Thằng Minh trịt

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Có lẽ các bạn sẽ trách tôi là “hỗn” khi gọi hắn bằng “thằng” mà lại còn nêu “hỗn danh” của hắn ra nữa. Nhưng các bạn có trách tôi cũng đành chịu , rằng quen mất nết đi rồi , biết làm sao hơn. Từ khi quen với hắn, học chung với hắn, thì trong xưng hô ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai giữa tôi và hắn là tau và mi, còn ngôi thứ ba là “thằng”, hoặc nói rõ hơn là “thằng Minh trịt, thằng Cu Líp” chứ chưa gọi “tôi” hoặc “anh” bao giờ . À quên, có chứ. Có một lần tôi gọi hắn bằng Anh và xưng Em ngọt xới.

Đó là vào mùa hè năm 1957. Ba tôi mang cả gia đình từ Quảng Ngãi về Đà Nẵng, thuê nhà ở số 46 đường Pasteur, gần sân vận động Chi Lăng. Căn nhà có mặt tiền là đường Pasteur, phía sau thông ra đường kiệt, nối từ đường Pasteur ra đường Đông Kinh Nghĩa Thục, (bây giờ là đường Ngô Gia Tự). Đường Pasteur  hồi đó buồn lắm, xe cộ thưa thớt, chẳng có quán sá gì; trái lại kiệt phía sau lại vui vẻ đông đúc, buôn bán đủ thứ. Từ Quảng Ngãi ra, tôi buồn vì chẳng có bạn bè, thường lang thang từ đầu kiệt đến cuối kiệt. Một buổi sáng, sau khi ăn chè đậu đỏ bánh lọt ở cuối kiệt, tôi trở về nhà . Đang đi bỗng đàng sau một chiếc vespa phóng tới, bóp còi inh ỏi, tôi giật mình nép sát vào trong; bất ngờ đầu tôi đụng phải cây chống cửa sổ của một căn nhà gỗ, cây chống tụt thẳng vào trong nhà: cửa sổ sập xuống  đập vào đầu tôi. Tôi nghe tiếng loảng xoảng của thủy tinh bị vỡ. Có nhiều tiếng la từ trong nhà: “Ai đó, phá nhà hả”. Tôi sợ tái mặt, chưa biết phải làm gì, thi có hai đứa bé trần trùng trục từ trong nhà chạy ra, mỗi đứa cầm một thanh củi lớn. Một đứa xỉa xói: “Phá nhà hả, bể đồ hết trơn rồi, vô mà coi; đứa kia cầm thanh củi định đánh vào người tôi, tôi lúng túng chưa biết phải phản ứng như thế nào, thì bỗng nghe tiếng quát lớn “vô nhà”, tôi sợ hết vía; nếu phải vào nhà người ta thì chắc lớn chuyện rồi. Nào ngờ sau tiếng quát, hai đứa bé tiu nghỉu đi vào nhà, và một thanh niên bước ra, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hỏi gọn “Răng rứa?”. Nghe âm thanh không nặng nề lắm, tôi bớt lo, lấy lại bình tĩnh để quan sát. Anh chàng cũng ở trần, chỉ mặc một cái quần xà lỏn màu đỏ, đi chân đất, tướng mập mạp khỏe mạnh, khuôn mặt vuông, mắt một mí, cái mùi hơi hếch, lưa thưa vài sợi ria mép. Với tướng nầy chắc tôi cự không lại nên phân trần, “Thưa anh… tại vì chiếc Vespa chạy nhanh quá, em phải tránh nên đụng cửa sổ nhà anh. Em xin lỗi…!”. Làm như không để ý đến lời phân trần của tôi, anh chàng hất hàm hỏi: “Dân mới đến hả”.  Tôi trả lời: “Dạ em ở Quảng Ngãi mới ra; nhà em ở đằng kia kìa”. Tôi vừa trả lời vừa chỉ về hướng nhà của tôi. Anh chàng lại hỏi: “Ra đây học trường mô?”. Tôi trả lời dài hơn câu hỏi: “Năm vừa rồi em học đệ thất trường Trần Quốc Toản Quảng Ngãi; ra đây em xin vào học đệ lục trường Phan Châu Trinh”. Thấy anh chàng không đến nổi “khó” lắm , tôi định hỏi chuyện học hành của y, nhưng không dám. Với tướng mạo của y, chắc là hơn tôi độ vài ba tuổi, học hơn tôi độ hơn vài ba lớp. Hỏi chuyện học hành của đàn anh là không phải phép, nên tôi im lặng. Như đọc được ý nghĩ của tôi, y vỗ vai tôi và cười: “Mi tuổi con chi?”. “Dạ em tuổi Quý Mùi “. Y càng cười lớn hơn. “Mi thấy tau già lắm hả! Tau cũng tuổi con dê, năm nay cũng lên đệ lục như mi, mi làm ơn bỏ dùm tau tiếng anh anh, em em, khó nghe quá”. Tôi như được tấm lòng. “Đồng ý thôi!”. Sau đó cuộc đối thoại trở nên rom rả hơn .”Mi tên chi - Tau tên Phước, còn mi? - Tau tên Mình, Hồ Dương Mình, bạn bè gọi tau là Minh Trịt. Gặp lúc tau vui thì được,  nhưng khi tau đang có chuyện bực mình mà gọi tau là Mình Trịt thì không được với tau mô”. Tôi thật bất ngờ trước tính khí sảng khoái và thẳng thắn của hắn. Nhờ hắn lưu ý từ thuở ban đầu gặp gỡ, nên trong suốt thời gian làm bạn với hắn sau nầy, tôi không bao giờ vì phạm điều hắn đã cấm kỵ.

