Tôi Đưa Em Sang Sông, một bản nhạc, hai cuộc tình. Ai thật sự là tác giả?
Vương Uyên, Mạnh Đông 2013
Tôi về Cali vào ngày 7 tháng 1, 2013, đại diện cho Gia Đình để đi phúng điếu Bác Vĩnh Cơ, một thân hữu lâu đời của Ba Má tôi tại Đà Nẵng, vừa mới tạ thế. Thật là cơ duyên không hẹn mà gặp, tang lễ của Bác Vĩnh Cơ đã được cử hành tại Peek Funeral Home, Westminster, CA cũng chính là khuôn viên nghĩa trang mà nhạc sĩ Nhật Ngân đã được an nghĩ.
Tuy thời giờ rất eo hẹp, tôi đã thu xếp ghé thăm mộ người nhạc sĩ tài ba cũng là người bạn thân quen của gia đình Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng (QNDN). Tuy đã vào Đông nhưng Cali muôn thuở vẫn với những dãi nắng vàng ấm áp tỏa chan hoà khắp đất trời. Cỏ cây xanh tươi và những chậu hoa trang trí chung quanh ngôi mộ của anh Nhật Ngân thật tươm tất và mát mắt. Tôi chợt nghĩ, nếu anh Nhật Ngân mà được chứng kiến khung cảnh thơ mộng này do chính đôi bàn tay của chị Nương, người vợ hiền thân yêu của anh chăm sóc thì chắc chắn trong kho tàng âm nhạc Nhật Ngân lại có thêm một bản tình ca thật lãng mạn với âm điệu sầu lắng ngập tràn ray rức và gây xúc động hàng triệu con tim.
Vương Uyên viếng mộ nhạc sĩ Nhật Ngân
Chỉ còn 2 tuần nữa thôi, ngày 21 tháng 1 là tròn một năm nhạc sĩ Nhật Ngân đã vĩnh viễn ra đi, và anh không còn lỗi hẹn chờ đón Giao Thừa với ca khúc "Xuân Này Con Không Về" như những mùa Xuân năm cũ.
Qua nhiều hoạt động gắn bó trong tình người xứ Quảng, nhạc sĩ Nhật Ngân là người bạn thân tình của các anh chị em hội Đồng Hương QNDN cũng như Liên trường QNDN thuộc miền Nam California. Anh Ngân tuy quê quán tại Thanh Hóa nhưng thời niên thiếu của anh gắn liền với Quảng Nam-Đà Nẵng và ngôi trường Phan Châu Trinh. Chính vì thế những người con xứ Quảng nhiệt tình đón nhận thương mến anh. Sự ra đi của anh là một mất mát lớn lao trong lòng mọi giới yêu văn nghệ nhưng là một mất mát sâu đậm nhất đối với anh chị em Đồng Hương QNDN.
Trong ngày Đại Hội Liên Trường QNDN năm 2011, nhạc sĩ Nhật Ngân đã trao cho chúng ta những lời ca cuối cùng đầy tình, đầy nghĩa về những niềm thương, nỗi nhớ mái trường xưa qua bài hát với chủ đề "Ngày Ấy Không Xa":
"Nắm tay nhau vai sát vai nhau trong ngày xum họp
Nói nhau nghe bao chuyện buồn vui những ngày cách xa...
Hát vang lên câu hát vui tươi như thời đi học
Nhắc nhau nghe câu chuyện tình xưa hằn dấu một thời..."
Chủ đề bài nhạc Ngày Ấy Không Xa có phải chăng đã là điềm nhắn nhủ ngày ra đi vĩnh viễn của anh sẽ không xa lắm…
Đại Hội LTQNDN tháng 9 năm 2011 trôi qua đã hơn 1 năm mà tưởng như mới vừa hôm qua, giờ đây ngồi nhìn lại những tấm hình kỷ niệm có anh Nhật Ngân đứng điều khiển chương trình văn nghệ, không ai trong chúng ta mà không khỏi ngậm ngùi nhớ đến người nhạc sĩ đầy lòng nhân ái và đậm tình yêu quê hương...
