Nhân Dịp Tết Tản Mạn Về Ăn

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Tet goi Banh 2

Tết gắn liền với ăn . Mỗi dịp Tết là một dịp ăn : ăn Tết Tây, ăn Tết ta , ăn Tết Trung Thu, ăn Tết Đoan Ngọ...Không tết nào là không có chuyện ăn.

Lại có những món ăn riêng cho mỗi tết :

Nguyên đán có thịt mỡ , dưa hành , bánh chưng , bánh tét , trung thu có nguyệt bính . Vịt và bánh tro dành cho Tết Đoan ngọ ( mồng năm tháng năm ) . Ở Huế , nơi quê tôi cứ đến mồng năm tháng năm là tiếng vịt kêu đầy đường , đầy chợ ...Số phận vịt ở Huế vào ngày ấy chẳng khác gì số phận gà tây ( turkey) vào dịp lễ Tạ Ân ở Mỹ .

Vì Tết đi với “ăn “ nên nhân dịp Tết xin tản mạn đôi lời về ăn .

Trước tiên thử hỏi “ ăn ‘ là sao ? – Câu hỏi ngớ ngẩn ! Nhưng định nghĩa cho rõ ràng không phải không phức tạp . Để có một cơ sở chung chúng tôi đã lật từ điển ra xem . Cuốn “ Từ điển tiếng Việt “ xuất bản tại Hà Nội năm 1992 đã định nghĩa : “ăn “ (đg ) : tự cho vào cơ thể thức nuôi sống “ . –Chẳng ổn tí nào ! Con nít 2,3 tháng tuổi , không tự  cho thức nuôi sống vào cơ thể được , không ăn hay sao ? Có khi “ tự cho vào cơ thể những chất không nuôi sống mà cũng gọi là ăn “ như ăn bã chuôt ...Lại mở thêm quyển từ điển The American Heritage Dictionary of the English Language và tìm nghĩa “ to eat “ , xem Anh , Mỹ “ ăn “ có khác mình không . Mà có chỗ khác thật ! Nghĩa căn bản của “ to eat “ như sau : “ To take into the mouth , chew, and swallow ( food ) “. ( Đưa thực phẩm vào mồm , nhai và nuốt ) . Có lẽ “ to eat “ kiểu này thích hợp với người phương Tây nhưng không hoàn toàn đúng với dân Giao Chỉ mình . “ Ăn trầu “ đâu có nuốt cũng goị là ăn . Quí ông, quí bà ăn trầu cứ nhổ xoèn xoẹt ra từng bãi nước đỏ ngầu còn bã trầu thì vứt đâu cũng được ! Ăn  “ gum “ đâu có nuốt cũng gọi là ăn . Cho con nít 3,4 tuổi ăn “gum” mà lỡ nó nuốt vào bụng thì cha mẹ cứ lo ngây ngấy . Vì chỉ nhai chứ không nuốt nên Anh Mỹ nói là “ chew gum “ chứ không nói “ eat gum “.

Định nghĩa theo Từ Điển Việt Nam nói trên có vẻ khoa học nhưng lại không đúng ; theo từ điển Anh văn thì chính xác hơn nhưng không hoàn toàn thích hợp với từ “ ăn “ của chúng ta .

Dựa vào hai thí dụ trên thì “ Ăn “trong tiếng Việt có nghĩa rất rộng rãi . Hễ đưa thức ăn ( hay một thức gì đó ) vào mồm thì có thể gọi là ăn . Nhai hay không nhai , nuốt hay không nuốt , tùy ý . Xin đưa ra vài ví dụ để làm sáng tỏ : bỏ đá vào miệng lấy luỡi lăn qua lăn lại nhưng không nuốt . Chính xác ra phải gọi là ngậm đá nhưng cũng có thể gọi là ăn . Mấy thầy phù thủy ăn kiểu này để hù con nít hay những kẻ ngây ngô . Ăn đá mà nuốt được chỉ có Tả quân Lê Văn Duyệt , bỏ “ đá đường “ ( rock sugar ) hay đường phèn vào miệng , nhai rủng rảng rồi nuốt , làm mấy người Thượng ở vùng Thạch Bích thuộc tỉnh Quảng Ngãi hoảng sợ mà không dám quấy rầy dân miền xuôi nữa . Cũng có thể gọi là ăn như nhiều học sinh trong giờ học đã bỏ kẹo vào mồm nhưng sợ thầy giáo bắt được nên không nhai mà chỉ chờ nó tan dần vào cổ họng .