Hồ sơ chuyển trường của tôi đều do ba tôi lo. Trường Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi cũng là trường công nên việc chuyển về trường Phan Châu Trinh chắc chẳng có gì trở ngại, hơn nữa ba tôi là công chức nên con cái được chuyển trường là điều đương nhiên. Tôi chỉ có việc là đợi ngày khai giảng. Khi còn năm ngày nữa là khai giảng. Ba tôi bảo tôi đến trường xem hồ sơ như thế nào, có cần bổ sung gì không. Tôi còn nhớ rõ, hôm đó tôi mặc áo báo (áo có in hình tờ báo với nhiều màu, quần soọc trắng, mang guốc mộc đi bộ từ nhà đến trường. Cảm giác đầu tiên của tôi là trường lớn và đẹp quá, hơn hẳn trường Trần Quốc Tuấn của tôi ở Quảng  Ngãi. Bước vào cổng trường, tôi ngạc nhiên khi thấy rất đông học sinh đang tề tựu trước sân trường, tất cả đều mặc đồng phục màu xanh áo trắng, lại có cả thầy cô hướng dẫn xếp hàng, rồi đưa vào từng lớp. Tôi hoang mang, không biết tại sao chưa đến ngày khai giảng  mà học sinh đến trường làm gì, lại con mặc đồng phục nữa chứ.  Nhìn lại cách ăn mặc của mình , tôi xấu hổ và ái ngại. Tôi định chạy về nhà thay quần áo, nhưng nghĩ lại, hôm nay mình chỉ đi xem hồ sơ chứ có đi học đâu mà phải mặc đồng phục. Trong đầu thi lý sự như vậy, nhưng tôi cũng nép vào cổng trường. Đợi cho học sinh vào lớp, tôi mới dám lần mò tìm đến văn phòng. Tôi bước vào phòng học vụ mà chân vẫn run. Trước mặt tôi là một cô giáo  đã lớn tuổi, tóc bới cao, mặt đẹp phúc hậu, đeo kính trắng, đang cắm cúi đọc tài liệu trên bàn. Tôi tiến lại gần nhưng không dám hỏi, khoanh tay đứng chờ. Bỗng cô bỏ kính xuống, ngược mặt lên, nhìn thấy tôi, có hỏi: “Em cần gì?” Tôi ấp úng trả lời: “Thưa cô, Ba em nộp hồ sơ cho em chuyển trường từ Trần Quốc Tuấn về trường nầy, không biết có được không.” Cô hỏi tên, tôi trả lời. Cô lại mang kính, lật tập hồ sơ trên bàn, dò từng tên. Tôi hồi hộp chờ đợi . Bỗng cô nói như reo vui: “Có rồi, em được vào học lớp đệ lục bốn”. Rồi cô nhìn tôi với đôi mắt tròn xoe. “Ủa hôm nay là ngày xếp lớp, các học sinh khác đã đến cả rồi , sao giờ nầy em mới đến. Em ăn mặc kiểu gì lạ vậy “… Tôi sợ điếng hồn nhưng cố giữ bình tĩnh: “Thưa cô, em không biết hôm nay là ngày xếp lớp, cô cho em về nhà thay đồng phục “. Cô hối thúc,  “Em đi nhanh lên “. Tôi mừng quá, cúi đầu chào cô, rồi đi nhanh ra khỏi văn phòng. Bỗng cô gọi giật lại, “Nè em, thôi trễ quá rồi, vào đây để cô viết giấy cho vào lớp. Em vào lớp lục bốn , trình giấy nầy cho thầy Nguyễn Đáo, là giáo sư hướng dẫn của lớp em đó”. Tôi cầm tờ giấy đi theo dãy hành lang. Một thầy mập và thấp chận tôi lại, “Em kia, đi đâu đó?”. Thầy xem giấy, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi lắc đầu   có vẻ chán ngán; thầy trả giấy lại cho tôi và chì cho tôi lớp lục bốn. Tôi bước đi những vẫn nghe được tiếng thầy lẩm bẩm: “Tướng nầy chắc cũng quậy phá lắm đây “. Tôi đứng trước cửa lớp , không dám vào. Mấy nữ sinh ngồi bàn đầu tròn mắt ngạc nhiên,  nhìn tôi như nhìn thấy người hành tinh. Thầy giáo bước ra cửa, nhìn tôi rồi nói: “Lớp đang học, em đi chỗ khác chơi “. Tôi vội trình tờ giấy cho thầy. Thầy xem qua tờ giấy, lắc đầu rồi lại nhún vai. “Thôi em vào đi”. Thầy tôi  nhỏ con, thầy xếp cho tôi ngồi bàn đầu  bên phải. Hai dãy bàn đầu bên trái dành cho nữ sinh. Tôi run quá, không dám nhìn ai, bước nhanh vào chỗ ngồi.

Bàn tôi có ba đứa , tôi bị ép vào ngồi giữa bàn. Sau nầy tôi mới biết, bên trái là thằng Trần Đình Hồng (hỗn danh là Cu Hon),bên phải là thằng Đặng Văn Di (sau này được đặt thêm tên  là Quách Gia Di. Thằng Đồng thuộc loại nhỏ con nhất lớp, thằng Di cũng không hơn gì; tôi thì cao hơn một chút nhưng cũng thuộc loại nhóc tì. Thằng Đồng chủ động làm quen với tôi: “Mi hên lắm đó! Gặp thầy Đáo hiền mi mới được vào lớp, chứ mi ăn mặc như ri mà gặp thầy Tòng, thầy Tạ hay cô Liệu  là mi bị đuổi rồi “. Tôi ngước nhìn thầy Đáo với đôi mắt biết ơn. Đang ngồi nghe thầy Đáo nói về chương trình học và kỷ luật nhà trường, thì phía sau có đứa vỗ lưng tôi, rồi đưa tờ giấy được gấp làm tư. Tôi mở ra xem: “Ê, thằng láu cá, mi muốn chơi “nổi” hả (ý nói cách ăn mặc của tôi), giờ ra chơi pạc-co (đánh tay đôi) với tau ngoài sân. Tôi ngạc nhiên và chưa có phản ứng gì thì thằng Di liếc qua tờ giấy, nói nhỏ với tôi: “Chết mi rồi thằng Lý Bửu Lâm đó, nó hay ăn hiếp ma mới lắm. Hắn ỷ chị hắn là Lý Ánh Tuyết, học trên bọn mình hai lớp, chị đẹp và hát hay nên được các anh trên đó chạy theo và thường xuống lớp mình để o bế thằng Lâm. Mi phải coi chừng hắn “. Tôi kín đáo nghiêng người qua một bên, nhìn ra phía sau để quan sát đối thủ. Hắn đang nói chuyện với thằng bên cạnh nên không thấy tôi nhìn hắn, Hắn có nước da trắng , trán hơi dồ,  môi mỏng, mắt sáng . Hắn nhỏ con có vẻ thư sinh. Chợt hắn quay lại, trợn mắt nhìn tôi đe dọa: “Mi nghinh hả?”. Tôi nhìn thẳng vào mặt hắn, rồi quay về phía trước. Tôi hoang mang có nên chấp nhận lời thách đấu của hắn hay không. Tướng bách diện thư sinh như hắn thi tôi không ngại lắm, đủ sức “chơi”. Nhưng mới vào trường ngày đầu mà đánh lộn thì chẳng hay ho gì. Hơn nữa, nghe thằng Di nói mấy anh ở lớp trên thường binh vực hắn , nên tôi cũng sợ.  Đang phân vân, tôi bỗng nghe tiếng gọi từ dãy bàn bên kia. “Ê, Phước, tau đây nè”. Tôi nhìn qua bên trái thì thấy thằng Mình Trịt. Tôi mừng quá, không ngờ tôi được học chung một lớp với hắn. Hắn vẫy tay chào tôi, rồi đưa nắm đấm về phía thằng Lâm như khuyến khích tôi, bảo tôi đừng sợ. Thi ra cả lớp đều biết chuyện thằng Lâm thách đấu với tôi . Tôi hiểu ý hắn, gật đầu với hắn , trong lòng thấy vui.

