Mùa đông nơi đây dài lê thê, ròng rã mấy tháng một màu trắng xóa. Đẹp, nhưng buồn. Đôi khi làm hồn người vô cớ buồn theo. Thế nên, năm nào cũng vậy, tôi trông đợi những ngày nắng ấm như thuở còn nhỏ “trông Mẹ đi chợ về”. Tuyết vừa tan, hôm đầu thấy lại được chút màu xanh của cây cỏ, lòng cũng chợt bồi hồi. Và những ngày ấm áp, với tôi, cũng là lúc gợi nhớ…Gợi nhớ quảng đời hồn nhiên với những mùa hè còn mãi trong ký ức…
đường Độc Lập Đà Nẵng năm xưa
Hè năm đệ thất, một buổi lễ của trường được tổ chức nơi rạp Văn Cầm, đường Độc Lập. Trước khi chương trình bắt đầu, được nghe thoang thoảng bài hát qua giọng ca Doris Day . Về sau bài hát này,với tôi, ( và có lẽ, cũng như nhiều bạn ở Phan Châu Trinh cùng thế hệ ?), là một trong những “bài hát của một thời son trẻ”. Mấy chục năm sau, mỗi lần nghe lại câu hát “ Que sera, sera…” , thì ngày vui xưa, Đà Nẵng hiền hòa một thuở, tuổi thơ của tôi…tất cả cùng trở về thật nhanh, thật đằm thắm trong trí nhớ.
Năm đệ lục hồn nhiên kế tiếp trôi qua, vô cùng êm ả. Hè này, cũng như Hè đệ thất, vừa nghỉ ở trường xong tôi theo gia đình ra ở lại Nam Ô, nơi căn nhà nghỉ mát thô sơ làm bằng gỗ còn thơm mùi nhựa thông mới. Bãi biển hùng vĩ lạ thường và thời gian này hãy còn hoang vắng. “Rặng dương liễu dọc ven bờ biển, thuở đó, cũng vừa mới được trồng,chưa cao quá đầu người, đã xanh mướt bên bọt sóng…”, theo nhắc nhở gần đây của một người bạn. Mấy tháng Hè, nhiều hôm tôi có Liên Hồng, người cháu cũng là người bạn nhỏ, để tíu tít mỗi ngày. Sáng nào bọn tôi cũng dậy thật sớm, nhìn mặt trời dần dần lên cao. Đợi nắng đủ ấm, tung tăng nhảy sóng tắm mãi đến trưa. Bãi biển vắng người, cuối tuần cũng như ngày thường, cho đám con gái nhỏ một khoảng trời riêng tư. Những hôm có người cậu,học ở Sài Gòn nghỉ Hè về lại Huế, ghé chơi, là một dịp vui nhộn. Trưa nắng chang chang, người cậu chỉ hơn đứa cháu lớn nhất vài tuổi, giữ vai trò hướng đạo, dẫn đám cháu băng qua mấy đồi cát nóng đến rát cả chân,hăng hái đi thám hiểm khu rừng bên cạnh…
Ngày ở Phan Châu Trinh, nhiều lần du ngoạn hay đi trại chung với lớp, với trường ở Kỳ Lam, Lăng Cô, Mỹ Khê, Tiên Sa…nhưng lần để lại cho tôi kỷ niệm khó quên nhất vẫn là trại Hè toàn trường cuối năm đệ ngũ, nơi đồi thông Mỹ Thị, trên đường lên chùa Non Nước.
Trại Hè năm xưa
Trại Hè năm xưa
Giáo sư hướng dẫn của lớp tôi ngày đó là Thầy Trần Đình Hoàn. Vài tuần trước ,Thầy cho học trò biết chương trình của hai ngày trại, đặc biệt “khuyến cáo “ tụi tôi phải” nắm vững bảng Morse “ sẵn sàng cho trò chơi tập thể sắp tới.