Định nghĩa này không biết có được các bạn tán thành không , nhưng tôi thấy rất gần gũi các chú Ba vì uống rượu , hút thuốc ,uống nước ...họ đều gọi là ăn ( ngật ) : ngật tửu, ngật yên ,ngật thủy (  chi jiu, chi yan, chi shui – theo âm Quan thoại ) .

Nói vòng vo cho vui vậy chứ trong căn bản , ăn thực sự là phải có nhai và có nuốt và trong nghĩa căn bản này ăn là một hoạt động không thể thiếu cho tất cả các sinh vật . “ Ăn để mà sống “ , chân lý đầu cửa miệng mọi người .” Không ăn – không sống “ như xe hơi thiếu xăng không chạy được . Ăn là ưu tư hàng đầu cho mọi người . Người giàu sang ăn cho ngon , cho khoái khẩu . Kẻ nghèo lên non , xuống biển ,bỏ làng bỏ nước đi tha phương cũng chỉ cầu “ăn “.

Cá nhân lo ăn mà bộ máy cai trị nào cũng lo ăn  ! Làm cho mình giàu và dân no là nhiệm cụ hàng đầu từ xưa đến nay . “ Miếng ăn đi trước , làng nước đi sau “ hay “ có thực mới vực được đạo “ . Dân không no thì chính phủ khó mà tồn tại . Lão Tử dù lấy vô vi làm đầu nhưng trong chính trị cũng khuyên làm cho người dân no bụng trước .

Ăn cũng là một yếu tố quan trọng trong khoa học . Khoa Động vật học dựa vào thức ăn để chia sinh vật , kể cả người , ra làm ba loài : Loài ăn thịt  ( carnivore ) , loài ăn cỏ ( herbivore ) và loài hỗn thực ( omnivore ) . Loài hỗn thực có lợi thế hơn các loài khác . Loài ăn cỏ như bò không thể ăn thịt . Bò bình thường ăn thịt vào hóa ra bò điên ! ( mad cow ). Loại ăn thịt không thể ăn lá ,ăn cỏ . Mùa đông tháng giá không săn được mồi , cọp hay sư tử thường đói meo . Người thuộc về loại hỗn thực nên mùa nào ,tháng nào , nơi nào cũng có thể tìm ra thức ăn . Trên trời có chim , dưới biển có cá tôm , trong lòng đất ,trong hang động có củ tía, khoai mài , côn trùng rắn rít...Mùa nào thức nấy là hạnh phúc con người . Cụ Trạng Trình đã ca tụng cuộc sống tuần hoàn theo tháng năm

Thu ăn măng trúc ,đông ăn gíá

Xuân tắm hồ sen , hạ tắm ao .

Nhưng hỗn thực nói nôm na ra cũng có nghĩa “ bạ gì ăn nấy “ ( gặp vật gì ăn vật ấy       ) . Con người là một thí dụ điển hình cho loài hỗn thực ,ăn không trừ thứ gì . Nói nghe trái tai nhưng đúng với thực tế. Xin mời các bạn thử đọc cuốn  “ Tại sao tôi chọn tự do “ của một viên trung úy trung ương đảng Cọng Sản Liên Sô dưới thời Staline để biết nông dân Nga vì thuế khoá nặng nề , có lúc phải ăn xúp mà tác giả gọi là xúp “ cức ngựa “ . Trong cức ngựa còn sót lại ít hạt bo bo dạ dày ngựa không tiêu hóa được. Cũng có thể nhớ lại nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu ( 44-45 ) dân ta đã trải qua để thấy rõ ! Vì đói người ta đã ăn cũ chuối , cũ nâu , xác súc vật ...và có khi cả lá “ ngót “ ( 1 )  để kết liễu cuộc đời mình ! Có phải là “ bạ gì ăn nấy “ không  ? Gần gũi hơn mời các bạn hỏi các tù nhân học tập cải tạo từ các trại tù gọi là “ Học tập cải tạo “ ( ! ) của Cộng Sản trở về . Phương châm của các tù nhân không được gia đình thăm nuôi và trước khi được gia đình thăm nuôi là “ con gì nhúc nhích , ních (ăn) liền !

