Chuyện bên lề xứ Huế ngày xưa …

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

CogaiDien3EDITED

Con Quạ

Huế vào quảng năm 1943-44 không mấy ai không biết hay không nghe nói đến con Quạ.

Hắn là một cô gái ở vào cỡ tuổi 17 hay 18. Nhưng người ta gọi nó là con , có ý khinh dễ, vì nó là một đứa con gái tàng tàng dập dập. Con Quạ cũng như Cụ Ngáo, Cụ Trâu, Cụ Bứa , Cụ Trình...là chuyện bên lề của Huế xưa.

Quạ có phải là tên cha mẹ hắn đặt cho không ? - Chẳng ai biết. Có phải tự hắn đặt cho mình ? – Chẳng ai hay. Có phải người ta dựa vào cử chỉ, áo quần , hình dáng, đầu tóc của hắn mà gọi hay là do một từ nào na ná đọc trại đi ? – Không ai xác nhận được. Có điều chắc chắn là con gái mà mang tên Quạ thì cũng khá ngộ.

Con Quạ từ đâu đến, con cái nhà ai ? Không ai biết đến hoặc giả có người biết nhưng không bao giờ nói ra. Vì không biết nên không nghe một ai nhắc nhủ nó về nhà. Về với gia đình khi trời trở mưa gió. Nhưng nhất định nó không phải từ nhà quê tới vì cử chỉ của nó chẳng có vẻ gì ngờ nghệch và giọng nói thì rất thị thành nghĩa là tiếng nói của miền “ dinh “ như người Huế thường nói. Nó cũng không phải là đứa con gái tối tăm, chẳng biết đọc, biết viết. Có khi lượm một tờ quảng cáo hay một trang giấy rơi, nó đọc vanh vách. Khi cao hứng lại hát Tây theo kiểu Joséphine Baker, “ J’ai deux amours...” hay hát bài hát thịnh hành một thời “ Ma-rê-san, nu voi-là “ ( “ Maréchal, nous voilà ...” ). Địa bàn sinh hoạt của nó là đường Trần Hưng Đạo ( Paul Bert cũ ) chạy dài từ cầu Gia hội đến cửa Thượng Tứ, là chợ Đông Ba, là cà phê Lạc Sơn và cầu Trường Tiền (cầu Clémenceau ).

Mùa đông cũng như mùa hè suốt ngày nó đi lên đi xuống con đường phố thương mại ngắn ngủi của Huế. Những ngày mưa, hoa bút bút màu hồng nhạt giống như những ngón tay búp măng nõn nà, từ hàng cây chia đôi con đường rơi xuống đầy mặt đất. Con Quạ nhặt từng nắm trong tay, lần lượt thổi phồng lên như những chiếc bong bóng nhỏ rồi thích thú đập vỡ ra, gây thành tiếng nổ nhẹ.

Mùa hè có khi nó cầm ngang một cành hoa phượng vĩ rực rỡ để che nắng. Những đợt gió nam từ bờ sông thổi qua khoảng đất trống sân banh hội Seph làm tung mái tóc rối như tổ quạ của hắn. Một cô gái điên dưới cành hoa phượng vĩ có thể là một đề tài kỳ thú với những đường nét và màu sắc trái ngược cho một họa sĩ bao dung.

Chợ Đông Ba là nơi nuôi ăn nó. Điên, còn trẻ nhưng chẳng phá phách gì nên mấy người buôn bán ai cũng tội nghiệp nó. Kẻ cho 5 xu, một giác, người biếu tô cháo, đĩa cơm hay ổ bánh mì nên chẳng cần lên tiếng “ lạy ông đi qua,lạy bà đi lại “ , con Quạ vẫn sống no đủ, ngày này qua ngày khác.

cho dong ba hue 8

Nhưng nơi làm cho con Quạ nổi tiếng là cầu Trường Tiền và ki-ốt ( kiosque )cà phê Lạc Sơn ở ngay trước chợ Đông Ba.

