Nhị B là lớp Đệ nhị ban B, ban Toán, tức là lớp 11 ban Toán chương trình Trung học sau này. Nếu bạn hiểu “ nhị “ là 2, B là chữ B , như thế Nhị B là hai chữ B, như một số bạn tôi đã cố tình hiểu như vậy hơn 40 năm vể trước, cũng được thôi. Vui là được rồi, không có gì quan trọng hết, phải không bạn ?
Trường Phan Châu Trinh niên khóa 1959 – 1960 chỉ có 3 lớp Đệ nhị : Nhị A ( Vạn Vật ), Nhị B ( Toán ) và Nhị C ( Văn chương ). Đó là những lớp lớn nhất trường , học sinh chuẩn bị thi Tú tài phần I . Phòng học các lớp Đệ nhị nằm trong dãy nhà chánh, văn phòng trường và phòng Hiệu trưởng , tức dãy nhà không có lầu nhìn thẳng ra đường Lê Lợi .
Mùa thi năm 1960, Bộ Giáo Dục chưa mở trung tâm thi Tú ti I cho học sinh Quảng Đà tại thị xã Đà Nẵng , các thí sinh phải lều chỏng ra Huế thi . Nhị B chúng tôi rất vui vì đây lần đầu tiên được dịp sổ lồng đi xa, vui vẻ vượt đèo Hải Vân như thể nối nghiệp sĩ tử của cha ông ngày xa xưa, ra đất thần kinh Huế dự thi . Thuở ấy , miền Nam còn thanh bình, chưa có nạn đặt mìn, đắp ô phá đường của Việt Cộng. Không đầy ba tiếng đồng hồ, bạn có thể “ra “ Huế bằng đường hoả xa hoặc theo những chuyến xe đò An Lợi hay Phi Long chạy trên quốc lộ 1 .
Sau khi đỗ Tú tài I, chúng tôi phải ra Huế tiếp tục học tại trường Quốc Học , vì trường Phan Châu Trinh chưa mở lớp Đệ nhất ( lớp 12 ngày nay ). Ngoài ra, có một số bạn vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt theo nghiệp kiếm cung cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ, đó là các bạn Võ Ý và Đặng Ngọc Khiết.
Võ Ý sau này là sĩ quan phi công của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà . Võ Ý là một trong những Nhị B điềm đạm và ít nói trong lớp. Đặng Ngọc Khiết, sĩ quan Biệt Kích Dù, được thả xuống phía bắc vĩ tuyến 17 đôi lần, để làm công tác tình báo gián điệp và lần chót vào năm 1968 thì mất tích luôn. Đó là Nhị B đầu tiên ra đi bỏ lại bạn bè với vận nước nổi trôi sau này. Chúng tôi rất thương và nhớ Khiết, dáng người mập mạp , không cao lắm , tánh tình vui vẻ, hăng say. Khiết có giọng nói ồ ồ to lớn, rất Quảng Nam, rất tốt bụng với anh em trong lớp. Sau buổi thi môn Toán trong kỳ thi Tú tài I tổ chức tại trường Quốc Học Huế vào đầu Hè 1960 , Khiết và tôi gặp nhau trong sân trường, và cùng nhau bàn luận về đề thi vừa qua. Đó là lần chót tôi nói chuyện với Khiết .
Nhị A ( ban Vạn Vật ) có nhiều nữ sinh hơn nam sinh. Nhị C ( ban văn chương ) số nữ và nam sinh gần bằng nhau . Nhị B ( ban Toán ) chỉ cò vài nữ sinh ngồi ở bàn đầu phía trong mà thôi, còn tất cả là nam sinh . Nhị B cũng là lớp có đông học sinh nhất trong 3 lớp Đệ nhị, gần 60 học sinh. Trong số các nữ sinh ngồi bàn đầu, Võ thị Thương xinh nhất và học khá giỏi, anh em trong lớp nể lắm. Còn bên nam sinh có các bạn học rất giỏi như Nguyễn Hữu Hùng, Lê Tự Hỷ, Nguyễn Văn Minh, Trương Công Nghệ, Đặng Ngọc Khiết ...Sau Tú tài phần 2 ( 1961 ) , Hùng được học bổng du học Úc Châu, Hỷ và Minh Đại học Sư phạm Huế, Nghệ vào Sài Gòn học Toán ở trường Khoa Học . Lê Tự Hỷ là Nhị B đầu tiên lên xe “bông “ về nhà vợ cũng không lạ chi, vì học trò trong Quảng ra Huế học mà . Thời đó, trường Phan Châu Trinh nổi tiếng tại thị xã Đà Nẵng là nhờ có nhiều học sinh lớp lớn học giỏi và ngoan.