Đành rằng đó là những hoàn cảnh đặc biệt  nhưng trong đời sống bình thường con người nói chung chẳng khác gì mấy . Kỳ lạ là con người càng dư dả lại càng đi tìm những món ăn quái dị . “ Chó không ăn thịt chó “ nhưng người ăn cả thịt người . Không phải vì quẩn bách mà ăn đồng loại nhưng để tìm sự bồi dưỡng khoái trá cho mình . Xin các bạn cứ đọc cái quảng cáo đính kèm để biết . Một bữa ăn thang ( xúp ) thịt con nít giá đến 3000 nhân dân tệ tức tương đương với 375 $ Mỹ ! ($ 1=8NDT ) . Chuyện xảy ra bên tỉnh Quảng Đông thuộc Trung quốc , nhưng đã là người thì có chuyện gì con người lại dửng dưng đối với mình ! ( Je suis homme et tout ce qui est humain ne m’est étranger – lời của một nhà văn Pháp ) .

Tuy đều là hỗn  thực , nhưng có những món người này chuộng thì kẻ khác chê . Người Pháp thích fồ-mát camembert , thích ốc sên nhưng số người Việt thích những món đó chắc đếm được trên đầu ngón tay . Tín đồ đạo Hồi không ăn thịt heo , đạo Bà la môn không ăn thịt bò ...Biết bao nhiêu sự  khác biệt !

Người ta thường dựa vào sự khác biệt đó , vào cách ăn và thức ăn để đánh giá trình độ văn hóa của một dân tộc ,một đoàn thể , một con người . Từ ngữ “ dân ăn bốc “ là một từ ngữ đượm vẻ khinh bạc . Một thời chúng ta từng dùng để chỉ người miền núi ở nước ta . Cũng có một thời có những người Pháp gọi chúng ta là “ dân ăn gắp “ ( đuã ) , so sánh chúng ta như những con khỉ vụng về khi cầm dao, cầm nỉa . – “ Regardez les singes manier les couteaux et les fourchettes “ ( Nhìn xem thấy mấy con khỉ cầm dao và nỉa ) câu nói nhục mạ của một số thực khách Pháp , tôi nghe thuật lại , khi họ thấy dân “ mít “ thời trước 45 dám chơi ngông vào ăn trong tiệm ăn Tây . Cũng có lúc họ gọi ta là “ dân ăn mắm “ hay “ dân ăn chất thối “ ,( Un peuple qui mange de la pourriture ! ) . Mắm đối với các ông thực dân, đồng nghĩa là chất thối . Mà đâu chỉ có thực dân đối với chúng ta . Trong nước với nhau, người Bắc tự hào văn minh hơn người Nam nên đã gọi dân Nam là “ dân gía sống “; người Nam tự hào văn minh hơn, trả đũa lại : “ “ Bắc kỳ là dân rau muống “.

Những nhận xét như trên biểu lộ đầu óc kỳ thị , thiển cận, hẹp hòi . Ngày nay nhờ giao thông phát triển , người và người tiếp xúc với nhau nhiều hơn và chúng ta đã biết không phải chỉ có người thượng xứ ta ăn bốc mà có nhiều dân tộc khác trên thế giới cũng ăn bốc . Tuy ăn bốc nhưng nhiều nước đã đạt tới trình độ văn minh rất cao . Người Việt ngày nay có mặt khắp nơi trên thế giới, nhiều món ăn Việt nấu với nước mắm đã có một chỗ đứng vững vàng trong các xã hội tiến bộ, và tôi đã từng thấy có người Tây phương húp  mắm nêm trùm trụp lúc ăn bò bảy món. Người phương Tây vẫn dùng dao , nỉa nhưng cũng có người biết dùng đũa rất thành thạo . Giá sống , rau muống không còn ranh giới nữa .

