Lá Lửa Phượng Đỏ Và Năm Tháng

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Giotanhoc

Với tôi thành phố ấy chừng như bốn bề là trường học. Trường Phan Châu Trinh, Phan Thanh Giản, Sao Mai, Bán Công Nguyễn Công Trứ, Bồ Đề, Nam tiểu học, Nữ tiểu học, trường Thánh Tâm, trường dân Tây, trường tiểu học Thanh Bình...Trường học và trường học, áo trắng vờn áo trắng, tóc bay và tóc thề. Ở sâu mãi cùng tôi, Phan Châu Trinh nằm hoài trong tưởng nhớ, cứ một chạm điện rung lên hai tiếng Đà Nẵng là chồm lên trong vực hồn ngôi trường có hàng phượng đỏ, có khoảng sân chữ nhật dựng một cột cờ...Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi, đồng lòng cùng đi  hy sinh tiếc gì thân sống...rồi ngân lên xót xa trong ngậm ngùi...Bao nhiêu năm vì đất nước quên thân mình...

Ôi sân xưa sao ngày đó ngập chân trong biển cát mà bầy đàn chúng tôi hồn chao chát mộng, guốc giày lún sâu chẳng thấy nóng chân, chẳng thấy nặng lòng ! Làm sao nặng lòng nổi khi lũ chúng tôi có cô Bùi Bích Hà nói tiếng Pháp hay như đầm, có cô Liệu hiền như ma sơ, có cô Ngọc  Quỳnh trẻ như nữ sinh, có cô Bội Hoàng sang hơn mệnh phụ, có cô Phùng Khánh da trắng như ngô sữa, có cô Hà chân dài, có cô Hiếu tóc bồng, có thầy Tăng dạy Toán, có thầy Nguyễn Đăng Ngọc, thầy Chương, thầy Duận, thầy Mai, có thầy Trần Nhất Hoan của Nỗi Buồn Ngày Tháng Cũ, có thầy Trầm, thầy Thanh, thầy Tòng...Những người thầy của một thời mà mộng ước dệt vào tương lai cứ rạo rực trên từng sợi tóc. Những người thầy ấy chắc không hề biết họ là thần để thương , là hình để nhớ của nhiều trò nữ cứ thẹ thẹ dõi theo thầy những tia nhìn mềm hơn cả nước mưa. Sau này hình như mù hơn cả vô thức lũ con gái lớn lên cứ ngong ngóng tìm cho mình một người đàn ông , giống hao hao như ông thầy của mình. Vậy mà hễ nghe thầy cưới vợ, nghe cô lấy chồng là buồn hờn tê giận và cũng không dám biết tại sao mình lại tái tê trong lòng.

 PCTDenhatAMedium

Chao ôi, Phan Châu Trinh ngày đó có bao nhiêu phòng học tôi không nhớ nổi. Chỉ nhớ một dãy lầu hai tầng nhìn xéo ra khu mã Tây sau này cát trắng với la liệt xương rồng mộ chí san bằng thành trường Nữ Trung Học. Còn hoài trong miền nhớ một dãy lớp dành cho các anh đệ nhất A, nhất B, nhất C, nhị A, nhị B, oai ơi là oai.

PK DeNhiC 2821R

Có bờ tường dài nằm xây lưng một vạt dương xỉ mà chúng tôi cứ ngoan cố gọi là rừng. Rừng dương xỉ của trường tôi không âm u không bạt ngàn nhưng là rừng dương xỉ của chúng tôi. Một rừng dương để giờ chơi lũ con gái lẽn ra aó trắng lẫn vào gốc cây , tíu tít mua vài gói sim nhung bọc trong gói giấy, ngậm ngọt vào môi mà mơ lớn lên được ai hôn mình. Xa bên kia mặt đường, ngủ trong lùm cây là một dãy doanh trại của công binh tạo tác. Nhứng người lính của một thời binh hùng tướng mạnh vụt một cái chạy lùi, băng biến vào dĩ vãng bại trận buồn ơi là buồn. Nỗi đau ấy , hơn ba mươi năm vẫn nhọn như lá dương. Tội nghiệp những ngọn lá dương, bọn tôi giờ ra chơi vẫn tẩn mẫn ngắt ra cắm lại rồi đố nhau- nhìn cho kỹ vô,  chỉ xem tau ngắt chỗ mô. Thua ! Đúng là cứng cựa gà chọi không thua gì đàn ông miền dương xỉ, cọng lá thông vẫn chỉa thẳng lên như chưa từng bị ngắt lìa hai đoạn.

