Trại Kiên Giam : Chương Bảy

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Chương Bảy

Tôi đã thèm ăn từ lâu, khởi đầu là thêm đường, rồi thèm mỡ, giờ thèm đủ thứ, chén cơm hẩm với nước muối bây giờ quá ngon, không đủ no, ăn vào lưng lửng nhưng ngày nào cũng mong tới giờ ăn cơm, mỗi bữa ăn tôi cố ngồi nhai từng muỗng, nhai thật kỹ, miếng cơm thành ngọt hơn, phải chú ý và kềm để cái lưỡi không cuốn nuốt miếng cơm xuống, lơ đãng một tí là miếng cơm mới đưa vào mồm đã chạy tuột xuống cuống họng một cách tự nhiên và nhanh chóng.

Cái còng nơi chân tôi hơi lỏng ra, tôi đã gầy đi nhiều. Tôi không còn cái thú tắm hàng ngày nữa vì lạnh, nhiệt lượng trong người không đủ giữ ấm cho thân thể bị giữ lâu trong phòng không có ánh sáng mặt trời và thiếu dinh dưỡng. Nhưng tôi vẫn cố tập thể đục đều, phải thắng bản thân mới tập được, nếu không mỗi lần thức dậy chỉ muốn nằm vì cơ thể bải hoải rã rời. Mỗi lần ngồi tập, lắng nghe chuyển động khắp cơ thể thấy như thiếu cái gì, hình như sinh lực từ những tế bào bị rút dần qua ngày tháng. Tôi tập cho quen, và tập quên. Nhưng khó mà quên được. Khó mà đạt được tình trạng hư không. Cho nên sau mỗi lần tập, lại trở lại thực tế thấy đói nhiều hơn. Và cứ phải uống thật nhiều nước bao tử đầy mới ngủ được. Có hôm thấy hai mí mắt nặng nặng cảm giác thụng hai bên má, bóp vào chân thấy vết lõm sâu xuống không căng trở lại, biết bị phù. Tôi lại cố gắng dằn cơn đói, tôi không uống nước. Bản thân chống chỏi với đòi hỏi của cơ thể đã vô cùng vất vả. Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng quen và chịu đựng được. Những giờ tập thể dục và tập Yoga vẫn có lợi, giúp tôi dễ tìm được giấc ngủ. Ngủ là tự do cuối cùng mà tôi đang có. Và ngủ cũng là hạnh phúc duy nhất đang có. Trong giấc ngủ có thể thấy được những điều ước muốn.

Lần đầu tiên được gọi “đi làm việc” (hỏi cung) vào ngày 18-11-1976 tức là kém một tuần đầy hai tháng sau ngày bị bắt.

Khi cái còng được mở ra, tôi cảm thấy nhẹ nhõm bước đi vài bước tôi đã quỵ xuống. Thường ngày tôi vẫn đứng dậy để tập, để xoa bóp tay chân; vậy mà tôi vẫn không đứng vững – tên trưởng khu bảo tôi làm cử động đứng lên ngồi xuống một lúc cho quen rồi nó mới dẫn tôi ra khỏi xà lim, đi ngược lại dãy hành lang về một phòng chấp cung.

Tôi thấy thầy Vũ Quốc Thông đang ngồi phơi nắng ở một góc sân. Cả người thầy đầy cả ghẻ, thầy ngồi chồm hổm chỉ vỏn vẹn chiếc quần đùi bê bêt màu mủ ghẻ, bất giác tôi giơ tay ra trước ánh nắng, da tôi trắng và xanh mét. Nhớ lại lúc mới vào trường hành chánh, thầy Vũ Quốc Thông là viện trưởng, thân hình tròn thấp mập đẩy đà, cái trán cao bóng lưỡng thông minh, bây giờ thành một ông lão tiều tụy ghẻ lở, cái lớp da bụng xệ xuống nhăn nheo như cái bụng con voi già trong sở thú.

Tên trưởng khu bàn giao tôi cho một tên khác, người Bắc, trung niên. Hắn mặc áo sơ mi trắng đã cũ chuyển qua mầu xám, cái quần ka ki màu hỏa hoàng công an may hai pli xếp theo kiểu cũ. Hắn chào hỏi tôi giới thiệu tên là Đắc, chấp pháp, có bổn phận làm việc với tôi.

Thủ tục thẩm cung được chỉ dẫn kỹ càng, tôi ngồi ngay ngắn trên ghế hai chân buông thõng, hai tay đặt trên hai đầu gối không được chéo chân thành chữ ngũ. Trước khi trả lời phải khởi lời bằng câu “báo cáo cán bộ” và xưng hô là tôi.

Hắn giải thích với tôi là chính sách của đảng và nhà nước vẫn giữ phẩm giá cho con người bị bắt, không có hình thức tra tấn đánh đập, hắn không quên so sánh và nhắc nhớ tôi ở chế độ cũ nhân viên thẩm cung đã đánh đập và tra tấn tàn nhẫn nạn nhân, hắn dằn mạnh là tôi là nhân viên Bộ Nội Vụ thì tôi biết rõ điều đó. Tôi ngồi nghe không đáp. Tôi biết là trước kia ngành điều tra của cảnh sát thường đánh can phạm. Tôi không bao giờ chấp nhận lối điều tra man rợ và ấu trĩ của công an mật thám thời Pháp thuộc còn lại đó. Nhưng tôi cũng hiểu nhu cầu của cảnh sát thời Việt Nam Cộng Hòa khó tránh sự tra tấn đánh đập vì thời gian tạm giam luật định quá ngắn vả lại đang lúc chiến tranh, địch hoạt động khắp nơi, nên cần kết thúc càng sớm càng tốt để kịp thời phá vỡ âm mưu phá hoại có ảnh hưởng đến sinh mạng nhiều người. Giờ đây Cộng sản có quyền tạm giam vô thời hạn, chúng không cần thiết sử dụng hình thức tra tấn, nhưng đó là nguyên tắc, anh em ở xà lim cũ cũng đã cho tôi biết là khi hỏi cung chúng cũng đánh và biện pháp hay nhất là la lên càng to càng tốt vì ít nhiều, bọn chấp pháp cũng không muốn vi phạm nguyên tắc của chúng đặt ra.

Đắc không chú ý đến thái độ hờ hững suy nghĩ vẩn vơ của tôi, hắn tiếp tục thuyết hình về chính sách khoan hồng nhân đạo của đảng và nhà nước. Hắn nói đều đặn như một người học trò ngoan trả bài thầy giáo. Cuối cùng hắn bảo tôi phải thành thật khai báo vì theo hắn “nhân dân” đã biết cả tội lỗi của tôi. Muốn tôi khai là đo mức độ tự giác để áp dụng sự khoan hồng; nếu ngược lại tôi cố tình giấu giếm, bao biện, quanh co tôi sẽ bị trừng phạt đích đáng.

Xong hắn giao cho tôi một xấp giấy và một bản in khai lý lịch gồm 43 khoản đầy các chi tiết liên hệ bản thân, gia đình, xã hội từ lúc mới sinh ra cho đến ngày “giải phóng” và từ ngày “giải phóng” cho tới khi tôi bị bắt.

Trước khi bước ra khỏi phòng để tôi thoải mái viết tờ khai hắn mời tôi một điếu thuốc President và một trà nóng. Thường ngày thuốc lá và trà tôi chỉ sử dụng qua loa, không thích thú mấy. Bây giờ tôi hút điếu thuốc và uống trà thấy ngon. Tôi thong thả hút thuốc và uống trà, tận hưởng sự thoải mái và suy nghĩ những điều cần khai theo đúng các chi tiết.

Bản khai cung thật hóc búa, chi tiết, đến cả ghi ngày đầu tiên vào trường học và cảm tưởng lúc đó, những môn học, những môn ưa thích, những thầy giáo và cô giáo mình cảm mến. Cảm tưởng từng ngày vào quân trường cho đến cảm tưởng lần đầu tiên đi làm việc và những quan hệ bạn bè thân sơ. Nhớ lời dặn của anh Tống Đình Bắc, tôi suy nghĩ thật kỹ, để khai thật gọn và dễ nhớ để những lần khai sau này vẫn trùng hợp, trước sau như một. Tôi ngồi viết thật chậm. Buối trưa Đắc vào cho tôi một tô cơm, trên có hai miếng đậu hũ bằng ngón tay, chan nước mắm có ớt, miếng đậu hũ có mỡ trôi tuột vào trong cổ họng. Tôi cố gìữ bình tĩnh để khỏi ăn hỗn, nhai kỹ miếng đậu hũ còn lại. Tôỉ thấy mùi vị ngọt, béo, vị cay của ớt the cả đầu lưỡi, thơm nồng cả miệng. Tôi không ngờ chưa đầy hai tháng ăn muối tôi đã hư hỏng thèm ăn. Suốt ngày tôi mới viết được năm trang giấy, ghi xong phần lý lịch, vào phần hai các chi tiết của cuộc đời tôi mới viết qua ở thời trung học.

