Nhớ lại địa ngục Kỳ Sơn-An Ðiềm (Trại tù cải tạo tại Quảng Nam)

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

TRAITUANDIEM

- 4 sĩ quan đại úy vượt trại, một mất tích và ba bị xử bắn

- Đập Hố Đài, cầu treo An Điềm, đường Trường Sơn III là mồ chôn tù VNCH


Tác giả Ngày 29 Tháng Ba năm 1975, thành phố Đà Nẵng lọt vào tay quân Cộng sản Bắc việt. Sáng sớm ngày 5 tháng 4 lệnh của cái gọi là Ủy ban quân quản thành phố à Nẵng kêu gọi toàn thể Sĩ quan quân đội VNCH (mà bọn CS xấc xược gọi là ngụy quân), khẩn trương tập trung tại số 2 đường Cường Để (club cũ của Mỹ thuê trước kia), để học tập trong vài ngày đến tuần lễ. Giữa cái nắng chang chang, tất cả đều xếp hàng ngũ chỉnh tề theo từng cấp bậc. Mười hai giờ trưa, cổng chính được đóng lại, tràng AK 47 vang lên giòn giã cướp tinh thần mọi người và cánh cửa địa ngục từ từ mở ra. Bên ngoài hàng rào thân nhân đứng lố nhố, vẻ mặt hoảng loạn, cố gắng ném thức ăn vào và nhìn mặt người thân. Cùng lúc từng đoàn xe tải đến đậu trên đường Cường Để. Lần lượt, các toán được lệnh lên xe trước những tên bộ đội mặt đằng đằng sát khí vung khẩu AK trên tay. Đoàn xe chạy ra Ngã ba Cây Lan, hướng về Nam. Cấp chuẩn úy đến trung úy ghé vào trung tâm huấn luyện Hòa Cầm hay chạy vào Liên đoàn Công binh Kiến Tạo tại Hội An. Cấp Đại úy đến Đại tá tấp vào quận đường quận Điện Bàn (thị trấn Vĩnh Điện).

Sau khi thôn tính xong toàn Miền nam, tháng 7 năm 1975, Tổng trại Kỳ Sơn được hình thành tại vùng núi Kỳ Sơn, tỉnh Quảng Nam do một trung đoàn Bộ đội thuộc Quân khu 5 quản lí, và toàn thể tù binh được gom tại đây. Tổng trại Kỳ Sơn gồm 4 trại và một trạm xá, được phân chia như sau:

1/Trại I. Tọa lạc ngay cửa ngõ mỏ vàng Bông Miêu, bên bờ giòng suối Vàng, giam giữ cấp Thiếu tá cho đến Đại tá.

2/Trại II, nằm xa về hướng tây cách trại I khoảng 3 km, dành cho cấp Đại úy (nhưng có Đại tá Lê văn Đồng, tư lệnh Lữ đoàn 2 Kỵ binh lại được đưa về trại 2).

3/Trại III và trại IV nằm gần trại I, gồm cấp chuẩn úy đến trung úy, được đưa từ Hiệp Đức về, Hòa Cầm và Hội An lên.

4/Trạm xá tù, nằm bên bờ suối Vàng, ngay trước mặt trại III, gồm khoảng 40 tù binh đủ cấp bậc và 3 bác sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Lương (người hùng cô đơn, từng ôm lựu đạn ngồi trước thêm Hạ nghị viện, bác sĩ Nguyễn Văn Cơ, Bs Nguyễn Văn Tái (tổng trại Kỳ Sơn còn vài vị Bs nữa, như Bs Tôn Thất Sang, CS giữ lại các trại để bắt lao động).
 
bacsi Luong 1
Bác sĩ Phạm Văn Lương

Trong thời gian ở Kỳ Sơn, sau đợt học tập chính trị và viết kiểm điểm quá trình hoạt trong quân ngũ của mỗi cá nhân, bọn CS đã hèn nhát hạ sát ba vị Trung tá VNCH đó là Trung tá Võ Vàng, liên đội trưởng liên đội ĐPQ/QN, Trung tá Nguyễn Bình, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 54/SĐ1 BB và Trung tá Hoàng (không rõ dơn vị). Cái dã man của tống trại Kỳ Sơn là bắt tù binh vào các đồi núi, căn cứ, trân địa trước kia, đầy mìn bẫy để cắt tranh, phát rẫy, mượn bom mìn giết tù binh, điển hình là Đ/U Nguyễn văn Ri, bị mìn chết oan, và nhiều bạn bị thương tật. Ngoài ra nhiều người chết vì bệnh tật thiếu thuốc men.

