Giấc Mộng Dài

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 “... Thời gian tựa cánh chim bay

Qua dần những tháng cùng ngày

Còn đâu mùa cũ êm vui ?

Nhớ thương biết bao giờ nguôi ...”  ( Cung Tiến )
DoiDiTan 1975

Năm nào cũng vậy, khi những cơn mưa giông kiểu Sài Gòn bắt đầu  xuất hiện báo hiệu mùa Hè đã đến, trong lòng tôi lại có những cảm xúc bồi hồi không thể tả được. Vui thì chắc chắn là không rồi, buồn ư ? Cũng không hẳn ! Nó giống như cảm giác hồi bé khi quả bóng bay tuột khỏi bàn tay, rồi từ từ bay lên bầu trời xa dần, xa dần ngay trước cặp mắt hẩng hụt của bạn .

Mùi chiến sự

Những ngày cuối tháng 4 cách đây 40 năm , lúc đó mặc dù các trường học đã đóng cửa cả tháng rồi, nhưng lũ nhỏ lô nhô chúng tôi cũng không cảm thấy khoái chí như những lần được nghỉ học khác, có lẽ cũng cảm nhận được cái không khí bất thường căng thẳng của cả xã hội miền Nam lúc bấy giờ.

Tối tối trong cái xóm nhỏ vùng ông Tạ của tôi, từng tốp người lớn tụ họp với nhau lắng nghe tin tức từ những chiếc radio, rồi xầm xì bàn luận. Đám con nít chúng tôi cũng chầu rìa ngồi ngóc mỏ lên nghe người lớn nói chuyện ,chứ cũng không còn bày trò nghịch ngợm giỡn hớt phá phách như trước ! Không khí lúc bấy giờ dường như đặc quánh lại dần theo từng bản tin thất thủ, đầu tiên là Phước Long, rồi Ban Mê Thuộc, Kontum, Pleiku...mọi người ai cũng nghĩ lại như hồi 72 thôi, sẽ phản công rồi tái chiếm và mọi chuyện sẽ đâu vào đấy . Đến cảnh hỗn loạn ở Đà Nẵng, Nha Trang thì mới bắt đầu thấy lo lắng , tuy nhiên kể cả cho tới khi giao tranh ác liệt ở Xuân Lộc, sát nách Saì Gòn hoa lệ, cũng ít ai nghĩ phe miền Nam sẽ thua chỉ ít lâu sau đó ! Một số các bác , các chú quen với bố tôi cũng di tản từ hồi đầu tháng. Tôi nhớ có chú tới nhà mời bố tôi đi cùng, bị ông cụ mắng cho một trận vì chưa gì đã lo chuồn ! Có lẽ ông cụ cũng như một số đông dân miền Nam không thể tưởng tượng được chế độ Việt Nam Cọng Hoà lại sụp đổ nhanh đến vậy !  Vừa rồi có nói chuyện với một anh bạn già, trước đây phục vụ trong Không Quân, anh cho biết sau khi di tản từ Phù Cát về, tới ngày 28/4 anh còn lò dò đi lên phi trường Biên Hoà để trình diện . (Điều này cho thấy sự bình tĩnh của người trong cuộc lúc bấy giờ )

Bom rơi giữa Sài Gòn

Hồi đầu tháng ( sau này coi lại là ngày 8/4 ) đang ngồi trong lớp học Anh Văn Hội Việt Mỹ đường Mạc Đĩnh Chi, thì được nhà trường cho về vì Dinh Độc Lập bị viên phi công Nguyễn Thành Trung bỏ bom. Dân tình Sài Gòn cũng chỉ chộn rộn , xôn xao tí chút, không lo lắng gì nhiều. Dinh Độc Lập cũng đã từng bị bỏ bom hồi thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm bởi phi công Phạm Phú Quiốc và Nguyễn Văn Cử, chỉ có cái khác với Nguyễn Thành Trung là Phạm Phú Quốc sau này bị bắn rơi ở miền Bắc năm 1965 , và được Nhạc sĩ Phạm Duy viết hẳn một bản nhạc “ Huyền Sử Người Mang Tên Quốc “ để vinh danh ông.