Giờ ra chơi, tôi và thằng Đồng vừa bước ra khỏi cửa lớp thì thằng Lâm từ phía sau  chụp cổ áo tôi và đưa thẳng nắm đấm vào gáy tôi, hắn muốn đánh phủ đầu. Tôi thụp người xuống, tay phải đánh vòng ra phía sau để gạt tay hắn , tôi bước lùi hai bước, cuối xuống tháo đôi guốc cầm tay,  xuống tấn thủ thế. Hắn tức giận vì đánh hụt; hắn gầm lên, phỏng cả hai chân theo thế song phi để đá  vào mặt tôi . Tôi đưa guốc lên đỡ. Nhưng bỗng người hắn bị giật ngược ra phía sau, mất thăng bằng, ngồi bẹp xuống đất, phía sau lưng hắn là thằng Mình trịt, một tay nắm cổ áo hắn, một tay vặn lỗ tai hắn. Minh trịt nói với hắn giọng kẻ cả: “Tau nói cho mi biết , thằng Phước là bạn của tau, mi ăn hiếp hắn là không được với tau mô. Mi đừng ỷ thế chị mi và mấy anh ở lớp trên, tau không sợ mô”. Nói xong Mình trịt buông thằng Lâm ra rồi đến  choàng vai tôi, dẫn tôi ra sân. Tôi biết hắn muốn chứng tỏ với thằng Lâm và các bạn trong lớp rằng tôi là bạn thân của hắn, mặc dù hai đứa tôi chỉ mới gặp nhau một lần qua tai nạn “cái chống cửa “.

Ra đến sân trường, hắn trở thành hướng dẫn viên và thuyết trình viên, nắm tay tôi đi khắp trường. Hắn giới thiệu phòng hiệu trưởng, phòng hội đồng giáo sư; hắn khuyên tôi không nên la cà những nơi đó . Hắn cho biết trường khai giảng đầu tiên năm 1952, khi đó mới có dãy nhà giữa; dãy nhà lầu và khối văn phòng được xây sau . Đi xa hơn, hắn giới thiệu cho tôi nhà thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc. Hắn còn chỉ cho tôi khu đất sau nầy sẽ làm sân bóng rổ và phòng thí nghiệm. Tôi ngạc nhiên hỏi hắn: “Tại sao mi biết ?”, hắn trả lời tự đắc: “Chuyện gì của trường nầy mà tau không biết”. Rồi hắn bật mí:  “Ba tau làm ở toà thị chính, bạn của thầy hiệu trưởng, lại có chân trong Hội phụ huynh học sinh, nên phải biết mấy chuyện đó chứ”. Hắn còn nói thêm “Mi biết không, Hội phụ huynh oai lắm. Chuyện gì của trường, thầy hiệu trưởng cũng mang ra bàn bạc với hội. Hội viên hội phụ huynh cũng chia ra làm ba loại, hội viên thường, hội viên tán trợ và hội viên danh dự. Ba tau là hội viên danh dự đó”.

Khi đi qua cột cờ ở giữa sân , hắn dừng lại giới thiệu: “Hàng tuần, sáng thứ hai, con trai mặc đồng phục quần trắng áo trắng , con gái mặc áo dài màu thiên thanh,  xếp hàng quanh cột cờ để chào cờ. Lớp nào trực thì xếp hàng từ cột cờ ra đến cổng để hát quốc ca và Phan Châu Trinh  hành khúc. Có thầy Hoàng Bích Sơn hoặc mấy anh lớp lớn, đứng trên bục để bắt nhịp. Còn các ngày khác, cột cờ là nơi để phạt những học sinh vi phạm kỷ luật. Hình phạt là phải đứng như trời trồng trước cột cờ, mười lăm phút hay nửa tiếng tuỳ theo tội nặng nhẹ”. Hắn còn khoe và dọa tôi: “Năm đệ thất, tau đã bị đứng cột cờ nhiều lần. Tướng lè phè, lấc cấc như mi, vào học ngày đầu tiên đã đánh lộn rồi chắc phải đứng cột cờ dài dài “. Hắn nói như vậy mà đúng. Sau nầy trong suốt thời gian học tại đây, hai đứa chúng tôi thi nhau đứng cột cờ; nếu  trường có thống kê, thì hắn và tôi tranh nhau kỷ lục. Bây  giờ chắc thầy Kế và thầy Duận  có thể xác nhận điều nầy. Đối với các học sinh khác, bị đứng cột cờ là một cực hình, vì hình phạt thi hành vào lúc tan trường; bọn con gái túa  ra, chỉ chỉ chỏ chỏ, bụm miệng cười , xấu hổ không chịu nổi. Nhưng với hắn thi khác, hắn đứng tỉnh bơ; bọn con gái cười hắn, hắn nhắn răng cười trả. Đôi lúc hắn còn buông lời chọc ghẹo, bọn con gái “quê”, bỏ đi một nước.