Trong những lần họp mặt Liên trường hay hội đồng Hương QNDN tới đây chúng ta sẽ không còn thấy sự hiện diện của anh, người nhạc sĩ tài hoa của xứ Quảng. Tất cả chúng ta đã mất đi một người anh em, một người bạn rất thân tình.
Nhắc đến nhạc sĩ Nhật Ngân, chắc hẳn không ai trong chúng ta mà không biết đến một ca khúc tình cảm mang tên "Tôi Ðưa Em Sang Sông", đã từng được sự đón nhận và yêu thích không ngờ của khán giả trong ngày đầu tiên được phát hành từ năm 1962 cho đến ngày hôm nay.
Tuy nhiên trong nhiều năm qua, nhạc bản "Tôi Ðưa Em Sang Sông", đã gây hoang mang trong quần chúng, nhiều người đã dị nghị không biết ai mới thật sự là tác giả của bản nhạc, nhất là sau khi cả hai Nhạc Sĩ Nhật Ngân và Nhạc Sĩ Y Vũ kể lại hai cuộc tình hoàn toàn khác biệt, cảm hứng khơi nguồn cho "Tôi Ðưa Em Sang Sông".
Nhân dịp giỗ đầu của nhạc sĩ Nhật Ngân, để giải đáp cho những dị nghị, tôi cố gắng xông pha trong bụi bậm của thời gian để ghi chép lại những nguồn tài liệu ghi nhận được trên Net không ngoài mục đích đi tìm sự thật về tác giả của nhạc phẩm "Tôi Đưa Em Sang Sông" với trái tim công bình của người yêu chuộng âm nhạc cùng tất cả lòng hâm mộ và kính trọng đối với cả hai tác giả Nhật Ngân - Y Vũ. Nếu có mạo phạm đến ai, xin mong được sự thông cảm.
Thứ nhất: Nơi nào năm xưa anh Nhật Ngân thường hay đến dợt nhạc?
Theo Thầy Vũ Nguyên Hồng: (Chuyện một thời Đà Nẵng/ Vũ Nguyên Hồng/ trang 136 & 137):
“Thường lui tới dợt đàn và hát tại nhà Long gương có Bông hướng đạo, Ngân dạy nhạc, và Long nhu đạo.
Tôi là anh lớn trong gia đình nhưng rất gần gũi và cởi mở với mấy cậu em tôi nên có chuyện gì, các em tôi đều kể lại cho tôi hết trọi. Kể tới, kể lui, kể từng chi tiết, thành thử tôi nhớ rõ. Có lẽ vào tuổi già người ta mới thừa nhận rằng cái "long term memory" nó mãnh liệt hơn cái "short term memory" cả ngàn lần. Chả hiểu vì sao nhiều chuyện xa xưa, tưởng rằng đã quên nhưng nay lại nhớ rõ mồn một, còn chuyện mới nói đó thì đã vội quên đi.
(Lê Long, người thứ ba đếm từ phải sang)
Khi em trai tôi vào Hải Quân thì Bông hướng đạo đã ra trường Sĩ Quan Đà Lạt rồi. Anh chàng võ bị hào hoa này có giọng hát ngọt ngào được nhiều nữ sinh ái mộ và có người yêu gắn liền với cái tên của anh ta. Có một loài "Bông" nào mà lại không có "Nhụy" hả bạn?
Ngân dạy nhạc ở Đà Nẵng chính là nhạc sĩ Trần Nhật Ngân, thành danh với nhạc bản "Tôi đưa Em sang sông", viết chung với Y Vũ. Đây là một trong những bản nhạc bị Phủ Tổng Ủy Chiêu Hồi và Dân Vận xếp trong danh sách nhạc ủy mỵ.
