Nhớ Thầy Hiệu Trưởng

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Nhớ Thầy Hiệu Trưởng
 

YL11Thế là năm nay tôi đã là cụ bà 75 tuổi rồi ! Mới đó mà nhanh thật !

Người ta thường nói: “ Tuổi trẻ hướng tới tương lai, còn người già thì nhớ về quá khứ” đối với tôi quả đúng như vậy, nhất là từ sau cái ngày anh Dũng - chồng tôi vĩnh viễn ra đi, để tôi ở lại, lẻ loi một mình, những khi buồn quá tôi chỉ còn biết hồi tưởng lại những năm tháng đã qua hầu xoa dịu bớt nỗi đau trong cuộc sống cô đơn hiện tại.

Tôi còn nhớ năm 1957 tôi thi đậu vào lớp Đệ Thất (bây giờ là lớp 6) thì thầy Nguyễn Đăng Ngọc từ trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị vào nhận chức Hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng đã được một niên khóa. Ngày chúng tôi mới vào, trường Phan Châu Trinh chưa có cổng tam quan đồ sộ như ngày nay, chỉ có một số lớp ở dãy chính giữa, hai dãy lầu ngang phía đường Thống nhất (nay là đường Lê Duẩn) và đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Hải Phòng) đang xây dựng dở dang. Sân trường mới được đổ thêm cát cho bằng phẳng, mấy hàng cây kiền kiền và phượng vĩ trồng năm ngoái (1956), từ khi thầy Nguyễn Đăng Ngọc chuyển về làm hiệu trưởng, còn thấp lè tè chưa cho bóng mát. Cột cờ cũng sơ sài và chưa có tượng Chí sĩ Phan Châu Trinh.

Tượng đồng này do họa sĩ  Đỗ Toàn thực hiện, được chính thức dựng trước cột cờ ngày 24 tháng 3 năm 1966 nhân lễ húy nhật thứ 40 của cụ Phan, sau khi chúng tôi tốt nghiệp ra trường đã hai năm. Bảy năm tôi học dưới mái trường Phan Châu Trinh, lần lượt có ba thầy làm Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Đăng Ngọc, thầy Ngô Văn Chương và thầy Châu Trọng Ngô, mỗi người một tính cách khác nhau nhưng vị nào cũng hết lòng vì nhà trường, vì học sinh thân yêu. Trong số ba thầy đó, thầy Nguyễn Đăng Ngọc làm hiệu trưởng khóa tôi lâu nhất (năm niên khóa) và cũng là người để lại cho tôi một ấn tượng sâu đậm nhất.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, mới đó mà đã 63 năm rồi thế mà hình ảnh của thầy Hiệu trưởng trong ngày đầu gặp gỡ vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi.

Tôi nhớ như in đó là ngày 15 tháng 9 năm 1957, ngày khai giảng năm học đầu tiên tôi bước vào bậc Trung học, xúng xính trong bộ đồng phục áo dài trắng mới tinh, đứng xếp hàng ngay ngắn trước sân trường, với cái nhìn của cô bé 12 tuổi, tôi thấy thầy Hiệu trưởng uy nghi trong bộ veston màu xanh đen, ung dung từ phòng Hội đồng bước ra khán đài đọc diễn văn khai mạc. Giọng thầy dõng dạc, nét mặt nghiêm trang, quắc thước khiến cho tất cả học sinh đang nhao nhao nói cười bỗng dưng im phăng phắc, chăm chú lắng nghe. Từng tiếng, từng tiếng của thầy như rót vào tai chúng tôi niềm tin yêu và lòng tự hào về những thành tích vẻ vang mà các thế hệ học sinh đàn anh của trường đã đạt được khiến chúng tôi khắc sâu lời thầy vào tâm khảm và tự nhủ phải nỗ lực học tập, rèn luyện để xứng đáng là học sinh Phan Châu Trinh.