Buổi chiều về lại xà lim tên trưởng phòng không còn còng tôi nữa – tôi tắm rửa và ăn cơm chiều xong nằm nghỉ thấy thoải mái. Kiểm điểm lại những gì đã viết tạm đủ không có gì sơ hở; tôi quyết định kéo dài bản viết trong vài ngày để được ra làm việc đổi không khí.

Đêm đó nằm ngủ thật yên, tôi mơ thấy Thu Hà, bạn gái thời bé nhỏ của tôi. Hình ảnh Thu Hà thật rõ. Tôi đã yêu Thu Hà và luôn luôn nhớ đến nàng; tình yêu của đứa con trai lúc l5 tuổi, mà tôi không bao giờ dám bày tỏ. Lần chia tay cuối cùng tôi rời tỉnh nhỏ để về Saigon học, tôi tưởng sẽ còn gặp lại nàng. Cuộc đời đưa đẩy xa nhau mãi đến nay tôi không gặp lại. Nàng đã có chồng con và đã theo gia đình di tản – có gặp lại là chỉ trong giấc mơ như đêm nay.

Tôi viết đến ba ngày mới xong bản kiểm điểm tóm tắt cuộc đời. Trong mục nhận tội, tôi nhớ lại lần đầu tiên viết kiểm điểm sau ba ngày học tập tôi đã nhận lỗi, việc nhận đó làm tôi xấu hổ mỗi khi nhớ lại, nên lần này tôi chỉ lướt qua là tôi đã đi học và tham gia chính quyền miền Nam và trong thời gian làm việc tôi đã làm hết sức của tôi với thiện chí của tuổi trẻ nhằm phục vụ công ích. Tôi không hạ mình nhận tội vô cớ một lần nữa, nhưng tôi cố tránh dùng những từ ngữ không thuận lợi.

Một tuần sau tôi mới được gọi lên làm việc trở lại.

Tôi vừa ngồi xuống ghế để hai tay ngay ngắn trên hai đầu gối đúng thủ tục thì tên Đắc mở hộc bàn lấy xấp giấy ném ngay trước mặt tôi. Hắn nói:

– Tôi đã đọc xong bản kiểm điểm của anh, anh chưa thành thật khai báo, điều đó không có lợi cho anh, anh vẫn còn quanh co không nhận tội với nhân dân. Anh bảo anh phục vụ công ích là phục vụ cho ai? Anh đã theo ngụy quyền chống lại cách mạng, mà anh không nhận tội lỗi của anh.

Tôi định trả lời thì hắn nói tiếp:

– Anh không cần trả lời, chúng tôi đủ bằng cớ để buộc tội anh, không cần anh nhận tội. Chúng tôi để anh viết xem thái độ của anh mà thôi. Ngay từ lúc bị bắt anh đã ngoan cố và thái độ bây giờ vẫn tiếp tục. Cũng như anh đã lợi dụng được kẽ hở của thông cáo Ủy Ban Quân Quản để trốn trình điện học tập.

Nghe hắn nói tôi trốn trình diện học tập, tôi trả lời:

– Báo cáo, tôi có đi trình diện học tập nhưng Ủy Ban Tiếp Nhận cho là tôi không thuộc diện tập trung. Tôi đã được Ban Quân Quản tiếp thu Bộ Nội Vụ cho học tập tại cơ sở vì theo đúng thông cáo, thời gian cuối cùng tôi không giữ nhiệm vụ chỉ huy.

– Anh khéo tránh né, anh từng làm Phó Tỉnh trưởng mà không học tập trung sao?

– Báo cáo, tôi đã thôi làm Phó Tỉnh trưởng trên hai năm nay rồi. Cuối cùng tôi chỉ là một nhân viên hành chánh không chỉ huy ai.

– Sao anh không trình diện học tập tháng 8.

– Báo cáo đợt học tập đó theo thông cáo đã dành cho nhân viên tình báo và chiêu hồi. Tôi nghĩ là sẽ còn nhiều đợt học tập tiếp theo, nên tôi chờ đợi cho đúng diện quy định cho khỏi nhầm lẫn.

Đắc nhắc 1ại:

– Không cần anh phải nhận tội, tôi nhắc lại nhận tội để tỏ ra thái độ thành thật mà thôi. Dù anh không nhận tôi chúng tôi cũng có lý do để đưa anh đi tập trung. Anh khéo lợi dụng được khe hở của luật pháp lắm.

Tôi biết hắn nói đúng, chắc chắn là tôi phải đi tập trung, nên tôi không phát biểu thêm. Bất chợt hắn hỏi tôi:

– Anh làm gì trong Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Việt Nam Tự Do của Ngô Văn Vinh và Vĩnh Hầu.

– Tôi chưa bao giờ nghe đến tên tổ chức như vậy và tôi chưa hề gặp Ngô Văn Vinh và Vĩnh Hầu.

Đắc chỉ hừ một tiếng rồi im lặng. Tôi cũng chờ đợi những câu hỏi tiếp theo của hắn. Hắn hỏi tiếp:

– Anh đến quán cà phê Ngọc mấy lần và gặp ai ớ đó.

– Tôi đến cà phê Ngọc một lần để tìm Trần Đình Sào, không có Sào ở đó tôi đi ngay. Những người ngồi ở quán cà phê tôi không quen ai.

– Anh có quen chủ quán Ngọc không?

– Tôi biết đó là Hoàng, bạn của Sào.

– Anh biết Sào hiện ở đâu không?

– Tôi không biết.

– Thôi anh về xà lim để tiếp tục suy nghĩ. Tôi mong anh sẽ khôn hơn. Tôi nhắc lại sự tự giác có lợi cho anh nhiều. Anh có điều gì đề xuất hay không?

– Tôi muốn được báo tin cho gia đình biết là tôi đang ở đây và khỏe mạnh.

– Gia đình anh đã biết anh ở đây, nhưng anh chưa được nhận thơ và nhận quà vì anh chưa thành khẩn. Ở đây anh em biết anh nhiều lắm.

Như để chứng minh lời nói hắn đi ra, một lúc đi vào với một thanh niên khoảng 27, 28 tuổi người nhỏ, ốm, ăn mặc gọn gàng, tươm tất, tôi đoán ngay là người miền Nam, vì cán bộ miền Bắc ăn mặc còn luộm thuộm áo quần, giây thắt lưng đều kiểu thời trang 1950 rất dể nhận diện.

Người thanh niên nhìn tôi rồi hỏi:

– Anh Nguyễn Chí Thiệp trước làm ở Bộ Nội Vụ phải không?

Tôi đáp:

– Phải.

Hắn tiếp:

– Lúc nhỏ anh học ở Phan Chu Trinh phải không?

Tôi đáp:

– Phải.

Hắn nói:

– Anh không biết tôi, chứ tôi biết anh nhiều lắm, lúc anh học đệ nhị tôi học đệ lục, tôi là em chị Liên Hương vợ anh Trần Huỳnh Châu – Anh biết chị Liên Hương không?

Tôi không trả lời câu hỏi của hắn. Hắn đứng nhìn tôi từ trên đầu xuống dưới chân rồi nhìn lên trở lại như vừa trêu chọc vừa như thách thức, vừa muốn chứng tỏ hắn là con người chiến thắng muốn đánh giá một kẻ chiến bại trước mặt hắn.

Sau ngày 30-4-l975, tôi mới được biết ông Nguyễn Hữu Dậu làm trưởng ty Bưu Điện Quảng Nam, rồi trưởng ty Bưu Điện Đà Nẵng có con cái đều hoạt động cho Việt cộng. Tên thanh niên đang nói chuyện với tôi là Nguyễn Hữu Khánh Duy tốt nghiệp bác sĩ trưng lập trong binh chủng Thủy quân Lục Chiến, nhưng bây giờ làm bác sĩ cho sở Công An Thành Phố, và người con gái khác là Nguyễn Diệu Liên Tâm đi đu học ở Úc về làm ở bộ Dân Vận Chiêu Hồi, bây giờ là cán bộ nồng cốt của Sở Công An Thành Phố.

Thấy tôi không chú ý trả lời câu hỏi của Duy, tên Đắc nói tiếp:

– Ở sở còn nhiều người là bạn cũ của anh, người ta nói rất đúng về anh, anh bướng lắm.

Tôi đáp một cách chung chung:

– Nếu có nhiều anh em biết tôi thì vụ án của tôi dễ kết thúc.

Tôi nghĩ hắn ám chỉ Huỳnh Bá Thành, Nguyễn Đăng Trừng… là những người biết tôi từ trước 1975 hiện đang làm chấp pháp tại Sở Công An này.

Trở về xà lim tôi càng thấy rõ số phận của tôi, dù tôi có nhận hay không nhận tội gì thì chúng cũng sẽ đưa tôi đi cải tạo, chúng nó biết tôi quá rõ rồi. Do đó, tôi quyết định đi làm việc không nhận tội gì hết.

Tôi thắc mắc tại sao hắn lại ghép tôi vào tổ chức của Ngô Văn Vinh và Vĩnh Hầu, như vậy Sào có bị bắt không? Vì chỉ có Trần Đình Sào nhờ tôi viết một cương lĩnh cho tổ chức của Vinh nhưng tôi từ chối. Và tôi cũng không gặp Hầu và Vinh.

