Hồi ức về Trần Đình Quân

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Hồi ức về Trần Đình Quân, Hát dể nhớ đời và…

GiaoSu TranDinhQuan

 Đà Nẵng năm 1963. Lớp Đệ tam C chúng tôi có Minh là một cựu học sinh chủng viện, giỏi nhạc. Minh bàn với các bạn để làm một chương trình văn nghệ Tết. Chúng tôi chọn bài hợp xướng  Lòng Mẹ  của Hải Linh. Chiều chiều chúng tôi họp mặt tại nhà Hòe cho đỡ phiền nhiễu hàng xóm. Một hôm Thầy Quân đạp xe đến thăm chúng tôi. Ông thầy trẻ đến nơi cũng vừa lúc chúng tôi nghỉ giải lao. Đang xúm xít trò chuyện thì một cô bạn lôi ra bài hát chép tay  “Khúc tình ca xứ Huế “  của Trần Đại Mỹ. Đây là một tiết mục đơn ca của chương trình sắp tới. Giọng hát của Tâm hôm ấy hơi run rẩy nhưng cũng cho bọn tôi nhận ra giai điệu thật lạ và thật lãng mạng như thể là chính tâm trạng chúng tôi đang dàn trải trong bài hát. Hôm ấy chúng tôi biết Thầy Quân chính là Trần Đại Mỹ, người viết bài hát mà cô bạn học đem vào phòng tập văn nghệ.

Chiều hôm ấy, hình ảnh thầy Quân mang một chiều kích rất khác với thầy trên bục giảng buổi sáng cùng ngày. Thật lạ, thường thì thầy Quân rất khép kín trong suốt các buổi học. Ngoài nội dung bài học mỗi buổi, ông không hề cho thấy những cảm xúc riêng, những vui buồn riêng của mình về không khí lớp học, về thái độ học tập của bọn chúng tôi. Thật ra thì chỉ qua một hai tháng thôi, đã nhiều lần tôi thấy thầy thường tỏ ra rất nghiêm khắc với một vài đứa trong bọn chúng tôi, thường là Tín hay bị “ chiếu tướng “ nhất vì tật hay “ lóc chóc “ trong lớp, và Trang vì tật hay “ nói ngang “ trong giờ học. Ngay trong giờ sinh hoạt với lớp hằng tuần trong tư cách “ giáo sư cố vấn “  ( tức là giáo viên chủ nhiệm sau này ), thầy vẫn rất mực thước phải chăng, thậm chí có lúc rất lạnh lùng. Vậy mà buổi chiều hôm ấy, cầm đàn guitar, thầy hát lại cho chúng tôi nghe bài hát kia, rồi lan man chuyện trò về những kỷ niệm chung quanh bài hát.

Từ đấy, hình ảnh thầy Quân rất gần gũi với tôi. Nói cho đúng thì lớp Đệ tam C của chúng tôi có nhiều thầy , cô giáo để lại nhiều kỷ niệm đậm đà : thầy Tấn già cả mà rất tận tuy, yêu thương chúng tôi như một người cha hiền từ, đến nỗi những đứa nghịch ngợm nhất như Hoà hay Hồng mà cũng phải vào phép của thầy ; cô Oanh dạy môn Anh văn thật tươi tắn ,tận tình với chúng tôi như một người cô, người dì thân thiết. Nhưng tôi bị hấp lực của thầy Quân mạnh hơn cả.

Từ đó, mỗi khi có dịp sinh hoạt “ thư dãn “ nhân dịp Tất niên, những giờ cuối năm học...lớp chúng tôi lại được đặc biệt nghe một bài hát của thầy Quân. Bài “ Chim bắc bể bắc “ là một trong số những bài hát tôi được nghe trong lớp học , và đã để lại những ấn tượng khá đậm đà về một phong cách đặt lời ca ; vừa mang sắc vẻ ca dao lại vừa mang chất đường thi. Nét thi vị của lời ca là một đặc điểm ca khúc Trần Đình Quân, dù đó là một tình khúc hay là một khúc du ca sau này. Lúc ấy, chúng tôi còn đang đắm trong những mơ mộng của tuổi mới lớn, nên những bài tình ca của thầy Quân như những bông hoa trong vườn nhà, vừa đủ lãng mạng mà vẫn như thân thiết.