Dạy Toán cho lớp Đệ nhị B là giáo sư Trần Đại Tăng, người Huế, rất trẻ, mới ra trường, chưa có vợ, dạy rất hay, và thật tận tâm. Thầy Tăng còn là giáo sư hướng dẫn lớp Đệ nhị B , trông coi việc sinh họat hiệu đoàn của lớp ( văn nghệ, thể dục, thể thao...) . Vì là lớp học thi và môn Toán là môn chánh, nên tới giờ Toán là cả lớp chăm chỉ nghe thầy giảng bài và làm bài. Suốt năm học, trong giờ Toán , thầy Tăng không phải la rầy hay phạt một học sinh nào.
Thỉnh thoảng thầy Tăng cũng có đôi lần nhăn mặt rầy vài bạn, do những việc xảy ra ở ngoài lớp, không liên quan gì đến chuyện học. Thầy vào lớp, đi lên đi xuống, giữa hai dãy bàn, không nói năng gì hết, khác với mọi hôm là thầy giảng bài ngay, là anh em biết có chuyện không lành rồi.
Thầy Tăng giảng bài ít khi phải xem sách hay tài liệu đem theo. Thầy rất thuộc bài giảng . Mỗi khi cần vẽ một vòng tròn lên bảng, thầy chỉ cầm viên phấn xoay một vòng là thành một vòng khá tròn, cả lớp đều phục thầy . Thầy lấy “ le “ chút xíu với đám học trò của thầy. Từ năm 1960 đến nay, tôi chưa gặp lại thầy Tăng, không biết năm nào thầy lấy vợ, không biết thầy có bao nhiêu người con ?
Một hôm đầu giờ học, không thể nhớ là học môn nào và thầy hay cô nào vào lớp hơi trễ một chút, tôi nghe nhiều tiếng cười lớn và thấy mấy bạn chuyền tay nhau coi tờ báo Phổ Thông ở “ xóm “ Phan Nhật Nam. Tò mò, tôi chạy lại xem thử tờ báo đăng bài gì, thì một bạn chỉ tôi coi một bài thơ 7 chữ ( ? ) , dài khoảng 16 câu ( ? ), đăng nguyên một trang của tờ báo. Tác giả bài thơ tên là Trần Hoan Trinh, tức là gíao sư Trần Đại Tăng của chúng tôi. Tôi phục sát đất mấy “ cha “ này quá chừng, cái gì cũng biết hết. Rôi tới giờ học, tôi không kịp hỏi ai là người khám phá ra vụ nầy và đem tờ báo vào lớp cho anh em xem . Tôi không còn nhớ tên bài thơ tình , có thể Phan Nhật Nam còn nhớ ?.
Trong lớp, suốt niên học, không có biến cố gì, không “ xì căng đan “ nào hết, tất cả đều ngoan và chăm học. Về thể thao thì có Nguyễn Hoàng Be, đánh bóng bàn hạng khá giỏi, thỉnh thoảng được nhà trường cử đi giao đấu với các trường khác. Cuộc đời học sinh năm Đệ nhị còn nhiều vui buồn để lại giữa các bạn cùng lớp là nhờ vào nhóm “ quậy “ gồm có Mai Chánh Trí, Nguyễn Thanh Thừa, Phan Bái, Nguyễn Thu Giao, Tôn Thất Tuấn và dĩ nhiên cầm đầu bởi Phan Nhật Nam.
