Những Kỷ Niệm Với Sư Tịnh Đức

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

TTDuc duongVietDien

Tác giả và Sư Tịnh Đức
(Hình chụp trong chánh điện tại chùa Đạo Quang ở Dallas, Texas năm 2011 )

Sư Tịnh Đức tên thật là Tôn Thất Toản sinh năm 1944 tại Huế. Nhà tôi và nhà Sư Tịnh Đức nằm sát nhau, ở cùng xóm Tân Ninh, xã Thạc Gián, thuộc thị xã Đà Nẵng. Vì vậy, thưở nhỏ chúng tôi rất thân nhau và đi đâu cũng như hình với bóng. Chúng tôi chơi thân với nhau lúc đang còn học ở bậc trung học. Năm 1956, chúng tôi thi vào Đệ Thất trường Công lập Phan Châu Trinh, mặc dầu bài thi quá dễ nhưng vì hấp tấp nên tôi làm bài toán 1 giờ bằng 60 giây nên đành bỏ cuộc, phải học trường Tư thục Phan Thanh Giản. Sư Tịnh Đức trúng tuyển nên được vào học trường Công lập Phan Châu Trinh. Dù học hai trường khác nhau nhưng vì ở gần nhau cũng như chương trình bậc trung học giống nhau nên chúng tôi thường hay rủ nhau học chung. Sau khi tốt nghiệp bậc Trung học Đệ nhất cấp, tôi thi trúng tuyển vào Đệ Tam trường Công lập Phan Châu Trinh nên lại học chung một trường với Sư Tịnh Đức. Đang học Đệ tam, cuối năm tôi nộp đơn thi tú tài I và trúng tuyển. Sau khi xin học Đệ nhất thầy Ngọc hiệu trưởng không chấp thuận, lấy cớ thi băng làm anh em sẽ noi theo không tốt, tôi lại phải nhảy ra học trường tư thục lại. May mà lúc bấy giờ Trường Sao Mai ở Đà Nẵng mới mở lớp Đệ Nhất đầu tiên nên tôi xin vào học ngay. Nói chung thì trong thời gian theo học bậc trung học, tôi và Sư Tịnh Đức thường hay học chung với nhau như anh em một nhà vậy. Lúc đang theo học lớp Đệ Nhất trường Sao Mai, không biết sao tôi lại viết Nhật Ký chỉ có mấy tháng. Trong cuốn Nhật Ký này khi đọc lại tôi thấy ghi rất nhiều kỷ niệm với Sư Tịnh Đức vào thưở học trò :

 “Về nhà, tôi rủ Tôn Thất Toản ra ga học bài. Nhưng khi học được nửa bài thì trời hơi mưa và tôi cũng khá buồn ngủ nên rủ nhau về lại nhà. Toản là bạn thân của tôi ở trường Phan Châu Trinh. Nằm ngủ với nhau ở nhà Toản, tôi bảo:

- Toản ạ, bữa nay Toản cũng là nhân vật quan trọng trong tập nhật ký của mình đó. Toản cũng là một mầm  non của thi sĩ đấy. Toản làm thơ khá hay. Vì vậy, Điền bảo với Toản  rằng, biết đâu lớn lên, Toản là một thi sĩ nổi tiếng, nhưng nếu rủi Toản chết đi, Điền sẽ có tập nhật ký này và ghi lại đời Toản như Đinh Hùng ghi lại Huyền Kiêu, như Thanh Tâm Tuyền ghi lại Quách Thoại vậy. Vì thế, Điền bảo với Toản rằng, hễ có bài thơ nào hay, Toản cho Điền biết để học thuộc. Bữa nào Toản có sao đi, Điền mới lấy thơ để dẫn chứng chứ!

Toản chỉ cười rồi tự nhiên tôi nghe Toản ngáy khò khò. Toản đã ngủ? Vâng, Toản đã ngủ. Tôi cũng nhắm mắt ngủ theo.”

(Trích Nhật Ký Thưở Học Trò, xuất bản năm 2011, trang 15 và 16)

“ * 4 giờ chiều.

Học xong hai bài Hóa, tôi lấy tập thơ “Vương sầu” của mình ra ngâm Tao Đàn. Tôi hát thì còn đỡ chớ ngâm thơ thì dở “ẹc”!

Viết đến đây thì nghe Toản đang ngâm thơ bên nhà cậu ta. Toản ngâm suốt ngày vậy và thổi sáo cũng khá nữa.

Toản có học võ sơ sài như tôi. Thỉnh thoảng hai đứa “dợt” tập chơi cho vui thôi. Toản là bạn thân của tôi từ hồi tôi vào ở Đà Nẵng. Hai đứa cứ gần nhau như bóng với hình. Ở lớp, Toản có biệt hiệu là “thầy bói” vì bộ điệu đi đứng của Toản giống hệt mấy ông thầy bói vậy à!