Tôi không phán xét việc làm của hai người này. Họ có quyền và có trách nhiệm về việc làm của họ, vả lại dám tổ chức đối kháng là điều tôi cũng quí họ; họ phải phô trương thân thế để tạo niềm tin cho người khác. Tôi không tham gia vì tôi biết rằng tôi không thể hoạt động tại thành phố được trong khi tôi đang trốn lánh. Giấy chứng nhận học tập cải tạo ba ngày là giải pháp tạm thời để thay đổi chỗ ở và qua mặt chính quyền phường khóm thôi. Đối với Sở Công An Thành Phố và Đoàn Công An Liên Khu 5 vào Saigon để điều tra từng viên chức sĩ quan từng làm việc ở các tỉnh miền Trung thì giấy cải tạo ba ngày không thể chứng minh cho lý lịch của tôi miễn đi trình diện tập trung.

Ngày hôm sau tôi lại tiếp tục đi làm việc. Chấp pháp không phải là Đắc, mà là hai tên khác trong đó có một tên cùng với Đỗ Hữu Cảnh đến nhà bắt tôi.

Bằng một giọng Quảng Nam nhẹ của người Đà Nẵng hắn hỏi tôi:

– Chắc anh không biết tôi chứ tôi biết anh rõ lắm, tôi là Lưỡng cũng học sinh Phan Chu Trinh, năm anh học đệ nhị tôi học đệ lục.

Thêm một người muốn chứng tỏ đã nắm được lý lịch của tôi, không biết chúng định làm gì mà dàn ra toàn những anh học sinh Phan Chu Trinh cũ. Tại sao những người quen hoặc biết tôi như Huỳnh Bá Thành, Nguyễn Đăng Trừng không gặp mà để Lưỡng, Khánh Duy gặp, nhắc nhớ tôi về trường Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng.

Trường Phan Chu Trinh mới được thành lập do chính phủ Quốc gia từ 1952, so với trường Quốc Học hay Đồng Khánh thì quá non trẻ. Tôi là thế hệ học sinh đầu của trường, vừa học trường mới phát triển, đến khi tôi xong tú tài I thì trường vẩn chưa có lớp đệ nhất. Tôi đã thành lập hội cựu sinh viên của trường. Chưa hoạt động được rộng rãi thì đã mất nước. Bây giờ những người Cộng sản này muốn gặp tôi có lẽ để chứng tỏ với tôi là họ biết tôi rõ, tôi phải khai hết sự thực họ cần khai thác và cũng để cho tôi biết họ là kẻ chiến thắng, trường Phan Chu Trinh đó thuộc về họ. Tôi nghĩ đến điều này vì ngay thời gian đầu tiên, những người cựu học sinh Phan Chu Trinh theo Cộng sản đã tổ chức họp mặt ở Đà Nẵng và Saigon, và họ đã ghép lịch sử trường Phan Chu Trinh với trường Phan Chu Trinh nào đó trong vùng Việt Minh đánh Pháp làm một, để chứng tỏ trường Phan Chu Trinh là của họ.

Đó là sự liên kết có gian ý, có sự trùng tên trường, cụ Phan Chu Trinh là một chí sĩ người Quảng Nam ai cũng tôn trọng nên lấy tên cụ đặt cho tên trường, không có sự liên hệ nào giữa hai trường, trường Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng thành lập năm 1952 hoàn toàn mới, lúc đó chỉ có một lớp đệ thất học tạm tại trường nữ tiểu học.

Ăn gian những sự kiện lịch sử là nghề của những người Cộng sản.

Tôi cũng trả lời vừa đủ với Lưỡng:

– Vâng, tôi không biết anh, trường đông quá, tôi chỉ biết những người học cùng lớp gần nhau thôi.

– Lúc anh về thành lập Hội Cựu Học Sinh Phan Chu Trinh tôi có đi dự.

Tôi đáp “vâng” cho qua chuyện rồi ngồi im chờ hắn nói tiếp.

– Chúng tôi đã biết rõ về anh, điều đó rất lợi cho anh nếu anh thành khẩn khai báo. Bây giờ chúng ta làm việc nghiêm túc. Anh giữ nhiệm vụ gì trong Quốc Dân Đảng và Đảng Dân Chủ tỉnh Quảng Nam ?

Tôi thấy sự hiểu biết của hắn có giới hạn, chỉ đoán mò, ai đời hỏi một lúc hai đảng.

Tôi đáp:

– Tôi không là đảng viên Đảng Dân Chủ hay Quốc Dân Đảng, tôi chỉ là một công chức.

Hắn gằn giọng:

– Vô lý, nếu anh không là Quốc Dân Đảng sao anh làm Phó tỉnh trưởng Quảng Nam.

– Vâng, cả hai vấn đề Quốc Dân Đảng và Phó tỉnh trưởng Quảng Nam không liên hệ gì với nhau. Tôi là công chức chính phủ VNCH tôi làm nhiệm vụ. Tôi không tham gia đảng chính trị.

– Anh trả lời con nít mới nghe được.

– Tôi trả lời đúng sự thật, cán bộ cứ điều tra.

– Trong ngụy quyền các anh, nếu không có phe cánh thì làm sao anh lên chức được, ở các tỉnh miền Trung các anh không là Quốc Dân Đảng thì là Đại Việt. Thằng Ngô Văn Vinh là đảng viên Đại Việt, anh biết chứ?

– Tôi chỉ biết Ngô Văn Vinh là Trưởng ty Xã Hội, còn lý lịch chính trị của anh ta tôi thật không biết. Người ta luôn luôn có thiên kiến nếu người miền Trung không Quốc Dân Đảng thì là Đại Việt hoặc Cộng Sản.

– Đúng thanh niên miền Trung mình phải có lập trường chính trị, không bên này thì bên kia.

– Lập trường của tôi rất rõ, tôi là công chức, là nhân viên của chính phủ VNCH, tôi học trường hành chánh để làm công việc đó.

– Anh là công chức, anh khỏi nói chúng tôi cũng rõ. Tôi muốn anh khai về hậu thuẫn chính trị của anh. Đảng viên Quốc Dân Đảng thì cũng đi trình diện học tập và nhà nước cũng khoan hồng.

– Tôi cũng đã rõ điều đó.

Hắn hỏi tôi:

– Anh làm gì trong đảng Dân Chủ, lúc ở Đà Nẵng tôi biết anh tổ chức Đảng Dân Chủ rầm rộ ở Quảng Nam, sao anh không khai về đảng Dân Chủ.

– Tôi là công chức chính quyền, đảng Dân Chủ là đảng do chính quyền tổ chức, tôi được lệnh giúp đỡ cho những người khác đứng ra lập tỉnh đảng bộ, tổ chức ra mắt cho họ, và yểm trợ cho họ làm việc đến khi họ độc lập thì nhiệm vụ tôi hết. Tôi không khai vì tôi cũng không là đảng viên đảng Dân Chủ vả lại đảng Dân Chủ đã được giải tán vào năm 1974 do người lập ra nó là ông Nguyễn Văn Thiệu.

Hắn nói:

– Anh thật không biết điều tí nào cả, cái gì anh cũng không nhận hết, anh cần suy nghĩ để trả lời tôi.

– Vâng, tôi đã suy nghĩ kỹ khi trả lời, cán bộ cứ điều tra. Tôi nghĩ là khi mất miền Nam, tất cả các cơ quan còn giữ lại đủ hồ sơ, mỗi tỉnh bộ đều có danh sách đảng viên đảng Dân Chủ hay đảng nào khác tôi chịu trách nhiệm. Tôi xác nhận tôi là công chức có nhiệm vụ giúp đỡ tổ chức ra tỉnh bộ đảng Dân Chủ để rồi họ hoạt động lấy. Hiến pháp thời đó cấm quân nhân và công chức làm chính trị nên tôi phải tôn trọng.

– Anh bỏ cái hiến pháp vô giá trị đó đi, không cần nhắc tới.

– Dĩ nhiên đối với cán bộ nó vô giá trị, nhưng tôi ở trong chính quyền đó tôi phải tuân theo.

– Thôi để anh suy nghĩ, muốn anh tỏ ra biết điều để hồ sơ hoàn tất mau có lợi cho anh mà anh không cộng tác.

Tôi trở lại xà lim nhớ lại những điều đã trả lời vừa qua, như vậy cũng ổn. Tôi cứ giữ đúng nguyên tắc đã đặt ra, chỉ nhận công chức thôi, chừng đó cũng đủ đi cải tạo mút mùa, sự hiểu biết của tụi công an cũng có giới hạn kể cả bọn nằm vùng. Tụi nó chỉ chú trọng khai thác về các đảng các phái, còn đảng Dân Chủ chúng cũng không mấy quan tâm, chúng cũng đánh giá đúng, đó là đảng chưa có thực lực chính trị.