Phan Nhật Nam nhỏ người, nói giọng Huế, ba gai, trật búa, cụ trâu, đối đáp rất nhậm lẹ , và nhất là có nhiều sáng kiến để phá anh em và các thầy cô. Nhưng tất cả anh em trong lớp đều thương Phan Nhật Nam. Sau nầy biết được Phan Nhật Nam bị tù đày và bịnh tật triền miên trong các trại tù cải tạo của cọng sản Việt Nam, lòng tôi xót xa thương nhớ biết bao người bạn cùng lớp .
Năm 1960 – 1961 , lúc học ở Quốc Học Huế, Trương Công Nghệ và tôi cùng ở trọ nhà người quen tại khu Vườn Đoái, đường Lê Đình Dương gần bịnh viện Huế và trường Đại Học , Nam ghé lại chơi đôi ba lần. Sau đó cho đến bây giờ, 40 năm sau, tôi chưa gặp lại Nam. Cách đây khoảng 5 năm , Nam được Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam ở Úc mời sang nói chuyện với cộng đồng người Việt. Trương Công Nghệ và tôi ở Sydney, khi biết được tin thì đã trễ, Nam đã bay qua thành phố khác rồi.
Sau đó, Nghệ và tôi may mắn hơn, lúc thầy Hiệu trưởng và cô Nguyễn Đăng Ngọc, sang Sydney thăm gia đình, chúng tôi được gặp và đón tiếp thầy cô. Thầy và trò đều mừng vui quá chừng khi gặp lại nhau và không ngờ có ngày lại trùng phùng ở xứ “ kangaroo “ nầy. Thầy vẫn gầy như xưa, nhưng hồng hào hơn trước nhiều, nên thấy trẻ so với tuổi tác của thầy. Thầy vẫn còn nụ cười nửa miệng rất đặc biệt khi thầy nói chuyện vui với học trò, hay khi thầy giảng một đoạn văn hay, một bài thơ nào thầy thấy ưng ý. Nhị B phải đặc biệt lắm với thầy, vì thầy nhớ hầu hết tên tất cả anh em chúng tôi, biết khá nhiều một số anh em hiện giờ đang ở đâu, trong hay ngoài nước . Chúng tôi hỏi thăm về những hoạt động giáo dục của thầy từ năm 1964 cho đến ngày mìền Nam mất vào tay cộng sản . Thầy cho chúng tôi hay thầy đã được giao phó nhiều chức vụ khác nhau của Bộ Giáo Dục, có lúc làm Thanh tra Học Chánh, nhưng đối với thầy, những năm làm hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh là những năm hạnh phúc nhất trong đời dạy học của thầy , và bây giờ có ai nhắc tới thầy là ông Hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh là thầy vui rồi.
Hình như có cái gì gắn bó giữa Trương Công Nghệ và tôi . Sau Nhị B, hai đứa đều ra Quốc Học Huế, va học chung lớp Đế nhất B 5, ở chung nhà trọ và ngủ chung giường. Mùa đông Huế mưa lạnh triền miên, Nghệ bị suyển hành làm khó thở, lúc nào thở cũng khò khè và lâu lâu ho từng cơn, rất tội nghiệp. Sau nầy lớn tuổi, Nghệ còn bị bệnh sưng khớp xương và tê thấp, nhưng nói chuyện vẫn còn có duyên, hấp dẫn và lôi cuốn người nghe như thuở nào. Ở Sydney, hai đứa tụi tui ở tương đối gần nhau nên thường hay tới lui nói chuyện trên trời dưới đất cho đỡ buồn và Nghệ đã trở thành bác Nghệ hồi nào không hay. Hai đứa chỉ có con gái mà thôi nên không thể làm sui với nhau được . Tiếc quá chừng !