Tháng 6 năm 1977, công trình đại thủy nông Phú Ninh khởi công, đại bộ phân tù binh được lùa xuống Phú Ninh để tham gia công tác như: đãi sạn dưới lòng sông, trên nắng, dưới nước, bụng đói và tiêu chuẩn sạn rất cao, thời gian nầy thi sĩ Hạ quốc Huy có bài thơ tả cảnh tù vật lộn với đá sạn rất bi tráng “Con đường sỏi sạn còn phiêu gió ngàn”. Thời gian ngắn sau đó Hạ quốc Huy đã làm cuộc vượt thoát trại tù thành công ngoạn mục. Ngoài cát sạn lại đẵn cây lớn, hạ cây nhỏ gọi là “phát lòng hồ”.

15942
thi sĩ Hạ quốc Huy
 
Năm 1978 Cộng sản hiếu chiến mở cuộc xâm lăng Campuchia, trung đoàn bộ đội quản lý tù binh được lênh bàn giao cho Công an. Số phận tù binh cũng bước qua một giai đoạn mới, tàn bạo và bi thảm hơn. Công tâm mà nói, nằm dưới sự quản lí của bộ đội phần nào dễ thở hơn, khi chuyển qua cho Công an, với bàn tay sắt, cộng với lòng thù hận giai cấp và được nhồi nhét những kỹ thuật kềm kẹp, đàn áp sắt máu, cuộc đời của tù binh gặp muôn vàn thử thách cay đắng. Theo lời kể lại của một vệ binh thuộc trung đoàn quản lí tổng trại Kỳ Sơn, đào ngũ, thì trên 65% quân số trung đoàn bỏ xác trên đất Chùa Tháp.

Hơn 2/3 tổng số tù binh tổng trại Kỳ Sơn được đưa về Tiên Lãnh (thuộc vùng núi quận Tiên Phước/Quảng Nam). Số còn lại đưa về trại An Điềm. Trại An Điềm nằm trong lãnh thổ quân Thường Đức Quảng Nam, cách Đà Nẵng 50 km đương chim bay, nằm bên bờ sông Vàng (lại sông Vàng và suối Vàng, điềm gở) nếu đi theo đương bộ thì độ chừng 67 km, theo đương tỉnh lộ từ Hòa Cầm, lên Túy Loan, qua Gò Cà, chợ Ái Nghĩa (quân Đại Lộc) lên đồi 55, qua Hà Tân, Hà Nha, qua đèo và đến An Điềm. Vùng đất nầy, từ tháng 8 năm 74 là chiến trường khốc liệt diễn ra giữa quân khu 2, Sư đoàn 304 quân Bắc Việt với các chiến sĩ tiểu đoàn 79 BĐQ/Biên phòng và sư đoàn Dù VNCH.

TRẠI AN ĐIỀM

Giữa tháng 9 năm 1978, từ trại Phú Ninh, chúng tôi được áp tải về An Điềm. Cơ ngơi trại giam đã được xây dựng kiên cố và bề thế với hai dãy nhà tường ciment, lợp ngói chạy dài hai bên hội trường, ngăn cách bởi những lớp hàng rào, tại đây đã có sẵn những đội tù chính trị gồm nhân viên hành chánh, cảnh sát, xã ấp, đảng phái chính trị... và thành phần tội phạm hình sự. Trong thành phần hành chánh có ba vị giáo sư trường trung học Phan ChâuTrinh ĐN là Trương Văn Hậu, Lê Quang Mai và nhạc sĩ Trần Đình Quân. Người ta ví von: “Nếu bạn bị đi cải tạo mới qua giai đoạn quân đội quản lý rồi được tha về, thì cũng như đi dự tiệc mà mới thưởng thức món khai vị, chưa qua giai đoạn Công an trị tù thì chưa biết thế nào là bốn món ăn chơi.” Quả thật vậy An Điềm là địa nguc trần gian, đói, đói và đói triền miên, lao động khổ sai.
 
thaylequangmai
 GS Lê Quang Mai
 
Thầy Trần Đình Quânnhạc sĩ Trần Đình Quân.
 
