Ký Ức Thời Đi Học

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

NguyenXuanChauĐời học sinh ai cũng có tâm trạng vui buồn khi học các môn của bậc trung học. Những môn mà ta thích thú và say mê, nếu được học với những thầy cô đáng kính yêu thì thật tuyệt vời. Tôi nhớ năm Đệ Nhất cấp có thầy Nguyễn Trung Hối thanh nhã, lịch thiệp, đi dạy lúc nào thầy cũng mặc chemese trắng “không đô ngang”, rất đẹp và “lạ” nhất trường !  Vở ghi bài học môn của thầy cũng “lạ lẫm”  và thật “ấn tượng“. Các phương trình hoá được tô màu đẹp mắt, đóng khung rất dễ nhớ và dễ thuộc.

Vào năm cuối cấp ba, môn Triết học khô khan và khó hiểu như môn Vạn Vật, nhưng cô Phan Thanh Gia Lai đã đem môn Tâm lý giáo dục vào bài giảng và sự thân thiện, vui vẻ của cô khiến chúng ta cảm thấy thích thú giờ học của cô. Và còn nữa, những thầy, cô rất nhiều tài năng về văn nghệ như thầy Tôn Thất Lan, thầy Trần Đình Hoàn, thầy Hoàng Bích Sơn, cô Lê Khắc Ngọc Quỳnh… và cũng có  thầy thi sĩ mộng mơ như thầy Trần Đại Tăng, yêu học trò nhưng có lần muốn “Bỏ trường mà đi”… Tất cả quý thầy, cô ấy đã cho chúng ta những khoảnh khắc khó quên của tuổi học trò.

Bên cạnh những giờ học vui thích đó, chúng ta cũng có những giờ lo âu, sợ sệt. Đó là những giờ dễ bị “nhặt trứng vịt “ hay “được cho” con vịt nhỏ về nuôi.

Có khi còn “được” nhận thêm “cây gậy càn khôn” để giữ vịt. Những giờ học “toát mồ hôi” đó thật khó quên phải không các bạn.

Những buồn vui xen kẽ ấy theo ta trong suốt cuộc đời học trò, nhất là hai hai năm đầu cấp: Đệ Thất và Đệ Lục khi còn bỡ ngỡ trước những kiến thức xa lạ và mới mẽ của bậc Trung học . Tôi đã  học lận đận với môn Anh văn, phải nỗ lực thật nhiều tôi mới theo  kịp các bạn cùng lớp. Đến năm Đệ Ngũ và Đệ Tứ tôi cảm nhận được sự say mê của mình với môn Việt văn và Toán. Từ đó , tôi dành nhiều thời gian học hai môn nầy, nhất là môn Việt văn.

Tôi thích những giờ học của thầy Nguyễn Ấm và thầy Hồ Sĩ Hồng. Tôi say mê phân tích thật kỹ tâm lý và thân phận của những nhân vật trong các tác phẩm của nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” hay những áng văn tuyệt tác của các thi sĩ Cao Bá Quát, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ v…v…

Năng khiếu về Văn giúp tôi đạt nhiều thành tích học tập về môn này, cùng bạn Trần Xuân Đán, hai chúng tôi là những học sinh luôn có điểm cao nhất của thầy Hồ Sĩ Hồng. Cả hai thay nhau làm “Chemise”.  Đán thì giỏi về văn chương, lời văn lưu loát, mạch lạc làm mê mẫn người đọc, còn tôi lại chuyên về  nội tâm nhân vật và chủ đích của tác phẩm. Đã có lần thầy Hồng khen tôi khi bình luận về Thuý Kiều: “Hiểu Kiều, như Kiều hiểu mình” và thầy cũng không ngần ngại phê trong bài làm và học bạ của tôi: “Có năng khiếu về Văn, nhiều triển vọng”. Nhờ nỗ lực ấy nên cuối năm Đệ Tứ tôi nhận được phần thưởng Việt văn. Thầy Nguyễn Ấm và thầy Hồ Sĩ Hùng đều khuyên tôi nên học ban C - Ban Văn chương khi lên Đệ Tam. Nhưng tôi lại học ban B - Ban Toán vì tôi vốn dốt Anh văn, và lại kiến thức về Toán của tôi cũng rất khá. Hai môn Văn - Toán cho tôi nhiều thích thú nên tôi “ đầu tư” rất kỹ.  Nhờ vậy, tôi có cơ hội dạy học tại các trường tư thục ở Sài Gòn khối Đệ nhất cấp và giúp tôi nhận được phần thưởng quý giá “Luận văn tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc về kinh tế tài chánh khi ra trường.

Như nhiều bạn, tôi cũng trải qua những hoàn cảnh gian truân, vất vả trong đời đi học.  Mỗi mốc thời gian đều để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, nhiều “ấn tượng” khó quên.

