Sau khi cùng bạn bè diễn vở kịch “ Bỏ Trường Mà Đi “ ở trường Phan Châu Trinh, tôi bỏ luôn học chữ. Tôi đi lính. Qua những năm tháng được tôi luyện để trở thành một Trung đội trưởng bộ binh và phi công quân sự, tôi tốt nghiệp và phục vụ trong Không lực Việt Nam Cọng Hoà từ 1964 cho đến ngày tàn cuộc chiến.
Từ một học sinh bước chân vào quân trường , biến thành “ tân khóa sinh “ , rồi sau “ tám tuần sơ khởi “ mà người ta thường gọi hai tháng huấn nhục tại quân trường Võ Bị Đà Lạt , tôi lột xác trở thành Sinh viên Sĩ quan Võ bị Quốc gia ( SVSQ ) và được phép mang phù hiệu alpha đỏ trên hai cầu vai. Nhân dịp Tết, tôi
( và một số SVSQ khác luân phiên ) được một tuần nghỉ phép về Đà Nẵng thăm mẹ, em gái, bạn bè và nhân thể ghé thăm trường cũ. Nói là thăm trường cũ, trường Phan Châu Trinh, nhưng kỳ thật là tôi muốn thăm một hình bóng mà tôi đã ôm ấp khi còn là học sinh dưới mái trường này .
Hình như tôi bắt đầu thơ thẩn vào năm Đệ Tam. Hình bóng mà tôi mơ mộng là “ Nàng thơ “, học dưới tôi hai lớp. Nàng có mái tóc thề đen huyền mượt mà và hai mắt to đen thăm thẳm. Nhà nàng đối diện với Cổ viện Chàm, ngăn cách bởi con đường nhựa chạy qua. Nghe nói ông cụ thân sinh nàng là nhân viên của Viện. Nàng thường đi bộ đến trường cũng như về nhà. Cứ mỗi lần tan học là tôi lững thững đi theo nàng, dọc đường bờ sông Hàn. Dáng đi của nàng khoan thai, đài các và lòng tôi như thể được một ân sủng mỗi khi nàng quay người về phía sau ( tình cờ thôi chứ không hẳn để nhìn tôi ! ). Cứ lẽo đẽo theo sau làm cái đuôi như vậy cho đến khi nàng mở cổng vào sân nhà thì tôi lặng lẽ quẹo qua đường Ông Ích Khiêm đi ngược về nhà, gần xóm Lò Rèn trên đường Triệu Nữ Vương.
Âm thầm theo bước “ nàng thơ “ như rứa quả là thi vị nên tôi đành chấp nhận đau thương như là cái thú. Và để đồng hành với mối tình câm, trái tim tôi đã bật ra thơ. Bài thơ học trò đầu tiên tựa đề “ Áo tím “ được đăng lên bán nguyệt san Nắng Mới dưới bút hiệu Toytch, như là một định mệnh đã nhắc nhở tôi một đời đi tìm một mối tình câm ...( Toytch, có nghĩa “ Tôi yêu Trân Châu “. Bắt chước nhà văn Tchya = Tôi Chẳng Yêu Ai ).
Bài thơ cũng là nguyên nhân giúp trí tưởng của tôi có dịp nhảy múa lung tung. Dĩ nhiên tôi cầu mong trời xui đất khiến sao cho nàng đọc bài thơ, dù rằng sau khi đọc xong , nàng sẽ tự hỏi “ người đâu tỏ ở mấy dòng thơ đây ? “ ( Khái Hưng dịch từ bài Sonnet d’Arvers ).
Nhưng cần gì, miễn là nàng đọc và biết rằng bài thơ được viết ra cho nàng...vì nàng thường mặc chiếc áo dài màu tím để đi xem chương trình ca nhạc của Ty Thông Tin Đà Nẵng trên đường Hùng Vương mỗi tối thứ bảy hằng tuần...
Vào niên học cuối của tôi tại trường Phan,” nàng thơ “được nhà trường đề cử đóng vai Trưng Trắc trong dịp Lễ Hai Bà. Một nữ sinh khác, cô Kim An, đóng vai Trưng Nhị. Phải là những nữ sinh học giỏi ,hạnh kiểm tốt và có nhan sắc mới được nhận vinh hạnh này.