“Được” đứng cột cờ chung với hắn cũng là điều thú vị . Dường như được biết trước, bao giờ hắn cũng thủ sẵn trong túi quần, khi thì đậu phụng, hạt dưa, khi thì mứt gừng, mè xửng, đôi lúc còn có củ khoai lang nướng, hay mấy cục đường phèn. Đợi lúc thầy giám thị không để ý, hắn móc “lương thực “ trong túi quần ra chia cho tôi, hai đứa nhót nhép trong suốt thời gian “thi hành án”.  Mặc dù đã đề cao cảnh giác , nhưng cũng có một lần gặp tai nạn. Hai đứa chúng tôi đang đứng cột cờ , chia nhau củ khoai lang nướng, thì thầy Duận bắt ngờ xuất hiện. “ Hai em đang bị phạt ăn chi rứa?”. Hai đứa sợ xanh mặt, không dám trả lời vì trong miệng đầy khoai lang. Thầy nạt lớn, “mở miệng ra coi”. Hai đứa điếng hồn. Miếng khoai lang trong miệng lại ngoan cố, nở lớn ra; chúng tôi cố nuốt nhưng không được, hai má căn phồng. Thầy giám thị không nhịn cười được, trở nên bao dung. “Từ từ mà nhai, nuốt vội mắc nghẹn chết bây giờ “. Nói xong thầy bỏ đi. Sau khi nuốt được miếng khoai, hai đứa nhìn nhau cười ra nước mắt.

Đang đi bỗng hắn hỏi tôi, “Mi có đói bụng không?” Tôi chưa kịp trả lời thi hắn đã kéo tay tôi đi về phía sân sau của trường, qua bãi cát rộng, tiếp giáp với đường Duy Tân (bây giờ là đường Nguyễn Chí Thanh), được ngăn cách bằng hàng rào kẻm gai (bây giờ đã xây tường cao). Phía ngoài hàng rào là “hàng quán”. Bên trong học sinh bu đông nghịt. Bên ngoài bán đủ thứ, toàn những đồ khoái khẩu cho tuổi học trò như kẹo kéo, đậu phụng, cà rem, bánh bò, bánh tiêu , bò kho… Hắn nói với tôi: “ Mặc dù nhà trường đã có lệnh cấm học sinh ăn hàng, nhưng cái “chợ” nầy vẫn đông đúc , vẫn huyên náo vào giờ ra chơi “. Hắn dẫn tôi tới chỗ ông già bán bánh tiêu. Hắn đưa hai ngón tay, ông già hiểu ý, lấy dao mổ bụng hai cái bánh tiêu, xịt xì dầu, bỏ vào mấy lát ớt, gói giấy báo, rồi đưa cho hắn. Hắn đưa cho ông già một đồng, rồi chia cho tôi một cái bánh. Hắn thúc giục: “Ngon lắm, gần hết giờ ra chơi rồi, mi ăn đi”. Hắn nói đúng, ngon thật. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn bánh tiêu; ở Quảng Ngãi không có bánh nầy. Mùi bột mì chiên thơm phức, cọng với vị mặn của xì dầu và vị cay của ớt, tạo thành một hương vị đặc biệt, ngon không thể tả được.

Tình bạn của hắn và tôi được khởi đầu như vậy đó, cái chống cửa, lỗ tai thằng Lâm và cái bánh tiêu bên hàng rào, đã trở thành những kỷ niệm khó quên của tôi và hắn.

Cuối năm đệ lục, nhà tôi dọn về dãy năm gian  dành cho công chức bưu điện, ở cuối đường Lê Lợi, thuộc khu vực Dây Thép Bay. Nhà hắn  lai dọn về khu nhà  trả góp dành cho công chức Toà Thị Chính, đối diện nhà thờ Cao Đài. Tuy nhà hơi xa nhau, nhưng chúng tôi đến với nhau hằng ngày. Hắn ăn cơm trưa nhà tôi hay tôi ăn cơm tối nhà hắn là chuyện bình thường . Bác Đệ, ba hắn tính tình vui  vẻ và hiền nhưng đặt ra một khuôn phép mà tôi cho là quá khích. Hắn là con đầu, Bác yêu thương và đặt nhiều hy vọng vào hắn. Bác đã giao cho hắn cái nhiệm vụ “Quyền huynh thế phụ” ngay từ lúc hắn còn nhỏ. Hắn có uy quyền gần như tuyệt đối với bầy em của hắn. Em hắn sợ hắn như sợ cọp. Hắn đặt ra lịch sinh hoạt, học hành cho từng đứa em; đứa nào làm không đúng là hắn bắt nằm xuống bộ ngựa, lấy roi mây quất thẳng tay. Nhiều lần chứng kiến cảnh hắn đánh mấy đứa em hắn , tôi xót xa can ngăn nhưng hắn đều trợn mắt nạt lại tôi. Ngay cả hai bác Đệ trai và bác Đệ gái cũng vậy, mỗi lần hắn áp dụng gia pháp với các em, hai bác cũng không can ngăn mà lánh đi nơi khác. Hắn nặng tay với các em như vậy, nhưng hắn lại thương yêu bọn chúng vô cùng. Mỗi lần đi ăn uống gì hắn đều mua về phân phát cho các em. Có đứa nào đau ốm  gì là hắn nhất định “cúp cua” để ở nhà săn sóc.