Đội con gái lớp tôi, hầu hết chưa đi trại qua đêm lần nào. Tất cả đều cảm thấy trại Hè này như một cái gì rất “mới lạ” ! Vui trong lúc sửa soạn, vui trong khi chờ đợi…
Buổi mai đi trại, Kim Oanh đến rủ tôi thật sớm.( Thu Liên đau phải ở nhà ) .Tới trường mới hừng đông,các lớp đã tụ tập đầy đủ. Tất cả được mấy xe “camion” nhà binh lớn chở tới Mỹ Thị . Mặt trời vừa mới ló dạng ở đồi thông. Đặt chân xuống xe, tôi thấy nhiều người Hướng Đạo của Trường, ( phần đông là các anh lớn ở những lớp trên ) đến trước từ lúc nào, đã đứng sẵn trên đồi và đang chỉ định vị trí trại cho mỗi đội.
Việc dựng lều ,đối với bọn tôi, là cả “vấn đề”. Một Kim Oanh đơn thuần, dù “kinh nghiệm” với nhiều lần đi trại cùng đoàn Phật tử, cũng không làm gì được. Đội Hướng Đạo của trường đến giúp thật đúng lúc. Trong một thoáng, cái lều vững chắc được đựng lên, trước những đôi mắt mừng rỡ đầy biết ơn.
Chiều xuống rất nhanh. Thoắt đến lúc sửa soạn bữa cơm chiều. Đây chính là lúc những “phân công của trại ” được áp dụng rõ rệt . Mười mấy con gái trong đội được chia ra nhiều ban, mỗi ban lo một việc : đi lấy nước, nấu ăn,lo vệ sinh trại , và có cả … ban rửa chén (sic !) nữa . Không hiểu ban ẩm thực đã hay đến chừng nào, nhưng điều chắc chắn các bạn đã cho cả đội một buổi cơm thật ngon vì ai nấy đều đói meo !
Trời sẩm tối, một hồi còi báo hiệu tụ họp.Cả trường ngồi thành vòng tròn lớn. Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đăng Ngọc và Thầy Bùi Tấn cùng châm ngọn lửa khai mạc đêm lửa trại. Nhìn ánh lửa đang bập bùng trước mắt, tôi như hồi hộp theo với tiếng hát đầm ấm của bạn Nguyễn thị Mùi , khởi đầu cho chương trình văn nghệ của một đêm lửa trại khó quên. Phan Châu Trinh ngày đó còn nhiều tiếng hát hay nữa như Tuyết Ánh,Thu Phong, Ngô Vương Hoàng…, Đỗ Toàn, Nguyễn Bá Trạc…Trường cũng không thiếu những giọng ca hăng say khác. Chương trình văn nghệ đêm ấy đặc biệt hấp dẫn. Nhiều bài hát thịnh hành đương thời được trình bày, chẳng hạn như “Tính Anh lính chiến” với một nam sinh. Và ngay hôm sau thì anh này được tặng biệt hiệu “Anh xuyên lá cành” !
Đêm lửa trại vui rồi cũng kết thúc khi đã quá nửa khuya.
Về đến lều, các bạn ngủ vùi hết, chỉ còn lại Kim Oanh với tôi hãy còn thức. Hai đứa nằm để đầu ra ngoài cửa trại, thì thầm nói chuyện bên tai nhau một hồi rồi cùng im lặng. Càng về khuya, đồi thông Mỹ Thị thêm huyền hoặc… Ánh trăng êm đềm,mát rượi,và ôi chao, đẹp quá… Đẹp đến nỗi khiến bạn và tôi ao ước có phép lạ nào cho “gói ” được chút trăng đêm nay để giữ lại ! Và đây là lần đầu tiên, tôi nao nao để ý đến vẻ mượt mà của một đêm trăng mười sáu…
“ Chỉ là trăng,nhưng tôi thấy thần tiên
Như huyền diệu bởi hồn tôi xanh quá…”
(Xuân Diệu)
Tụi tôi nằm gối đầu trên tay, ngước nhìn lên,cả một bầu trời cao xa thăm thẳm, trong vắt, không một đám mây. Nhìn một hồi rồi tự nhiên thấy thân mình như nhẹ hẳn đi trong cảm giác bồng bềnh thật lạ…
Bạn và tôi mải mê…cho đến khi đội Hướng Đạo của trường “đi tuần” ngang qua, và có tiếng ai :”…nên nằm để đầu vào trong, kẻo khuya sương xuống lạnh, sáng mai đau đầu” Hai đứa vội vàng nghe theo. Tôi muốn hỏi Kim Oanh có nhận ra giọng nói quen thuộc, nhưng lại thôi. Hình như bạn cũng không còn thức nữa. Tiếng thở nhẹ, đều đều chung quanh ru tôi vào giấc ngủ…
Chiều hôm sau, trước khi nhổ trại ra về có trò chơi tập thể cho tất cả các lớp. Nhóm Hướng Đạo của trường , chia nhau mỗi người đứng ở một địa điểm. Mỗi đội đến lấy tín hiệu ở địa điểm thứ nhất, nhờ bảng Morse dịch nhanh ra để tìm đến vị trí thứ 2, 3,4…rồi tới ngôi mộ lớn ở dưới chân đồi, nơi “vật bí mật” ( cờ hiệu đoàn ?) được dấu sẵn sau tấm bia.