Một hôm Trần Nhật Ngân gẩy đàn hát “Em đưa anh đi Quang Trung bằng xe GMC thay con thuyền..." thay vì hát "tôi đưa em sang sông bằng xe hoa thay con thuyền"... rồi phá lên cười. Tôi cũng chẳng nhớ ai đã kể chuyện này cho tôi nghe khi tôi công tác tại Bạch Đằng, Sàigòn.
Nhật Ngân còn có năng khiếu nói giọng Bắc và giọng Huế giống y chang và cái khéo của chàng nhạc sĩ nhà ta là xử dụng cả những từ của người địa phương nên chính dân Bắc hay dân Huế không biết ông này thuộc gốc nào đây. (Trích từ Chuyện một thời Đà Nẵng/ Vũ Nguyên Hồng/ trang 136 & 137).
Thứ hai: Ai là người đầu tiên được nhạc sĩ Nhật Ngân đưa bản thảo “Tôi Đưa Em Sang Sông” để hát thử?
Theo thầy Võ Anh Dũng, giáo sư Phan Thanh Giản, trong bài XUÂN NÀY CON VỀ viết để tưởng niệm linh hồn cố giáo sư, nhạc sĩ Nhật Ngân đã cho biết:
“Khi tôi vào Phan Châu Trinh, Ngân đã rời trường vào Sài Gòn học nhạc. Năm 1960, anh về thăm gia đình ở Đà Nẵng, đã đưa bản thảo nhạc phẩm "Tôi Đưa Em Sang Sông" cho anh Nguyễn Đức Bông, một người bạn cùng lớp rất thân với anh hát thử.
Anh Bông đã hát bài hát nầy tại ty Thông Tin Đà Nẵng và đã được sự đón nhận và yêu thích không ngờ của khán giả. Về sau, nhạc phẩm "Tôi Đưa Em Sang Sông" đã được xuất bản tại Sài Gòn và những tiệm sách ở Đà Nẵng đã bán hết bản nhạc nầy trong ngày đầu tiên được phát hành tại địa phương. (Nguồn: http://www.ptgdn.com/poems/voanhdung/xuannayconkhongve.htm)
Anh Nguyễn Đức Bông, người đầu tiên hát bài "Tôi Đưa Em Sang Sông" tại Đà Nẵng cũng đã xuất hiện trong Đêm Tưởng Nhớ cố Nhạc Sĩ NHẬT NGÂN và đã được ghi nhận trong phóng sự do QD (SAO MAI) ghi lại:
Chương trình được tiếp tục với phần trình diễn các tác phẩm của cố nhạc sĩ Nhật Ngân như “Qua Cơn Mê” (Trung Chỉnh), “Một Mai Giã Từ Vũ Khí” (Trúc Hồ và Mai Thanh Sơn), “Yêu Một Mình” (Phương Hồng Quế), “Tôi Ðưa Em Sang Sông (Nguyễn Ðức Bông, người hát ca khúc này đầu tiên tại Đà Nẵng cách đây 52 năm), “Mùa Xuân Của Mẹ” (Tường Nguyên)...