Qua vài ngày sau thì trên  ti-vi bắt đầu chiếu những hình ảnh của cuộc giao tranh tại Xuân Lộc, tuy quân đội Việt Nam Cọng Hoà chiến đấu rất mãnh liệt nhưng kết quả cuối cùng thì Tướng Lê Minh Đảo cũng phải lui quân khỏi Xuân Lộc.

- Phe miền Bắc : số người tham chiến khoảng 40.000 người

- Phe miền Nam : số người tham chiến khoảng 14.000 người

( trích dẫn nguồn Wikipedia )

“...tướng Nguyễn Văn Toàn , Tư lệnh Quân Đoàn 3 Việt Nam Cọng Hoà, ra lệnh rút bỏ Long Khánh. Ngày 18 tháng 4 , một phần lực lượng ở Xuân Lộc được bốc bằng trực thăng về Biên Hoà- Trảng Bom lập phòng tuyến mới, 9 giờ tối , các tiểu đoàn Nhảy Dù Việt Nam Cọng Hoà mới tới quốc lộ 1 và gần như toàn bộ giáo dân của xóm đạo Bảo Đình, Bảo Toàn, Bảo Hoà đã tập trung sẵn  hai bên vệ đường để theo binh sĩ Việt Nam Cọng Hoà đi di tản. Sau đó đoàn người rút lui đã bị phục kích và triệt hạ gần hết  ! “

Bom đạn vô tình, dân lành điêu linh.

DoiDiTanB 1975
Mà đọc lại các tài liệu thì dường như trận nào cũng vậy, quân số phe miền Bắc luôn áp đảo nhiều tần so với quân miền Nam, như trận Charlie hồi mùa hè đỏ lửa năm 1972, tiểu đoàn 11 ( thường gọi là Tiểu đoàn Song Kiếm trấn ải ) quân miền Nam- người chỉ huy là Cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo đã tạo cảm hứng cho Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác bản “ Người Ở Lại Charlie “- kịch chiến với hai Trung đoàn thuộc Sư 320 quân Bắc. Một chọi sáu ! Trận này Tiểu đoàn 11 Dù chỉ còn vài chục người sống sót, phía Sư 320 nằm lại Charlie cỡ hơn 1 Trung đoàn !

Trận này thì quá nhiều sách vở nói đến từ Muà Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam, rồi Máu Lửa Charlie của Đoàn Phương Hải, Charlie Ngày Ấy Và Charlie Bây Giờ  của Nguyễn Văn Lập .

CharlieB 1975

Đại Bác Ru Đêm

28/4 lần đầu tiên tôi biết thế nào là pháo kích. Hồi 68 Mậu Thân  thì còn nhỏ quá nên không có nhớ rõ. Buổi chiều , tôi cùng đám con nít leo lên mái nhà coi những đám cháy bốc lên từ Tân Sơn Nhất, sau này mới biết đó là cũng do ông Nguyễn Thành trung “ chủ xị “ , dẫn đầu một phi đội A 37 bỏ bom phi trường Tân Sơn Nhất. ( Sau này được biết trong phi vụ đó có thêm một phi công Việt Nam Cọng Hòa nữa là Trần Văn On. Sau này ông TVO nghe nói trở về cày ruộng, còn ông NTT làm tài công lái máy bay thuê cho một đại gia, có vẻ cũng chẳng vinh dự gì ! )

