Bác Sĩ Nguyễn Hữu Lân
Bức thư cuối cùng tôi viết cho Lân vào lúc 14 giờ chiều ngày thứ Bảy 18 tháng Giêng năm 2014 mãi mãi không có hồi âm.
Tôi và Nguyễn Hữu Lân sinh cùng tháng, cùng năm, chỉ chênh nhau có ba ngày. Tuổi Ất Dậu lại ra đời vào năm cả nước Việt Nam đang quằn quại trong nạn đói 1945 phải chăng vì thế mà đời người cũng lắm truân chuyên.
Lân vào Phan Châu Trinh năm 1957 cùng khóa với tôi. Năm đó trường xếp tất cả nữ sinh vào một lớp, còn nam sinh thì vào 3 lớp nên tôi học ở lớp Đệ Thất 1, Lân học đệ Thất 4. Mãi cho đến khi lên TH Đệ Nhị cấp tôi mới học cùng lớp với Lân ba niên khóa Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất ban A.
Tôi còn nhớ lớp học của chúng tôi nằm ở tầng trệt của dãy lầu ngang hướng vào sân trường, quay lưng ra đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) có hai dãy bàn, giữa là lối đi rộng rãi. Đứng từ bảng đen nhìn xuống nam sinh ngồi ở dãy bên phải, nữ sinh ngồi bên trái gần cửa ra vào. Theo lối đi ở giữa, Lân ngồi đầu bàn thứ nhất của dãy nam , tôi ngồi đầu bàn thứ hai của dãy nữ.
Lân hiền lành, ít nói, chăm chỉ học hành và rất giỏi. Từ khi có Lân vào lớp, nữ sinh chúng tôi dù có cố gắng mấy cũng không tranh được vị thứ nhất của Lân. Ba năm sao mà nhanh quá, con trai con gái người nào cũng cắm đầu học để leo qua cái giốc cao ngất của hai kỳ thi Tú Tài Bán phần và Toàn phần nên chẳng có thời gian vui chơi, trò chuyện với nhau. Bây giờ nghĩ lại mới thấy tiếc quá chừng!
Năm 1964 tốt nghiệp Tú Tài Toàn, bạn bè lớp tôi như đàn chim tung cánh khắp bốn phương trời, Lân học Y khoa Sài Gòn, tôi vì hoàn cảnh gia đình không thực hiện được giấc mơ trở thành bác sĩ nên chọn thi vào Đại học Sư Phạm Huế làm nghề gõ đầu trẻ.
Tốt nghiệp Đại học, tôi dạy ở trường Nữ TH Quảng Ngãi rồi chuyển về trường Nữ TH Đồng Khánh Huế.
Đầu năm 1972 do yêu cầu phụng dưỡng ba mẹ chồng, tôi xin chuyển về dạy tại trường Nữ TH Hồng Đức Đà Nẵng. Vào một buổi tối, tôi cùng anh Dũng đi xem phim Dr Zhivago ở rạp chiếu phim Morin tình cờ gặp Lân. Tám năm xa cách gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, chúng tôi tranh nhau hỏi thăm chuyện bạn bè, chuyện học hành, công tác quên cả xem phim, nhờ đó tôi biết Lân ra bác sĩ làm tại Quân y viện Duy Tân Đà Nẵng, vẫn ở nhà cũ tại đường Võ Tánh (Núi Thành) cách nhà tôi một quãng không xa.