Người Hướng Đạo hồn nhiên, tươi cười đứng ở địa điểm cuối cùng, nơi ngôi mộ màu vàng trong trò chơi tập thể của toàn trường hôm đó, nay không còn nữa. Anh đã ra đi, nhưng dẫu sao… “ Thác là thể phách, còn là tinh anh…” ( Nguyễn Du ). Cầu chúc linh hồn Anh yên nghỉ đời đời ở một nơi êm đềm như “thiên đường Phan Châu Trinh” , thuở xưa…
Những ngày vui thường qua nhanh. Trại Hè ở đồi thông Mỹ Thị cũng thế. Và hai ngày vui ngắn ngủi nơi đây mãi mãi còn trong sáng nơi tâm hồn tôi. Nhớ lại câu nói của một người bạn “ Trời đất kể ra cũng kỳ diệu thật. Mấy chục năm với bao điều đổi thay mà vẫn tưởng như mới một ngày vừa qua…”
Mùa Hè năm đệ tứ, buổi học cuối cùng chụp ảnh với cả lớp trong sân trường và nơi bờ sông Hàn. Sau đó, bạn bè kéo nhau về Ngã Năm cùng thưởng thức những ly chè ngon ngọt trước khi hồn nhiên chia tay. Mùa thi đầu tiên của một thời trung học… Cảm giác “học thi” đem lại nỗi vui nhẹ nhàng. Âu lo thi cử, ngày đó, chỉ là man mác. Ban đầu Hoàng Thu Hồng tới học chung. Buổi mai nào bạn cũng đến thật sớm, điểm tâm xong là vào học ngay. Nhưng chỉ được một hai giờ đầu, sau đó bạn đã líu lo từ chuyện này sang chuyện khác . Người nghe càng say mê , người kể càng huyên thuyên, và quên bẵng mục đích chính đến cùng học thi ! Cứ thế “vui” với nhau gần cả tuần, cho đến khi nhìn lại bài vở mới giật thót mình ! Hôm sau phải tách riêng ngay. Bạn không tới nữa, ngày thi đâu còn xa. Rồi mùa thi cũng qua nhanh…
Hè đệ tam, năm cuối cùng không thi cử. Nơi căn nhà nhỏ trên con đường yên lặng nhưng không vắng của Đà Nẵng,những ngày rãnh rỗi, tôi theo mấy người chị họ, một đám con gái mới lớn, mải mê chép thơ Xuân Diệu,Huy Cận, Bích Khê …, và biết đến Nguyên Sa lần đầu.
Mùa Hè năm đệ nhị, thi xong tôi ra ở lại nhà Bà Ngoại tôi,nơi thôn Vạn Xuân. Ngôi nhà với mãnh vườn bao quanh như hầu hết các ngôi nhà cổ xứ Huế. Những buổi trưa Hè nơi đây sao tĩnh mịch lạ thường, không một tiếng động nào ngoài tiếng ve kêu nỉ non, đều đều. Cả thôn như chìm trong giấc ngủ và thời gian như ngừng lại. Thơ thẩn một mình trong khu vườn vắng vẻ, với quyển “ La nuit Paris met ses bijoux”, quà của người bạn đang ở một nơi thật xa xôi ,tôi qua hàng giờ ngồi dưới gốc cây bưởi, dở xem đi xem lại từng trang ảnh, rồi vẩn vơ nhìn cây lá chung quanh…Lần đầu tiên trong đời không biết mình đang buồn hay vui, vì ngày mới lớn vui buồn đến với hồn nhẹ nhàng quá. Và cũng từ Hè này, trong cô đơn, tôi tìm thấy một niềm vui riêng. Những ngày sắp sửa bước vào tuổi đôi mươi…
“…Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào, thời nào vàng bướm bên ao,
Người ơi, còn nghe tiếng ru êm êm buồn trong ca dao…”
( Cung Tiến)
Đệ nhất, mùa Hè cuối cùng của một thời trung học qua thật nhanh, nhanh như các biến cố thời cuộc buồn ở những năm giữa thập niên 60. Sau đó, bao mùa Hè, mùa thi khác trong đời nối tiếp …Nhưng, kỷ niệm còn rõ rệt nhất trong tôi vẫn là những mùa Hè ,mùa thi của những tháng năm nơi trường Phan Châu Trinh cũ.