Tôi nhớ mãi năm học lớp Nhì trường tư thục Hoàng Diệu, thầy Kiện dạy tôi báo tin trường Nam Tiểu học tuyển học sinh vào lớp Nhất. Thầy khuyên tôi nộp đơn dự thi với bạn Trần Văn Đệ. May mắn thay, tôi được vào học lớp Nhất C của thầy Nguyễn Định cùng các bạn Phạm Phú Quý, Huỳnh Ngọc Lạc…

Năm học này cũng đầy kỷ niệm với tôi. Học sinh lớp Nhất được phân thành hai loại : Học sinh học cả hai năm Nhì và Nhất của trường Nam Tiểu Học và học sinh chỉ học một năm lớp Nhất như tôi. Học sinh nào học đủ hai năm Nhì Nhất thì được duyệt xét cấp bằng “tốt nghiệp Tiểu học”. Còn những  “đối tượng” như tôi thì phải qua kỳ thi tốt nghiệp để lấy bằng, dù cuối năm lớp Nhất có xếp loại là học sinh giỏi!!!

Trước kỳ thi tốt nghiệp chúng tôi được ôn thi hàng ngày vào buổi chiều, còn các học sinh được xét công nhận tốt nghiệp thì cứ vui chơi ngoài sân trường cho đến hết giờ học! Các bạn có sẻ chia được nỗi buồn của tôi không?  Nhưng “cái khó , bó cái khôn”, các bạn ạ! Việc ôn thi lại trau dồi kiến thức thêm sâu đậm nên đã giúp tôi trúng tuyển vào lớp Đệ Thất trường Phan Châu Trinh niên khoá 1957.

Chuyện thi vào Đệ Thất trường Phan Châu Trinh cũng để lại nhiều dấu ấn khó quên. Tôi nhớ nhất là cô Phạm Thị Tịnh Hoài, thay thầy Nguyễn Định dạy lớp Nhất C và dạy chúng tôi  ôn thi Bằng Tiểu  học và thi vào Đệ Thất trường Phan Châu Trinh.

Số học sinh dự thi rất đông nhưng số lượng vào Đệ Thất chỉ có một trăm học sinh. Thầy trò chúng tôi phải “dùi mài kinh sử” cho đến 5 giờ chiều khi trường Phan Châu Trinh làm lễ hạ cờ. Thì thỉnh thoảng chúng tôi cùng chào cờ với học sinh trường Phan Châu Trinh vi hai cổng trường đối diện nhau. Những lúc như vậy, cô Hoài thường khích lệ chúng tôi: “Các em cố gắng, ôn thi thật tốt để sang năm qua đó  chảo cờ nghe chưa!”. Vì cô hiểu rằng sức học của chúng tôi có rất nhiều triển vọng vì lớp Nhất C là lớp cô có nhiều học sinh giỏi. Lời dặn dò chân thành của cô làm chúng tôi vô cùng cảm động và nhớ mãi công ơn dạy bảo của cô cho đến bây giờ. 

Sự tận tâm của cô Hoài và quyết tâm vào Đệ Thất trường Phan Châu Trinh của chúng tôi đã đem lại thành quả vô cùng quý giá. Tất cả học trò cưng của cô đã được vào Đệ Thất trường Phan Châu Trinh.

Sáng hôm có kết quả trúng tuyển, chúng tôi đến báo tin mừng với cô, thầy trò vui cười sung sướng, hạnh phúc. Cô Hoài vừa khen chúng tôi vừa dặn dò: “ Các em giỏi lắm, vào trường Phan Châu Trinh rồi đó, phải ráng học nghe chưa!”. Lời của cô bao giờ cũng đầy thương mến và nghiêm nghị với học trò. Tất cả bọn tôi đều “dạ” thật lớn để tỏ lòng biết ơn cô và càng thấy yêu kính cô hơn. Cô cười thân thiện và “khao” chúng tôi bằng chè “Ngã Năm” nổi tiếng cho tình thầy trò thêm sâu đậm!

Sau thử thách thi vào trường Phan Châu Trinh tôi còn phải chịu sự cam go lúc học MGP của Đại học Khoa học Huế. Tôi ở trọ cùng anh em Lương Mậu Cường và Lương Mậu Dũng là những học sinh ưu tú ở Đà Nẵng. Nhà bọn tôi thuê ở đường Phạm Ngũ Lão-đường hàng me. Dũng và Cường là sinh viên Đại học Sư phạm Toán và Lý, còn tôi là sinh viên “Tự do”. Việc học của tôi chẳng được thông suốt do sinh viên Huế đấu tranh rất nhiều, hay bãi khoá, xuống đường biểu tình. Tôi vô cùng lo lắng cho việc học của mình, chưa định hướng được gì cho tương lai. Nhưng rồi một dịp may hiếm có đã đến với tôi khi học viện QGHC tuyển sinh, tôi vội nộp đơn để hy vọng có cơ hội vào Đại học chuyên ngành. Khó khăn lại đến với tôi lần nữa, vì thời gian chuẩn bị thi rất ngắn, tài liệu và nội dung thi lại là chương trình Đai học Luật, một giáo trình rất dày. Tôi phải bỏ các giờ của thầy Tân, thầy Hanh, thầy Trí ở MGP và luôn cả giờ phụ khảo của thầy Phan Xuân Huy để tập trung ôn thi. Thời gian này, thật vất vả, chẳng có giờ để nghỉ ngơi và ăn uống vì giáo trình Luật quá dày và khó. Tuy nhiên, tôi lại thấy thích thú nên nghiên cứu thật kỹ. Nhờ vậy tôi nắm vững các nội dung cơ bản của giáo trình kinh tế và chính trị. Mặt khác, tôi cũng quyết tâm vào học viện để có tương lai như những sinh viên ngành Y, Dược, Kỹ sư…

Sự khổ nhọc ấy cũng được đền bù khi tôi nhận giấy báo trúng tuyển. Khỏi nói các bạn cũng biết tôi sung sướng đến nhường nào!