Ui chao hàng phượng đỏ mọc trước sân trường,mỗi khi ham ngủ dậy trễ, lội bộ dọc đường Khải Định , dọc đường Quang Trung dọc theo Nguyễn Hoàng hối hả đến trường. Hàng hàng lớp lớp đang hát Quốc Ca, đang suy tôn Ngô Tổnhg Thống, cổng chính, cổng phụ khóa chặt. Lũ học trò lỡ trễ giờ năm phút cũng bị phạt đứng đường, có khi 10  phút sau ông cai trường mới đủng đỉnh mở cổng cho vào. Con trai nhiều đứa ức, cuốn tròn ba cuốn vở đút vài túi quần , thuồn vô ngực áo dông thẳng xuống Diệp Hải Dung thời kem Eskimo. Con gái bố bảo không dám trốn học, rủ nhau đứng buồn so dưới tán cây phượng, mắt đỏ lên vì lo lắng không thua gì màu đỏ của hoa phượng mùa thi. Đã vậy gã đàn ông mặt mụn nhà ở góc đường cứ ép sát bụng dưới của hắn vào hàng rào trâng tráo nhìn từng vạt áo, từng lưng quần trắng tươi rồi ném ra những câu ghẹo dơ tục không đứa con gái nào dám lập lại để mách cô, mách thầy ...Cô ơi thằng cha đó chọc dê bọn em  ! Thầy ơi răng hắn nhìn bọn em lom lom, nói tục chi dễ sợ mà hai con mắt hắn đỏ lừ như máu. Phải mất mươi mười năm sau, lũ con gái lớn lên có chồng có con lúc đó mới chịu hiểu những lời dơ dáy và những gân máu đỏ trong mắt đàn ông là cái gì.

Thôi thôi hổng thèm nói về hắn nữa, uổng giấy đi. Hãy nói vể bãi biển Sơn Trà, Mỹ Khê, Tiên Sa, Nam Ô và Thanh Bình. Đó là thành phố biển, ngôi nhà đường Đinh Tiên Hoàng của bố mẹ tôi đêm nằm nghe biển động như nghe người chết gào trên đầu sóng. Đó là một thành phố hơn 30 năm chưa một lần về, nhưng những con đường, những hàng sao cao, những tán phượng đỏ chùm trên bến sông sẽ không xóa nổi dù một ngày.

Hôm đó tôi nhớ hoài nhớ hủy , trường tôi không có một học sinh nào dù ho cảm hắt xì cúm lạnh, tuyệt không có một trò nam nữ nào chịu vắng mặt. Đó là ngày linh mục Nguyễn Văn Vàng đến trường nói chuyện với Tuổi Trẻ Việt Nam. Vẫn là sân trường cát, vẫn là rừng dương xỉ, vẫn là hàng phượng rưng rưng màu hoa máu nhưng lũ chúng tôi hôm đó như thể lần thứ nhất với tay được thiên đàng.