……………
Trở lại Đà Nẵng sau hơn bốn mươi năm, kể từ ngày tôi rời trường. Trên đường lên thăm lại chùa Non Nước, cảnh vật khác lạ hẳn, không cách nào nhận ra nơi chốn cũ. Tôi dặn người tài xế trẻ, khi nào xe ngang qua đồi thông Mỹ Thị làm ơn cho tôi hay. Anh ta ngơ ngác như chưa hề biết đến địa danh này Có lẽ đồi thông đã bị san bằng lúc anh ta còn nhỏ, hay có lẽ cả trước khi anh ta được sinh ra..Tôi nghe một nỗi tiếc nhớ bàng hoàng…
Ghé trường cũ buổi mai thật sớm, cùng với Bích Quân, bạn một lớp ngày xưa, đứng chụp vài tấm hình trước cổng trường, trên hành lang.
Buổi chiều,tôi trở lại trường lần nữa để vào thăm mấy phòng học cũ, sợ rồi sẽ không còn có dịp. Đây, phòng đầu tiên của tầng trệt, dãy phía tay mặt , một thuở là của lớp đệ thất 1. Phòng gần cầu thang đi lên, vài năm sau, là lớp của đệ nhất A. Và trên lầu, phòng gần cuối dãy là lớp đệ lục 2 xa xưa. Nhớ có lần giữa năm học, một hôm tan trường vội vàng để quên tập, phải trở lại lấy và khám phá ra phòng của lớp đệ lục 2 ,buổi sáng ,cũng là phòng của đệ tam B, buổi chiều. Tôi bước đến bàn đầu phía tay mặt, ngồi xuống đúng chỗ của mình thuở xưa. Đưa tay xoa nhẹ trên bàn học, chẵng phải mơ nữa, nhưng… thiên đường ngày xưa đã mất thật rồi !.
Nhớ những giờ Pháp văn của Cô Liễng ( Bà Trần Ngọc Liễng), như còn nghe lại bài hát “Ce n’est qu’un Au-Revoir” ở giờ học cuối cùng. Nhớ Kim Oanh, người bạn hay chọc phá. Vẫn tiếc lần gặp vừa rồi cũng chưa có dịp để hỏi Kim Oanh, sao ngày xưa rủ tôi lại nhà chơi lần đầu bạn đã “đưa lầm” số nhà của Phan thị Hoa ?.
( từ trái sang phải : Yến Loan, Thu Liên , KIM OANH và ông xã KIM OANH )
Miên man tôi nghĩ đến Thu Hồng,người bạn cùng chia sẻ nhiều kỷ niệm của năm học chung duy nhất, người bạn thân mến tôi mãi tìm kiếm lâu nay, trong vô vọng.
Hoàng Thu Hồng ( áo len đen, phía trái, đầu tiên)
Thơ thẩn trên hành lang một hồi, rồi tôi bước xuống sân. Cái sân cát trắng không còn nữa. Nhìn mấy hàng cây ,nay cao lớn,khác hẳn những thân cây mãnh khảnh, thuở nào. Mấy chục năm qua nhanh … Buổi chiều một mình đứng giữa sân trường, bàng hoàng nhớ lại quảng đời hồn nhiên xưa, và tôi thấy những ngày ở Phan Châu Trinh thật êm đềm.
Phan thị Thu Hà( P.C.T. 1957-1964 )
Canada, tháng 4, 2009