Hồi ức về Thầy Trần Vinh Anh

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Hồi ức về Thầy Cố Hiệu Trưởng Trần Vinh Anh

Thầy được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng trường THPT Phan Châu Trinh Đà Nẵng từ đầu năm học 1966 và Thầy đã vĩnh viễn ra đi vào mùa hè năm 1967 khi Thầy làm Chánh Chủ Khảo Hội Đồng thi Tú Tài 1 tại Thị Xã Quy Nhơn, lưỡi dao oan nghiệt của một thí sinh côn đồ mà Thầy đã cương quyết đình chỉ thi do gian lận thi cử đã kết thúc cuộc sống của một người Thầy liêm chính, đức độ, tài năng và quả cảm. Thầy mất đi khi tuổi đời còn rất trẻ, còn nhiều hoài bảo cống hiến cho đời, cho sự nghiệp giáo dục màThầy đã chọn.

thay HT TranVinhAnh

 

Thời gian Thầy làm Hiệu Trưởng trường THPT Phan Châu Trinh thật ngắn ngủi, đa số CHS_PCT_NK_65-72  có rất ít kí ức về Thầy. Năm học 1966-1967 anh em mình mới học lớp Đệ Lục (lớp 7 bây giờ), còn quá non nớt, lắm bỡ ngỡ, rụt rè trong các hoạt động của nhà trường nên ít khi được tiếp xúc, đối diện với Thầy Hiệu Trưởng. Với tôi trong suốt 40 năm kể từ ngày xa trường PCT tôi vẫn thường nhớ đến Thầy, nhớ đến tấm gương quả cảm của Thầy nhưng thú thật tôi không thể hình dung được khuôn mặt của người Thầy kính yêu, cho đến tháng 9-2012 khi về Đà Nẵng dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường và 40 năm ngày xa trường, tôi vui mừng và cảm động xiết bao khi nhìn được hình ảnh của Thầy trong phòng truyền thống của trường, tôi cố ghi lại hình ảnh Thầy dù không được rỏ nét lắm, qua bức ảnh của Thầy có thể nhận ra những giá trị tinh thần cao quý với khuôn mặt nghiêm nghị, cái nhìn thẳng thắn, cương trực và vầng trán đầy trí tuệ của Thầy.

 

Ngày đầu tiên tôi được nhìn thấy Thầy khi tôi là học sinh trực văn phòng nhà trường, nhiệm vụ của học sinh trực văn phòng là đưa các thông báo của phòng giáo vụ đến các lớp, bấm chuông báo kết thúc mỗi tiết học, làm các công việc tạp vụ khác nếu có của văn phòng nhà trường. Các lớp tuần tự thay nhau cắt học sinh trực văn phòng khoảng 1 tháng 1 buổi, vào buổi lớp được nghỉ học, thường thì lớp trưởng hay lớp phó nhận phiên trực này, lí do lớp trưởng không cắt học sinh khác trực vì sợ học sinh này không đi trực, lớp sẽ bị khiển trách. Tôi lúc đó làm lớp trưởng lớp đệ lục 4.

Trong phiên trực hôm đó, khi tôi đang ngồi trên chiếc ghế băng trước cửa phòng giáo vụ, tôi nhìn thấy Thầy đi từ phòng Hội Đồng dọc theo hành lang, qua các lớp rồi vào phòng Hiệu Trưởng. Thầy đi rất nhanh,  dáng người thấp, khuôn mặt nghiêm nghị, da Thầy ngâm đen, hình như Thầy từ xa chuyển đến chứ không phải công tác tại Đà Nẵng từ trước. Thầy đi làm bằng chiếc xe Honda 68 cũ, bình xăng màu trắng, cái ghi-đông nằm ngang hơi kềnh càng so với dáng dấp của Thầy. Cho đến ngày Thầy mất, không có nhiều thông tin về Thầy, về gia đình vợ con của Thầy. Qua câu chuyện giữa các Thầy Cô trong phòng giáo vụ, tôi được biết Thầy sống trong một ngôi nhà nhỏ gần bãi biển Thanh Bình, khu vực này lúc bấy giờ có nhiều nhà tạm của những người lao động nghèo hay di dân từ các nơi khác đến. Có Thầy Cô đến thăm nhà Thầy Hiệu Trưởng thấy Thầy đang cuốc đất trồng rau. Mọi người đều rất nể phục cách sống bình dị của Thầy.

Trên cương vị Hiệu Trưởng, trong năm học 1966-1967, Thầy đã tổ chức 2 kỳ thi kiểm tra đệ nhất lục cá nguyệt và đệ nhị lục cá nguyệt (thi học kỳ 1 và thi học kỳ 2) rất nghiêm túc. Tôi nhớ rất rỏ lớp tôi được chia thành 2 phòng thi, học sinh ngồi theo số báo danh cách xa nhau nên rất khó nhìn bài của nhau, đề thi được phát đến giáo viên coi thi khi giờ thi bắt đầu và thi chung một đề thi cho cùng một khối lớp. Cách tổ chức thi học kỳ như vậy chưa từng được áp dụng trước đó và cả những năm học sau này cho đến năm tôi rời trường 1972. Có thể thấy ngay tính hiệu quả của cách thi học kỳ như vậy, học sinh phải lo học và trung thực làm bài, giáo viên phải dạy đủ chương trình học.