NguyenThanhTrung BoBom TSN 04 1975
Đêm đó , đang ngủ thì tôi chợt thức giấc vì những tiếng động rầm rầm do mái tôn rung chuyển, không hiểu sao mặc dù chưa trải qua bao giờ nhưng tôi biết ngay là có pháo kích ! Vừa lúc đó thì bố mẹ lên gọi hết xuống nhà, mục đích chắc là tập trung một chỗ để có lỡ trúng pháo thì chết chung, chứ cái nhà gác gỗ, mái tôn làm gì có khả năng tránh pháo ! Tôi còn nhớ cả nhà đang quây quần trên chiếc “ đi-văng “ , thì nghe tiếng rít chói tai, tiếng mái tôn bị rung rầm rầm , rồi một tiếng nổ rất lớn cùng lúc với ánh sáng lóe lên, rồi đèn đuốc tắt ngúm, mọi thứ tối thui. Lúc đó tôi nghĩ chắc là tiêu rồi ! Sau đó mọi thứ dần dần có vẻ yên yên, thỉnh thoảng chỉ còn nghe tiếng  “ đại bác ru đêm “ ầm ì từ xa vọng về.

Sáng hôm sau, mới biết có một quả pháo rớt ngay đầu ngõ cách nhà tôi cỡ 100m . Căn nhà ngay đó bị sập cả phân nửa mà không ai bị sao ! Chỉ có ông già thằng bạn đang đêm đi  ngang qua đó thiệt mạng !  Người lớn – con nít cả xóm đang túm tụm bàn tán xôn xao bỗng nghe một tiếng động mạnh của kim loại như xé tai, mọi người hoảng hồn  nhào xuống đất hết vì tưởng pháo kích nữa, ai ngờ nhìn lại thấy mấy ông đang cười khì khì, hóa ra mấy ông đang dọn dẹp đống đổ nát, kéo mấy tấm tôn gây ra tiếng động, làm mọi người thần hồn nát thần tính nên sợ...muốn “ quấn trong đài “ !

Cái vụ pháo kích này sau đó còn giai thoại là có bà cụ già chào đón  bộ đội nói rằng : “May mà mấy cháu giải phóng vô sớm chứ không thì Việt Cọng pháo kích chết hết ! “

Cả xóm bắt đầu kéo đi di tản đến nơi khác xa phi trường hơn ( chắc nghĩ rằng đỡ bị lạc đạn hơn ). Gia đình tôi chạy lên khu vực chợ Đa Kao tá túc nhà người cậu của bố tôi. Ngày hôm đó , 29/4, trôi qua có vẻ bình yên. Đến tối bắt đầu thấy có trực thăng bay liên tục, những chiếc trực thăng này to hơn và cả đàn : người Mỹ bắt đầu di tản ! Cũng đến sáng 30/4 các chuyến trực thăng thưa dần rồi hết hẳn. Tôi thấy một số người trong xóm ĐaKao này bắt đầu đi hôi của ở các công sở, kho hàng, vác về đủ thứ : sách vở, gạo, đường sữa,tủ, giường, bàn ghế...hằm bà lằng !

Cảnh này diễn ra khắp Sài Gòn, kho của Mỹ thì đầy rẫy, khu vực ông Tạ cũng có vài nơi dân chúng “ xung phong hôi của “ như ở kế rạp Đại Lợi có toà nhà cho Mỹ thuê (sau 75 làm nơi nhốt tù ) hoặc kho hàng gần Lăng Cha Cả ( sau này thành kho Pepsi); cái kho này hồi xưa có lần tôi thấy Mỹ đổ đường cát ra ngoaì cả đống như ...đống cát, để chờ đổ đồ bỏ vì lấy chỗ nhập hàng mới !!!.

 Khoảng trưa trưa, ngó qua Cầu Bông tôi thấy có chiếc xe Jeep treo cờ nửa xanh nửa đỏ sao vàng dừng giữa cầu, một thanh niên đeo băng đỏ, quất nguyên tràng đại liên M 60  lên trời, trên xe có một anh đầu trọc, mặc áo nhà chùa cầm loa nói ông ổng gì đó không nghe rõ ( chắc lúc đó Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng rồi ). Rồi bố tôi tập hợp cả nhà lại và nói trong nghẹn ngào đại ý là  “ bố xin lỗi các con , có thể từ giờ sẽ không lo cho các con được, vì thời cuộc đã thay đổi “ v..v...Không khí thật nặng nề !