Hắn và tôi càng  ngày càng thân nhau hơn . Chuyện gì cũng có nhau, ngay cả chuyện học hành cũng vậy. Hai năm đệ lục và đệ ngũ, hai đứa đều được xếp loại “thường thường bậc trung”; có nhiều tháng bị trừ  điểm kỷ luật, hai đứa thi nhau đội sổ. Nhưng qua năm đệ tứ, có lẽ do thầy Bùi Tấn dạy toán quá hay và thầy Quế dạy Kiều quá hấp dẫn , nên hai đứa chúng tôi như được ra khỏi đám mây mù , mà tiến bộ vượt bậc. Dù không tranh nổi với các siêu sao như Lương Mậu Dũng, Thái Thanh, Ngô Phước An, Phan Văn Hoàng, Hoàng Đại Đồng nhưng cũng được vào hạng ngũ “top ten”. Trong các kỳ thi đệ lục cá nguyệt, hai đứa cũng chộp được vài cái “chemise”, nhưng toàn những môn học phụ, còn các môn học chính đành phải nhường cho các siêu sao. Hai đứa có cùng sở thích trong việc chọn môn học. Năm đệ ngũ, tôi và hắn đều chọn Anh văn làm sinh ngữ chính, năm đệ tam thì hai đứa đều vào ban B, nên cả hai đứa luôn được học cùng một lớp.

Năm đệ tam  là năm xả hơi, chơi nhiều hơn học. Cả lớp chẳng thấy đứa nào vượt trội trong việc học hành. Ngoài những đứa “hiền như cục bột “ và những đứa “đậu phải cành mềm” trong kỳ thi trung học năm ngoái, phải ôn chương trình đệ tứ để thi lại. Còn những đứa khác, rất ít quan tâm đến chuyện học, chuyện lớp. Có lẽ cái tuổi “thập lục” đã bắt đầu hành hạ. Khi một vài sợi lông tơ đã xuất hiện trên mép, khi giọng nói đã bị hạ xuống vài “tông”, đứa nào cũng như bị dồn ép, như bị thôi thúc bước vào cuộc lãng du, đi tìm “nửa quả cam” của mình. Mà tìm đâu cho xa, ngay trong lớp mình cũng có, nếu không thì xuống mấy lớp dưới cũng được. Nói thì đơn giản như vậy , nhưng cuộc tìm kiếm cũng phải “trần ai, khoai củ”, cũng phải “trầy vi tróc vẩy”, cũng phải than vắn thở dài, cũng phải ca cho đủ sáu câu vọng cổ, mới mong tìm được nửa quả cam. Nhưng khi đã có được “ chiến lợi phẩm” trong tay, thì ngay lúc đó , hoặc vì nuối tiếc hay u mê, thì cũng chỉ vài ba năm sau, đứa nào cũng nhận ra đó không phải là nửa quả cam của mình. Rồi đứa nào cũng phải bị ép tim, đau không chị được, có đứa cho đến bây giờ, tuổi đã gần bảy mươi vẫn còn thấy đau. Tình yêu thuở học trò là “dẵng dai” và”tội nghiệp” như vậy đó. Tuy nhiên, tìm ra ngay cho nửa quả cam của mình, như Huỳnh Bá An, Lê Văn Thành, Võ Công, Đặng Văn Vững, Trần Xuân Đán, Nguyễn Hữu Trị. Thằng Minh trịt cũng không qua khỏi cái truông đó. Nhưng với tính khí ngủng ngẳng của hắn, vừa thiết tha vừa bất cần đời, hắn có lối “hành quân” riêng  vào cuộc tình của tuổi học trò. Hắn tâm sự với tôi “Mắc chi mà phải đi “cua” cho mệt; cứ trải lòng ra tình yêu sẽ đến”. Mà tình yêu đã đến với hắn thật - cũng ngất ngây, cũng choáng váng, cũng đau nhói trong  lồng ngực với N.T.K.P, với H.T.V, với Tr.T.H và cả với cô láng giềng tên Tr. nữa. Hắn yêu và được yêu rất nhiều. Nhưng tình yêu không làm cho hắn “lớn” lên tí nào , nó vẫn tinh nghịch, vẫn tìm cách phá thầy, chọc bạn, vẫn lạng lách chiếc Brumi trên đường phố, bóp “air” kêu xẹt xẹt, làm mọi người giật mình. Điều lạ nhất ở hắn là càng có tình yêu hắn càng học giỏi.

Thật vậy, qua năm đệ nhị hắn càng giỏi hơn. Cuộc cạnh tranh giữ tôi và hắn càng trở nên quyết liệt. Khi thầy Trần Đại Tăng dẫn cả lớp vào “không gian” mới, thầy vẽ trên bảng hình bầu dục mà bảo là hình tròn, vẽ một góc bẹt hay góc tù lại bảo đó là góc vuông. Thầy đã đưa chúng tôi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác; chúng tôi phải căng đầu ra, phải tưởng tượng suy luận và khám phá. Riêng với hắn, như được thầy đả thông kinh mạch, hắn mê môn toán, hắn mê thầy Tăng, hắn trở nên ngoan ngoãn, chuyên cần, không còn cúp cua nữa.

Thi Tú tài bán phần tại Đà Nẵng, cả lớp đậu hơn hai phần ba. Như vậy là giỏi lắm rồi. Thầy Ngọc Hiệu trưởng và thầy Tôn Thất Lan giáo sư hướng dẫn rất hài lòng về kết quả nầy. Đậu xong, bọn tôi những tưởng phải “bỏ trường mà đi” như nội dung vỡ kịch mà trước đây hai năm, các đàn anh như Phan Nhật Nam, Võ Ý đã làm cho các thầy cô không cầm được nước mắt. Thì may thay, kịp lúc Bộ Quốc Gia Giáo Dục  cho phép trường Phan Châu Trinh mở thêm các lớp đệ nhất, Ban A và Ban B. Riêng Ban C Pháp văn phải vô Hội An, và Ban C Anh văn ra Huế. Được tiếp tục học tại trường, chúng tôi mừng vô cùng.

