Kỷ Niệm Về Ba Người Bạn Mang Tên HỒNG.

User Rating: 2 / 5

Star ActiveStar ActiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Kỷ Niệm Về Ba Người Bạn Mang Tên HỒNG.

Vào mùa Xuân năm Tân Sửu (1961), trước khi nghỉ tết, trường bắt buộc mỗi lớp phải có một tiết mục văn nghệ để tham dự liên hoan. Dĩ nhiên là phải qua vòng sơ khảo, rồi mới được chọn.
Lúc này, tôi đang học lớp Tứ 2. Thầy cố vấn năm đó là ai, tôi không nhớ, chỉ biết đó là một “người” rất hững hờ với lãnh vực văn nghệ văn gừng, làm chúng tôi rất nản. Nhưng vì lòng háo thắng của tuổi trẻ, tôi quyết tâm “chiến đấu đến cùng”. Trước “kinh nghiệm xương máu” hồi đệ thất, vì Duyệt (Tây lai) mà vở kịch “Kéo gỗ Làm Đình” của chúng tôi bị bể dĩa, tôi dùng lời lẽ thật khéo léo, thuyết phục Duyệt không tham gia vở kịch này.

 
AIBLDUYRT2

 Tuyết Ái -Bích Lan - Duyệt

ptd Duyệt ( áo dài màu )

Đó là vở “Hòn Vọng Phu” do tôi lấy ý từ một vở nhạc kịch rồi thêm mắm dặm muối vào để giảm bớt phần “chôm chỉa”. Bảng phân vai gồm:
-Chàng chinh phu (Hồ thị Hồng)
-Nàng chinh phụ (Nguyễn thị Bích Lan)
-Người hát dẫn truyện (tôi)
-Ông lão kể chuyện (Nguyễn văn Khánh)
-Những người cháu nghe chuyện (một vài bạn nam tôi không nhớ).
Dĩ nhiên là vở kịch thành công, được trình diễn trên sân khấu. Nhưng ở đây, tôi chỉ muốn nói đến những chuyện xảy ra bên lề đêm sơ khảo.


Xin nhắc lại, lớp tôi có nhiều người đẹp. Nhưng đến năm đệ tứ, nhan sắc Hồ thị Hồng vượt trội lên tất cả. Nhớ hôm đứng chào cờ, thấy hai má Hồng ửng lên trông rất đẹp, tôi xuýt xoa thì nó nói nhỏ: “Tao bị ho lao đến thời kỳ thứ ba rồi đó.” Tôi giật mình tưởng thật, vì có lần tôi nghe nói, những người bị lao đến kỳ cuối thường có nước da trắng hồng. Thấy tôi tái mặt, Hồ thị Hồng cười ngặt ngoẽo: “Mi ngu thiệt đó, nói rứa mà mi cũng tin.”
Ngoài nước da hồng hào, Hồng có đôi mắt to và dài, thêm vào nụ cười rất quyến rũ, nên có rất nhiều anh chàng si tình biến thành “cái đuôi”của Hồng, tự nguyện làm nô lệ.
Đêm sơ khảo vở kịch, cũng vì những “cái đuôi” này, Hồng đến trễ, làm chúng tôi một phen lên ruột. Cả bọn chờ nó tại nhà tôi. Đạo cụ đã chuẩn bị sẵn sàng, nào gươm cho chinh phu mang, búp bê cho chinh phụ ẵm, rồi áo quần, võng lọng… Đến phút cuối cùng vẫn không thấy Hồng đâu, Bích Lan nói với tôi:
-Thôi mày đóng thế vai con Hồng đi.
-Trời đất, như vậy ai sẽ hát bài Ai Xuôi Vạn Lý? Hay là để cho Khánh, vì màn đầu không có vai của Khánh.
Khánh dẫy nẫy:
-Không được, tui đóng vai ông già đã mệt quá rồi.
Lời qua tiếng lại không xong, tôi đành nói:
-Thôi, chúng ta lên trường rồi tính tiếp.
Cả bọn khệ nệ tay xách nách mang đến phòng sơ khảo, chạm ngay Hồ thị Hồng đang đứng cười duyên trước hành lang, xung quanh nó là những “cái đuôi” chen chúc, sẵn sàng quì dưới chân người đẹp. Đêm nay nó đẹp thật, tóc bới cao, gắn những cánh hoa trắng trông như diễn viên màn ảnh. Nó càng tươi cười, tôi càng tức tối. Nhân danh trưởng ban văn nghệ kiêm “đạo diễn” vở kịch, tôi hét:
-Hồng, mi làm ăn kiểu chi rứa?
Hồng cười giả lả:
-Thôi vuốt giận. Chưa đến phiên mình mà. Chúng mình vào hóa trang nhanh lên.
Rồi mọi chuyện đâu cũng vào đó. Các thầy cô khen vở kịch khá, Bích Lan diễn vai “hóa đá” rất tài, dù bị khán giả bên dưới trêu chọc, vẫn cứ là một nàng Tô Thị ngàn năm đợi chồng. Nguyễn văn Khánh đóng vai ông già cũng đạt lắm, những cử chỉ gật gù, vuốt râu… rất tự nhiên, giọng ngâm thơ trầm lắng làm cho các thầy cô phải ngẩn ngơ:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…
Hồ thị Hồng không được khen nhưng nó chẳng màng, vì sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nó cởi bỏ trang phục chinh phu, lại áo dài tha thướt, tóc bới kết hoa, nó bước xuống cầu thang và… những “cái đuôi” tiếp tục bám gót.
Hồng học không giỏi, nhưng làm thơ hay. Trong bản nhạc Mưa Đêm, Hồng đề tặng tôi :
Mưa lạnh bùn tanh ngập lối vào
Đêm về che khuất những vì sao
Đã từng nhấp nháy cười ước hẹn
Nỡ để mưa kia khóc nghẹn ngào…
Qua năm đệ tam, Hồng không đến trường nữa. Sau đó, tôi nghe tin Hồng lấy chồng rồi trở thành góa phụ rất sớm (1966). Qua 1972, tôi gặp lại Hồng một lần nữa rồi biệt vô âm tín.
Lên đệ tam, tôi mất một lúc 3 người bạn trong ban Văn Nghệ, đó là Hồ thị Hồng, Nguyễn thị Bích Lan và Phạm thị Duyệt. Tuổi trẻ không buồn lâu, nên sau đó, tôi dễ dàng kết thân với cô bạn mới, đó là Bùi thị Hồng, người Quảng Nam.