Té là vậy, thiên gàng có từ một giọng nói, từ một niềm hi vọng khao khát hoà bình để lũ con trai lứn lên không bị tống vào lính học nghề bắn giét. Tôi thật không thể nhớ nổi những gì cha Vàng nói trong buổi sáng vàng chói đó, nhưng suốt đời , lớn lên rồi phải già đi, chưa giọng nói nào vang động trong óc não tôi lâu tới như vậy. Cũng chưa có một nhà hùng biện, một chính khách nào có thể nói những lời xuyên thẳng vào từng khe tim thớ thịt người nghe như linh mục Nguyễn Văn Vàng ngày đó. Sáng hôm đó lũ chúng tôi đứa nào cũng ngửa cổ lên cố mà kiểng chân đứng như hàng cây, như lính trồng chân trong biển cát. Lúc ông cởi tấm áo choàng đen đưa cho thầy hiệu trưởng, lời ông vừa cất lên đã là sóng biển là muôn muôn gió trời đổ xuống. Từng âm ngữ trong lồng ngực, từng lời sâu thẳm của ông dù quên, dù nhớ vẫn sống với tôi cho tới tận bây giờ.

Sau 1975 cha Vàng bị án tử hình. Đó là một ngày Sài Gòn mưa như  thác đổ  . Tôi không thể viết, không thể  nói dù một nửa lời, nửa câu vể cái chết của vị linh mục có giọng nói mang đầy thần lực như vậy. Vì đó là một tàn diệt, chém phăng, chặt lìa một thế hệ còn biết mộng, biết mơ vào thần tượng, vào cái đẹp như chúng tôi.

                                                                * * *

Hơn ba mươi năm sau, tôi thấy tôi không còn đứng giữa một vạt rừng dương xỉ nữa. Không còn thấy doanh trại của Sư Đoàn II sau lưng trường Phan Châu Trinh. Tôi thấy tôi giữa chập chùng rừng núi của Blue Mountains.

Ở vùng núi xanh này, những tháp chuông giáo đường, những mái ngói đủ màu , con người và ngay cả xe cộ vẫn thở chung một hơi thở với mây trời trên cao giữa một rừng nguyên thủy thâm u và cùng cốc, với những khu phố vẫn kiêu hãnh gọi là village cứ ngoằn nghèo cõng nhau bò dần lên, Lapstone. Katoomba...Những tên gọi, những thành phố vươn hoài lên ngất nghểu. Dưới lưng đèo một hun hút rừng già nằm dưới chân, quanh năm suốt tháng xanh mịt xanh mù.

Có một chiều hè Ngọc, Hùng, Thịnh, Thủy...từ  Melbourne lên thăm, gọi mobile phone ơi ới dưới chân núi:

- Rừng của ông bà cháy rồi, làm sao lên bây giờ ?

Tôi tỉnh queo :

- Mời quí vị men theo chân núi mà thượng sơn. Chỗ đường lộ tôi vẫn exercise đó. Một bên rừng già u tịch, một bên suối chay rạt rào. Trữ tình lắm đó, tha hồ mà rên.

Hùng cười phá lên :

- Bộ không nghe xe chửa lửa hú còi hả ? Đường mòn đường lộ đỏ lừ hết rồi. Xe cộ đang nêm chặt dưới chân núi, hạ sơn, thượng sơn đều kẹt cứng.

Tôi bắt đầu hoảng :

-Cháy lớn không ?

Ngọc  ré lên trong máy :

- Sời ơi ! Chạy ra mà xem, Blue Mountains của bà vậy là thành hắc sơn rồi đó.

Tôi tông cửa chạy ra. Trời ơi Trời ! Bốn bề ngùn ngụy bốc lửa. Khói tuôn tuôn lên đen nghịt cả trời. Vậy mà tôi lại tỉnh bơ léo nhéo trong điện thoại với bạn có biết mô tê gì đâu ? Máy lạnh chạy ì ì, thêm hai lớp màn để xua đi trận nóng mùa hè – Nóng ơi nóng à, bay làm ơn chạy chơi chỗ khác cho mệ nhờ, mệ không ưa trời nóng. Thành ra, thành ra, lửa tung hoành bốn bề mà mệ bơ mặt ra chúi mũi đọc Núi Hồn của Cao Hành Kiện.

Rõ ràng thần hoả đang thắng thế. Tôi rụng rời tay vhân, quớ lên không biết phải làm gì trước, làm gì sau ?