Ở Úc còn có một Nhị B nữa là Hồ Công Lộ, định cư và lập nghiệp ở Melbourne, cách Sydney khoảng 1.000 km về phía nam. Lộ hiện làm chủ bút và chủ nhiệm tờ Nhân Quyền bút hiệu là Long Quân. Nghề làm báo tiếng Việt, thế nào cũng đụng chạm chính trị, phe phái lung tung nên không mấy ai tránh khỏi được ân oán giang hồ , và đã mang lấy nghiệp vào thân, thì Lộ cũng bị “ lãnh búa “ như ai, may mà không nặng lắm, chỉ trầy vi tróc vảy sơ sơ thôi . Lộ với tôi học chung từ trường Tiểu học Đà Nẵng và đi Hướng Đạo với nhau từ hồi còn nhỏ. Tánh tôi hay ăn nói bộp chộp, nên bị Lộ chỉnh cho mấy trận, không cãi lại được mà chỉ có im thôi. Sau này lớn lên nghĩ lại thì cũng đúng, không sai chút nào. Người xưa thường nói “ học thầy không tày học bạn “ là vậy đó, ta phải biết ơn bạn .
Năm 1998 , về Sài Gòn thăm mẹ và các em tôi, tôi được may mắn gặp lại thầy Nguyễn Tòng và các bạn cũ như Lê Tự Hỷ, Nguyễn Văn Minh, Đỗ Viết Tính, Ngô Văn Mạnh , Nguyễn Văn Đồng, Lê Tử Thành. Sau bao nhiêu năm mới gặp lại nhau, mừng vui biết bao. Dĩ nhiên mọi người già đi nhiều, nhưng dấp đi đứng, giọng nói và cách nói chuyện không thay đổi gì hết, vẫn y hệt như mấy chục năm về trước, khi tóc còn xanh . Thật là mầu nhiệm vô cùng.
Năm 2001 ,khi qua Hoa Kỳ thăm bà con anh chị em, tôi may mắn gặp lại Nguyễn Thu Giao ở thành phố Modesto, Bắc Cali . Hai anh em , hai ông già thì đúng hơn , phải mất hai đêm mới nói hết chuyện xưa của 40 năm về trước . Chúng tôi nhắc lại chuyện trường Phan Châu Trinh, trường Quốc Học , thầy cô và bạn bè cùng lớp hay bạn bè một thời đi Hướng Đạo với nhau. Từ từ chậm chạp , chúng tôi trao đổi trí nhớ của nhau . Thế là chúng tôi nhớ lại hầu hết những bạn bè thân hay không thân, thầy cô dạy mình học , những con đường cũng như những xóm phường của thành phố , và các nhân vật nam nữ , già trẻ nổi tiếng một thời của thị xã Đà Nẵng . Chúng tôi cũng nhớ tới anh em hay cha mẹ của một số bạn mà chúng tôi đã biết . Nhiều chuyện được nhắc lại mà cười ra nước mắt , vui buồn lẫn lộn thì đúng hơn . Đời người qua mau như giấc mơ.
Khi ở quận Cam, Nam Cali, tôi cũng gặp Trần Gia Phụng ( Nhị C ). Phụng ở Canada qua Cali dạy học. Hồi đó hai đứa chúng tôi thường hay gặp nhau ở các kỳ thi vì cùng tên Phụng, thế nào cũng ngồi bên nhau . Phụng tặng tôi một chồng sách biên khảo về Sử do Phụng mới viết kể từ khi ra nước ngoài năm 1995 . Tôi đem về Sydney đọc vài tháng trời mới xong. Phụng viết sách rất hay, tài liệu phong phú , và tôi thích nhất là lời chú thích từng chương , có kèm theo ý kiến sâu sắc của Phụng , giúp tôi hiểu thêm rất nhiều . Phụng và tôi đều ham mê đá banh ( bóng tròn ) , nhưng tôi chẳng biết chút xíu nào về đội hình chiến thuật của các đội banh khi hai bên gặp nhau trên sân cỏ , còn Phụng thì rất rành và giảng giải cho chúng tôi đứng vây quanh nghe say mê . Đội banh AJS , Tổng Tham Mưu hay Quan Thuế chơi đội hình gì ? ...Nào là thủ môn Rạng , nào là trung phong Vinh , nào là Tam Lang đá hay chỗ nào ? Giải World Cup 2002 vừa qua làm tôi nhớ tới Phụng , có lẽ bạn tôi phải thức khuya coi mới đả, nhưng kéo dài 4 tuần lễ , chắc mệt dữ !