Nhưng một nỗi lo lắng khác lại đến với tôi vì thời gian nhập học cận kề (do Bưu điện chuyển giấy báo trúng tuyển chậm mất ba ngày). Tôi chỉ có một tuần để vào Sài Gòn. Với tôi, lúc đó Sài Gòn là cả một chân trời mới, một miền đất xa lạ, nhiều thử thách và không ít cám dỗ. Ở đó tôi chẳng có ai thân thích để nướng tựa lúc ban đầu. Nhưng trên tất cả là tương lai, là vinh dự bản thân và gia đình, nên tôi quyết vào trình diện nhập học.

 Ngày lên đường bố mẹ tôi cũng không muốn cho tôi đi vì lo cho sự đơn chiếc của tôi nơi đất khách quê người. Bố mẹ muốn tôi cứ học ở Huế, gần nhà, gần bố mẹ. Nhưng tôi phải năn nỉ bố mẹ để tôi vào Sài Gòn, mặc dù tôi vẫn thấy Huế đẹp và thơ, “Huế buồn muôn thuở “ như bạn của chúng ta - nhạc sĩ tài ba Trần Nhật Ngân đã tâm tình trong “Huế và Em”: “Dù có lênh đênh trăm núi ngàn sông xin anh chớ quên Huế buồn muôn thuở và…. Em, nhé Anh!”.

Quên sao được khi Huế là nơi luôn giữ chân lữ khách tha phương mỗi khi về thăm lại Huế và để thấy lòng lâng lâng theo chiếc nón bài thơ cùng nét dịu dàng thanh nhã của tà áo tím mộng mơ.

 Bốn năm học Đại học tôi cũng vất vả không kém. Từ chỗ ăn ở của những ngày mới vào Sài Gòn với vô vàn bỡ ngỡ trước cuộc sống nhộn nhịp của Sài Thành cho đến gần một năm sau, tôi mới thích nghi được cuộc sống đó. May nhờ anh bạn tốt bụng người Đà Nẵng đã giúp đỡ cho tôi rất nhiều. Anh Huỳnh Viết Xu học ở Đại học Nông Lâm Súc luôn động viên tôi cố gắng vượt quá khó khăn thử thách này để có thêm nhiều nghị lực cho cuộc sống, vì chẳng có ai khổ mãi. Điều đó tôi đã nhận ra khi vào sống ở ký túc xá của học viện. Tôi đã trưởng thành và vững vàng với nhịp sống của Sài Gòn. “Tôi yêu cuộc sống này, yêu “Hồn Ngọc Viễn Đông”  như nhạc sĩ nào đó đã viết “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sai Gòn ơi! Mà thật vậy, nhịp sống Sài Gòn nhộn nhịp, giàu sang, người Sài Gòn chân thật, dễ yêu, dễ gần, chan hoà niềm thương mến. Những con đường góc phố Sài Gòn luôn mang đầy nỗi nhớ nhung da diết, sâu thẳm trong tim mỗi người, những ký ức, những hoài niệm thật đáng trân trọng khó quên…

Thấm thoát mà thời đi học của tôi đã hơn bảy mươi năm rồi. Vất vả gian nan giờ đã là dĩ vãng. Cuộc sống hôm nay thật hạnh phúc vì đã có gia đình và bạn bè, những người luôn yêu thương, chân thành và gắn bó với nhau. Chúng ta đã là một tổ ấm cho tất cả người con trên mọi miền đất nước, cũng như ở hải ngoại xa xăm … Bao giờ chúng ta cũng là một, là những cựu học sinh Phan Châu Trinh rất yêu trường, yêu lớp , yêu bạn bè và yêu cả thầy cô. Chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội để tâm giao, để uống tách cà phê và “gọi nhau bằng mày xưng tao”. Chẳng có hạnh phúc nào hơn hạnh phúc của khối lớp chúng ta các bạn nhỉ! Hãy trân trọng và giữ gìn niềm kiêu hãnh ấy cho hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau … Đừng bao giờ đánh mất điều kỳ diệu  của khối lớp 56-63 của Trường Phan Châu Trinh “Muôn đời chí khí hiên ngang” các bạn nhé!

NguyenXuanChau2

Đà Nẵng, giữa mùa Xuân Canh Tý

Nguyễn Xuân Châu - Thuý

Tháng Ba  thương nhớ