Bạn Học Cũ

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 5oVH2BWRR

Cách đây mấy tuần, Mùi, một cô bạn cũ của tôi từ  thời trung học tình cờ tìm ra email của tôi nên gởi thư cho tôi. Qua Mùi, tôi bắt liên lạc lại được với hai người bạn khác, Duyên và Hải , học chung từ lớp 10 đến lớp  12, những người bạn đã xa nhau – không những không gặp nhau mà còn không hề liên lạc với nhau – trong suốt 38  năm ! Trời 38 năm ngót nghét gần nửa thế kỷ ! Năm 1975 , tôi đang học lớp 12, ban C, trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Sau ngày 30/4, gia đình tôi dọn vào Nam, từ đó , mất hẳn liên lạc với hầu hết bạn bè. Mấy lần về Việt Nam, do công tác ở trường đại học nơi tôi giảng dạy tại Úc, tôi chỉ ghé Sài Gòn và  Hà Nội . Muốn lắm, được về lại Đà Nẵng, một lần, để thăm lại Trường và bạn bè cũ nhưng không có cách gì thu xếp được thời gian. Lúc nào cũng đi cùng với nhiều người khác. Và lúc nào cũng vội vội vàng vàng .

Năm 2005, tổ chức chuyến du khảo về Việt Nam, tôi định dẫn  đám sinh viên Úc từ Hà Nội vào  Sài Gòn bằng xe buýt, trên đường đi sẽ ghé Đà Nẵng, và trong lúc sinh viên đi tour, tôi sẽ “ tranh thủ “ thăm viếng bạn bè. Dự định thế . Hơn nữa, lên chương trình  đàng hoàng . Nhưng lần ấy, khi đến phi trường Tân Sơn Nhất để chuyển máy bay ra Hà Nội, tôi lại được thông báo là mình không được phép  nhập cảnh và bị buộc phải quay về Úc ngay. Thế là tan tành một “ giấc mộng con “. Sau đó,lâu lâu, đọc báo, thấy ai đó nhắc đến Trường Phan Châu Trinh, bao giờ tôi cũng thoáng chút bùi ngùi. Thành thật mà nói, ba năm học ở Phan Châu Trinh ( 1972-75 ),  tôi không có bạn nhiều . Thời ấy, Trường Phan Châu Trinh là trường nam . Trong cả trường, hàng ngàn học sinh, toàn giống đực. Trừ hai ngoại lệ : Một, lớp 12 ban Toán ( hình như vì Trường Nữ Trung học đối diện không đủ học sinh theo ban Toán nên vài người thích học Toán phải qua Phan Châu Trinh )  và hai, ban C tức ban văn chương . Có vẻ như số nữ sinh có nhan sắc mặn mà ở ban văn chương nhiều hơn ban toán nên lớp của tôi trở thành tâm điểm của sự quyến rũ trong cả trường . Giờ ra chơi , phần lớn nam sinh các lớp khác đều tủa đến quanh quẩn trước cửa lớp tôi, đứa hau háu trố mắt nhìn, đứa giả vờ lượn qua lượn lại, lâu lâu mới liếc mắt vào. Đám con trai trong lớp, một mặt , thấy mình may mắn, mặt khác , lại thấp thỏm thấy chung quanh toàn là ...kẻ thù . Có lẽ tôi bị ám ảnh bởi tâm lý thứ hai ấy cho nên trong trường tôi không quen với ai ở các lớp khác cả . Tuyệt đối không . Phạm vi bạn bè của tôi chỉ giới hạn trong một lớp : 10 C rồi 11C rồi 12C. Hết . Nhưng ngay trong lớp , tôi cũng  không có nhiều bạn . Một phần vì tính tôi  vốn lầm lì ít nói , thời đó, lại có những đam mê về văn chương riêng, khó chia sẻ được với bạn bè, những người nếu không thích Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc thì cũng mê Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng, người ngợm thì dơ dáy còn nói năng thì cứ như lên đồng , cả hai đều gây cho tôi chút dị ứng. Phần khác, có khi quan trọng hơn , vì nhà tôi ở xa, tận Hoà Khánh , cách Đà Nẵng khoảng 10 cây số, sáng, ra đường đón xe lam đến trường ; chiều, tan học, lại vội vã ra bến xe bắt xe lam về nhà , thì giờ lê la cà phê cà pháo với bạn bè, do đó rất hiếm .