Người đứng hát là anh Nguyễn Đức Bông
(Nguồn: http://www.lientruongquangnamdanang.com/forums/viewtopic.php?f=33&t=190)
Thứ ba: Bạn bè, đồng nghiệp, và ngay cả Thầy Hiệu Trưởng trường PCT mà Nhạc sĩ Nhật Ngân theo học ở bậc Trung Học ở Đà Nẵng cũng đều xác nhận Trần Nhật Ngân là tác giả Tôi Đưa Em Sang Sông
- Thầy Nguyễn Đăng Ngọc, Hiệu Trưởng Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, cũng biết học trò của mình, Nhật Ngân, là tác giả "Tôi Đưa Em Sang Sông":
Tôi đã gặp lại Trần Nhật Ngân, suýt nữa thì không phải để “đưa em sang sông” mà đưa mình sang sông. Tình bằng hữu ngày xưa có lẽ là một trong những yếu tố giúp cho Nhật Ngân thêm can đảm để phấn đấu thoát cơn bịnh ngặt nghèo. (Nguồn: Những Người Bạn Trẻ, của Hoàng Nguyễn, http://phanchautrinhdanang.com/index.php?option=com_content&view=article&id=70:nhng-ngi-bn-tr&catid=40 :mt-thi-phan-chau-trinh&Itemid=62)
- Nhà văn Tuyết Ái, Thùy An kể chuyện:
Chuông điện thoại reo. Tôi hồi hộp bắt máy, sợ nghe một tràng tiếng Mỹ thì khó đỡ, nào ngờ: “Ái? Phải Ái không?” “Ừ, đúng rồi… Ai rứa?” “Long đây. Vũ Văn Long đệ nhất A Phan Châu Trinh nè.” Tôi lặng người. Gần nửa thế kỷ mới nghe lại giọng nói của anh bạn đàn giỏi hát hay ngày xưa! “A lô… a lô… Ái còn đó không? Sao im re vậy?” “Tại… tại đang ngạc nhiên… ủa mà sao Long biết…” “Trời đất, bộ chưa vào mạng sao? Bạn bè đang Welcome Ái đó.” Sực nhớ trang Web Phan Châu Trinh Đà Nẵng bị bức tường lửa ở VN chận lại từ lâu lắm rồi, nên tôi không còn thói quen dạo chơi và gửi bài đến nữa. “Thiệt hả? Cám ơn Long và các bạn nghe. Sao? Long vẫn khỏe chứ?
Nhớ Long hồi xưa hát bài Tôi Đưa Em Sang Sông hay lắm, bây giờ còn hát không?” “Hết hơi rồi, hát hò chi nữa.” “Vậy Long bây giờ ở đâu?” “Ở gần Ái nè.” “Đừng giỡn nghe, đừng làm tui mừng hụt đó.” “Thì cứ nói địa chỉ đi, cuối tuần này Long sẽ đến thăm.”
(Nguồn: Phía Sau Hoàng Hôn/Thùy An http://phanchautrinhdanang.com/index.php?option =com_content &view= article&id=92:phia-sau-hoang-hon&catid=40:mt-thi-phan-chau-trinh&Itemid=62)
Nhà Văn Thùy An & Vũ Văn Long (PCT64)
Theo Diễn Đàn Sinh Hoạt của trang web Một Thời Phan Châu Trinh, tháng 11/2012, (http:// phanchautrinhdanang.com/), nhạc sĩ Trần Nhật Ngân, tác giả "Tôi Đưa Em Sang Sông" có phổ nhạc bài thơ Hờ Hững của nhà văn Tuyết Ái:
“Một hôm Trần Nhật Ngân, chắc mới lãnh lương xong, rủ Vũ Văn Long và tôi đi quán cà phê trước nhà thờ Chánh Tòa. Quán do hai chị em người Hoa làm chủ, có trà cúc và món bánh ngọt pha rhum tuyệt cú mèo. Nhâm nhi, nói chuyện trời trăng mây nước cũng khá lâu, rồi Ngân cho biết mới đọc bài thơ “Hờ Hững” của Tuyết Ái và muốn phổ nhạc bài này:
"Cành pensée tim tím,
hoa pensée thanh thanh,
tóc ai màu nhung nhớ,
mắt ai màu xanh xanh… " (thơ Tuyết Ái)
Tôi nhận công tác đưa Ngân đến gặp Tuyết Ái. Hồi đó trong lớp, bạn bè gọi Nguyễn Thị Ái là Tuyết Ái, theo bút hiệu mà Ái đã ghi trên một số bài có đăng trên báo. Ái có nước da mặt trắng mịn tự nhiên, cười rất tươi, tóc đen mượt, uốn thả dài, đôi lúc ngồi trong lớp học tay chống cằm, trông rất sầu mộng. Tôi chẳng nhớ lúc nào bút hiệu Tuyết Ái đổi thành Thùy An.