Một hôm thầy bảo tôi chuẩn bị một bài thuyết trình rất lạ : “ thơ phổ nhạc “. Tôi rất lúng túng khi bị chỉ định một đề tài rất là không gíaó khoa tí nào. Ngoài việc đi tìm tài liệu về các bài thơ phổ nhạc từ thời tiền chiến đến đương thời, tôi còn phải tìm hiểu thêm về nghệ thuật sáng tác ca khúc phổ thông, về nghệ thuật chuyển chất thơ trong lời thơ vào giai điệu trong một ca khúc. Phải nói đây là một “trò chơi “ rất mệt nhọc đối với một học sinh đệ nhị cấp. Bởi vì còn những bài học khác cũng đòi hỏi thời giờ hằng ngày nữa. Nhưng cũng phải nói là đề tài thuyết trình này đã gợi hứng rất nhiều cho tôi trong việc trau luyện bản thân  : trước hết là tôi đi vào lãnh vực ca khúc cho riêng mình, rồi về sau này là một phong cách phá khuôn khổ trong sinh họat dạy học.

Gần hai tuần loay hoay tìm tài liệu, tôi không tiến thêm là bao. Tôi bèn thưa thật về những khó khăn trong việc tìm tài liệu thơ phổ nhạc thời tiền chiến. Thầy bảo tôi chiều hôm đó về nhà riêng của thầy ở đường Tăng Bạt Hổ. Hôm ấy tôi như lạc vào mê hồn trận sách vở. Ngoài số những bài thơ phổ nhạc phong phú quá sức tôi mong đợi, thầy còn cho tôi xem tủ sách đầy ắp các sách báo mà một học sinh tuổi 17 không thể có được : ngoài sách văn học cũ và mới còn có rất nhiều báo mà tôi chỉ được nghe tên chứ chưa bao giờ đọc, là báo Mai, báo Sáng Tạo... Tôi đặc biệt thích thú đọc hai tạp chí này. Khi thấy tôi cứ dán mắt vào một số báo Sáng Tạo, thầy bảo tôi cứ cầm về mà đọc. Đà Nẵng năm 1964 không còn thấy tờ Sáng Tạo  trong các nhà sách. Chỉ còn tạp chí Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong còn thoi thóp sống. Lúc ấy tôi đã có đủ bộ Văn Nghệ nhưng vì tôi tôi chỉ thích đọc tiểu luận nên đọc tờ báo này không đủ thỏa chí. Cho nên được thầy cho phép cầm những số báo về nhà đọc là một hạnh phúc thật bất ngờ. Tôi sướng như điên, bèn ôm trọn bộ Sáng Tạo về đọc ngấu nghiến.

Có điều thú vị nho nhỏ là thường khi giảng bài trong lớp hay chuyện trò với học sinh, tôi chỉ nghe thầy nói giọng Huế. Nhưng khi thầy trò nói chuyện ở nhà thì tôi lại được nghe giọng Bắc “ chính hiệu “. Tôi tò mò hỏi thì thầy cho biết thầy có một nửa giòng máu Bắc.

Khi tôi lên lớp Đệ Nhất thì không còn môn Quốc văn nữa. Tôi lại được lao vào những tìm tòi mới ( triết ) với thầy cô giáo mới. Rồi tôi vào Sài Gòn. Hình ảnh thầy Quân chìm khuất trong vườn kỷ niệm tuổi học trò. Một hôm sau giờ dạy tại một trường tư, tôi đang chạy vội trên chiếc mobylette để về trường Đại Học  Sư Phạm cho kịp giờ nghe giảng. Tình cờ gặp thầy mặc quần áo lính, đạp vélo đi ngược chiều. Đó là khoảng năm 1967. Tôi ngỡ ngàng vẩy thầy lại. Thầy trò không kịp buồn vui, chỉ hẹn gặp nhau tại đại học xá Minh Mạng.