Sau tháng 3 năm 1975, lịch sử sang trang, trường NTH Hồng Đức bị giải thể, tôi chuyển qua dạy trường TH Phan Châu Trinh,
Năm 1976 tôi lại gặp Lân, lúc này Lân không đi làm việc nữa chỉ ở nhà, bạn bè quen biết mỗi khi đau ốm đến nhờ, Lân mới giúp. Một hôm, con tôi bị sốt, vừa nghe nói, dù trời mưa to gió lớn mà sáng sớm Lân đã sốt sắng trùm áo mưa xuống nhà tôi khám cho cháu. Có lần Lân tâm sự :“ làm bác sĩ không có lương tâm thì dễ mà có lương tâm thì khó vô cùng!”. Tôi hỏi tại sao? Lân nói thật lòng : “ Nếu vô lương tâm thì không cần suy nghĩ, cứ cho năm bảy thứ thuốc kháng sinh mạnh bao vây, cùng lúc tấn công thì bệnh sẽ lui nhanh mà tác hại khôn lường của thuốc trên cơ thể về sau thì không cần biết, tốn nhiều tiền mua thuốc một cách vô ích thì bệnh nhân chịu. Vậy mà họ lại được khen là bác sĩ giỏi, tiếng tăm lan truyền khắp nơi, tên tuổi nổi như cồn. Còn nếu mình có chút lương tâm cứ đắn đo suy nghĩ chọn thứ thuốc nào vừa đúng bệnh mà ít tác dụng phụ, không lãng phí thuốc, đỡ tốn kém cho bệnh nhân thì lại bị cho là bác sĩ dở, không biết dùng kháng sinh, cho thuốc xoàng, lâu lành bệnh. Nhưng dù họ có nói gì chăng nữa thì mình cũng không thể đánh mất lương tâm được”. Nghe Lân nói tôi thầm nhủ trải qua bao biến cố, vật đổi sao dời mà tấm lòng nhân ái của Lân vẫn không hề thay đổi, quý biết dường nào!
Bẳng đi một thời gian không gặp Lân, tôi cũng chẳng biết Lân ở nơi nào. Người thì bảo Lân sang Canada, người nói Lân ở Mỹ rồi bị tai biến phải ngồi xe lăn. Tôi chỉ mơ hồ biết thế thôi chứ hơn ba mươi năm qua gặp ai tôi cũng hỏi thăm Lân mà không liên lạc được.
Mới gần đây tình cờ vào một ngày giữa tháng 12 năm 2013 tôi đi dự lễ tang thân mẫu của Huỳnh Bá An từ Sài Gòn đưa về Hòa Hải – Đà Nẵng, tôi nghe Thành nói mới gởi thư cho Lân, tôi mừng quá hỏi xin địa chỉ và gởi email cho Lân ngay.
Bất ngờ nhận được thư tôi, Lân rất ngạc nhiên và vô cùng vui sướng, vội trả lời liền. Trong thư Lân viết “ Hết sức ngạc nhiên....khi nhận được thư Chị Yến Loan sáng nay….. Nhanh thật....Biểu hiện tình bạn, ngày xưa tháng cũ. Biết nói sao sự cảm động chân thành của....lão đệ... Không gì hơn xin Chị Yến Loan nhận cho tấm lòng cảm ơn sâu sắc.”
Lân cho tin tức về một số bạn ở nước ngoài, về gia đình vợ con của Lân, nhờ thế tôi mới biết là Lân rời Edmonton, Alberta, Canada chuyển qua Mỹ, năm 1980 Lân cưới vợ và ở lại “quê vợ”, sinh được 3 con. Con gái đầu lòng của Lân hiện đang học ngành Y, đã tốt nghiệp Cử nhân Mỹ thuật , gái út vừa xong Cử nhân Khoa học vào tháng 6/2013, còn Lân đã nghỉ việc vì bị suy thận phải lọc máu 8 năm rồi chứ không phải bị tai biến như tôi nghe nói.
Từ khi đường liên lạc thông suốt, Lân thường xuyên viết thư cho tôi nhắc lại những kỷ niệm chung của thời “dại khờ ngày xửa ngày xưa” thuở còn đi học. Tôi không ngờ Lân đau ốm mà trí nhớ thật tuyệt vời. Có những chuyện cách đây gần nửa đời người, hầu như không còn tồn tại trong ký ức của tôi mà Lân vẫn nhớ rõ ràng từng chi tiết. Lân nhắc lại chuyện tôi và Lân nhận ra nhau trong rạp Ciné Morin khi cùng coi phim Dr Zhivago, Lân nhớ tuổi đứa con trai đầu lòng của tôi mà Lân đã khám bệnh giùm vào một buổi sáng mưa nhiều gió dữ, và Lân cũng không quên nhắc lại trong thư lời trêu đùa của anh Dũng lúc anh đang giảng dạy tại trường ĐHCĐ Quảng Đà: “Bác sĩ Lân vào đó để kiếm người yêu chứ gì? Người ta tìm vợ ở chợ còn ông tìm ở trường Đại học khôn thiệt !”. Hồi đó Lân trúng tuyển vào khoa Kinh tế Thương mại nhưng bị trường từ chối vì không nhận sinh viên học bán thời gian ( không hiện diện thường xuyên)
Mỗi khi nhận được thư Lân tôi cố gắng trả lời ngay vì tôi hiểu rằng đối với người bệnh không đi lại được như Lân thì những lời thăm hỏi chuyện trò của bạn bè là niềm vui, niềm an ủi lớn lao giúp Lân kéo dài cuộc sống. Lân nói với tôi: “ Đọc hồi ký của Y.L. trong Web MT PCT....nghe kể về Chị Lựu....Từ thuở học chung trường con gái...qua PCT, nắng mưa, ngày tháng bên nhau thân thiết, đưa nhau về quê Gò Nổi, xem trâu kéo ép mía, nấu đường bát....rồi cuối cùng buông tiếng : - Lựu ơi...!!! ..nghe đứt cả ruột, nửa đường đàn đứt dây tơ.......L. hết sức cảm động, cho mãi tới bây giờ...mỗi khi nghĩ lại khung trường xưa, bè bạn cũ....”
