Người Bạn Cùng Trường

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu

( Thôi Hiệu   )

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

Tản Đà dịch .

Từ gần đầu đường Phan Châu Trinh , đi vào con hẽm bên trái khoảng 10 m, rẻ ngay tay mặt là đến đúng nhà tôi muốn tìm . Từ thuở còn đi học tại trường Phan Châu Trinh , tôi thường vào con hẽm này hàng tuần không biết bao nhiêu lần . Xóm nhà quá quen thuộc đến độ từng chi tiết nhỏ trong xóm tôi đều thuộc nằm lòng . Đó là nhà của Nguyên , bạn tôi , nằm trong xóm nhỏ này , kế bên ngã ba hai đường Trưng Nữ Vương và Phan Châu Trinh . Hai nhà chúng tôi tuy nằm trên hai con đường không cùng tên , nhưng chỉ cách xa chừng độ 200  m , vì thế chúng tôi thường xuyên qua lại với nhau là vậy .

Mỗi ngày bọn tôi đến trường bằng xe đạp . Đạp thẳng hết con đường Phan Châu Trinh , đến ngã Năm  , chạy tiếp theo hướng đường Lê Lợi là đến trường . Chúng tôi mạnh ai nấy đi . Mỗi sáng trước khi đi học , đứng trước sân nhà , tôi có thể nhìn thấy “ đám Cẩm Lệ “ đạp xe ào ào từ hướng Chợ Mới, rẻ trái theo đường Phan Châu Trinh, là tôi biết được đã tới giờ tôi cũng phải đến trường . Không đi chung ,nhưng tan trường thì cùng về chung .

Vì là bạn cùng xóm ,cùng trường  và laị cùng lớp nên Nguyên và tôi rất thân thiết . Thêm vào đó , cuối tuần chúng tôi cùng chơi bóng rổ với nhau tại sân trường Thọ Nhân gần nhà , cho nên tình bạn bè càng gắn bó hơn . Thuở đó trường Thọ Nhân có sân bóng rổ tốt lắm, là nơi hay tổ chức giải bóng rổ vô địch miền Trung . Nơi đây gần như là điểm hẹn của bọn chúng tôi vào mỗi cuối tuần . Thường thì chúng tôi chơi bên sân đất kế bên , chỉ có một rổ ,  được gắn trên thân cây dừa . Khi nào “ xếp lớn “ của trường nghỉ chơi thì đám tụi này mới được vào sân xi măng chính chơi ké .

Không biết hồi tiểu học bạn tôi học trường nào . Không biết tại ngày xưa tôi vô tình không hỏi đến hay vì ngày nay đã lú lẫn qua tuổi đời chồng chất , nên không còn nhớ ra ? Chúng tôi biết nhau từ năm Đệ thất  . Những ngày tan học sớm , Nguyên và tôi thường rủ nhau la cà mọi nơi . Bên kia bến đò Hà Thân , đi thẳng tới phía trước sẽ gặp con đường lớn có xe cộ đủ loại chạy ngược xuôi . Tại ngã tư này , nếu tiếp tục đi thẳng , sẽ đến bãi biển Mỹ Khê không xa , nếu rẻ phải là hướng đi Ngũ Hành Sơn hay quay về laị thành phố theo ngã cầu Trịnh Minh Thế , còn rẻ traí là hướng đi đến núi Sơn Trà .

Tại đây ,theo hướng Sơn Trà , đi khoảng 500 m là đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh . Nơi đây có một thư viện khá lớn dưới mắt chúng tôi thời ấy . Họ cho học sinh được làm thẻ thư viện và được mượn sách đem về nhà . Những năm Đệ thất, Đệ lục , bọn tôi thường qua đò Hà Thân , đến thư viện quân đội này đọc báo hay mượn sách . Đặc biệt nhà thầu đò ngang  ( qua sông ) ngày ấy không thu tiền với những học sinh nhỏ như chúng tôi , thành thử ngày đó chúng tôi rất hãnh diện mỗi khi bước xuống đò trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng , nhất là có bảng tên trường Phan Châu Trinh thêu trên áo nữa .

Tôi còn nhớ rõ , tại bến đò , bên này bờ sông Hàn , có một xe ba bánh bán bánh mì thịt. Vào những ngày trời mưa lất phất, se lạnh , chúng tôi ghé mua mỗi đứa một ổ . Bánh mì miền Trung thời buổi đó còn “ khiêm nhường “ lắm . Ổ bánh mì với dăm ba lát thịt ba rọi, chan thêm vào m  ột chút nước béo , mặn mà và một ít rau ngò , ớt. Vậy mà hồi đó ăn sao thấy ngon lạ lùng . Sau này thỉnh thoảng ghé qua Paris , ăn bánh mì chính cống của người Việt mình tại quận 13 mà vẫn thấy nhớ đến ổ bánh mì bên bờ sông Hàn ngày nào !  Tôi cũng đã có dịp qua Cali thưởng thức bánh mì Lee’s Sandwiches vang danh , cũng như mới đây về Sài Gòn ăn bánh mì Như Lan nổi tiếng , mà sao chẳng bao giờ tìm thấy lại được “hương xưa ngày cũ “ .