Một vài hôm sau đó, thầy Quân ghé lại đại học xá Minh Mạng. Ngồi trên balcon đại học xá nhìn ra hàng phượng hồng quanh sân, thầy kể chuyện vì sao phải đột ngột được lệnh “ bỏ trường mà đi “ để vào trường bộ binh Thủ Đức. Hôm ấy, câu chuyện giữa hai thầy trò rất khác với những câu chuyện trước kia. Chúng tôi trao đổi những chuyện thời sự, những trăn trở về các vấn đề của cuộc sống. Tôi chợt nhận ra khoảng cách giữa tôi năm xưa và tôi bây giờ. Những ngày ở Đà Nẵng, tôi chỉ là một cậu học trò ngu ngơ, nghiện sách vở hơn là giao tiếp với những con người thật ở quanh mình. Bây giờ, tôi ngồi nói chuyện với thầy học cũ như hai người anh em xa nhau lâu ngày. Hôm ấy, tôi mới thật sự biết nhiều về những tâm tình sâu kín của người thầy cũ. Không khí chính trị trong suốt thời gian bốn năm sau biến cố 1963 rất là bất ổn, từ đó dẫn đến những tranh chấp trong đơn vị làm việc , dù ở ngành gíáo dục. Lúc ấy tôi hãy còn nhớ như in cảnh tượng những thầy cô giáo bị rượt đuổi trong hành lang trường Phan Châu Trinh, một vị hiệu trưởng bị học trò khóa trái trong văn phòng...Không hiểu sao chiều hôm ấy, những hình ảnh kỷ niệm cũ lại trở về. Những kỷ niệm êm ái của tuổi học trò bị dồn vào hậu trường ký ức. Vào thời gian ấy những bài hát tâm ca và tâm phẩn ca của Phạm Duy đang rất phổ cập trong giới sinh viên chúng tôi. Tâm trạng hai thầy trò chiều hôm ấy chừng như cũng nặng trĩu như không khí của một thời bất trắc ở chung quanh.

Sau buổi hàn huyên ấy, tôi không còn gặp lại thầy trong thời gian ông ở trường bộ binh. Ít lâu sau đó, tôi được tin thầy về lại Phan Châu Trinh. Thường thì mỗi năm tôi vẫn về nghỉ Tết và nghỉ hè tại Đà Nẵng. Hè 1970 tôi có gởi tặng thầy một tập ca khúc do tôi in ronéo nhân dịp chia tay bạn bè ở Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.

Ít lâu sau đó tôi nhận được thư của thầy, bảo rất thích bài  “ Mắt chiều “ trong tập bài hát kia. Lần tôi về nghỉ Tết năm 1971, thầy cho tôi xem tập bài hát Bỏ trường mà đi in ronéo. Có nhiều bài mới làm trong thời gian trước và sau khi ông đi lính. Tôi thấy lại một vài bài hát cũ từ những năm 1964-1965 chúng tôi được nghe trong lớp. Tâm sự của Trần Đình Quân được dàn trải khá rõ qua những bài hát nhiều dằn vặt, thao thức về những chuyện con người và chuyện nước non lúc ấy. Đã xa rồi chàng trai trẻ Trần Đại Mỹ và khúc tình ca mượt mà một thời lãng mạng.

Khi tôi đang dạy học tại Vĩnh Long, tôi và thầy lại gặp nhau trong sinh hoạt phong trào Du Ca. Năm 1972 thầy Quân đang điều khiển đoàn Du Ca Đà Nẵng, tôi thì hướng dẫn đoàn Du Ca Quê Hương ở Vĩnh Long. Trong thời gian này, các đoàn Du Ca Đà Nẵng, Đuốc Hồng ( Nha Trang ), Long Xuyên và Quê Hương ( Vĩnh Long ) thường xuyên trao đổi thông tin, sinh hoạt của mình.