“ Tế Trung Thu thắp đèn đi chơi , em thắp đèn đi khắp phố phường ...”. Đêm Trung Thu năm 1959, các trường trong thị xã Đà Nẵng tổ chức một cuộc rước đèn để mừng Trung Thu, mừng ngày Tết Nhi đồng . Mỗi học sinh được khuyến khích làm một lồng đèn cá nhân và mỗi lớp một lồng đèn cỡ lớn cho cả lớp .
Trưởng lớp năm đó là Võ Ý . Lồng đèn của lớp Đệ nhị B là hai chữ in BB đứng gần nhau, tượng trưng cho Nhị B . Lồng đèn cao khoảng 6 tấc, ngang 5 tấc , dày 1 tấc ,dán bằng giấy dầu đục màu trắng và thắp đèn cầy bên trong . Lồng đèn hai chữ BB được cột chặt vào hai cây sào tre dài khoảng 1,5 thước, và do 2 học sinh khiên đi hàng đầu của cả lớp. Tôi đi phía sau nhìn tới nên không thấy mặt hai người khiên lồng đèn . Anh em cả lớp rất thích thú , khoái chí về sáng kiến độc đáo, không giống ai nầy , nhất là “ nhóm quậy “ Phan Nhật Nam cười nói hả hê , vui chơi thoải mái .
Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa biết người nào có sáng kiến nầy và tụ tập tại nhà ai để làm lồng đèn BB. Cuộc diễn hành rước lồng đèn bắt đầu từ điểm tập trung là sân vận động Chi Lăng của thành phố, rồi đi qua các đường chính trong thị xã . Thời tiết tốt, không gió lớn, không mưa sa , có tiếng trống thùng thùng , tiếng chiên xập xình , múa lân rộn ràng và học sinh đi hàng dài , vừa đi vừa hát những bài hát mừng Trung Thu , vui ơi là vui, vui như Tết !
Sáng thứ Hai chào cờ, sau khi hát Quốc ca và bài “ Suy tôn Ngô Tổng Thống “ như thường lệ, thầy Nguyễn Đăng Ngọc đứng trước micro đặt trước cửa văn phòng , nói chuyện với các lớp . Thầy không hài lòng chút nào về buổi diễn hành rước đèn vừa qua của học sinh nhà trường. Thầy nói đại khái : “...Đi lộn xộn không có trật tự hàng lối gì hết, mạnh ai nấy đi , đã không hát còn nói chuyện ầm lên , cả lớp chỉ có lèo tèo vài cái lồng đèn . Còn lồng đèn 2 chữ BB là gì ? Bún bò ? Bánh bèo hay Brigitte Bardot ? Thật vô ý thức ...”
Anh em Nhị B xìu . Xìu ...Ôi ! Ngày vui qua rồi . Anh em chờ đợi xem giáo sư hướng dẫn của lớp là thầy Trần Đại Tăng sẽ “ nói năng chi “ không ? . Không , thầy Tăng không nói gì hết .Chắc thầy Hiệu trưởng đã nói dư đủ rồi nên không cần phải “ gởi gắm “ thầy Tăng chuyện nầy nữa .
Cuối năm 1959 ,văn nghệ cuối năm toàn trường, Nhị B có bài hợp ca sửa đổi lời rất hay và buồn : “Ôi vui trọn đêm nay, ngày mai xa trường ...”. Xa trường thật, xa thật là xa, xa tận chân trời góc biển, xa hơn nửa vòng trái đất , và xa xuống tận Nam bán cầu ...
Phạm Hữu Phụng
(Sydney, Australia )