Đúng như hẹn trước, chúng tôi đến nhà Tuyết Ái. Ngân vào đề trực khởi, ngõ ý ngay với Ái là muốn được phổ nhạc bài thơ “Hờ Hững”.
- Chị Thi Vân, trong “Dư Âm Đại Hội PCT Thế Giới kỳ II tháng 8/ 2012” nhắc lại kỷ niệm khi nghe bạn Nguyễn Ngọc My hát bài Tôi Đưa Em Sang Sông: Bài hát từng được nhiều thế hệ PCT ưa thích. Chiều nay được nghe lại, giữa không khí họp mặt bằng hữu, như thêm hay... Và rồi nhớ, trong một buổi trình diễn dành riêng cho nhạc Nhật Ngân, đã lâu, do Lê Hân tổ chức tại thính phòng của Living Art Center (Mississauga, Ontario), chính tác giả "Tôi Đưa Em Sang Sông" đã hát lại ca khúc này với nhiều cảm xúc "để tặng các bạn cựu PCT hiện diện".
(Nguồn:http://www.phanchautrinhdanang.com/index.php?option=com_content&view=article&id=493).
Thứ tư: Kỷ niệm về nhạc sĩ Nhật Ngân tại "Lầu Học Trò", Quảng Nam Đà Nẵng
Khi nhạc bản “Tôi Đưa Em Sang Sông” ra đời, tuổi trẻ Đà Nẵng thuở ấy hầu như đều biết tên và biết tác già Nhật Ngân. Lúc này ông là giáo sư âm nhạc của Trung Học Phan Thanh Giản.
Số nhân chứng mà tôi đã nhắc đến ở trên hiện nay vẫn còn sống, cụ thể như các anh Lê Long, Vũ Văn Long, nhà văn Thùy An hiện đang cư ngụ tại Houston…và một số khác tôi không biết địa chỉ nhưng qua các phóng sự họp mặt và hình ảnh mới nhất thấy có các đương nhân tham dự.
Đối với tôi, hai tác giả Nhật Ngân và Y Vũ đều là hai cổ thụ tiền bối đã thành danh trong làng âm nhạc Việt Nam. Mỗi người đều có tài năng riêng và đã sáng tác rất nhiều bản nhạc nổi tiếng của mình và được mọi giới ưa chuộng. Đâu cần chỉ một tác phẩm của chung "Tôi Đưa Em Sang Sông" mà làm nên danh phận. Tuy nhiên việc minh định rõ ràng tác giả của "Tôi Đưa Em Sang Sông" thiết nghĩ rất cần thiết để lớp hậu sanh không bị hoang mang, lạc hướng.
Trong việc làm sáng tỏ nghi vấn của nhiều người trong nhiều năm qua về tác giả của nhạc phẩm "Tôi Đưa Em Sang Sông", cá nhân tôi cũng xin ghi lại sau đây kỷ niệm về nhạc sĩ Nhật Ngân tại "Lầu Học Trò", Quảng Nam Đà Nẵng.
Tôi đã biết nhạc sĩ Nhật Ngân từ lúc anh đang là học sinh Trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng năm tôi mới lên 7 tuổi. Lúc bấy giờ các anh tôi đang chuẩn bị thi Tú Tài, nên các anh đã chiếm lĩnh căn gác gỗ của gia đình và biến thành phòng học, rồi lập nhóm cùng gạo bài thi chung và từ đó căn gác gỗ mộc mạc có cái tên thật dễ thương: "Lầu Học Trò".