Qua những bài viết trên tờ nội san Sinh hoạt của Vĩnh Long, tôi thường bày tỏ những suy nghĩ của mình vể các vấn đề văn hóa - xã hội và gíáo dục  mà tôi thường quan tâm. Thỉnh thoảng nhận được thư ngắn của thầy Quân, tôi biết là ông cũng thường theo dõi sinh hoạt của tôi, và thỉnh thoảng cũng góp ý về đôi ba suy nghĩ của tôi trong thời gian này. Lúc ấy, đoàn Du Ca Đà Nẵng có một loạt những hoạt động đặc sắc mà tôi được biết qua những hồi quang ít ỏi từ hai tuyển tập ca khúc Năm Xưa do đoàn ấn hành. Lúc này tên ông thường xuất hiện trên các tuyển tập nhạc in ở Sài Gòn. Thế nhưng bài hát Trần Đình Quân phổ thông nhất trong sinh hoạt phong trào Du Ca lại là bài “Hát để nhớ đời và bài “ Những chiếc khăn “.

Những ca khúc “ thời thế “ của Trần Đình Quân là những bài có chiều sâu tâm tình, thể hiện qua những giai điệu phong phú và độc đáo. Lúc còn ở trường Phan Châu Trinh, tôi đã được nghe một bài hát ông lấy ý từ ca dao êm đềm để làm bật lên nét tương phản với tuổi thơ Việt Nam thời chúng tôi lớn lên; giai điệu bài hát “ Lời của tuổi 15 “ không phải để cho một em bé 15 tuổi hát, mà chính là những trăn trở và dằn vặt của một người thanh niên đối với thân phận tuổi thơ chúng ta ở vào một thời nhiều oan khổ. Ngoài những bài tình ca hiếm hoi ( mà chỉ cần một Khúc tình ca xứ Huế  thôi cũng đủ làm nao lòng bao nhiêu người suốt mấy chục năm qua ), Trần Đình Quân chỉ hát nhiều về những thao thức của mình ở hai đề tài lớn : chuyện nước non mình vào một thời nhiễu nhương, và thân phận những con người chới với đi tìm một muà xuân chưa hề tới. Ông hát về một thành phố tương lai, vào một thời không còn bom đạn, không còn cảnh tượng trường lớp bỏ không, mà là một thành phố có “ lớp học từ nay không vắng một ai “. Ông hát về những đồng cỏ xanh vắng bóng trẻ thơ thả diều mà nghĩ tưởng đến ngày rộn rã tiếng cười. Ông hát cả về những mãnh tâm tình thật riêng tư mà như  phản chiếu cả số phận của nhiều người : từ “ Bỏ trường mà đi “  đến “Xin cảm ơn “ là hai khoảng cách tâm tình rất ngắn của một người thầy giáo nghệ sĩ chỉ yên lặng nhìn những đổ vỡ trước mắt, để hát lên tiếng hát của những Kiều nhi giữa một đời nhiều gai nhiều hố.

Cuối năm 1972 tôi nhận được một lá thư ngắn của thầy, báo tin có thể sẽ sang Úc tu nghiệp ngành thư viện học đường. Thời gian này chiến tranh đã đến một ngã rẽ quan trọng, đánh dấu bằng hoà hội Paris. Trong một lá thư trước ngày lên đường, ông có nói đến những thao thức bồi hồi của mình về những biến động có thể rất lớn mà ông linh cảm là mình có thể không “ may mắn “ được nhìn tận mặt. Trong thời gian ông ở Úc, hai thầy trò vẫn thường liên lạc với nhau, thường chỉ xoay quanh những chuyện học thuật. Ông nhờ tôi tìm tài liệu về văn học trẻ thơ để làm khóa luận tốt nghiệp. Thế rồi khóa học kết thúc. Tôi nhận được một tấm ảnh nhỏ ghi lại hình ảnh Trần Đình Quân ôm đàn hát về những tâm sự rất riêng mà chung về một cổ tích , một huyền truyện đất nước một thời xa lạ.