 Nhà tôi ở xa, không ai đến chơi được. Nhà bạn bè ở Đà Nẵng, tôi cũng ít đến . Có, Nhưng ít .Ít đến hoạ hoằn . Trong số lần hoạ hoằn ấy,có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi : Một lần , nhân đi Đà Nẵng vào cuối tuần , tôi ghé nhà một cô bạn trong lớp . Bình thường , trong lớp, chúng tôi nói chuyện với nhau rất tự nhiên và vui vẻ . Nhưng ở nhà, khi ngồi đối diện với nhau , qua một cái bàn gỗ hình chữ nhật khá lớn , hai đứa tự nhiên đâm kúng túng hẳn .Thật ra, chúng tôi không có tình ý gì với nhau. Chỉ là bạn . Nhưng vẫn lúng túng . Câu chuyện cứ bị ngắt quảng từng khúc, từng khúc . Trong lúc lúng ta lúng túng, không biết nói gì, tôi táy máy lấy cái lược chải chí và một cọng tăm để trên bàn, rồi lấy cọng tăm nạy ghét đóng trong kẽ lược ! Thời ấy, trong phần lớn gia đình Việt Nam, bàn tiếp khách và bàn ăn thường là một, bởi vậy , trên bàn không những có ấm trà và ly tách mà còn cả tăm xỉa răng , có khi có cả hủ muối hay lọ tiêu . Riêng với cái lược, tôi không biết tại sao nó lại nằm ở  đó. Không chừng khi tôi gõ cửa, bạn tôi đang chải tóc và bắt chí chăng ? Tôi không biết . Nhưng lúc ấy bạn tôi ngượng nghịu chín người . Mặt đỏ rần và nhìn xuống đất . Thấy thế, tôi lại càng lúng túng và càng tập trung vào việc cạy ghét trên chiếc lược, rồi vun lại thành đống ( nhỏ ) trên bàn , và cuối cùng , phù mỏ thổi cho nó bay xuống đất ! Chỉ đến lúc về nhà nghĩ lại, tôi mới thấy mình ...ngu thậm tệ !

Ngu thế, nhưng không hiểu sao bạn bè trong lớp lại đặt cho tôi hỗn danh là …Kissinger. Nguyên nhân không chừng vì tôi cận thị , đeo kính gọng đen khá lớn và mũi tôi bự giống quả cà chua như Kissinger ? Tôi không biết. Và cũng không biết ai là người đầu tiên nảy ra sáng kiến đặt tên như vậy. Nhưng tôi bị chết cứng với cái tên ấy .

Cuối năm 1975, khi đã vào Sài  Gòn và học  trường Đại học Sư phạm , một hôm, đang ngồi trong giảng đường , tôi nghe tiếng gọi nho nhỏ từ sau lưng : “ Ê ! Kissinger ! “. Quay lại, tôi thấy một thằng lạ hoắc, mặt đen thui, đang nhăn răng ra cười . Tôi biết ngay nó là học sinh ở Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, nhưng không biết là đứa nào. Sau, giờ ra chơi, nói chuyện , tôi mới biết nó là Trần Ngọc Thịnh, học trên tôi một lớp. Lúc đó tôi mới biết cái hỗn danh Kissinger  ấy “ vang xa “ hơn một lớp ! Rồi sau đó, tôi quên bẵng cái biệt danh kia. Bây giờ, 38 năm sau, liên lạc lại với bạn bè cũ , ngay ở những email đầu tiên, ai cũng nhắc đến cái tên Kissinger ! Ngỡ như chúng tôi còn ngơ ngơ ngáo ngáo trong một trường trung học ở Đà Nẵng này nào .