Tuy nhiên nếu không phải vì kỳ thị và hẹp hòi , dựa vào thức ăn và cách ăn nói chung để đánh gía mức văn hóa của một dân tộc hay của một tập thể cũng không phải không có cơ sở . Bằng chứng là thực phẩm ở các nước tiến bộ phần lớn được kiểm soát kỹ lưỡng và cân bằng để đáp ứng với nhu cầu của cơ thể . Cung cách ăn cũng cầu kỳ, ngồi vào bàn ăn phải theo phép tắc và lễ nghi . Không được hoa chân múa tay lúc ăn hoặc đứng đâu, ngồi đâu ăn cũng được. Trước lúc ăn phải rửa tay sạch sẽ , không lấy tay áo quẹt mồm, quẹt mỏ là xong . Ăn đúng là một hình thức biểu thị văn hóa .Ăn theo lối Pháp chẳng hạn mà bỏ hai tay dưới bàn lúc đang ăn là một thái độ thiếu văn hóa . Ở các nước nghèo phần đông dân chúng lấy việc no bụng làm đầu nên không mấy kén chọn thức ăn và có lúc phải vội vả ăn cho xong . Nhưng đừng thấy thế mà nghĩ họ không chú ý đến phép tắc ăn . Ăn bốc nhưng bốc với tay mặt khác với bốc tay trái . Ăn vụng là một thói xấu chẳng ai ưa...” Ăn cho đều , kêu cho khắp “.

Việc dựa theo thức ăn, và cách ăn để định giá văn minh cũng không phải là một điều mới mẻ .” Ăn lông ở lỗ “ là một thành ngữ có từ xưa để chỉ con người còn ở thời kỳ man rợ. “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây ,lấy vợ Nhật “ , lời các cụ trước đây thường nói , chính là một lối phẩm bình văn hóa lấy cái ăn làm yếu tố quan trọng .

Nếu xét về văn hóa qua cái ăn thì thiết nghĩ dân ta cũng có hạng lắm .Nhiều món ăn đặc trưng của Việt Nam ngày nay đã có một chỗ đứng khá vững trên trường quốc tế . Không rõ “ nem công chả phượng “ ngon như thế nào nhưng phở, nem nướng ,chả giò, cuốn gỏi, bò bảy món , chả cá ,bánh phồng tôm...đã trở thành những món ăn phổ biến, khoái khẩu cho nhiều người nước ngoài . Trong cách ăn cũng có lắm phép tắc biểu lộ thái độ lịch sự của người mình . Ngồi vào bàn ăn không phải cứ cúi đầu cúi cổ mà ăn  . Phải biết kính , biết nhường, biết mời mọc . Người nào ngồi trên , người nào ngồi dưới ; ai cầm đũa trước ,ai cầm sau ,ai gắp món ăn trước, ai gắp sau ...đều theo phép tắc . Không viết ra thành văn nhưng những kẻ có lương tri , có nề nếp một chút ai cũng gìn giữ . Nên đọc lại thi sĩ Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu để thấy một phần cái cầu kỳ trong cách ăn của người mình .