Picture2Bùi thị Hồng không đẹp nhưng rất có duyên, đặc biệt, nó có làn da trắng mịn, vương vấn những đường gân máu trông như những cánh hoa. Hồng là em ruột của Thi sĩ Bùi Giáng, em họ của bác sĩ Bùi Kiện Tín (dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín). Hình như hồi đó BG đã nổi tiếng như cồn, nhưng tôi vẫn chưa biết ông ta là ai. Nhớ hôm Bùi thị Hồng tặng tôi tập thơ Mưa Nguồn của Bùi Giáng, tôi le lưỡi:
-Trời đất, tập thơ gì mà dày quá vậy?
Rồi giở vào trang trong, thấy BG đề tặng Maryline Monroe, tôi tròn mắt:
-Hồng ơi, anh của mi có khùng không đó?
Hồng không trả lời, chỉ biết nở nụ cười có hai chiếc răng khểnh.
Một người bạn khác, đó là Hoàng Thu Hồng. Thu Hồng chỉ học cùng tôi năm đệ tứ 2, rồi sau đó, không biết đi đâu. Thu Hồng không đẹp nhưng có dáng cao, tính tình vui vẻ rất tự nhiên. Tôi không thân với Thu Hồng nhưng lại có một kỷ niệm đầy bí mật, mà tôi tin rằng, các bạn tứ 2 của tôi rất muốn bật mí (trong đó có Trần Đình Thắng đang chờ đợi từng phút từng giây J)
Đó là hôm Bích Lan giả chữ của trưởng lớp CNT (giống hệt), viết cho Thu Hồng một… lá thư tỏ tình. Bích Lan cho tôi xem trước khi nhét lá thư vào cặp Thu Hồng, nó nói một cách chủ quan: “CNT đẹp trai như vậy, chắc con TH thích lắm.” Nào ngờ, Thu Hồng nổi cơn tam bành, đem lá thư lên trình thầy cố vấn. CNT dập đầu kêu oan. Thầy mở cuộc điều tra nhưng không đi đến đâu, nên nỗi oan Thị Kính của CNT đến giờ này vẫn chưa được hóa giải L. Mặc cho bạn bè bàn tán xôn xao, thủ phạm Bích Lan vẫn ngồi cười nói tỉnh bơ, trong khi tim tôi nhảy lô tô muốn chết:
-Bích Lan ơi, lỡ người ta xét dấu tay trên lá thư thì sao?
Bích Lan liếc một cái:
-Đúng là lo con bò trắng răng. Không ai rỗi hơi như mày nghĩ đâu.
Đã hơn 40 năm qua, không biết những người bạn tôi đang ở đâu?

 

TUYẾT ÁI
(niên khóa 1957 –1964)