Từ  Úc, tôi gọi điện thoại nói chuyện với Mùi ở New York . Nghe giọng tôi, Mùi có vẻ mừng rỡ, nói huyên thuyên. Trong gần nửa tiếng đồng hồ, hình như chỉ có một mình Mùi nói, còn tôi thì nghe. Mùi kể đủ thứ chuyện . Về chồng con. Về đời sống sau  1975, trước,ở Việt Nam, và sau, ở Mỹ. Nhưng nhiều nhất là về bạn bè trong lớp 12C  ở Phan Châu Trinh. Thực tình, tôi hoàn toàn không nhớ lúc còn nhỏ Muì có giỏi hay không, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi thấy gần 40 năm rồi, Mùi vẫn còn nhớ vanh vách tên họ của từng người, từng người trong lớp . Mà cả đến 38, 39 người chứ ít ỏi gì ? Nhiều chuyện , tôi hoàn toàn quên , Mùi vẫn nhớ . Vừa phục bạn, tôi vừa có chút ân hận về sự hờ hững của mình đối với các bạn học cũ . Có lẽ vì ân hận như thế, sau đó, tôi gọi điện thoại cho Duyên. Duyên cũng rất vui. Trong câu chuyện, một lần, Duyên buộc miệng gọi tôi là “ mi “ ( mày ). Trời, lâu lắm rồi tôi mới nghe một người bạn gái  gọi mình là “ mi “. Nói chung, trong đám bạn của tôi, chỉ có những người bạn hồi đi học mới gọi nhau bằng tau/mi . Sau khi tốt nghiệp, tôi có khá nhiều bạn thân, rất thân, nhưng tất cả đều xưng hô kiểu tôi/ ông , riêng với phụ nữ thì gọi nhau bằng tên. Không còn chuyện tau tau, mi mi nữa. Dường như qua điện thọai, bạn tôi quên mất cái quãng thời gian 38  năm ngăn cách giữa những lần nói chuyện và quên cả hai đứa đều sắp ...già, riêng Duyên, thì đã có cháu nội rồi chăng ?  Nhưng dù sao, nghe, tôi cũng rất cảm động , Ngỡ như còn ở thời đi học. À , mà không hiểu tại sao hầu như tất cả bạn thân của tôi đều cứ gọi tau/mi chứ không phải tao/mày. Ngay một số bạn người Sài Gòn tôi chơi thân lúc học đại học cũng thế . Cũng vẫn tau/mi . Với riêng tôi , hai chữ tau/mi có âm vang thân thiết hơn là tao/mày. Trong thơ, tôi cũng chưa gặp chữ “ tao/mày” nào hay. Thơ hài hước hoặc châm biếm, kiểu ca dao hoặc ca dao hiện đại, thì có, chẳng hạn “ Ăn chơi là việc của tao/ Cái lo cái nghĩ tao giao cho mày ...”Nhưng đó không phải là thơ. Càng không phải là thơ hay . Thơ, thực sự là thơ, là bài của Nguyễn Công Trứ, trong đó có chữ tau/mi, chứ không phải tao/mày:

Tau ở nhà tau, tau nhớ mi

Nhớ mi nên mới bước chân đi

Không đi, mi hỏi rằng không đến

Đến thì mi hỏi đến làm chi ?