Người ta luôn bị thiên kiến làm sai lạc, luôn luôn trong đầu họ nghĩ là người Quảng Nam không Quốc Dân Đảng thì là Cộng Sản. Điều đó đúng trên một khía cạnh là dân Quảng Nam hay nói chung các tỉnh liên khu 5 thường có hai chiến tuyến rõ rệt, một là Quốc gia, hai là Cộng sản, không lẫn lộn. Nhưng ở phe Quốc gia chống Cộng không hẳn là đảng viên Việt Quốc. Đành rằng lực lượng người Quốc gia chống Cộng mạnh nhất ở các tỉnh Nam Ngãi là Việt Quốc, ở Trị Thiên là Đại Việt. Hai chính đảng này có lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp, chống Cộng sản và các chính quyền bù nhìn tay sai của Pháp. Họ hợp tác với chính quyền Ngô Đình Diệm lúc đầu, rồi chống lại vì bất đồng chính kiến. Thời đệ nhị Cộng Hòa họ được tự do hoạt động nhưng chưa có chỗ đứng xứng đáng với lịch sử đấu tranh của họ. Có thể họ cũng có những khuyết điểm nào đó, nhưng rõ ràng thân phận của những người đảng viên Đại Việt và Việt Quốc là thân phận thua thiệt của thành phần chính của lực lượng Quốc gia chân chính trong giai đoạn lịch sử phức tạp của Việt Nam trong đó người Việt Nam chưa tự quyết định được vận mệnh của mình.

Thuở nhỏ tôi học trong một trường tiểu học do thầy Trịnh Thể làm hiệu trưởng và hầu hết các giáo viên đều là đảng viên Việt Quốc. Tôi kính trọng các thầy không những là một học sinh đối với một thầy giáo như mọi trường hợp khác, tôi còn ngưỡng mộ thầy Trịnh Thể và các thầy như những anh hùng khi mật thám Pháp đến tận lớp học để bắt các thầy đi trước cặp mắt phẫn uất của tôi.

Có quan hệ tình cảm như vậy nhưng tôi không thích làm chính trị. Tôi không thích bị mọi ràng buộc, thích được tự do, thấy gì đúng, phải thì làm. Khi làm một viên chức chính quyền địa phương, trong phạm vi cho phép tôi đã cố gắng để giúp đỡ các hoạt động hữu ích của tất cả các chính đảng Quốc gia, bao gồm cả các hệ phái Quốc Dân Đảng Thống Nhất đối lập với chính phủ. Tôi quan niệm muốn có dân chủ phải có đối lập thật sự. Sinh hoạt chính đảng ở miền Nam Việt Nam có những nhược điểm:

– Xuất phát từ chính đảng Cách Mạng và luôn luôn có nguy cơ bị tiêu diệt bởi các chính quyền thực dân Pháp, Việt Minh, Ngô Đình Diệm và âm mưu chia rẽ làm suy yếu của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, nên các chính đảng quen thể thức hoạt động kiểu hội kín và sử dụng bạo lực, không quen sinh hoạt dân chủ.

– Không có sinh hoạt dân chủ, nên không đào tạo lãnh tụ chính đảng. Những lãnh tụ già cỗi hết thời, không chuẩn bị người thay thế và không chịu rời bỏ địa vị, nên đưa đến tình trạng khủng hoảng lãnh đạo đảng (và khủng hoảng chính trị cho cả nước) và tình trạng phân chia hệ phái mỗi khi có bất đồng.

– Bị co cụm lại một số địa phương, nên khi có cơ hội hoạt động (sau thời 1963) không có chính đảng nào có tầm vóc quốc gia. Hậu quả của tình trạng này làm tăng thêm tính chia rẽ trong sinh hoạt chính trị miền Nam Việt Nam gần như trở thành một tập quán. Dân tộc Việt Nam nói chung rất đoàn kết, nhưng những người làm chính trị luôn luôn chia rẽ, người nắm chính quyền thì học thủ đoạn chia để trị, người chưa nắm chính quyền thì tìm hậu thuẫn ở tôn giáo hay địa phương càng làm cho các dị biệt nhỏ trầm trọng hơn lên.

– Với những lý do đó, nên hầu hết các chính đảng không thu hút được thành phần trí thức trẻ, tự nhiên trở thành già cỗi. Kết quả là họ tham gia chính trị thì không có cán bộ có đủ khả năng để làm việc, một cán bộ có khả năng ở cấp xã, cấp quận thì phải làm việc cấp tỉnh, cấp quốc gia, đưa đến tình trạng chênh lệch về trình độ giữa một chính trị gia với một chuyên viên hành chính, kinh tế hay kỹ thuật, hay với sĩ quan quân đội. Tình trạng này càng ngày càng làm cho chính đảng suy thoái. Đó là mới đề cập đến vấn đề tổ chức và nhân sự, chưa nói đến phương diện tư tưởng tức là các chủ thuyết chính trị được viết ra từ thời kỳ lập đảng ở thập niên 20, 30 cần phải duyệt xét lại.

Sau một thời gian làm việc ở chính quyền, tôi nghĩ hệ thống chính quyền cần có sự lãnh đạo chính trị để thống nhất từ nhân sự đến phương thức hành động. Có thể nói chưa có một chính quyền nào viên chức bị xem nhẹ như thời đệ nhị Cộng Hòa. Ngoài hệ cấp trong chính quyền họ còn bị chi phối bởi chính đảng, đoàn thể áp lực, tôn giáo, báo chí và luôn luôn bị thượng cấp hy sinh vì những áp lực đó dù cho họ làm đúng luật, đúng nhiệm vụ và thật sự có ích cho dân chúng.

Tôi tham gia đảng Dân Chủ cuối năm 1971, nhận lãnh trách nhiệm tổ chức ra mắt tỉnh đảng bộ đầu tiên của cả nước. Tôi tin tưởng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu muốn làm một công tác chính trị lớn cho đất nước, ông tổ chức một chính đảng có tầm hoạt động toàn quốc để đoàn kết toàn dân chuẩn bị cho việc đấu tranh chính trị với Cộng sản khi Hiệp định Đình Chiến được ký kết. Thời gian làm việc tôi tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Ngân phụ tá chính trị, thì càng tin tưởng ở ông Nguyễn Văn Thiệu muốn mình trở thành Tổng Thống mạnh và vì dân vì nước như Tổng Thống Phác Chính Hy tại Đại Hàn, như ông Ngân và một số người trong trung ương đảng Dân Chủ muốn hướng trọng tâm của đảng vào đó.

Tổ chức một đảng từ chính quyền có những thuận lợi và bất lợi, thuận lợi là có thể kết nạp ồ ạt, nhưng bất lợi là thiếu phẩm chất vì những người có tính tự trọng, họ rất e dè khi gia nhập đảng cầm quyền, trái lại những phần tử có tham vọng riêng thì nhanh chóng chạy theo. Tôi không tin tưởng vào các công chức và sĩ quan địa phương quân được kết nạp ồ ạt thời gian đầu, nhưng hy vọng vào thành phần trí thức trẻ như các nhà giáo, thanh niên, học sinh tự nguyện gia nhập đảng và mong tạo cho họ sinh hoạt học tập để kiện toàn dần đảng tính.

Trong một phiên họp Trung Ương tại Vũng Tàu, tôi nêu nhiều thắc mắc với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chủ tịch đảng. Về sự kết nạp đảng viên ở các tỉnh, có tỉnh chỉ thu căn cước người dân lập thành danh sách đảng viên, ông Nguyễn Văn Thiệu giải thích:

– Chúng ta sắp ký hiệp định ngưng chiến và chuyển qua thời kỳ đấu tranh chính trị, Cộng sản nó nhuộm đỏ người dân, thì mình nhuộm vàng họ, đảng Dân Chủ làm nhiệm vụ nhuộm vàng đó, tức là cứ ghi tên họ vào để một mặt đối với người dân xác nhận vị thế của họ, tách họ ra khỏi Cộng sản, làm cho Cộng sản nghi ngờ họ, đẩy họ về phía mình. Trong khi đó đảng cứ hoạt động và kiện toàn thành phần trung kiên nòng cốt.

Tôi tin vào sự giải thích đó, ít ra cũng là một phương cách lôi kéo người dân trong thời gian cấp bách. Tôi có trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Văn Ngân, người phụ trách tổ chức đảng Dân Chủ, tôi thấy ông Ngân tuy ít kinh nghiệm trong nhiệm vụ quá lớn đối với ông là phụ tá chính trị của Tổng thống nhưng ít ra cũng nhận thấy ông là người thanh liêm và có tinh thần với quốc gia. Lúc ông có nhiều quyền hành sắp xếp các việc bầu bán ở Quốc Hội, đặt người ở các cơ quan hiến định, bổ nhiệm viên chức cao cấp trong chính quyền – ông không hề lợi dụng để mưu lợi riêng. Thời buổi những năm 1970 được một người thanh liêm và có lòng như ông Ngân rất hiếm.

Mọi quyền hành của ông Ngân phát xuất từ quyền hành của Tổng Thống, ngoài ra ông Ngân không có một thế lực nào khác để củng cố quyền hành và địa vị đó, ông làm việc hoàn toàn có lợi cho Tổng Thống trong mục đích hỗ trợ để cho Tổng Thống mạnh không bị chi phối bởi các trung tâm quyền lực khác, để ông Tổng Thống làm việc nước. Nhưng quyền lực của ông Ngân lại bị nhiều người ganh tị, nhất là trong gia đình của ông Nguyễn Văn Thiệu.