Thầy Nguyễn Đăng Ngọc, bề ngoài trông nghiêm khắc, lạnh lùng, ít nói khiến học sinh khi giáp mặt thầy ai cũng phải sợ. Thế nhưng thầy lại là người giàu tình cảm, rất quan tâm đến học sinh, sẵn sàng giúp đỡ khi cần. Tôi còn nhớ năm 1968, sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, tôi vào dạy tại trường Nữ Trung học Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ thầy Nguyễn Đăng Ngọc làm tại Nha Học Chánh Trung Việt, thầy cùng phái đoàn vào thanh tra các trường TH ở Quảng Ngãi trong đó có trường Nữ Trung Học tôi đang dạy. Gặp thầy tôi chỉ biết vòng tay cúi đầu chào thưa rồi lẹ làng tránh đi nơi khác, không dám tới gần thầy. Buổi chiều trở lại trường, sau khi dự giờ, kiểm tra, thầy thân mật gọi riêng tôi, ân cần hỏi han về hoàn cảnh gia đình, và dặn dò tôi cố gắng giảng dạy cho tốt, tôi cúi đầu vâng dạ cám ơn thầy.  Sau đó thầy cho tôi biết thầy sẽ đề nghị bổ dụng tôi làm Hiệu trưởng trường này. Thấy tôi tỏ ra rất bất ngờ và ngạc nhiên, thầy liền giải thích cho tôi hiểu là cô Hiệu trưởng đương nhiệm chỉ làm tạm thời vì cô mới tốt nghiệp Cao Đẳng sư phạm, chưa đạt yêu cầu, nhưng vì thiếu nhân sự nên cô bị bắt cóc làm Hiệu trưởng, còn các giáo viên Đệ Nhị Cấp toàn là nam giới, trường đang cần một nữ giáo viên tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm có năng lực để giữ chức vụ này, hiện tại trường chỉ có tôi đủ điều kiện. Tôi rất biết ơn thầy nhưng thực lòng tôi không muốn xa gia đình mà chỉ xin thầy giúp đỡ cho tôi được chuyển về Huế vì lúc đó anh Dũng – chồng tôi - đang dạy tại trường Quốc học. Thầy đem những điều hơn lẽ thiệt phân tích để thuyết phục tôi, thầy nói đây là cơ hội hiếm có, nhiều người ước muốn mà không được, thầy rất mong các cựu học sinh Phan Châu Trinh của thầy luôn cố gắng vươn lên trong ngành nghề, tiếp bước con đường thầy đã đi, nhưng tôi là người không ham chức vụ, chỉ muốn sống một cuộc sống yên ổn, bình thường nên tôi cứ một mực năn nỉ thầy cho tôi về Huế.

Sau khi tạm biệt thầy, tôi không nhận được tin tức gì nữa, tôi cứ tưởng việc đã chìm xuồng, vì tôi không đáp ứng được điều thầy mong mỏi; nào ngờ đến cuối Đệ Nhất lục cá nguyệt năm ấy, tôi nhận được quyết định thuyên chuyển về trường Đồng Khánh với ưu tiên một “vợ theo chồng”. Cầm tờ Sự Vụ lệnh trong tay tôi sung sướng, ngỡ ngàng không biết là mình mơ hay thật. Tôi thầm cám ơn thầy Nguyễn Đăng Ngọc đã hiểu được nguyện vọng của tôi và giúp tôi được sum họp với chồng.

Hè năm 1971, vì hoàn cảnh gia đình, chồng tôi xin hoán đổi về Đà Nẵng phụng dưỡng ba mẹ già, tôi ở lại dạy trường Đồng Khánh với biết bao biến cố liên tục xảy ra:  đầu năm 1972, tình hình chiến sự ở Hạ Lào, ở Quảng Trị, bùng nổ ngày càng dữ dội, từng đoàn người dắt díu nhau, gồng gánh di tản trên con đường quốc lộ từ Quảng Trị vào Huế, gieo vào lòng tôi một nỗi kinh hoàng khôn xiếc.  Tôi nghĩ dại, lỡ một ngày nào Huế bị tấn công như Quảng Trị thì làm sao một mình tôi đem được 3 đứa con chạy đi lánh nạn ?, làm sao gặp được mặt chồng! Tiếp đến vài tháng sau, một cơn bão lớn tàn phá thành phố gây thiệt hại nặng nề. Những cơn gió mạnh vặn gãy những cành cây cổ thụ kêu răng rắc, đổ ngổn ngang xuống sân trường, gió đập thình thình vào các cửa kính đóng kín trên lầu ba của tòa nhà Giám thị - nơi tôi đang ở - vào lúc đêm khuya, gió xuyên vun vút vào một lỗ nhỏ trên ô kính cửa sổ bị bể tạo nên những tiếng rít hãi hùng khiến tôi run bần bật. Trong tình thế đó tôi chỉ biết nằm bẹp xuống sàn nhà ôm các con vào lòng, miệng lâm râm niệm Phật bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn, cầu mong cho cơn bão chóng đi qua. Rồi tháng sau, con bé tôi mới sinh bị bệnh, nóng sốt, đi tả, ói mửa liên tục,  tôi đã cho cháu uống thuốc vẫn không bớt , suốt đêm tôi phải thức trắng ôm con chờ cho tới sáng bồng đi bác sĩ . Thời bấy giờ chưa có điện thoại di động, điện thoại bàn cũng rất hạn chế nên trong tình thế nguy cấp đó tôi cũng không thể liên lạc được với chồng.  Những sự cố liên tiếp xảy đến  khiến tôi không còn can đảm ở lại Huế một mình mà phải gấp rút xin về Đà Nẵng. Tôi lại chạy qua Nha học chánh kể hết nỗi niềm với thầy Ngọc, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của tôi, thầy không cầm lòng được, một lần nữa thầy lại giúp tôi,  cuối niên khóa 1972 tôi được chuyển về trường Nữ Trung Học Hồng Đức.