Làm chi, tau đã làm chi được

Làm được tau đã làm mấy khi “

Sống, ai cũng có nhiều kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm của thuở đi học , lúc mọi người còn hoàn toàn vô tư  và có thật nhiều thì giờ để tâm tình đủ thứ chuyện tào lao, trên trời dưới đất  từ ngày này sang ngày khác, có lẽ là những kỷ niệm thuộc loại ngọt ngào nhất. Cái gọi là thuở đi học ấy, với riêng tôi, có thể chia thành hai giai đoạn , trước và sau 4/1975. Trước, chúng tôi thật hồn nhiên. Trong lớp, vẫn có từng nhóm, từng nhóm chơi với nhau , vẫn có những sự cãi cọ, nhưng quan hệ, nói chung, vẫn đầy tin cậy và trong sáng . Cuối tháng 3/1975, Đà Nẵng bị mất, trường học đóng cửa. Sau khi Sài Gòn mất nốt, chúng tôi mới đi học lại. Lúc ấy không khí trong lớp khác hẳn . Thứ nhất, xuất hiện  một vài học sinh mới có khẩu khí rất “ cách mạng “ khiến mọi người đâm ra e dè và cảnh giác hẳn . Thứ hai, cũng có một số người biến mất : hoặc họ quyết định nghỉ học hoặc họ theo gia đình chạy vào được Sài Gòn, có người còn may mắn , đi ra nước ngoài. Tội nghiệp nhất là trong lớp tôi, có một cô bạn, rất đẹp và rất hiền lành , thường ngồi ngay trên dãy bàn trước mặt tôi, bị chết vì lạc đạn trên đường chạy loạn. Lúc ấy ,tôi nghe tin, nhưng kiểu tin vu vơ, không có ai xác nhận , nên còn hoang mang ngờ vực. Bây giờ qua Mùi và Duyên, tôi mới biết tin ấy đúng. Tôi ao ước được về thắp một nén nhang trên mộ bạn . Không chừng lại nghe bạn hỏi tôi : “ Mi đó hả,Kissinger ? “

Cảnh và Người 

Mấy năm gần đây, hầu như năm nào tôi cũng đi Mỹ, có năm đi đến hai, ba lần ,hoặc để tham dự các buổi hội thảo hoặc họp hành ở các đại học hoặc nghiên cứu ở các thư viện. Về lại Úc, bạn bè tôi thường hỏi về các thắng cảnh hoặc các tiệm ăn ngon ở Mỹ, tôi cứ ngơ ngơ ngác ngác, không biết gì cả. Ai cũng ngạc  nhiên. Tôi thú thật : thứ nhất, ở Mỹ ,ngoài thì giờ họp hành , hội thảo hoặc tìm tài liệu , tôi chỉ la cà gặp bạn bè ở các quán cà phê hoặc tiệm ăn chứ không đi đâu cả ; thứ hai, ở các tiệm ăn, tôi chỉ quan tâm đến bạn và các câu chuyện của bạn chứ không hề chú ý đến các món ăn để biết là chúng ngon hay dở, thậm chí, không hề biết cả tên tiệm. Các chuyến đi Mỹ của tôi thường kéo dài từ một tuần đến ba hay bốn tuần . Nhưng dù là bốn tuần , tôi vẫn thấy ngắn và không đủ để gặp gỡ bạn bè. Nhiều lần, một số bạn bè tôi  rủ rê đi thăm nơi này, nơi nọ. Lúc nào tôi cũng phân vân. Đi, cũng vui, nhưng mất ít nhất cũng một hai ngày . Trong một hai ngày đó, tôi sẽ không được gặp bạn bè. Do đó, tôi phải lựa chọn : hoặc đi viếng cảnh hoặc ở lại để gặp bạn bè . Và bao giờ tôi cũng chọn việc gặp bạn . Không phải tôi không yêu thiên nhiên. Tôi vẫn thích cảnh đẹp. Tôi đã từng ngồi thừ người hàng giờ trước một cái hồ, một dòng sông , trong một cảnh rừng hay một công viên. Ở nhà , tôi có thói quen đi bộ, và đi bộ, bao giờ tôi cũng chọn hoặc đi quanh hồ hoặc dọc theo bờ biển . Những lúc đến Sydney ở nhà Võ Quốc Linh, bạn tôi, trên một ngọn đồi nhìn xuống dòng sông, tôi từng ngồi hàng giờ lặng lẽ ngắm dòng sông liên tục đổi màu với nắng . Tôi vẫn ao ước một ngày nào đó được đi thăm những thắng cảnh lớn trên thế giới. Thế nhưng, do thời gian có giới hạn, nếu bị buộc phải chọn lựa giữa cảnh và người , tôi chọn người . Thật ra, trong những lúc gặp bạn bè, tôi nói rất ít. Tôi thích diễn tả bằng bằng văn viết hơn bằng lời nói . Tôi bị mê hoặc bởi nhịp điệu của văn viết . Ở từng dấu chấm, dấu phẩy . Ở độ nén và sức nổ của câu, ở sự ngân vang và lấp lánh của chữ. Với tôi, nói chỉ là điều bất đắc dĩ. Bởi vậy, giữa bạn bè, phần lớn tôi tôi chỉ lặng  lẽ ngồi nghe từ giờ này sang giờ khác. Nghe bạn bè kể về đời họ. Nghe họ kể về công việc viết lách cũng như bối cảnh đằng sau những tác phẩm mà họ ưng ý nhất. Vui nhất là khi những điều bạn bè kể có liên hệ đến một đề tài tôi đang định nghiên cứu. Có cảm tưởng như được tặng không một kho tư liệu dồi dào và có lúc thật bất ngờ .