Lúc đó cũng có tính chuyện tôi với ông cụ vọt ra bến Bạch Đằng đi di tản, nhưng nếu đi bố tôi sẽ phải bỏ lại mẹ già và vợ đang mang bầu thằng út cùng 5 đứa con, cũng khó ! Chả biết thế nào là họa, thế nào là phúc, nếu đi thì giờ này có lẽ tôi cũng có một cái tên Nicole Nguyễn  hay David Nguyễn gì đó, giống như mấy người bạn Thomas Dao, Kevin Tạ, Mindy Nguyễn như bây giờ, hê hê !

di tan ben bach dang 29 4 1975

Hầu như cuộc đời mọi người đều chịu đựng tác động sâu đậm sau năm 1975, một số thuộc thành phần du thử du thực tự nhiên tham gia “ cách mạng 30 “ bỗng chốc đổi đời, có tay trở thành quý (‘s ) tộc mới !, quyền lực tiền tài, danh vọng...Số khác thay đổi theo chiều hướng ngược lại ! Phận số mỗi người dường như gắn liền với vận mệnh đất nước !

Ngoài ra cột mốc năm 1975 là một cột mốc rất lớn trong lịch sử Việt Nam. Từ lúc này người Việt tràn ra khắp năm châu, bốn biển. Với quan niệm gắn bó với quê cha đất tổ bao đời, dân Việt ít có ai nghĩ tới chuyện lià bỏ quê hương xứ sở để đến một đất nước xa lạ. Thế mà ngày ấy bao nhiêu người dân Việt đã phải đành lòng vứt bỏ tất cả để ra đi mà không biết bao giờ trở lại !  Kể cả sau đó, đánh đổi cả tính mạng để vượt biên bằng đường biển, trên những con tàu mong manh nhỏ bé ! 1954, người Bắc di cư vào Nam dù gì thì cũng còn là cùng một nước, và cũng còn có hi vọng ngày về. Thực sự những người ra đi thời 1975 và vượt biên sau đó không bao giờ nghĩ còn có ngày trở lại quê hương ! Hồi đó có câu : “ một là con nuôi má ( đi thoát ), hai là má nuôi con (bị bắt ), ba là con nuôi cá ! “.

Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời  !

Ngay sau đó, gia đình tôi bắt đầu lục tục kéo về nhà, trên đường từ ĐaKao về Ông Tạ, ngồi sau chiếc Yamaha ông cụ chở, cảnh tượng đập vào mắt tôi là la liệt quân phục, súng ống vứt đầy đường, xe Jeep gắn cờ nửa xanh, nửa đỏ sao vàng chạy ào ào mà trên đó  cũng là những thanh niên mặc thường phục đeo băng đỏ lăm lăm mấy khẩu XM 16, hoặc có chiếc còn có hẵn cả cây đại liên  M 60 trên xe giống như chiếc xe tôi thấy ở Cầu Bông, mặt mũi mấy tay này đằng đằng khí thế, bắn chỉ thiên đùng đùng ( sau này dân sài Gòn gọi đám người này là “ cách mạng 30 “, hàm ý móc họng hay “ khen ngợi “ thì tui…hỏng biết ! ). Số quân trang hay quân dụng này mà có ai bình tĩnh hốt về sau này hốt bạc khẳm ! Nhưng đa số người Sài Gòn hồi đó sợ “ vãi đái “, lo kiếm cách tống tiêu hết những thứ liên quan tới “ Mỹ ngụy “, hình ảnh giấy tờ cũng còn mang đốt huống chi quần áo...Bây giờ nhìn cảnh chiếu trên Ti Vi người dân xúm đỏ, xúm đen ra đường mặt mũi “ hồ hỡi,phấn khởi “ chào đón tung hô các anh bộ đội, quả thực cảnh này tôi không thấy, có thể ở các con đường khác chăng ?, hoặc dân nằm vùng ra đón phe ta, chứ tôi chỉ thấy nếu đúng là dân Sài Gòn thì ai nấy mặt mũi nặng nề, đầy nét âu lo !