Tôi còn nhớ rất rõ trong nhóm Lầu Học Trò có 2 anh nổi bật về văn nghệ, đó là anh Vũ Văn Long với giọng ca vàng trầm ấm ngọt ngào và anh Trần Nhật Ngân hát đã hay mà đờn cũng rất tuyệt qua lối búng dây đàn guitar của anh. Mỗi buổi chiều sau khi cơm nước xong, các anh đều tụ tập tại Lầu Học Trò để cùng gạo bài thi, thông thường vào lúc gần giữa đêm chúng tôi thường nghe những tiếng cười đùa rúc rích và tiếng đàn, tiếng hát vọng xuống nhà từ căn gác gỗ.
Đối với con bé vừa mới lên 7 như tôi lúc bấy giờ thì nghe nhộn nhịp vui tai chứ chưa đủ trình độ để hiểu ý nghĩa của những bài nhạc. Sau vài tháng bất đắc dĩ được nghe nhạc "phát thanh" từ Lầu Học Trò, cho dầu chỉ mới 7 tuổi đầu mà tôi đã thuộc lòng những bài nhạc ruột mà các anh ưa chuộng như: Anh Về Một Chiều Mưa, Thúy Đã Đi Rồi, Lòng Mẹ, Người Em Sầu Mộng ...vv... và kể cả bài Tôi Đưa Em Sang Sông. Sau kỳ thi Tú Tài các anh tôi vào đại học Sài Gòn. Kể từ đó tôi không còn dịp gặp lại anh Trần Nhật Ngân và anh Vũ Văn Long nữa. Lần đầu tiên cũng là lần cuối tôi được gặp lại anh Nhật Ngân là dịp tham dự Hội Ngộ Liên Trường QNDN tại Nam Cali, 2011.
Qua chủ đề "Tôi Đưa Em Sang Sông, một bản nhạc, hai cuộc tình - Ai thật sự là tác giả của bản nhạc Tôi Đưa Em Sang Sông?", thiết tưởng cần phải ghi lại hai cuộc tình hoàn toàn khác biệt do chính hai nhạc sĩ Y Vũ và Nhật Ngân tâm sự khi được phòng vấn.
Cuộc tình của Y VŨ:
Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên tại đất Sài Gòn náo nhiệt. Những ngày tháng thơ ngây tại trường trung học có lẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi, bởi ở đó tôi đã để trái tim mình rung động trước cô bạn chung lớp tên Thanh. Tình yêu học trò trong sáng lắm, chỉ cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười chứ đâu có dám ngồi gần, dám nắm tay. Những khi tan trường sóng bước bên nhau cũng không biết nói câu gì, chỉ biết... đá cái lon sữa bò khua vang đường phố.
Nhạc Sĩ Y VŨ
Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc "xế nổ" hiệu Roumie ngày ngày đi học. Mỗi chiều khi thay ba ra trông cây xăng, Thanh lại nhắc tôi ra đổ xăng... chùa. Những ngày tháng đó với tôi thật hạnh phúc, lãng mạn. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Thanh biến mất khỏi cuộc đời tôi vì một đám cưới ép gả với chàng bác sĩ. Hụt hẫng, chơi vơi, tôi uống chén đắng đầu đời và nếm trải mùi vị của "thất tình". Tỉnh cơn say vào 2 giờ sáng, tôi ôm guitare và thế là Tôi đưa em sang sông ra đời. Bài hát với giai điệu buồn da diết được coi là tài sản chung cho nhiều chàng trai lâm vào cảnh như tôi thời đó. (Trích từ Nhạc sĩ Y Vũ với bài ca "Tôi đưa em sang sông" - Trịnh Hưng)
Cuộc tình của NHẬT NGÂN:
Về trường hợp ra đời ca khúc này, Nhật Ngân cho biết: khi trở về dạy học ở Ðà Nẵng, ông có yêu một người. Thời đó đối với các gia đình ở miền Trung là phải có chức phận thì họ mới gả con gái cho mình. Ông chỉ là người dạy học thôi, nhất là còn trẻ lắm, nên gia đình cô ấy không chịu gả. Và cô ấy đi lấy chồng. “Thật sự là ngẫu hứng thôi, tôi làm bài hát đó".
