Rời lũy tre làng với dòng sông quê lặng lẽ, tôi vào thành phố. Quê tôi chỉ cách trung tâm Đà Nẵng chừng 15 cây số. Bây giờ quê tôi đã “lên đời” cũng rộn ràng phố xá. Mọi thứ đều thay đổi đến chóng mặt…
Hồi đó ở quê, con gái ít đi học nên tôi là “động vật quý hiếm”, lớp tiểu học của tôi toàn con trai. Thi đỗ vào trường Phan Châu Trinh thì thật là oai.
Tác giả : Đan Thanh
Buổi đầu đi học của tôi, lá ngoài đường không rụng nhiều, một vài cánh phượng còn sót lại nằm lẻ loi trên tán lá xanh um. Trên trời mây cũng không bàng bạc trôi như ngày đầu đi học của Thanh Tịnh, lòng tôi cũng chẳng bâng khuâng, chỉ có sợ, mà cũng không biết rõ là mình sợ cái gì.
Có thể nói ngày khai giảng năm đệ thất là một ngày trong đại với tôi, chắc là cũng như thế với bạn bè tôi buổi ấy.
Tôi đến trường thật sớm, nhưng có nhiều bạn còn đến sớm hơn tôi, họ đứng tụm năm, tụm ba nói chuyện, cười đùa, còn tôi “đơn thương độc mã” vì chưa quen bất kỳ ai trong những tà áo trắng bay bay trong nắng thu ngày ấy.
Tôi còn nhớ,theo sự hướng dẫn của thầy tổng giám thị, chúng tôi đến đứng ở phần sân bên trái, thầy xướng tên từng đứa,sau khi nghe tên , chúng tôi lần lượt đi qua phần sân bên phải để xếp hàng, chỉ khoảng hơn 10 mét mà thấy xa chi lạ. Tôi còn nhớ anh bạn thời tiểu học của tôi là Lê Đinh Ba đã vấp ngã chúi dụi ngay giữa sân trường. Thế mà không một tiếng ô a hay cười cơt gì cả. Lạ thật.
Sau khi hàng ngũ chỉnh tề thì cả trường chuẩn bị tiến hành lễ chào cờ. Bây giờ tôi mới ngước mắt lên: cạnh cột cờ có hai anh chàng đồng phục trắng đang sẵn sàng thượng cờ…Nắng đã thắp sáng những ngọn cây cao và rạng ngời trong trái tim chúng tôi.
Hồi đó chỉ có lớp trên hát quốc ca , còn chúng tôi đứng nghiêm lắng nghe và im lặng tuyết đối. Bài hiệu đoàn ca thì chúng tôi mới được nghe lần đầu, nhưng lời ca hùng tráng mạnh mẽ như một lời hiệu triệu vang lên trong lòng chúng tôi, ai nấy đều háo hức rộn ràng một niềm vui khó tả….
Tôi nhớ trong bài diễn văn khai giảng, thầy hiệu trưởng đã dành hơn nửa thời lượng để nói về lớp đệ thất chúng tôi. Cả sân trường yên lặng, một bầu không khí trang nghiêm bao trùm lên tất cả. Chúng tôi nghe diễn văn của thầy mà cứ như là nghe lệnh tổng viên hay như nghe hịch “sát thát” vậy.
Lớp Đệ thất I năm học 1957-1958 toàn là con gái, đứa nào đứa nấy xinh xắn dễ thương.Tôi nhìn “chúng nó” thấy lo lo và chưa dám kết bạn với đứa nào.Ngồi cạnh ai bây giờ tôi cũng quên (ai ngồi bên tui vậy hè ?)
Lớp tôi có 5 người cùng tên Nhung, nhưng khác họ vì thế tên các bạn ấy thường đi kém với họ: Nhung Nguyễn, Nhung Lê, Nhung Trương, Nhung Phạm, Nhung Đinh. Tên trước, họ sau cứ y như “tây”.
Phạm Tuyết Nhung
Tôi thấy Nhung Trương “mắt nai” hiền lành nên kết bạn. Thế nhưng xui quá,bạn ấy “theo chồng bỏ cuộc chơi” quá sớm khiến tôi hụt hẫng.