Năm đệ nhất, những ông “tú đơn” học để thi làm “tú kép “. Ngoài những giờ học tại trường, hắn và tôi ít gặp nhau; những sáng kiến và kế hoạch quậy phá của chúng tôi như bi khựng lại, đứa nào cũng phải ở nhà để “gạo” bài. Chương trình toán của lớp đệ nhất quá nặng. Thầy Thiện được mời từ Huế vào. Thầy trò chạy đua với thời gian; thứ bảy, chủ nhật  cũng phải đi học , đầu óc chúng tôi như muốn căng ra, chịu hết xiết. May mà có giờ Triết của cô Phan Thanh Gia Lai, đưa suy nghĩ chúng tôi về một hướng khác bằng ánh mặt trìu mến và giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát của cô.

Việc học hành thì có kẻ tám lạng người nửa cân, nhưng những chuyện khác thì hắn vượt trội hơn tôi rất nhiều. Về thể thao hắn là hậu vệ dự bị của đội bóng tròn trường Phan Châu Trinh, và là cầu thủ chính thức của môn bóng rổ. Cũng nhờ là bạn thân của hắn, nên tôi được làm cầu thủ dự bị môn bóng rổ ra Huế tranh giải thể thao học sinh miền Trung. Đoàn do thầy Lê Quang Mai phụ trách và thầy Trương Văn Hậu làm phó. Tôi còn nhớ trong trận chung kết môn bóng rổ gặp trường Quốc Học-Huế, không biết thầy Mai có cho xử dụng dopping hay không, mà đội Phan Châu Trinh đã chơi một trận xuất thần, dẫn điểm liên tục, ghi nhiều điểm nhất là Nguyễn Văn Lượng, Phan Văn Gà và Nguyễn Văn Bé. Hắn không ghi nhiều điểm nhưng là một hậu vệ cứng cựa, ngăn chặn hầu hết các đợt xuống bóng của đội Quốc Học. Khi cách biệt đã là 20 điểm, khá an toàn, thầy Mai cho tôi vào thay hắn ở vị trí hậu vệ trái. Tôi mừng run, bắt tay hắn ở đường biển rồi xông vào trận. Sau vài lần chuyền bóng thăm dò, có lẽ đối thủ đã biết được vị trí của tôi là yếu nhất,  nên liên tục tấn công và càn lướt. Tôi bị  té nằm dài xuống sân ba bốn lần , tôi đưa tay lên la “Tạ Xộ” (tiếng Tàu ý nói địch thủ phạm lỗi), nhưng trọng tài không nghe, vẫn cho trận đấu tiếp tục. Chỉ chưa đầy năm phút , đội Quốc Học ghi liên tiếp 8 điểm. Thầy Mai thấy không ổn, nên lại đưa hắn vào thay tôi. Thay vì bắt tay, hắn lại xoa đầu tôi tại đường biên. Hắn muốn an ủi tôi , nhưng tôi cũng tức muốn điên lên được. Cuối cùng đội Phan Châu Trinh thắng đội Quốc Học với tỷ số 87/83. Thầy trò chúng tôi nhảy lên vui mừng. Tôi cũng vui đến không cầm được nước mắt. Thầy Ngọc Hiệu trưởng từ Đà Nẵng gọi điện thoải ra để khen ngợi. Không biết thầy Ngọc nói gì với thầy Mai, mà tối hôm đó thầy Mai dẫn cả đội đi ăn bánh khoái ở cửa Thượng Tứ.

Hắn năng nổ và tháo vát trong mọi công chuyện. Hắn viết chữ không đẹp, to như con gà mẹ, nhưng khi lớp giao cho hắn trình bày trang bìa tờ báo của lớp, không biết hắn có tự vẽ hay nhờ ai vẽ, mà sáng hôm sau, hắn mang đến ba mẫu trang bìa, mẫu nào cũng đẹp. Khi lớp có kế hoạch sửa chữa bàn ghế thi hắn trở thành ông phó mộc với đầy đủ cưa , bào, đục từ nhà mang đến. Hắn làm tất cả, mấy đứa khác, trong đó có tôi, đều trở thành thợ vin hoặc để cho hắn sai bảo mà thôi .