Tù binh đưa về An Điềm được chia làm năm đội: 13, 14, 15, 16, 17. Mỗi đội gồm bảy mươi lăm người nhốt chung một phòng, chia nhau chỗ nằm rộng gần hai gang rưỡi tay (5 tấc), đêm nằm phải sắp như cá hộp Sumaco, hay nằm trở đầu để ngửi chân nhau. Đầu năm 80, phong trào người vượt biển lên cao, và trại tiếp nhận thêm thành phần tù vượt biên, trại quá tải, do đó đội 16 được đưa lên phân trại Sườn Giữa (trực thuộc trại An Điềm), cách trại chính khoảng 6/7 km. trong thời gian ở Sườn Giữa, đội 16 có xẩy ra cuộc trốn trại của bốn Đ/u mà kết qủa bi thảm là hai bị bắn chết tại chỗ: Đ/U Ngọc, Đ/u Lập (Nam Kỳ), một mất tích: Đ/u Nguyễn văn Huệ (mãi đến năm 1993, người nhà Đ/u Huệ mới tìm được hài cốt của Huệ nhờ một ngươi dân tộc chỉ), một bị bắt sống và xử bắn: Đ/u Lập (cựu thủ môn đội bóng tròn trường trung học Sao Mai).

An Điềm, ngoài những lao động thường xuyên như cày cấy, nương rẫy, phân bón, rau xanh, thợ rèn. gạch ngói... còn có bốn công trình lớn làm đổ rất nhiều máu, mồ hôi và nước mắt của tù binh, đó là đập nước Hố Đài, cầu treo An Điềm, đường Trường Sơn 3 (tên gọi do tù đặt), nhà máy giấy An Điềm.

Từ Hà Nha lên trại An Điềm là con đường đất chạy nấp theo dòng sông Vàng, mùa nước lũ, đường sá bị ngập lụt, lưu thông bị gián đoạn, do đó bộ khung (sở chỉ huy, danh từ của Vẹm), ra kế hoạch làm con đường chạy song song với con đường cũ, nhưng doc theo triền núi, phải xẻ núi, thời gian nầy là cuối thập niên 70 đầu thập niên 80. Quân đội của Đặng Tiểu Bình, vượt biên giới dạy cho Bắc cộng một bài học, do đó trại đã áp dụng biện pháp kềm kẹp tối đa, biện pháp hữu hiệu nhất là quản lí dạ dày tù. Bài học VC học được của quan thầy Liên sô trong các trại lưu đày ở Seberia. Tiêu chuẩn ăn giảm, khoai, sắn, bo bo không đủ, tù đói triền miên, đói dai dẳng, đói da bụng đụng da lưng, cơn đói hành hạ, người tù không còn nghĩ đến gì ngoài cái ăn. Quà gia đình thăm nuôi, bọn cán bộ lấy lí do sợ trốn trại, bắt để trên ban thi đua. mỗi ngay chỉ được lấy vài muỗng bột, chút ít đồ ăn, lương thực thăm nuôi bị Chuột cống, chuột người, chuột trật tự, chuột thi đua gặm lần gặm mòn, chỉ vài hôm là còn lại cái bao không. Thời gian này đường Trường Sơn 3 khởi công, xẻ núi, phá đá đều dùng xà beng và cuốc, vận chuyển đất bằng quang gánh, người tù đói lả, bước đi như không có người lái.

Đói, đói. Ngày xưa vó ngựa quân Mông cổ đi đến đâu là cỏ không mọc lên được, hôm nay dưới xã hội chủ nghĩa, người tù đi đến đâu là không còn ngọn rau dại, rau tàu bay, không còn con sinh vật nào dù là cóc, nhai, rắn rít, bò cạp, chuột, dế, châu chấu... nghĩa là con gì cử động, ngu ngoe được thì tù bắt bỏ vào mồm, chỉ trừ có con bù lon cứng quá nhai không ra mà thôi. Đói, lao động khổ sai, nhiều người phát phù thũng, kiệt sức, những người bạn một thời cứng như thép được tôi luyện trong chiến trận như Đ/u Nguyễn Khóa (Lực lượng đặc biệt) Đ/u Đoàn Văn Tịnh (TQLC). Đ/u Nguyễn Văn Tịnh, Đ/u Nguyễn Đức Lại... nhất là Đ/u Nguyễn Văn Dũng, tự là Dũng tây lai, tức là nhà thơ Dũng Quốc Chinh (xin đừng nhầm với nhạc sĩ Dũng Chinh, những đồi hoa sim) Dũng Quốc Chinh là dân tây lai, to cao, đồ sộ, nhưng với tiêu chuẩn chết đói, đã làm Dũng ốm nhom như cây sậy, lại phù thũng, ngồi đâu, gục đó, khi biết không còn sống được bao lâu nữa thì VC cho về, như trường hợp Đ/u Phan Dân Hiệp, và chết tại Đà Nẵng.