Tới Ngã tư Trương Minh Ký – Thoại Ngọc Hầu ( bây giờ là Lê Văn Sỹ – Phạm Văn Hai ) , tôi ngó thấy một chiếc trực thăng UH nằm chơi vơi trên sân thượng một ngôi nhà gần Lăng Cha Cả. Nghe nói ông phi công tính đón gia đình nhưng loạng quạng thế nào cánh quạt quẹt vào nhà kế bên ,đành bỏ !

Về tới nhà, điện cúp ( do hậu quả của trái pháo hôm trước ) làm cho cảnh tượng thê lương buồn bã thêm. Mấy ngày sau đó cũng thế, bầu trời âm u ảm đạm, thật đúng là “ người buồn cảnh có vui đâu bao giờ “ !

Cuộc sống nắng nề trôi qua, cho đến cuối tháng 5 . Một chương của gia đình tôi bắt đầu !

QuanTrang DuongPhoSaigon 1975

“ Học tập Cải tạo” :

Lenhcaitao 120
Khoảng cuối tháng, ông cụ chở tôi trên chiếc xe đạp tới trường Chu Văn An, đường Hùng Vương, nơi đây được trưng dụng làm một trong những nơi tập trung các sĩ quan quân lực Việt Nam Cọng Hòa, mấy điểm khác tôi không biết ở đâu. Ông cụ bước qua cánh cổng, còn tôi đạp xe về. Có rất nhiều cuộc chia tay như vậy , và không ai biết rằng đó là một cuộc chia tay không biết ( hoặc không có ) ngày gặp lại !  Trước đó, binh lính và hạ sĩ quan quân lực Việt Nam Cọng Hoà đã “ được học tập cải tạo “ tại địa phương 2-3 ngày gì đó, và đã trở về nhà, rất đúng “ format “. Các sĩ quan được thông báo là học tập cải tạo “ tập trung “ chứ không học ở địa phương, mang theo lương thực 10 ngày. Ai cũng đinh ninh là đi  10 ngày rồi về ! Sau này, chính quyền giải thích là “ mang theo lương thực 10 ngày không có nghĩa là học tập 10 ngày “ , quả là tài tình !

Bây giờ cũng quen với cái từ “ cải tạo “ rồi, chứ hồi đó nghe từ này cảm giác lạnh tóc gảy, nghe ghê ghê thế nào, “ kinh bỏ mẹ “ !

Biền biệt như vậy chắc cũng hơn nửa năm , tất cả các gia đình có người đi “ học tập cải tạo “ sống trong tâm trạng lo âu, chờ đợi .

Bố tôi “ được “ đi cải tạo tháng 5/75 thì đến tháng 7 mẹ tôi sinh thằng út ! Khi bà nội tôi mất sau đó, bố cũng chưa về ! 

Quả tình cho đến nay tôi cũng không biết làm cách nào gia đình gồm bà nội, mẹ tôi và tụi tôi 7 anh em có thể vượt qua đoạn thời gian đó, một thời gian không hề ngắn, ngay cả đến lúc bố tôi “ học tập cải tạo tốt “ trở về cũng chả giải quyết được gì hơn !  Biết bao kỷ niệm “ khóc cười theo mệnh nước nổi trôi “ !

LopCaiTao TayNinh
Sài Gòn, tháng 4/2015

Nguyễn Nguyễn

( nguồn : “ Bloc cá nhân của KTS Nguyễn Nguyễn  )