Khởi đầu việc lập đảng Dân Chủ ông Hoàng Đức Nhã yểm trợ, nhưng sau ông Nhã thấy ông không nắm được đảng Dân Chủ, ông Nhã phá, ông Nhã chỉ thị các Trưởng ty Thông Tin không được vào đảng Dân Chủ, trong khi hầu hết các tỉnh đều giao chức vụ tuyên huấn tỉnh đảng bộ Dân Chủ cho Trưởng ty Thông Tin (ông Nhã đổi là Trưởng Cơ Sở Dân Vận). Các Ty trưởng Dân Vận về Saigon công tác trong đảng Dân Chủ, ông Nhã chỉ thị không cấp phương tiện chuyên chở trong khi tổ chức đảng Dân Chủ dựa vào chính quyền còn đảng không làm kinh tài, các tỉnh đảng bộ không có một khoản tài chánh nào. Là tỉnh tổ chức tỉnh bộ đầu tiên, tôi nhắm về phía các giáo chức là thành phần trẻ, có học, có uy tín với phụ huynh học sinh và dân chúng, nhưng từ lâu họ vẫn như đứng ngoài chính quyền dù ăn lương từ ngân sách quốc gia. Cộng sản tổ chức được nhiều cơ sở hoạt động tích cực trong hàng ngũ giáo chức, trong khi các chính đảng Quốc gia không thu hút được giới này. Dĩ nhiên giáo chức thì không quen sinh hoạt chính trị và đấu tranh. Nhưng sinh hoạt dân chủ mục đích là tranh thủ sự ủng hộ quần chúng nhân dân không cần đến hành động bạo lực. Vả lại đa số nhà giáo tự tách rời ra khỏi hoạt động chính trị vì một phần các chính đảng Quốc gia trở thành cằn cỗi, đa số cán bộ kém trí thức và thường sử dụng bạo lực để tranh giành phe nhóm và quyền lợi nên không thu hút được họ.

Tôi đã trình bày kinh nghiệm về sự thuyết phục và kết nạp hàng ngũ giáo chức vào tỉnh đảng bộ Dân Chủ Quảng Nam về phòng phụ tá chính trị và phổ biến để các tỉnh bộ khác rút kinh nghiệm. Do đó đa số chủ tịch đảng bộ Dân Chủ là các Trưởng ty Học Chánh tỉnh. Công thức này đã được ông Ngô Khắc Tỉnh, Tổng trưởng Giáo Dục ủng hộ.

Nhưng về sau, chính ông Ngô Khắc Tỉnh cũng là một người chống lại đảng Dân Chủ khi thấy ông không có ảnh hưởng gì trong đảng. Sau này ở tù chung với hai anh em ông Ngô Khắc Tỉnh và Ngô Khắc Tịnh, nhắc lại chuyện cũ, ông Tỉnh xác nhận là ông chống lại việc ông Thiệu giao cho ông Ngân quá nhiều quyền và chính ông Tỉnh đã thúc đẩy ông Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm loại trừ ông Ngân ra khỏi ông Thiệu.

Ông Ngân sửa Hiếp Pháp để ông Thiệu ứng cử Tổng Thống thêm, làm mất cơ hội ứng cử Tổng Thống của ông Khiêm nên ông Khiêm không những tìm cách loại trừ ông Ngân, ông Nhã ra khỏi thế lực ông Thiệu mà còn yểm trợ 303 Linh mục và Dân biểu Nguyễn Đức Cung tố cáo ông Thiệu tham nhũng và Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi có 40 ngàn lính ma ở vùng 4 chiến thuật.

Riêng ông Ngô Khắc Tịnh, Thượng nghị sĩ trong liên danh đảng Dân Chủ, nói với tôi rằng ông không hề biết gì về đảng nên thường biểu quyết theo ý riêng ngược lại với những điều sắp xếp của Chủ tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm, một trong hai người thụ ủy, liên danh Thượng nghị sĩ của đảng Dân Chủ.

Nhắc lại chuyện hai ông Ngô Khắc Tỉnh và Ngô Khắc Tịnh để làm sáng tỏ những uẩn khúc của đảng Dân Chủ, ngoài ra tôi không có ý không tôn trọng hai ông. Tôi đã từng ở tù chung cùng một đội với hai ông Tỉnh và Tịnh, cũng như các ông Hồ Văn Châm, Trần Thanh Bền, Cao Văn Khanh là những người cao cấp nhất trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa còn ở tù trong các trại miền Nam, tôi rất mến về tư cách, tác phong, và đạo đức của hai anh em ông Tỉnh và ông Tịnh.

Cũng chính vì luôn luôn giữ tác phong đúng đắn, không nịnh bợ cán bộ Cộng sản, hài hòa với bạn tù, nên hai ông Tỉnh và ông Tịnh khổ không ít vì các bạn đồng liêu, đồng triều của các ông.

Đảng Dân Chủ được thành lập và hoạt động như vậy. Ông Thiệu đã bỏ mất một cơ hội tập hợp lực lượng dân chúng để chống Cộng sản. Ông không hiểu so với thời kỳ Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì thời đệ nhị Cộng Hòa trình độ dân chúng và cán bộ cao hơn về chuyên môn cũng như chính trị. Lớp các bộ có khả năng được huấn luyện đông đảo hơn. Qua nhiều cuộc biến động chính trị sau năm 1963, làm cho chính quyền suy yếu nhưng tiềm lực chống Cộng sản của toàn dân lại mạnh hơn. Từ đó người ta lại muốn có lãnh đạo chính trị để chống Cộng hữu hiệu hơn. Quân nhân lãnh đạo đất nước không phải là điều tốt – vì quân nhân dễ trở thành độc tài quân phiệt. Nhưng hoàn cảnh chính trị tại miền Nam Việt Nam lúc đó các chính đảng không đủ tầm vóc để đảm nhận vai trò lãnh đạo. Từ sau năm 1963, các biến cố chính trị liên tiếp là cho người Mỹ càng ngày càng ảnh hưởng đến nhiều hơn, đến lúc họ nắm quyền quyết định về người đứng đầu chính phủ VNCH, nên chọn một quân nhân phù hợp với ý muốn của người Mỹ hơn. Vì quân nhân có truyền thống dễ bị điều khiển.

Phải chấp nhận một quân nhân nắm chính quyền thì Tướng Thiệu là người tương đối có khả năng hơn các tướng lãnh khác. So với ông Khánh và ông Kỳ thì ông Thiệu chững chạc hơn nhiều.

Đó là ưu thế của ông Thiệu, nhưng tiếc rằng ông không phải là người có tâm huyết để làm việc cho dân cho nước. Ông chỉ biết lo cho quyền lợi của ông, của thân tộc hai bên họ hàng của ông, của vợ ông và có xa hơn nữa thì bạn bè, của những người bám vào ông để thủ lợi bằng mọi cách.

Có lúc tôi xúc động về những khó khăn mà ông gặp phải. Năm 1974, Đại tá Lê Trí Tín và tôi được Trung tá Trần Trung Nghĩa, Tỉnh trưởng Gò Công kể chuyện xảy ra tại vùng 4 dưới quyền của Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi.

Trung tá Nghĩa là người rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông Thiệu, ông tổ chức đảng Dân Chủ đầu tiên tại vùng 4 chiến thuật và ông cũng tin những điều ông Nguyễn Văn Ngân phổ biến cho chúng tôi là Tổng Thống Thiệu muốn dùng đảng Dân Chủ như là một áp lực để cải tổ hành chánh, chống tham nhũng, làm sạch chính quyền. Trong nhiệm vụ, Trung tá Nghĩa đã thu thập hồ sơ tham nhũng của hai ông Quận trưởng Hòa Bình và Hòa Tân thuộc tỉnh Gò Công. Hồ sơ đã giao lên ông Nguyễn Văn Ngân để chuyển qua Giám sát viện. Trong lúc đó, Trung tá Nghĩa cũng được tin hai ông Quận trưởng sắp được Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cử đi làm Tỉnh trưởng hai tỉnh Kiến Phong và Kiên Giang kiêm Thị trưởng Rạch Giá.

Ở vùng 4 chiến thuật muốn được cử đi làm Tỉnh trưởng phải qua trung gian Đại tá Chung Văn Bông, Tỉnh trưởng Định Tường là cậu của Tướng Nghi.

Trung tá Nghĩa có trình tin tức lên ông Ngân, nhưng ông Ngân vẫn tin vào lời hứa của Tổng Thống Thiệu dùng đảng Dân Chủ để thanh lọc chính quyền.

