác đã đề nghị những bản nhạc khác mà nữ danh ca Thanh Thuý vẫn không hát? Hay là vì hâm mộ giọng ca của nữ danh ca Thanh Thuý nên khi chị Thuý bằng lòng hát bản nhạc do tôi đề nghị, tôi bỗng nhiên thương chị ấy rồi yêu luôn khiến tâm hồn tôi xúc động. Lại càng không thể xảy ra điều đó được vì lúc bấy giờ tuổi tôi cũng đã xế chiều, hình như cùng một tuổi với chị Thanh Thuý, cái tuổi trên “lục thập nhi nhĩ thuận” đó mà.

Cuối cùng, tôi cũng đã tìm ra được đáp số của bài toán  “ trái tim xúc động mạnh” kia bằng tư tưởng tuyệt vời của nhà bác học Pháp, Ông Pascal.

Ông ta đã nói rằng: “Le coeur a des raisons que la raison ne connaît pas” (Con tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu nổi).

HOA HỒNG TRANG, mùa Hè năm 2010

ThanhThuy 2010
Ca sĩ Thanh Thúy và tác giả