Hắn rất thông minh và có đầu óc sáng tạo, nhưng hắn chỉ đầu tư một nửa sự thống minh sáng tạo của hắn vào chuyện học hành, nửa còn lại dùng để tìm cách quậy phá thầy cô và bạn bè. Ví dụ như chuyện cột hai vạt áo của bọn con gái đang ngồi ở bàn trước. Cái trò nầy thì đứa nào cũng làm được, nhưng hắn thì khác; bao giờ hắn cũng tìm cách cột hai vạt áo của hai đứa con gái ngồi xa nhau. Đến khi đứng dậy để ra chơi hoặc ra về, bọn con gái dính nùi lại với nhau, la ơi ới, phải một lúc sau mới gỡ ra được. Để chọc chiều cao quá khổ của thầy Duận, hắn lấy hai lon sữa bò, cột dưới đôi xăng đanh của hắn. Thầy Duận đi trước, hắn đi theo sau với bộ mặt nghiêm trang , tiếng lon sữa bò  khua lộp cộp. Bỗng thầy Duận quay đầu lại, hắn giật mình, mất thăng bằng, té chổng vó. Lon sữa bò sút ra, lăn dài trên hành lang. Cả lớp cười như nức nẻ; thầy Duận cũng cười theo. Thầy cúi xuống đỡ hắn dậy, véo lỗ tai hắn rồi thầy bỏ đi. Như vậy là thầy đã tha cho hắn. Hắn xoa lỗ tai, cuối hề hề. Chuyện cái lồng đèn Quốc Khánh 26/10 năm đệ nhị cũng vậy. Nhà trường ra lệnh mỗi lớp đều phải làm một cái lồng đèn, năm ngoái theo sáng kiến của trưởng lớp Trần Văn Đệ, lớp đã làm một lồng đèn hình chữ Phan Châu Trinh rất lớn, thắp sáng bằng hai bình ắc quy. Lồng  đèn này được chấm giải nhất  và được dẫn đầu đoàn rước đèn của trường , nhưng tốn công, tốn của nhiều quá. Năm nay, khi cả lớp đang thảo luận, nên làm lồng đèn thế nào cho đơn giản, ít tốn kém. Hơn nữa năm nay phải chuẩn bị thi tú tài bán phần, đứa nào cũng lo học, không còn tâm trí để lo chuyện làm lồng đèn. Bỗng hắn đứng dậy xung phong làm lồng đèn cho lớp. Chưa ai kịp có ý kiến gì thì hắn nói sẽ tự bỏ tiền ra mà không đụng vào tiền quỹ của lớp. Hắn chỉ yêu cầu năm đứa mà hắn sẽ mời riêng, đến nhà hắn để làm lồng đèn. Tự nhiên có thằng điên mang ách vào cổ, nên cả lớp đồng ý giao việc làm lồng đèn. Điểm mặt năm đứa đến nhà hắn, thấy toàn là dân “chịu chơi” gồm  có Phan Độ, Quách Thưởng , Trương Văn Thương, Đỗ Bá và tôi. Sau khi uống nước do mấy đứa em của nó phục vụ, nó vào đề ngay: “Tau thấy làm lồng đèn kiểu chi cũng xấu, cũng chẳng có ý nghĩa gì. Lớp mình là Nhị  B2 thì chỉ làm hai chữ B thiệt lớn, vừa đơn giản vừa lạ mắt, bảo đảm không giống ai, bọn bây có đồng ý không?” Khi nghe hắn nói lồng đèn hai chữ B , trong đầu mỗi  đứa lại loé ra một ý tưởng tinh nghịch khác nhau. Bỗng cả bọn reo lên như cùng một lượt: “Hay lắm, Hay lắm, được đó, được đó” có đứa khoái chí cười ngặt nghẽn. Hắn kết luận ngang xương. “Nếu bọn bây đồng ý, tau đã tính hết rồi, bọn bây không đứa nào biết làm lồng đèn, hơn nữa có thì giờ đâu mà làm. Tau đã đi khảo  giá mấy ông thợ mã ở vườn hoa Diên Hổng rồi, lồng đèn hai chữ B cao 8 tấc, rộng 5 tấc giá  30 đồng. Bọn mình 6 đứa, mỗi đứa 5 đồng; còn chuyện bắt điện, đèn đóm tau lo. Được chưa? Nộp tiền đi. Đứa nào chưa có, tau cho mượn “. Được quá đi chứ, cả bọn không ngờ hắn năng nổ, tháo vát, tính toán đâu vào đó như vậy. Bây giờ mới hiểu tại sao hắn “mời” toàn  những đứa  “chịu chơi”, sẵn sàng chấp nhận hậu quả, chỉ cần thấy “dzui” là được rồi.

Tối quốc khánh, toàn trường tập trung lực 6 giờ rưỡi. Đến 7 giờ thi chấm điểm lòng đèn,sau đó sẽ rước lồng đèn khắp thành phố. Lớp nào cũng có một lồng đèn lớn và nhiều lồng đèn nhỏ cầm tay. Mặc dù chưa đến giờ chấm điểm, nhưng tất cả lồng đèn đều đã được thắp lên. Lung linh, bừng sáng sân trường. Sáng kiến của từng lớp được thể hiện qua lồng đèn, thôi thì đủ thứ. Nào ngôi sao cao hơn một thước. Bản đồ Việt Nam vì quá cao nên phải được đặt nằm ngang. Huy hiệu trưởng Phan Châu Trinh chung quanh có gắn đèn đủ màu… Nào quả địa cầu làm theo kiểu lồng đèn kéo quân, quay được. Đặt biệt nhất là sáng kiến của lớp nào đó, mà tôi không nhớ. Đó là một lồng đèn hình hộp, dài như một tấm băng rôn, có chữ Mừng Quốc Khánh, được gắn trên hai chiếc xe đạp, phía sau là một dàn trống cơm.

Lớp nhị bê hai xếp hàng ngồi đợi thằng Mình trịt mang lồng đèn đến. Đợi lâu sốt ruột , trưởng lớp Trần Văn Đệ kiếm đâu không biết, mang về mười hai cai lồng đèn bánh ú để phân phát. Đứa nào cũng đùn đẩy, không chịu cầm; đứa nào cũng cho rằng lớn rồi mà chơi lồng đèn bán ú thì “quê” quá. Cuối cùng chỉ có bọn con gái và Đệ cầm lồng đèn mà thôi . Đến giờ chấm điểm, thằng Mình trị mới mang đến chiếc lồng đèn đã được gói kín trong giấy báo. Cả lớp bu quanh; hắn mở giấy báo ra, kẹp giây điện vào bình ắc quy, hai chữ B sáng rực lên. Cả lớp khoái chí cười như nấc nẻ, tranh nhau cầm lồng đèn,  như những cầu thủ bóng đá thắng trận tranh nhau chiếc cúp vàng. Cả trường xôn xao , bàn tán về hai chữ B. Thầy Tôn Thất Lan, giáo sư hướng dẫn, từ phòng hội đồng đi xuống, quan sát chiếc lồng đèn. Không biết thầy nghĩ gì, chỉ thấy thầy cười và phán một câu: “Bọn bây ẩu quá “. Rồi thầy bảo cả lớp giữ trật tự, xếp lại hàng, để ban giám khảo đến chấm điểm.

Thầy Duận dẫn đầu Ban giám khảo đến. Cả lớp im thin thít. Thầy nhìn lồng đèn, nhíu lông mày, rồi hỏi: “Lồng đèn chi lạ ri. Hai chữ B là chi?”. Thằng Đỗ Bá đang cầm lồng đèn, đứng gần thầy, trả lời tỉnh rụi: “Thưa thầy, lớp bọn em là nhị bê hai. Hai chữ B là biểu tượng nhị bê hai đó”. Thầy gật đầu, cầm sổ định cho điểm thì tai họa ập đến. Không biết đứa nào xấu miệng phun ra một tràng: “Brigid Bardot, Bay bướm, Bồ bịch, Bê bối, Bậy bạ…” Thầy khựng người lại, nhìn thẳng Đỗ Bá trân trân; thầy “hừ” một tiếng rồi đi qua lớp khác. Kết quả là tối hôm đó lớp tôi bị phạt không cho đi rước lồng đèn . Hai ngày sau, hết lễ Quốc Khánh, sáu đứa chúng tôi bị đứng cột cờ; lần nầy “lương thực “ được chuẩn bị đầy đủ nên chẳng có đứa nào buồn.