Tuy nhiên chẳng nên vì đó để tự hào là chúng ta đã đứng trên “ đỉnh cao văn hoá “ về  phương diện “ ăn “ . Vì nghèo nàn , thiếu thốn, vì tập quán hoặc thiếu suy nghĩ , một số đổng bào ta đã ăn những thức ăn hay đã có những cách ăn chẳng đáng khuyến khích chút nào . Xin kể sơ lược vài cách ăn và thức ăn kỳ lạ :

Có kẻ để chữa bệnh lại ăn cả thằn lằn ( thạch sùng ) sống ; lấy giấy hút thuốc quấn con thằn lằn lại rồi bỏ vào họng cho chạy tuột vào dạ dày . Trong thời kỳ chiến tranh Việt –Pháp ( 46-56 ) phải di tản về miền quê  tôi đã từng thấy nhiều bậc cha mẹ cho con ăn thịt chó vừa mới sinh , chưa kịp rơi xuống đất, để chữa bịnh còi . Và còn những món ăn kỳ lạ khác như nhau người , trùn , cóc, nhái, kiến ,ve ve, dế ...Lại có những món ăn rất thiếu vệ sinh . “ Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn “ đó là những phương ngữ chỉ hai món ăn ngon của hai huyện ở Nghệ An . Mà thật vậy nhút là một món ăn ngon như dưa muối hay cải muối nhưng nhút nhà nghèo thì khỏi phải nói . Vì tiết kiệm , các thức ăn thừa được đổ vào vại nhút và vại nhút đã trở thành “ môi trường cấy vi khuẩn “. Nhưng đó là một món ăn thường nhật của dân quê nghèo vùng Nghệ – Tịnh .

Vì thái độ ăn khác nhau nên cũng có nhiều tiếng khác nhau để chỉ việc ăn . Vua chúa ăn là ngự thiện . Ăn nhã nhặn và từ tốn của người quí phái , giàu có là thời , xơi, mời ,hay dùng ...Ăn cốt lấy nhiều , ăn thật nhanh , tranh người khác mà ăn không kể gì phép tắc ,ăn như súc vật là đớp , táp, ngoạm , ních , nun ( tiếng Huế ) , tộng , dộng , liếm ...

Thức ăn cũng như thái độ ăn xem ra đều rất phức tạp . Con người đúng là một đại biểu xứng đáng cho loài hỗn thực . Nếu còn chưa tin hãy chú ý đến hằng ha sa số những món hay cách ăn sau đây , không riêng ở Việt Nam mà còn thấy ở khắp năm châu , bốn bể . Xin nêu ra ít món mà thôi : ăn dơ ,ăn bẩn , ăn hối lộ , ăn trộm , ăn cướp , ăn mày ,ăn xin , ăn chận , ăn chẹt , ăn chia , ăn hớt , ăn hại ,ăn quyịt , ăn lường , ăn chơi , ăn hiếp ....Ăn những thứ này để rồi ăn năn .

Ăn trong nhiều từ kép vừa kể và những từ tương tự tất nhiên được hiểu theo nghĩ rộng  . Đại để “ ăn “ là dùng thế lực hay thủ đoạn bất chính để đoạt lấy tiền bạc , tài sản ...của người khác như ăn trộm ,ăn cắp , ăn hối lộ . Cũng có nghĩa là thắng lợi như ăn bài ,ăn bạc, đá banh ăn...Dù sao “ ăn “ trong các từ trên đều liên quan đến “ăn “ theo nghĩa căn bản .” Ăn cướp “ là cướp lấy mà ăn , “ăn xin “ là xin của người để ăn ...Duy chỉ có một số từ như “ ăn năn “ , “ ăn Khớp “ ...thì không rõ từ đâu mà đến . Ăn khớp là thích hợp với nhau còn từ “ năn “ chỉ thấy trong các từ “ năn nỉ “ và “ cũ năn”, “ cây năn “.

Cấy lúa, lúa trổ ra năn,

Kẻ trộm ăn hết , con ăn bằng gì ?

( ca dao )

Ngoài nghĩa căn bản , ăn còn có nhiều nghĩa khác , trên đây là chỉ mới nêu ra một hai.