Nhạc Sĩ TRẦN NHẬT NGÂN
Mặc dù chưa có phương tiện phổ biến rộng rãi trong thời gian đầu, nhưng Tôi Đưa Em Sang Sông đã trở thành một ca khúc được giới học sinh, sinh viên Ðà Nẵng rất ưa thích, chép tay truyền cho nhau hát.
Sau đó Nhật Ngân gửi ca khúc này vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến dùm, với sự sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối của Bộ Thông tin lúc đó không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị, ướt át. Câu "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời. Và đời em là cánh hoa thì bao người ước mơ, đưa đón trông chờ" được nhạc sĩ Y Vân đổi thành "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời. Mà đời em là ước mơ đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ" cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh của đất nước. Câu kết của bản chính là "Nàng đã thay một lối về, thay cả bàn tay đón đưa" cũng đã được Y Vân đổi thành "Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa." Sự thay đổi lời ca này đã khiến cho cảm thấy "hẫng" đi một chút, như lời ông nói, vì không đúng với tâm trạng của mình khi đến lúc đó, chưa hề trải qua đời sống trong quân ngũ.
Hơn nữa, vì tác giả còn là một người chưa có tên tuổi nên cần nhờ tới một nhạc sĩ nổi tiếng đứng chung tên để Tôi đưa em sang sông đến với quần chúng dễ dàng hơn. Khi được phát hành, Tôi đưa em sang sông được ký tên bởi hai người là Trần Nhật Ngân và Y Vũ. (Trích từ Nhật Ngân: 40 năm cho âm nhạc Việt Nam, Trường Kỳ)
Theo tâm sự của Nhạc sĩ Nhật Ngân, có nói rõ rằng, về bản nhạc Tôi Đưa Em Sang Sông, vì tác giả còn là một người chưa có tên tuổi nên cần nhờ tới một nhạc sĩ nổi tiếng đứng chung tên để Tôi đưa em sang sông đến với quần chúng dễ dàng hơn. Khi được phát hành, Tôi đưa em sang sông được ký tên bởi hai người là Trần Nhật Ngân và Y Vũ. (Trường Kỳ, Nguồn:http://vnmusic.com.vn/p1079-ai-moi-that-su-la-tac-gia-bai-hat-toi-dua-em-sang-song.html)
Như vậy cả hai nhạc sĩ Y Vũ và Nhật Ngân đều xác nhận rằng cảm hứng khơi nguồn cho "Tôi Đưa Em Sang Sông" từ chính bản thân và cuộc sống của tác giả, chứ không phải là "kể lể cho ai".
Một thời gian ngắn sau khi Tôi Đưa Em Sang Sông của Y Vũ và Nhật Ngân ra đời, nhạc sĩ Y Vũ trình làng nhạc bản NGÀY CƯỚI EM, còn nhạc sĩ Nhật Ngân cho ra mắt nhạc bản ĐÊM NAY AI ĐƯA EM VỀ, mà thuở ấy người ta gọi hai bản nhạc này là “Hậu Tôi Đưa Em Sang Sông”.
Hai bản nhạc được mệnh danh là “Hậu Tôi Đưa Em Sang Sông”.
Với những dữ kiện nêu trên, thử hỏi "Tôi Đưa Em Sang Sông", một bản nhạc, hai cuộc tình - Ai thật sự là tác giả?
Bìa của bản nhạc "Tôi Đưa Em Sang Sông" đã ghi là Y VŨ NHẬT NGÂN, không có chữ “và” hay dấu “&” đã gây ngộ nhận rằng tác giả tên một người là Y VŨ NHẬT NGÂN chứ không phải là hai người.