Với phong cách làm việc nghiêm túc như thế, Mùa hè 1967 khi Thầy làm Chánh Chủ Khảo Hội Đồng thi Tú Tài 1 tại Thị Xã Quy Nhơn, Thầy đã rất nghiêm khắc xử phạt các hành vi gian lận thi cử và Thầy đã hy sinh cho lý tưởng của mình. Đám tang của Thầy được tổ chức khá đơn giản tại Đà Nẵng, vì đang thời gian học sinh nghỉ hè nên chỉ một số học sinh lớp lớn được thông báo tham dự tang lễ của Thầy. Tôi không được tham dự tang lễ của Thầy nhưng may mắn được nhìn thấy đoàn đưa tang đi trên đường Phan Châu Trinh gần nhà tôi ở. Các học sinh nam nữ đều mặc đồng phục màu trắng, tay cầm các vòng hoa phúng điếu, có 2 băng khẩu hiệu nền đen chữ trắng thương tiếc Thầy và lên án tên côn đồ đã giết chết Thầy.

Thế là Thầy đã vĩnh viễn ra đi và theo thói đời nghiệt ngã, Thầy cũng nhanh chóng đi vào sự lãng quên, những năm tháng sau này, không có mấy dịp để học sinh tưởng nhớ đến Thầy, có ai trong chúng ta được thắp một nén nhang trong ngày giỗ của Thầy! Không còn nghe ai đó kể những kỷ niệm về Thầy!.

Thật  may mắn, sau ngày Thầy mất, tôi đã được nghe một câu chuyện thật khí tiết về Thầy, câu chuyện không được kể lại tại Đà Nẵng mà được kể tại thành phố Huế, quê hương của tôi.

Ở Huế, nhà của ba mẹ tôi trong khuôn viên Thành Nội, gần Cửa Hiển Nhơn (cửa phía Đông đi vào Đại Nội). Ở sát cạnh nhà tôi là nhà của bác D. Bác D. là một Công chức cao cấp thời bấy giờ, làm đến chức Trưởng Ty (Giám đốc Sở). Xin nói nhỏ là bạn Lê Quang Thọ 12A2 quen thân với gia đình Bác D. Vào dịp hè 1967, tôi ra thăm gia đình, biết tôi là học sinh trường PCT, Bác D. kể cho tôi câu chuyện về Thầy Hiệu Trưởng Trần Vinh Anh và vô cùng khâm phục khí tiết của Thầy:

Bác D. có người anh bà con sống ở Đà Nẵng nhưng làm việc tại Sài Gòn. Ông N. là một Nghị Sĩ Thượng Nghị Viện, có thể nói là người rất có quyền thế thời bấy giờ. Ông N. muốn đưa con trai vào học tại trường PCT nhưng con ông không đủ điều kiện để xét tuyển. Sau nhiều lần trực tiếp gặp Thầy Hiệu Trưởng Trần Vinh Anh đều bị Thầy thẳng thắn từ chối, ông N. rất bực tức đã nói thẳng với Thầy:

-“Anh chẳng qua cũng chỉ là một hạt đậu đỏ trong một thúng đậu đen mà thôi”.

Thầy đã khẳng khái trả lời:

-“Thà có một hạt đậu đỏ còn hơn không có hạt nào”.

Câu trả lời ngắn gọn của Thầy đã theo tôi suốt cho đến tận bây giờ, qua bao thăng trầm của cuộc sống, mỗi khi phải đối diện với những khó khăn, gian khổ, những cám dỗ của đời thường và có khi là áp lực của quyền uy, tôi thường nghĩ đến cuộc sống và cái chết của Thầy Hiệu Trưởng Trần Vinh Anh. Có thể để làm một hạt đậu đỏ nhỏ bé giữa cuộc đời cũng đã khó khăn vô cùng, thậm chí hạt đậu đỏ đó đã không thể tồn tại, đã phải mất đi, tan nát, vỡ vụn. Nhưng Thầy ơi!, dẫu Thầy đã mất đi, Thầy đã gieo mầm nhiều hạt đậu đỏ khác cho cuộc đời.

Hôm nay, vào những ngày cuối hè 2013, tôi nhớ về mùa hè đau thương năm 1967, nhớ đến sự hy sinh quả cảm của Thầy. Tôi viết bài hồi ức về Thầy, dẫu rất muộn màng, xin được dâng lên  Thầy nén hương lòng với lời khấn nguyện: “Thầy ơi!, hôm nay nhớ về Thầy, chúng con, những đứa học trò nhỏ của Thầy ngày xưa nay đã ngoài tuổi 60, chúng con đã đi gần hết đoạn đường của đời mình, cho đến điểm dừng chân cuối cùng, chúng con nguyện vẫn mãi là hạt đậu đỏ mà Thầy đã gieo”.

 

Huế, hè 2013.

Nguyễn Văn Cư.