Toản làm thơ cũng được lắm. Toản có mấy bài thơ đăng trong tạp chí Đệ Nhị A Phan Châu Trinh năm 1962-63. Khi thì Toản lấy bút hiệu Hoàng Huy Lữ, khi thì Lãng Tử, có khi lấy tên thật.

Toản có cho tôi một số bài quay ronéo, đủ cả các bài trong tạp chí Đệ Nhị A, nhưng chưa đóng thành sách thôi.

Sau đây là bài “Hoa Soan” của Toản dưới bút hiệu Hoàng Huy Lữ mà hắn nói là loại thơ bạch nga:

             Hoa Soan

Năm nay trời sao lạnh? Gió rì rào tê buốt tận xương

Vài nàng soan e lệ nép mình ngơ ngác giữa mây vương

Đưa tay nhẹ kéo màn mưa lạnh, khỏa mình trong nức nở

Tóc lệ buông rơi vài chiếc rụng, khóc đông về dang dở

Chàng đi theo số phận: mùa đông, để nàng lại bơ vơ

Chàng đã hẹn sẽ về khi xuân tới dệt áo nàng thơ

Nhưng nàng khóc mãi, khi nhìn lão mai vàng vươn sức sống

Khoác áo màu bơ vơ vàng dại, lặng ngắm trời mơ mộng

Mặc nàng soan vọng trông chồng về xây lại mối tình xưa

Đang dang dở giữa mưa rơi buồn và gió lạnh nhẹ đưa

Ồ! Chàng trở lại, nàng ngẩn ngơ, đông tàn trên đất Việt

Mau quá nhỉ, sao lạ thay ba tháng qua nàng mải miết

Khóc trông chàng chẳng biết đến thời gian.

Và đây là bài “Chiều đông” với bút hiệu Tôn Thất Toản:

Chiều nay

Gió lạnh

Mưa bay

Hiu quạnh

Trăng rơi

Chơi vơi

Ai ơi!

Sao lạnh...

Vương sầu

Mộng nhớ

Bên cầu

Nức nở

Nàng liễu

Đìu hiu

Đăm chiêu

Thổn thức.

Tôn Thất Toản ”

( Trích Nhật Ký Thưở Học Trò, trang 23, 24)

“ * 1 giờ kém 15 khuya.

Tối nay, tôi với Toản ra biển học vui lạ. Trước khi học, tôi đi dạo một vòng quanh một góc bờ biển. Ố là là! Cách 10 bước có một cặp trai gái ngồi “auréaumicine” với nhau. Học đến 11 giờ, hai đứa tôi về nhà.

* 10 giờ ngày 6/4/1963.

Mấy bữa nay bận học bài quá không có giờ viết nhật ký. Hôm nay học xong, thấy mệt và buồn, lại lấy nhật ký ra viết.

Đêm hôm kia 4/4/63, tụi tôi, Trinh, Trạch, Toản và 2 cậu Đệ Tứ học ở biển vui lạ. Tụi tôi tổ chức nấu chè và xôi ăn thử như lửa trại.

Mấy người kia mỗi người nộp 10$, tôi không nộp gì hết, chỉ đi mua cho họ một bao diêm 3$ là được xực cả xôi lẫn chè.”

( Trích Nhật Ký Thưở Học Trò, trang 86 )

Ngoài những kỷ niệm về thưở học trò nói trên, tôi còn nhớ vào một đêm khi ánh trăng lưỡi liềm toả ánh sáng mờ ảo xuống trần gian, sau khi chúng tôi dợt với nhau một vài đường  quyền, cước,  Sư Tịnh Đức liền leo lên cây sầu đông trước nhà ngồi thổi sáo. Tiếng sáo Sư Tịnh Đức thổi trong đêm khuya thanh vắng sao mà buồn vời vợi, làm tê tái cõi lòng những ai vẫn còn thức giữa đêm trường. Năm 1964, lúc tôi đang theo học tại Đại Học Luật Khoa ở Huế, thì Sư Tịnh Đức học khoa SPCN( Sinh Hoá) cũng tại Đại Học Huế. Nhân dịp có mấy ngày nghỉ lễ, tôi và Sư Tịnh Đức rủ nhau về Đà Nẵng thăm nhà. Vào một buổi tối khi các nhà trong thành phố vừa lên đèn, Sư Tịnh Đức rủ tôi đi dạo phố. Nào ngờ khi đang đi trên đường Ông Ích Khiêm, Sư Tịnh Đức bảo tôi theo Sư ghé vào tiệm thợ may bên đường có chút việc. Vừa vào tiệm, Sư hỏi người thợ may để lấy bộ áo quần. Khi thấy bộ áo quần người thợ may trao cho Sư Tịnh Đức là bộ áo quần màu nâu sòng giống như áo quần của các chú tiểu mặc ở trong các chùa, tôi rất ngạc nhiên rồi tròn xoe đôi mắt hỏi:

-        Chơ bộ Toản đi tu há?