và Lân cho tôi biết thêm về thời gian Lựu vào Sài Gòn bán áo quần cũ tại chợ Tân Bình để nuôi con qua bữa, về mối tình học trò ngây thơ trong sáng của Đức dành cho Lựu những năm học cùng lớp và cảm động nhất là khi Đức từ San Jose về thăm quê hương tìm ra nơi Lựu yên nghỉ đã xin phép gia đình bỏ tiền xây nấm mộ khang trang cho Lựu yên giấc ngàn thu. Những câu chuyện thật cảm động về người bạn thân quá cố của tôi mà đến nay nhờ Lân tôi mới biết đầy đủ.
Vốn là bác sĩ, Lân hay nói với tôi về việc chữa bệnh để cung cấp cho tôi một số kiến thức cần thiết. Bằng trải nghiệm của bản thân, Lân kể cho tôi rất đầy
đủ nguyên nhân và diễn tiến bệnh thận của Lân từ khi mới phát hiện cho đến lúc phải lọc máu, những đau đớn, vật vã của cơ thể ban đầu : “ Khi bắt đầu lọc, 1, 2 tháng đầu gần như....ngất, đau đớn chân cẳng, sau đó quen dần đi. Đôi khi lọc , chất potassium lên cao gây tim đập loạn xạ, phải nhập viện, chất calcium hạ thấp, dễ gãy xương....Càng lọc lâu, nước tiểu ít, ít dần...”. Cho đến một hôm Lân không còn đi đứng được : “ Từ khi lọc thận cho tới ngày nay L. gần được 8 năm, số trời, sức chịu đựng, và nhờ sự hy sinh và săn sóc của....vợ...Lúc đầu còn đi còn đứng được...càng về sau...chân yếu hẳn phải ngồi xe lăn, đứng lên hay nằm xuống phải có người đỡ giúp..”
Năm 2012 tôi bị gãy xương đùi phải vào bệnh viện phẫu thuật bắt nẹp, bắt ốc cố định xương. Đây không phải mới lần đầu tôi bị gãy xương mà đã là lần thứ ba. Trước đó tôi đã gãy xương sườn, kế đến gãy xương cổ tay rồi tiếp nữa gãy xương chân. Nghe các bạn nói lại, Lân hỏi tôi :“Chị Y.L đi mô....mà bị....gãy chân, lành rồi mà bạn bè bên này...cho tới bây giờ còn lo và hết sức quan ngại…. Chị đã biết mình bị xương xốp ( Osteoporosis), sao cứ để gãy xương miết rứa ??? Thôi xin đừng thử....dại nữa đó....!!! Đời đâu có nhiều cơ hội thử thách với.....xương đồng, da sắt.
Rồi Lân ân cần dặn dò:“Phụ nữ tới tuổi mãn kinh vài năm sau cũng bị bệnh xương xốp....Bấy lâu nay YL có uống Premarin 0.625 mg và vit D không hay chỉ nghĩ....kiêng đi xe gắn máy là an toàn rồi ???
Nẹp DHS không cần lấy ra khi không gây khó chịu, chỉ sợ chỗ bắt ốc có làm xương tan lan rộng ra không. Phần lớn nơi đó thường mọc thêm xương vùng đó. Lớn tuổi sợ nhất gãy cổ xương đùi, còn gãy phần giữa như vậy sợ đâm thủng động mạch đùi....phần số Chị YL còn nhiều may mắn lắm hỉ...Xin hãy đi đứng cẩn thận.”