Ngoài đường Trần Hưng Đạo ra, con Quạ thường hay qua lại cầu Trường Tiền vào những giờ tan học. Cầu hẹp, bộ hành đông, xe cộ tấp nập, cầu tuy thường rộn rịp nhưng mỗi lần có mặt hắn trên cầu thi chiếc cầu mới thật huyên náo. Nó thường đi ngược lại với dòng người đi bộ trên cầu .Nhìn học sinh cắp sách vở, hắn có vẻ tần ngần. Hình như hắn nhớ lại ngày nào đó nó đã từng cắp sách như thế. Bọn học sinh con trai thường nghịch ngợm. Mỗi lần thấy con Quạ là chúng chỉ chỏ lẫn nhau rồi la lối : “ Kìa O Quạ, Mạ Qụa, Bồ cưng Quạ...đi đón mày đó “ Thế là cả bọn phá lên cười, con Quạ đăm đăm nhìn một anh học sinh nhu mì trong đám và “ thưa anh đi học về “. Không rõ anh học sinh kia có biết con Quạ không nhưng đã một phen bị bạn bè trêu ghẹo, đỏ mặt đến chết được ! Đám học sinh con gái thường hay sợ hãi, mỗi lần con Qụa đến gần thì ù té chạy làm cả cầu nháo nhác. Nhưng cũng có những lần cả nam lẫn nữ sinh cùng khách qua cầu –đứng ngẩn ra, trố mắt ra nhìn con Quạ. Không biết bằng cách nào nó đã trèo lên trên vài cầu cao nghệu, bước đi thoăn thoắt. Người ta chú ý đến hắn và đâm ra nể sợ hắn cũng vì cái liều lĩnh và tài nhanh nhẹn đó.

Cau trang tien 1919 1926

Tiệm cà phê Lạc Sơn trước mặt chợ Đông Ba không phải là một tiệm cà phê lớn và sang trọng. Đó chỉ là một nhà tứ giác ( kiosque )mỗi bề chừng bốn thước tây, Bên trong nhà là một cái quầy vừa ngang tầm ngực với chừng mươi chiếc ghế cao vợi cho khách vừa ngồi uống cà phê vừa chuyện trò ra chiều tương đắc với ông chủ. Phía sau nhà là phần bếp phụ năm ba cái lò than lửa hừng hực để nấu cà phê và các món ăn. Hai bên và trước mặt quán, trên một quảng rộng chừng 4,5 mét la liệt những bàn gỗ cũ kỹ, thấp như kiểu bàn trà xa-lông . Mặt bàn thường để trống . Một vài bàn được phủ một mãnh ny-lông vuông  có lẽ để che khuất mặt gỗ đã mốc meo. Những chiếc ghế thấp theo tầm của bàn cũng cũ kỹ không kém. Quán chủ yếu bán cà phê và kem ly nhưng ngoài ra còn có thêm vài món ăn khác như cà-ry gà hay vịt, bò nấu rượu vang...mà khách sành điệu  lai vãng Lạc Sơn thường khen rất ngon. Không thuộc về nhà hàng nhưng trong phạm vi của tiệm còn có vài gánh bún bò, và xách nem nướng cũng được công nhận là ngon như những món ăn của tiệm . Đơn sơ như vậy nhưng quán Lạc Sơn lại rất đông khách và toàn là khách hữu danh, thuộc nhiều ngành sinh họat ở Huế. Có những thầy thông, thầy phán bên toà sứ, những thầy thừa phái, thầy ký ở các bộ trong thành nội hay ở phủ thừa bên kia sông. Có những nhà báo, nhà văn, những cầu thủ bóng tròn, những tay vợt ten- nít, các mệ, các mụ, những kẻ ăn không ngồi rồi... Thôi thì đủ mặt bá quan ở Huế vì đó là một “ đài phát thanh “rầm rì phát đi những tin tức thật, giả, những bài bình luận nóng sốt về tất cả mọi vấn đề văn hóa, chính trị, đạo đức...trong nước, các tỉnh, địa phương ,kể luôn các chuyện riêng tư.