Sư Tịnh Đức trả lời:

-        Ừ, mình đi tu!

Thế rồi sáng hôm sau, Sư Tịnh Đức từ giả tôi, từ giả tất cả mọi người trong xóm rồi lên chùa Phổ Đà toạ lạc tại đường Phan Chu Trinh để đi tu. Quyết định xuất gia của Sư Tịnh Đức xảy ra nhanh quá làm tôi rất ngạc nhiên. Để rồi mười mấy năm sau tôi mới gặp lại khi Sư Tịnh Đức về nhà thăm gia đình. Lúc ấy tôi đã gia nhập quân đội.

Sau biến cố 30 tháng 04 năm 1975, tôi bị bắt đưa vào trại tù cải tạo nên không biết cuộc đời tu hành của Sư Tịnh Đức như thế nào. Mãi đến năm 1990, khi tôi sang Mỹ theo diện HO mới gặp lại Sư Tịnh Đức ở California vì lúc bấy giờ, Sư Tịnh Đức đang là Viện chủ chùa Pháp Vân.

Lần đầu tiên gặp lại Sư Tịnh Đức trên đất Mỹ, khi tôi nhắc lại chuyện múa võ giữa Sư và tôi lúc còn thưở học trò ở quê nhà, Sư Tịnh Đức liền đi một đường quyền rồi bất thần đá vào chân tôi làm tôi thất kinh! Nhanh như chớp, tôi liền nhảy sang  một bên đứng thủ thế ngay. Hình ảnh nầy làm tôi và Sư Tịnh Đức cứ tưởng hai người đang đấu võ với nhau giữa đêm khuya thanh vắng dưới ánh trăng mờ, trước nhà Sư trong xóm Tân Ninh, xã Thạc Gián ở thành phố Đà Nẵng cách đấy khoảng 30 năm và cách bây giờ nửa thế kỷ. Khi thấy tôi nhảy sang một bên rồi đứng thủ thế, Sư Tịnh Đức vừa cười vừa nói:

-        Thấy chưa, võ bây giờ khác võ trước đây xa.

Nghe Sư Tịnh Đức nói vậy và nhìn đường quyền Sư mới biểu diễn, tôi biết Sư Tịnh Đức giờ đây võ nghệ quá cao cường rồi sau khi chúng tôi xa nhau mấy chục năm mới gặp lại. Tôi nhớ thưở học trò, tôi có học một bài quyền do người bạn tên là Thái Đình Cương học cùng lớp tôi ở trường trung học Phan Thanh Giản bày vẽ. Nhan đề bài này tên gì tôi không nhớ, nhưng tôi cũng đã học thuộc lòng bài quyền này. Dĩ nhiên vì cách đây đến nửa thế kỷ nên chắc chắn tôi không thể nhớ đúng hết các chữ được, có thể sai rất nhiều từ. Nội dung bài quyền ấy như sau:

Phụng hoàng tranh tiết dĩ

Mảnh hổ đá song phi

Song long truyền bửu điệp

Phóng chấn võ đại kỳ

Thần long a nhất sắc

 Ngưu dược dước song phi

 Kim kê thám tử lộc

 Bái tổ hà vinh quy.

Sau đó tôi cứ lấy bài quyền nầy phân thế ra rồi đấu với sư Tinh Đức. Dĩ nhiên đây là bài quyền có tính cách vỡ lòng cho người mới học nên chẳng có gì là cao siêu lắm. Vì vậy khi thấy Sư Tịnh Đức đi một đường quyền kỳ lạ rồi đá vào chân tôi, tôi biết chắc Sư Tịnh Đức giờ đây đã là một vị Sư cao thủ võ lâm rồi. Còn nhớ cái thưở học trò khi học chung với nhau, tôi thấy Sư Tịnh Đức rất say mê đọc chuyện Phong Thần. Trong các tiểu thuyết Phong Thần, có nhiều chương nói về các vị Sư mỗi lần đi xuyên rừng vượt núi, khi gặp thú dữ thường hay dùng võ nghệ để vừa phòng thân, vừa cứu người. Không lẽ sau khi trở thành một vị Sư khả kính, Sư Tịnh Đức đã tiếp tục luyện võ nghệ để cứu người khi băng rừng vượt suối như những vị Sư cao thủ võ lâm trong các chuyện Phong Thần mà Sư đã say mê như thưở còn đi học? Khi tôi vừa qua Mỹ, Sư Tịnh Đức có ghé nhà thăm gia đình tôi. Sau đó Sư Tịnh Đức chở tôi đi San Jose chơi, luôn tiện thăm viếng người quen của Sư là anh Trần Minh Lợi, em ruột của anh Trần Minh Tài sau này trở thành Sư Khánh Hỷ. Anh Trần Minh Tài cũng là bạn của tôi và Sư Tịnh Đức lúc chúng tôi đang còn theo học tại trường Phan Châu Trinh ở Đà nẵng.