Viết một mạch đến đây , tôi tự cho phép mình nghỉ xả hơi vài ngày để viết tiếp về người bạn của mình, vì hắn còn nhiều điều đáng để viết. Vậy mà Hồ Cư và Đặng Văn Sở lại đến giục bài, bảo viết nhanh để còn gởi vào Sài Gòn. Tôi chợt nhớ đến lời nói của thằng Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng trong lần họp lớp tại nhà chị Như Ý. Hắn nói, không phải bài nào cũng được đăng, anh em Sài Gòn sẽ biên tập lại. Nghe “biên tập lại “,tôi thấy run. Tôi sợ thằng Cung Văn méo mó nghề nghiệp của hắn trước 1975 mà “tự ý đục bỏ”. Nếu bài nầy “tự ý đục bỏ”  thì chân dung mập mạp, khỏe mạnh của thằng Minh trịt sẽ trở thành hình hài ốm yếu , hom hem của thằng Cung Văn mà thôi .

Sợ thì sợ,  nhưng nghĩ rằng đây là tập san cuối đời của lớp mình, nên tôi mạnh dạn việt tiếp đoạn cuối.

Năm 1963, chúng tôi lều chỏng ra Huế làm “học trò trong Quảng ra thi”. Xứ Huế nhiều ruổi tôi ngáp được một con khá lớn, nên đậu kỳ đầu; hắn ngáp được con nhỏ hơn , nên đậu kỳ hai. Đậu xong, để thực hiện mộng phiêu bạt giang  hồ, hắn rũ tôi vào Sài Gòn để học đại học. Tôi xin phép ba tôi đi theo hắn  nhưng không được, tôi đành ra Huế học MPC với Phan Văn Báu và Bửu Hoài. Hắn một mình vào Sài Gòn, cũng học MPC. Năm 1964, bác Đệ gái mất, hắn về thọ tang. Tôi ở Huế vào phụ hắn lo tang lễ. Nhìn hắn ngồi ủ rũ bên quan tài , chung quanh là một bầy em, tôi thấy được gánh nặng sẽ đè lên đôi vai của hắn. Sau tang lễ của mẹ hắn, hắn quyết định bỏ học . Hắn không vào Sài Gòn nữa mà ghé Nha Trang để vào trường sĩ quan hải quân. Ra trường, mang lon thiếu uý, hắn phiêu bạt từ đơn vị này đến đơn vị khác. Gặp hắn tại Đà Nẵng,  tôi thấy hắn chững chạc hơn trong bộ đồ sĩ quan hải quân, lại thêm bộ ria mép, oai và đẹp quá chừng. Hắn lên trung uý và về làm Duyên đoàn phó Duyên đoàn Cửa Việt. Từ đó tôi không gặp hắn nữa.

Tháng 1/1968, chưa đến tết Mậu Thân, tôi trốn tại Trung Tâm Thanh Niên Phật Giáo đường Công Lý Sài Gòn (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Đang ngồi bàn với anh em sinh viên Phật tử Sài Gòn về chương trình văn nghệ mừng tết Nguyên Đán, thì nhận được cú điện thoại của thằng em họ của tôi, trước đây cũng có học trường Phan  Châu Trinh Đà Nẵng, đang làm việc ở Bộ tư lệnh Hải Quân. Em họ tôi báo tin Hồ Dương Minh đã chết tại Quảng Ngãi. Tôi lặng người đi, rời bàn họp, trở về phòng của mình ở lầu 2. Hình ảnh thằng Minh trịt tràn ngập trong tôi. Tôi chơi thân với hắn không phải bởi sự tương đồng mà bằng sự dị biệt . Hắn có cá tính mạnh mẽ, góc cạnh và sắc nét. Cá tính của hắn đã bổ sung  cho những khiếm khuyết của tôi. Hắn đã “về phe” và bênh vực tôi trong các giao tiếp với bạn bè. Hắn đã kích thích tôi trong việc học hành. Và điều quan trọng hơn là bản tính vừa thiết tha vừa bất cần đời của hắn đã có tác động sâu sắc quan điểm về tình yêu và cuộc sống của tôi sau nầy.

Hắn sinh năm Quý Mùi và chết năm Đinh Mùi, hưởng dương được hai con giáp. Vì vậy, trong tôi hắn luôn luôn là một thằng bạn hai mươi lăm tuổi, vẫn còn nguyên si những thông minh, năng nổ, nhiệt tình; vẫn còn đầy đủ những nét lém lĩnh, khôi hài và quậy phá.

Mình trịt ơi, tụi tau bây giờ, những đứa cùng học một lớp với mi, đang thọ hơn mi bốn mươi tuổi, tóc đã bạc trắng (nếu như không nhuộm) , gối mõi chân mòn, mặt mày nhăn nheo, xấu xí. Thời gian và cuộc sống đã bào mòn tụi tao hết những góc cạnh, trở nên tròn quay đến độ lẩm cẩm. Thỉnh thoảng tụi tao vẫn gặp nhau, vẫn thương nhau, nhưng rất ngại ngùng hai tiếng “tau” “mi”. Minh trịt ơi, mi như vậy mà sướng. Mi vẫn còn được chơi với những thằng bạn mãi mãi tuổi hai lăm như Phan Độ, Đỗ Bá, Hoàng Đại Đồng, Ngô Văn Nhạn. Ở chốn ấy chắc bọn bây vẫn còn quậy phá như độ nào, và chắc chắn vẫn còn nguyên si hai chữ “mi”, “tau”. Tau gởi lời thăm tất cả.

Đà Nẵng, 11/9/2007

Cu Líp Nguyễn Văn Phước 

(Tác giả: Cựu Học sinh PCT.ĐN, khoá 56-63. Từ trần ngày 24/2/2021 tại Đà Nẵng. Hưởng thọ: 79 tuổi)

CuLip NguyenvanPhuocNguyễn Văn Phước 

 

HoDuongMinh

Hồ Dương Minh