Không ngờ từ đó bặt tin nhau,mặc dù tôi đã “gặp” Thùy An nhiều lần qua trang viết nhưng “văn kỳ thanh mà bất kiến kỳ hình”nên luôn ao ước được gặp lại.
Người ta bảo quả đất tròn, nhưng tôi nghĩ chắc là hơi méo vì nếu tròn thì sao tôi và Ái không gặp lại nhau.
Sau này tôi học cùng lớp với Vương Ngọc Hà từ đệ tam đến đệ nhất, lớp tôi có nhiều bạn gái đẹp lắm không những “xôn xao yến oanh” từ thưở còn đi học mà ngay đến tận bây giờ cũng nổi như cồn. Tôi không đẹp nhưng vẫn được anh Hà tìm ra cái để khen. Anh khen tôi có giọng nói ngọt ngào làm cho tôi vui quá.
Anh Hà ơi, sau này vào học Sư phạm Quy Nhơn tôi được chọn làm MC cho những ngày lễ… cho đêm Đại nhạc hội “Sóng thời gian” của trường..Năm 1967, thành phố Quy Nhơn tổ chức kỉ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tôi dược mời dẫn chương trình. Trời ơi, nhìn xuống cả một rừng người tôi run quá trời ,nhưng có lẽ nhờ giọng nói ấm áp như lời khen của anh mà người ta đã bỏ qua những sai sót của tôi.
Tôi nhớ một năm nào đó, hai bạn Trân Châu và Kim An được chọn làm hai Bà Trưng. Nếu có cơ duyên hai bà nhìn thấy “mình” chắc là hài lòng lắm.
Kim An
Tôi và “Trưng Trắc,Trưng Nhị” học chung với nhau suốt 4 năm. Cả hai bạn đều làm xao xuyến biết bao trái tim mới lớn. Trưng Nhị đã để lại trong trái tim anh chàng lớp trưởng của tôi một vết xướt ngọt ngào (không biết bây giờ đã lành chưa nhỉ ? ) Còn thầy dạy Việt văn đặt tên một cái hồ nhỏ ở Hòa Hải là hồ Vọng Châu khi tương tư nàng Trưng Trắc.Và trong anh Võ Ý thì rạng rỡ tuyệt vời "Tim tôi vỗ sóng Hát Giang. Trong mơ lớp lớp hàng hàng có em" (Voy)
Đi theo đám rước tôi cứ đăm đăm nhìn, bất ngờ đâm sầm vào một anh học trò Phan Châu Trinh, chắc cũng đang nhìn sửng sờ mà không thấy tôi. Cả hai đau điếng, nhưng chàng ta nhìn tôi cười cười:
- Có đau không ? ( Ai vậy hè, còn nhớ hay đã quên ?)
Tôi học không giỏi,nhưng mỗi năm đều lên lớp thẳng. Thú thật, mãi đến năm Đệ ngũ, được học toán với thầy Bùi Tấn, tôi mới biết toán- là-gì chứ trước đó tui “mù trời đông”. Con xin cảm ơn thầy đã thức tĩnh một neuron nào đó trên vỏ não của con
Hồi đó các thầy,các cô đều trẻ măng, chỉ có hai thầy Tần là đứng tuổi. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc trẻ mà oai lắm. Thấy thấy đi từ xa, chúng tôi đã giạt ra, cứ y như nước giạt ra cho mũi thuyền lao tới vậy. Bây giờ nhìn tấm ảnh của thầy tôi mới biết, chứ hồi đó tôi có dám nhìn thầy đâu.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc
Tuổi thơ trong sáng và đẹp đẽ quá, bảy năm học dưới mái trường Phan Châu Trinh là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời tôi,hay vì sau này đời tôi chìm nhiều hơn nổi nên những kỉ niệm những năm đèn sách ấy luôn ngát thơm trong tôi.
Bây giờ, cây sao (được trồng sau khi thầy Tăng vào trường một năm ) đã thành cổ thụ, mấy anh kiền kiền cũng là “cụ” cả rồi, chỉ có phượng đường Lê Lợi vẫn rực đỏ màu nắng,vẫn tươi nguyên sắc hạ
“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa ,cho tôi về đường cũ nên thơ, cho tôi gặp…”
Ôi ! những ngày xưa. Biết bao là thương nhớ.