Cuối năm 1974, đúng như tin của Trung tá Nghĩa, ở Bộ Nội Vụ chúng tôi nhận được lệnh làm nghị định hợp thức hóa chức vụ Tỉnh trưởng Kiên Giang (kiêm Thị trưởng Rạch Giá) cho Trung tá Nguyễn Tấn Hưng đương kiêm Quận trưởng Hòa Tân, Gò Công và chức vụ Tỉnh trưởng Kiến Phong cho một Trung tá khác (tôi quên tên). Điện ở văn phòng Tổng Thống đánh cho Quân đoàn 4 sao gửi Bộ Nội Vụ đã ấn định cả ngày bàn giao hai chức vụ Tỉnh trưởng.

Ông Ngân đã trình lại sự việc buôn bán chức Tỉnh trưởng lấy từ 25 triệu tới 30 triệu ở Quân đoàn 4, Trung tá Trần Trung Nghĩa là một nhân chứng. Tổng Thống Thiệu đã cho mời Trung tá Nghĩa điện trình. Trung tá đã trình bày hết sự việc. Tổng Thống tin vào những điều Trung tá Nghĩa trình bày nên chỉ thị ngưng bàn giao chức Tỉnh trưởng Kiến Phong và Kiên Giang (Rạch Giá). Đến lượt Trung tá Nghĩa gặp khó khăn – từ Saigon về đến tỉnh Gò Công, Trung tá nhận được lệnh trình diện Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 4, bị xài xể đủ điều. Từ khi về lại tỉnh, Trung tá Nghĩa phải nhận liên tiếp các đoàn thanh tra quân đoàn vạch lá tìm sâu. Có ngày phái đoàn thanh tra 40 sĩ quan đến Gò Công công tác, Đại tá Tín khuyên Trung tá Nghĩa cố gắng chịu đựng hoặc từ chức để bảo vệ phẩm giá. Cuối cùng sau một tháng chịu đựng, Trung tá Nghĩa phải từ chức. Không dám trở về quân đội, sợ bị trả thù. Đại tá Tín phải giới thiệu Trung tá Nghĩa làm Chánh văn phòng cho Trung tướng Trần Văn Đôn lúc đó làm Phó Thủ Tướng.

Lúc đầu ông Thiệu muốn có một vài hành động hữu ích, nhưng sau gặp sự chống đối mãnh liệt của những người thân trong gia đình ông như ông Ngô Khắc Tỉnh, Hoàng Đức Nhã, Hoàng Đức Ninh, và các bạn bè của ông như Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang, Nguyễn Vĩnh Nghi. Cuối cùng nhân ông Nguyễn Văn Ngân đi quá xa trong việc soạn bản điều trần phê phán chính phủ dày 30 trang đánh máy, do ông Trần Trung Dung đại diện đảng Dân Chủ đọc trước phiên họp đông đảo nhân viên chính phủ, nội các, quân đội và các nhân viên định chế quốc hiến định như Quốc Hội, Tối Cao Pháp Viện, Giám Sát Viện, ông Thiệu đã lựa chọn quyết định, ông Ngân đã làm xong nhiệm vụ sửa đổi Hiến Pháp để ông có thể ứng cử Tổng Thống thêm nhiệm kỳ nữa. Ông Thiệu giải tán đảng Dân Chủ và cách chức ông Nguyễn Văn Ngân. Đặt quyền lợi cá nhân trên quyền lợi dân tộc, quyền lợi đất nước, trong lúc đất nước cực kỳ khó khăn, ông Thiệu đã phản bội lại bao nhiêu người.

Ông Thiệu có biết là bao nhiêu người đã bị bỏ tù và chết trong trại cải tạo vì họ là đảng viên đảng Dân Chủ. Có một số người ra nhập đảng vì quyền lợi – phần lớn là những người muốn bảo vệ chức vụ hoặc muốn tiến hơn lên. Nhưng cũng có rất nhiều người ủng hộ ông Thiệu vì họ muốn có thêm sức mạnh để chống Cộng, có căn bản chính trị từ quần chúng để nói chuyện với Mỹ trong sự bảo vệ miền Nam không bị Kissinger hy sinh quá nhiều ở bàn Hội Nghị. Cũng có người muốn có một đảng chính quyền, để chính phủ Việt Nam Cộng Hòa có thêm sức mạnh để không bị khuynh loát bởi các lực lượng chính trị và tôn giáo. Người ta không trách ông Thiệu về sự thua trận, mà trách vì sự bỏ chạy không chiến đấu. Ông Thiệu quá tin vào người Mỹ để rồi khi có nguy cơ bị Mỹ bỏ rơi ông chỉ lo tạo áp lực với người Mỹ. Ông bỏ đồn Lực Lượng Đặc Biệt Lệ Minh để chứng minh là Việt Cộng vi phạm Hiệp Định Ngưng Chiến để xin Mỹ can thiệp bằng không quân như Nixon hứa. Mỹ làm ngơ. Ông tiếp tục bỏ Tống Lê Chân, cho tuyên truyền rầm rộ việc vi phạm của Việt Cộng. Người Mỹ tiếp tục làm ngơ. Ông Thiệu tiếp tục bỏ đất và quyết định bỏ Ban Mê Thuột và rút quân khỏi Pleiku là một sự sai lầm vô cùng quan trọng. Bỏ Quân đoàn Hai, quyết định rút quân bằng liên tỉnh lộ 7 càng bầy ra sự kém cỏi về khả năng quân sự của ông Thiệu. Nhiều người thất vọng, một ông Tổng Thống là một Tướng lãnh tiến thân từ dưới lên đã chỉ huy mọi cấp của quân đội từ Tiểu đoàn lên đến Quân đoàn. Thế mà ông Thiệu quyết định đưa Quân đoàn Hai về miền duyên hải qua con đường liên tỉnh 7, con đường Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã không sử dụng từ năm 1964 tức là đã 11 năm.

Nếu sau này có viết về lịch sử chiến tranh Việt Nam – có lẽ rút quân khỏi cao nguyên và rút quân bằng con đường liên tỉnh lộ 7 là những quyết định quân sự tồi tệ nhất.

Hôm sau tôi tiếp tục bị gọi ra làm việc. Vẫn hai tên hôm qua hỏi tôi. Tên Lưỡng chỉ tôi ngồi xuống ghế trước mặt y; tên kia đặt ghế ngồi phía đầu bàn cạnh ghế tôi ngồi. Tôi vừa ngồi xuống hắn đã hỏi:

– Anh đã suy nghĩ kỹ và thành thật khai báo chưa?

– Báo cáo tôi đã nghĩ kỹ ngay từ hôm đầu. Tôi đã thành thật trả lời tất cả rồi.

Tên ngồi cạnh từ hôm qua vẫn không nói gì, bây giờ hắn mới nói:

– Mày vẫn ngoan cố, mày giữ chức vụ gì trong tổ chức thằng Ngô Văn Vinh và thằng Vĩnh Hầu? Thằng Vinh đã nhận tội và đã khai hết rồi.

Nghe thấy giọng Quảng Trị rất nặng của hắn, tôi xoay qua để nhìn rõ hơn, với cặp môi thâm sì không che hết hàm răng hô ám khói thuốc lờ lờ gớm ghiếc. Tôi ngạc nhiên vì lối xưng hô mày tao, cán bộ hỏi cung lúc nào củng cố giữ bình tĩnh gọi tù bằng anh. Tôi hơi khựng một tí mới trả lời:

– Báo cáo tôi không hề tham gia tổ chức của Ngô Văn Vinh hay tổ chức chính trị nào cả, nếu ông Vinh khai cho tôi ở trong tổ chức, tôi xin đối chất.

– Mày có biết thằng Vinh và thằng Hầu không? Chúng mày hẹn gặp nhau ở quán cà phê Ngọc mấy lần rồi?

– Tôi có biết họ từ trước năm 1975 và từ lâu không hề gặp. Tôi có đến quán cà phê Ngọc để tìm một người bạn là Sào, không có tôi về ngay, không gặp nói chuyện với bất cứ ai ở đó.

– Mày viết cương lĩnh cho tổ chức của thằng Vinh?

Tôi nhớ Sào có nhờ tôi viết cương lĩnh cho tổ chức của Vinh, tôi đã từ khước; tôi không muốn khai Sào vào đây thêm rắc rối, vả lại tôi chưa biết tình trạng Sào ra sao, có bị bắt không, và từ khi hỏi cung đến nay bọn chúng không hề nhắc đến Sào. Tôi không muốn biện minh chuyện từ khước với Sào, nên trả lời:

– Tôi không viết cương lĩnh chính trị cho ai cả.

– Mày đến quán cà phê Ngọc mấy lần – hắn hỏi lại.

– Một lần duy nhất.

– Không gặp Sào mày gặp ai ở đó?

– Tôi thấy có nhiều người ngồi tại nhiều bàn cà phê, tôi không chú ý đến ai, hỏi không có Sào tôi về ngay, không biết ai ở đó cả.

Hắn gằn giọng:

– Không nghe, không biết, không thấy hả, chúng mày cứ gặp nhau là nói xấu chế độ, chúng mày họp nhau là tìm cách chống chế độ…

Tới đó bất ngờ hắn tát mạnh vào mặt tôi và nói:

– Mày hèn lắm, đã dám làm mà không dám nhận.