Bẵng đi một thời gian rất lâu sau đó, tôi không có tin tức gì của thầy, vì qủa thật chẳng bao lâu sau khi ông về nước, những biến động lớn đã xô dạt nhiều người, rất nhiều người phải chia xa một thời kỳ rất dài. Cho đến năm 1982, một hôm, rất tình cờ, tôi gặp lại thầy tại sài Gòn. Ông vừa về lại thành phố không lâu, và đang dạy Anh văn tai Hội Trí Thức ở đường Nguyễn Thông. Nhưng tôi thì gặp thầy trong một quán café ở Bàn Cờ. Bồi hồi nhìn nhau trong hoàn cảnh tan tác, chúng tôi hỏi thăm nhau về gia đình và cuộc sống. Hai thầy trò lại nói với nhau những câu chuyện về thời thế, về những băn khoăn  đối với tương lai con cái, về những đổ vỡ quá lớn mà những người trí thức yêu tự do, yêu dân chủ phải trải qua sau một cuộc thay đổi trên quê hương mình trân quý. Ông vẫn thung dung, nhưng không kém dứt khoát về sự lựa chọn bắt buộc , vì tương lai hai cháu bé. Một lần nữa, tôi lại đọc thấy tâm cảnh của tôi qua những suy nghĩ của người thầy học cũ.

Những ngày mới định cư ở Anh Quốc, tôi thường tìm đọc báo khắp nơi để  cập nhật tình hình sinh hoạt của người mình ở ngoài này. Tôi gởi bài viết về Thế Kỷ 21.

Một hôm tôi nhận được một mãnh giấy nhỏ kèm theo trong số báo biếu và tiền nhuận bút. Tôi vui nỗi vui đoàn tụ khi nhìn chữ ký rất quen thuộc của ông. Từ đó thỉnh thoảng tôi lại nhận được từ thầy đôi ba dòng thông tin ngắn về những sinh hoạt văn nghệ của ông và một số cựu học sinh Phan Châu Trinh ở bên Cali. Cuộc mừng chưa được bao lâu thì lại bẵng tin. Một bạn văn cho biết tin thầy ngã bịnh.

Tôi chợt thấy từ nay thời gian như đọng lại. Tôi nhớ đến buổi sáng mùa đông năm xưa, ông đứng trên bục giảng và chừng như đang nói một mình về những xúc cảm lãng đãng của một chàng tài tử phiêu bồng về chốn xa vời, ở đó chỉ có “ nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi “. Tôi nhói lòng khi nghĩ đến cuộc chia xa từ đây giữa hai thầy trò. Từ nay, chỉ còn bảng lảng hình ảnh người thầy cũ  qua những khúc tâm tình dàn trải trên những dòng nhạc của tập ca khúc Vườn Dâu Xanh ông mới gởi cho không lâu. Tôi hiểu vì sao từ những ngày rất xa xưa ,trong hai năm ngắn ngủi tại trường Phan Châu Trinh, một người thầy trẻ đã để lại những ấn tượng vang động trong tâm thức một người học trò. Trong suốt thời gian dạy học của mình tôi có nhiều dịp nhìn lại mình, và phải nói là những ngày tháng ở Phan Châu Trinh thật là đẹp đẽ.

Nghiêm Y

starbar

Câu đối tiễn thầy Trần Đình Quân:
  

Dáng Tư Mã đã nương cánh hạc vàng 

hoàng hôn ngơ ngẩn thuỳ dương

vang vọng dư âm khúc tình ca xứ Huế

Người lương sư từng nêu gương hữu trách

tiếng hát du ca tha thiết 

Nức lòng mơ ngày ấy đất nước hồi sinh

Phạm Vũ Thịnh

starbar