Thời Trung học Đệ nhất cấp trôi qua thật êm đềm . Hàng ngày đi học , cuối tuần chơi bóng rổ tại sân trường Thọ Nhân . Mùa hè , tụ điểm thường là bãi biển Thanh Bình vào những buổi sáng tinh sương , chơi đá banh hay đánh bóng chuyền trên bãi cát , rồi nhảy xuống tắm biển đến xế trưa , hay có những đêm trăng sáng , gối đầu trên cát nhìn sao trời mà mộng mơ . Mỗi tối thứ bảy , xuống Ty Thông Tin Đà Nẵng , trước tiên xem phim thời sự “ Ngô Tổng Thống đi kinh lý “ , sau đó là phần văn nghệ . Chúng tôi đứng dưới đường , ngóng cổ nhìn lên balcon xem các “ nghệ sĩ “ thành phố đờn ca . Chủ nhật thì gồng mình đạp xe qua cầu Trịnh Minh Thế , đến tắm taị bãi biển Mỹ Khê , dưới cái nắng thiêu đốt của ngày hè . Tại đây thỉnh thoảng thường bắt gặp các bậc đàn anh đàn chị Phan Châu  Trinh “ nhởn nhơ “ với nhau trên biển xanh cát trắng , hay dưới bóng thùy dương râm mát . Chúng tôi thấy họ “ đáng nể “ thật , vì ngày đó tụi này vẫn chưa biết “ tình là cái chi chi “ !

Cuối năm Đệ tứ , mỗi đứa tự hài lòng với mãnh bằng Trung học Đệ nhất cấp , sau những tháng ngày học thi căng thẳng . Năm Đệ tam dưỡng sức thoải mái để chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài I vào niên học kế tiếp . Đây là kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời chúng tôi . Bởi lẽ nếu đậu thì được hoãn dịch học tiếp, còn ngược lại chẳng may thi rớt , thì phải “ xếp bút nghiên theo việc đao binh ”. Vì thế niên học Đệ nhị , chúng tôi học “bán mạng “.

Bình thường hễ ai chăm học , phần chắc sẽ thi đậu . Nhưng cuộc đời cũng có những nghịch lý không ai muốn ! Câu “ học tài thi phận “ lại đánh trúng ngay vào anh bạn của tôi .Sau kết quả kỳ thi , đa số bạn bè cùng lớp say sưa trong danh phận “ cậu Tú tân khoa “ , thì Nguyên âm thầm chuẩn bị hành trang đi làm bổn phận của “ trai thời chiến “.

trung tam Tuyen mo va nhap ngu VNCH 02

Ngày Nguyên vào Trung Tâm Nhập Ngũ số 1 tại Đà Nẵng tôi có đến thăm . Nhìn Nguyên trong bộ đồ lính với tóc được cắt ngắn sát da đầu , thoạt tiên nhận không ra bạn mình . Lúc ấy là thời gian vào gần cuối năm 1966 . Sau đó , thỉnh thoảng tôi có nhận được thư của Nguyên viết từ quân trường Quang Trung và Đồng Đế .

Sau Hè 1967, khi  tôi mới vào năm đầu tiên tại đại học Sài Gòn thì bàng hoàng hay tin Nguyên đã tử trận tại chiến trường Bình Định . Vẫn biết rằng  “ Cổ lai chinh chinh chiến kỷ nhân hồi “ , nhưng làm sao không buồn được khi người đó chính là bạn thân  của mình . Không ngờ rằng lần gặp bạn tại Trung Tâm Nhập Ngũ chiều hôm đó lại là lần gặp gỡ cuối cùng trong đời của chúng tôi .

Hôm nay , sau mấy chục năm mới bước vào lại con hẽm ngắn này, lòng bồi hồi nhớ đếng người bạn hiền năm xưa . Thắp nén nhang trên bàn thờ , cúi đầu khấn vái trước di ảnh người bạn quá cố . Nhìn hình bạn mà nhớ lại bóng mình ngày xưa... Nhẩm lại mới đó mà cũng đã hơn bốn thập niên qua. Bạn nằm xuống vào tuổi đời 20 . Còn tôi 45 năm sau trở về nơi xưa chốn cũ như người khách lạ từ phương trời nào .

H.B.N  ( PCT 1960 – 67 )