Trong nghĩa rộng hay nghĩa căn bản , “ ăn “ liên quan đến cuộc sống chúng ta rất nhiều, đúng là biểu thị cho văn hóa . Việc ăn vì vậy thường được dùng để giáo dục con người . Ăn là cái học căn bản trước các cái học khác

Học ăn , học nói, học gói, học mở

Nhiều câu tục ngữ dùng cái ăn làm những bài học xử thế thông thường  :

Ăn xem nồi ngồi xem hướng 

ý nói phải nhường nhịn và gìn giữ lễ phép trong lúc ăn . Rộng ra là phải cẩn trọng trong thái độ và hành động của mình :

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Ăn cây nào rào cây ấy

khuyên người hãy biết ơn những kẻ đã giúp đỡ , tác thành cho mình . Trong kho tục ngữ , thành ngữ những câu như thế kể ra không hết .

Ăn tuy là một việc thực tế nhưng cũng có những câu ca dao lấy việc ăn làm hứng  ( thể phú , thể tỉ , thể hứng ) để gợi tình trai gái :

Ăn chanh ngồi gốc cây chanh ,

Khuyên cội, khuyên cành ,khuyên lá , khuyên lung.

Khuyên cho đó vợ, đây chồng,

Đó bế con gái , đây bồng con trai .

Ăn cũng đã đi vào lịch sử . Bên Tàu chuyện Bá Di , Thúc Tề “ thấy thóc Chu mà trả “ cùng buổi tiệc không tiền khoáng hậu của bà Từ Hi Thái hậu đãi đại biểu các nước Tây phương còn được truyền tụng mãi .

Lịch sử nước ta cũng có nhiều chuyện liên quan đến ăn . Tỉ dụ Vua Lê Lợi “ quên ăn vì giận “ và “ Linh sơn lương hết mấy tuần “  ( xem Bình Ngô đại cáo ) . Dù thiếu ăn, ý chí Bình Ngô vẫn không suy giảm .

Tuy liên quan đến lịch sử nhưng ăn không phải là chuyện lịch sử, đã đi vào quá khứ. Trong hiện tại ăn vẫn là chuyện hàng đầu của thế giới . Nhiều dân tộc ở Châu Phi và châu Á vẫn trong tình trạng thiếu ăn trầm trọng . Trong hơn  tỉ dân của toàn cầu hình như có đến 3 /4 thiếu dinh dưỡng . Hãy đừng nghĩ đến “ miếng ăn là miếng tồi tàn “. Con người ăn không no , mặc không ấm mới trở nên “ người chẳng ra người , ngợm chẳng ra ngợm “ “ . “ Miếng khi đói, gói khi no “ câu dạy thương người của tổ tiên luôn luôn vẫn có giá trị .

Vì đói thường dễ bảo nên nhiều nước độc tài đã dùng chính sách bóp “ bao tử “ để sai khiến con người và nhiều nước giàu đe dọa cúp viện trợ lương thực cho những nước đang cần thiết .

Tôi đã lang bang quá nhiều, xin trở lại với chuyện Tết và ăn .

Chúng ta có một tập quán rất đẹp là vào dịp Tết thường bỏ qua hết mọi chuyện lủng củng rồi chúc nhau những điều thật tốt đẹp trong năm mới . Theo truyền thống , nhân Tết Quí Mùi sắp đến , tôi xin “ cung xỉ phá xái “ ( cung hỉ phát tài ) mọi người , chúc tất cả “ ăn nên làm ra “ . Và nhớ cách thức để có những bữa ăn ngon như tổ tiên ta thường nhắc là  “ nhà sạch và bát sạch “

Nhà sạch thì mát , bát sạch ngon cơm

Lại chẳng lẽ không nhớ đến đồng bào trong nước ! Xin chúc đồng bào không bị ăn chẹt ,ăn chận ,ăn trên đầu trên cổ , ăn hối lộ ...để không có cảnh “ người ăn không hết , kẻ lần không ra “ và cảnh trẻ em vì thiếu ăn phải bỏ học hành , lang thang vất vưởng .

Chuyện ăn thật quan trọng thay ! Không riêng chuyện ăn ba ngày Tết mà chính chuyện ăn thường ngày . Ăn đúng là tiêu biểu cho văn hóa, cho giá trị con người .

Bài viết của thầy Nguyễn Đăng Ngọc