 Chỉ có điều bạn bè văn nghệ thường có những thói quen rất khác nhau. Phần lớn giới làm âm nhạc, từ nhạc sĩ đến ca sĩ, đều thích tụ tập đông đảo để nghe họ đàn hát. Phần lớn giới tạo hình đều thích mời về nhà để khoe tranh và tượng . Phần lớn giới làm thơ và viết văn đều thích rủ rê ra các tiệm cà phê, lại là các tiệm cà phê vắng vẻ để dễ dàng tâm sự dù phải trả giá bằng các ly cà phê lạt thếch . Bù lạ, đôi khi tôi được nghe những bài thơ thật hay hoặc những giai thoại thật thú vị.

Phiền nhất là các nhà thơ và nhà văn thường chỉ thích gặp riêng. Mỗi người một cuộc hẹn. Có người thứ ba, dù là bạn quen, người ta đều không thấy thoải mái để tâm sự  về chuyện viết lách, nhất là những điều họ tâm đắc về tác phẩm của chính họ . Nói về tác phẩm của mình bao giờ cũng là chuyện hết sức riêng tư. Chính vì thế, ở chỗ đông người , các nhà văn nhà thơ thường bị ngắc ngứ với những câu chuyện tầm phào vô thưởng vô phạt. Họ chỉ thực sự là họ, chân thành và sâu sắc , khi ngồi với người bên ly cà phê hay tách trà ở một quán thật vắng .Tôi hiểu điều đó nên cố gắng thu xếp thời giờ để gặp từng người ở những giờ giấc khác nhau. Thành ra, cả ngày tôi cứ lê la từ quán cà phê hay tiệm ăn này đến quán cà phê hay tiệm ăn khác. Ở những dịp như thế, nhiều người cố gắng thuyết phục tôi về cái hay và/ hoặc cái mới trong tác phẩm của họ . Thực tình mà nói , không phải bao giờ tôi cũng bị thuyết phục. Nhưng tôi vẫn thấy rất thích thú khi biết hoàn cảnh sáng tác cũng như những dụng ý người ta định gởi gắm trong từng câu, từng chữ . Mỗi tác phẫm một hoàn cảnh và một dụng ý . Dụng ý, không phải lúc nào người ta cũng thể hiện được, nhưng hoàn cảnh sáng tác thì, dù chưa chắc đã hữu ích trong việc cảm thụ, phân tích  và đánh giá tác phẩm , vẫn là những giai thoại lý thú.

Cứ thế, mỗi lần đi xa, tôi lại dành hết thời gian cho bạn bè. Lần nào cũng lần khân khất cái hẹn đi thăm thú cảnh đẹp. Nhưng, kệ. Cảnh thiên nhiên, lúc nào cũng còn đó . Chỉ có bạn bè là càng ngày càng thưa thớt. Nhiều người, gặp lần này, nhưng nghe hồ sơ bệnh lý cũng như nhìn sắc diện của họ, tôi không dám hy vọng sẽ được gặp lại họ lần tới. Hơn nữa, sau này, chết đi, chúng ta lại trở về với đất cát và cây cỏ , nghĩa là với thiên nhiên . Như vậy, thời gian sống với con người  ngắn ngủi hơn nhiều. Có khi phải đếm từng năm từng tháng từng  ngày . Nghĩ thế , tôi không hề thấy tiếc.

Nguyễn Hưng Quốc

15 . 07. 2013