Con đường dài dưới 10 km, nhưng làm kéo dài năm nọ tháng kia vì mùa nắng làm, mùa mưa nước trên núi tràn xuống làm hư hại, vì bọn cán bộ Cộng Sản không biết làm hệ thống thoát nước, mương cống, và nỗi khổ nhọc cứ kéo dài, hay đây là cách làm cho tù chết sớm, biết đâu? Mỗi mét đường đều thấm mồ hôi, nước mắt và cả máu của người tù binh, do đó anh em đã đặt tên là đường Trường Sơn 3, để thông cảm nỗi khổ đau của nhiêu thế hệ thanh niên miền Bắc bị cưỡng ép bỏ gia đình, người yêu đi làm con đường Trường Sơn, bỏ xác dọc dãy Trường Sơn.

Đập nước Hố Đài là công trình ngăn hai mõm núi nhô ra cách nhau khoảng 60m, đập cao 60m, bề rộng 20m, làm thành một hồ chứa nước rộng lớn, có thể tưới cho cả những cánh đồng chung quanh địa bàn Thượng Đức, công tác xẻ núi vận chuyển đất và đổ mặt bằng đều bằng sức người và những dụng cụ thô sơ thời Hồ còn trong hang Pác bó, cho nên sức tù kị vắt cạn, kèm theo đói triền miên, mùa hè nắng cháy, mùa đông mưa phùn giá lạnh, gió núi buốt tim gan, nhiều tù binh ngã gục.

Sau một năm dài vật lộn với công trình được mệnh danh là “Với sức người (sức tù) sỏi đá cũng thành cơm”. Đập Hố Đài cơ bản đã hoàn thành, những khúc nhạc của những nhạc nô đã cho hát lải nhải trên loa phóng thanh. Một đêm khuya mưa gió đầy trời, tù đang thao thức chống đỡ với đói và lạnh, bỗng một tiếng nổ vang như sấm dậy, đập Hố Đài bị vỡ, nước tràn ra như thác đổ, kéo theo đất san bằng những thửa ruộng quanh trại và một trại chăn nuôi gia cầm, thể hiện đúng châm ngôn của những đỉnh cao trí tuệ: “Làm đâu hư đó, hư đâu sửa đó, sửa đâu hư đó”.

Công trình thứ hai là cầu treo An Điềm, dòng sông Vàng mùa hè cạn khô, có thể lội qua được, nhưng vào mùa nước lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, dâng cao, cô lập trại với cánh đồng Hà sung, lò gạch ngói với trại, do đó chiếc cầu treo được thiết kế và thi công, cũng với hai bàn tay tù và những dụng cụ thô sơ, lên núi khiêng đá xuống để kè và lặn xuống nước làm móng cầu, công tác vô cùng nặng nhọc và nguy hiểm. Trung úy chiến tranh chính trị Lê Quý Kỳ, cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng QT, đã bị đá đè sập hầm chết. Ngoài ra còn có nhà máy giấy An Điềm là những cỗ máy nghiền nát thân thể gầy còm của người tù.

NGƯỜI ANH HÙNG MANG TÊN THỤC

Sau cái ngày được gọi là Quốc khánh (mồng 2 tháng 9) năm 1988, đợt tù binh cuối cùng rời khỏi trại An Điềm, duy chỉ còn một người còn ở lại và được chuyển về trại A30 Hàm Tân -Thuận Hải. Đó là nghị viên thành phố Huế, nguyên Thiếu tá BĐQ, quận trưởng quận Phú Vang tên Thục (chúng tôi xin lỗi vì đã quên họ của anh). Anh là tấm gương bất khuất trước bạo lực, trước những gông cùm tàn bạo của công an trại. Anh luôn luôn đấu lý với công an trại và nhìn thẳng vào mắt kẻ thù, mặc dầu bị cùm một chân, kẹp hai chân, không ăn thua, bỏ đói, bỏ khát.

Không khuất phục được anh, đói khát chào thua anh, anh chống đối bọn cai tù và chính sách tàn bạo của CS ra mặt, do đó bọn nó đã tạo ra vở kịch rất tồi, cáo buộc anh âm mưu giết cán bộ, cướp súng để trốn trại, chúng lập tòa án và kết án anh 20 năm. Khi tất cả tù chính trị rời An Điền sau 13 năm sống dở chết dở, thì anh lại về một địa ngục khác. Tên tuổi anh sẽ không bao giờ phai trong ký ức những bạn tù của anh ở An Điềm.

Bao năm trôi qua, những ngày tháng ở trại cải tạo là những ngày kinh hoàng, và hôm nay nhớ lại vẫn không thể tin sức người có thể vượt qua được, âu cũng là một phép lạ.

TRƯƠNG ĐỨC THỦY
(Nguyên đại úy trưởng toán Lôi Hổ, viết lại nhân ngày hội ngộ bạn tù An Điềm 17/9/2006 tại Nam Cali)