Không phải để thưởng thức cà phê hay món ăn đặc biệt mà con Quạ lui tới quán Lạc Sơn dù thỉnh thoảng cũng được hưởng một chút cà phê hay một gắp nem nướng mà khách ăn không nỡ cạn ly hay sạch bách. Con Quạ đến ở quán Lạc Sơn vì khách ăn vẫy tay gọi mỗi lần thấy hắn đi ngang qua. Lẽ tất nhiên họ gọi hắn đến để đùa vui, để thời gian bên ly cà phê tay tô bún bớt trống trải . Không biết con Quạ có ý thức được mục tiêu đó không nhưng chỉ thấy không mấy khi nó bỏ đi lúc được gọi. Tuồng như nó cũng thích la cà giữa những người khách ở Lạc Sơn để nghe họ đùa cợt, chế diễu lẫn nhau hay nói với nó những điều vớ vẩn ,kỳ quái. Một phụ nữ bình thường có thể coi những câu nói của khách ăn là những lời sỉ nhục ngạo nghễ nhưng con Quạ thì cứ tỉnh bơ , có lúc đáp lại rất ngộ nghĩnh khiến mọi người cười vang. Câu hỏi thường nghe lập đi lập lại với con Quạ là : “ Em Quạ ưng lấy “ dôn “ ( chồng ) không ? Để anh làm mối cho “  hoặc “  Em Quạ có muốn làm vợ lẽ anh không ? “  dù người hỏi có khi bằng tuổi cha chú hắn. Có người lại xúi nó làm nhiều việc khùng khùng để chọc giận người khác rồi cười đắc ý. Một hôm có người hứa cho hắn mấy đồng bạc nếu dám ghẹo ông Nghè, một nhân viên có tiếng nghiêm khắc và đứng đắn ở phủ Thừa. Ông Nghè cùng ba bốn người đang ngồi uống giải khát ở phía lề đường và đang bàn chuyện thời sự. Không biết con Quạ tham tiền hay không phân biệt được kẻ này, người khác, hắn đến bên ông Nghè nhi nha nhi nhô gì đó, không ai nghe rõ. Nhưng bỗng thấy ông Nghè đứng lên mặt đỏ gay, xỉ vào mặt nó và hăm dọa : “ Cút đi mau ! Tau bỏ tù mày mọt gông ! Mi điên hứ ! Cho mi nếm thêm mùi tù “.

Mấy hôm sau con Quạ bị bắt thật và bị tống giam vào lao Thừa phủ. Có người bảo ông Nghè đã ra lệnh bắt nó. Nhưng cũng có người thanh minh cho ông Nghè bảo con Quạ giả điên để làm mật thám cho Tây. Cũng có người cãi lại, nó giả điên để lấy tin tức cho một tổ chức bí mật nào đó. Chẳng biết ai nói đúng, nhưng từ đó không thấy con Quạ nhảy nhót trên đường Trần Hưng Đạo hay đi vắt vẻo trên vài cầu Trường Tiền nữa. Đồng bào ở Huế cũng dần dần lãng quên con Quạ.

Thế nhưng chừng 4, 5 năm sau, một thiểu số rất ít người Huế – xin chú ý là chỉ một thiểu số – lại thấy con Quạ tái xuất, tạm gọi là giang hồ ở một vùng thâm sơn cùng cốc. Do sự trớ trêu ở đời, trong thiểu số người Huế ấy lại có ông Nghè. Ông Nghè và con Quạ từ những địa vị và tư cách khác nhau lần nữa lại đối diện với nhau, đụng độ nhau,hăm he làm khó nhau trong một cuộc sống đã hết sức cơ cực, chẳng khác gì cuộc sống ở địa ngục.