Hình ảnh” nàng thơ” của tôi, cũng là hình ảnh Bà Trưng Trắc mặc hoàng bào , cỡi voi trận, uy nghi lẫm liệt, sẽ còn đọng lại trong tâm khảm của tôi cho đến kỳ cùng : “Tim tôi vỗ sóng Hát giang/Trong mơ lớp lớp hàng hàng có em “ ( Hình Như ,Võ Ý ).
Như vậy biết tôi tôn sùng “ Nàng Thơ “ biết là chừng nào. Lần về phép này, tôi nhất định tìm cách gặp nàng. Sau “ Tám Tuần Sơ Khởi “ được trui rèn trong lò luyện thép, được quân trường hun đúc ý chí “ can trường “, tôi mạnh dạn và liều mạng bước lên các bậc thềm, tiến thẳng vào Văn phòng Giám thị trường Phan : Thầy Kế, giám thị nhà trường, nhận ra người học trò cũ, ân cần với giọng mừng vui :
- Trò đến đây có việc gì ?
- Thưa thầy, em muốn thăm một người thân
- Người thân như thế nào ?
- Thưa thầy, là học sinh Lê Thị trân Châu !
Sau giây phút ngập ngừng, nhìn sắc diện , thầy biết ngay tôi là người ...hiền lương nên thông cảm và cho gọi “ nàng thơ “. Tôi hồi hộp trong bộ sắc phục SVSQ được ngụy trang vẻ hào hùng lãng mạng qua lời ca “ đời tôi chinh nhân chút tình xin gởi núi sông “ (Lời ca trong bài “ Sắc Hoa Màu Nhớ “ của Nguyễn Văn Đông ) . Tuy nhiên không biết sao tim tôi vẫn đập thình thịch theo nhịp guốc ngoài hành lang. Tôi hít thở mấy hơi thật dài, thu thêm một lượng dưỡng khí đặng bồi bổ cho trái tim tội tình đang đập loạn xạ !
Và giây phú trọng đại đã diễn ra thật bàng hoàng. Nữ sinh Trân Châu e dè bước vào phòng giám thị. Chợt thấy “ người thân “ là tôi nàng tức tốc quay lưng bỏ chạy ! Toàn thân tôi như bị trúng cơn gió độc, hai lỗ tai lùng bùng, mặt mày tái xanh như tàu lá. Tôi bị mất máu !
Sau giây phút chết lặng , tôi gượng gạo bước ra khỏi phòng giám thị, không dám quay lại đàng sau nên không biết thầy Kế có sẵn sàng để đỡ tôi khỏi ngã hay không ?
Những năm tháng sau đó, tôi bị cuốn hút vào cổ máy chiến tranh, hết địa đầu giới tuyến đến vùng tây nguyên lửa đạn. Bất cứ ở đâu, lúc nào, khi có điều kiện tôi đều thăm dò nàng thơ bây giờ ra sao. Em trai của nàng và em gái của tôi, cô Phúc Vĩnh, là bạn học cùng lớp, cùng trường Phan ( NK60-67 ). Qua cô em , tôi được biết sau khi tốt nghiệp Sư phạm , nàng hứa hôn với một vị Quận trưởng, xuất thân từ trường Quốc gia Hành chánh. Vị Quận trưởng chẳng may bị tử vong do Vici pháo kích vào quận đường. “ Nàng thơ “ của tôi tức tưởi trở thành “ khách má hồng nhiều nỗi truân chiên “ từ dạo đó ( Chinh phụ ngâm ).
Sau tháng 4/1975, tôi đi tù. Tháng 2/1988 tôi ra tù và phụ vợ bán cà phê cóc ở Phú Nhuận và Bình Thạnh, Sài Gòn. Năm 1990, tôi ra Đà Nẵng thăm mồ mã ông bà, gặp các bạn học cũ như Hồ Hoàng Tuấn ( đã mất ), Đoàn Văn Đạo, Trương Văn Tình...Mấy bạn có đưa tôi ngang qua trường cũ, nhưng không vào. Tôi hỏi thăm “ Nàng thơ “ thì nghe nói đã trôi dạt về Cần Thơ, cũng ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh ...
Vào năm 1991, khi đang chuẩn bị giấy tờ đi tỵ nạn Mỹ qua chương trình HO10, tôi nhận được một phong thư từ Đà Nẵng gởi về Quán café Lâm Viên ở Bình Thạnh, do vợ chồng tôi khai thác. Không thấy ghi tên người gởi. Tờ thư chỉ có một dòng viết tay, dáng chữ của người nữ, bằng mực màu tím : “ Chúc anh và gia đình lên đường bình an “. Thú thật, vào thời điểm quá nhiều bất trắc nầy, tôi không bận tâm với tờ thư “ vô danh” cho đến một ngày...
