Những Người Đẹp Lớp Tôi

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

(Thân tặng các bạn lớp IA 63--64)

MinhChâu 

MinhChau1966Tôi vào trường Trung Học Phan Châu Trinh năm 17 tuổi, năm nay, 2012, trường vừa tròn tuổi lục tuần. Quay nhìn lại, nửa thế kỷ và hơn nửa đời người đã trôi qua.

Mùa hè năm 1963 hai chị em tôi vừa có kết quả Tú Tài I và Trung Học Đệ Nhất Cấp thì thân phụ chúng tôi vì quân vụ phải thuyên chuyển vào Đà Nẵng và quyết định đem cả nhà đi theo. Vậy là chúng tôi đành phải gạt nước mắt xa Huế, xa bạn bè, thầy cô và ngôi trường vôi hồng bên giòng sông Hương. Thấy hai cô con gái buồn hiu ba tôi an ủi “vô Đà Nẵng các con cũng sẽ được học ở một trường lớn nhất và tốt nhất”. Và hai chị em chúng tôi được nhận vào trung học Phan Châu Trinh.

Thoạt đầu tôi cảm thấy thật bỡ ngỡ, xa lạ và lạc lõng, em gái tôi tánh tình ngỗ ngáo như con trai nên không gặp khó khăn chi mấy, riêng tôi, kể từ khi mới lớn lần đầu tiên học chung với các bạn nam sinh bỗng đâm ra e dè và mất tự nhiên, không như trường cũ chỉ toàn con gái, chúng tôi tha hồ đùa giỡn nghịch ngợm như bầy bồ chao, mi mi tau tau náo loạn cả lớp. Chỉ sau một mùa hè ngắn ngủi bỗng nhiên thấy mình phải người lớn hẳn lên, lúc nào tóc tai cũng phải chải gỡ đàng hoàng, đi đứng nhẹ nhàng thong thả, không còn muốn chạy là chạy, muốn ăn quà là ăn quà, không còn giờ ra chơi kéo nhau cả bầy thập thò ở cửa phòng giáo sư để “nghễ” cô giáo cưng của mình…. Những tháng đầu tiên xa lạ giữa sân trường Phan Châu Trinh mênh mông cát trắng nhiều lúc nhớ Huế, nhớ trường và bạn bè muốn khóc. Nhưng rồi tuổi trẻ hồn nhiên và dễ làm quen, mỗi sáng từ cư xá Sĩ Quan trên đường Độc Lập chị em tôi ghé nhà hai bạn Thu Liên và Thu Hà để cùng đến trường. Năm đó mẹ tôi đau ốm liên miên, sức khoẻ càng ngày càng sút kém, sáng nào gặp chúng tôi bác gái cũng ân cần hỏi thăm, an ủi và bác còn tặng cho chị em chúng tôi một cuốn kinh Bạch Y để đêm đêm tụng niệm cầu an cho mẹ.

Lienhoan1 000

Vào lớp Đệ Nhất A tôi gặp lại hai người bạn nhỏ thời còn học tiểu học Phan Thanh Giản là Hồng Hà (Em) và Long, người ta thường nói về nỗi mừng “tha hương ngộ cố tri” chắc cũng bằng như tôi được gặp lại hai người bạn cũ này vậy. Trong lớp ngoài tôi là dân Đồng Khánh từ Huế vô còn có Bích Quân là dân Trưng Vương Saigon ra, hai đứa thân nhau nhanh chóng vì đều là thân phận lính mới tò te. Buổi chiều tan học Bích Quân thường tà tà cùng tôi đi bộ trong khi chiếc xe nhà cứ lăn bánh theo sau, cho đến khi tôi rẽ vào cư xá Bích Quân mới chịu lên xe chiễm chệ để tài xế đưa về nhà. Mùa thu khi trời bắt đầu lành lạnh hai đứa chúng tôi quyết định trổ tài đan áo. Rủ nhau đi phố mua len cùng màu xanh ngọc, sợi len to bự như sợi bún bò Huế, cùng một cỡ que đan, hai đứa cặm cụi đan hai chiếc áo len cùng kiểu. Có lẽ mùa lạnh năm đó các bạn trong lớp không khỏi buồn cười khi thấy hai đứa chúng tôi mặc hai chiếc áo ấm giống hệt nhau, đan kiểu dài thòng, cổ bẻ với sợi len to tướng.