Cuối tháng 12 năm 2013, sau khi dự lễ Thượng thọ 90 tuổi của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc, các bạn Thu Liên, Thu Hà, Ái cùng vợ chồng Phan Thanh Hòa đến tận nhà thăm Lân, bạn cũ lâu ngày gặp nhau, vui mừng khôn xiết. Lân kể cho tôi nghe đầy đủ hết mọi chuyện của buổi gặp mặt hôm đó cho đến những bịn rịn vấn vương, những cái siết tay thật chặt không muốn rời xa những người thân tình trong phút biệt ly.
Sau Tết dương lịch Lân gởi thư cho tôi, vào những ngày gần Tết Nguyên Đán tôi rất bận rộn, nào là các cuộc họp mặt với những bạn ở nước ngoài về thăm quê hương như Hồng Vân, vợ chồng Trần Minh Xuyên, Phương Nga, nào là phải tham gia cúng giỗ, đám cưới, liên miên nên không kịp trả lời thư cho Lân. Thấy tôi bặt vô âm tín, Lân lo lắng hỏi Thành không biết tôi có sự cố gì chăng ? Mặc dù Thành đã nói tôi bình an nhưng Lân vẫn bồn chồn không chờ thêm được nữa, ngày 15 tháng Giêng năm 2014 Lân viết cho tôi:
“ Sự im lặng…hố thẳm
Chị Yến Loan thân,
Chị ở …mô rồi??? Sao im lặng quá…???
Ngày thứ Bảy 18 tháng 1/2014 tôi viết thư xin lỗi Lân về sự chậm trễ hồi âm khiến Lân phải lo lắng. Tôi thuật lại cho Lân nghe cuộc họp mặt với các bạn ở nước ngoài về thăm. Hồng Vân đã đại diện các bạn phương xa: Lân , Hà, Liên, Phú … mang về những món quà tình nghĩa giúp đỡ những bạn cùng lớp đang đau ốm khó khăn và tôi không quên chúc Lân cùng gia đình đón xuân Giáp Ngọ vui vẻ, hạnh phúc.
Gởi thư xong, tôi hớn hở chờ Lân trả lời. Tối hôm đó tôi ngồi vào máy vi tính kiểm tra không thấy thư Lân, ngày mai Chúa nhật cũng không có, tôi cứ nghĩ là Lân bận việc chưa viết thư được nên ráng chờ tiếp. Đến sáng thứ Hai 20/01/2014 khoảng gần trưa thì Thành gọi điện báo tin Lân qua đời mới cách đây mấy tiếng đồng hồ. Tôi bàng hoàng, sững sốt, không ngờ Lân lại ra đi đột ngột khốc liệt đến thế. Những bức thư Lân mới viết cho tôi lời lẽ khá dí dỏm, lạc quan, ngay cả tấm ảnh Lân chụp hôm các bạn đến thăm vào ngày cuối năm dương lịch, Lân vẫn còn tươi khỏe lắm, chưa có biểu hiện gì, vậy mà hôm nay đã ra người thiên cổ!
“Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”, tôi gặp lại Lân vỏn vẹn mới tròn một tháng, 18/12/2013 đến 18/01/2014. Mười tám bức thư qua lại chưa nói hết nỗi niềm của hơn 30 năm xa cách, con đường kết nối bạn bè đang thông suốt đã vội đứt ngang. Cũng đành sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của tự nhiên, thân cát bụi phải trở về với cát bụi, đó là lộ trình của một đời người không ai thoát khỏi. Còn theo tôn giáo thì “cái chết dịu dàng” của Lân là điều may mắn giúp Lân sớm chấm dứt những nhọc nhằn của thể xác do căn bệnh trầm kha giày vò hơn tám năm rồi. Dẫu biết là thế nhưng tôi cũng rất sốc vì mất một người bạn tâm giao.
Lân ra đi khi ước vọng cuối cùng mà Lân thổ lộ cùng tôi là “Cố kéo dài cuộc sống để giữ giềng mối cho con kết thúc học hành” chưa đạt được và lá thư cuối cùng tôi gởi cho Lân không biết Lân có kịp đọc chưa! Câu hỏi này mãi mãi sẽ không có câu trả lời, và đó cũng là nỗi niềm ray rứt khôn nguôi khiến tôi không thể nào quên được người bạn khiêm cung đầy nhiệt tình của một thời tuổi trẻ.