Tôi định cư tại Saint louis, bang Missouri tháng 6 năm 1992. Mãi đến năm 2000, tình cờ tôi bắt liên lạc được với chị Lạc Giao ở San Jose,bạn học với “ Nàng thơ “ của tôi. Cuối cùng của câu chuyện là lời thăm hỏi về “Nàng thơ “, Lạc Giao cũng mù tịt. Chính chị Giao cũng muốn hỏi tôi về tin tức của người bạn học ngày xưa.
Một dịp khác ghé San Jose, ở lại nhà một người bạn cùng khóa 17 Võ Bị Đà lạt, tôi bắt gặp tấm hình Hai Bà Trưng của trường Phan năm xưa treo trong phòng khách. Một khoảnh khắc lịch sử và tuổi thơ xôn xang trong tâm tư của tôi.
Tôi hỏi xin chị Kim An, bà xã bạn Lê Sĩ Thắng, người thủ vai Trưng Nhị bên cạnh Trưng Trắc, một bản photo tấm hình. Chị Kim An hứa sẽ gởi bản photo và tôi hi vọng sẽ nhận được món quà vô giá của tuổi ấu thơ này.
Hai sự kiện trên giúp tôi có cơ hội nhớ lại bức thư chúc lành viết bằng mực màu tím năm xưa. Vì màu tím là một gợi nhớ nên tôi đoán già đoán non rằng, tác giả bức thư không ai ngoài “Nàng thơ “ cả. Tôi đoán rằng, có thể các bạn học tại Đà Nẵng, đã gặp nàng sau chuyến tôi ra Đà Nẵng, kể lại cho nàng nghe chuyện tôi hỏi thăm và cho nàng một vài thông tin, từ đó tôi mới nhận được bức thư chúc lành nói trên. Hy vọng độ chính xác về lời đoán mò của tôi không đến nỗi tệ !
Mới đây, sau khi hoàn tất tang sự cho má tôi tại Đà Nẵng, tôi cũng có ý dò hỏi các bạn học về tin tức “ Nàng thơ “. Không ai biết gì hơn. Vào những ngày chuẩn bị trở lại Cali, tôi gặp Sáu Trọng, em vợ của bạn học Phan Văn Hoà. Sáu Trọng là chủ nhân “ Quán nhậu Sáu Trọng “ trên đường Trưng Nữ Vương, có hứa là sẽ cho biết tin tức về “ Nàng thơ “. Lòng tôi rộn ràng một niềm hy vọng.
Hình ảnh “ Nàng thơ “ vẫn như còn cháy sáng trong tâm tưởng của tôi dù đang ở tuổi xế bóng, nhất là hình ảnh Bà trưng mặc hoàng bào cởi voi trận ngày nào. Hình ảnh đó bao giờ cũng là một sự gợi nhớ đến tấm lòng chung thủy với chồng của người phụ nữ Việt Nam nói chung, trong đó có “ Nàng thơ “ của tôi. Họ thủy chung đến độ sẵn sàng cùng chồng hứng chịu bao gian truân uất hận mỗi khi lịch sử chuyển mình. Tôi cũng mong sao “ Nàng thơ “ của tôi sẽ ngậm đắng nuốt cay trong chế độ độc tài, chờ một ngày mai, chờ một sự chuyển mình mới của lịch sử...
Câu chuyện đi tìm “ Nàng thơ “ chưa chấm dứt, nhưng câu chuyện được viết ra như một “Lời nhắn tin “. Biết đâu ngày mai tôi tình cờ gặp lại nàng. Cũng có thể chẳng bao giờ. Nếu gặp lại nàng thì tôi xin được tặng nàng một đóa hồng màu tím. Đóa hồng biểu tượng cho một tình yêu nồng nàn, còn màu tím sẽ nói lên lòng tôn thờ một tình yêu vĩnh cữu của tuổi hoa niên...
Còn nếu chẳng bao giờ gặp lại thì cũng chẳng sao, vì trái tim tôi vẫn đời đời vỗ sóng Hát giang kia mà !
Võ Ý
( Corona, 04-2012 )
( ĐS Kỷ niệm 60 năm thành lập Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng , California ngày 01 tháng 7 năm 2012 )