Năm 1974, Đà Nẵng mở trường Đại Học Quảng Đà, tình hình ở Huế ngày càng bất an, thầy Ngọc giả từ xứ Huế xin vào Đà Nẵng làm công tác Giáo vụ và giảng dạy bộ môn Văn học của trường ĐH Quảng Đà, anh Dũng - chồng tôi - cũng dạy tại đó, thầy trò lại gặp nhau làm việc trong cùng một tổ chuyên môn rất vui vẻ.                                          

Lúc rảnh rang thầy đùa với chồng tôi rằng: “ Anh có biết là anh tốt số lắm không? Trong lúc anh Dũng còn phân vân chưa biết việc gì thì thầy đã lên tiếng, thực sự anh không biết hả? Tôi nói cho anh nghe nề, nhờ tốt số nên anh mới gặp được cô học trò ngoan của tôi đó !”, rồi hai thầy trò híp mắt cười khoái trá!

Sau biến cố 29 tháng 3 năm 1975, trường Đại Học Quảng Đà bị giải thể, mỗi người ly tán một phương, chồng tôi “ mất dạy, vô lương” thất nghiệp ở nhà, suốt ngày đọc sách nghiên cứu Đông y và Kinh Dịch, thầy Nguyễn Đăng Ngọc vào Sài Gòn rồi theo con cháu sang định cư ở Úc sau đó qua Mỹ, còn tôi thì đầu tắt mặt tối bươn chãi nuôi chồng với bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.  Không có cơ hội gặp lại thầy, tôi chỉ hỏi thăm, nghe ngóng tin tức về sức khỏe của thầy qua những người bạn được may mắn gặp thầy nơi đất khách quê người. Tôi rất mừng khi nghe tin thầy tuổi hạc đã cao mà còn khỏe mạnh, trí óc vẫn minh mẫn như xưa.

Tôi cũng được bạn bè cho biết tháng 12 năm 2013 mấy bạn tôi định cư ở nước ngoài từ Canada, Mỹ tụ họp về San Diego dự lễ thượng thọ của thầy, buổi lễ diễn ra rất trang trọng,  ấm áp tình nghĩa thầy trò, thầy Ngọc rất vui.

 

1

 

59

 

YL22

 

73

Lễ thượng thọ thầy Nguyễn Đăng Ngọc năm 2013

Năm 2019 vừa qua, anh Khang, CHS PCT khóa 56-63, trong chuyến du lịch nước Mỹ ba tháng có đến thăm thầy. Lúc này thầy đã hơn chín mươi tuổi, sức khỏe suy yếu không thể ở nhà với con cháu mà phải vào bệnh viện Medical Center Escondido để có nhân viên y tế chăm sóc. Tại đây gia đình không phải săn sóc người thân nên ai muốn thăm thầy phải báo trước cho thân nhân biết ít nhất một ngày để gia đình túc trực đón tiếp.

 

YL3

Anh Khang đến thăm thầy Nguyễn Đăng Ngọc tại bệnh viện

Hơn nửa thế kỷ thoáng qua như giấc mộng, giờ đây cái già đã sồng sộc đến rồi,  các bạn lớp tôi ai cũng ngoài cái tuổi “xưa nay hiếm”, một số đã ra đi, người ở lại, thời gian chỉ còn đếm ngược từng ngày. Người già thường nghĩ vẩn vơ, lắm lúc tôi lại buâng khuâng nhớ cảnh nhớ người, nhớ ngôi trường nơi mình đã cùng bạn bè trải qua những năm tháng hồn nhiên, vô tư thời Trung học và những lúc đó thì hình ảnh thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc lại hiện rõ mồn một trong tâm trí tôi.

Xa thầy nửa vòng trái đất, cầu mong thầy được mạnh khỏe, an vui, thọ thêm với chúng con thầy nhé!

 

Châu Yến Loan

 

 R283fd833d4c2c7eb9bc59d8fb7d02cdb

 


 R283fd833d4c2c7eb9bc59d8fb7d02cdb

 

GHI CHÚ :

1/Bài "NHỚ THẦY HIỆU TRƯỞNG" do Yến Loan gởi cho Thu Hà qua Email ngày Oct 15/2020 khi Thầy Hiệu Trưởng chưa mất.

2/ Hình ảnh "Lễ thượng thọ thầy Nguyễn Đăng Ngọc năm 2013" trích trong Tập Ảnh của phanchautrinhdanang.org. Thành thật cám ơn .