Mới tuần trước bị một phen kinh hoàng rồi. Mười hai giờ đêm, nhà sát bên tự nhiên đùng đùng bốc lửa. Đang ôm gối ngủ vùi, bà hàng xóm đập cửa rầm rầm, mắt nhắm mắt mở, chúng tôi bị bà kéo thốc ra đường không cho vào nhà nữa. Chỉ biết đứng chôn chân như phổng đá nhìn sửng những cuồng lửa phừng phừng phun lên từng luồng. Kèo cột nóc nhà vách tường bị bọn lửa cuồng nộ phanh thây xẻ gỗ, thui đen hết. Cũng may, bốn năm xe chữa lửa hú còi đến kịp. Bọn lửa phản loạn bị dập tắt, để lại một xác nhà đen nhẻm. Khói than âm ỉ hai ngày chưa hết mùi khét.

Bây giờ đúng là kịch liệt nhé, xe chữa lửa hú còi cả ba bốn bìa rừng. Đúng là tá hoả tam tinh không còn biết đường nào mà chạy nữa. Trước nhà, sau nhà, cả một gầm trời đen đặc, khói toả mù mù. Tôi chạy vào nhà, rồi tôi chạy ra đường, cứ thế ngây ngô nhìn quanh. Phải nhanh lên, nhanh lên chứ, phải chọn cái gì quan trọng nhất, tống vào xe chứ. Albums hình ? Phải rồi, hình lúc nhỏ, hình thời con gái còn tươi rói mộng, hình mới chụp mộng xì như bong bóng hết hơi, hình của Nga Mi Tiên...những tấm hình sẽ không bao giờ chụp lại được nữa. Ôm mớ bản thảo đi ? Ôm luôn computer đi, nhưng dây dợ chằng chịt như rô bô, làm sao gở kịp ? Ôm áo quần, giấy tờ, sách vở ? Trời ạ, sao tự dưng bây giờ cái gì cũng thân thiết thế này !  Biết vơ cái gì để ôm theo ? Mà có chắc gì cái thân này nó chịu dính mãi vào tôi không ? Tôi là cái gì nhỉ ? Là cơn hoảng sợ này ?Là những tủi thân không thể thốt lên lời ? Là những lần á khẩu mắt mở trừng trừng , nghe từng gân giận xiết chặt quả tim tôi ? Là những lần đau như dao cắt ruột ? Tôi là cái gì đây mới được chứ ? Để cháy rừng, mình cuộn lại mang theo ? Để buồn tình, mình mang theo ? Để điên lên, mình đốt đi ?

Ôi chao, những oắt con cuồng lửa của Úc, cứ đến mùa khô lại lủi vào rừng bắt chước Neron đốt thành La Mã. Kinh thành tráng lệ dân đổ máu xây cho hoàng đế, vua phải ra lệnh đốt, đốt cho dân của vua biết thế nào là địa ngục đỏ lừ, vua mới có cảm hứng ngửa mặt lên trời phun ra một ngụm thơ , phải nhìn nhà tan cửa nát, nhìn thần dân hoảng loạn Vua mới thấy Vua thực sự là Vua. Cũng như đàn bà phải banh da sẻ thịt mới thực sự là đàn bà. Phải cực kỳ ngoan hiền để ngậm ngùi mang tiếng là chính chuyên vợ hiền . Phải nghiến răng chịu đựng để nuốt nghẹn hai chữ hạnh phúc vào lòng lúc bị người mình thương yêu sơi tái. Phải thế này và phải thế nọ ...một trăm linh mươi cái phải cột chân , cột tay như những người đàn bà tội tình ở A Phú Hãn , ở Iraq mới vừa bụng đàn ông.

Trời ơi, sao đến bây giờ tôi mới biết hận cái thứ hạnh phúc ung thối mùi oan nghiệt của những người đàn bà ở cái xứ toàn núi non hang động và dầu hoả đó ! Không biết ngày bị bỏ rơi, Đà Nẵng có đau như Baghdad bây giờ không ?