Thông thường các người đẹp hay chọn ban C, tôi không còn nhớ rõ năm đó lớp đệ nhất C bên cạnh có bao nhiêu người đẹp, trong khi lớp A của chúng tôi lại đặc biệt quy tụ rất nhiều hoa khôi, không những hoa khôi của trường mà còn là những người đẹp nổi tiếng của cả thành phố Đà Nẵng.

Đã nửa thế kỷ trôi qua mà những nét đẹp linh động, trẻ trung và hồn nhiên của các bạn cùng lớp vẫn còn in đậm trong ký ức tôi. Ngồi ở bàn đầu lớp là Thu Liên với vẻ đẹp rất Tây phương, da trắng mắt to với làn mi cong vút mà tánh tình lại rất nhu mì, hiền dịu. Bích Quân với mái tóc xoã bềnh bồng, đôi mắt nâu màu hạt dẻ và miệng cười tươi như hoa hàm tiếu, chẳng những nổi tiếng đẹp Bích Quân lại còn nổi tiếng toàn trường với giai thoại “con lắc xe Opel” mà chắc các bạn cùng lớp không ai quên được. Thu Hà dáng nhỏ nhắn, mắt một mí, mũi dọc dừa, đôi môi hình trái tim, nghịch ngợm và xinh xắn như một cô gái Phù Tang, ngược lại Nga mỏng manh vẻ liêu trai với mái tóc dài như liễu rũ và nụ cười răng khểnh thường bị bạn bè chòng ghẹo với những câu thơ là lạ của Nguyên Sa:

hôm nay Nga buồn như con chó ốm

như con mèo ngái ngủ trên tay anh,

đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình 

để anh giận sao không là nước biển….

Ngồi cạnh tôi là Châu Yến Loan, cô bạn lúc nào cũng tươi tắn dịu dàng, mủm mĩm như búp bê với mái tóc cắt ngắn gọn gàng xinh đẹp và Hồng Đóa dáng cao, gầy, thông minh duyên dáng. Phú đẹp sắc sảo ngược lại với Cư, May và Qúy Phẩm có nét đẹp rất hiền, cổ kính như người trong tranh. Ái và Hồng Hà có nước da thật trắng, trắng như bông bưởi, nhất là Hồng Hà trưa nắng đến lớp học hai má ửng hồng như hai trái đào tiên làm nhớ đến câu thơ của Thôi Hộ “nhân diện đào hoa tương ánh hồng...”

Nổi bật trong lớp còn có các bạn ngồi ở bàn cuối, Yên, Thục Nhi, Hồng Vân người nào cũng xinh xắn, lanh lẹ, tràn đầy sức sống, nhất là cô bạn Lệ Hằng, cao lớn, xinh đẹp, má đỏ môi hồng. Giọng Bắc ngọt ngào, quyến rũ của Lệ Hằng đã có lần làm tôi bị ông cụ bố cho một trận tơi bời vì cái tội tiếp chuyện mấy ông văn thi sĩ nhà binh bạn của Lệ Hằng, hôm đó tôi được một ông bạn của Lệ Hằng tặng cuốn “Saut Đêm” mà ngay sau đó ba tôi tịch thu không cho đọc vì theo ông cụ “năm thi, phải để hết tâm trí vào chuyện học, không phải lúc đọc thơ văn…”. Bây giờ, mỗi lần nhìn mấy đứa cháu vừa ôn bài vừa nhét ear phone vô hai lỗ tai để nghe nhạc, thỉnh thoảng lại xẹt vô computer, iPhone, iPad chơi vài games cho đầu óc bớt căng thẳng tôi lại nhớ đến Lệ Hằng và cuốn “Saut Đêm” được tặng mà không được đọc.