 Vào tối thứ bảy ngày 21 tháng 12 năm 2002, Sư Tịnh Đức gọi điện thoại thăm tôi rồi đọc cho tôi nghe hai bài thơ Sư mới sáng tác. Nội dung hai bài thơ như sau:

-Bài thứ nhất  :

               Xuân cảm

Xuân đến mọi người rộn rả vui

Thở dài không lẽ một mình tôi

Soi guơng nhìn thấy đầu bạc trắng

Mình đã già thêm tuổi nữa rồi

                ***

Có còn đủ sức về phục quốc

Hay chết quê người hận chữa vơi !

Hỡi ai đất khách cùng tâm sự

Nặng nhớ quê hương nửa cuộc đời

                                 Tịnh Đức

-Bài thứ hai:

Cảm tác

Sáng ra gở tờ lịch

Thấy gần hết năm rồi

Lại thêm một xuân nữa

Xuân lưu lạc quê người

                     Tịnh Đức

Năm 2008, nhân dịp qua chùa Pháp Vân dự Lễ Dâng Y và luôn tiện tham dự Ngày Hội Ngộ Liên Trường Quảng Nam & Đà nẳng ở Quận Cam, Sư Tịnh Đức mang tặng tôi một tập thơ với  tựa đề “ Tuyển Tập Thơ Văn”.

TTDuc duongVietDien2B
Từ phải: -Tác giả, Sư Tịnh Đức, hai cựu học sinh trường Phan Châu Trinh, Đà nẵng.
(Hình chụp trong ngày Đại Hội Liên Trường Quảng Nam & Đà Nẵng tại Quận Cam, California)

Sau đó thỉnh thoảng Sư Tịnh Đức gọi điện thoại thăm tôi rồi khuyên tôi nên đi tu cho rồi. Vào năm 2011, Sư Tịnh đức gọi điện thoại bảo tôi sang chùa dự Lễ Vu Lan cho vui. Thế là tôi mua vé may bay để qua trước là thăm Sư, sau là để vừa tham dự Lễ Vu Lan vừa xem ngôi chùa do Sư Tịnh Đức hiện là Viện Chủ như thế nào. Vì thế trong dịp Lễ Vu Lan năm 2011 này, tôi đã sống trọn vẹn với Sư Tịnh Đức tại chùa Đạo Quang được mấy ngày.Vào một buổi chiều lúc Sư Tịnh Đức nhàn rỗi, chúng tôi ngồi bàn chuyện dân chúng Việt Nam đang bị Công sản cai trị và ước mơ sao đất nước sớm được giải phóng khỏi ách độc tài của Cộng sản. Hai bài thơ Sư Tịnh Đức đọc điện thoại cho tôi nghe năm nào như đã được đề cập ở trên cho thấy, Sư Tịnh Đức luôn luôn nghĩ đến tiền đồ của đất Việt và tâm hồn Sư luôn luôn ước mơ một ngày nào đó, hoa tự do sẽ nở rộ trên quê hương. Nhưng rồi đợi chờ mãi biết đến ngày nào đây? Vì vậy Sư Tịnh Đức bỗng đọc cho tôi nghe hai câu thơ của Sư sáng tác từ lâu rồi:

“Bao năm nuôi mộng về phục quốc

Đến giờ khởi nghĩa đứng tim “đai”

Sư Tịnh Đức vừa đọc xong tôi liền hỏi:

-        “Đai” là gì Sư ?

Sư Tịnh Đức trả lời:

-        “Đai” tiếng Anh là to die, là chết chứ gì nữa!

Sau đây là một số hình ảnh tại chùa Đạo Quang trong ngày Lễ Vu Lan năm 2011:

TTDuc Vulan1

Chùa Đạo Quang

TTDuc Vulan2

Hai nữ danh ca Thanh Thuý và Thanh Châu đang trình diễn trong ngày Lễ Vu Lan tại chùa Đạo Quang

TTDuc Vulan3

Điện thờ trong chùa Đạo Quang

TTDuc Vulan4 Các Sư đang đọc kinh trước khi thọ trai trong ngày Lễ Vu Lan
  
TTDuc Vulan5

Điện thờ các vong linh

TTDuc Vulan6

Di ảnh 7 vị tướng lãnh của QLVNCH trong điện thờ các vong linh tại chùa Đạo Quang.

TTDuc Vulan7

Các Phật tử đang trình diễn văn nghệ trong ngày Lễ Vu Lan

California, ngày 25 tháng 09 năm 2012
Dương Viết Điền
PCT niên khoá (1961-1962)