Bao nhiêu năm nhân loai chết điếng vì đại họa khủng bố. Không phải ba ngàn người chết thảm ở New York làm nhân loại bàng hoàng đâu . Con người đã từng chết thảm hàng trăm triệu người rồi. Mà là ...vụt một cái, hai toà nhà chọc trời biến thành nấm mồ khổng lồ, là vụt một cái , cả nhân loại già đi một trăm tuổi.

Hôm đó đứng ngơ ngáo giữa một vùng lâm sơn bỗng dưng tôi hoảng hốt, cây xanh vụt biến thành cây già, y như những đứa bé con , những thiếu nữ xuân thì trong chớp mắt đã biến thành những mặt người nhăn nheo như quả trám khô.

Hãy tưởng tượng hơn sáu tỉ người trên mặt đất biến thành lọm khọm hết. Giữa một khu rừng còn âm ỉ hơi lửa, tôi vẫn lạnh toát cả người, cố quay đi không dám nhìn cội cây chết cháy nữa. Rừng đen, rừng thinh lặng, lòng người cũng đen và thinh nặng, cũng bị những vật lộn tranh dành thiêu đốt đời này sang đời khác. Thế hệ này miệt mài thui đen thế hệ kia. Rồi mai kia mốt nọ nhân loại sẽ để lại cho con cháu một quả đất nhăn nheo cùng cực y như con ốc mượn hồn bị thui đen trong không gian vô tận.

                                                                   *  *  *  

Sau trận cháy rừng hai tuần, tôi dẫn Loan và Phi Phi thăm lại khu rừng gần nhà bị thần hoả thiêu rụi. Ba cô nương mỏi cổ trông chờ không còn thấy một bóng chim. Chim đen chim xám cũng không còn một mống, nói chi những chim vàng chim xanh chim đỏ mọi ngày vẫn lách chách nghịch phá trên vòm cây. Loan mải mê săn hình, tôi cố đi tìm xem còn gốc cây nào mởn ra một mầm xanh không ?

Mới hai tuần trước khu rừng này xanh rì, bây giờ là những cội cây đen đứng trơ cành bên nhau. Blue Mountains biến thành Black Mountains mất rồi. Tôi cẩn thận rờ tay lên từng cây cháy, từng cây chết, những sớ gỗ bể toang như than khô để nghe trong sâu thẳm đất trời tiếng rên nhỏ của gân gỗ chết.

Cả ngàn ngàn cội cây trong khu rừng chết đen, cành khô trần trụi không còn một phiến xanh, vẫn cố vươn thẳng lên tìm một mảng trời. Cũng may rừng chết cháy, nhưng rừng không co quắp biến dạng như người, những thây người bị hàng tấn bom xăng thiêu đốt, xương lẫn thịt tan vụn trong xà bần bê tông cốt sắt, mười nghìn năm nữa chưa hết đau.

Lang thang một lúc, bọn tôi mới tìm thấy một cội cây chết, chỗ rễ cây bị cháy đen vẫn nhú lên một chùm lá hồng ngay sát gốc. Tôi gọi Loan đến để xem chùm lá non trông như lá lửa.

                                                                *  *  *

Ngán cháy rừng, một năm sau chúng tôi dọn về khu người Việt ở, thỉnh thoảng tôi lại rủ Loan về thăm rừng cũ. Hàng ngàn gốc cây tưởng rằng chết đen, vẫn bám nguyên mầm sống. Lá lửa biến thành lá xanh. Khu rừng sau nhà cũ của chúng tôi lại xanh um, thác vẫn reo và chim vẫn hót. Chỉ có một gốc cây già bị sét lửa tét đôi coi như chết hẳn. Tôi ôm cội cây chết, đòi Loan chụp hình. Tôi nói nhỏ với cây, Cây ơi đừng buồn nữa, dù sao cây chết cháy vẫn thơm mùi lá rừng. Người chết vì bom xăng ở New York đau lắm, cây biết không ?

Tôi nói với cây ba mươi năm sau và ba mươi năm sau nữa, trường Phan Châu Trinh của tôi chắc vẫn còn đó chẳng bò đi đâu được.

Lệ Hằng ( Úc châu )