Nguyên là con Quạ bị giam ở lao Thừa phủ cho đến tháng 8 năm 1945. Sau lúc Việt Minh cướp chính quyền phần lớn các tù nhân ở lao Thừa phủ đều được thả trừ một số ít thuộc các đảng phái chính trị quốc gia. Con Quạ một phần vì lý lịch không rõ ràng, một phần không có người bảo lãnh, lại có tiếng đồn từng làm mật thám cho Pháp nên không được tha. Sau đó không bao lâu, lao Thừa phủ lại tiếp nhận thêm một số đông tù nhân khác. Những tù nhân mới này là những người đã làm việc cho Pháp, là những quan lại thuộc chính phủ Nam triều hoặc là những người thuộc các đảng phái chống đối Cộng Sản, những người giàu có mang danh tư sản...Ông Nghè thuộc trong số quan lại Nam triều bị Việt Minh bắt giữ.

Sau cái gọi là Hiệp định sơ bộ vào năm 46, tình hình chính trị trở nên phức tạp . Quân Pháp chuẩn bị trở lại Huế, sợ lôi thôi và sẵn những người nội tuyến , Việt Minh di chuyển số tù nhân chính trị ra khỏi thành phố về vùng quê thuộc huyện Phong Điền. Dần dần họ lại đưa tù nhân ra các tỉnh phía Bắc, giam ở Hà Tịnh một thời gian và sau đó chuyển ra Nghệ An, một tỉnh hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Việt Minh lúc bấy giờ. Khi đến địa điểm sau cùng vùng “ Núi xanh “ (Thanh sơn ) nằm sâu giữa miền núi thuộc huyện Thanh Chương thì một số tù nhân từ Huế được thả, hoặc bỏ trốn dọc đường hoặc bị bắn hay đau ốm mà chết, chẳng còn có mấy người nhưng trong số có ông Nghè và con Quạ. Vì yếu đuối, dễ sai bảo, dễ lừa dối nên mấy tên cán bộ coi tù dùng con Quạ để theo dõi những người tù khác.

Cuộc sống khó khăn, công việc khổ sai cực nhọc như khuân đá, chặt tre, thiếu ăn, thiếu mặc, đói rét như mọi người tù khác con Quạ chán nản không báo cáo gì. Nhưng con Quạ vẫn chưa mất hẳn trí nhớ : hắn còn nhớ lời đe dọa năm xưa ở quán Lạc Sơn, nhớ cái xà lim  ở lao Thừa phủ. Lời đe doạ đó và xà lim Thừa phủ đã cướp mất những ngày lang thang trên đường phố Trần Hưng Đạo và cái thú hồi hộp đi lại trên vài cầu Trường Tiền cao nghêu của hắn .

Và người mà con Qụa tin đã làm mất tự do của hắn, đã giam nó vào lao Thừa phủ, dẫn nó đến cuộc sống cơ cực nơi thâm sơn cùng cốc ngày nay hiện đang bên cạnh hắn. Càng nhớ hắn càng giận nên gặp mặt ông Nghè là hắn nguýt , hắn háy, hắn chửi tục. Ông Nghè có vi phạm chuyện gì nhỏ nhặt nội qui khắt khe của nhà tù là nó báo cáo ngay. Cuộc sống ông Nghè đã khổ sở càng thêm bầm dập vì nó.

Số phận ông Nghè và con Quạ về sau ra sao tôi không rõ. Tôi có hỏi một vài người từng ở  chung tù nơi vùng Núi xanh (Thanh sơn ), thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An với ông Nghè và con Quạ nhưng không có ai biết. Họ hoặc đã ra tù trước hoặc đã bị đưa  đến các trại tù khác vì trong đợt đấu tố chính trị và cải cách ruộng đất năm 52-53, số tù nhân quan lại, địa chủ và trí thức gọi là phản động bị giam ở Thanh Sơn tăng lên đến hàng ngàn, trong số có những người Huế theo kháng chiến chống Pháp, tản cư ra Khu IV.

San Diego, Mùa Hè 99

Nguyễn Đăng Ngọc