Và rồi năm cuối trung học với nhiều kỷ niệm vui buồn đã trôi qua thật nhanh. Vừa mới bỡ ngỡ bước chân vào Phan Châu Trinh, chớp mắt đã đến ngày bãi trường. Thêm một mùa phượng đỏ rơi rụng trên sân trường cát trắng, trên những mái tóc đen mun và những tà áo trắng trinh nguyên. Chia tay nhau trong ngậm ngùi luyến tiếc bởi chúng tôi biết rằng sau kỳ thi Tú Tài II sẽ là những con đường khác biệt xa lăng lắc cho mỗi người, nhất là những bạn nam sinh cùng lớp, với hoàn cảnh chiến tranh ngày càng khốc liệt của đất nước, mảnh bằng Tú Tài II năm đó đối với họ quan trọng biết dường nào. Một năm học ngắn ngủi, với bao nhiêu là biến cố, những biến cố chính trị chung của thế giới, của đất nước. Niên khoá 63-64 với tôi như một giấc mộng bàng hoàng, thoáng qua thật nhanh mà dấu ấn lưu lại đậm sâu trong ký ức.

 Hơn bốn mươi năm sau, ở nước ngoài, tôi cảm thấy thật vui và ấm lòng khi vẫn còn những liên lạc thân thiết với bạn cũ, Bích Quân, Thu Liên, Thu Hà ở Canada, các anh Long và Thắng ở Mỹ, và Ái, từ khi Ái vẫn còn ở Saigon, nhờ email chúng tôi thường xuyên nhận được hình ảnh và tin tức của nhau, Ái gọi Bích Quân và tôi là “mụ nận Montreal” và “mụ nận Toronto” và chúng tôi còn có tên “mấy mụ Vịt Điên”. “Mụ nận” thì chắc ai cũng hiểu, bởi vì những “vai em gầy guộc nhỏ” bây giờ đã tròn xoe theo năm tháng, còn “Vịt Điên” là bởi chúng tôi đang sống ở Gia Nã Đại, làm người Cà Ná Điên trên giấy tờ. Có điều lạ là các bạn người đẹp năm xưa của lớp tôi đến nay vẫn nhất định đẹp, những nét đẹp bền bĩ không chịu “cuốn theo chiều gió”. Nhìn hình ảnh các bạn qua điện thư hoặc trên các giai phẩm, thấy ai cũng xinh đẹp, rực rỡ và nhất là mạnh khoẻ tươi tắn mà mừng. Nhìn hình Hồng Vân cứ tưởng như đó là con gái của Vân, cho nên năm ngoái khi dự Nhớ Huế ở Washington D.C. thấy bàn phía sau có một người trẻ và giống Hồng Vân y hệt, Thu-Hà và tôi cùng nghĩ đó là Hồng Vân lớp mình cho nên tôi đã rất tự nhiên đến vịn vai cô và tự giới thiệu “Hồng Vân nhớ mình không, Minh-Châu đệ nhất A - PCT”, cô ta nhìn tôi bỡ ngỡ rồi nhỏ nhẹ “Dạ chị lầm rồi, em là Thu Hương”, ui chao là bé cái lầm, đành phải xin lỗi rối rít.

Bích Quân gởi tấm hình chụp chung cả lớp đêm văn nghệ cuối năm, những gương mặt bạn bè có người hơn bốn năm chưa gặp lại, và có lẽ cũng có người vĩnh viễn sẽ không bao giờ còn gặp. Có người đã đi một con đường rất riêng như Thượng Tọa Tịnh Đức Tôn Thất Toản. Có người đã nổi tiếng từ nhiều năm trước 75 như Lệ Hằng với những tác phẩm tình cảm vô cùng lãng mạn. Có người nổi tiếng sau 75 như hai bạn Ái và Đào thị Thái. Có người hạnh phúc, có người đứt gánh nửa đường. Có người suông sẻ, có người tù đày. Có người bên này, kẻ bên kia. Nhưng một ngày nào đó nếu có cơ may được họp mặt cả lớp thì chúng tôi vẫn là những người bạn đã cùng chung trường chung lớp của một năm học không thể nào quên. Một năm có rất nhiều người đẹp. Đến nửa thế kỷ sau vẫn đẹp như thường.

Minh Châu