Tuy nhiên trong trang ruột có ghi Y Vũ và Nhật Ngân một cách rõ ràng:
Dưới nhỡn quan pháp lý: khẩu thiệt vô bằng. Lời nói như cơn gió thoảng, chỉ có ngòi bút mới bị trói buộc mà thôi. Nhạc bản "Tôi Đưa Em Sang Sông", dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, trên giấy trắng mực đen, đã mang số KD hẳn hòi, đăng ký dưới hai tên tác giả là Y VŨ và NHẬT NGÂN, thiết tưởng bản quyền bản nhạc "Tôi Đưa Em Sang Sông" này là thuộc đồng sở hữu của hai nhạc sĩ Y Vũ và Nhật Ngân.
Tuy nhiên có nhiều người thắc mắc tại sao khi nói về nhạc bản "Tôi Đưa Em Sang Sông", nhạc sĩ Nhật Ngân có nhắc Y Vũ nhưng khi nói về bản nhạc này, nhạc sĩ Y Vũ hoàn toàn không đả động gì đến tên nhạc sĩ Nhật Ngân?
Như đã biết, một thời gian sau 1975, hai nhạc sĩ sống dưới hai chế độ hoàn tòan khác biệt: Tự Do và Cộng Sản.
Theo nhà văn Ðỗ Thái Nhiên: Người dân Miền Nam Việt Nam còn nhớ rất rõ: ngay sau 30/04/1975, Nhật Ngân là người nghệ sĩ đầu tiên, đứng về phía người dân, hiên ngang hỏi thẳng chế độ Hà Nội:
Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh…
Biết anh có chợt nghĩ gì không
khi thấy quanh anh bao nhiêu nụ cười trên môi chợt tắt
và anh ơi thấy gì?
Ôi hạnh phúc đâu?
Ôi Giải Phóng đâu?
(Nguồn: http://vietbao.com/D_1-2_2-282_4-186666)
Sau khi cưỡng chiếm Miền Nam, Cộng Sản Bắc Việt đã trù dập đến ba đời của người Miền Nam mà chúng coi là Ngụy Quân, Ngụy Quyền, nhất là Văn Nghệ Sĩ. Trừ phi nhạc sĩ Y Vũ đoan quyết rằng chỉ một mình ông là tác giả "Tôi Đưa Em Sang Sông" thì không bàn đến, kỳ dư thì đây là vấn đề rất tế nhị phải hiểu cho nhạc sĩ Y Vũ không nhắc đến nhạc sĩ Nhật Ngân vì Nhật Ngân là một nhạc sĩ đã có không biết bao nhiêu bản nhạc mà Cộng Sản gọi là cực kỳ phản động, vô cùng nguy hiểm.
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay…
Ngoài những dẫn nại nêu trên, chúng ta cỏn thấy rằng, ngay khi sinh tiền, Nhạc Sĩ Nhật Ngân trong trang nhà http://nhatngan.com của ông, chính ông đã thừa nhận Nhạc Phẩm "Tôi Đưa Em Sang Sông" là của hai tác giả Nhật Ngân và Y Vũ đứng như ấn bản do Bộ Thông Tin VNCH đã cấp giấy phép có số KD hẳn hòi ."
Lẽ đó, trong thâm tâm tôi, nhạc bản "Tôi Đưa Em Sang Sông" là của hai nhạc sĩ Y Vũ và Nhật Ngân, như năm xưa tôi vẫn thường nghe lời giới thiệu trên đài Phát Thanh Sàigòn hay đài Phát Thanh Quân Đội: Tôi Đưa Em Sang Sông … của Y Vũ và Nhật Ngân qua tiếng hát của Thanh Thúy…
Cho đến bây giờ, mỗi lần nghe bản nhạc "Tôi Đưa Em Sang Sông" là cả một trời tuổi thơ sống tại Đà Nẵng trở về trong ký ức tôi với tất cả thương và nhớ
Hôm nay này nữa bao lâu
Thời gian lầm lũi phủ màu đắng cay
Tuổi thơ nhẩm tính trên tay
Trời ơi! mới đó ...mới ngày nào thôi...
(Vương Uyên /Khung Trời Sao Mai)
Vương Uyên, Mạnh Đông 2013