Vừa nói hắn vừa đánh tôi liên tiếp, phản ứng tự nhiên tôi đưa tay lên đỡ và né tránh, Lưỡng ôm quặt hai tay tôi ra sau để tên kia đánh đá, tôi cố đưa đầu gối và khom xuống để tránh những cái đá vào ngực nhưng không được.

Tôi la lớn lên:

– Cán bộ không được đánh tôi, cán bộ vi phạm chính sách nhà nước.

Hắn càng đánh tôi càng la lớn, miệng tôi đã dập, tôi cảm thấy hơi mặn của máu trong nước miếng. Tôi càng la hắn càng đánh. Một lúc tôi lả đi thì có nhiều tiếng người chạy lại, hắn ngưng tay và tên Lưỡng xô tôi xuống đất. Tôi ngồi nguyên không đứng dậy, khi thấy một tên đứng tuổi, tướng bệ vệ đi vào tôi đứng lên nói với hắn:

– Báo cáo cán bộ, ngay lần làm việc đầu tiên cán bộ chấp pháp đã nói với tôi đảng và nhà nước tôn trọng nhân cách người bị bắt. Chúng tôi không bị đánh đập. Bây giờ tôi bị hai cán bộ đánh tôi.

Hắn nói:

– Anh nói đúng, chính sách nhà nước bảo vệ nhân phẩm con người. Phạm nhân không bị đánh đập như trong chế độ Mỹ ngụy của các anh, cán bộ đánh anh là cán bộ có lỗi. Nhưng chính vì anh khiêu khích cán bộ làm cho cán bộ không giữ được bình tĩnh nên cán bộ đã vi phạm chính sách, anh hiểu không?

Tôi ngớ người, thiệt một đồng một cốt của chúng, tôi trả lời đúng các câu hỏi của hắn không hề có ý định khiêu khích dù mới vào đầu hắn đã mày tao. Bây giờ tên này lại ghép tôi tội khiêu khích cán bộ để cán bộ mất bình tĩnh vi phạm chính sách. Tôi biết có nói cũng vô ích.

Trở về phòng suy nghĩ, có lẽ bọn này muốn đánh tôi vì chúng cho là tôi bướng bỉnh không tỏ ra sợ sệt uy quyền của chúng nó từ khi mới bị bắt, hôm nay không phải là buổi hỏi cung thường lệ. Anh em khu xà lim biết là tôi bị đánh, họ bảo tôi cố gắng uống hết phần nước muối để đề phòng bệnh hậu. Nhờ nước muối vừa uống vừa đắp lên những nơi bị đánh đau, rồi tôi bớt đau dần dần.

Chúng lại để tôi tồn kho hơn một tháng không hỏi đến, và tôi cũng chưa được nhận quà của gia đình. Lúc này trại chuyển qua ăn bột, mỗi bữa ăn là một cục bột bằng nắm tay với dăm ba hột muối trắng chưa rang, ăn bột có cái tiện là vừa nằm vừa ăn. Lúc nào cũng thấy đói, nhất là lúc nằm ngủ, bao tử trải ra, nghe óc ách toàn là nước. Đói quá tôi lại phải uống nước thật nhiều để đầy bao tử cho dễ nằm. Đến khi nhớ lại lần trước uống nước nhiều bị phù lại cố gắng đè cơn đói xuống – chịu đựng không uống nước nhiều nữa.

Không còn cái còng nơi chân, tôi đã đi lại khắp phòng, nằm dưới phi đạo nhìn qua khe hở của cánh cửa nhìn đàn kiến tha mồi lên bức tường xà lim, có hôm nằm hàng nhiều giờ để xem đàn kiến tha xác một con dán; giai đoạn khó khăn là đưa xác dán qua khỏi bực ngạnh, mồi quá lớn so với thân thể những con kiến, chưa kéo lên, con mồi lại tuột xuống, cứ nhiều lần chúng thay đổi thế kéo, nhiều con ôm hai sợi râu dán kéo nó ra hai bên để tạo thế thăng bằng, những con khác bám vào chân, vào cánh cùng nhau căng kéo ra nhiều phía, cuối cùng rồi con dán cũng được kéo lên. Có khi nằm hằng giờ để xem con thạch sùng bò lên phần ăn – gặp lúc ăn bột con vật cứ bò quanh cục bột cố đưa mồm cắn cho được miếng bột, nhưng cục bột vừa cứng vừa trơn, con vật ngoạm hụt mãi. Nhiều lần nó ngẩng đầu mổ xuống cục bột có vẻ tức giận. Nhìn con vật bò trên phần ăn của mình, tôi muốn đuổi nó đi nhưng không có gì làm nó sợ, lấy tay gõ lên cửa làm tiếng động. Con thạch sùng chỉ ngẩng đầu lên nghe ngóng rồi tiếp tục tìm cách gặm cục bột. Con vật đã ở lâu ngày ở ngạnh cửa nó biết người tù trong xà lim không làm gì được nó.

Ngày 24 tháng chạp xét phòng. Chúng tôi nghe tiếng nói rộn ràng của khu tập thể mang hành lý ra hành lang xét suốt từ sáng.

Khu xà lim xét từng phòng một, hai tên cán bộ làm việc thật kỹ, không những xét tư trang mà còn kiểm tra phòng. Chúng sợ tù giấu những vật làm lễ Giáng sinh. Đêm Giáng sinh, dù bọn cán bộ đi lại kiểm soát liền liền, các anh Công giáo vẫn đọc kinh và hát Thánh ca.

Không khắc ngày bị giam vào tường, tôi bắt đầu quên không biết đã ở bao nhiêu ngày. Hôm ra làm việc nhìn lịch mới biết là 20 tháng 1 năm 1977, như vậy tôi đã ở gần bốn tháng, tôi đã gầy nhiều lắm vì cái quần tây đã trở nên rộng thùng thình phải vận ngược lưng lại mới khỏi tuột xuống.

Lần này làm việc ở một phòng trên lầu, tôi gặp tên lớn tuổi hôm tôi bị đánh, hắn tự giới thiệu mình là Năm Thành, Trưởng ban công an chấp pháp Sở Công An Thành Phố.

Khởi đầu hắn cũng nói về chính sách khoan hồng nhân đạo của đảng và nhà nước. Về chính sách bảo vệ nhân phẩm của người tù – khi hắn nói đến bảo vệ nhân phẩm – tôi nhướng mắt nhìn hắn tỏ ra ngạc nhiên nhưng hắn cứ tỉnh bơ như là không biết tôi từng bị đánh đập và hắn đã buộc tôi tội khiêu khích làm cán bộ mất bình tĩnh vi phạm chính sách.

Sau khi rao giảng bài thuộc lòng xong, hắn hỏi tôi:

– Anh có ý kiến thế nào nếu anh được đưa đi học tập cải tạo?

Tôi đáp:

– Tôi luôn luôn chấp hành đúng những lệnh của nhà nước.

Hắn nói:

– Đúng như vậy là tốt, bạn bè anh đều đã đi hết, lý lịch của anh đáng để được đi học tập, anh ở bên ngoài bây giờ không có lợi cho anh. Nhân dân căm thù các anh lắm, họ sẽ hành động có hại cho anh, giữ các anh trong trại cải tạo là chính sách của đảng và nhà nước bảo vệ các anh khỏi bị nhân dân trả thù – anh hiểu chưa?

Tôi không muốn nói chuyện dông dài nên không có ý kiến gì, vấn đề của tôi như vậy là đã giải quyết, bề nào cũng phải đi tập trung, không cần phải làm đúng thủ tục cung từ hỏi đáp và ký cung. Không cần tôi có nhận tội hay không nhận tội, và có lẽ cũng không cần tôi có thực sự tham gia tổ chức đối kháng hay không – khi bắt người tội danh chỉ là cái cớ để bắt, rồi không có tội thì xử theo lý lịch; thật là đơn giản. Đó là chuyên chính của giai cấp, người khác giai cấp đương nhiên là kẻ thù đối kháng, cần phải tiêu diệt hay vô hiệu hóa, có đủ bằng chứng buộc tội thì đưa ra tòa kết án, không có bằng chứng buộc tội thì công an xử theo án tập trung cải tạo, rồi tất cả đều được đưa ra trại tập trung làm lao động khổ sai để tự nuôi bản thân và nuôi luôn cán bộ quản lý và làm lợi cho ngân sách nhà nước, khai phá những vùng núi non độc địa nguy hiểm mà những người dân thường không tới được. Tôi đã học và hiểu, nhờ vào những người lao động tập trung mà khai phá vùng Siberie lạnh giá, nhờ vào các trại tập trung sản xuất nông nghiệp sau thời nội chiến. Nhờ lực lượng tập trung mà Mao Trạch Đông san bằng núi để biểu dương sức mạnh bằng tay chân của nhân dân Trung Quốc.

Tôi giả như chăm chú ngồi nghe, để hắn hứng thú nói huyên thuyên mà tôi khỏi phải nói gì hết. Hình như mỗi tên Cộng sản có cái bịnh ưa nói, nói dài, nói dai, nói dở, nói dóc, nếu một người nào kém hiểu biết nghe chúng nói có thể phục chúng là nói thao thao bất tuyệt, nhưng đa số dân miền Nam trình độ hiểu biết khá, đọc sách, nghe tin tức nhiều, khi ngồi nghe cán bộ Cộng sản nói, thấy chúng nói không đâu, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Tôi chú ý đoạn hắn nói:

– “Các anh trước kia sợ Mỹ, phục Mỹ rồi làm tay sai cho Mỹ, bây giờ Mỹ bị nhân dân ta đánh bại, mà các anh vẫn còn mong Mỹ trở lại… Tôi nói cho anh biết, Mỹ cũng sẽ trở lại, nhưng trở lại với chúng tôi, với những điều kiện chúng tôi đặt ra, Trung ương và chúng tôi cũng biết là kẻ thù cũ của chúng tôi, có thể giúp cho chúng tôi xây dựng kinh tế. Chúng tôi đang nắm trong tay những thứ mà Mỹ rất cần – nói tóm lại, Mỹ sẽ năn nỉ để được trở lại Việt Nam. Không phải tới để làm tên xâm lược như cũ…”

Hắn nói một thôi dài rồi nhìn tôi như là muốn nghe tôi nói gì, hắn hỏi:

– Anh có ý kiến gì không?

Tôi đáp:

– Không.

Hắn có vẻ cụt hứng, chừng như hắn thích được nói, được thấy người nghe và phát biểu để có dịp hắn nói tiếp, biểu diễn cái tài nghệ của mình; nên khi tôi đáp một tiếng cụt ngủn, hắn như bị hẫng, nên có vẻ lúng túng một tí xong nói:

– Anh nên trở về suy nghĩ cho đúng và hành động cho tốt để rồi khi trở về đời sống xã hội khỏi bỡ ngỡ, bây giờ xã hội tiến bộ lắm, tiến bộ từng ngày, chứ không nói là từng năm. Từ ngày anh bị bắt đến nay xã hội cũng thay đổi nhiều rồi đó.

Kể từ thứ năm tuần đó tôi được nhận quà gia đình lần đầu tiên. Ngồi ăn vội vàng những món nhà gửi, chỉ mới bốn tháng ăn cơm với muối mà tôi như con ma đói, cái gì cũng thèm, cũng ăn qua từ ngọt đến mặn, cắn vào miệng chưa kịp nhai đã vội nuốt, ăn bụng đã no mà mắt vẫn thèm, miệng vẫn chảy nước dãi và muốn ăn nữa. Thân thể con người nó tệ thật, tôi nghĩ rồi đây ra đến trại tập trung xa gia đình sẽ còn nhiều phen đói nữa, biết phải chịu đựng như thế nào. Nghĩ đến gia đình càng thương vợ con, càng giận mình sai lầm. Trong đời người nhiều khi ngu dại, cái lần ngu dại này của tôi quá lớn, khi tôi quyết định ở lại, tưởng sẽ được ở gần với gia đình, gần cha mẹ, anh em. Chia xẻ những nỗi khổ cực cùng vợ con, ngờ đâu tôi trở thành mối lo âu và gánh nặng của người thân, từ đây mỗi tháng hai lần phải gửi quà thăm, rồi đi trại cải tạo không biết đến bao giờ, thì chắc chắn là tôi sẽ là món nợ của gia đình cho đến khi chết cũng không chừng. Cố gạt tất cả âu lo mà sống, nếu không càng nghĩ càng buốt óc.

Những ngày gần Tết khu xà lim vắng hơn. Bọn công an ăn Tết ít bắt thêm người và cũng không gọi ai ra làm việc. Gần Tết càng buồn càng nhớ nhà, bài ca “Tết này con không về” được anh em tù hát đi hát lại nghe buồn thấm thía. Đã nhiều lần xa gia đình trong dịp Tết nhưng chưa lần nào như lần này. Ngày Tết đến với người Việt Nam là thời điểm thiêng liêng, lúc nhỏ mong Tết đến để được vui chơi, nhận quà từ cha mẹ và người thân. Lớn lên tưởng không cần nhớ đến Tết, thế rồi không khí dìu dịu buồn buồn của những ngày giáp Tết làm cho mình nhớ nhà, và vội vã xếp công việc lại để trở về. Bây giờ nằm trong xà lim vắng càng nhớ gia đình, nhớ cha mẹ, anh em, thương vợ con; không biết Tết đến các em nhỏ và hai con tôi có được gia đình sắm cho áo mới hay không? Tôi biết là tình hình kinh tế rất khó khăn và càng khó khăn hơn cho gia đình có thân nhân đi cải tạo, làm một công dân hạng tư trong một nước Cộng sản thì chịu biết bao cay đắng vì sự kỳ thị. Cộng sản phân biệt bốn loại gia đình: gia đình liệt sĩ, gia đình đảng viên, gia đình lý lịch trong sạch và “ngụy dân” (thân nhân “ngụy quân, ngụy quyền”), “ngụy quân, ngụy quyền” đi tập trung cải tạo, “ngụy dân” phải đi kinh tế mới, hoặc phải chịu mọi thiệt thòi nếu cố bám lấy thành phố. Con em của “ngụy dân” không được tiếp tục học lên lớp cao, hoặc có được học phải qua một kỳ thi thật gay go, bị phân biệt vì lý lịch mà còn phân biệt về thang điểm. Có 14 định cấp lý lịch, mà con em của một Đại úy hay Trung úy An Ninh và viên chức cấp quận trở lên đã liệt vào lý lịch cấp 10. Lý lịch từ cấp 10 đến cấp 14 không được học quá lớp 10. Thang điểm thi còn là cái sàng gạn lọc thật gay go – có 4 thang điểm: con ngụy phải đạt ít nhất từ 24 điểm trở lên, con của dân lý lịch trong sạch 18 điểm, con của đảng viên 12 điểm, và con của đảng viên là liệt sĩ thì chỉ 9 điểm là đậu. Trong lịch sử chưa có một chế độ, một triều đình nào trả thù kẻ chiến bại cay độc hơn chế độ Cộng sản. Người ta cứ tưởng lầm là chúng sẽ giết nhiều, gây ra biển máu tại miền Nam. Người ta không thấy được tất cả sự độc ác của chúng. Giết làm gì, không có lợi lại bị mang tiếng như bọn Pol Pot ở Kampuchia, vì thời đại ngày nay không thể bảo vệ được bí mật những cuộc tàn sát tập thể như thời Staline. Cộng sản Việt Nam thâm độc hơn. Chúng giữ kẻ thù của chúng lại để làm nô lệ, làm con vật sản xuất trong các trại tập trung mà chúng không tốn kém gì vì người tù phải tự làm lấy ăn và còn phải nuôi bọn cai tù và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Thân nhân của những người tù chúng đẩy đến tận cùng của cực khổ, để gia đình tan vỡ, vợ phải bỏ chồng vì sinh kế và tuyệt vọng, con của người tù thì dìm trong sự ngu dốt, không cho học tập để lớn lên cũng chỉ làm nô lệ hoặc có nuôi căm hờn cũng không đủ trí óc mà vùng lên, chống lại.

Thời gian đã qua nhanh và bao nhiêu sự thay đổi trong lúc đó, phải chấp nhận những gì xấu xảy đến, trách nhiệm của người dân đối với đất nước, trách nhiệm của người chủ gia đình, cả hai tôi không làm tròn. Nước mất, nhà tan nằm nghĩ mãi cũng không ngủ được trong đêm giao thừa, cả xà lim thật im lặng, chốc chốc nghe tiếng thở dài, tôi biết các bạn tù khác cũng đang nằm nhớ về gia đình như tôi.

Bên ngoài pháo đã nổ đều, người Việt Nam nghèo đến đâu cũng trang trọng đón Tết, giao thừa đốt pháo thật nhiều.

Tên trưởng khu mở cửa sắt vào, hắn chúc Tết mọi người trong xà lim, mong mọi người khai báo thành thật để hưởng lượng khoan hồng. Nghe mãi những từ ngữ thành thật, khoan hồng cũng thấy chán cả tai. Không biết tôi có nghe lầm không, nhưng thấy giọng nói của hắn cũng cảm động khác ngày thường. Phải chăng dịp Tết, giờ giao thừa thiêng liêng, con người không còn thù hận nhau nữa. Ước gì cái tình cảm đó được kéo dài ra vĩnh viễn trong cả nước để người ta không còn hận thù giết chóc, chuyên chính bóc lột với nhau.

Xong màn chúc Tết, mỗi người trong xà lim được phát 2 viên thèo lèo và một điếu thuốc. Tất cả cửa ô đều được mở. Chúng tôi ngậm thuốc để tên trưởng khu đốt thuốc cho mọi người. Dù đó chỉ là một việc làm chiếu lệ hay là một màn kịch, nhưng tôi tự nhủ giờ giao thừa thiêng liêng không nên đào sâu hận thù và suy nghĩ gai góc cho khổ mình, cứ tin là thật và để cho kẻ xấu tập làm việc tốt. Đừng suy nghĩ gì khác, cứ nhận hiện tượng xảy ra trước mắt cho tâm hồn được bình yên.